Tiếp tục giới thiệu những ca khúc Pháp điển hình được đặt lời Việt trước năm 1975, bài này chúng tôi viết về bản Il est mort le soleil, một ca khúc “pop mang âm hưởng jazz” của hai tác giả Pierre Delanoë & Hubert Giraud, do Nicoletta thu đĩa năm 1968, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Nắng đã tắt.
Pierre Delanoë (1918–2006) là một nhà soạn ca khúc & đặt lời hát nổi tiếng bậc nhất của Pháp chúng tôi đã có dịp nhắc tới khá nhiều lần; về phần Hubert Giraud (1920-2016) tuy số lượng sáng tác của ông không nhiều nhưng đã để lại những dấu ấn khó phai mờ.
Xuất thân là tay kèn harmonica (khẩu cầm) trong một ban nhạc jazz, về sau kiêm cả ghi-ta, Hubert Giraud dành phần lớn thời giờ để chơi trong các ban nhạc jazz ở Paris. Năm 1947, Hubert Giraud cộng tác với dàn nhạc jazz nổi tiếng của Jacques Hélian, đồng thời bắt đầu soạn ca khúc.
Năm 1951, ông soạn phần nhạc của ca khúc nổi tiếng Sous le ciel de Paris (Dưới bầu trời Paris), do Jean Dréjac đặt lời, để sử dụng trong cuốn phim có cùng tựa. Từ đó, Sous le ciel de Paris đã trở thành ca khúc tiêu biểu nhất của Kinh thành Ánh sáng và là một trong những ca khúc “cầu chứng” của nữ danh ca Édith Piaf.
Ca khúc nổi tiếng thứ nhì của Hubert Giraud Dors, mon amour, do Pierre Delanoë đặt lời hát, được nam danh ca Pháp André Claveau trình diễn trong giải Ca khúc Truyền hình Âu châu (Eurovision Song Contest) năm 1958, và đoạt giải Grand Prix.
Năm 1967, Hubert Giraud soạn bản Il est mort le soleil, cũng do Pierre Delanoë đặt lời hát, được Nicoletta trình bày trong album đầu tay của cô, và đạt thành công rực rỡ. (Chúng tôi sẽ trở lại với Il est mort le soleil trong một phần sau)
Hubert Giraud
Ba năm sau thành công của Il est mort le soleil, Hubert Giraud cống hiến giới thưởng ngoạn ca khúc nổi tiếng nhất, thành công nhất trong sự nghiệp của mình: bản Mamy Blue (có khi còn được viết thành “Mammy Blue”).
Ngay tự tựa đề ca khúc đã cho thấy ảnh hưởng của “thánh ca” (gospel) và R&B (rythm and blues), hai thể loại ca nhạc của người Mỹ gốc Phi châu không mấy phổ biến trong cả giới sáng tác lẫn giới thưởng ngoạn nói chung ở Pháp lúc bấy giờ.
Về lời hát, đây là một ca khúc rất buồn, nội dung kể về một người con trai bỏ nhà ra đi, không một lời từ biệt, không kịp ôm hôn mẹ hiền, không một chút tiếc nuối những năm tháng êm đẹp; để rồi ngày trở về thì mồ của mẹ đã xanh cỏ, những cánh cửa của căn nhà xưa đã đóng kín, và anh ta lại ra đi, vĩnh viễn…
Mamy Blue
Oh Mamy, oh mamy mamy blue
Oh Mamy blue
Où es-tu, où es-tu mamy blue
Oh mamy blue
Je suis partie un soir d’été (oh mamy)
Sans dire un mot sans t’embrasser (oh mamy)
Sans un regard sur le passé (oh mamy)
Le passé (blue)
Dès que j’ai franchi la frontière (oh mamy)
Le vent soufflait plus fort qu’hier (oh mamy)
Quand j’étais près de toi ma mère (oh mamy)
Ma mère (blue)
Oh Mamy, oh mamy mamy blue
Oh Mamy blue
Où es-tu, où es-tu mamy blue
Oh mamy blue
Et aujourd’hui je reviens (oh mamy)
Où j’ai refait tout le chemin (oh mamy)
Qui m’avait entraînée si loin (oh mamy)
Si loin (blue)
Tu n’es plus là pour me sourire (oh mamy)
Me réchauffer me recueillir (oh mamy)
Et je n’ai plus qu’a repartir (oh mamy)
Repartir (blue)
Oh Mamy, oh mamy mamy blue
Oh Mamy blue (oh mamy mamy blue)
Ou es tu, ou es tu mamy blue
Oh mamy blue
Et le temps a passé
Et mamy blue, s’est en allée
La maison a ferme ses yeux (oh mamy)
Le chat et les chiens sont très vieux (oh mamy)
Et ils viennent me dire adieu (oh mamy)
Adieu (blue)
Je ne reviendrai plus jamais (oh mamy)
Dans ce village que j’aimais (oh mamy)
Où tu reposes désormais (oh mamy)
Désormais (blue)
Oh Mamy, oh mamy mamy blue
Oh Mamy blue (oh mamy mamy blue)
Oh Mamy, oh mamy mamy blue
Oh Mamy blue
Hubert Giraud viết Mamy Blue vào mùa thu 1970. Hôm ấy, trong lúc bị kẹt xe tại Paris, giai điệu và lời hát của Mamy Blue chợt đến trong đầu, và vài ngày sau, ông đã thu âm bản mẫu (demo) để các ca sĩ nghe thử, nhưng ở Pháp không có ai chịu thu đĩa. Phải đợi tới đầu năm 1971, mầm non ca nhạc Ivana Spagna của Ý, khi ấy mới hơn 14 tuổi, đã hát lời bằng tiếng Ý (do Herbert Pagani đặt) trong đĩa 45 vòng đầu tay của cô.
[Ivana Spagna sinh năm 1956, về sau trở thành nhà viết ca khúc kiêm ca sĩ nổi tiếng trong thể loại “Italo Disco” – có nghĩa là “Italian pop music” – rất thịnh hành từ đầu thập niên 1970 tới cuối thập niên 1980]
Sau khi Mamy Blue được Ivana Spagna thu đĩa, nhà sản xuất đĩa nhạc Alain Milhaud, một người Pháp nhưng hành nghề tại Tây-ban-nha, ông bầu của ban Los Pop-Tops, đã nhận ra đây là một ca khúc lý tưởng để tạo tên tuổi cho Los Pop-Tops trên trường quốc tế.
Los Pop-Tops (tại các xứ nói tiếng Anh gọi là The Pop Tops) là một ban nhạc & ban hợp ca chuyên về baroque pop (còn gọi là baroque rock), là thể loại nhạc pop mang âm hưởng của thời kỳ tiền cổ điển (thời kỳ Baroque), thành lập năm 1967 tại Madrid, thủ đô Tây-ban-nha, gồm 7 thành viên, tất cả là người gốc Tây-ban-nha trừ chàng ca sĩ chính Phil Trim là người Nam Mỹ gốc Phi châu, sở trường hát nhạc soul.
Theo lời đề nghị của ông bầu Alain Milhaud, Phil Trim đã dựa vào nguyên tác lời Pháp Mamy Blue để đặt lời hát mới bằng tiếng Anh. Kết quả, phiên bản lời Anh của Phil Trim đã được mọi người đánh giá là hay hơn nguyên tác. Đặc biệt đoạn đầu (giới thiệu nhân vật chính) đã khiến người nghe liên tưởng tưởng tới ca khúc House of the Rising Sun của thập niên trước.
Mamy Blue
I may be your forgotten son
who wandered off at twenty one
it’s sad to find myself at home
oh ma.
If I could only hold your hand
and say I’m sorry yes I am
I’m sure you really understand
oh Ma where are you now.
Oh Mamy
oh Mamy – Mamy – blue
oh Mamy – Blue
The house we shared upon the hill
seems lifeless but it’s standing still
and memories of childhood days
fill my mind
oh Mamy Mamy Mamy.
I’ve seen enough of different lights
seen tired days and lonely nights
and now without you by my side
I’m lost how can I survive.
Oh Mamy…
Nobody who takes care of me
who loves me
who has time for me
the walls look silent at my face
oh Ma
so dead is our place.
The sky is dark
the wind is rough
and now I know what I have lost
the house is not a home at all
I’m leaving
the future seems so small.
Vừa được tung ra, đĩa Mamy Blue của Los Pop-Tops đã làm mưa gió khắp Âu châu, đứng No.1 tại Pháp, Ý, Bỉ, Đức, Thụy-sĩ, Na-uy, Thụy-điển, ở Nam Mỹ (Ba-tây) và lẽ dĩ nhiên ở Tây-ban-nha, nơi Los Pop-Tops đã thu đĩa một phiên bản bằng tiếng Tây-ban-nha.
Có điều hơi lạ là trong khi làm mưa gió tại các quốc gia nói trên, Mamy Blue lời Anh của Los Pop-Tops lại không gây được tiếng vang lớn tại các xứ nói tiếng Anh như Anh quốc, Hoa Kỳ, Gia-nã-đại… (chỉ đứng hạng 28 trên bảng Easy Listening, hạng 57 trên bảng Billboard Hot 100 ở Mỹ, hạng 35 ở Anh, hạng 42 tại Gia-nã-đại).
Trước thành công rực rỡ của Mamy Blue lời Anh do Los Pop-Tops thu đĩa, người Pháp mới giật mình, và ngay sau đó hãng Barclay (Pháp) đã thu hai đĩa, một giọng nam, Joël Daydé, và một giọng nữ, Nicoletta.
Joël Daydé, sinh năm 1947, được xem là một giọng “lạ” trong làng ca nhạc Pháp quốc. Anh có một giọng hát mạnh, tự nhiên (raw), mang nhiều chất “blues”, tương tự giọng Joe Cocker của Mỹ.
Mamy Blue được Joël Daydé thu đĩa cả nguyên tác lời Pháp của Hubert Giraud lẫn phiên bản lời Anh của Phil Trim, cả hai đĩa đều đứng No.1 tại Pháp, Ba-tây, và lên Top ở nhiều nơi khác.
Riêng đĩa của Nicoletta, hát nguyên tác lời Pháp và do chính Hubert Giraud đứng ra sản xuất, tuy chỉ lên tới hạng tư trên bảng xếp hạng ở Pháp, đã trở thành ca khúc “cầu chứng” của cô ở nhiều nơi trên thế giới.
Tới đây, chúng tôi xin có đôi dòng về Nicoletta, một bông hoa lạ, có thể nói là hiếm quý trong làng nhạc pop của Pháp. Hiếm quý bởi vì cô được xem là một trong số rất ít ca nhạc sĩ thuộc thế hệ “yé-yé” của Pháp chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền ca nhạc Mỹ quốc, đặc biệt là thể loại R&B, và đạt thành công.
Nicoletta ra chào đời ngày 11/4/1944 (cùng tuổi với Françoise Hardy và Sylvie Vartan) tại thị trấn Thonon-les-Bains, tỉnh Haute-Savoie, miền đông nước Pháp. Tên họ đầy đủ của cô là Nicole Fernande Grisoni-Chappuis, sau này rút ngắn thành Nicoletta Grisoni, và tới khi đi hát, lấy “Nicoletta” làm nghệ danh.
Nghe kể lại, Nicoletta là con gái của một phụ nữ “chậm trí tuệ” (mentally retarded) bị cưỡng hiếp, mang thai rồi sinh ra cô. Sau này, nghe nói cô chọn thu đĩa bản Mamy Blue là để riêng tặng bà mẹ của mình.
Ngay từ ngày còn nhỏ, Nicoletta đã bắt đầu hát trong ca đoàn nhà thờ. Lớn lên, cô vừa làm thợ giặt, vừa giúp việc trong một phòng mạch, vừa làm DJ (disc jockey, người phụ trách giới thiệu nhạc trong club).
Chính qua công việc của một DJ, Nicoletta đã được nhà viết ca khúc Léo Missir (1925-2009), khi ấy đang giữ chức Giám đốc Nghệ thuật của hãng đĩa Barclay, chú ý tới và mời ký hợp đồng.
Đĩa hát đầu tiên của Nicoletta là L’Homme à la moto, một ca khúc của “tiền bối” Édith Piaf.
Năm 1967, Nicoletta tung ra album đầu tay của cô có tựa Il est mort le soleil (Mặt trời đã chết) và một sớm một chiều nổi tiếng quốc tế.
Mặc dù trong album này còn có những bản khác được lên Top, chẳng hạn La Musique, nhưng không thể sánh với Il est mort le soleil. Có lẽ vì thế mà hãng Barclay đã lấy tựa ca khúc này để đặt tên cho album.
Ở một đoạn trên chúng tôi đã viết: ca khúc nổi tiếng nhất, thành công nhất trong sự nghiệp của Hubert Giraud là bản Mamy Blue, tuy nhiên nếu tính chung cả ba tên tuổi Hubert Giraud – Pierre Delanoë – Nicoletta thì Il est mort le soleil – do Hubert Giraud soạn nhạc, Pierre Delanoë đặt lời, Nicoletta thu đĩa – là thành công lớn nhất.
Il est mort le soleil
Il est mort
Il est mort, le soleil
Quand tu m’as quittée
Il est mort, l’été
L’amour et le soleil
C’est pareil.
Il est mort
Il est mort, le soleil
Mais je suis la seule à porter le deuil
Et le jour ne franchit plus mon seuil.
Hier, on dormait sur le sable chaud
Hier pour nous il faisait beau
Il faisait beau même en hiver
C’était hier
Il est mort
Il est mort, le soleil
L’ombre est sur ma vie
Dans mon cœur, la pluie
Et mon âme s’habille de gris.
Hier, la couleur que j’aimais le mieux
C’était la couleur de tes yeux
C’était la couleur de la mer
C’était hier.
Ngay trong năm 1967, sau khi được nghe Il est mort le soleil do Nicoletta thu đĩa, ca nhạc sĩ Ray Charles của Mỹ đã liên lạc khen ngợi cô, và xin phép tác giả đặt lời bằng tiếng Anh để ông thu đĩa.
Ray Charles (1930-2004) là nghệ sĩ Mỹ gốc Phi Châu đa tài và nổi tiếng bậc nhất. Bị mù từ năm lên 7 nhưng sau này ông không chỉ thành trở thành ca sĩ mà còn là nhà soạn nhạc, nhà viết ca khúc, và nhạc sĩ dương cầm xuất chúng.
Khởi đầu, Ray Charles chịu ảnh hưởng của Nat King Cole nhưng sau này ông đã phối hợp các thể loại blues, R&B, gospel để hình thành một thể loại nhạc soul đặc biệt của riêng mình. Sau khi kết thân với nhạc trưởng Quincy Jones, ông còn học được cách hòa âm theo thể loại jazz.
Năm 2002, tạp chí Rolling Stone đã xếp Ray Charles đứng hạng 8 trong danh sách 100 nghệ sĩ lớn nhất của mọi thời đại (100 Greatest Artists of All Time), và tới năm 2008, xếp ông đứng hạng nhì trong danh sách 100 ca sĩ lớn nhất của mọi thời đại (100 Greatest Singers of All Time), chỉ sau Elvis Presley. Tuy nhiên ca nhạc sĩ Mỹ Billy Joel đã nhận xét:
“Nói ra có thể bị cho là ‘phạm thượng’, nhưng theo tôi nghĩ, Ray Charles còn quan trọng hơn cả Elvis Presley”.
Do trình độ Anh ngữ và mức độ thưởng thức nhạc Blues, R&B… còn giới hạn, đại đa số người yêu nhạc ở miền nam VN ngày ấy chỉ biết tới tên tuổi Ray Charles sau khi ca khúc What’d I Say (1959) của ông làm mưa gió khắp nơi trên thế giới cùng với điệu nhảy “twist”.
Trở lại với ca khúc Il est mort le soleil do Nicoletta thu đĩa, sau đó đã được Ann Grégory đặt lời tiếng Anh với tựa The Sun Died; cũng có tài liệu ghi Ray Charles và Ann Grégory viết chung.
[Ann Grégory tên thật là Arlette Kotchounian, là một nữ văn sĩ kiêm nhà soạn nhạc kiêm nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Pháp, và cũng là tình nhân của Ray Charles]
The Sun Died
The sun died
The sun died, with my love
When you left me blue, the summer died too
My love and the sun, it’s the same
The sun died
The sun died, with my love
And I’m so alone, and yet life goes on
But for me, there can be no more dawn
Yesterday, the coldest winter was like Spring
I thought my love would always stay
I thought our love would never end
But that was yesterday
The sun died
The sun died, with my love
And life’s all in vain, in my heart there’s rain
And I know that my soul won’t stop crying
Yesterday, when I was looking in your eyes
I thought it was sweet paradise
For love completely changed my life
But that was yesterday
The sun died
The sun died, with my love
When you left me blue, the summer died too
My love and the sun, it’s the same
My love and the sun, it’s the same
Đầu năm 1968, Ray Charles sang Pháp trình diễn tại nhạc sảnh nổi tiếng Salle Pleyel (Salle Pleyel Music Hall) của kinh thành ánh sáng, trình làng phiên bản lời Anh của Il est mort le soleil , tức The Sun Died, và được hoan hô nhiệt liệt. Từ đó,The Sun Died đã được mọi người xem là một trong những ca khúc hay nhất (most beautiful songs) của người danh ca khiếm thị.
Tới năm 1971, nam danh ca Tom Jones của Anh đã thu đĩa The Sun Died và cũng đạt thành công đáng kể.
Hơn 20 năm sau, giới yêu nhạc jazz đã được thưởng thức một phiên bản tuyệt vời của The Sun Died qua tài nghệ của nữ ca nhạc sĩ Shirley Horn.
Shirley Horn (1934-2005) là một bông hoa hiếm quý trong làng nhạc jazz của Hoa Kỳ, vừa hát vừa tự đệm dương cầm cho mình. Xưa nay không ít nữ nghệ sĩ cũng có khả năng đó, như Carole King, Diana Krall, nhưng Shirley Horn đã vượt lên trên tất cả, tuyệt vời tới mức nếu chỉ “nghe” chứ không “nhìn”, người ta sẽ tưởng rằng tiếng hát là của Shirley Horn, còn tiếng đàn là của một danh thủ dương cầm nào đó. Cho nên nhạc trưởng nổi tiếng Johnny Mandel mới nhận xét: Shirley Horn “như có hai cái đầu” (like having two heads).
Shirley Horn thu đĩa The Sun Died năm 1993 trong album Light Out of Darkness (A Tribute to Ray Charles).
Trở lại với nguyên tác Il est mort le soleil của Pierre Delanoë & Hubert Giraud do Nicoletta thu đĩa năm 1967. Như chúng tôi đã có lần viết, dù nghệ thuật được xem là không “biên giới”, nhưng có “cách trở”. Trong âm nhạc, cách trở ấy là xu hướng, trình độ, cảm quan của các thành phần xã hội khác nhau. Vì thế, trước năm 1975 tại miền Nam VN, không phải người nào thích nghe nhạc Pháp cũng yêu chuộng ca khúc Il est mort le soleil; nhưng có một điều chắc chắn: những ai đã yêu chuộng thì rất trân trọng – ca khúc cũng như người hát.
Lẽ dĩ nhiên, Phạm Duy là một trong những người yêu thích và trân trọng Il est mort le soleil cho nên ông đã dành nhiều “tâm sức” cho phiên bản lời Việt với tựa Nắng đã tắt. Chúng tôi nhấn mạnh hai chữ “tâm sức” bởi, như những người nghe nhạc “khó tính” có thể có cùng nhận xét, trong việc đặt lời hát cho các ca khúc nhạc Việt lời Việt hoặc nhạc ngoại quốc lời Việt, cũng có những lúc Phạm Duy chỉ bỏ “sức” mà thôi.
Nắng Đã Tắt
Mặt trời đã chết hè đã hết và nắng chết,
Chết luôn đôi con tim, khi chúng ta lìa duyên.
Con tim âm u như mặt trời câm.
Mặt trời đã chết và nắng chết, tình đã hết
Chít khăn tang, riêng em !
Riêng có em buồn than.
Ai bôi đen trong tim em, trong hồn em ?
Ngày nào, trên bãi cát, mình quấn quýt bên nhau.
Trong gió, trong mưa, tình đã dâng cao.
Không nắng nhưng sao đời vẫn thơm lâu !
Ôi nhớ hôm nao
Mặt trời đã chết. hè cũng hết và nắng tắt
Tối đen nơi con tim, mưa khắp trong lòng em.
Ôi âm u, đen trong lòng em.
Ngày nào em yêu mến mầu xanh ngát phiêu diêu,
Yêu mến mắt xanh mầu mắt thương yêu.
Yêu mến mắt xanh mộng ước lên cao.
Ngồi nhớ hôm nao
Mặt trời đã chết, hè đã hết và nắng tắt
Tắt luôn câu thương yêu, khi chúng ta lìa nhau.
Ðưa nhau, ta đưa nhau đi vào đêm.
Ði vào đêm.
Theo ký ức của chúng tôi, trước năm 1975, Thanh Lan là ca sĩ duy nhất thu băng Il est mort le soleil – Nắng đã tắt (băng Nhạc Trẻ 5). Sau này ra hải ngoại, cô đã hát lại để thu vào CD.
Cũng tại hải ngoại, Il est mort le soleil – Nắng đã tắt đã được Ngọc Lan trình bày trong album “Luyến Tiếc”, gồm một số ca khúc điển hình của cô thu âm từ năm 1982 tới 1991.
Nghe cả ba bản (2 của Thanh Lan, 1 của Ngọc Lan) chúng tôi vẫn chuộng nhất bản do Thanh Lan thu băng trước năm 1975 cho dù chất lượng âm thanh kém, bởi ngoài việc phát âm tiếng Pháp chuẩn xác, cô còn lột tả được ý nghĩa của lời hát trong nguyên tác cũng như phiên bản lời Việt.
Hoài Nam
Hoài Nam