có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 3 03, 2017

Hội An




Trong bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất có một nhân vật có tài biết rõ từ nguyên của các địa danh. Tại vì sao quận nầy tên thế nầy? quận kia gọi thế kia? tên làng này gốc tích ở chữ gì mà ra? tên làng nọ do đâu mà có? v.v... Vì ham tìm những cái như vậy mà ông đâm ra có vẻ hơi lẩn thẩn. Tác giả vẽ ra nhân vật nọ hình như cũng có một chút dụng ý mỉa mai. Người đọc tình cờ gặp ông ta ở đoạn nào đó trong pho sách lớn, không khỏi thán phục nhưng cũng ngầm một chút thương hại, và nhất là mau cảm thấy chán, mong sớm lánh khỏi mặt ông ta để theo dõi cuộc yêu đương của cô Albertine núng na núng nính.


Thế rồi một hôm chợt nảy ý muốn tìm lại nhân vật nọ, lật đi lật lại bộ sách của Marcel Proust một lúc, mãi không gặp ông ta nữa. Rốt cuộc tôi nản lòng. Một con người thoạt trông vô vị như thế mà đến khi muốn tái ngộ cũng thành khó khăn. Tìm lại một nhân vật trong bộ tiểu thuyết bát ngát ấy cũng gần như đi tìm lại thời gian đã mất. Chao ôi! lẩn quẩn trong một pho sách chừng năm ba nghìn trang cuộc tao phùng đã trắc trở, trách gì ở ngoài cõi đời mênh mông giai nhân chẳng nan tái đắc.


Sở dĩ tôi bỗng nhớ đến mà mến cái biệt tài của nhân vật trí thức nọ là bởi vì gần đây chiến tranh, sau khi đã gây ra chán chê đủ mọi tai ương thảm họa, mọi thiệt hại về người về của trên xứ sở, nó lại có sáng kiến toan làm nẩy ra một vài hoang mang về danh từ đất đai, nó làm cho một số làng mạc núi sông bỗng nhiên ngẩn ra không biết mình tên gì. Cái đèo đã đón nhận số lượng bom khủng khiếp nhất từ sau đệ nhị thế chiến tới nay do phi cơ B.52 trút xuống cách đây mấy tháng, nó là đèo Mụ Già, hay Mụ Gia hay Mộ Giạ? Cái mũi đất nơi ta vừa tóm được một số khí giới do Bắc Việt tải vào, nơi đó là Batangan, là Ba tăng ghềnh, hay là Ba làng an ? Mùa mưa năm ngoái, nhiều báo đã loan tin trận đánh ác liệt nhất ở Cao nguyên xảy ra tại Đức-Cơ; rốt cuộc Đức Cơ đã thực đúng là tên nó chăng?

Gọi cho đúng những địa danh ấy đã là khó, nói gì đến chuyện truy tầm nguồn gốc cội rễ của chúng. Đọc qua một loạt địa danh, người ta thấy ngay đất nước nầy từng trải qua nhiều nỗi long đong. Hà Nội, Hải Phòng, rồi Lào Kay, Mông Cáy, Lũng Phầy, rồi nào là Ban Mê Thuột, Dak Sut, La Drang, nào là Trà Ôn, Tắc Biển, Sóc Trăng, Sa Đéc, nào là Varella, Padaran, Cap Saint Jacques, v.v... Nhiều giống người đã kế tiếp nhau đến sinh sống tại đây, đã để lại đây vết tích sâu đậm, đã tự tiện dùng ngôn ngữ họ đặt tên cho đất đai xứ này, cho nên địa danh Việt Nam mang đủ thứ tiếng Trung Hoa, Thổ, Mán, Mường, Rhadé, Chàm, Miên, Pháp v.v...

Về việc truy tầm nguồn gốc, nguyên một cái tên thủ đô nước Việt Nam Cọng Hòa này, tức cái tên Sài Gòn, đã đủ làm vất vả một người uyên bác như ông Vương Hồng Sển. Đi tới những miền đất ít quan trọng hơn chắc là ít ai biết nổi ý nghĩa và nguyên lai, họa chăng là phải chờ tới khi tóm được nhân vật huyền hoặc nọ của Marcel Proust.

Vậy mà giữa những rắc rối của địa danh nước Việt tên tuổi của Đà Nẵng với Hội An vẫn cứ là một trường hợp độc đáo đáng kể.

Hội An còn tên là Faifoo, và Đà Nẵng còn tên là Tourane, sao vậy? Một tên Tây kèm với một tên ta mà tên nầy không phải là phiên âm của tên kia. Nghe có vẻ như là những người Việt loại Henriette Phạm, Jacqueline Tuyết Lê, v.v...

Người Pháp đến nước nầy muộn màng. Khi họ đến tất cả những nơi trọng yếu phồn hoa, tất cả các miền đồng bằng đông đúc, đã có tên tuổi rành mạch cả rồi. Chỉ còn dành cho họ khám phá những đỉnh núi, những mũi đất, những đèo cao, những hòn cù lao hẻo lánh. Bởi vậy có những Padaran, Batangan, Poulo nầy, Poulo nọ v.v...

Thực ra, hầu hết những nơi ấy, dù là hẻo lánh bậc nào, cũng được dân địa phương đặt tên rồi, nhưng tên ấy không được phổ biến, ít ai biết đến. Người Pháp chỉ làm công việc phiên âm. Sau này hình thức phiên âm của Pháp được đưa lên giấy tờ, sách vở, báo chí, được phổ biến rộng rãi, khiến người trong nước quên mất cái tên nguyên thủy.

Hội An với Đà Nẵng không phải là những miền đèo heo hút gió, không phải là hải đảo lạc loài giữa bể khơi. Trái lại, đó là tỉnh lỵ một tỉnh trước kia lớn vào hàng thứ nhì trong toàn quốc, đó là thị trấn đông đảo phồn thịnh nhất miền Trung hiện nay. Cả hai nằm bên nhau, ở vào miền có tiếng là sớm phát triển về văn học, từng sản xuất những bậc sĩ phu lừng lẫy trong lịch sử cận đại của nước nhà. Như vậy, làm sao đến nỗi cả hai thành phố lớn của Quảng Nam đều phải mang tên Tây ? Tên tuổi cả hai chắc chắn là đã có từ trước ; làm sao đến nỗi người Tây còn chen vào đặt tên ? Trường hợp ấy không hề xảy đến cho những thành phố, những tỉnh lỵ khác trong toàn quốc Việt Nam.

Một chiều nằm trên một chiếc ghế bố cho thuê mỗi giờ mười đồng dọc bờ Hàn giang, nhìn quanh quất về những miền lân cận với các tánh danh đẹp đẽ: Mỹ Khê, Đông Giang, Tiên Sa..., tôi nghĩ đến chuyện oái oăm của thành phố mang cái tên kỳ cục: Tourane. Kỳ cục và thiếu nghĩa đến cả cái tên Việt của nó là Đà Nẵng.


** 

Tourane, ông Lê văn Hòe trong cuốn “Tầm nguyên tự điển” giải là do chữ Thuộc Giản mà ra. Chuyện ấy với chuyện Củi gòn của thủ đô (Sài Gòn) chỉ để các nhà học giả nói với nhau, ngày nay dân địa phương không còn biết đâu tới Thuộc Giản nữa.

Còn Faifoo, nó vẫn có tên là Phố, Phố Hội; một người địa phương bảo rằng xưa kia những người Hòa Lan đến giao thương, bước chân lên bờ hỏi: “Đây có phải Phố.” Dân chúng trả lời: “Phải, Phố.” Thế là phải Phố thành Faifoo.

Thôi thì Phải Phố với Thuộc Giản cùng ly kỳ như nhau, không phải là những điều mình có thể suy nghiệm nổi, tôi quay về với những hình ảnh quen thuộc thân yêu mà mình vẫn lưu giữ, liên hệ đến miền đất Quảng nầy.

Con đường từ Đà Nẵng đi Hội An, vừa ra khỏi thành phố một cái là phủ rợp bóng tre. Tre hai bên đường xanh tốt giao đầu lại với nhau làm thành một vòng cung, một cái hầm xanh rập rờn linh động mát rượi che kín mặt đường.

Dọc đường người ta vẫn thường có trồng cây, ở đâu cũng vậy, nhưng có điều hình như không hề thấy cơ quan công chánh ở đâu lại có ý kiến trồng cây tre ven đường. Chắc chắn tại đây cũng vậy, vòm tre ấy không phải là công trình của công chánh. Cây tre không đứng bên đường theo kế hoạch mở mang đường sá lối Tây phương. Nó không hay rũ bóng xuống mặt đường nhựa. Thế nhưng ở những con đường chạy trong làng, trong xóm, những con đường cổ truyền của dân tộc bao giờ cũng có tre.

Bởi vậy, đoạn đường Đà Nẵng về Hội An làm người ta quên hết những tên Tây kỳ cục của nó, mà chỉ gợi nhớ đến cu gáy với bướm vàng trong ca dao, đến con “đường thơm”:

“Đường trong làng hoa dại với mùi rơm
Người cùng ta đi dạo giữa đường thơm
Lòng dắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng
Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng”...

Bóng phượng, phải, còn có bóng phượng nữa. Đà Nẵng có rất nhiều cây phượng.

Mỗi thành phố có một thứ cây tiêu biểu. Hay ít ra có một loại trong nhiều loại cây ở mỗi thành phố đặc biệt lưu lại nơi du khách nhiều kỷ niệm hơn các loại cây khác... Sài Gòn với cây dầu. Những cây dầu trước sân phi cảng Tân Sơn Nhất, trước ngày nhà ga bị mìn, lối vào bị cấm, chiều chiều những người muốn thoát một lúc cái ồn ào của đô thị đông đúc tìm lên đây chơi, thỉnh thoảng ngừng chân dạo, ngước nhìn lên những chùm trái dầu non lủng lẳng trên tàn cây. Có thứ xanh, có thứ đỏ. Thứ xanh mơn mởn một màu xanh non, rung rinh, chập chờn trong gió như những con vật thật xinh. Thứ đỏ thì cứ có một tia nắng chiều chiếu vào là ửng lên như căng máu hồng. Trái dầu bất kỳ là xanh hay đỏ đều khiến nghĩ đến một loài sinh vật. Cây dầu ở những con đường Lê Lợi, Gia Long, Lê Thánh Tôn, v.v... ở những chỗ nhà cửa san sát, bán buôn tấp nập rộn ràng: mỗi lần có cơn gió thổi qua, trái dầu khô rụng lao xao, xoay tít trong gió, bay tơi bời, và như thế một doanh nhân đầu óc rối beng vì những con tính đang bước hấp tấp từ cửa tiệm nọ qua cửa hiệu kia bỗng nghe có cái gì đáp lên mái tóc, đưa tay lên và gỡ được một trái dầu. Ông ta rất có thể nở được một nụ cười, đầu óc căng thẳng của ông ta có thể dịu xuống, một chút gì rất có thể hẩng lên trong tâm hồn bận bịu của ông, vì một kỷ niệm ấu thời vừa được đánh thức dậy, kỷ niệm của những ngày ông ta còn là đứa trẻ vô tư lự ngày ngày chạy nhảy rong chơi ở ven rừng ven suối nơi thôn dã. Và cũng như thế một cậu thanh niên tóc dài phủ ót phủ trán kiểu Beatles, sinh ra ở đô thị, từ bé đến lớn ăn hột cơm mà không hề trông thấy hột lúa, đang đùa giỡn với bạn bè trên hè phố bỗng rờ lên cổ áo và nhặt được một trái dầu khô, rất có thể cậu ta bỗng nẩy ra ít nhiều thiện cảm với thiên nhiên, cái thiên nhiên biết tự giới thiệu một cách tinh nghịch... Rồi lại còn những hôm trời Sài Gòn bất chợt đổ cơn mưa lớn, nước trút xối xả, ngập khắp các đường, nhìn ra: tầm mắt không vượt quá nổi một dãy phố bên kia đường, đây đó toàn một màu trắng đục, trong cõi vô minh mịt mù ấy những chiếc xe lùi lũi chạy trốn, không trông thấy rõ chúng ở đâu, chỉ nghe tiếng còi bí bo gọi nhau từ góc phố nọ đến đầu đường kia, chúng gọi nhau, đáp nhau liên hồi, tội nghiệp như sợ lạc mất, những hôm như thế cái cảnh hàng ức hàng vạn trái dầu khô bị nước cuốn lềnh bềnh xô gấp xuống các lỗ cống càng làm cho cơn mưa ngắn ngủi của Sài Gòn thêm vẻ phũ phàng. Trái lại, những buổi đẹp trời, những buổi sáng mát mẻ, đang ngồi trong xe lướt trên đường, bỗng nghe có tiếng một vật gì chạm nhẹ, gõ long cong trên mui sắt; tiếng khua sao mà khiêm tốn, mà nhã nhặn, khiến cho cơ khí ngỡ ngàng; từ thuở chào đời cái vật bằng sắt thép này chưa bao giờ biết đến những động chạm dịu dàng như thế, và tiếng khua ấy làm cho người bị giam bịt bùng trong khung sắt bỗng hưởng được chút thanh thoát nhờ sự nhắc nhở, chiếu cố của thiên nhiên...

Chưa hết! Những kỷ niệm của cây dầu, sao mà lan man quá! Những ngày tháng 11-1960, tháng 11-1963, lá dầu, trái dầu nằm la liệt, chồng chất lên nhau trên các con đường Công Lý, Pasteur, Thống Nhất, nằm đầy công viên Tao Đàn. Dân chúng thủ đô, từng giờ từng phút, mãi theo dõi đại sự, còn ai nghĩ tới chuyện hốt lá cây; xung quanh dinh Độc Lập lính dàn súng đầy dẫy, còn ai chen vào hốt lá cây được. Cho nên khắp đường lá dầu, lá me, lá giá tị... thứ thì rơi bay lả tả, tơi bời, thứ thì nằm tràn lan. Cỏ cây, đường sá cũng bày một cảnh “ngổn ngang thế sự”. Người dân thủ đô, trong những ngày lịch sử, chân đạp trên lá dầu khô xào xạc mà lòng càng nôn nao...

Ở Đà Lạt, có lẽ cây cối không gợi nhớ một biến cố chính trị nào. Thành phố yên tĩnh quá, ít xao động quá. Cây cỏ thì nhắc nhở hội hè. Anh đào là lễ Giáng Sinh, là Tết. Đà Lạt thì vô cùng phong phú về thảo mộc, nhưng anh đào vẫn là tiêu biểu, đến mùa của nó anh đào vẫn thắng lợi rõ rệt trên khắp thành phố.

Trái vời Đà Lạt, Vũng Tàu cũng là một thành phố của du khách mà nó không có chút gì lòe loẹt rực rỡ. Đi Vũng Tàu, về mặt thảo mộc, người ta nhớ tới những cây bàng; bàng ở bãi Trước, bãi Sau, bãi Dứa, bãi Dâu, bãi Sò, bãi Ô quắn, bãi Hàng bàng, ở trên khắp các nẻo đường phố, những cây bàng già xòe những cái tàn vĩ đại, khỏe mạnh, đương đầu với gió bể bao la. Về bông hoa, cây bàng chỉ có những giải nhỏ lòng thòng màu xanh lạt, rụng đổ trên lề đường và trên các mái ngói âm dương cũ kỹ đen màu một thứ bụi li ti lâu ngày thành bẩn nhớp. Chỉ có vậy, mái ngói xưa cũ với cây già sù sì mà Vũng Tàu đòi thu hút du khách đó. Nó thu hút người ta bằng những thứ như vậy.

Sao nó lại không có sáng kiến quyến rũ người ta bằng cây có trái trồng ngoài đường như Huế? Nhiều con đường ở Huế thật ngon lành. Dọc mép công lộ các nơi, bất quá chỉ có ít cây keo tây hay cây me gọi là có trái ăn được. Không ai muốn đưa các loại trái quí ra giữa đường mà khiêu khích thiên hạ. Một đoàn quân có kỷ luật dưới sự chì huy của một danh tướng mà đi ngang qua vườn mơ còn nhốn nháo thay, huống hồ là cái quần chúng phức tạp của đô thị bây giờ. Vậy mà ở Huế thì xưa nay người ta vẫn vững tâm tin tưởng ở cái nết na đạo đức của khách bộ hành: ngoài đường, nhất là đường trong thành, san sát những cây nhãn lồng xanh um. Nhãn Huế là thứ nhãn thơm ngon, ngọt thanh, mỏng vỏ, là một thứ trái quí. Nó đứng dọc lề đường để chứng minh lòng tin cậy ở nết tốt của người dân một thành phố quí phái. Nó đứng đầy đường phố cùng với cái linh hồn sôi nổi của nó là... đàn ve. Ôi chao là ve! mỗi năm tới mùa nhãn chín trong lòng, cũng là mùa nóng nực, gió sông không thổi lọt được vào trong thành, nắng bừng bừng như thiêu như đốt, thì hàng ức triệu con ve nổi lên một phản kháng tập thể vang lừng suốt ngày nọ qua ngày kia. Chắc chắn cái tiếng ve dóng dả hỗn hào ấy đã làm nôn nao ruột gan cụ Đinh Nhật Thận ghê gớm, cho nên suốt bài “Thu dạ lữ hoài ngâm” nước sông Hương với chuông chùa Diệu Đế chỉ được nhắc đến một lần, nhiều cảnh khác bị bỏ qua, mà tiếng ve thì cụ nhắc đi nhắc lại mãi:

“ ... Nhi kim cúc dĩ hàm anh,
Liễu âm đình ngoại hàn minh lưu thiền.

... Lãm y bộ bộ khang cù
Thiền minh dương liễu đái sầu mi khan.”

Nhưng sao “thiền” lại cứ đi liền với “liễu”? Cụ tìm đâu ra liễu ở xứ Huế mà nhiều quá vậy? Giá cụ bỏ liễu đi mà nói tới các cây nhãn lồng trong vòng thành thì có phải ngày nay kẻ hậu sinh được một phen đắc ý biết bao nhiêu!

Dầu Sài Gòn, anh đào Đà Lạt, bàng Vũng Tàu... và phượng ở Đà Nẵng. Phượng ở đây không đặc biệt nhiều lắm đâu, nhưng màu đỏ hân hoan của nó làm cho trời xanh sông xanh như mở rộng thêm ra, như rạng rỡ thêm lên. Nhất là phượng ở đó lại gia nhập với tre để cùng nhau làm thơ:

“Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng
Lần lượt buông, màn nhẹ vướng chân lâu.”

Giữa khung cảnh như thế tưởng không thể làm gì khác hơn là... tình tự:

“Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ
Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự.”




Ủa! Tôi nói gì vậy? Thật không còn gì nhảm nhí hơn. Về Đà Nẵng với Hội An sau những tháng tranh đấu vừa qua, sau những ngày sôi nổi ở các chùa Tân Ninh, Phổ Đà, ở Tam Tòa, Thanh Bồ v.v... mà nói cu, nói bướm, nói tình tự! Thế mới biết lướt qua một thành phố mà căn cứ vào mấy hàng cây để xét đoán bâng quơ như xem tướng đoán người không khỏi có ngày thầy tướng lâm nguy.

Trong ba bốn năm qua, rồi lại trong ba bốn tháng vừa qua, miền Trung — nhất là cái miền Trung từ Quảng Nam ra đến Quảng Trị — đã làm cho cả nước phải ngán. Cái thứ sinh lực gì tiềm tàng trong một vùng nghèo cực xác xơ mà ghê gớm như vậy? Khổ sở, ở đây cũng chịu khổ sở không thua bất cứ nơi nào trên đất nước; chết chóc, ở đây đã và đang lâm cảnh chết chóc kéo dài liên miên đến nỗi dư luận nhiều nước bạn sốt sắng ở Tây phương cứ lo rằng đã đến lúc dân Việt Nam chán nản rồi, mỏi mệt rồi, chỉ chực buông tay phó mặc cho thời thế, những nước bạn ấy lo rằng rồi tất cả cái sức nặng của cuộc chiến đấu gian nan sẽ trút đè lên dân chúng họ. Nhưng ở đâu mỏi mệt chứ xứ Quảng này không hề thấy mỏi mệt. Động một tí là họ vùng dậy. Bất bình một chút là họ đứng lên.

Nói như vậy không có nghĩa là lúc bình thời thì họ nằm yên. Không có lúc nào họ nằm, nhất là nằm yên. Lúc nào họ cũng thao thức. Bao giờ cũng có vấn đề một tí tự do cần đòi thêm, một nếp dân chủ cần chỉnh đốn, một khát vọng quần chúng cần được “nói lên”, một quyền lợi cần phải tranh đấu. v.v... Và thấy cần, là họ làm liền.

Trong những tháng sôi nổi hồi đầu mùa hạ năm nay ở miền Trung, có những ký giả từ Sài gòn ra thấy tự nhiên ngài ngại trước các cô gái xứ Quảng và xứ Huế: trông thì hiền lành mà sao họ dữ dằn thế.

Thì vậy đó, những tâm hồn cương quyết đâu có gì để kiêng kỵ những gương mặt khả ái hiền hậu? Không cần phải đi ra Trung; cứ chung quanh ta, ở ngay tại Sài gòn này, ngày nay vẫn gặp những anh bạn người Quảng rất hòa nhã, rất hiền, rất dl thương; nhưng một ngọn lửa thiêng lúc nào cũng nung nấu trong lòng họ, một mối bất bình âm ì lúc nào cũng đốt nóng tâm can họ.

Tôi có anh bạn hiền xứ Quảng, người nhỏ vóc, yếu đuối. Trước, vừa biết anh thì anh hãy còn làm nghề dạy học. Anh là một nhà giáo xuất sắc. Anh thuộc văn thơ không biết bao nhiêu mà kể, có thể ngồi nghe anh đọc suốt tử giờ nọ qua giờ kia, anh thuộc cả thơ Đường lẫn thơ Pháp: ai cũng tưởng con người ấy phải mềm đi vì văn chương. Mà về mặt thể xác, anh có bạc nhược thật, thích nằm lười mãi trên giường hơn là đi đây đi đó. Giường anh nằm chiếu chăn lộn xộn bừa bãi. Có độ tôi lui tới căn gác trọ cùa anh, suốt tháng, bất cứ lúc nào cũng thấy mùng buông kín giường. Hé một cánh cửa sổ, gọi lớn, lá màn rung rinh tức là anh có nhà và sắp vén mùng thò đầu ra, thấy im tức là anh đi vắng. Anh vẫn sống độc thân mà lành. Lúc nào vui anh vui em, nhà giáo cũng ứng khẩu nói vài câu nghe mạnh dạn đáo để, nếu có cô nào ở đó thì tha hò đỏ mặt, nhưng nói rồi bỏ qua, chảng bao giờ anh dấn thân vào một vụ gì tai tiếng.

Một anh bạn hiền như thế, sau 1963 bỗng một hôm tôi gặp anh ở Sài gòn, hỏi: “Vào đây hồi nào ? Ở chơi được lâu mau?” — “Có lẽ còn ở lâu.” — “Sao vậy? Giữa niên khóa mà.” — “Thôi dạy ngoài ấy rồi.” — “Thế vào dạy trong nầy?” — “Không, độ này viết báo.” — “Ai xúi cậu đổi nghề vậy?” — “Anh em. Anh em thấy lúc nầy cần thì gọi mình vào.”

“Anh em”: cái bí mật là ở đó. Một người chuyên dạy học hai mươi năm, thành nghề thành nghiệp rồi, bỗng dưng bảo bỏ học trò đi vào Sài gòn vác bút xông liền vào tòa báo; quyết định một chuyện phiêu lưu như thế là “anh em”. Có khi anh bạn gọi là “anh em”. Có khi anh gọi rõ hân là “anh em x.x.” Tuy vậy cũng vẫn là một cách gọi tắt. x.x. chỉ là cách gọi tắt, kỳ thực cái đoàn thể chính trị ấy tên nó dài đến năm chữ. Gọi đủ năm chữ thì nghe trọng vọng, đứng đắn, lối đó dành cho người viết sử, viết diễn văn; còn đảng viên thì gọi tắt bằng hai chữ, nghe nó thân mật. Như là người nhà xưng hô với nhau.

Làm báo với “anh em” thì thảo luận về đường lối, về chương trình, về chính sách. v.v... rất nhiều, còn về nhuận bút tôi ít nghe anh bạn đề cập đến. Vả lại hình như bài vở của anh bạn, những bài mà ngày đêm anh hì hục miệt mài viết ngay trên giường, ngay trong đống chăn nhàu nhò của anh, những bài vở ấy, tòa soạn cũng không mấy vội vàng đăng tải. Về điều đó, không có bên nào đáng trách: anh bạn là người mô phạm, chuyên giảng nghĩa lý văn chương, đã có bao giờ tỏ ra sở trường viết báo đâu, nhất là loại báo hàng ngày. Nhưng như vậy anh sống bằng cách gì đây?

Tất cả những sự trục trặc ấy chưa kịp giải quyết thì tờ báo nọ bị đình bản. Ôi, cái việc một tờ báo nó tự sinh rồi nó tự diệt ở giữa đô thành này, trong quãng thời kỳ náo nhiệt này, người đời ai buồn để ý đến. Càng không đáng để ý cái sự việc nhỏ nhặt có những cuộc đời gặp chỗ lỡ dở như trường hợp của anh bạn. Trở lại ngoài Trung thì chỗ dạy đã mất rồi mà kiếm được chỗ dạy ở Sài Gòn này cũng khó. Tìm đến các tờ báo khác ư? Ngoài một số “anh em”, đã có ai chịu nhận anh bạn là ký giả đâu?

Thỉnh thoảng, có hôm tôi gặp anh bạn ở khoảng chợ lộ thiên đường Hàm Nghi, hoặc đứng ngoẻo đằu ngắm nghía một con chó con mũm mĩm xích bên gốc cây, hoặc vắt tay sau lưng xem xét rất kỹ càng đàn dơi toòng teng trong lồng. Có hôm khác lại gặp anh bạn chen lấn ở chỗ chợ trời đường Tôn Thất Thiệp, ngừng lại chỗ này hỏi thăm về một thứ bút Nhật Bản kiểu mới, ngồi xuống chỗ kia nghe thử chiếc máy ghi âm tí hon đang phát trả lại một câu nói của một ông khách hàng vừa mới thu vào băng. Anh sống như một người thừa rất nhiều thì giờ. Hỏi thăm, thì quả thực anh bạn có thừa thì giờ: lâu lâu đoàn thể có cuộc hội thảo, có sinh hoạt nội bộ quan trọng, có huấn luyện đoản kỳ, anh mới phải lo soạn những bài thuyết trình: “Vấn đề tổ chức quần chúng”, “Sinh hoạt dân chủ trong quốc gia”. “Chính đảng và dân chủ” v.v... Ngoài ra, anh được tự do, tha hồ miệt mài với sự say mê của mình.

Sự say mê ấy, người dân xứ Quảng, từ thế hệ nọ đến thế hệ kia, tiếp chuyển cho nhau, không ngừng. Tôi được biết một chính khách ngày nay trên mái tóc màu trắng đã lẫn màu đen, trong thời Pháp thuộc tửng lần lượt nằm đủ các nhà lao Kontum, Ban Mê Thuột, Lao Bảo v.v..., ông đi đẵn cây đốn gỗ trong rừng dưới mắt bọn lính canh tù, ông bị nhốt xà lim, bên mình kè kè một ống tre để tiểu tiện đại tiện. Tay bị còng mà phải mò mẫm làm công việc phóng uế vào những dụng cụ đặc biệt, như vậy không phải dễ. Bây giờ, kể chuyện lại cho con cháu nghe, ông lấy bút vẽ các ống tre, vừa vẽ vừa giảng. Mỗi lần kể mỗi lần vẽ, các bức họa ống tre tích tụ lâu ngày hóa nhiều, tản mác đây đó, thỉnh thoảng bị bắt gặp ở những chỗ thực bất ngờ. Ông suýt nổi tiếng về các bức vẽ.

Lại một người bạn có ông nội già tám mươi tuổi. Nhiều lần tới nhà bạn, tôi để ý thấy ông cụ có một vẻ gì là lạ. Ông già tướng mạo đẹp đẽ, râu bạc như cước, da dẻ hồng hào, phong thái đường hoàng, khả kính, vậy mà khi nghe bọn trẻ đề cập tới chuyện thời cuộc thì ông cụ đâm ra lúng túng: mắt không gian, nhưng nửa có vẻ tham dự nửa có vẻ lẩn đi, tai nửa đón nửa lờ, nét mặt phớt lạnh một cách dối trá. Một hôm, giữa lúc anh em đang nói về sự chạy chọt của một chính khách, bỗng nghe văng ra một tiếng càu nhàu. Ngoảnh lại, trông thấy ông cụ đã nín thinh, nhưng mặt đỏ gay. Lát sau, cơn giận nguôi xuống, ông cụ bối rối, vội vã lui vào nhà trong.

Thì ra là thế. Ông cụ là người Khổng học, muốn giữ đạo trung dung, muốn giữ lòng yên tịnh, tránh mọi quá khích, nhưng vận mệnh nước nhà càng ngày càng làm ông cụ lo lắng sốt ruột, các chính khách làm ông cụ bực mình, ý kiến con cháu trong nhà phân tán, lắm khi ngược với ý ông. Ông cụ cố gắng nín lặng, không muốn phát biểu để tránh sự xung đột. Dồn nén làm khổ sở những ngày tàn của một người quá thiết tha.

Thỉnh thoảng, ông cụ bị vấp một lỗi lầm: nghe nhắc đến một cuộc biểu tình nào đó, một tính danh chính khách, tướng tá nào đó, thình lình ông cụ buột miệng chửi thề, mạt sát nặng nề. Rồi ngay sau đó, ông cụ hối hận, xấu hổ về thái độ thô tục của mình. Thực là thảm hại, đáng thương. Sự im lặng lâu ngày tích tụ nỗi bất bình nơi ông, như nọc độc của con rắn lâu ngày ở bộng. Bị kích thích rắn phóng nọc ra. Rắn thì không sao, còn ở ông cụ thì vẻ ân hận thật là tội nghiệp hết sức.

Mấy năm gần đây, tình hình rối quá, kích động ông cụ nhiều quá, sự cố gắng làm ông cụ có vẻ khác thường, kỳ cục, gần như bệnh hoạn, lẩm cẩm. Con cháu khó chịu, thấy ông cụ đổi tính.

Sau, một thằng cháu ngã vào nước sôi, bỏng chân nằm liệt. Ông cụ ngày ngày cúi xuống đứa cháu, dồn hết sự chú ý xuống nó; nhờ đó, ông khuây lảng thời thế, lấy lại sự quân bình trong tâm hồn.

Trong các tháng tư tháng năm dương lịch vừa qua, tình hình ở ngoài Trung thì rối, mà sự lưu thông thì bị hạn chế, số ký giả ra Trung lấy tin tức về rất ít; cho nên người dân ở thủ đô nhìn về ngoài ấy thấy như mớ bòng bong, lắm lúc không còn hiểu ra sao được nữa. Các tập thể tôn giáo cũng như chính trị đều phân hóa lung tung, chi nầy, hệ nọ, phái kia mâu thuẫn nhau; hôm nay có kẻ tuyên bố, hôm sau lại có kẻ khác đính chính; vừa nghe nói Việt Quốc chống phe tranh đấu, lại nghe nói Việt Quốc tán thành tranh đấu; ngày trước được tin một cán bộ cao cấp Quốc Dân Đảng bị ám sát, ngày sau lại có tin hung thủ cũng là đảng viên Quốc Dân Đảng v.v... Băn khoăn quá sức, bèn bước sang nhà người bạn ở cùng một ngỏ hẽm định nói chuyện bâng quơ cho khuây khỏa; bạn là một người Quảng khiêm tốn, nhu mì, ít nói, từ lâu ngoài việc đi làm đều đều hàng ngày hình như chỉ để lộ một mối bận tâm là chọn người bạn trăm năm mà mãi chưa được. Thường lệ đến nhà chơi hay gặp anh bạn ngồi buồn buồn lần tay nặn mụn trên má. Bất ngờ hôm ấy đề cập tới chuyện chánh trị, hỏi tới đâu anh bạn biết vanh vách tới đó; cách xa ngàn dặm anh bạn thấy rõ phe nào ủng hộ, phe nào chống đối, vì sao nhóm nầy theo, vì sao nhóm kia chống..., việc gì việc ấy sáng tỏ như ban ngày, có lý do, có liên hệ đường hoàng. Thì ra trong khi ngồi lơ mơ nặn mụn, không phải anh bạn nhu mì chỉ nghĩ tới người bạn trăm năm! Không có biến chuyển nhỏ nhặt nào của thế cuộc mà anh không đón thu.

Lớp già, lớp trung, lớp trẻ, người dân Quảng bất cứ thuộc hạng tuổi tác nào đều thiết tha với chính trị. “Ba sinh hương lửa” đều có họ tham dự. Trong huyết quản của mỗi người dân Quảng hình như đều có tí máu chính trị luân lưu.


Thực ra, đất Quảng Nam không phải chỉ nổi tiếng vì truyền thống cách mạng, chỉ xuất sắc về mặt chính trị. Văn hóa ở đây cũng sớm phát triển hơn các nơi khác. Trước đã có lần riêng một mình Quảng Nam đoạt luôn năm tiến sĩ trong một khoa thi hội; người địa phương đến giờ còn nhắc chuyện “ngũ phụng tề phi.” Suốt trăm năm qua, so với các tỉnh lân cận bao giờ số thanh thiếu niên đi học, số người học thức ở Quảng Nam cũng đông đảo hơn.

Cái gì đã sớm kích thích sự phát triển của vùng này, cái gì đã mang đến những tư tưởng tiến bộ cho các đầu óc sáng suốt như là của Phan Chu Trinh? Địa linh thì nhân kiệt, nhưng địa thế nào là linh? Hãy dạo một trưa hè trên đường phố Hội An, không chừng sức thiêu đốt của nắng lửa gợi được một đôi điều liên hệ đến cái bí ẩn ấy. Sự phát triển quá sớm của Hội An, đã làm cho Hội An bây giờ trở nên thành phố vào hạng cổ lỗ nhất trong nước. Mấy con đường chính bên sông, nơi có nhiều phố xá nhất, thì lòng đường rất hẹp mà hai bên lại không có chút lề nào. Phố cất sát mép đường, không có lấy một tấc đất để cho cây đứng và để cho người đi. Bởi vậy, khách bộ hành phải bước đi ngay giữa lòng đường, cùng chung với xe cộ các loại, làm cho đường đã chật lại càng thêm chật. Nói đến cái chật thì một người ngồi trên lề Lai Viễn Kiều trông thấy một chiếc Land Rover qua cầu đã phải vội vàng co chân lên để tránh bị xe quẹt: lòng cầu vừa đủ cho bề ngang một chiếc xe như thế.

Đường chật, cầu chật, là vì thị xã Hội An đã thành hình sớm quá, nó trở nên thành phố đông đúc, phố xá san sát, ngay từ thuở chưa có xe cộ. Nó thành hình không kịp dự liệu đến ngày xe cộ ra đời. Từ những đôi ba thế kỷ trước nó đã giao thương với ngoại-quốc; tên của nó là một tên Tây (Hòa lan? hay Tây-ban-nha? hay Bồ-đào-nha? ai biết được), Lai Viễn kiều là chiếc cầu do người Nhật xây dựng, chùa Quảng Triệu là ngôi chùa mà người Tàu chở tử bên Trung Hoa qua những cây cột đá cao bốn năm thước tây, những viên gạch lót nền to như mặt bàn, chở cả thợ Trung Hoa qua xây cất v.v... Thuyền bè đi về giữa Trung Hoa và Hội An chắc phải là thường xuyên, sự giao thông chắc phải là khá dễ dàng, người ta mới tính đến chuyện như vậy. Toàn miền Trung và miền Nam nước Việt có nơi nào được giao tiếp với Trung Hoa mật thiết đến thế. Chỉ với Trung Hoa thôi, chưa nói đến Nhật Bản với Âu Tây, những văn minh xa lạ. Cho tới bây giờ mà sự hiện diện của hai pho tượng khỉ và hai pho tượng chó, trùm khăn đỏ, ngồi hai bên chùa cầu còn làm ta ngỡ ngàng, huống hồ tự thuở xa xưa!

Ngày trước không biết ở Bắc thì sao chứ miền Trung sách không bày bán ở tiệm. Các thầy đồ, các nho sinh không có hiệu sách nào trong làng trong tổng để đến mua mỗi khi cần, mà chỗ quận lỵ, tỉnh lỵ cũng không có nốt. Ngay đến tỉnh lỵ Bình Định là nơi có trường thi hương cũng không hề nghe nói có hiệu sách nào. Muốn mua sách chỉ có cách nằm nhà chờ, lâu mới gặp dịp một người lái sách ghé đến, gánh theo một gánh. Ta tưởng tượng sự phát hành như thế chậm trễ và thiếu sót biết bao. Và trong hoàn cảnh ấy, những người trí thức sống ngay tại chỗ cửa ra vào của ngoại kiều tứ xứ như Hội An có được một lợi thế lớn lao biết chừng nào. Ở đó đá tảng đá khối người ta còn chở tới được, kể gì sách!

Cụ Phan Chu Trinh đề cập tới vấn đề dân quyền sớm hơn các nhà nho khác ở các tỉnh lân cận? Chắc chắn sách của Khang Hữu Vi, của Lương Khải Siêu đến tay cụ trước những bạn hữu của cụ ở Quảng Ngãi, Bình Định khá lâu, lại càng trước những bạn hữu ở Khánh Hòa, Bình Thuận lâu hơn nữa. Vả lại, trong mười cuốn đến Hội An, chắc gì đã có được hai cuốn lần mò vào tới Phú Yên chẳng hạn. Mà Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu đối với thức giả nước ta hồi ấy có lẽ cũng từa tựa như Marx với Engels sau thế chiến thứ nhất, như Sartre với Camus hồi gần đây, sau thế chiến thứ hai. Địa vị của các vị ấy trong tư tưởng giới xứ mình thật quan trọng; sách vở của họ đi đến đâu là kích thích tới đó.

Thế mà Hội An không những chỉ mang đến cho sĩ phu đất Quảng những tư trào mới tử Khang Lương trở lại đây. Từ những hai ba trăm năm trước nó đã mở cho thức giả đất Quảng những chân trời mới lạ: khi Lai Viễn kiều được dựng lên ở Hội An thì các nho sĩ ở Sông Cầu, ở Nha Trang đã biết gì về nước Nhật cùng văn hóa Nhật?

Vì vậy mà có lẽ chính cái sự kiện lạ lùng hai thành phố Đà Nẵng và Hội An cùng mang hai cái tên Tây, hai tánh danh ngoại lai, riêng biệt lạc loài giữa các thị trấn khác trong toàn quốc, cùng cái sự kiện Hội An đường chật phố xá cổ lỗ hơn đâu hết. Chính những cái ấy đã cắt nghĩa sự phát triển của đất Quảng về văn hóa, cắt nghĩa cái truyền thống cách mạng của miền nầy.


** *

Giữa Hội An với Đà Nẵng dường như cũng có sự xếp đặt. Sự phân công để nối tiếp nhau. Hội An chỉ có một bến sông cạn để đón tiếp các ghe thuyền, nó không đủ sức mời mọc tàu bè lớn của thời đại cơ khí này. Bởi vậy thời kỳ lừng lẫy của nó là một thời kỳ đã xa, ông thủy tổ Bồ Đào Nha nào đó từng thốt nên tiếng “Phải Phố?”, ông đó có lẽ cũng vượt bể bằng một chiếc thuyền buồm, một chiếc thuyền giống như những chiếc ngày nay vẫn còn lắc la lắc lư cột buồm một cách thong thả thảnh thơi trên sông Hội An. Cho đến lúc trên mặt nước xuất hiện thứ tàu sắt khổng lồ, chạy bằng máy phun khói đen mù mịt, thì Hội An nhường vai trò của mình lại cho Đà Nẵng. Tre tàn măng mọc.

Trong khi Đà Nẵng phát triển nhanh chóng trong vận hội mới thì Hội An càng ngày càng lùi về quá khứ, như một cụ già bắt đầu lẩm cẩm, thui thủi một mình, ngày ngày lơ mơ nghiền ngẫm các kỷ niệm cũ và kiểm điểm các kỷ vật xưa. Một nhà văn người Bắc đến thăm Hội An lần đầu tiên đã nhận xét rằng trọn cả thành phố này là một viện bảo tàng. Nó đến cái tuổi thích ứng khó khăn, không theo kịp cuộc sinh hoạt mới. Đường của nó hẹp quá, nhà của nó xưa cũ quá, mà mỗi sửa sang là động đến những di tích quý báu không ai nỡ xóa bỏ. Vì vậy hình như đã có lần chính quyền cũ tỏ ý muốn dời tỉnh lỵ Quảng Nam về Vĩnh Điện, để nguyên Hội An với những đặc điểm của nó, ngồi đó tiêu biểu cho một thời vàng son đã qua.

Hội An, nó luống tuổi đến nỗi món ăn địa phương riêng biệt của nó cũng mệt mỏi, không có sức đi xa. Thực vậy, xung quanh các sợi bún, sợi mì, bánh tráng xắc cùng một ít nước dùng, người Tàu và người Việt chế biến rất nhiều món ăn: phở, mì, hủ tiếu, mì Quảng, bún bò, bún thang, miến gà, bún chả, bún riêu v.v... Một muỗng nước lớn đổ vào một mớ sợi lằng nhằng, bằng chất ngũ cốc nào đó, thế là thành món ăn được yêu chuộng nhất của ta và Tàu. Không có bằng chứng gì tỏ rằng người Âu châu có đế ý đến món ấy, tại sao vậy? Riêng ở Đông phương thì sợi bún và nước dùng, hai đề tài ấy đã thiên biến vạn hóa ra muôn hình nghìn trạng khác nhau, sự phong phú không biết đến đâu mà kể. Những nhà học giả uyên thâm, chuyên suy tầm về văn minh các dân tộc Đông Tây, ước gì được các vị ấy dừng bước một phút trên con đường hành trình vào dân tộc học để giải đáp cho về cái duyên nợ đã buộc liền giống người Mongoloide vào những sợi dây ngũ cốc lòng thòng mà lại buông tha các giống Caucasique cùng Négroide.

Vậy thì người dân Hội An cũng đa mang một mối hệ lụy Đông phương ấy. Cũng một mớ sợi, cũng nước dùng lép xép, thêm vào mấy món gia vị, tôm thịt... Đại khái thì thế. Nhưng tại Hội An món quà ấy mang cái tên cao sang hơn ở các nơi khác: tên nó là “cao lầu.” Vào một hàng quán nhỏ, nền trệt sát mặt đường, ghé mông lên chiếc ghế đẩu xiêng xẹo, nhưng khách vẫn cứ có thể quát tửu bảo một cách dõng dạc: “Cao lầu một bát mau lên!” Oai vệ ra phết.

Cao lầu! ngẫm nghĩ mà xem: tên tuổi ấy không tầm thường như tên những món ăn khác. Ở châu Á, nguồn gốc của văn hóa cũng như của các món ăn, hình như là đều do tự phương Bắc lần xuống. Cho nên nhiều món ăn của ta đến nay còn lai Tàu rõ rệt. Tàu họ viết trên thực đơn là vân thôn, sang tiếng ta nó trở thành hoành thánh,hoặc mì thánh, hoặc mằn thắn, rất lung tung. Rồi cái gì lại phở, lại hủ tiếu, nghĩa lý thế nào? Phở, món ăn dân tộc, món quốc túy được một tùy bút gia tiếng tăm ca tụng, có phải nó do cái món Tàu gọi là phấn? la phấn miến? Những tên ta với tên Tàu như thế có dính líu một cách mơ hồ lộn xộn, có lẽ là vì ngôn ngữ đôi bên đã chuyển cho nhau do những anh đầu bếp, những bác bán hàng rong. Một mặt thì thế; mặt khác các món ăn thuần túy dân tộc lại mang những tên nôm na: mì, bún, v.v... Riêng một món “cao lầu,” tên nó không nôm na, cũng không lai chệt bình dân; tánh danh nó được chuyển từ ngôn ngữ xứ nầy qua ngôn ngữ xứ nọ theo đường lối bác học hẳn hoi. Đó, một món ăn đường bệ như vậy mà nay đành mất cả sinh lực, thế mới lạ.

Nói về khả năng phát triển, trước nhất phải kể món phở. Không biết tiền thân của nó hồi ở bên Tàu ra sao, kiếp này nó khai sinh ở Bắc Việt, thế mà lần hòi nó tràn vào khắp miền Nam. Cuộc Nam tiến của nó là cuộc Nam tiến lặng lẽ, không đổ máu, mà có thể kể là vẻ vang hiển hách nhất trong lịch sử hiện đại. Bún bò Huế, gốc ở Trung, cũng đã nhập đô thành từ lâu, và hiện có nhiều cứ điểm khá vững vàng. Mì Quảng, nó chưa có thành tích, nó bị trở ngại vì cái địa phương tính quá lộ liễu, tuy vậy bây giờ tại Sài Gòn, ở vùng Hiền Vương, Trương Minh Giảng nó cũng có địa vị rồi. Thế mà cao lầu thì không ra khỏi Hội An! Thậm chí nó cũng không đi tới Đà Nẵng. Cái gì mà lạ vậy? Một người dân Phố Hội làm việc ở Đà Nẵng lâu lâu có nhớ đến cao lầu mà đâm thèm thì vẫn cứ việc phải về Hội An để ăn. Đi xe hơi, xe xì-cút-tơ, cũng có thể dùng cả xe đạp mà về. Gần nhau đến như thế, nhưng người cũ có thể tìm về chứ cao lầu không thể ra đi. Không biết cái món quí phái ấy nó cấm cung ở Hội An đã bao nhiêu thế kỷ. Thật khó hiểu: nếu nó thua sút, sao nó không bị tiêu diệt vì sự cạnh tranh của những thứ khác? Nếu nó có gì xuất sắc, sao cái xuất sắc ấy lại chỉ vừa đủ mức để tự vệ mà không thể dùng để tấn công lấn tới được một hào ly ?


Do một sự tình rắc rối như vậy mà cách nhau trong gang tấc Đà Nẵng với Hội An mỗi bên là một thời đại: bên này là tương lai, bên kia là quá khứ, bên nầy suốt ngày đêm tàu thủy ngược xuôi trên sông, phi cơ lao vùn vụt trên trời, bên bờ sông trực thăng cất lên đáp xuống phành phạch, bên kia thì đường hẹp sông vắng; bên nầy thì hộp đêm nằm san sát dày khít mang tên ngoại ngữ, bên kia đầy những chùa chiền xưa cũ; bên nằy tràn trề đồ hộp Mỹ với la-ve nước ngọt Mỹ uống xong vứt lon lăn lóc khắp các lề đường, bên kia thì... cao lầu!

Bởi vậy có dịp đến Hội an, xin đừng có ai quên cao lầu. Vào một tiệm ăn, kêu một bát cao lầu, ngòi bẻ cúc cắc mấy mảnh bánh tráng, ăn từ từ, vừa ăn vừa ngắm nghía những cây cột tròn to tướng và đen bóng đứng quanh mình, vừa ngẫm nghĩ về ngôi nhà mà mình đang ngồi, ngôi nhà sâu hun hút, giống hệt các nhà lân cận, trăm cái như một, ngồi ăn như thế có cảm tưởng hoặc mình đang mon men trên đường về lịch sử, hoặc đang tẩm mình trong một bầu không khí lịch sử, đang bị lịch sử xâm nhập từ nhiều ngõ cảm quan khác nhau: vị giác, thị giác, v.v...


** *

Trong dịp đến Hội An lần ấy, vừa bắt gặp cả lịch sử, cả cao lầu, tôi lại vừa gặp tin buồn xảy đến cho gia đình một người bạn. Thân sinh anh vừa mới qua đời. Trong buổi chiều hè oi bức, những cây nến trên nắp áo quan, giữa một căn phòng bắt đằu tối dần, cháy mòn trong sự chờ đợi. Một buổi chiều nay, một đêm nay nữa, rồi sáng mai là đưa ông cụ đi, mà anh bạn chưa về. Khuya, trên một con đường sáng trăng của thành phố, gặp vài người con gái mặc tang phục trắng toát đi vội vã, biết là con cháu trong gia đình, đón lại hỏi: anh bạn vẫn chưa về kịp.

Hội An sớm được khai hóa, nó là đất văn vật, chính vì lẽ đó mà ngày nay đám tử đệ ưu tú càng bỏ nó tung đi bốn phương. Người con trai lúc nầy, càng là tài hoa càng là giỏi dắn, càng khó cầm chân ở một chỗ, nhất là một chỗ đã thuộc về dĩ vãng như thế. Tình hình đòi hỏi họ ở khắp nơi. Khả năng phong phú cần phát triển thúc dục họ tìm chỗ ra mắt ở những địa điểm trung tâm trọng yếu của đất nước. Chính khách cũng như văn nghệ sĩ, trí thức, họ tìm về thủ đô. Chính anh bạn nọ trong đêm hè nằy chắc chắn cũng ngược xuôi đâu đó — một phòng trà? một bữa tiệc? một buổi hội thảo? — ở thủ đô. Và những cây nến xếp hàng trên quan tài cha già đành lặng lẽ mòn mỏi dần cho đến trọn đêm.

Ngày thơ ấu, đọc truyện Le Petit Chose thường cảm động ở chỗ người anh đón em từ một tỉnh nhỏ miền Nam văng mình vào Paris như vào một cuộc phiêu lưu. Thủ đô ánh sáng mênh mông làm họ choáng váng, hai anh em côi cút rồi biết xoay trở ra sao? Vậy mà họ can đảm dìu dắt nhau, một ngày kia người em lừng danh.

Sài Gòn có biết chăng sự chắt chiu của các địa phương khi gom góp chọn lựa gửi về đây những con em yêu quí của mình. Từ đây, Sài Gòn rồi sẽ phân phát: kẻ thì ra nước ngoài vùng vẫy, kẻ lại trở về lãnh trách nhiệm ở các chiến tuyến tiền đồn, kẻ hoạt động trên địa hạt nầy, người ở địa hạt khác... Nhưng những hạt giống vãi ra, tranh nhau tìm sống, có hạt nẩy mầm lớn lên thành cây mạnh mẽ, nở hoa, ra quả, mà cũng có hạt tịt đi, có mầm héo non. Có những cuộc đời tài hoa rồi tàn lụi đi, im lặng, không ai hay biết, đây đó trong đô thành.

Một chiều nào đó, họ xuống máy bay, tay xách chiếc va-li, ngơ ngác bước theo chân cô tiếp viên hàng không, cánh quạt của chiếc máy bay mới đến sau xua gió ào ào thổi tốc áo quần làm cho họ càng chơi vơi trong buổi đầu tiên đến phi trường Tân Sơn Nhất... Một xâm xẩm tối nào đó, họ xuống bến xe đường Pétrus Ký; quần áo nhàu nhò, mình mẩy ê ẩm, đứng ngước mặt chờ đón lãnh chiếc va-li nặng tử trên trần xe đưa xuống... Mắt họ đảo quanh tìm một anh Jacques. Đó có thể là một người bà con, là một đồng chí, là một “anh em X.X.”, là một văn hữu mới quen nhau trong thư từ v.v... Thế rồi năm ba năm sau, trong bọn họ có người làm nên, giàu sang, nổi tên nổi tuổi, có người gặp toàn bất trắc: ngày ngày lặn ngụp trong các ngõ hẻm, năm nay ở phía sau một ngôi chùa, năm sau lơ lửng trên một con rạch, rồi tếch dần về những vùng ngoại ô Bình Thới, Hàng Xanh, Thủ Thiêm, Vĩnh Hội..., những ngón tay mỏi như không bám chặt nổi vào thủ đô, cứ trụt dần...

Anh bạn giáo sư nọ cũng đã trụt từ một chỗ bên cạnh tòa soạn ở trung tâm thành phố ra một căn gác ở Đa-kao, từ căn gác ở Đa-kao về căn buồng nhỏ bên Gia Định, rồi lui lần đi Bình Hòa. Anh hết rảo chơi chợ Hàm Nghi được.

Sau cùng anh đã tìm có chỗ dạy học lai rai đủ sống. Ngày ngày cắp mấy cuốn sách đi, ôm mấy mươi tập bài học sinh về chấm, anh lại sống cuộc đời hiền lành hơn bao giờ hết. Nhưng trong thế quân bình ổn định nhất của cuộc đời anh bạn giáo sư người Quảng vẫn cứ có chút gì hơi lỏng lẻo. Một sức mạnh tiềm tàng nghịch ngợm vẫn cứ cố sức lay động cái yên ổn bề ngoài ấy. Thực vậy, hễ mỗi lần tình hình trở nên khủng hoảng, mỗi lần một biến cố chính trị xảy ra, là anh bạn nhấp nhỏm sẵn sàng tung mình vào một cuộc phiêu lưu nữa, cùng với “anh em”. Làm sao vừa đi dạy vừa theo dõi tình hình chính trị rất sát, cái đó thực không hiểu nổi. Đến chơi nhà anh, có thể hôm trước vắng teo, anh vén lá mùng rủ nhau chui vào giường vo chăn kê dưới đầu làm gối, nói chuyện thủ thỉ, yên tĩnh thảnh thơi; bỗng hôm sau trở lại thì trước hè đầy những xe đạp, xe gắn máy dựa vách, trong nhà mùng vắt gọn lên trần, “anh em” kẻ đứng người ngồi đông nghịt, vung tay vung chân đàm luận om sòm. Thế là sắp “có chuyện” rồi.

Lúc nào thì nên buông mùng xuống nằm khoèo? Lúc nào thì phải vắt mùng lên cao đểbàn chính sự, cái gì báo hiệu một biến cố để cho một nhà giáo đang lúi húi chữa bài bỗng quắc mắt vùng lên? Ôi chao cái cảm giác tinh mẫn về thời thế đó là một năng khiếu đặc biệt dành cho một vài hạng người, đâu phải ai cũng có được, cũng hiểu được? Trời vần vũ sắp mưa thì con én nó bay thấp con kiến nó tha trứng lên cao, ai hiểu được vì sao!


** *

Và hạng người chuyên tâm về chính trị, hằng săn sóc lo lắng đến vận mệnh đất nước, nhạy cảm đối với tình hình, khổ thân cho họ: trong bao nhiêu năm nay họ không có được mấy lúc nghỉ ngơi. Nước nhà đã lâm chiến, sinh hoạt mọi mặt đã khó khăn, tình trạng đã trầm trệ bê bối trên mọi lãnh vực, thế mà rồi năm tháng một biến cố ba tháng một biến cố.

Lảng vảng trên đầu mọi người một không khí não nề.

Không não nề thực sao những câu hát như thế này đang trầm trầm ngấm dần vào tâm hồn mọi tầng lớp:

“Mẹ ôi! đoái thương xem nước Việt Nam.
Trời u ám chiến tranh điêu tàn...
... Mẹ Việt nam, hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về,
Mẹ Việt nam ơi, ai chia ly tan tác cả ngàn đời...”


Ngẩng đằu hát một khúc “trường ca”: cũng “Mẹ Việt Nam”; quì xuống cầu nguyện: cũng Mẹ Việt Nam; thậm chí những lúc rì rầm cất lời dỗ giấc ngủ em gái: cũng lại Mẹ Việt Nam nữa. Chắc chắn chưa có bao giờ Mẹ Việt Nam bị kêu gọi nhắc nhở nhiều đến thế, bằng giọng xót thương, rên rỉ, nghẹn ngào, khẩn thiết. Tuồng như trong cảnh thê lương, tuyệt vọng hình ảnh người đàn bà vẫn an ủi người đàn ông. Nhiều sụp đổ đau thương nhiều đau đớn quá, không biết kêu ai, trông cậy vào đâu, đành chỉ biết níu gấu áo mẹ, dù là mẹ... Việt Nam. Đối với những cơn bão tố phũ phàng của lịch sử thì mẹ Việt Nam biết làm gì được! Người đàn bà chỉ chịu đựng mà thôi. Tuy vậy mẹ vẫn là chỗ nương tựa về tình cảm, mẹ chia xẻ lo âu, lắng nghe những than thở, chùi những hạt nước mắt của con. Như thế là quí quá rồi. Trái lại, cha già, những đấng cha già dân tộc...! ôi thôi! còn ai dám kêu đến họ nữa! Những cha già và những anh cả dân tộc...

Gọi Mẹ Việt Nam, Mẹ cúi xuống kiểm điểm từng địa phương, từng phần tử trong đám con đàn cháu lũ Việt Nam chắc chắn mẹ sẽ không đến nỗi tuyệt vọng đâu. Đã đành, nhiều lúc con trẻ hành động ngông cuồng rồ dại quấy phá Mẹ không ít, làm Mẹ đến điêu đứng thẫn thờ cũng nên; nhưng Mẹ hãy xem: có những gương mặt khả ái, những tấm lòng nhiệt thành, sau hai mươi năm điêu linh vẫn còn những kẻ kiên nhẫn siêng năng, sau nhiều suy sụp ngả nghiêng xã hội vẫn còn những tâm hồn đứng đắn lành mạnh nhờ được hun đúc trong một truyền thống tốt đẹp tự lâu đời...

Và khi nói đến những quấy động điên cuồng, cũng như khi nói đén sự nhiệt thành cùng truyền thống tốt đẹp, Mẹ đều có thể nghĩ đến xứ Quảng.


Tháng 7 năm 1966

Võ Phiến