Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt
Nói đến tên tuổi Trần Tuấn Kiệt, nhiều người đã nghĩ đến một người cầm bút suốt đời không bỏ được nghiệp làm thơ. Từ cuối thập niên 1950 cho đến bây giờ, năm 2016, suốt mấy chục năm, hầu như chưa có ai trong văn học sử Việt nam lại có sức sáng tác mãnh liệt như thế. Thơ ông viết phải nói là cả năm ngàn bài và trải dài trong thời gian cầm bút, dù làm bất cứ công việc gì, viết văn hay làm báo, thì làm thơ vẫn là công việc chính và trong tâm tư vẫn mênh mang một khuôn trời bao la của thi ca. Sống với thơ, tâm cảm với thơ và đam mê với thơ, những dấu ấn của thi ngữ đã có từ buổi thiếu thời. Thơ có khi còn là một phong cách sống, trôi nổi theo tháng năm và phản ánh một tâm hồn luôn hướng vọng trên trời cao. Thiên nhiên, có lúc là nơi ẩn mình của một người luôn vật vã với cuộc sống nhưng có lúc gợi cho thi sĩ những hình ảnh của suốt tháng năm hiện hữu. Thơ không triết luận nhưng khi đọc thơ ông, độc giả cảm thấy hiển hiện những câu hỏi về vấn nạn của cuộc đời.
Khi nhà văn lão thành Nhất Linh làm báo Văn Hóa Ngày Nay, thơ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt đã được đăng như một khám phá tài năng mới. Theo nhà thơ Vuơng Tân thì khi Trần Tuấn Kiệt gửi 10 bài thơ ký tên Sa Giang cho nhà văn Nhất Linh, thì bản thảo ấy đã được đăng ngay một phần với lời giới thiệu trang trọng. Và qua nhà văn Nhất Linh, biết Trần Tuấn Kiệt là một nhà thơ rất trẻ đang làm nghề kéo đờn cò cho một gánh hát cải lương. Sau Trần Tuấn Kiệt vào nghề làm báo và gia nhập Văn Ðàn Bạch Nga của nhà thơ Nguyễn Vỹ và viết báo Phổ Thông.
Trước năm 1975, Trần Tuấn Kiệt, đã xuất bản 10 tập thơ như Thơ Trần Tuấn Kiệt, Nai, Bài Ca Thế Giới, Cổng Gió, Triền Miên Ngâm Khúc, Cỏ Nội, Mê Cung, Maù Kỷ Niệm, Niềm Hoan Lạc, Lời Gửi Cây Bông Vải (tập thơ đoạt giải thưởng văn chương của Tổng Thống VNCH năm 1971) Sau năm 1975, ông tự in những tập thơ từ đầu thập niên 1990 đến những năm 2000: Hồng Hạc, Tia Chớp Hoàng Hôn, Nghịch Hành, Tình Xuân Vạn Cổ, Sử Thi, Chân Ngôn… Những tập thơ nhỏ tự in lấy và phổ biến hạn chế. Theo một người bạn thì đó chỉ là một cách thế để chứng minh người làm thơ vẫn tiếp tục hành trình thi ca của mình và những tập thơ nhỏ ấy như là một sự chứng tỏ sự hiện diện trên thi đàn của Trần Tuấn Kiệt. Trong bài tựa của tập thơ Sử Thi, có đoạn viết:
“Có thể giá trị nằm ở sự hiện diện. Vấn đề là sự hiện diện thế nào mà thôi. Trần Tuấn Kiệt đã hiện diện trong thơ và trong thời của ông như một nhà thơ mà bấy nay không thể nói khác. Cho nên bây giờ với bất cứ một cách nào ông cũng có thể hiện diện như đã từng hiện diện.
Với thời gian, với tuổi tác hay hoàn cảnh mọi suy nghĩ đổi thay. Hình như có lúc nhà thơ thấy có điều muốn nói cùng các bậc triết giả. Nhưng thường thì ông vẫn dung dị mà chất chứa với bao điều gần gũi quanh đời. Cái cao và cái thấp, cái lớn và cái nhỏ, cái lý tưởng và cái tầm thường… xem ra chỉ là một. Trong bất chợt lóe ra cái thần của bước truân chuyên một kiếp người, nhà thơ nhớ đến cái cội nguồn mình với bao kỷ niệm huyền ảo. Những kỷ niệm đó có khi chỉ là một tiếng dế kêu, một cọng lau cô độc, một phận người bán vé số bên lề đường phố thị hay bóng dáng mịt mờ một người bạn dưới quê nay không bao giờ gặp lại nữa…Ở đó cái vui cái buồn sướng khổ một đời có thể khiến ai ngó vào lại có khi đến phải trào nước mắt…
Và vì thế vẫn có thơ và nhà thơ vẫn bước đi trong đời với bao điều thân ái đâu đây…”
Trần Tuấn Kiệt đoạt giải nhất sáng tác Văn Học Nghệ Thuật của Tổng Thống VNCH bộ môn Thơ năm 1971 với tập thơ” Lời Gửi Cây Bông Vải”. Tập thơ khá mỏng chừng 70 trang, gồm những bài thơ 5 chữ và lục bát. Thơ như những nét phác họa rất hiện thực một cuộc sống đầy trăn trở, của những suy tư gợi ra từ những sự kiện hàng ngày xảy ra của một đất nước chiến tranh.
Lời gửi cây bông vải? Thi sĩ gửi điều gì để làm thành nhan đề một tập thơ của mình. Rất giản dị nhưng cũng rất phức tạp dù rằng chỉ với vài dòng ngắn:
“Vỗ cánh theo bình minh
Lời gởi cây bông vải trong vườn
Ngàn năm sau hỡi làn sóng nhỏ
Ðừng xô lấp đại dương”
Bài thơ nhan đề là “Sáng Xanh” mở ra một lời dặn dò “những làn sóng nhỏ” đừng xô lấp đại dương. Dặn dò làm chi bởi vì đại dương mông mênh có bao giờ bị xô lấp được bởi con sóng nhỏ nhoi? Nhất là trong một buổi bình minh, khi tâm tư vỗ cánh lên cao, khi con người thấy một niềm lạc quan của bắt đầu một ngày sống và một ngày suy tư. Giải thích thơ là một điều tối kỵ với thi sĩ có phải, vì cái chủ quan của người này không thể là cái khách quan của người kia. Lời dặn cho người hay cho ta. Chẳng biết? Ai? là con sóng nhỏ? Ai? Là biển đại dương? Thơ chỉ gợi lại cảm giác và nếu có người thắc mắc về một bài thơ thì bài thơ ấy phải lôi cuốn được người đọc vào cõi riêng của mình…
Thơ của Trần Tuấn Kiệt cũng đề cập đến chiến tranh đến tai trời ách nước giáng xuống đầu dân đen đau khổ. Thơ của ông không phải là cung cách làm dáng văn chương của những thi sĩ ngậm ống vố ngồi trong Givral, Pagode,… nhìn đời kênh kiệu. Những câu luc bát, những vần năm chữ nghe hao hao phong vị ca dao gợi lại một đời sống quê mùa lúc thiếu thời hay những nhọc nhằn của một đời cứ vật lộn với nghịch cảnh của những người bình dân ít học. Có người ví thơ Trần Tuấn Kiệt với với thơ Ðỗ Phủ, thơ Lý Thương Ẩn của một thời loạn lạc ngày xưa, của người dân chết đói bên bọn con buôn chiến tranh rượu nồng thịt béo. Mỗi người một nhận định nhưng theo tôi thì sự so sánh chỉ là cảm nghĩ thoáng qua. Còn trong sâu thẳm tâm linh thì có thể có nhiều kết luận.
Trường Xuân Hành của Trần Tuấn Kiệt cũng khác người. Mùa xuân nhưng không phải chỉ có niềm vui và hạnh phúc!
“Hơi bấc thổi suốt đêm
Lùa sương mù trắng xóa
Trong sương mù bóng ai
Dáng đi chừng mờ tỏ
Xa nhìn không thấy người
gần thấy một bà lão
Tuổi già hơn cổ thụ
Gánh hàng nặng trĩu vai
… hôm nay chừng rét lắm
trở về trong đêm thâu
gánh hàng treo ngược gióng
nằm yên tay gối đầu
vòm sao thưa thốt nổi
buồn lơ mơ trong lòng
nhớ vài ba đứa trẻ
lớn lên ra chiến trường
… bà chong ngọn đèn sáp
bừng sáng mặt xương da
bồi hồi cơn lửa đạn
nghĩ gần lại nghĩ xa
thôi đừng buồn nữa nhé
bà dặn lòng đã lâu
nhưng còn chút xương máu
bà lão vẫn còn sầu
mùa xuân này bảy mươi
gánh hàng năng trĩu vai
gió lạnh đôi mắt yếu
nhìn đường quanh thêm dài.”
Bài thơ buồn. Tâm sự thì mang mang nỗi niềm của một thời binh lửa. Chiến tranh đâu có ai hô hào hy sinh, đâu có ai mang những chiêu bài thúc giục lao mình vào chém giết? Thế mà, vẫn xảy ra những thảm cảnh, hiện thực là nỗi sầu khổ khôn nguôi…Những bà mẹ, sống ở thành phố nhưng luôn ngóng về chốn chiến trường, nơi những đứa con đang cầm súng.
Trong Lời Gửi Cây Bông Vải, thơ năm chữ đã trôi theo những nhịp buồn để thành những lời phản kháng chiến tranh. Từ bài “Buồn vọng trăng xuyên qua ngôi thành cổ” đến “Lên đồi xuân”, đến “Loạn lạc trong ngày xuân Mậu Thân”, đến “Ðứng trên đồi ngắm xuân về”, toàn là những cảnh bi thảm, toàn là ngôn ngữ buồn của chết chóc chia ly, của lửa chiến tranh đang ngùn ngụt bốc. Những tâm sự nấu nung. Những mảnh đời cuốn theo cơn lốc thời thế. Những âm vọng của muôn trùng. Những tiếng than muốn thấu tận trời xanh…
“Thời loạn ngồi bó gối
Non sông mấy dặm trời
Sương đầm hiên bóng tối
Trời sầu sao đổi ngôi
Nay ta buồn muốn khóc
Nay ta buồn muốn cười
Nghĩ thêm mặt sắc giận
Lũ chó ngao tôi đòi
Ta nhìn mải vầng trăng
Trăng thu ngời vẻ lạnh
Bầy trẻ thôi nô đùa
Nước non dường hiu quạnh
Người xưa như thế nào?
người nay như thế đấy
trăng xưa sáng phương nào
trăng đời nay đã vậy…”
Lời gửi cây bông vải có phải sự nhắn nhủ “Ðừng quên”. Những câu lục bát âm hưởng ca dao mộc mạc có phải là tình ý gửi theo.
“Ðừng quên nước chảy có nguồn
con sông có khúc mối buồn có duyên
em đừng quên nụ cười hiền
trăm năm là mấy ưu phiền lửa binh?
Ðừng quên trời rộng phiêu linh
Chút hồn thơ đã quên mình nhỏ nhoi
Em đừng quên nhé em ơi
Tấu lên khúc hát bên đồi véo von
Giấc mơ đôi mắt hoe tròn
Nụ hôn đầu nhớ hoàng hôn lửa tàn
Em đừng quên nhé – Việt Nam
Lời ta để nhắn qua ngàn bến xanh.”
Chỉ có một bài thơ, mà thi sĩ Bùi Giáng đã cảm hứng để viết lên nhận xét của mình. Văn phong của Bùi Giáng, bao giờ cũng là ý tứ thâm trầm diễn tả bằng ngôn ngữ chỉ có của riêng ông và quả thực đã gây cho người đọc nhiều ấn tượng. Trần Tuấn Kiệt làm Thơ với phụ chú “em chủ vườn hoa hạnh của Trời”:
“vầng trăng lên đỉnh núi
gió lùa qua biển khơi
em về ru nhịp võng
cho mắt biếc màu trời
ve vang hoài tiếng vọng”
Và Bùi Giáng viết “Bên đèn đọc bản thảo Sa Giang Em chủ vườn hoa hạnh của trời.”:
“Vì em là Ly Tao. Trời đã ban cho Ðất một vườn hoa hạnh. Ðất cậy nhờ em về làm chủ. Em hé miệng cười hôm sớm giúp vườn hạnh trổ bông. Em về chưa? Vì sao nhiều phen chúng tôi cảm thấy em còn xa vắng quá? Vì mặt đất u buồn lo sợ có chắc rằng Trời đã ban cho cõi người một vườn hạnh và em đúng là Công Chúa về chăm sóc vườn hoa.
EM CHỦ VƯỜN HOA HẠNH CỦA TRỜI.
Lời đáp đã về trong tiết điệu. Không còn nghi ngờ gì nữa. Em đúng là con gái của Trời, em được Trời giao cho một vườn hoa hạnh…
Vườn hoa hạnh với tấm lòng Cô Chủ sẽ nhắc với nhân gian rằng cõi- người -ta sẽ không hoang vắng. Ðất và Trời sẽ trao đổi xuân xanh. Mùi hương lạ của hoa là nhịp cầu vồng giao nối. Hương xông lên trời là kết tụ ánh- sáng cho trăng sao. Và trăng sao sẽ trả lại cho trần gian những hương màu mà trần gian lỡ lầm đã nhiều phen đánh mất
Trăng mười sáu ngủ trong hoa
Em mười sáu tuổi trong tà áo xanh
Mai sau hò hẹn xin ghi nhớ
đừng để nhân gian lạnh lối về
Không cách gì nhân gian dám tin rằng ký ức mong manh của con người sẽ ghi nhớ lời hò hẹn mai sau ấy, nếu giữa bụi hồng chúng mình thiếu chút hương hoa trong một làm ánh sáng
EM CHỦ VƯỜN HOA HẠNH CỦA TRỜI.
Vườn hoa còn nở mãi. Ở mọi nơi. Và rất bất ngờ là những lần em dạo gót. Nàng thơ tìm đến thăm viếng nhân gian, ai biết đâu mà lường? Bàn chân đi rất nhẹ. Âm thanh dội vào giấc mơ nào xưa…Tại Thể” suốt xuân thu mong đợi “nọ” về “kia”. Ấy ai dặn ngọc thề vàng? Nọ Nàng Thơ đó là người..Phải chăng? Mấy lòng hạ cố đến nhau? Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng?
Vậy chúng ta đứng xung quanh xin vui lòng nhìn nhận. Chàng thi sĩ họ Trần trẻ tuổi đúng là kẻ đã gọi về vang bóng…Tiết điệu trùng sinh, tiếng thơ đồng vọng, màu xiêm mơ màng. Trời mây tuôn, sông biển dội xứ sở dâng hồng vàng kể từ lần anh hoa phát tiết ra ngoài đón linh hồn Vĩnh Thể để dìu vào cung bậc của “L’être- le”, “là”. Là Tại Thế xao xuyến đi về là hiện-hoạt-trong-cõi-nọ-là “In-der-Welt-sein””
Bùi Giáng nhìn thơ Trần Tuấn Kiệt theo cái nhìn của một người đi tìm những góc cạnh bất ngờ của một cõi thi ca đầy bất ngờ, của những lối rẽ ngang khuất khúc nhiều thú vị. Từ một hình ảnh, thơ trở thành nỗi ám ảnh. Từ một con chữ, thơ trở thành một thế giới riêng. Mà có khi chỉ có một mình nhà thơ đóng vai phê bình mới hiểu thấu. Nhà thơ Bùi Giáng đã nhận định:
“Thơ Trần Tuấn Kiệt đã đạt tới cỗi nguồn trường mộng tinh anh nên gợi dậy rất nhiều chân trời hoài niệm. Dựng lên những câu hỏi huyền hoặc. Lời thơ pha đủ mọi dư vang của triều rộng Con cháu Nguyễn Du đã gặp Hoelderlin Nerval- và đón suy tư hướng vọng vĩnh thể của thiên tài Tây Phương. Niềm chiêm nghiệm bát ngát vô song…”
Thơ Trần Tuấn Kiệt hình như ở gần với trăng sao hơn là mặt đất. Thơ là những hình ảnh đầy nét thơ mộng, của núi rừng hoang liêu của đỉnh núi cao tịch lặng. Hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác” đã ám ảnh ông và đã có một tập thơ ra đời mang tên “Nai”. Tập thơ có đến 15 bài và có những bài như:
“lên theo đỉnh núi mơ màng
một con nai đứng vọng ngàn trong sương
vách cao đá dựng trăng buồn
tơi bời tiếng lá, mưa luồng lũng sâu
gót thầm nai tếch ngàn thâu
nhân gian nghe cũng vọng sầu bao la”
Rất nhẹ nhàng, hình ảnh của một thiên nhiên tịch lặng của những phút giây thầm lắng của suy tư. Nai ngơ ngác giữa vách đá dựng, có phải gợi đến những hình tượng hiền hòa đầy nét thơ mộng của một trời đất bao la mà nỗi sầu hình như lúc nào cũng ẩn trong tiếng gió tiếng mưa. Thơ không tả cảnh mà chỉ phác họa vài nét đơn sơ một thế giới nào gần với con người nhưng cũng xa lạ với chúng ta xiết bao. Cái âm vọng ấy có phải là những chuỗi ý tình mà thơ Trần Tuấn Kiệt muốn diễn tả.
Nai Khóc. Nai Ngủ. Nai Xa Rừng. Nai Thiên cổ. Những hình tượng giữa đất trời hoang vu giữa bạt ngàn tiếng sầu của thiên cổ vọng về và của tâm tình của chàng thi sĩ gửi theo. Nai xa rừng của “con đường lên đỉnh thiên thâu/ Em ôi đi mãi bỏ sầu dưới khe”. Có phải em là nai hiền bỏ đi để lại nơi đây đáy khe nỗi nhớ? Nai ngủ của “nai còn ngủ mộng trong sương/ rừng xanh đất đỏ ngắn hồn mãi sao?” Có phải mộng em phảng phất khói sương của rừng thẳm biền biệt đất đỏ của nỗi cô quạnh một mình. Nai khóc, của nỗi niềm thời thế, của chiến tranh tràn đầy lệ khóc thương đời. Nai khóc như nỗi niềm giữa cuộc biển dâu của thẳm đen cuộc đời du mục “vòm thiên thâu loạn sắc màu/ con nai bỗng để lệ trào ướt mi/ rừng thâm u dấu vẽ gì/ Hồn đơn chiếc nẻo biên thùy không trăng”
Trong bài “Nai và Rừng” ngôn ngữ thầm thì những trăn trở, của một trời đất bao la nhưng thẳm biệt lạnh lùng
“…Với trăng thu nọ ưu phiền
với hai gạt nhỏ trơ tìm hướng xa
ngàn trùng tiếng vọng bao la
nỗi sầu đất lệch cũng xa xôi nguồn
mắt xanh nai đã bồn chồn
thổi tan hoang giấc mộng tàn ra đi”
Với nai, Trần Tuấn Kiệt mượn hình dáng để nói về một không gian của núi rừng, của thuở sơ khai mà loài người còn lạc lõng giữa rừng sâu núi thẳm. Thiên nhiên gợi lại niềm thân ái nhưng cũng thật buồn. Có ẩn hiện chiến tranh, có sự chia ly phảng phất, có tâm tư của rừng núi hoang sơ, của những tâm tình của một thuở sơ khai hiền lành chưa biết thủ đoạn để sống còn qua những cuộc phong ba…
Thơ Trần Tuấn Kiệt thường ngăn nhưng không cô đọng. Thơ ông như khởi điểm cho những liên tưởng đến những thi tứ bất ngờ. Nhưng, lại có những thi phẩm dài hơi như Triền Miên Ngâm Khúc, một trường thi dài tới 990 câu. Thơ “Tre khóc măng” có lẽ là một bài thơ độc đáo mà có người nhận định:
“Triền Miên Ngâm Khúc, thi phẩm thứ năm của Trần Tuấn Kiệt được sáng tạo trong tiếng khóc của một nhà thơ đã có giá trị vững vàng ngay từ thi phẩm thứ nhất. Trong một buổi thảo luận về thi ca, nhà thơ Nguyên Sa đã xác định một cách trang trọng về giá trị của Triền Miên Ngâm Khúc là một áng thơ thuộc vào hàng hay nhất trong thời hiện tại. Nhận định của Nguyên Sa thật đã đúng mức với thực chất của trường ngâm này. Nhận định ấy không có gì quá đáng nhất là khi một nhà thơ từng đã nghe tiếng khóc con của một nhà thơ thì nhận định kia tự đã gói ghém đủ một tấm lòng thành qua tầm nhìn sắc bén về thơ…”
Ðọc Triều Miên Ngâm Khúc, quả là tiếng khóc xé lòng. Hình như, Trần Tuấn Kiệt không gửi theo nỗi nhớ thương từ sự mất mát không cùng mà còn như đại diện cho những người cha đau khổ khóc thương đứa con vắn số. Thơ như là một chuyện kể não lòng và qua lời kể thấy được một thời kỳ của đất nước. Triền Miên ngâm khúc có những câu như:
“Sinh con là một cuộc liều
Liều bao nhiêu cuộc bấy nhiêu đoạn trường
Sinh con ngủ đất nằm sương
Ðã bao năm tháng nắm xương thịt gầy
Ngậm ngùi thế sự hôm nay
Thương con nào quản nhục đầy tuổi cha
Mong con chóng lớn mặn mà
Mong con chạy đến lòng cha vui cười
Mong con thở ngập khí trời
Gió hương thơm lạ nghe lời thiên nhiên
Mong con ngoan ngoãn dịu hiền
Lớn khôn làm một người hiền thế gian
Giờ đây thoắt gẫy gươm đàn
gánh tình đã rụng trăm ngàn khổ đau
Cha xin trọn kiếp khổ sầu
Con ơi con sớm qua cầu hỡi con…”
Một bài thơ khác ”Em còn hái trái” và cũng là nhan đề một tuyển tập thơ của Trần Tuấn Kiệt được nhà thơ Bùi Giáng viết rất trân trọng:
“.. Như thế cũng đủ. Ðủ nhiều lắm. Khuất suốt bốn trời nhưng Tiếng Thơ Chung sẽ không ngừng đồng vọng. Mặt đất sẽ mãi mãi đón chim trời về trong nắng để nhìn em dạo gót hái trái bên cây. Các em đừng quên nhé.
“Em còn hái trái bên cây
vết son mùa để dấu hài đầu tiên
loi choi bước nhẩy loài chim
gió tan mây tụ đảo diên vườn người
em còn hái nữa hay thôi
vết tay chín móng đã mười yêu thương
phiêu du trở bến trong hồn
một giòng nước thẳm bên nguồn em đang..
vườn chim trái mộng hoa vàng
nửa đêm trăng cũng huy hoàng bên em”
Em đang làm gì. Không biết. Nhưng “dấu hài đầu tiên” sẽ ghi mãi “vết son mùa để..” Và ngọn cỏ lá cây sẽ nên lời. Mặt đất sẽ hồi sinh trong thời gian miên viễn. Ánh sáng bây giờ là thiều quang bữa trước. Thiều quang bây giờ sẽ soi xuốt bờ cõi mai sau
Em còn hái trái bên cây
Vết son mùa để dấu hài đầu tiên.
Dấu hài đầu tiên huyền diệu quá. Xui ta càng thương nhớ màu Trăng của một người…
Vết hài đầu tiên sẽ mang lại bóng hình người em gái. Người em sầu mộng của muôn đời – cho mọi linh hồn đau khổ lúc ra đi còn quay đầu trở lại- Em còn hái nữa hay thôi? Lời tiễn đưa đầm ấm. Lời hẹn ước trùng ngộ ở cuối trời. Mọi sự bây giờ là chia biệt? rã tan? Nhưng…
Mais ce qui demeurere, les poetes les fondent- Hoelderlin…”
Trần Tuấn Kiệt là thi sĩ suốt đời mang nghiệp thi ca. Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, dường như ông song hành giữa lãng mạn thi ca và hiện thực đời sống. Ðọc thơ ông, là chia sẻ với những mẫu đời của một thời đại đặc biệt với những tâm cảm đặc biệt và của những người có trái tim nhạy cảm. Trần Tuấn Kiệt làm thơ rất dễ dàng, viết cả năm ngàn bài thơ với cả nét lãng mạn và thực tế trộn lẫn. Ðọc thơ của ông, là một độc giả yêu thơ, tôi tiếc là không có đầy đủ tác phẩm của ông.
Nguyễn Mạnh Trinh
sangtao.org