có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 5 21, 2017

Người thiếu phụ




(tr. 421- 438 TẬP THƠ TRUYỆN KHÔNG QUÂN THỜI CHIẾN/ Nxb Vàng son, Saigon 1974).


Theo hướng tay chỉ của thượng sĩ Hoàng -- anh áp tải trong phi hành đoàn-- người thiếu phụ ăn mặc lam lũ; một tay dắt đứa nhỏ chừng lên 3, một tay bế đứa bé còn đỏ hỏn đi về phía tôi. Nước mắt lưng tròng, chị nghẹn ngào nói:

- Thưa thiếu tá, thương tình cho mẹ con tôi xin một chỗ về Sài gòn. Tôi chờ phi cơ từ 2 hôm nay rồi; mà chưa đi được. Cháu nó khát sữa, khóc hoài. Tội nghiệp quá!

Tôi ái ngại hỏi:

- Bà có giấy tờ gì để đi phi cơ quân sự không?

Buông đứa nhỏ lên 3, chị cho tay lần vào túi áo; lấy ra một tập giấy nhầu nát:

- Trình thiếu tá, tôi chỉ có giấy tờ khai tử của chồng tôi vừa mới mất. Còn đây là thẻ căn cước và tờ hôn thú của tôi với người quá cố.

- Sao bà không đến phòng xã hội của đơn vị để họ lo giấy tờ và phương tiện di chuyển cho? -- tôi hỏi.

Bỗng nước mắt chị dàn dụa:

- Thưa vâng, cũng có mấy người chỉ cho cách đó và tôi đã làm. Tôi được xếp vào danh sách những người áp tải quan tài nhà tôi. Nhưng ông trung úy trưởng trạm hàng không vừa mới cho hay, cái tàu chở quan tài hôm nay bị hỏng; cho nên phải chờ thêm một ngày nữa. 

Tôi nhìn thấy đằng xa kia còn mấy quan tài phủ lá quốc kỳ và hàng chữ 'Tổ quốc ghi ơn'. Tôi nhíu mày suy nghĩ, lòng xót xa quặn thắt: một hình ảnh ...

Người thiếu phụ sợ tôi từ chối, tiếp tục van lơn:

- Thưa thiếu tá, tôi phải bỏ quan tài nhà tôi ở đây; mà xin được theo thiếu tá về trước; biết là không phải đạo -- nhưng 2 cháu hết chịu nổi cơn nắng cháy da này; và, tôi không còn một đồng xu dính túi. Ở đây, tôi 'tứ cố vô thân'.

Tội đáp:

- Xin bà hiểu cho rằng chúng tôi có lệnh của thượng cấp là không được chở bất cứ hành khách nào mà không có tên trong hành khách biểu ...

Tôi nói chưa dứt câu; thì đứa bé trên tay chị khóc thét lên từng hồi, xé nát tâm can. Tôi cũng có những đứa con nhỏ dại như thế. Nếu mình -- tôi thầm nghĩ -- không may nằm xuống; thì vợ con mình cũng đến vậy thôi. 

Câu nói dở chừng của tôi ở trên; cho người nghe là lời mở đầu cho sự từ chối khéo.

Gương mặt chị đã thiểu não vì tóc tang; lại càng hốc hác vì thất vọng. Không thể nhẫn tâm hơn; tôi nói nhanh:

- Thôi được, đánh liều giúp mà một phen. Chẳng may cấp trên khám phá được; thì tôi đi 'nằm ấp' [đi tù] cũng cam.

Giữa lúc nói chuyện với người thiếu phụ, một hình ảnh hiện ra trong tiềm thức tôi rất rõ ràng. Tin báo đăng một goá phụ dẫn 3 đứa con lên mộ chồng cùng uống thuốc độc tự vận; và để lại bức thư tuyệt mạng thống thiết:

"Xin anh tha tội cho em. Em không đủ sức nuôi nấng và dạy dỗ các con cho đến ngày trưởng thành. Các con và em đói từ ngày này sang ngày khác. Em không thể hành cái nghề làm nhục tổ tiên; thôi thì đành chết cho vẹn niềm chung thủy".


Thằng trung tá Mễ, tiểu đoàn trưởng 11 Dù đứng bên tôi nãy giờ yên lặng theo dõi; có vẻ nó đang hồi hộp chờ đợi. Bây giờ mắt nó bỗng rạng lên, theo với nét mặt hân hoan của người thiếu phụ. Nó biết tôi đang bị kẹt nhiều chuyện, nên nó không dám xía vô can thiệp; như là nói giúp một câu. Khi nghe tôi quyết định giúp đỡ người thiếu phụ, nó sung sướng;

- Tụi mình là kẻ đi trong lằn tên, mũi đạn. Sống chết dễ như trở bàn tay. Mỗi ngày làm được một điều thiện, là ơn trên phù hộ cho qua hết.

Tôi mỉa mai:

- Nhờ mày tí! Bộ làm việc thiện để hối lộ thần linh chắc? Trên đời khối thằng ác độc dã man, mà chúng càng ngày càng giàu có, hạnh phúc tràn trề; lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ đó thôi? Chúng nó sống 'phây phây'; đạn pháo kích có trúng tụi nó đâu?

Nó khều tôi, trả lời ngay:

- Tao 'cóc' thèm lý luận với mày. Giọng mày lúc nào cũng nặng phần cay cú. Trong khi chờ đợi, hãy vào quán uống với tao một ly cho đã khát.

- Sức mấy mà tao cay cú! Sự thực nào mà chẳng phũ phàng.

- Ừ, thì đồng ý với mày. Bố khỉ!

Mễ quay sang người thiếu phụ:

- Đi chị, vào đây kiếm chút sữa cho cháu nó khỏi khóc. Đánh nhau tơi bời ngoài mặt trận mạc bao nhiêu, tôi cũng chịu được; chứ nghe tiếng trẻ con khóc là chân tay tôi muốn rụng rời.

Người thiếu phụ theo chúng tôi như cái máy. Thằng Mễ vừa cúi xuống bế đứa bé lên 3, vừa nựng:

- Vào trong này bác pha sữa cho con uống nhá!

Thằng bé ngoan ngoãn gật đầu dễ thương quá. Chao ơi tuổi thơ Việt Nam sao mà chua xót, đắng cay. Cha của của các con đâu?!

Ngồi vào bàn; chúng tôi lựa lời nhỏ nhẹ mời người thiếu phụ:

- Xin bà đừng ngại ngùng. Chúng tôi khuyên bà nên dùng chút cháo dằn bụng, trước khi đi phi cơ. Đáng tiếc, ở Phú Bài này chẳng có thức ăn nào khác. Bà nên xem tụi tôi như những chiến hữu của ông nhà.

Nàng từ tốn:

- Dạ, cảm ơn thiếu tá lắm. Chẳng những thiếu tá đã giúp đỡ phương tiện mà còn sắn sóc tận tình, thực quả không biết nói sao.

Nàng loay hoay cho con uống sữa; trong khi đó, nàng chẳng thiết nhìn tô cháo đã được bưng ra từ lâu.

Tôi hiểu rằng đứng trước đau khổ tột cùng, người ta không khỏi ngơ ngác tâm thần; chẳng còn để ý gì đến thân mình nữa.

Mễ giục:

-Ô hay! Bà ăn đi rồi còn về chứ; bụng đói mà đi phi cơ dễ ngất xỉu lắm đấy!

- Dạ vâng, các ông để mặc tôi. Chắc tôi nuốt không nổi quá, mặc dầu đang đói lắm -- giọng nàng thanh thực.

Tôi an ủi:

- Bề nào ông nhà đã hy sinh đền nợ nước. Bà hãy lo lấy thân để nuôi các cháu thành người. Thời buổi này ...

Người thiếu phụ quan sát tôi, rồi hỏi:

- Xin lỗi thiếu tá, có phải thiếu tá là con bác Đốc, và là anh của Loan không?

Tôi ngạc nhiên:

- Vâng, đúng rồi. Tôi là Nguyễn, anh ruột của Loan đây. Nhưng sao bà biết?

- Em là Nhung, bạn học của Loan hồi ở Trưng Vương, có lẽ anh không nhận ra em à? Em nhìn bảng tên trên ngực áo anh, và quan sát cung cách anh nói chuyện.

Tôi kêu lên:

- Trời vậy em là Nhung hả? Có phải Nhung, con bà Tú ở Cẩm Giàng/ Bắc Giang không?

Người thiếu phụ cắn chặt đôi môi, khe khẽ gật đầu.

Tôi hỏi nhanh:

-Nhung? Em làm sao mà ra nông nỗi này? Em héo hon, tiều tụy quá mức. Dẫu 15 năm trời, anh em mình không gặp nhau; nhưng anh đâu ngờ em điêu linh như ngày hôm nay, đến nỗi anh không nhận ra được? 

Nàng úp mặt vào tay nức nở, nghẹn ngào. Đôi vai gầy guộc run run lên từng hồi.

Tôi chết lặng , sững sờ. .. -- chờ nàng qua cơn tủi phận... -- và tôi nhớ lại:

Bác Tú, ba Nhung ngày xưa là thầy học của tôi. Bác theo Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục rất tích cực. Thất bại, bị giặc Pháp bỏ tù nhiều phen. Là bậc thâm Nho, giàu lòng ái quốc, bác luôn luôn ưu tư đến thân phận người dân nhược tiểu. Tuy dạy môn Pháp văn, nhưng lúc nào bác cũng nhắc nhở học trò đừng bao giờ quên rằng mình lá con dân nước Việt. Ngọn lửa cách mạng của bác Tú đã gieo vào đầu óc tuổi trẻ. Con người bác cốt cách Nho phong; mà tâm hồn vươn lên cao như núi lớn. Những người bạn học cũ của tôi, cho đến bây giờ, cón nhớ câu nói bất hủ của bác: "Hãy tự hỏi mình đã làm được gì cho tổ quốc; chứ đừng bao giờ hỏi tổ quốc đã al2m gì cho mình." Về sau, John F. Kennedy cũng phát biểu tương tự như thế; và, được người đời nay xếp vào loại danh ngôn [của một vị tổng thống Hợp chủng quốc].

Ngược lại, Nhung và Loan là học trò của tôi về môn Toán; riêng Nhung học xuất sắc lắm. Tôi xem Nhung như em gái của mình.

Nhung ngước lên nhìn tôi; đôi mắt nhỏ lệ. Tôi hỏi:

- Thế chồng của Nhung là ai vậy? Và lấy nhau từ bao giờ?

Nhung đáp:

- Thưa anh, chồng em là Lâm, bạn cùng học với em ở Đại học Chính trị Kinh doanh; tụi em lấy nhau khi ra trường; tính tới nay đã được 7 năm rồi ...

Ngừng một lát, nàng tiếp:

- Lâm bị động viên đi Thủ Đức, ra trường được thuyên chuyển về làm ở Quân Tiếp Vụ được hơn 1 năm. Nhân lúc có phái đoàn thanh tra đến đơn vị, Lâm đứng ra tố cáo cấp trên tham nhũng, với đầy đủ bằng cớ hẳn hòi. Kết quả, Lâm bị tống đi làm đồn trưởng Địa Phương Quân tại Vùng 4 Chiến thuật. Làm chỉ huy một trung đội; mà quân số dưới tay chỉ vỏn vẹn có 4, 5 người lính. Lâm sợ quá, nên đào ngũ; Và kể rằng không sợ đánh nhau; nhưng ở tiền đồn hẻo lánh; mà ngo ngoe có mấy tên lính như vậy; thì phòng với thủ cái nỗi gì, có ngày toi mạng oan uổng. Một thời gian sau; Lâm bị bắt, giam ở Quân lao Gò Vấp; rồi được ân thích vào dịp Ngày Rằm Xá Tội Vong Nhân; để phục vụ dưới cờ trở lại. Lâm buồn chán sự đời; tình nguyện vào lính Hắc Báo ở ngoài Vùng 1 này.

- Thế cô ra nhận xác chồng; mà mang theo 2 con làm chi cho vất vả?

- Dạ không phải vậy. Lâm bị thương nặng, về nằm tại Quân Y viện Nguyễn Tri Phương. Lâm nhắn em ra thăm nuôi; và yêu cầu mang theo các con theo, cho anh được gặp mặt. Tội nghiệp Lâm chịu đau đớn vì vết thương; chừng đâu nửa tháng, thì mất. Tiền đem theo để lo lắng cho Lâm, em hết nhẵn, đến nỗi hôm kia, em phải bán cái nhẫn cưới luôn.

Lòng chùng xuống như một sợi dây đàn căng sắp đứt, tôi thở dài:

- Loan, em của anh không đẹp và học giỏi bằng em; thế nhưng đời nó sung sướng hơn em nhiều.

Mễ xen vào:

- Con người ta đều có số phận cả. Thời đại chúng ta là một thời đại bi thảm. Cuộc đại biến động đã xảy ra; chúng ta đang sống giữa những đổ nát, hoang tàn. Bây giờ không có con đường bằng phẳng nào dẫn tới tương lai; nhưng chúng ta đi vòng quanh, thì cũng đành phải bò qua thôi. Chúng ta phải sống mà, thây kệ bao bầu trời đã sụp.

- Xếp mày lại một bên đi -- tôi gắt -- lại đọc văn của William Faulkner đấy phải không, Mễ?

Mễ cười tinh quái:

-Tài nhỉ, ông tinh như ma; chả có gì giấu được ông hết. Mới chỉ thóang qua đã nhận ra là văn Faulkner rồi. Cho mày hay nhé; tao đã từng ăn, ngủ bên cạnh xác chết đồng đội. Tao rất buồn, khi nhìn những đứa bạn, những thằng em gục ngã một cách đau thương. Nhưng chỉ hôm sau thôi; tao vẫn cười với nhân thế như thường. Mày đừng tưởng tao đọc văn Faulkner rồi sống thì khắc kỷ như Alfred de Vigny, nhé. 

Mễ nốc cạn ly bia, tiếp lời:

- Thế rồi anh cố vấn Mỹ da đỏ của tiểu đoàn tao mới hỏi rằng:

' ... Sir có thể giải thích cho tôi hiểu; sao dân tộc Việt Nam tang tóc triền miên như thế; mà lúc nào trên môi cũng điểm nụ cười, được? (...) Mày biết sao không, nó nghe tao trả lời xong thì ngày hôm sau hắn đem biếu tao chai 'Martel Cordon Bleu' và 2 lon 'potatoes chip' đấy mày ạ. 

(...) - tạm lược một số dòng chữ; có thể nhiều hay ít . (Bt)


***

Phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất xong, vừa đúng lúc cơn mưa lớn vừa ập tới. Tôi đưa mẹ con Nhung về trong khu lao động đường Bàn Cờ. Nhiều nơi bị nước ngập, xe muốn chết máy. Căn nhà vắng hoe, tồi tàn. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Em ở đây một mình thôi sao, Nhung?

Nàng đáp:

- Vâng, từ ngày ba em qua đời, em lấy chồng; còn mẹ em lên Bình Long ở với vợ chồng anh Thái. Chắc anh còn nhớ anh Thái, anh của em từng là cầu thủ của Chu văn An, hồi đó? Anh Thái làm trong hãng Michelin của Pháp. ... 


***

Tôi trao số bạc của Mễ [tôi vừa vay Mễ ] trao cho Nhung-- và hứa sẽ lo toan việc ma chay của Lâm. Tôi bảo Nhung trả ngôi nhà này lại và dọn về ở với gia đình chúng tôi. 

- Nhà anh tuy chật hẹp nhưng vợ anh sẽ hân hoan đón tiếp mẹ con em. Anh thường nhắc chuyện về hai bác và anh Thái, và cả em nữa, với vợ anh luôn. Chắc chị ấy sẽ vui mừng khi gặp em. Chị hiền lành, biết yêu thương người hoạn nạn, sống giản dị và cam phận....


Đặng Văn Âu
tháng 10, năm 1974.


(Trích trong Tập thơ truyện không quân thời chiến, nxb Vàng Son, Saigon 1974)