Nhạc sĩ Lê Hựu Hà. (trandangchi.blogspot.com)
Tới bây giờ, người ta vẫn không thể giải thích, tại sao có nhiều tài năng xuất sắc ở nhiều lãnh vực, nhất là lãnh vực sáng tạo, lại chết khi còn rất trẻ? Ðôi khi, bao nhiêu năm sau, cái chết của họ còn được dư luận đề cập tới vì tính bi thảm của nó! Trong khi tư chất của họ, vốn là những người có một sức sống mãnh liệt, sung mãn! Cụ thể như trường hợp của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Ông có khá nhiều những ca khúc một thời, từng gây nên những trận bão yêu thích, không chỉ trong giới trẻ mà, luôn cả những người lớn tuổi, thuộc mọi thành phần.
Ngay bây giờ, sau gần 50 năm, những ca khúc của Lê Hựu Hà, sáng tác vào đầu thập niên 1970's, vẫn còn được các nhạc sĩ nhắc tới, và chúng vẫn còn giữ một vị trí ưu ái, trong ký ức người thưởng ngoạn.
Sau gần nửa thế kỷ, hôm nay, ở hải ngoại, một số trung tâm ban nhạc lớn, cũng vẫn còn được thu băng của họ Lê, để đáp ứng nhu cầu người tiêu thụ.
Những ca khúc nổi tiếng, trong sáng của họ Lê, hiện ra như những bình minh mới giữa mưa dầm gió buốt, đầy những tình yêu đổ vỡ, chia lìa và, nước mắt than oán của dòng tân nhạc Việt, trước tháng 4, 1975.
Thí dụ với ca khúc “Hãy yêu như chưa yêu lần nào,” ở phần ca từ họ Lê viết:
“Hỡi anh yêu xin anh đừng buồn
Có đôi khi em hay giận hờn
Ðể cho anh quên đi ngày dài
Với bao đêm suy tư miệt mài.
“Mắt môi đây xin anh đừng chờ
Chiếc hôn kia mong anh từng giờ
Ngón tay kia xin chớ hững hờ
Dắt em đi về trong đợi chờ.
(...)
“Hãy cho em môi hôn nồng nàn
Lỡ mai sau duyên ta muộn màng
Sẽ không ai cho ta vội vàng
Mới yêu đây nay sao phũ phàng
“Hãy yêu như chưa yêu lần nào
Hãy cho nhau môi hôn ngọt ngào
Hãy đưa em về nơi cuối trời
Giấc mơ yêu cùng anh trọn đời.”
(Nguồn Wikipedia-Mở)
Hoặc như nội dung của một ca khúc nổi tiếng khác, Lê Hựu Hà đã mang được vào trong cõi-giới âm nhạc của ông, những cảm nhận thực tế xã hội, đời thường như:
“Cười lên đi em ơi
Dù nước mắt rớt trên vành môi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Nhìn tha nhân ta buông tiếng cười
Ta không cần cuộc đời
Toàn những chê bai và ganh ghét
Ta không cần cuộc đời
Toàn những khoe khoang và thấp hèn
“Cười lên đi em ơi
Cười để giấu những dòng lệ rơi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Nhìn đổi thay ta vang tiếng cười
Ta không thèm làm người
Thà làm chim trên rừng hoang vắng
Ta không thèm làm người
Thà làm mây bay khắp phương trời...” (1)
Với những câu như: “Ta không cần cuộc đời/ Toàn những chê bai và ganh ghét
Ta không cần cuộc đời/ Toàn những khoe khoang và thấp hèn,” trước và sau Lê Hựu Hà, chúng ta không hề thấy trong ca từ của hầu hết các nhạc sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, không phải vì vạch trần những “thói đời” như vậy mà tác giả sinh lòng oán than, thù ghét. Trái lại, ông còn nhắc nhở người yêu của ông hãy cứ “cười lên đi em ơi”... Dù cho tiếng cười đó, chỉ để che giấu “...nước mắt rớt trên vành môi.” Và hãy mở rộng tấm lòng rộng thương yêu bằng cách “...ngước mặt nhìn đời”; và,“nhìn tha nhân ta buông tiếng cười...”
Ðể giải thích cho tinh thần yêu người, yêu đời của mình, qua ca khúc “Nắng vàng, biển xanh và anh,” Lê Hựu Hà viết:
“Nắng lên rồi đêm vội đi ngày đang tới
Ðất với trời bắt tay nói câu chào nhau
Gió tung tăng đùa vui bay làn tóc rối
Cả thiên nhiên cũng hân hoan đón mặt trời
“Biển trong xanh nhẹ hôn bờ cát trắng
Sóng lao xao mơn man vuốt ve bàn chân
Khẽ trao nhau nụ hôn thật êm ái
Khép đôi mi để chiếc hôn ngắn được dài
“Có anh rất hiền, có em yếu mềm
Cho đôi ta nghe trái tim mình
Dịu dàng lên tiếng
Men tình ngây ngất, hương tình lâng lâng
Còn chờ đợi chi anh ơi hãy ôm em vào lòng
Trái tim nồng sẽ không quay lưng lại
Dẫu cho bao thăng trầm đổi thay...” (2)
Ngoài những câu như thơ, rất mới: “Ðất với trời bắt tay nói câu chào nhau” hoặc “Khép đôi mi để chiếc hôn ngắn được dài” thì “Trái tim nồng sẽ không quay lưng lại/ Dẫu cho bao thăng trầm đổi thay...” - - Ðã tựa như một xác quyết, khẳng định cho tâm-thái hay, bản chất nhân ái của họ Lê trước mọi “khoe khoang và thấp hèn” của con người trong đời thường!!!
Nhưng, Lê Hựu Hà không chỉ có những đóng góp cá nhân, bằng vào tài năng của riêng mình. Ông còn là người mở rộng sân chơi, cho những bằng hữu đồng trang lứa với ông, một thời nữa.
Theo tiểu sử được Tự Ðiển Bách Khoa Toàn Thư-Mở thì, ngay từ năm 1965, khi mới bước vào con đường âm nhạc, Lê Hựu Hà đã đứng ra thành lập ban nhạc Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1965 với ban nhạc Hải Âu nhân Ðại Hội Nhạc Trẻ của Trường Trung Học Lasan Tabert. Chính từ ban nhạc này là bệ phóng của tiếng hát Thanh Lan, nổi tiếng, sau này.
Nhưng, phải đợi tới đầu thập niên 1970, khi ban nhạc Hải Âu không còn nữa, thì cũng họ Lê phối hợp với Nguyễn Trung Cang, Elvis Phương, thành lập ban nhạc Phượng Hoàng. Chính tại sân chơi Phượng Hoàng này, nhiều tài năng nhạc trẻ, đã cất cánh bay cao trong vòm trời âm nhạc Việt.
Nhắc tới ban nhạc Phượng Hoàng, mười hai năm sau cái chết của Lê Hựu Hà (2005), một người bạn thân của mình, nhạc sĩ Tuấn Khanh, trong một bài viết, phổ biến trên Tuấn Khanh' Blog, ghi lại nhận định của cố nhạc sĩ Phạm Duy về ban nhạc Phượng Hoàng, như sau:
“...Nhạc sĩ Phạm Duy, lúc sinh thời không phải là người dễ tính, cũng đã phải thốt lên rằng âm nhạc của Phượng Hoàng đầy chất tâm hoặc (psychedelic culture) và phản ánh một tâm thức của thế hệ trẻ không lối thoát trong một xã hội chiến tranh, bất an không hồi kết...” (3)
Lê Hựu Hà, bi kịch cuối cùng của một tài năng âm nhạc!
Nếu sự nghiệp âm nhạc của Lê Hựu Hà ngày một thăng hoa thì, đời sống hàng ngày của ông, theo mô tả của nhiều người, lại là con đường ngược chiều đầy khó khăn, nếu không muốn nói là u ám! Dù cho ngoài việc viết ca khúc, ông cũng làm nhiều công việc khác, như đặt lời Việt cho hàng trăm ca khúc ngoại quốc (trong số đó, có khá nhiều bài nổi tiếng) hoặc, làm nhạc quảng cáo cho những công ty ngoại quốc, đặt hàng ông. Nhưng thực tế phũ phàng là các bầu show đã lần lượt quay lưng lại với họ Lê!
Tuy nhiên, cái chết của ông, mới thực sự là đỉnh ngọn u ám, bi kịch của tài hoa này.
Trong một bài viết trên báo NLÐ, số đề ngày 12 tháng 5, 2003, hai tác giả HT-TN ghi lại những chi tiết đầu tiên về cái cái chết của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, như sau:
“Khoảng 8 giờ sáng qua (11 tháng 5), công an quận 1 nhận được tin báo có dấu hiệu khả nghi ở nhà 89 đường Hồ Hảo Hớn, P. Cô Giang, Q.1, TPHCM, mấy hôm nay không thấy chủ nhân ra vào. Công an đã đến xem xét và phát hiện ông Lê Hựu Hà, nhạc sĩ, sinh năm 1946, nằm chết trong phòng, xác đã bắt đầu phân hủy. Trong nhà đèn vẫn sáng, tivi vẫn mở, quạt máy vẫn hoạt động, ngoài sân có chiếc xe Honda.
“Những người dân ở gần nhà ông Hà cho biết: Ông Hà có hai đời vợ. Người vợ thứ nhất cùng các con đã định cư ở Mỹ; người vợ thứ hai là ca sĩ Nhã Phương. Cách đây không lâu, ông Hà tâm sự với nhiều người hàng xóm rằng mình đang ly dị vợ và chỉ một mình ông ở căn nhà này.
“Chiều cùng ngày, Cơ quan giám định pháp y công an TPHCM đã có kết quả điều tra. Sau khi giải phẫu tử thi, các bác sĩ khẳng định nhạc sĩ Lê Hựu Hà chết vào chiều 9 tháng 5 (Thứ Sáu). Theo ca sĩ Nhã Phương, nhạc sĩ Lê Hựu Hà bị bệnh huyết áp đã hai năm nay. Do cả hai đã ly thân cách đây bốn tháng nên đời sống của anh khép kín với thế giới bên ngoài...”
Những chi tiết liên quan tới cái chết của tác giả ca khúc “Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào,” như xác đã bắt đầu phân hủy hoặc, họ Lê chết từ nhiều ngày trước đó, đã khiến dư luận xôn xao, xúc động...
Người được dư luận nhắc tới nhiều nhất là nữ ca sĩ nổi tiếng, Nhã Phương, vì cô là người bạn đời sau cùng (trong số 4 người vợ) của nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Dù hai người đã ly thân từ bốn tháng trước đó và, họ Lê sống khép kín trong căn nhà cũ của họ.
Chi tiết hơn, tác giả Hương Giang trong một bài viết trên báo Người Ðưa Tin, ghi rằng:
“...Người nhạc sĩ từng được coi là đã mang một dòng nhạc mới và tươi trẻ đến cho tân nhạc Việt Nam đã được phát giác qua đời vào ngày 11 tháng 5, 2003 khi mới 53 tuổi do tai biến mạch máu não. Theo biên bản khám nghiệm, Lê Hựu Hà qua đời từ ngày 5 nhưng phải đến ngày 11 mới được phát hiện trong tư thế nằm ngửa dưới sàn nhà, ngay cạnh giường ngủ, trong khi đồ đạc vẫn còn ngổn ngang trong phòng và ti vi vẫn còn đang bật... Tiền sử bệnh tai biến đã khiến một con người tài hoa ra đi khi tuổi vẫn còn trẻ và đặc biệt là ra đi trong sự hoài nghi, luyến tiếc của hàng triệu những người 'muôn năm cũ.'”
Tôi nghĩ, do áp lực của dư luận, cuối cùng, bảy năm sau, ca sĩ Nhã Phương đã phải lên tiếng và, sự bộc bạch của cô về cuộc hôn nhân giữa hai người, được báo Theo Mốt và Cuộc Sống, số đề ngày 19 tháng 10 năm 2010 ghi thuật đại ý:
-Cái chết của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, đối với Nhã Phương là một biến cố quá to lớn. Cô phải cố gắng kiềm chế đau khổ của mình, để đem sự bình thường trở lại cho hai con của cô, một 15 tuổi và, một 9 tuổi!
-Nhã Phương cũng cho biết, cô phải nén đau thương tiếp tục đi hát bất cứ nơi nào, khi được mời để có tiền nuôi con. Trong bài viết kể trên, Nhã Phương tâm sự:
“...Khi sống với anh Hà, đôi khi nghĩ lại, tôi thấy mình đã làm việc quá sức. Có những lúc ốm đau, tôi chẳng được nghỉ ngơi, cứ lao vào đi hát và kiếm tiền trả tiền nhà, trang trải cuộc sống. Tôi làm việc như một cái máy, tất tả chạy từ miền Trung ra Hà Nội rồi lại xuống tận Rạch Giá, Cà Mau,... Có lúc rất mệt, người không còn chút sức lực, tôi cũng không được nghỉ ngơi. Anh Hà cứ nói: ‘Thôi em ráng hát nhé, hát để có tiền trả tiền nhà.’ Thế là những lúc bệnh, tôi vẫn đi hát.
“Có một điều sai lầm với nhiều người làm nghệ thuật, trong đó có cả anh Hà là cứ sống trong mơ tưởng hão huyền. Họ cứ ngỡ mình là nhân vật gì đó quan trọng lắm, nổi tiếng lắm, tên tuổi lắm... Thật hoang tưởng!”
Dù vậy, Nhã Phương vẫn không quên nhận chân sự thật:
“Anh Hà mất đi, tôi xót xa hiểu được đời này là vô thường. Không khí gia đình lúc ấy tang tóc, buồn bã bao trùm. Tôi phải luôn dỗ dành, trấn an các con, tạo cho chúng niềm vui trong từng ngày, từng ngày...”
Nói về nguyên do sâu xa đưa sự kết thúc của cuộc hôn nhân đã kéo dài tới 23 năm với cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà, ca sĩ Nhã Phương cho biết:
“Tôi đến với anh Hà và chấp nhận cuộc sống đơn giản, an phận, vượt qua mọi gian nan trong cuộc sống. Danh tiếng hay tiền bạc, giàu có, tôi không màng đến, chỉ muốn sống vui và hạnh phúc bên chồng. Quan điểm cổ hủ ngày xưa chồng chúa vợ tôi cứ ăn sâu trong tâm thức mọi người thời đó. Người đàn ông đối xử với vợ thiếu tôn trọng, gần như áp bức vậy. Và cũng chính điều này đã đánh mất đi hạnh phúc tốt đẹp của nhiều cặp vợ chồng.
“Nhưng phải nhìn nhận rằng, sống với anh Hà thật thú vị. Anh ấy như một người thầy, một người anh dạy dỗ cho tôi biết bao điều. Trong những bài hát, lời văn ý nhạc anh Hà viết, đối với tôi là cả sự khâm phục. Anh ấy đã hỗ trợ rất nhiều trong nghề nghiệp của tôi, nhưng giá như anh Hà đừng yêu tôi nhiều quá, như vậy sẽ tốt hơn...”
Nhìn lại cuộc tình và hôn nhân của mình với tác giả “Hãy Ngước Mặt Nhìn Ðời,” Nhã Phương xác nhận, thực ra, cô yêu nhạc sĩ Lê Hựu Hà ở một con người khác; không phải con người “chồng chúa vợ tôi.” Cô nói:
“Ở ngoài, anh ấy thật dễ thương, hiền hòa, cởi mở. Nhưng về nhà lại là một người cứng rắn, bảo thủ và hay nóng giận vô cớ. Cứ mỗi lần nóng giận, anh Hà thường quát nạt, lớn tiếng, làm tôi cảm thấy sợ hãi và buồn chán. Lúc ấy, tôi chỉ muốn chia tay mà thôi. Nhưng cuộc sống cứ ràng buộc hết điều này đến điều khác, anh Hà lúc quát nạt, lúc đầy yêu thương, cứ như vậy, tôi đã kéo dài cuộc hôn nhân của mình như mong chờ một sự thay đổi từ phía chồng cũ.” (Nđd)
Bốn năm, sau khi nhạc sĩ Lê Hựu Hà từ trần, ca sĩ Nhã Phương mới đi bước nữa với David, một khán giả người Mỹ, ái mộ cô từ những ngày cô còn hát ở các bar, phòng trà như Yesterday, Feeling Rex, Lido... Cô và hai con, hiện sống tại Hoa Kỳ.
Cuộc hôn nhân thứ hai của Nhã Phương đã là dấu chấm hết chuyện tình đẹp, dẫn tới hôn nhân. Nhưng, tiếc thay, kết cuộc lại là một bi kịch cho cả hai tài hoa âm nhạc Việt: Nhã Phương-Lê Hựu Hà!
Giải mã cái chết đã phân hủy của Lê Hựu Hà
Mặc dù tài năng sáng chói, được dư luận, những người cùng giới ghi nhận là một trong “tam kiệt nhạc trẻ Việt” nhưng, những năm tháng cuối đời của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, lại là một cuối đời chát, đắng phũ phàng tới mức không ai có thể tưởng tượng được! Tôi muốn nói tới sự quay lưng thẳng thừng, tàn nhẫn của bằng hữu họ Lê - - Gồm cả những người từng được ông nâng đỡ, hướng dẫn bước đầu, trên lộ trình âm nhạc - Mà, nhiều người sau đó, nổi tiếng và trở thành những bầu show quan trọng.
Sự quay lưng tàn nhẫn, khó hiểu này, đã khiến người vợ sau cùng của ông, ca sĩ Nhã Phương, phải thốt lên trong một cuộc phỏng vấn dành cho 1 nhà báo ở Saigon, 10 năm sau... Ðại ý:
“Có bầu show đã nói thẳng với Nhã Phương rằng, tôi mời chị, nhưng không mời anh Lê Hựu Hà...”
Nhã Phương tâm sự:
“Tôi có cảm tưởng họ muốn làm nhục anh ấy vậy!”
Dù đã có rất nhiều bút mực không ngừng đổ ra hơn mười năm qua, nhưng không một bài báo, một cuộc điều tra nào, mang đến cho người đọc một chút ánh sáng soi rọi đủ vào cái chết thê thảm của tài hoa Lê Hựu Hà!!!
Tôi nghĩ, phải đợi 12 năm sau, nhân kỷ niệm ngày mất sau 12 năm của bạn mình là nhạc sĩ Lê Hựu Hà, nhạc sĩ Tuấn Khanh, trong Tuankhanh blog mới trả lời cho linh hồn họ Lê, cho Nhã Phương, người bạn đời sau cùng của họ Lê và, nhất là cho hàng triệu người hâm mộ tài hoa tác giả “Hãy yêu nhau như chưa yêu lần nào.” Tôi hy vọng nỗ lực giải mã của Tuấn Khanh, sẽ giúp cho linh hồn họ Lê được siêu thoát về cõi vĩnh hằng.
Phần giải mã của nhạc sĩ Tuấn Khanh, dành cho Lê Hựu Hà, từ khởi đầu sự nghiệp tới ngày âm thầm “đi xa,” có thể tóm tắt như sau:
-Rất khó biết là nhạc sĩ Lê Hựu Hà qua đời vào lúc nào. Theo báo cáo pháp y, người ta chỉ tìm thấy ông vào ngày 11 tháng 5, 2003, nhưng dự đoán thời gian qua đời có thể từ 5 ngày trước. Lê Hựu Hà là một người cô đơn. Và những ngày cuối đời của ông lại càng cô đơn hơn khi đi về chỉ một mình, đóng cửa lặng lẽ đọc sách, nghe nhạc, mở ti vi cho có tiếng người chung quanh mình. Chính vì ti vi vẫn mở suốt nhiều ngày liền, nên chung quanh hàng xóm không ai ngờ rằng ông đã qua đời. Chỉ đến khi vài người bạn đến tìm, gọi chuông không được thì sau đó mọi người mới phát hiện rằng ông đã đi rất xa rồi.
-Câu hỏi đó thật khó trả lời. Phượng Hoàng sinh ra từ lửa và hóa kiếp trong lửa, tuần hoàn vô lượng. Nhưng để nhận biết là điều bất khả. Thật khó hình dung nền nhạc trẻ Việt Nam thập niên 60-70 nếu không Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Elvis Phương,... thì hôm nay sẽ là gì? Ban nhạc Phượng Hoàng của Lê Hựu Hà thành lập năm 1963, với chủ trương dứt khoát của Lê Hựu Hà là “người Việt phải chơi nhạc Việt,” nhằm tạo một khuynh hướng khác biệt với hàng loạt các nhóm nhạc trẻ lúc đó, phần lớn đang cover lại các bài hát ngoại quốc, và lấy tên tiếng nước ngoài như The Enterprise, CBC, The Dreammers, Les Vampires,... nhạc trẻ thuần Việt được coi như khai sinh từ đó. Nếu lịch sử âm nhạc Anh Quốc có cột mốc vĩ đại từ cuộc nói chuyện vô tình trên tàu điện giữa Paul McCartney và John Lennon, thì ở Việt Nam cũng có chương lịch sử âm nhạc kỳ thú từ sự kết nối giữa Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang.
-Trong các nhạc phẩm của Lê Hựu Hà, là niềm yêu tha nhân dù khổ đau vẫn phải gìn giữ như một định mệnh “Hãy cứ yêu thương người - dù người không yêu ta.” Từ cảm giác đó, Lê Hựu Hà bước theo lộ trình nhận thức thế giới không khác gì John Lennon từ việc viết về tình yêu cho đến hát về người nghèo khó, về một cuộc sống đầy súng đạn và hận thù. Hãy Nhìn Xuống Chân hay Lời Người Ðiên... là một dòng phát triển rất đặc biệt của nhạc sĩ Lê Hựu Hà bên cạnh những bài tình ca nhạc trẻ độc đáo của ông. Chỉ tiếc là sau 1975, chế độ kiểm duyệt của nhà nước Cộng Sản đã bóp chết không ít niềm cảm hứng và sự phát triển của nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có nhạc sĩ Lê Hựu Hà.
-Có một điều không may cho nhạc sĩ Lê Hựu Hà là sau 1975, có một trung tâm sản xuất băng nhạc chống Cộng lấy tên Phượng Hoàng, cho ra chương trình và gửi vào trong nước. Trong thời buổi còn chưa đủ sức phân biệt được trắng đen, công an đã coi nhạc sĩ Lê Hựu Hà như là một trong những thành phần sản xuất chương trình đó. Ðã vậy, có lúc ông còn bị Sở VHTT Cộng Sản những ngày đầu kiểm soát miền Nam nhầm lẫn tên ban nhạc của Lê Hựu Hà và hệ thống tình báo Phượng Hoàng của VNCH.
-Hai điều đó hoàn toàn không liên quan. Ủy Ban Tình Báo Phượng Hoàng, vốn là tên gọi khác của Intelligence and Operations Coordinating Centre, do giám đốc CIA thời đó là William Colby dựng nên, hoạt động từ 1967 và chấm dứt vào 1973. Vốn đã bất đắc chí vì thời cuộc, việc bị truy vấn bởi công an mật vụ liên tục trong thời gian đó đã khiến nhạc sĩ Lê Hựu Hà trở nên trầm uất, và luôn lo sợ. Thậm chí, khi đi đường, nghe tiếng còi của cảnh sát giao thông cũng làm ông kinh hoảng, dừng xe, dù đó không phải là chuyện của ông. Ðã vậy, sau năm 1968, bị gọi nhập ngũ, nhạc sĩ Lê Hựu Hà đến học tại trường Bộ Binh Thủ Ðức, rồi làm việc ở Cục Quân Nhu, và dù không cầm súng bắn phát nào, nhưng do mang lý lịch là “ngụy quân” nên sự nghiệp của ông không bao giờ có thể nối tiếp trọn vẹn được nữa.
-Những khó khăn từ vật chất cho đến đời sống tinh thần vẫn đeo đuổi đến tận ngày nhạc sĩ Lê Hựu Hà qua đời, dù tài năng của ông vẫn chinh phục mọi giới. Những tác phẩm mới sáng tác sau 1975 như Vào Hạ, Ngỡ Ðâu Tình Ðã Quên Mình, Vị Ngọt Ðôi Môi,... luôn gây nên những cơn sốt trong thính giả. Nhưng cũng ít ai biết rằng các bài hát như Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào là bài hát viết cho phim Vết Chân Hoang (chuyển thể từ tiểu thuyết Tuổi Choai Choai của Trường Kỳ), được sửa lời và chút ít giai điệu. Bài Lời Trái Tim Muốn Nói cũng là một ca khúc viết lại một văn bản cũ, trong đó ông lặng lẽ để vào chút tâm tư của mình, qua những câu chữ như “những tháng năm không có ngày vui.”
-Năm 1999, khi đang là thành viên trong ban nhạc Phiêu Bồng của nhạc sĩ, tôi cầm lấy những bài hát của ông và đi đến nhiều hãng băng đĩa, đề nghị làm album tác giả, nhưng mọi nơi đều lắc đầu, nói khéo. Chân thật nhất là một biên tập viên của xí nghiệp băng đĩa nhạc Sài Gòn Audio, hãng phim Bông Sen, đã nói thẳng thừng “Lê Hựu Hà là một người nhân thân có vấn đề.” Sau này, khi nhạc sĩ Lê Hựu Hà căn vặn hỏi mãi, tôi đành phải kể lại. Ông mỉm cười nhã nhặn và buồn. Sau đó, ngay khi tập bài cho các buổi diễn, tôi đề nghị chơi lại những bài hát nhẹ nhàng, không bị soi mói về quan điểm chính trị như Tôi Muốn, Yêu Em,... ông chỉ lắc đầu, cười nhẹ. Khó biết được đằng sau cặp kính của người nhạc sĩ hết sức uyên bác đó là những suy nghĩ gì về cuộc sống khốn khó này.
-Giờ đây khi tìm kiếm trên Internet, thấy những tấm ảnh sau 1975 của ông, lòng tôi chợt chùng lại. Ðể mừng một ngày sinh nhật của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, tôi “dỗ” ông cho chụp vài tấm ảnh, tự mình design bìa CD cho ông, gom những bài hát làm thành một đĩa master rồi đi tìm Tuấn - biệt danh là Tuấn Chó (do có logo thương hiệu bầy chó đốm), một trong những ông trùm sản xuất CD lậu thời đó ở Sài Gòn, nhờ chép ra phát hành giùm. Thật buồn cười và mỉa mai, khi người nhạc sĩ cầm lấy những bài hát của mình được lén lút phát hành bất hợp pháp ngay trong đất nước của mình, và cười như một hạnh phúc...
-Tài sản lớn nhất, và có lẽ vĩ đại nhất đất nước, là bộ sưu tập đĩa nhựa âm nhạc của ông. Tất cả những đĩa quý nhất của thế giới, những ấn bản hạn chế của Rolling Stones, Beatles,... ông đều có đủ và luôn làm bạn bè kinh ngạc ngưỡng mộ. Thế nhưng một ngày mùa Hè cách mạng, các nhân viên Sở Văn Hóa Thông Tin đã ập đến lục soát và tịch thu, theo “tố giác của quần chúng nhân dân.” Nhìn từng chiếc xe ba gác chồng chất các bản đĩa mà ông nâng niu, chở ra đi, là một trong những điều suy sụp lớn của đời ông. Nhạc sĩ Bảo Chấn kể rằng đời ông chưa bao giờ hoảng sợ bằng nhìn thấy hình ảnh nhạc sĩ Lê Hựu Hà ngồi gọi rượu đế ra uống một mình, trầm ngâm và khóc. Ðó là lần uống rượu duy nhất trong đời của người nhạc sĩ chơi rock, Phật tử và không biết thuốc lá, rượu bia... (Nđd)
Tôi tin tưởng rằng, bài viết “kỷ niệm 12 năm ngày mất Lê Hựu Hà” của nhạc sĩ Tuấn Khanh, chí ít, cũng sẽ giúp cho linh hồn họ Lê siêu thoát về miền vĩnh hằng. Vì, ai rồi cũng chết, chế độ, chủ nghĩa nào, rồi cũng sẽ qua đi, chỉ những tài hoa, gấm vóc mọi tài năng ở tất cả các lãnh vực của dân tộc là, còn lại.
(Tháng Tư 2016)
Du Tử Lê