có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 12 14, 2015

Người khách đêm trừ tịch




Nhiều người đồn bà Tuý là nhà tâm linh thần diệu. Nhờ có thể chuyện trò và nhìn suốt vào vũ trụ người chết, bà đã giúp một số gia đình tìm ra tông tích thân nhân bị thất lạc hoặc hổ trợ cảnh sát truy tầm thủ phạm. Không trách bà thản nhiên mua lại ngôi biệt thự hoang vắng nằm xa thành phố để ở. Ngôi nhà vốn nổi tiếng đêm đêm có nhiều tiếng khóc cười vẳng tới từ một đáy mộ sâu thẳm nào đó. Một nổi nhắm mắt không hề muốn nguôi nghỉ.

Nếu có một người lạ hỏi về gia cảnh bà, chẳng hạn lý do nào khiến một người đàn bà còn xuân lại nhất định không tái dựng tương lai…bà Tuý sẽ im lặng một giây rồi lãng sang chuyện khác. Còn nếu họ cứ thắc mắc vấn đề bà đã mua lại ngôi nhà mà những chủ trước không thể ở nổi, lúc đó bà Tuý sẽ đáp tỉnh bơ kèm theo một nụ cười hết sức mơ màng: “Họ bảo ngôi nhà này có ma ư? Họ bảo có một thế giới siêu linh nào đó không muốn thừa nhận họ ư? Thế thì tôi có dịp mua được căn nhà này với giá rẻ thôi.” Nếu những người quen biết ấy vụt tò mò hỏi thêm: “Bà không sợ ma ư?”, lúc đó bà Tuý sẽ tha hồ cười từng tràng khoái trá. “Tôi vẫn nói chuyện với họ hoài có sao đâu. Ma quỷ thì có gì đáng sợ. Bất quá chỉ đùa nhát người ta chút xíu vậy thôi. Ma…mãnh ở đời này mới ghê kìa. Tôi chọn ngôi nhà này vì sự yên tĩnh biệt lập của nó. Nói thật chỉ có những người sống nhăn răng như chúng ta mới dở đủ trò mánh mung để lợi dụng lừa bịp…”

Giữa khung cảnh u tịch nằm xa hẳn thành phố, ngôi nhà của bà Tuý trông cũng có vẻ sâu thẳm hơn. Ngay cả những đêm trên trời rãi ánh trăng sao. Muốn viếng nhà bà người ta phải đi ngang qua một quãng đường đầy cỏ dại lót sỏi trắng. Ban ngày cũng như ban đêm, thường thường những ngôi nhà rải rác của hàng xóm xung quanh đều đóng kín như không hề có người lai vãng. Thật trái với ngôi nhà của bà Tuý lúc nào cũng mở ra những ngõ ngách lui tới gặp gỡ. Đa số khách bốn phương là những kẻ vốn nhẹ dạ, dị đoan và cả tin vào số mệnh. Họ đã phải gọi điện thoại lấy hẹn với bà, có khi phải từ hai tuần trước. Họ lui tới nhà bà Tuý khá thường xuyên để nghe bà vén lại cửa lòng khắc khoải cô đơn của chính họ rồi ra về với tia hy vọng đón chờ tương lai. Cứ như thể bà Tuý là người giữ chìa khoá mở và đóng một thế giới huyễn hoặc nào đó. Cũng đôi khi bà Tuý có những người bạn gái ghé lại ngồi chơi cả buổi sáng buổi chiều nhưng tuyệt nhiên không bao giờ họ muốn qua đêm ở căn nhà hoang liêu rêu phủ này.

Nhiều đứa bạn gái cũng không hiểu sao bà Tuý có thể trôi qua không phải chỉ một đêm mà là nhiều đêm lạnh lẽo và im lìm như thế. Họ đặt vô số câu hỏi. Này bà, đêm hôm đất lỡ tường lỡ la lên làm sao có ma nào nghe được mà cứu? Mình lỡ với làng thì có chứ đất tường nào lỡ. Mình lỡ cũng chẳng thèm lo nữa là. Đừng tưởng bở, ngôi nhà trông cũ kỹ phong trần nhưng làm toàn gạch đá kiên cố lắm cơ. Nói thật với bà nhé, ở đây hoang vắng ít nhà cửa thế này nhiều lúc tui có cảm tưởng những ngọn gió vù ngang đây chỉ vèo một cái là bay luôn cả bà và ngôi nhà. Giỡn, bộ không biết chính tiếng gió ấy đã mê hoặc mụ đàn bà cô đơn như tui sao? Đêm ở đây nghe tiếng thông reo vi vút, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng cỏ cây rạp mình xuống…và nhiều…nhiều thứ nhạc khúc kỳ lạ không nơi nào có được…tui mê lắm bà ơi. Nói chung tui thấy thiên nhiên càng hoang vắng càng đầy cảm xúc. Tuyệt. Tui coi đó như là một thứ bạn đời biết hoà nhịp đồng điệu với mình cơ đây.

Vậy bà không sợ đêm tối có kẻ lạ mặt gian manh phiêu dạt qua đây tống cửa ăn thịt bà à?

Họ không quấy rầy tui nổi đâu. Ăn thịt tui thì được. Nhưng ăn được tui thì không. Tui có bùa hộ mệnh mà, bộ quên rồi sao? Nói vậy chớ tui cũng nghĩ đến điều đó. Mình cửa đóng then cài kỹ lưỡng thế này ai làm gì được mình.

Bà chạy trốn cuộc đời mà được à?

Không. Tui không chạy trốn cuộc đời thì cuộc đời cũng dồn tui tới đây hay tới một hoang đảo nào đó.

Bà không chạy trốn cuộc đời thì tui cá với bà cũng đang trốn chạy mình.

Tui có biết mình ấy là ai đâu mà chạy trốn hay tìm bắt.

Bà không biết thật sao? Tui không tin. Bà không biết mình thì ai có thể chui vào đấy để biết bà?

Thôi đừng chơi chữ nữa nhức đầu lắm. Mà biết mình thì làm được quái gì. Tui cũng không tin có ai biết hết về mình. Nói thật đó. Còn mong chi chui vào kẻ khác để biết.

Cuối cùng người bạn của bà Tuý bật cười lớn tiếng. Dĩ nhiên người ta phải biết mình nhiều hơn kẻ khác biết mình chứ. Bà biết bà nhiều hơn tui biết, hơn chồng bà biết bà là cái chắc. Thật ra bà sợ phải biết mình, nhận ra mình thì đúng hơn. Chồng bà đã chết rồi, bà còn ôm những chữ tiết hạnh khả phong ấy làm gì? Bà có quyền tự do yêu đương.

Bà Tuý im lặng. Không tỏ một phản ứng chống đối nào. Trong âm thầm, bà cũng nhiều lần tự nhủ như thế. Bây giờ mình đã hoàn toàn tự do. Đâu còn thứ mặc cảm nào để từ chối những thiêu đốt, những bừng bừng ngọn lửa thèm khát trong lòng. Bà Tuý nghĩ mình cũng đã cô đơn quá lâu rồi. Bà phải được sống thực sự để giải tỏa nỗi ấm ức cô liêu bấy lâu. Bà không thể cố ngụy trang bằng cách tự phong thánh cho mình. Những đứa con của bà đều yên thân ở xa, bỏ lại bà mẹ đáng thương này một mình với lời nguyền ích kỷ đòi hỏi cho một người mẹ trung bình. Không đứa nào muốn bà bước thêm bước nữa. Chúng nó làm như phần da thịt còn sống của bà cũng phải tự kết liễu hoặc chết dần theo với xác người chết.

Không biết có phải nguyên nhân tạo ra những xung đột mâu thuẩn trong lòng bà Tuý là ở đó chăng? Chỉ hình như một mặt bà muốn giải tỏa những trăn trở hồi xuân của mình, mặt khác lại không muốn bốn chữ tiết hạnh khả phong mọi người tặng cho mình bị ngọn lửa mê mù nào đó đốt cháy. Hoặc có thể bà Tuý tự thấy mình không còn đẹp và trẻ nữa nên chẳng còn một sự lựa chọn nào khác. Dù sao bà vẫn nói bà nhất định chọn cuộc sống tách biệt xa lạ với loài người và chính mình như thế cho đến mãn đời.

Điều nhất quyết ấy đã được thể hiện trong vòng ba năm rồi. Có điều không ai tiên đoán nổi những sự lạ lùng sẽ xảy ra trong ngôi nhà gạch đá và đời bà Tuý sau đó. Người ta chỉ giỏi đồn tới đồn lui câu chuyện của đôi tình nhân gốc Ý, đã một dạo xa lánh những hệ lụy về đây ở. Người đàn bà ly dị chồng tưởng mình có thể thoát khỏi vòng vây của đời sống hôn nhân chán chường để tự do với người yêu. Không ngờ người chồng cũ không bao giờ chấp nhận sự mất mát đó và đã điên khùng tìm đến. Chính họ đã bị bắn chết ngay trong căn nhà bà Tuý cách đây ba năm.

Cứ vào khoảng thời gian năm hết Tết đến, thiên hạ thi nhau hâm mộ và mê tín kéo về ngôi nhà bà Tuý. Họ muốn biết năm tới đời mình sẽ ra sao, có hy vọng gặp được những gì họ vẫn chờ mong mà chưa gặp được trong năm rồi. Năm tới rồi năm tới. Chỉ có những kẻ hèn nhát yếu mềm mới lặng thầm chiến đấu trong những chực chờ định mệnh. Bà Tuý vốn hay nhìn khách hàng đáng thương của bà với ý nghĩ ấy. Thì còn phải nói nữa ! Đa số họ là những kẻ đã mất niềm tin và thiếu hạnh phúc trong cuộc đời cơ mà. Người thì vỡ mộng tình ái, kẻ chán chường con đường danh vọng hoặc thất bại tiền bạc…nếu không có lẽ người ta đã chẳng tìm đến bà để bám víu một thoáng hy vọng mong manh. Dù sao những thứ bà Tuý thường gọi là hậu vận hay tương lai này nọ vẫn chỉ cốt ban phát cho họ chút niềm tin tạm bợ. Này nhé, bà Tuý chỉ cần ngồi trước trái banh thủy tinh tưởng như hình vũ trụ trái đất thu nhỏ, rồi đưa bàn tay phù thủy lên ve vuốt là y như có thể mở ra trước mắt mình cuộc đời, quá khứ hiện tại và tương lai vô tận của thân chủ. Dĩ nhiên tia mắt bà Tuý lúc đó xem chừng thẳm sâu hun hút như vừa lục lạo vừa đâm suốt được vào chốn thiêng liêng. Điều làm người đối diện thở phào nhẹ nhỏm vì bà Tuý vừa bắt được ngay câu trả lời cho họ về những ngày sắp đến. Nhiều lúc bà buộc lòng trao cho thân chủ mình thứ niềm tin mỏng manh mà chính bà cũng không tài thánh nào có nỗi. Điều này đã giúp một số thân chủ của bà vùng khỏi tấm lưới tuyệt vọng để thách đố số phận. Số người thành công nhờ thế lại cứ đinh ninh bà là thần thánh tái thế.

Từ một ô cửa vắng ngắt gần nhà bà Tuý, Đính bỏ chiếc ống nhòm xuống, rời khỏi khung nắng đang lấp lánh trở về bàn viết. Đính lầm bầm câu gì nghe mang máng như một câu thơ mới chụp bắt được. Nói nào ngay, Đính là nhà thơ sắp chớ chưa thành danh. Nghĩa là người chàng cũng dào dạt cảm xúc và tâm hồn vời vợi, chứ không phải giỡn. Có lẽ thấy Đính mang dáng dấp thi sĩ, lại đang thai nghén tập thơ nên người bảo trợ già ngỏ ý mời chàng về đây chơi dăm mười ngày. Bà vợ ông ta bị ung thư tử cung vừa bỏ chồng lại một mình một bóng hiu hắt năm ngoái. Đính cảm động, nên thay vì định kiếm một cảnh nước non trời biển ở đâu đó, chàng lại chui đầu về quận lỵ buồn thiu này. Thơ của Đính chắc không thể bí hiểm như Rong Rêu hoặc hư vô bềnh bồng như sóng biển. Lẽ ra chàng phải cô độc họa may mới tìm được thi hứng, đằng này lúc nào cũng có lão già vừa mất vợ đeo quấn quít sau chân lải nhải. “Cái nhà trước mặt xa xa của tao đó có người đàn bà đồng hương với mày, Đính ạ. Không tin cứ thử lấy chiếc ống nhòm tao để trên kệ sách nhìn thử biết liền.” Đính chưa kịp chửi rủa lão vừa làm câu thơ trong đầu chàng vụt chết non thì miệng lão lại bô bô tiếp “Không những bà ấy là Việt Nam giống mày, bà ta cũng chỉ ra vào một mình hệt như tình trạng độc thân tội nghiệp của mày và tao vậy.”

Sau đó lão già khoái chí cười ha hả rồi tự đi một vòng liệt kê đủ mọi lý lịch, tiểu sử, gia cảnh…của người đàn bà đó. Đính không ngờ người Mỹ cũng tò mò chuyện hàng xóm ra phết, nhưng phải công nhận những điều lão già kể “nghe nói thế này hoặc thế nọ” cũng thú vị chán.

Đính vốn ế vợ đã lâu. Quanh đi quẩn lại mới đó đầu chàng đã có nhiều sợi bạc. Nhiều đêm chàng tủi thân nghĩ từ đây đến hết đời chắc chẳng có người con gái hay người đàn bà lỡ thì nào chịu lấy chàng. Chàng không đến nỗi là kẻ vô tích sự, nhưng không hiểu sao bất cứ công sở nào hễ có chàng dính vô làm đều bị lỗ lã và cuối cùng là sa thải nhân viên. Thất nghiệp, nhàn rỗi khiến Đính nghĩ đến chuyện nhặt nhạnh những vần thơ trừu tượng, thắt ruột tượng trích mớ tiền dành dụm rồi tự xuất bản và đem bán cho thế gian chơi. Đính còn tự thêu dệt, mường tượng đến những đàn bà con gái giàu mơ mộng chớp mắt rung động theo từng vần thơ của chàng. Rồi thì biết đâu tình yêu sẽ được nảy sinh nhờ nỗi si ngây ấy. Có bất hạnh lắm Đính nghĩ cũng bằng cở mối tình dịu dàng của Mai Đình với Hàn Mặc Tử là cùng ! Mãi thừ người với mục đích tối cao của tập thơ sắp chào đời ấy, Đính đã trải qua gần đến ngày cuối cùng trống rỗng nơi khỉ ho cò gáy này. Đã chín ngày trời trôi qua mà cuốn bản thảo thơ của Đính vẫn không thêm được gì ngoài bốn câu tứ tuyệt khiêm nhường hôm mới đến.

Tối hôm đó Đính trốn người bảo trợ ra ngoài sân ngồi với sao trời và gió mây lồng lộng. Ở một nơi lãng đãng xa xăm của thần trí, Đính bắt đầu hình tượng, vắt nặn cuộc gặp gỡ cũng bồng bềnh như ở chân mây với nàng thơ của riêng mình.

Bà Tuý vừa chợp mắt được một thoáng thì bỗng mơ màng thức giấc vì thứ gió núi lạnh lùng vừa lướt nhanh qua cửa sổ. Cùng lúc với trạng thái nửa tỉnh nửa mê, bà Tuý bàng hoàng nhận ra có một bóng đen cao lớn đã lừng lững xuất hiện ở góc tường. Rõ ràng đó là một người đàn ông khá đẹp trai kiểu tài tử Ý, vừa nở nụ cười trắng như mơ vừa lợi dụng bóng tối nhìn chằm chặp vào người bà đang bận chiếc áo ngủ mỏng manh. Một lần rồi hai lần, bà Tuý dụi mắt cố trấn tỉnh nỗi váng vất buồn ngủ. Đã quá lâu người đàn bà mới chợt ngửi thấy hơi hướm đàn ông đang phủ trùm quanh phòng. Bà vô tình hít vào rồi vội thở hắt ra như cố xua đuổi thứ hơi hướm quyến rũ và xô đẩy bà rơi xuống miền cảm giác của thèm khát hoan lạc.

Thời gian như ngừng thở đứng yên. Bà Tuý rùng mình không hiểu vì lạnh vì cô đơn hay vì tiếng gió ma quái thổi âm u vào khuôn mặt tranh tối tranh sáng của gã. Quả thật bà Tuý bắt đầu thấy choáng váng. Cái bóng đen vẫn im lặng, tuyệt nhiên không mở miệng lên tiếng một lời nào. Bà Tuý bỗng mơ hồ nhớ lại hình như căn phòng này có một thời đã là của gã. Và gã cũng bị hất ra khỏi đời sống một cách tức tưởi với người yêu bạc mệnh. Gã người Ý ấy chết đã hơn ba năm rồi còn gì. Sao bây giờ gã trở về lặng lẽ đứng đó ôm ngực như muốn đòi nợ đời sống. Bà Tuý vụt nghĩ và yên tâm biết chắc rằng mình không hề mắc nợ gã bao giờ. Có thể gã chỉ tìm đến bà để nhắn gửi một điều oan ức nào đó chăng? Nghe nói gã bị bắn chết lúc còn độ sung sức quá mà. Gã và cô tình nhân đã nằm chết như trong cơn mê có hai phiến lưng trần với những cánh tay quấn quít không rời. Họ đã chết khi vừa miên man chết đuối trong nhau, như thế tưởng cũng quá hạnh phúc lắm rồi. Bà Tuý không hiểu sao gã vẫn chưa thỏa mãn, vẫn còn như muốn trở lại để tìm một đều gì không rõ. Biết đâu gã và người tình đã chết đúng ngay chỗ giường bà Tuý kê nẳm. Bà Tuý sực nhớ mình vừa kê chiếc giường mới vào một hướng khác sáng nay. Tức thì kẻ bất hạnh ấy từ lòng đất lạnh chôn sâu đã nhiều năm bỗng trở về, lừng lững bất động trước mắt mình khiến bà càng thắc mắc thêm.

Gã đứng cách xa bà chỉ mấy bước nhưng càng lúc bà Tuý càng cảm thấy mình không trông rõ chân dung gã. Chỉ còn đôi mắt gã như kết ngàn đốm lấp lánh ma trơi. Điều kỳ lạ hiện ra có khi từ đôi mắt gã rồi đôi tay gã bỗng tỏa đầy óng ánh lân tinh. Không còn tự phỉnh phờ mình được nữa, bà Tuý lắp bắp mở miệng trước điệu bộ cơ hồ tê cứng như bức tượng của gã.

– Ông…ông-người-chết muốn gì?

Cái bóng đen chợt lắc lư rồi vụt cười ré lên man rợ như vừa khám phá ra điều gì thích thú.

– Tôi…người chết? Ờ, thì đúng là cái xác chết này cũng chỉ muốn được sống…và được yêu. Người Tây, Tầu, Mỹ, Ý, Việt Nam…gì cũng chỉ muốn được yêu thôi phải không ạ.

Người Ý? Rõ ràng vừa nghe ông ta nhắc đến hai tiếng ấy là bà Tuý bỗng lạnh cả chân tóc. Bà Tuý cũng bắt đầu cảm thấy tội nghiệp gã đàn ông đã chết vì tình. Nếu gã không thuộc tuýp yêu đương dữ dội và tha thiết thì chắc gì gã đã bị bắn chết oan uổng. Giọng nói của gã đúng là buồn rầu như vẫn còn quá nuối tiếc những kỷ niệm nao nức cũ, cùng với nỗi u uất của kẻ bị đẩy vào sự chết lúc lòng còn ngùn ngụt lửa yêu.

Bà Tuý định kiếm lời an ủi gã. Bà có thói quen vốn chuyện trò thân thiện với những oan hồn cô độc. Nhưng không hiểu sao bà bỗng khựng lại mấy giây và ấp úng:

– Ông…ông là ai?

– Tôi…tôi là ai ư? Có ai biết mình thực sự là ai, và từ đâu đến không nhỉ.

– Ý tôi muốn hỏi…nếu ông đúng là người đã chết với cô bồ trong căn phòng này từ lâu rồi, sao bây giờ ông mới trở về và lại trở về có một mình thôi vậy?

– Thì tôi chính là…tôi chứ ai. Nhưng bà muốn nghĩ tôi là một ai khác cũng được có sao đâu. Thật tình, tôi không chủ ý làm bà sợ hãi đâu nhé. Nghe nói bà là nhà tâm linh vốn rất cô đơn có phải không ạ.

– Ờ, …thì tôi cô đơn thật, nhưng điều đó mắc mớ gì tới ông.

– Có chứ. Vì tôi cũng cô đơn như bà. Chỉ tiếc tôi không phải là nhà tâm linh thần diệu để buồn buồn có thể gọi người chết trở về chuyện trò cho vui.

– Nhưng tôi có gọi ông đâu mà ông lại xuất hiện?

– Bộ bà có thể nhìn suốt vào vũ trụ của người chết thật sao?

– Sao không. Tôi làm nghề này mà.

– Bà dùng thứ sức mạnh nào vậy? Sao tôi đang sống trong một vũ trụ ngập đầy những bóng ma mà tôi không tài nào cảm nhận thông cảm được những điều như bà.

– Ông đã là …ma thì ông còn thấy ai là ma quỷ nữa. Ai trước mắt ông cũng đều giống nhau. Họ đều là những người đã chết. Thế giới của ông là thế giới của những người đã chết, của những oan hồn vất vưởng…

– Vâng, tôi hiểu. Tôi không phải là kẻ được thuộc về thế giới mọi người đang vui sống. Tôi vẫn cứ mặc cảm, thương xót hoài về nỗi chết của mình. Bà có biết không?

– Nhưng ông…là ai? Ông vẫn chưa nói rõ với tôi ông là ai kia mà. Ông đến đây để muốn nhắn gởi tới đời sống điều gì thì cứ nói.

– Bà có hứa sẽ giúp tôi không thì tôi mới dám nói điều ước nguyện ấy.

– Tôi hứa chứ. Tôi đã từng giúp những người như ông mãn nguyện và ra đi không còn trở về đòi nợ đời sống nữa.

– Nói thật nhé. Tôi không phải là ma quỷ hiện về đòi ăn thịt bà đâu mà sợ. Bà nói năng thân thiện với ma quỷ như thế thì chắc là bà không đời nào sợ ma quỷ rồi. Bà không thấy nó đáng sợ…bằng người sống thật sao?

– Ông…ông hãy là ma , là quỷ Satan, Lucifer hay gì gì ghê gớm khác cũng được cả nhưng làm ơn, làm ơn đừng làm…một người sống bây giờ, tôi sợ lắm. Tôi sợ…người sống thật cơ. Tôi hét lên ngay cho ông coi nè.

– Người…sống dễ sợ và làm bà sợ như thế thì tội gì tôi không cứ đội lốt ma quỷ cho xong. Người nào sống chẳng mang một thứ ma quỷ nào đó trong người. Do đó họ phải bày trò thuyết lý bịa đặt này nọ để vừa ăn cướp vừa la làng chứ phải không bà.

– Vậy ông đang là quỷ hay là ma thế hả? Đêm nay ở quê tôi người ta cúng bái dữ lắm. Phần nhiều họ cúng để tiễn đưa năm cũ và xin lộc năm mới. Còn tôi vẫn có lệ cúng cho âm hồn các bác nữa ông ạ.

– Thử gọi tôi là con ma hay con quỷ đêm trừ tịch sao nghe ghê quá. Nếu bà không tin, lát nữa tôi sẽ chứng tỏ tài ma tài quỷ của tôi cho bà thấy. Ngay tức khắc bây giờ cũng được không sao.

Gã vừa nói xong tự nhiên bầu trời bên ngoài bỗng vụt đen hẳn. Gió đêm từ đâu không biết lùa mạnh tới như vừa thổi tắt ngay những vì sao trên cao. Trong hơi gió gờn gợn gã búng nhẹ tay mình, tức thì hàng loạt ánh sáng đủ màu nhấp nhánh đổ xuống nền drap trắng. Khoảng một giây, gã lại nghịch ngợm túm gọn làn ánh sáng ấy và xoè trước mặt bà Tuý một đóa hồng đỏ.

Bà Tuý chỉ kịp ngửi thoang thoảng mùi hương thơm của hoa thì gã đã vụt nhoài người ra cửa:

– Để tôi thả những con đom đóm lúc nãy lượn ngoài nghĩa địa đã nhé. Biết đâu chúng nó không thích phải ngạt thở chết đi và hoá kiếp thành con người thì tội nghiệp lắm.

Bà Tuý bỗng bâng khuâng mà cũng không hiểu vì sao.

– Ông…ông là ma quỷ thật sao? Cái hoa hồng đỏ lúc nãy tôi mới thấy đâu rồi. Không phải ông muốn tặng tôi sao?

Người đàn ông mỉm cười dịu dàng như chưa bao giờ.

– Vâng, tôi sẽ tặng bà chứ. Tôi là…thần tình ái. Thần tình ái không tặng hoa hồng chẳng lẽ đi tặng khẩu súng hay sao?

– Thôi…ông đừng nhắc đến vụ súng ống nữa, tôi sợ lắm.

– Vâng, bắn người khác toé máu vì xâu xé, giành giựt hoặc để thỏa mãn chút tự ái nhỏ nhen này nọ thì có thua gì tụi quỷ sứ. Khát máu thì chỉ có quỷ Dracula mới…khát máu nhất thôi phải không bà?

– Đã bảo đừng nói chuyện chết chóc nữa cơ mà. Nói chuyện hoa hồng đi.

– Vâng, tôi là khách đến thăm bà đêm nay, dĩ nhiên tôi phải có hoa tặng bà chứ. Tôi sẽ tặng bà một đóa hoa hồng tươi cơ.

– Lúc nãy tôi thấy hoa chưa tàn, sao ông đã vội ném ra cửa sổ?

– Không phải ai cũng chỉ muốn được giữ lại một chút hương đẹp và nồng hay sao?

Vừa dứt câu, gã thần tình ái cúi xuống tìm cánh hoa …tình yêu vừa nở thầm lén trên môi người đàn bà. Đôi môi lấp liếm. Vòng tay quấn quít vòng tay. Rồi như trong cơn đồng thiếp, bà Tuý không còn làm chủ được cả tâm linh lẫn thể xác của mình. Bà để yên vị thần tình ái cuốn hút tới một bến bờ mê muội nào không biết tên gọi.

Bà Tuý nhắm mắt lại tận hưởng miên man. Và khi mở mắt ra thì ánh sáng đầu ngày đã tràn qua khung cửa. Bà giật mình nhận ra chiếc cửa sổ trước mặt đã vô tình quên đóng kỹ như mọi ngày. Cùng một lúc, bà bỗng muốn gợi lại cảm giác đêm qua. Bà lắng nghe từ từ từng đợt sóng xúc động dâng lên lai láng dần trên mắt môi và tứ chi. Đêm qua, bà không biết cơn mơ nào đã dạt tới làm bà lao đao không nắm giữ được mình. Cơn mơ dồn đuổi và dìu bỗng người đàn bà lên cao, lên cao tới tột đỉnh trời tít tắp nào đó. Bà mệt mỏi lấy một cánh tay mình vòng trước bụng và một cánh tay khác cố quàng ra phía sau lưng để tưởng tượng đến một người nào đó đã thực sự ôm bà mê đắm đêm qua. Rồi bà xao xuyến nghĩ, có lẽ một ngày đầu xuân lênh đênh nắng đẹp như thế này nên cơ thể và tâm tư bà cũng chợt rớt theo một trạng thái mới hồi xuân. Thật tình bà cũng không biết mình sẽ còn xao động như thế này cho đến lúc nào.

Cũng buổi sáng hôm ấy, Đính uống cà phê tạm biệt người bảo trợ. Con ngõ vắng trước mắt Đính bỗng vẽ ra con đường ngắn gọn và chút gì thơ mộng lạ thường dẫn đến nhà bà hàng xóm Việt Nam. Cho đến bây giờ, trước giờ phút sắp vác hành lý ra xe, lão Tim vẫn còn tỏ ra ngạc nhiên lẫn tức tối sao Đính không chịu vồn vã để lão dẫn tới người đồng hương. Đính chỉ cười giả lả nói tại tôi bận với nàng thơ mấy hôm nay ông không biết sao. Nhắc đến vụ thơ thẩn, lão Tim vụt thắc mắc tiếp về tập bản thảo của mười ngày đi tìm nàng thơ nơi quận lỵ đìu hiu này. Đính cười cười bảo coi bộ hình như tôi vẫn còn vị chi là 999 bài thơ chưa viết trong đầu. Lão trố mắt nhìn Đính pha trò rồi bất giác vỗ tay cái đốp vào chân mình: “Vậy à, vậy thì đáng tiếc quá. Tao đã mắc công đổ cho mày không biết bao nhiêu thùng rác rồi, từ khi mày đến chơi đó Đính ạ. Đêm qua tỉnh dậy đi tiểu không thấy mày, tao cứ ngỡ lần này mày nhất định ra ngoài sân thức nhìn trăng sao chắc thế nào cũng đẻ xong một chồng thơ dày cộm.”

Đính gãi đầu, cố lãng tránh đôi mắt bi xanh dọ hỏi quái của lão. Ờ ờ …thì cũng buồn buồn tôi mon men ra tận nghĩa địa gần đây chơi. Ở ngoải có nhiều đom đóm trắng lắm ông ơi.

Lão Tim ái ngại nhìn Đính, xem chừng gã có vẻ không chịu được nỗi bất thường của Đính. Mày có điên không? Mày ra nghĩa địa tìm thi hứng ở những người chết à?

Đính đứng dậy rửa cái ly vừa uống xong, nói lấp: “Không tập điên điên một chút, không làm thi sĩ được đâu. Như ông vậy, đời nào tôi có thể nghĩ ông sẽ ra được tập thơ. Đừng rầu rĩ nhé, nói thật tôi cũng thích một nơi buồn bã yên tĩnh như chốn này lắm. Rồi tôi sẽ trở lại đây dài dài làm phiền ông nữa cho coi. Lúc đó biết đâu…”

Lão Tim cưỡi ằng ặc trong cổ: “Biết đâu…biết đâu lúc đó tao mới phải bắt mày tự đi đổ thùng rác toàn những giấy là giấy của mày. ”

Đính lắc đầu cười thiểu não: “Phải nói là biết đâu tôi có thể bắt chước một ông thi sĩ Việt Nam làm cả ngàn bài thơ trong một đêm thôi đó ông.”

Lão Tim há hốc mồm, sững sờ nhìn nhà thơ…lớn. Còn Đính vẫn cứ tỉnh bơ loay hoay trong bếp và cả trong đầu với những câu thơ tình tứ của Phạm Thiên Thư:

“Em là giai nhân. Ta là thi sĩ. Gặp nhau một lần. Mà nhớ chung thân. Nếu ta ở gần. Chung nhau một lối. Dễ ngàn bài thơ. Viết xong một tối. Vì em là thần. Phải không giai nhân?”

Bên kia đường, bà Tuý cũng đang mơ màng đọc lại những vần thơ…hồi xuân !


Nguyễn Thị Thanh Bình

(Trích Văn, Giai phẩm xuân Nhâm Thân Số 114-115 tháng 12-1991 và tháng 1-1992)