Tôi quay lại, sát với mặt Muội bóng tối mỏng như tấm vải voan lờ mờ, chìm khuất. Chưa nói mà môi đã run lên vô cớ, tôi nghe lòng mình đang tĩnh táo, quang tạnh, khô buốt lại. Chung quanh, cả vùng biển lớn ngưng đọng, chết sững, sóng hết vỗ, nước đứng im. Muội, âm vang của trí nhớ trìu trĩu. Muội, người bạn gái sát mặt, bóng tối cứ loãng ra tựa một làn sương mềm. Tôi mấp máy nói, những tiếng cụt, giọng đơ, lưỡi líu. Ba năm, gớm thật. Mới đó đã ba năm dài; chim bay không tới, cánh rụng giữa trùng trùng thời gian xa hút. Can qua, máu lửa đã lớn dậy cùng ngăn cách trời vực. Muội, tiếng kêu hụt, chìm, nghẹn. Nàng quay đi, mặt áp vào một thân cây dừa khô, thở dài thườn thượt – dài hơn cả ba năm đằng đẵng, ý chừng hơn thế – và nói:
“Em tưởng anh đã chết trong biến cố Mậu Thân ở Huế. Anh chết vỡ ngực, máu nhuộm đỏ cả chiếc sơ mi trắng nằm trước cổng nhà với cái tay nải còn rơi vướng cạnh đó. Chính mắt em trông thấy rõ ràng vào buổi sáng ngày mồng 7 cùng lúc anh Bạt chú Vu và con Thể chạy ngang. Mọi người chỉ kịp kêu trời ơi như vừa bị đạn găm vào đầu, ngơ ngác ngó nhau rồi hối nhau chạy tiếp. Ít hôm sau gặp bác gái ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, bác ôm em khóc ngất: hắn về với ông bà rồi con ơí!”. Tôi kêu to: “Phải, anh chết thật rồi. Ba năm nay anh chỉ còn sống như cái bóng mờ trong sự tưởng tiếc của người thân. Cả lúc này, em nghe coi, anh đâu còn nói được tiếng nói của người sống nữa”. Đêm rớt xuống khối tĩnh mịch kỳ lạ ngay khi tôi dứt lời, ví chừng có con cá nào đó đang quậy mình thở ra dưới đáy biển kia chắc tai có thể nghe rõ tiếng bọt nước sủi tăm. Muội đợi dưới gốc cây, hốt hoảng: “Anh đừng làm em sợ. Thật tình em thấy xác anh tóc tai mặt mũi dính máu… Hay, có phải đôi mắt em lúc đó thất thần tá hỏa, quá nhiều xác người chết dọc đường hôm đó? … Không đâu, ba năm qua, nỗi kinh hoàng mãi đeo đuổi trí óc, làm sao quên được cho dù em đã bỏ Huế ra đi, đi và không dám trở về, không dám nhớ tới ngôi nhà nát vụn, vườn cây chết khô, từng thây người chôn vội … Anh hiểu cho em, không phải em đã nuôi ác ý cho rằng anh đã chết…” Muội cứ nói, những âm động thầm, thấp, thều thào, đứt rời tự chính nó. Và đêm trên đầu cao vút hơn, bóng tối trống không lạnh lùng không chuyên chở hết tiếng nói Muội vọng về nơi xa xôi của ba năm trước: Huế, tôi chẳng còn dính dáng chi đến nó nữa, nói như Chu ngày nào: “tao đã uống thuốc trừ căn cái gốc gác mắm ruốc của mình từ buổi ra đi lần đầu” thì hơi quá đáng, nhưng quả thật tôi chẳng còn gì ngoài đó, dần dà tôi tự buông mất, tự trốn xa, khinh miệt nơi mình sinh ra, lớn lên, sống lãng mạn, phù phiếm rởm. Cả giọng nói tôi bây giờ cũng lơ lớ, thay đổi rất nhiều. Với Huế tôi đã chết. Muội không hiểu được lòng hờn oán, cay xót, mặc cảm… Huế dành cho tôi. Quả thật, tôi đã cầu mong cho cả thành phố ấy nổ tung lên. Ghê thay, tôi đã chết theo. Mẹ tôi, sau những ngày chạy loạn, đói, bệnh, thiếu cơm thiếu thuốc đã đau đớn lìa đời tại nhà một người bà con ở vùng quê. Bà chưa kịp về nằm giữa căn nhà đổ nát thở hơi thở cuối cùng như lời mong mỏi trăn trối lúc lâm chung, chưa kịp biết xác tôi có được ai chôn lấp đàng hoàng chưa hay đã bị heo chó rỉa rói mất rồi… Tôi bật lửa châm thuốc, ánh mắt Muội hiện ra trong khoảng ánh sáng yếu ớt, đôi mắt của một thời, đen ướt, lay láy, sâu thăm thẳm đang ngước nhìn tôi nãy giờ (dù tôi đã đồng hóa với bóng tối) và biết rành rẽ tôi đang nghĩ gì, trong im lặng cùng cực, ý nghĩ khốn đốn – nhưng chắc chắn nàng không thể hiểu, nhất định không, chắc gì, tôi mỉm cười rất kín đáo, dưới làn khói quanh miệng che dấu. “Em đã thắp cho anh ba nén nhang?”. Muội không nói, lửng thửng bước ra bãi cát, ngồi phịch xuống. Tôi bước theo, chân nặng, đầu óc rong khô. Biển chợt thức dậy tiếng sóng rì rào, bải hoải, ngái ngủ. Có phải cả cái khối đen thẳm trước mặt kia là biển? Muội gục đầu xuống gối tấm tức khóc nhỏ, ừ, thì khóc cho tôi đã chết, oan hồn lang thang đêm nay hiện về đây. Tôi nói vu vơ: “Hẳn mùa này Huế sắp mưa. Cỏ hoang trên các ngôi mộ sẽ xanh lại. Khi chết tức tưởi, anh đâu có được nấm mồ tươm tất…”. Tiếng khóc bật lớn, cao sắc, chói, dòn dã. Muội, tôi xích gần lại lay khẽ vai nàng gọi hụt hẫng. Muội, Muội, Muội… tôi nghe giọng tôi lạ hoắc, xô dồn, nặng trịch như những viên đá ném lõm bõm xuống mặt biển im lìm, cố lay động dậy cơn bão táp cuồng nộ. Muội vụt nói: “Em phải tin thế nào đây? Anh còn sống hay đã chết thật rồi? Cả người thanh niên ấy… khu rừng già biên giới và trận đánh đẫm máu, chàng mất tích. Chết không tìm thấy xác và người ta đành báo cáo mất tích. Có kẻ nói quan tài chàng là cái vỏ đạn súng cối, thịt xương lượm lặt nhét không đầy… Bậy, chàng đã chết đúng nghĩa với cái chết nhất, tan hủy vào không khí, đất trời, nhập về cát bụi hư vô lồng lộng. Kỳ quặc, khi sống chàng thường ao ước thế. Anh có tin người thanh niên ấy là chồng em?”. Muội lặp lại hai tiếng cuối rồi vụt đứng dậy, vụt chạy, dừng lại ngó quanh rồi tiếp tục chạy. Phản ứng tôi đến thật chậm. Tôi mãi vò nắm cát giữa hai bàn tay, rùng mình, muốn tan biến.
“Em tưởng anh đã chết trong biến cố Mậu Thân ở Huế. Anh chết vỡ ngực, máu nhuộm đỏ cả chiếc sơ mi trắng nằm trước cổng nhà với cái tay nải còn rơi vướng cạnh đó. Chính mắt em trông thấy rõ ràng vào buổi sáng ngày mồng 7 cùng lúc anh Bạt chú Vu và con Thể chạy ngang. Mọi người chỉ kịp kêu trời ơi như vừa bị đạn găm vào đầu, ngơ ngác ngó nhau rồi hối nhau chạy tiếp. Ít hôm sau gặp bác gái ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, bác ôm em khóc ngất: hắn về với ông bà rồi con ơí!”. Tôi kêu to: “Phải, anh chết thật rồi. Ba năm nay anh chỉ còn sống như cái bóng mờ trong sự tưởng tiếc của người thân. Cả lúc này, em nghe coi, anh đâu còn nói được tiếng nói của người sống nữa”. Đêm rớt xuống khối tĩnh mịch kỳ lạ ngay khi tôi dứt lời, ví chừng có con cá nào đó đang quậy mình thở ra dưới đáy biển kia chắc tai có thể nghe rõ tiếng bọt nước sủi tăm. Muội đợi dưới gốc cây, hốt hoảng: “Anh đừng làm em sợ. Thật tình em thấy xác anh tóc tai mặt mũi dính máu… Hay, có phải đôi mắt em lúc đó thất thần tá hỏa, quá nhiều xác người chết dọc đường hôm đó? … Không đâu, ba năm qua, nỗi kinh hoàng mãi đeo đuổi trí óc, làm sao quên được cho dù em đã bỏ Huế ra đi, đi và không dám trở về, không dám nhớ tới ngôi nhà nát vụn, vườn cây chết khô, từng thây người chôn vội … Anh hiểu cho em, không phải em đã nuôi ác ý cho rằng anh đã chết…” Muội cứ nói, những âm động thầm, thấp, thều thào, đứt rời tự chính nó. Và đêm trên đầu cao vút hơn, bóng tối trống không lạnh lùng không chuyên chở hết tiếng nói Muội vọng về nơi xa xôi của ba năm trước: Huế, tôi chẳng còn dính dáng chi đến nó nữa, nói như Chu ngày nào: “tao đã uống thuốc trừ căn cái gốc gác mắm ruốc của mình từ buổi ra đi lần đầu” thì hơi quá đáng, nhưng quả thật tôi chẳng còn gì ngoài đó, dần dà tôi tự buông mất, tự trốn xa, khinh miệt nơi mình sinh ra, lớn lên, sống lãng mạn, phù phiếm rởm. Cả giọng nói tôi bây giờ cũng lơ lớ, thay đổi rất nhiều. Với Huế tôi đã chết. Muội không hiểu được lòng hờn oán, cay xót, mặc cảm… Huế dành cho tôi. Quả thật, tôi đã cầu mong cho cả thành phố ấy nổ tung lên. Ghê thay, tôi đã chết theo. Mẹ tôi, sau những ngày chạy loạn, đói, bệnh, thiếu cơm thiếu thuốc đã đau đớn lìa đời tại nhà một người bà con ở vùng quê. Bà chưa kịp về nằm giữa căn nhà đổ nát thở hơi thở cuối cùng như lời mong mỏi trăn trối lúc lâm chung, chưa kịp biết xác tôi có được ai chôn lấp đàng hoàng chưa hay đã bị heo chó rỉa rói mất rồi… Tôi bật lửa châm thuốc, ánh mắt Muội hiện ra trong khoảng ánh sáng yếu ớt, đôi mắt của một thời, đen ướt, lay láy, sâu thăm thẳm đang ngước nhìn tôi nãy giờ (dù tôi đã đồng hóa với bóng tối) và biết rành rẽ tôi đang nghĩ gì, trong im lặng cùng cực, ý nghĩ khốn đốn – nhưng chắc chắn nàng không thể hiểu, nhất định không, chắc gì, tôi mỉm cười rất kín đáo, dưới làn khói quanh miệng che dấu. “Em đã thắp cho anh ba nén nhang?”. Muội không nói, lửng thửng bước ra bãi cát, ngồi phịch xuống. Tôi bước theo, chân nặng, đầu óc rong khô. Biển chợt thức dậy tiếng sóng rì rào, bải hoải, ngái ngủ. Có phải cả cái khối đen thẳm trước mặt kia là biển? Muội gục đầu xuống gối tấm tức khóc nhỏ, ừ, thì khóc cho tôi đã chết, oan hồn lang thang đêm nay hiện về đây. Tôi nói vu vơ: “Hẳn mùa này Huế sắp mưa. Cỏ hoang trên các ngôi mộ sẽ xanh lại. Khi chết tức tưởi, anh đâu có được nấm mồ tươm tất…”. Tiếng khóc bật lớn, cao sắc, chói, dòn dã. Muội, tôi xích gần lại lay khẽ vai nàng gọi hụt hẫng. Muội, Muội, Muội… tôi nghe giọng tôi lạ hoắc, xô dồn, nặng trịch như những viên đá ném lõm bõm xuống mặt biển im lìm, cố lay động dậy cơn bão táp cuồng nộ. Muội vụt nói: “Em phải tin thế nào đây? Anh còn sống hay đã chết thật rồi? Cả người thanh niên ấy… khu rừng già biên giới và trận đánh đẫm máu, chàng mất tích. Chết không tìm thấy xác và người ta đành báo cáo mất tích. Có kẻ nói quan tài chàng là cái vỏ đạn súng cối, thịt xương lượm lặt nhét không đầy… Bậy, chàng đã chết đúng nghĩa với cái chết nhất, tan hủy vào không khí, đất trời, nhập về cát bụi hư vô lồng lộng. Kỳ quặc, khi sống chàng thường ao ước thế. Anh có tin người thanh niên ấy là chồng em?”. Muội lặp lại hai tiếng cuối rồi vụt đứng dậy, vụt chạy, dừng lại ngó quanh rồi tiếp tục chạy. Phản ứng tôi đến thật chậm. Tôi mãi vò nắm cát giữa hai bàn tay, rùng mình, muốn tan biến.
Tôi còn sống hay đã chết thật rồi? Cảm giác mập mờ bất định, ngỡ ngàng như những lúc soi kỹ mặt trong gương: có chắc gì cái hình bóng kia là vóc dáng thật, đúng, in hệt của mình? Người ta vẫn không ngớt cải dạng, giả trang đánh lừa đời sống phải cưu mang để được sống ra ngoài những quy định ước lệ của con mắt thiên hạ. Tôi không thể, không hề, không nuôi nổi óc tưởng tượng bệnh hoạn. Ngày ngày tôi vẫn cố bám riết níu theo dòng đời phăng phăng cuốn siết (mà vẫn bị hất tung, mất vuột). Để nhớ lại mình, biết mình có thật. Để tìm gặp Muội, Muội như tấm gương sáng, rõ, đúng, không thể lường gạt, phỉnh phờ những điều tôi muốn soi tìm, ngắm nghía. Ba năm, thời gian đã tráng thủy nhiều lớp mới, đã lồng bóng lũ lượt ảnh tượng xuống cái đáy ngưng đọng, bất biến. Nhưng đêm nay, giữa tình cờ gặp gỡ, trong bối rối chưa gạn lọc hết xúc động, Muội quá trong suốt, rỗng, phẳng và như thể nàng đã tự đập vỡ tấm gương, xé vụn hết thảy mọi hình ảnh mang nặng chồng chất, chịu đựng âm ỉ trong cõi trí nhớ tội đồ. Dường như nàng chực đợi được gặp tôi và vỡ òa. “Anh Bạt chết một hôm trước ngày Huế được giải tỏa, người ta bắn lầm. Năm tháng sau, chị Vu sinh đứa con đầu lòng, phải mổ và tắt thở trên giường đẻ… Nhưng, bây giờ em tin cả anh Bạt và chị Vu và bao nhiêu người thân khác vẫn còn sống ở đâu đó. Như anh vậy. Không hẳn cái chết chỉ đến một lần! Anh, anh nói cho em biết, đời người chỉ một lần chết thôi sao?”. Muội nắm bàn tay tôi, sờ lên quần áo tóc tai, tôi đứng im như pho tượng quên thở, mất tiếng nói, tôi đang giả đò chết hay chết thật rồi cũng nên. Bạt ở kia, dáng cười cười nói nói, liến thoắng cháu lảy như đứa trẻ: “Mi để tau rước nàng về trước nghe? Sợ động viên không kịp cưới thì phiền lắm. Dễ chi đi lính rồi mình còn đủ lạc quan mà tính chuyện lấy vợ. Đó là chưa dám nói cái chết gờm sẵn từng phút giây bên mình… Để tết ra, vợ chồng tau lo cho mi với con Muội cái đám cưới thật ngon, chịu chưa?”. Bạt ở cùng xóm, cùng học chung năm cuối trung học với tôi, tính xuề xòa vui miệng, khuôn mặt hồng hào, trán rộng, tai lớn, một người như vậy không thể nào chết yểu. Vài lần, tôi đã sinh sự suýt đánh lộn với hắn về cái tội ấm ớ cứ đem những thói xấu la cà, lêu lổng của tôi ở những chốn ăn chơi ra mách cho em gái nghe, hầu lung lạc sự nhẹ dạ nơi một thiếu nữ mới lớn. Trước Muội, trước Huế, tôi đã sắm vai kịch mẫu mực lý tưởng của một thanh niên hiếu học, hiền lành, biết lo nghĩ tương lai. Vai kịch khôi hài của một tên dân dã học làm công tử hoàng phái. Để chờ tết ra, Muội, đám cưới có cau lồng rượu ché lọng tàng phô trương. Tôi đã van vỉ, khóc lóc bên mẹ từng buổi, hờn lẩy bỏ đi lang thang cả tuần để mong mẹ chấp nhận nàng về sống dưới mái nhà đơn chiếc kia, để cho mẹ không còn nhìn ra nỗi lo âu kinh sợ vì cái nốt ruồi “trích lệ khấp phu” trên khuôn mặt nàng. Trí nhớ tôi đứt rời vụn vặt như những mảnh gương vỡ chẳng thể nào chắp vá lại. Và cả thành phố đó tựa một cái khung mờ thu hẹp giữa ký ức từ lâu, vàng son sơn thiếp của tuổi nhỏ ngọc ngà đã cháy rụi. Tiếng Muội không ngớt run rẩy, lướt trên hơi thở dồn, cọ xước ngang mép thủy tinh sắt rướm, miệng nàng giống một vết thương lở. Tôi chết, đã ba năm, hình hài chưa tiêu hủy, thật bi thảm. Chính chồng em mới đạt được hạnh phúc tuyệt đỉnh của cái chết tàn bạo. “Làm sao anh biết được chàng? Mới năm ngoái, mới tháng trước, mới hôm qua hôm kia đây thôi… chàng chưa thể chết phũ phàng vậy được, ừ, có lẽ chàng chỉ mất tích đâu đó, giấu mặt, ẩn thân, không muốn trở về tiếp tục trò chơi giết người nữa… Chàng vẫn thường hôn lên cái nốt ruồi xấu xí này say đắm, kêu thốt: anh muốn cắn vỡ nó ra. Những giây phút ngắn ngủi đó, em biết mơ hồ rằng chàng thèm sống khủng khiếp…”. Tôi nhắm mắt lại, bóng tối như sáng ra, vỡ thành bọt, đủ màu. “Em đã nhận lời lấy chàng thật gấp rút, không suy tính. Hồi đó, em chỉ cần một nơi nương tựa yên ổn, bận bịu với những bổn phận ràng buộc đủ để trấn an nỗi kinh hoàng đeo đuổi dây dưa trong trí tưởng. Chàng không phải người Huế, không được chứng kiến cảnh khói lửa ghê rợn của cái tết tang tóc chưa hề ra ngoài ấy lần nào và bằng lòng cưới em như để được sống gần lại những đổ vỡ tan hoang của lịch sử, bạo lực, hận thù. Nhưng em đã không kể cho chàng nghe một mảy may nào về những ngày dài chết chóc đói khát điêu linh, em cố quên, cố phụ rẫy, cố phủi sạch từng dấu vết bi thương ra khỏi khoảng đời sống sót. Anh thấy đó, giọng em đã đổi khác, đâu còn nói được những tiếng răng, ri, mô, rứa nữa… Nhiều lần, chàng thăm dò tra hỏi dĩ vãng em, xem thử một nữ sinh Huế có sống lãng mạn kiêu sa như lời thiên hạ đồn đãi. Cuối cùng ức quá, em phải thú thật: em đã ấp ủ một mối tình thật đẹp trong suốt những năm đi học, sắp thành tựu thì biến cố đột ngột xảy đến, người ấy đã chết, em không được chịu tang… Sau đó, hình như chàng sống mất bình thường, luôn luôn tỏ ra cái mặc cảm có tội chiếm đoạt với vong hồn người đã khuất là anh, hồ nghi lòng yêu thương nơi em. Và rồi, chàng đổi lên cao nguyên dự trận đánh đẫm máu sát biên giới…”
Tôi đã chết ?
Con đò đưa linh hồn thả về bên kia bờ quá khứ cháy bùng lên, chìm xuống mặt biển sóng gió trùng trùng nô rỡn nhẫn tâm giữa nỗi quên lãng mông mênh ngút ngàn thiên địa tận. Đêm nay, trí nhớ chết đuối, cõi sống rã rời như những mảnh ván còn lại trong một vụ đắm tàu còn nổi lêu bêu dập dềnh. Nhưng tôi là con chim đen bay hoài trên mặt nước động không tìm ra khúc gỗ trôi nổi nào sà xuống trú chân.
“Anh đã chết vào sáng sớm ngày mồng 7 Tết dưới gốc cây nêu trước ngõ. Em còn về ngoài đó, nhớ hôm giỗ anh ghé lại thắp giùm một nén nhang và hạ luôn cây nêu xuống.”
Tôi nhớ đã ôm hôn Muội, hôn thật lâu trên cái nốt ruồi tai quái dưới khóe mắt.
Ba năm trước.
Đêm ngủ mê muội và mộng thấy mình đã chết. Thức dậy, bàng hoàng không biết đang nằm ở đâu?./.
Phạm Ngọc Lữ
(Ý Thức số 7 ngày 15 tháng 1 năm 1971)