Thưa quý vị, trong khi phê bình hay đánh giá một nhà thơ, ít có ai dám khẳng định rằng thơ của ông này hoặc của bà nọ là hay nhất, là vượt trội nhất so với tất cả các nhà thơ khác. Nói như vậy là đại ngôn, là cường điệu và chắc chắn sẽ bị rất nhiều người bắt bẻ. Biết thế nhưng tôi vẫn dám nói mà không sợ sai lầm rằng Du Tử Lê ít ra cũng có một cái nhất so với tất cả các thi sĩ khác, đó là thơ của Lê được người ta phổ nhạc nhiều nhất.
Vâng, nếu quý vị có lúc nào rảnh rỗi ngồi đếm thử con số những bài thơ được phổ nhạc của tất cả các thi sĩ từ trước tới bây giờ, rồi đem so sánh với nhau, như tôi đã có lúc lẩn thẩn làm chuyện đó, thì quý vị sẽ thấy đúng như tôi vừa nói. Những thi sĩ lớn của chúng ta từ thời tiền chiến như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, qua đến thời chiến tranh như Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan ở ngoài Bắc, Vũ Hữu Định, Phan Lạc Tuyên, Trần Dạ Từ, Nhã Ca ở trong Nam cho tới những người làm thơ hôm nay ở hải ngoại như Luân Hoán, Ngu Yên, Hồ Minh Dũng, Lê Thị Thấm Vân, mỗi người đều làm ra rất nhiều bài thơ hay, mà đâu có mấy bài được phổ thành ca khúc?
Trác tuyệt như Tản Đà, theo chỗ tôi biết, chỉ có 1 bài "Tống Biệt" được Võ Đức Thu phổ nhạc. Lẫy lừng như Vũ Hoàng Chương, với cả mấy trăm bài bất hủ mà không thấy có bài nào được biến thành ca khúc phổ thông, ngoại trừ bài "Hoàng Hạc Lâu", (thơ dịch) do Cung Tiến phổ nhạc. Thắm thiết như Nguyễn Bính cũng chỉ có dăm ba bài được nhiều người biết đến như "Cô Hái Mơ" hay "Trăng Sáng Vườn Chè". Những thi sĩ thuộc các trường phái thơ mới hay thơ tự do như Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên... thì tương đối có nhiều bài thơ được phổ nhạc hơn, nhưng nhiều thì cũng chỉ đến con số vài ba chục bài là hết.
Riêng Du Tử Lê thì phải nói là một hiện tượng lạ lùng. Số lượng thơ phổ nhạc của Lê, theo như tác giả cho tôi biết ít ra cũng phải 300 trăm bài. Một mình Trần Duy Đức thôi đã phổ nhạc cũng phải tới 20 bài thơ của Lê rồi. Song Ngọc cho tới năm ngoái đã phổ nhạc được trên 30 bài. Khang Thụy ở Việt Nam, cũng trên 30 bài... Nữ nhạc sĩ Tâm Khanh, hiện ở Florida, cũng đã phổ trên 20 bài... Hầu như tất cả các nhạc sĩ danh tiếng như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Nguyễn Hiền, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Anh Bằng, Việt Dzũng, Đăng Khánh, Anh Việt, Trầm Tử Thiêng... vân vân... đều có rất nhiều những bản nhạc được bắt nguồn cảm hứng từ thơ Du Tử Lê.
Vậy thì yếu tố nào đã khiến cho thơ Du Tử Lê được phổ thành ca khúc nhiều đến như vậy? Tôi đã thử tìm tòi phân tích theo những tiêu chuẩn khách quan như ý thơ, tứ thơ, hơi thơ, hình ảnh thơ, cấu trúc của bài thơ, để xem thơ Du Tử Lê có những thành tố nào độc đáo không tìm thấy được nơi các nhà thơ khác, khiến cho các nhạc sĩ phải đặc biệt chiếu cố đến thơ anh.
Nhưng tôi thấy câu trả lời nào cũng không ổn. Thí dụ: phải chăng là vì những hình ảnh trong thơ Du Tử Lê cô đọng và xúc tích hơn người? Thế bộ những hình ảnh trong thơ Vũ Hoàng Chương mà không cô đọng và xúc tích à? Hay là vì thơ tình của Du Tử Lê gợi được nhiều xúc động mãnh liệt trong lòng người? Thế nhưng thơ tình của Đinh Hùng cũng gây được những xúc động mãnh liệt không kém nếu không muốn nói là hơn. Vậy mà ngoài bài "Mộng Dưới Hoa", bạn có thể đếm cho tôi được bao nhiêu bài thơ khác của Đinh Hùng được người ta phổ nhạc? Nếu có, tôi chắc cũng chỉ là ở trên đầu ngón tay.
Phân tích những yếu tố khách quan không đủ, tôi bèn đi tìm hiểu ý kiến chủ quan của các nhạc sĩ xem tại sao họ lại đua nhau phổ thơ Du Tử Lê thật nhiều mà các thi sĩ khác thì tương đối ít. Và bởi thế, mỗi khi có dịp gặp gỡ nói chuyện với họ tôi đều hỏi họ điều này.
Tôi nhớ trước đây khoảng 15 năm, Phạm Đình Chương từ Cali sang miền Đông chơi với bạn bè. Chúng tôi tụ họp lại để đàn hát. Phạm Đình Chương nói:
"Moa vừa phổ nhạc được 1 bài thơ của Du Tử Lê. Thú lắm, để moa hát cho mà nghe."
Anh ngồi vào piano, đã định hát nhưng trông thấy Quỳnh Giao có mặt ở đó, anh bèn gọi Quỳnh Giao đến và đưa cho cô bản nhạc chép tay của anh. Quỳnh Giao vốn là cô giáo dạy nhạc nên chỉ nhẩm qua một chút là hát được liền, và cô hát rất hay. Đó là bài "Đêm, Nhớ Trăng Saigon".
Nghe hát xong, tôi bèn hỏi:
"Sao bạn lại lựa chọn nhiều bài thơ của Du Tử Lê để phổ nhạc như vậy? Thơ Du Tử Lê có cái gì hấp dẫn bạn hơn là thơ của người khác không?"
Câu hỏi bất chợt khiến Phạm Đình Chương hơi bỡ ngỡ. Hình như anh chưa bao giờ suy nghĩ về chuyện đó cả nên anh trả lời:
"Moa cũng chẳng biết tại sao. Moa chỉ tình cờ đọc được bài 'Đêm, Nhớ Trăng Saigon', moa thấy những hình ảnh gợi lên trong đó tuy bình dị mộc mạc nhưng nó cứ bám riết lấy tâm tư của mình như một nỗi ám ảnh, rứt ra không được:
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do
Nhớ nghĩa trang: quê bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường.
"Mấy cái chữ 'buồn se bụi đường' nó làm moa chịu không nổi. Nó cứ bám sát lấy mình cả trong giấc ngủ, nó bắt moa phải phổ thành nhạc điệu. Ừ thì ngồi dậy phổ nhạc cho nó xong đi để còn đi ngủ chứ."
Và anh viết xong bản nhạc chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ.
Những nhạc sĩ khác mà tôi phỏng vấn đều cho biết đại khái như vậy. Có người cảm thông được với ý thơ Du Tử Lê tới mức coi những xúc động trong thơ Lê chính là xúc động của mình, và từ đó việc chuyển biến thơ thành nhạc chỉ là việc hết sức tự nhiên. Đó là trường hợp Trần Duy Đức khi anh phổ nhạc bài "Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi". Câu chuyện về một người con gái trở về VN, sống trong một dòng tu đã khiến Lê xúc động đến cao độ và viết thành những câu thơ như những lời kinh cầu:
Hãy hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
Tôi buồn như phố cũ như tay
Bàn chân từng ngón ngưng không thở
Lạc mất đường đi tạnh dấu bày
Hãy hỏi nắng đi rồi em sẽ hay
Tôi gầy như lá. Lá như mây
Rừng khuya thổi rớt bao tâm sự
Thiên đàng tôi là người hay ai?
Và Trần duy Đức đã thổi nhạc điệu vào những lời thơ đó, cho nó bay bổng lên thành một tác phẩm mới, với những rung động tưởng chừng như của chính mình.
Có nhạc sĩ thì thích thú vì tìm thấy được những nỗi niềm riêng tư của họ qua thơ Du Tử Lê, chẳng khác gì như tác giả nói hộ cho họ vậy. Một thí dụ điển hình là bài "Giữ Đời Cho Nhau". Bọn đàn ông chúng ta có mấy ai mà chẳng thầm kín mang ơn một người con gái đã tận tụy hy sinh cho mình, đã vớt đời mình lên những lúc mà cuộc đời của mình tưởng như rách nát nhất, chìm đắm nhất. Nhưng mà muốn nói lời cảm tạ cho tha thiết thì còn gì hơn là:
Ơn em thơ dại từ trời
Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi
Ơn em dáng mỏng mưa vời
Theo ta lên núi về đồi yêu thương.
Và bởi vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có tới 2 nhạc sĩ nổi danh là Phạm Duy và Từ Công Phụng đã không hẹn nhau mà cùng phổ nhạc một bài này.
Lại có những nhạc sĩ khác nói với tôi rằng họ bị quyến rũ bởi ngôn ngữ thơ rất tân kỳ, rất táo bạo của Du Tử Lê, nhất là trong những bài thơ tình.
Em về trên chiếu chăn tôi
Mùi hương tháng chín, nụ cười cuối năm
Xót nhau bật máu chỗ nằm
Vết răng tháng chạp dấu bầm tháng hai
Anh Mai Thảo có lần vừa cười vừa bảo với tôi bằng một giọng điệu rất là Mai Thảo rằng: "Thơ tình của hắn như thế mới là thơ tình chứ! Tình nó cắn nhau từ Tháng Chạp mà đến mãi Tháng Hai nó vẫn còn bầm thì mới là ghê gớm chứ!"
Và nhạc sĩ Trần Quan Long, người chuyên sáng tác những bản hùng ca đấu tranh chống cộng, dường như cũng bị thôi miên bởi ngôn ngữ sắc nhọn lạ lùng của Lê đến độ không cưỡng được, phải phổ nhạc vào bài thơ rất tình này:
Em về thăm thẳm núi non
Hồn sông lòng suối thịt xương chốn nào
Mai quên nhau mất lời chào
Hôm nay chăn gối vẫn ngào ngạt hương
Em về trong một đêm sương
Có tôi thất chí ngồi thương bóng còi
Da người dấu cắn răng tôi
Đó em giây phút mở đời đã ghi.
Tuy nhiên, tất cả các nhạc sĩ mà tôi từng có dịp nói chuyện đều cho tôi biết rằng mặc dầu họ đã đọc rất nhiều bài thơ hay của rất nhiều thi sĩ khác nhau, nhưng không phải hễ cứ bài thơ nào làm cho họ thích thú hay cảm động là họ có thể phổ được thành ca khúc. Nó còn phải hội đủ một số điều kiện nào đó nữa.
Trước hết nó phải đừng tạo ra những trở ngại quá lớn cho việc chuyển biến thơ thành nhạc. Chẳng hạn, nếu bài thơ đã có 1 khuôn khổ, một cấu trúc cứng ngắc như kiểu thất ngôn bát cú của Đường thi, thì dù có hay cách mấy người nhạc sĩ cũng không muốn đụng tới nữa. Khó uốn quá à! Uốn thì sẽ gẫy. Phổ nhạc vào thơ thất ngôn bát cú thì tôi mới chỉ thấy có 1 mình ông Cung Tiến dám phổ bài "Hoàng Hạc Lâu" thơ dịch của Vũ Hoàng Chương
Nếu thế thì thơ tự do không có khuôn khổ niêm luật hay vần điệu gì cả là dễ phổ nhạc nhất ư? Chưa chắc ạ. Chính vì nó dài ngắn khác nhau mông lung như vậy nên khó mà bao gồm hết ý thơ vào khuôn khổ của 1 ca khúc phổ thông hiện đại, với 1 số trường canh và nhịp điệu cố định như ta thường thấy. Bởi vậy mà Thanh Tâm Tuyền, người dẫn đầu phong trào thơ tự do cũng chỉ có chừng dăm ba bài thuộc loại này được phổ thành ca khúc, kiểu như "Dạ Tâm Khúc" hay "Đêm Màu Hồng".
Ngoài ra, nếu bài thơ đã có những vần bằng vần trắc tạo thành nhạc điệu riêng của nó rồi, và cái nhạc điệu đó lại chính là đặc điểm của bài thơ, thì người nhạc sĩ cũng không muốn uốn nắn nó thành một nhạc điệu nào khác nữa. Thí dụ Phạm Đình Chương bảo anh rất thích bài "Tây Tiến" của Quang Dũng nhưng không hề cảm thấy muốn phổ nhạc bài này, bởi vì nhũng câu thơ bằng trắc xen lẫn với nhau đã hòa hợp đến mức tuyệt hảo. Tự bài thơ đã là bài hát rồi còn gì. Phổ nhạc vào chỉ làm hỏng bài thơ đi.
Đăng Khánh là 1 trong những người mà, theo ý tôi, phổ nhạc thơ Du Tử Lê thành công nhất, nghĩa là hợp nhất, ý thơ và điệu nhạc quyện vào với nhau một cách bay bướm, không gượng ép, không làm biến tính bài thơ đi. Đăng Khánh bảo tôi: "Đó là vì thơ của Lê tự nội dung của nó đã vô cùng hấp dẫn và đồng thời nó lại có những đoạn trùng hợp rất tình cờ, rất tự nhiên với những thành tố của một bản nhạc mới".
Em ngủ trong mùa Đông
Cánh đồng tôi nước ròng
Nhớ gì chăn gối cũ
Em về qua bến sông
Em ngủ trong rừng cây
Mà lòng tôi rất đầy
Mùa hè sao rực rỡ
Hàng cây xanh lá gầy
Hơi thơ 5 chữ đang trôi chảy đều đều như một nhạc điệu mineur, nhẹ nhàng kể lể chuyện thần tiên Nàng Công Chúa Ngủ — Trong Rừng. Bỗng nhiên cảm xúc ào ạt dâng lên như nước vỡ bờ:
Thôi hết rồi xin giã từ suối tóc cơn mưa
Em có về? Xa cách rồi mùa thu còn đó
Em sẽ về? Em có còn ngực thơm môi úa
Vẫn tháng giêng xưa và vẫn đợi chờ
Đoạn nhạc chuyển tiếp từ Ré mineur sang Ré majeur thật là sảng khoái biết bao nhiêu mà cũng vẫn tự nhiên hòa hợp với dòng thơ.
Và qua tất cả những câu trả lời của các nhạc sĩ, tôi đi đến kết luận rằng cái yếu tố thiết yếu, bắt buộc phải có để họ phổ nhạc một bài thơ là hoặc ý thơ, hoặc hình ảnh thơ, hoặc ngôn ngữ thơ phải làm cho họ cảm động. Nhưng cảm động không thôi chưa đủ. Nó còn phải gợi được ở tâm hồn họ cái hứng nhạc. Phải có hứng thì mới biến thơ thành nhạc được.
Mai Thảo trong những năm cuối của cuộc đời, làm thơ rất hay. Phạm Đình Chương chơi thân với Mai Thảo hơn ai hết và chắc chắn là rất yêu thơ Mai Thảo, rất xúc động vì những bài thơ đó, thế nhưng anh đã không phổ nhạc một bài nào. Tại sao vậy? Tại vì thơ Mai Thảo tuy gây xúc động nhưng không gợi được hứng nhạc để anh biến nó thành ca khúc. Trái lại, thơ Du Tử Lê có tiềm ẩn một nhạc tính rất dồi dào phong phú, nhưng lại uyển chuyển nhẹ nhàng, khiến cho người nhạc sĩ đọc lên là đã thấy rộn ràng cảm hứng để viết thành nhạc điệu.
Cổ nhân có lẽ gọi đó là thi trung hữu nhạc, nhưng tôi thì tôi nói một cách nôm na là cái hứng nhạc trong thơ Du Tử Lê vậy.
Lê Văn
Washington DC May 2000
(Bài nói chuyện trong "Đêm Du Tử Lê - Hoa Thịnh-Đốn - 12 tháng 5-2000)