có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 3 10, 2017

Tiếng mưa rơi



Tiếng hát Thanh Hùng



Sáng tác: Khánh Băng

Nhìn mưa rơi nhuộm tím bầu trời
Gió đêm vi vu muôn ngàn lời
Mấy ai yêu thương nhau trọn đời
Gió ơi !

Hạt mưa rơi lạnh buốt vào người
Xót xa dâng lên môi nụ cười
Tiếc thay giấc mơ xưa tuyệt vời
Gió ơi !

Nhìn giòng lệ sầu rơi hiên má hồng
Em bước theo chồng, em đi đường em
Rồi cuộc tình đành ôm kín mơ mộng
Xin chớ khơi tìm vết thương lòng

Rồi từ đây xa tiễn chân người
Trai lính biên thùy anh đi đường anh
Chợt tưởng mình là một ánh thơ sầu
Thương nhớ ai còn vấn vương hoài

Từ đây trên vạn nẻo đường dài
Nắng mưa bóng in đôi hình hài
Bước phong sương đôi nơi miệt mài
Gió ơi!

Tình yêu xin đừng đến làm gì
Đến chi cho đau thương ngập tràn
Lắng nghe tiếng mưa rơi bàng hoàng
Gió ơi !.....









Ca sĩ Thanh Hùng bắt đầu sự nghiệp ca nhạc vào thập niên 50. Anh khởi đi từ những cuộc tuyển lựa tài tử vào năm 1953 do Đài Phát Thanh Pháp Á tổ chức mỗi sáng Chủ Nhật tại rạp Norodom Thống Nhất. Dân ái mộ tân nhạc thời đó đã tham gia đông đảo cuộc thi để hy vọng trở thành ca sĩ, trong đó có Thanh Hùng với kết quả khiêm nhường, hạng tư trong vòng chung kết với bài ca "Khúc hát thương binh" của Hoàng Giác do nhạc sĩ nổi tiếng Lê Thương làm chánh chủ khảo. Giải nhất, nhì, ba vào tay các ca sĩ Hoàng Ngọc, Cân Huyền và Việt Ấn. Năm sau, 1954, một cuộc thi khác được tổ chức cũng do nhạc sĩ Lê Thương làm Chánh Chủ Khảo : Hùng Cường đoạt giải nhất với bài "Cô hàng nước" của nhạc sĩ Vũ Minh, giải nhì lọt về tay Thanh Hùng với bài "Hướng về Hà Nội" của nhạc sĩ Hoàng Dương. Rồi đến thập niên 60, Thanh Hùng bước sang làng cổ nhạc cùng trình diễn với Tùng Lâm, Văn Hường tại quán cổ nhạc "Lệ Liễu", quán Anh Vũ và Kim Diệp bên cạnh các danh ca Thanh Thúy, Lệ Thanh, Bạch Yến, Bích Chiêu đã một thời làm say mê khách mộ điệu. Với tài năng đang lên, Thanh Hùng cộng tác với ban Sầm Giang của nghệ sĩ Trần Văn Trạch, ban Tân Dân Nam - Anh Lân của Túy Hoa, ban thoại kịch Kim Cương của nghệ sĩ tài danh Kim Cương. Đoàn Văn Nghệ Việt Nam của nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Thi Thơ, Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, ban văn nghệ Cảnh Sát Quốc Gia do nhạc sĩ Minh Kỳ, Hoài Linh và Phạm Đại điều khiển, ở đâu Thanh Hùng cũng có một chỗ đứng vững chắc, đầy uy tín... 

Thanh Hùng trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước đã đem tài năng nghệ thuật hiếm có của mình để phục vụ cho quê hương xứ sở, đã đóng góp không ít cho cuộc tranh đấu giành tự do của nhân dân Việt Nam. Công lao của anh đã được tưởng thưởng xứng đáng với chiếc huy chương vàng đầu tiên năm 1966, cùng một lượt với nữ danh ca Phương Dung, biệt danh là Con Nhạn Trắng Gò Công. Bản nhạc "Vọng ngày xanh" của Khánh Băng đã đưa Thanh Hùng đến đỉnh cao của nghệ thuật với danh hiệu "Danh Ca Ténor Thanh Hùng". 

Anh còn đóng vai kép chánh trong các truyện phim bằng hình ảnh đăng trên các báo : Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Nay, Phụ Nữ Mới do nhà báo Trọng Viễn, Trọng Minh, Phi Sơn thực hiện với gần 20 cuốn phim.