có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 12 01, 2016

Những người đàn bà trong thi ca của Leonard Cohen


Leonard Cohen festival nhạc jazz Montreux. 
Ảnh tháng 7/2013.FABRICE COFFRINI / AFP


Suzanne, Marianne hay Heather, những cái tên bất tử trong dòng nhạc của Leonard Cohen. Dominique, Janis hay Rebecca, những nguồn cảm hứng bất tận của một nhà thơ, một nhạc sĩ xưng tụng tình yêu, nỗi đam mê dục vọng và tình yêu Thiên Chúa. Họ là điểm khởi đầu, là sứ giả để những ca khúc của Leonard Cohen chắp cánh bay cao.

Suzanne, ca khúc đầu tiên trong gần 50 năm sự nghiệp vừa vĩnh viễn khép lại của nam danh ca Leonard Cohen (1934-2006). Suzanne là bệ phóng đưa một nhà văn, một nhà thơ nghèo lên đỉnh cao danh vọng. Đây là nhạc phẩm đầu tay trong đĩa hát đầu tiên Songs of Leonard Cohen, phát hành năm 1967.

Trước khi được biết đến như một trong những bản tình ca “sâu lắng nhất mọi thời đại”, Suzanne là một bài thơ mang tựa đề Suzanne takes you down mà Leonard Cohen đã sáng tác sau cuộc hội ngộ với Suzanne Verdal, vợ của một người bạn là nhà điêu khắc Armand Vaillancourt.

Những con thuyền mời gọi ra khơi. Căn nhà bên sông của Suzanne. Nước là dòng chảy của cuộc đời : Khi đục khi trong, khi dịu dàng như lời ru tiếng hát, cũng có lúc nước dữ dằn nhận chìm thuyền ai. Trong cuộc ngao du thiên hạ, hay hành trình nội tâm, đôi tình nhân đã đặt chân đến vực thẳm của tâm hồn, đến tận cùng của mạch sống : thân thể ngọc ngà hoàn hảo chạm vào nhau trong thế giới tâm linh. Suzanne mượn lời sông nước nhắn nhủ : Anh là người yêu từ muôn thuở.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Leonard Cohen từng thổ lộ, ông sáng tác Suzanne trong một thoáng xúc động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của một tác phẩm nghệ thuật, của một tâm hồn, của một khoảnh khắc hạnh phúc chớm nở từ con tim một kể đa tình, biết ơn Thượng Đế.

Một điều đáng nói khác về ca khúc Suzanne, là nghệ sĩ đầu tiên trình diễn tác phẩm này chính là Judy Collins. Người tình của Leonard Cohen, khi đọc qua Suzanne takes you down đã đòi ông phổ nhạc cho bài thơ ấy và Judy đã đưa ca khúc bất tử này vào đĩa hát In my Life của mình năm 1966.

Đâu đó có thể nói huyền thoại Suzanne đã bắt đầu với tiếng hát của Judy Collins trước khi mà chính Leonard Cohen làm say đắm nhiều thế hệ ca sĩ với câu chuyện tình “đẹp nhất mọi thời đại”.


“So long, Marianne”

Cũng trong album đầu tay, Songs of Leonard Cohen ra mắt công chúng năm 1967, So long, Marianne đã gây tiếng vang lớn với điệp khúc 

"Vĩnh biệt Marianne, giờ đã điểm để ta có thể làm lại từ đầu, 
Để nước mắt lại rơi, để tìm lại nụ cười"

Không sâu lắng và lãng mạn như Suzanne, nhưng có lẽ So long, Marianne là biệt khúc thắm thiết nhất. Leonard gặp và yêu Marianne một ngày xuân năm 1960, trên đảo Hydra, Hy Lạp. Marianne là cô gái “đẹp nhất trên đời”. Cô người mẫu tóc vàng đến từ xứ Na Uy giá lạnh và chàng thi sĩ người Canada gốc Do Thái đã sống những chuỗi ngày hạnh phúc : Marianne là nguồn cảm hứng, là biểu tượng của tình yêu trần tục và thanh cao, của sự cộng hưởng trong dòng sáng tác. Hình ảnh nàng rạng rỡ trong chiếc khăn bông, đôi vai trần, bên chiếc máy đánh chữ, in trên bìa cuốn album thứ nhì của Leonard Cohen Songs from a room (1969), minh họa cho tất cả những điều ấy.

Cánh chim không biết mỏi, Leonard Cohen đã nói lời từ biệt Marianne nhiều năm trước khi họ thực sự xa nhau. Trong nhạc phẩm Bird on the Wire- cũng lấy nguồn cảm hứng từ chuyện tình với Marianne, Leonard Cohen biết trước ông là « gã say lạc lối trong dàn đồng ca, đi tìm tự do ».

Cảm động nhất là với một người đã viết và hát rất nhiều về đạo, về đời, về lòng ham muốn, nỗi đam mê dục vọng, nỗi cô đơn của những kiếp người và niềm hy vọng, như Leonard Cohen, gương mặt tiêu biểu của Nàng Thơ trong trên dưới 150 ca khúc và những tập thơ của ông có lẽ vẫn là cô gái Na Uy tóc vàng, Marianne Ihlen : Mùa hè vừa qua, khi biết Marianne lâm trọng bệnh, tác giả của So Long, Marianne, viết cho người tình một bức thư, như một lời hẹn hò : Marianne qua đời vì bệnh ung thư máu vào ngày 26/07/2016, thọ 81 tuổi. Chưa đầy bốn tháng sau, Leonard Cohen theo chân người tình về nơi cực lạc.


I’m Your Man

Sau muôn vàn cuộc trăng gió mà đôi khi đọng lại trong thi ca của Leonard Cohen, như bóng hình của Janis Joplin trong ca khúc Chelsea Hotel bài ca số 2, Joni Mitchell trong album Songs of Love and Hate, cũng trên đảo Hydra, dưới ánh nắng mặt trời và gió lộng của vùng Địa Trung Hải, năm 1982, Leonard Cohen bị cuốn hút vào chiếc Leica của nhiếp ảnh gia Dominique Issermann.

Họ sánh bước bên nhau trong gần 8 năm, tiếp theo đó là 30 năm tình bạn, cho đến ngày Leonard Cohen ra đi.

Họ cộng tác với nhau để hoàn tất đĩa hát Various Positions. Thế rồi Dominique đã chụp ảnh, thực hiện một số clip trong đĩa hát thứ 8 của Leonard : I’m Your Man. Như chính Dominique thổ lộ : bà đã thực sự bị chất giọng rất trầm, đầy nam tính và gợi cảm của Leonard Cohen thôi miên.

Với Marianne Faithfull, con chim họa mi của dòng nhạc rock Luân Đôn nhữung năm 1960-1970, Leonard Cohen là một nhà thơ, một nhạc sĩ và ca sĩ luôn bị ám ảnh về thời gian, tuổi tác. Ông đã viết về tuổi già từ khi còn rất trẻ, như thể từng bước chuẩn bị cho ngày ra đi.

Leonard Cohen qua đời ba tuần sau khi cho ra mắt công chúng album You want it Darker. Tiếng hát đầy nam tính và gợi cảm của những năm nào không còn để hát cho những người tình. Giọng ca khàn và đục ấy, chỉ còn là một hơi thở vừa đủ để nói với Thượng Đế bằng ngôn ngữ cổ của người Do Thái:

“Hineni, Hineni I’m Ready my Lord”. 
Leonard Cohen bỏ cuộc chơi, Sẵn sàng về bên Chúa.


Thanh Hà