có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 12 14, 2016

Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời




Tặng Doãn Quốc Sỹ
(Mai Thảo)

Bức điện tín báo tin cho tôi người ta đã đưa chàng vào một bệnh viện thị trấn miền núi được bốn ngày. Chàng bị thương nặng. Chàng muốn gặp tôi. Người phu trạm già đã bỏ đi trên chiếc xe đạp cũ kỹ của y, tai tôi đếm rành rọt từng tiếng một, nhịp chuông lẻng kẻng đổ hồi về phía cuối xóm, nhưng tôi không cử động được. Trong một khoảng khắc kỳ lạ kéo dài không biết bao lâu, tôi mất hẳn ý niệm thời gian, toàn thân tôi nhẹ hẫng như chới với trên mây trên vực, đầu óc như có một mũi ê-te tiêm suốt thấu, ý thức vẫn sáng suốt mà cảm súc thì sượng sần tê điếng.

Tử thương trong vết đâm thủy tinh trong suốt, tôi trân trân ngó ra cánh đồng tuyết phủ – chúng tôi đang ở giữa mùa lạnh – mặt tuyết in lên những ô kính sáng trong, những tảng tuyết sạch sẽ đồng mầu với những bức tường lát men sứ trắng tinh căn nhà bếp buổi sáng, tôi đứng đó, chết lặng như một pho tượng với bức điện tín báo tin dữ về chàng. Rồi chất tê tê của mũi ê-te tan dần nhường cho sự tràn ngập một cảm giác khủng khiếp ào ạt xâm chiếm cơ thể mảnh dẻ của tôi như một trận bão rừng hung dữ thổi qua. Bàn ghế đồ đạc chung quanh cùng bảo nhau quay cuồng chóng mặt, những vòng quay hút xoáy xuống thành vực thẳm, trời đất bên trên đảo ngược, ngọn lửa trong lò bỗng nhiên bùng lóa thành một đám cháy cực lớn làm tối tăm mắt mũi, tôi lảo đảo ngã vật xuống. Tôi ngã ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Tôi thảng thốt kêu lên : trời ơi ! Bao nhiêu đêm dài cô đơn quỳ gối dưới chân tượng Đức Mẹ trên căn phòng ngủ lạnh lẽo, bao nhiêu buổi sáng lúi húi một mình, gục đầu trên mặt nước ngọn suối ở cánh rừng thưa đầu làng – nơi tôi thường đến đó gặp chàng – chân thành cầu nguyện cho sự đó không xẩy đến cho chàng, niềm xao xuyến âm thầm ám ảnh tâm trí tôi không phải chỉ là một lần nào, mà tất cả những lần chàng đi, đã thành sự thực. Tôi nghĩ thế và tôi kêu lên: trời ơi ! Đôi mắt đã giàn dụa của tôi ngó nhìn như một vật kỳ quái, bức điện tín vò nát tự lúc nào trong lòng tay. Chàng bị thương nặng, chàng cần có tôi, nhưng tôi làm được gì bây giờ, em làm được gì bây giờ?

Em chỉ là đứa em bé nhỏ, yếu đuối của anh. Em chỉ có tình yêu tuyệt đối, lòng tôn thờ tuyệt đối hiện hình thành cái nhìn khẩn cầu van lơn những khi em chợt thấy cái ánh lửa kỳ lạ ấy cháy lên như một báo hiệu nơi cuối đáy tròng mắt đột nhiên xa thẳm của anh, em chỉ có niềm đau âm thầm tuyệt vọng dõi theo những vùng biển trời xa khuất và hoang vu hãi hùng, cái thế giới của anh đó, khi mà sự tách rời ấy đã đến với anh; em chỉ có những giọt lệ thổn thức, những cử chỉ run rẩy lúc tiễn anh lên đường vào những buổi sáng cũng yên tĩnh như buổi sáng hôm nay, và những giờ phút trở về một mình đắm chìm vào cầu nguyện mê man thảm sầu bề trên che chở anh, em chỉ biết xin “Thượng đế phù hộ cho chàng”, em không có gì ngoài sự yếu đuối bất lực của em, em làm gì được. Tôi làm gì được. Tôi kêu lên. Tôi mở lớn đôi mắt tuyệt vọng như muốn gửi một lời cầu cứu thảm thiết đến những đồ đạc, bàn ghế chung quanh, căn nhà bếp với không khí trong sạch im lặng của buổi sáng này, cái thế giới bé nhỏ tôi sống từ những ngày thơ ấu cho đến khi gặp chàng, ngã vào con đường định mệnh của chàng. Nhưng tôi chỉ có một mình. Tôi hoảng hốt đến dại dột cùng người. Tôi níu chặt tay vào thành ghế, tôi khóc lên thành tiếng. Tôi òa khóc nức nở.

Khi tôi lên tới nhà trên, cha tôi vẫn ngồi ở chỗ cũ, trên chiếc ghế bành thấp gần cửa sổ, người vẫn ngồi đó tự bao giờ mà ngó đăm đăm ra cách đồng tuyết với những hàng cây trụi lá giơ những cánh tay cành khẳng khiu lên nền trời mùa đông. Mẹ tôi ngồi đan áo cạnh lò sưởi. Người cúi đầu chăm chú một vẻ nhẫn nại quả cảm xuống những đường kim năm năm trở lại trên ngón tay run yếu của người mỗi khi mùa lạnh tới, chiếc áo mầu xanh thẫm người đang đan dở lần này, cho chàng. Tôi đưa bức điện tín cho cha tôi, người đón lấy. Tôi vùng chạy lại trước mặt mẹ tôi, ngã quỵ xuống lòng người và tôi lại bật khóc. Cha tôi chậm chạp đọc bức điện tín theo thói quen người vẫn đọc tất cả thư từ, giấy má nhận được cho mẹ tôi cùng nghe. Một lát, rồi tôi thấy bàn tay mẹ tôi đặt nhẹ lên đầu, tiếng người thở dài não nuột và tiếng cha tôi hỏi : “Con định sao bây giờ ?” “Con phải đến gặp chàng ngay”. Tôi ngẩng đầu trả lời, vừa sợ hãi, vừa cương quyết. Mẹ tôi, do tấm lòng bao dung phúc hậu trời biển của người, đã nhận chàng từ lâu nhưng cha tôi vẫn tỏ ý không bằng lòng chàng. Tôi nghĩ trong thâm tâm, cha tôi đã gặp chàng ở một đồng tính nào đó của những người đàn ông. Nhưng điều đó cha tôi không bao giờ nói ra. Thương con, người chỉ muốn nghĩ đến hạnh phúc đời tôi qua hình ảnh những năm tháng bình yên bên cạnh một người chồng sống một đời sống hoà đôi, tạo dựng được một mái nhà ấm, những điều mà người không tìm thấy cho tôi – với tất cả những bằng chứng hữu lý – ở tâm hồn, cuộc sống kỳ lạ của chàng. Tôi sửa soạn một phản ứng bướng bỉnh trước sự phản đối sẽ tới. Nhưng người chỉ gật đầu với một giọng trầm trầm : “Cha nghĩ con nên làm như vậy”. Đoạn người chậm chạp bỏ vào buồng trong và đóng cửa lại. Mẹ tôi để tay trên vai tôi, cử chỉ âu yếm tôi nhận được từ thuở nhỏ, người nói dịu dàng. “Cha con nói thế, mẹ cũng nghĩ thế. Con sửa soạn hành lý ngay đi”. Tôi cúi xuống hôn tay mẹ tôi. Người lại nói: “Mẹ sẽ cầu xin Thượng đế cho chúng con mọi sự tốt lành”, trong khi tôi bỏ chạy lên gác và mẹ tôi cũng đứng giậy lên theo.

Vật đầu tiên tôi xếp vào va-ly là tấm hình của chàng, tôi vẫn đặt ở trên đầu giường dưới vòm ánh sáng thu nhỏ của ngọn đèn ngủ. Tấm hình đã cũ, chụp cách đây nhiều năm ở một trong những chuyến viễn du đầy bí mật của đời chàng, khuôn mặt chàng trẻ thơ mỉm cười, và thân hình nhỏ nhắn nhưng dũng cảm, dũng cảm như tâm hồn chàng vậy, in lên một nền đại dương chập chùng lộng gió và có sương mù, chàng cắt nghĩa là địa cầu Thái Bình Dương trên một kinh tuyến tiếp giáp vùng tuyết băng dưới không độ và những giòng nước ngầm quanh năm chảy siết. Tấm hình chàng cho tôi đúng một tuần lễ sau ngày chúng tôi hứa hôn với nhau. Sau đó chàng lại đã đi xa. Đặt tấm hình xuống đáy va-ly, lòng tôi thấy ấm áp được đôi chút. Mẹ tôi ân cần săn sóc bên cạnh. Trước sự bối rối của tôi, người đỡ một tay bằng cách nhặt nhạnh và xếp theo vào đống quần áo những đồ dùng lặt vặt cần thiết cho bất cứ người đàn bà nào, những đồ dùng thường vẫn khiến chàng mỉm cười ngộ nghĩnh những khi tới đây, nơi chàng thường gọi đùa là cái tu viện trữ tình êm ái. Tôi đóng va-ly đi ra. Tôi dừng lại ở nhà dưới xin phép cha tôi. Người đã trở ra ngồi ở chỗ cũ, trên chiếc ghế bành thấp gần cửa sổ. Vốn lo ngại cho sức khoẻ mỏng manh của tôi, người dặn tôi đi đường cẩn thận, đến nơi nhớ đánh điện tín về nhà. Mẹ tôi đưa tôi xuống đường. Lúc từ biệt, không cầm giữ được, tôi lại gục đầu vào vai người, nức nở khóc. “Con cần phải tự chủ”, Mẹ tôi nói. Người nhấc chiếc áo bành-tô xám người đang mặc khoác lên mình tôi: “Con mặc cho ấm. Đường xa và sương tuyết nhiều lắm.” “Con xin phép mẹ”. Tôi nghẹn ngào nói qua nước mắt. “Thôi con đi”. Mẹ tôi còn nhắc lại một lần nữa: “Mẹ cầu xin Thượng đế che chở các con” trong khi tôi gạt nước mắt bước xuống thềm. Chiếc xe ngựa vừa dừng lại trước cửa nhà. Con vật đập chân thở ra những hơi khói trắng. Không khí rét ngọt. Trời khô săn nhưng vẫn chưa nắng lên. Và tôi lên đường trong buổi sáng quê hương vẫn hoàn toàn yên tĩnh.

Trái ngược hẳn với chàng, đây là lần thứ nhất trong đời tôi ra khỏi làng, tôi đi xa. Chiếc xe ngựa lắc lư chuyển bánh trên lối đi tuyết phủ, chạy qua cửa trường tiểu học. Trên nền bảng đen của lớp học tiều tuỵ, tôi nhìn thấy người thầy giáo già đã từng giảng giậy tôi và chàng những ngày thơ ấu cũ. Rồi qua chợ, trạm bưu điện, tiệm thuốc, phòng hội đồng hành chính, chiếc xe phóng ra khỏi làng trong tầm mắt đột nhiên mở rộng, hướng về nhà ga sép thiết lập giữa cánh đồng tuyết cách làng chừng năm cây số. Tôi nhỏm giậy, nhìn ra. Chiếc xe đưa tôi vào một con đường nhỏ. Tim tôi thắt lại. Con đường của chàng đây. Con đường nhỏ này bây giờ tuyết phủ kín, hai bên đứng trơ vơ những hàng cây gầy guộc trụi lá, nhưng mùa xuân, mùa hạ, bóng mát dầy đặc che nghiêng như một vòm mái xanh biếc, hoa nở chói chang hai bờ cỏ bồng, mùa thu, những trận lá vàng rụng lả tả, con đường tĩnh mịch, lối đi thiên đường này tôi đã bao lần sung sướng nép vào chàng, tay luồn trong tay chàng, đầu ngả trên vai chàng, những buổi chàng đưa tôi đến tự tình bên bờ con suối nhỏ. Chiếc xe lăn lộc cộc, tiếng người xà-ích quát tháo, tiếng roi đập vun vút lên mình con ngựa già yếu, tôi lắng nghe những âm thanh lạ tai vang lên trong buổi sáng yên lặng. Đôi mắt tôi rưng rưng nhìn ra con đường nhỏ, những gốc cây, ngó xuống ngọn suối, tảng đá, dấu vết những ngày tháng thần tiên có chàng (khi có chàng tất cả đều thần tiên), dấu vết những thời khắc hạnh phúc quý giá chàng dành cho tôi giữa hai chuyến đi, những kỷ niệm bỗng trở nên hiếm hoi vô ngần bởi một linh cảm hãi hùng chợt đến là chẳng bao giờ tôi được sống lại.

Tôi thu mình, ngồi đợi ở thềm nhà ga sép nửa giờ đồng hồ. Những luồng gió chập trùng băng qua cánh đồng xoáy vào những bờ tường long lở với những khung cửa vỡ kính. Không khí buốt lạnh thấu xương. Rồi con tàu đột ngột hiện ra ở chân trời phẳng tắp như một con thú dữ ầm ầm chồm tới. Tôi là người hành khách độc nhất. Sau đó, còi hú lên, con tầu lại rầm rộ chuyển đi. Cảnh vật hai bên đường buồn thảm. Làng xóm đồng ruộng tuyết phủ trắng xóa như những nấm mộ lớn. Cả một vùng đất trời tái ngắt căm căm trong tiết mùa đông. Bánh sắt nghiến rầm rầm trên con đường thẳng tắp, con tầu lắc lư chuyển mình, tôi ngồi thu mình vào đáy toa và nhìn qua khung cửa thoáng thoáng những cột sắt lùi ngược chóng mặt, tôi lại nghĩ đến chàng.

Chàng giòng giõi một gia đình, phải nói một giòng giống, có nhiều lượng máu phiêu lưu chảy trong huyết quản. Chàng thường mỉm cười đùa nghịch kể cho tôi nghe về tổ tiên chàng, thành phần sót lại một của bộ lạc du mục thuở khai thiên lập địa xuất hiện ở những vùng biển lạnh phương Bắc, vùng có những mùa mưa tuyết quanh năm và đất đai chật hẹp chỉ có rừng hoang núi cằn, những cánh đồng lầy ngút ngàn lau xậy và một giống người mà sự thèm khát chinh phục những miền đất mới vừa do nhu cầu đời sống vừa do thiên tính tạo nên. Tổ tiên chàng thuở đó sống rải rác trong những làng mạc dựng trong hốc đá, những vùng biển khuất gió, mình mặc áo lông thú dầy, vũ khí là nỏ thuốc độc và đao ngắn, thờ thần mặt trời. Khi sương mù bắt đầu tan trên mặt biển, tất cả bộ lạc lại ào ạt kéo xuống những đoàn thuyền chiến buồm đen, mũi thuyền khắc nổi những hình thù kỳ quái. Đoàn thuyền rời bến bờ hoang dã trong tiếng ốc xuất quân rền rĩ, tiếng la thét mọi rợ, tiếng chèo vang mặt biển sớm đưa cả một đoàn người mà lẽ sống là chinh phục xuống những vùng trời có nắng, những đất đai trù phú ở phương Nam. Chàng bảo đời sống ngang tàng tổ tiên chàng thuở đó nằm trong những viễn trình, những chân trời xa khuất, những trùng dương mênh mông, những chiến trận không bao giờ chấm dứt, đời sống gắn liền vào đổi dời và vũ khí, kẻ chết muốn lên thiên đàng khi ngã xuống phải có gươm nỏ trong tay, những cuộc tàn sát khủng khiếp, những đêm liên hoan điên cuồng trên đống chiến lợi phẩm và thây xác kẻ thù. Cuộc sống đó không có phần chỗ cho đàn bà. Qua từng thế kỷ – vẫn theo lời chàng – giống nòi anh dũng ấy như thuần dần với đời sống văn minh, cả tính ngang tàng cũng chìm lặn vào huyết quản. Về sau chỉ còn lại niềm khát vọng luyến nhớ những vùng trời rộng những cuộc viễn hành. Rồi sự suy nhược tuần tự đến những thế hệ kế tiếp. Tới đời ông cha chàng, chỉ còn là những người di dân tầm thường tìm lập nghiệp ở những miền đất mới. Người đàn bà nhu mì thuần hậu là mẹ chàng bỏ mình trong một chuyến đi gian khổ từ núi xuống đồng bằng, khi đó chàng còn sơ sinh, cái chết của mẹ chàng gây một phiền muộn không bao giờ nguôi cho cha chàng, khiến ông bỏ dở hành trình dừng lại ở đây và sống những ngày thảm sầu cuối cùng trong nỗi nhớ thương người khuất. Chàng mỉm cười bảo tôi : “Bánh xe chở cha anh chỉ lăn thêm một đoạn đường nữa cũng đủ để không bao giờ anh gặp em”. Của cải cha chàng để lại thừa thãi cho cuộc sống độc thân của chàng. Người bõ già nuôi dưỡng chàng từ thuở nhỏ tạ thế cách đây bảy năm, chàng mới 16 tuổi. Từ đó chàng sống hoàn toàn cô độc cho đến tuổi trưởng thành, như một loài cây hoang kỳ lạ định mệnh tình cờ đem trồng xuống mảnh đất yên tĩnh của thôn xóm quê hương tôi.

Chàng có đôi mắt sâu như đựng chứa những hoang vu tiền sử, những đỉnh trời cao ngất không ngó thấy, những không gian buốt lạnh không có dấu chân và sự sống loài người. Đôi mắt phảng phất niềm mơ màng khó hiểu, như những cửa ngõ mở vào một thứ thế giới hư vô riêng biệt. Đôi mắt như hai vì sao trầm lặng buồn rầu ẩn chứa mọi phần tâm linh cùng thẳm, tất cả định mệnh chàng ủ kín trong đó, đôi mắt có một sức quyến rũ mãnh liệt, lúc ngủ, tròng mắt yên tĩnh bao bọc lấy đời sống hàng ngày, lấy tôi, trong cái nhìn khoan dung thỏa thuận. Đôi mắt khi cháy lên, khi ánh lửa dị thường nói sự bắt gặp của linh hồn chàng với niềm khát vọng tiền kiếp, đẩy chàng tách rời khỏi đời sống, mọi người chung quanh, đi vào những miền gió bão hoang vu, bí mật và xa xôi như khói lửa nghìn đời xa cách, nhưng vẫn còn đó, vẫn thăm thẳm cháy trong lòng đất.

Ít nói, cách biệt, nhưng chàng không phải là một con người lạnh lùng già nua, trái lại, tâm tính chàng rất đỗi thơ trẻ hồn nhiên. Chàng không có những điệu bộ phách lối, thứ cao điệu tầm thường giả tạo thường thấy ở những kẻ muốn đặt mình thành những bậc á thánh bị đầy đoạ xuống cõi đời, chàng chưa từng một lần bất mãn, thù ghét đời sống. Nhưng tôi có cảm tưởng: ở phần cùng thẳm linh hồn chàng, có một tiếng gọi huyền bí nào. Khi tiếng gọi đó cất lên thì cái ánh lửa dị thường thoáng ngời trong đáy mắt. Tiếng réo gọi tâm linh ấy là giòng nước ngầm chảy siết dưới đáy biển sâu, cơn gió thoảng làm cho phiến lá muốn trở lại ngàn, cánh buồm chợt thấy âm thanh của thủy triều vĩ đại, căng rộng, tìm vào biển khơi. Tiếng réo gọi đến từ những chốn sơn cùng thủy tận của nghìn đời, nơi có sóng nước trùng trùng, bờ bãi hoang vu, thứ thế giới tiền sử nhiều không gian và bí mật, cái thế giới chưa từng có dấu chân, tiếng nói, cái thế giới ban sơ im lặng của những tuổi đầu trái đất, của đầu sông, đầu bãi, đầu ghềnh, của những thung lũng có hoa hoang dại, những con đường mất hút vào thiên nhiên dưới một vòm trời trải đi không giới hạn.

Tiếng gọi huyền bí đó, tôi biết, chàng phản kháng, chàng cưỡng chống nhiều lần mà chẳng được. Nó là một ám ảnh ma quái. Nó là vực thẳm chờ rình chàng ngã xuống, niềm giải thoát cuối cùng. Nó biểu hiện sự lớn lao của chàng. Nó là sự sống, cái chết của chàng. Nó là định mệnh chàng, tiếng réo gọi trở về của một bản năng không hủy diệt và từ bỏ được, khiến đời chàng, ở phần nhận được của tôi, ở phần chàng đến, chỉ là hợp thành những trạm nghỉ một loài chim hiếm mỏi cánh mà định mệnh là những thượng tầng buốt lạnh, sự di chuyển vĩnh viễn không ngừng trong không gian và thời gian.

Ánh lửa dị thường mỗi khi cháy lên trong đôi mắt chàng, là một lần làm tôi hoảng hốt. Đang cười nói, chàng thoắt im bặt. Chàng ôm tôi trong tay chàng mà linh hồn chàng đã ở tận đâu đâu, con mắt chàng đã nhìn một cái gì tôi không nhìn thấy. Qua một linh tính tinh tế bởi tình yêu muốn đấu tranh gìn giữ, lần nào tôi cũng cảm thấy tức khắc, khi sự tách rời ấy đã đến với chàng. Tôi về quỳ gối trước tượng Đức Mẹ. Nhưng mọi cầu nguyện đều bất lực. Thế nào chàng cũng bỏ đi. Không biết bao lâu. Dăm bảy tháng, một vài năm không chừng. Có lần, mới ba ngày chàng đã về. Nhưng lần nào thì chàng về lúc đó tôi mới biết chàng còn sống, tôi vẫn còn chàng.

Tâm tính chàng, sau mỗi chuyến đi, thư thái, bình tĩnh hơn và chúng tôi lại sống những ngày êm ái thần tiên bên bờ suối. Những buổi sáng mát trong, nhìn chàng và tôi cười lớn kéo tay nhau chạy trên còn đường đầy hoa dại nở dẫn tới bờ suối, nhìn chúng tôi che vạt áo lên đầu hấp tấp ẩn trú trận mưa đột ngột dưới một gốc cây, hay nhìn chàng một mình đến tìm tôi trong phục sức đơn giản và điệu dáng trẻ trung đặc biệt của chàng, lễ độ chào hỏi cha mẹ tôi, không ai có thể ngờ chàng vừa nhập đoàn thám hiểm quốc tế đã cắm ngọn cờ đầu tiên lên đỉnh Bắc-Cực, vừa chia tay với những nhà bác học nghiên cứu tại chỗ, qua kiến trúc, những dấu tích cổ thời của nền văn minh Ai-Cập, vừa lang thang một mình suốt một tuần trăng dưới những đêm sao nhiệt đới, vừa dựng lều ngủ giữa những bầy sư tử một đêm rừng Phi-Châu, hay vừa cùng với thổ dân ngồi độc mộc đi vào một nhánh sông Hoàng Hà vừa khám phá thấy. Chàng đi như thế làm gì ? Chàng muốn giải thoát cái gì chứa nén trong tâm hồn, trong tiềm thức của chàng ? Tôi mang máng cảm thấy điều đó nhưng không bao giờ định nghĩa được. Cũng không bao giờ dám gặng hỏi. Tôi yêu chàng như chàng vẫn vậy. Tôi chỉ biết khóc. Tôi chỉ biết cầu nguyện Đức Mẹ. Trừ một lần. Chàng cũng bỏ đi biệt tích như thế gần hai năm, tôi tưởng chàng chết thật, khi chàng trở về tôi đang thập tử nhất sinh trên giường bệnh. Chàng ngồi ở đầu giường tôi ba đêm liền cho tới khi tôi tỉnh dậy. Vừa mừng vừa giận, tôi òa khóc. Tôi trách chàng không đoái tưởng đến tôi, tôi có thể chết mà chàng không hay biết gì hết. Chàng ôm lấy tôi xin lỗi và nói kỳ lạ : “Em phải sống. Em phải sống ít nhất một phút sau cái chết của anh”. Chàng nồng nàn ôm lấy tôi. Chàng hứa không bao giờ đi xa, chẳng bao giờ bỏ tôi nữa.” Anh có biết em thường cầu nguyện bề trên cho anh không ?” Tôi nói. Chàng mỉm cười hỏi tôi cầu nguyện thế nào. “Em cầu nguyện cho chuyến đi nào của anh cũng là chuyến đi cuối cùng”. Chàng gật đầu. “Em hãy cầu nguyện cho anh như vậy”.

Sau đó chàng tặng tôi làm kỷ niệm một còn ốc biển có hình thù kỳ lạ chàng nói lượm được ở một hòn đảo vùng hải phận Mỹ-Châu, con ốc tôi đeo trong mình bây giờ như một linh vật. Tôi sung sướng uống từng lời hứa của chàng, nhưng tôi đã tha thứ cho chàng ngay từ phút đó. Tôi biết rồi một ngày, ngồi với tôi trên bờ suối, đi với tôi dưới bóng cây xanh, bất chợt cái ánh lửa dị thường ấy lại cháy lên nơi cuối đáy tròng mắt sâu thắm, và chàng lại thoát đi, tôi lại mất chàng. Không có sức mạnh nào kìm giữ được chàng ở lại. Kể cả chính ý lực chàng. Những giàng buộc, những kỷ niệm với mảnh đất này. Kể cả tình yêu tuyệt đối của tôi, và sự thực tàn nhẫn đó là nguyên nhân niềm đau âm thầm tôi nhận cho đời tôi như một định mệnh lạ lùng và khắc nghiệt. Nhưng tôi yêu chàng. Chàng là mặt trời rực rỡ. Chàng là mùa xuân nguy nga. Niềm kính yêu tôn thờ tuyệt đối. Chàng là niềm hạnh phúc ấy, đầm đầm nước mắt và trầm trầm lời kinh cầu thảm thiết của tôi. Chàng là thế giới, chàng là vũ trụ. Chàng tạo nên tôi. Chàng là tôi tất cả. Tôi đón nhận tình chàng như một ơn thánh sủng, cái bình huyền diệu rót xuống cả thuốc thần êm ái thể chất, cả độc dược mê loạn thần kinh. Tôi yêu chàng như từng lần sống lại, như từng trận chết đi, giữa một trạng thái tâm thần mê mê tỉnh tỉnh. Tôi yêu chàng đắm đuối. Mỗi lần chàng đặt tay lên vai tôi, những ngón tay như có điện truyền cùng thân thể. Mỗi lần chàng hôn là một lần tôi muốn ngất đi.

Nửa ngày về chiều, đoàn xe chạy qua một miền có bão lớn. Những luồng gió đập rào rạt vào hai bên thành tầu như ập đến từ hàng nghìn cây số. Con tầu lắc lư chòng chành như bơi trên mặt biển động sóng. Cảnh vật biến mất. Đầy vòm trời bão giông đen kịt chỉ còn ức triệu bông tuyết trắng soá, phất phới, tơi tả bay về mọi chiều hướng, rồi bất thình lình như bị những bàn tay khổng lồ vô hình hút chặt lấy và thẳng cánh ném thẳng vào khung kính trước mặt tôi. Từ đầu đến cuối xương sống tôi mỏi nhừ. Thân thể lạnh tê từng chỗ. Tôi ngồi thu hình vào đáy ghế trong khi bóng tối bắt đầu xâm chiếm toa tầu tồi tàn. Hàng ghế trước mặt tôi, cái gia đình quê mùa gồm một cặp vợ chồng trẻ và một con nhỏ cũng vừa thức giấc. Họ ngủ mê mệt từ lúc tầu chạy. Đứa nhỏ, gò má còn hồng hào giấc ngủ thò cái đầu tóc tơ vàng ánh ra khỏi cái chăn dạ quấn tròn lấy nó. Người vợ vạch áo cho con bú, trong khi người chồng bằng những cử chỉ vụng về, bầy lên chiếc khay nhuôm nhỏ bữa ăn đồ nguội họ mang theo. Nhìn họ cặm cụi nhai dưới những ngọn điện đục yếu tỏa một thứ ánh sáng vàng khé, tôi nhớ đến những bữa ăn trên cỏ với chàng. Cạnh bờ suối. Những buổi sáng chủ nhật đẹp trời và có nắng. Chàng thường đến đón tôi thật sớm. Chàng huýt sáo miệng gọi. Khi tôi xách cái lẵng mây đựng đầy trái cây chạy xuống đã thấy chàng mỉm cười đứng đó với tấm khăn vải Lào sặc sỡ trong tay. Chúng tôi đi trên con đường mặt đất còn ẩm ướt hơi sương, đến bờ suối khi tiếng chim đã ríu rít truyền cành và những ánh nắng thứ nhất đã rực rỡ chiếu xuống mặt suối trong vắt. Chàng thường ngồi lặng hàng giờ mà nghiêng khuôn mặt thư thái có những nét đẹp rộng rãi như cả một vùng trời cao trên đầu xuống mặt suối. Đôi mắt mơ màng, chàng thong thả nhặt từng hòn cuội trắng thả xuống lòng nước. Nhưng rồi chàng bất chợt nhìn lên và mỉm cười với tôi. Chàng kéo đầu tôi đặt lên ngực. Tôi nằm êm ái trong cánh tay khoẻ mạnh của chàng, nghe hơi thở ấm áp và nhịp tim đập sau làn áo. Tâm hồn tôi tỉnh táo lắng theo những tiếng động vẳng êm đâu đó, trong cỏ, trên cành, mắt tôi nhìn lên những vệt nắng nhẩy múa trên đỉnh cây, nhìn lên những phiến trời thủy tinh, những tảng mây ngọc thạch trên kia, cho đến khi tâm trí tôi chìm dần vào một thứ thế giới hoa hương kỳ ảo, tiếng chim đột nhiên xa đi, tiếng suối chảy ngừng lại, hình khối mầu sắc biến chất thành những hơi sương vờn múa, đầu tôi nặng xuống, và trong một trạng thái ngà ngà thiêm thiếp, toàn thân tôi êm ái rụng xuống cái võng hoa lớn. Chàng cúi xuống và tôi thiếp ngủ trên cánh tay chàng.

Tôi thiếp đi thật. Tỉnh dậy, con tầu đã thoát ra khỏi vùng bão tuyết tự lúc nào. Chỗ nó vừa dừng lại là một nhà ga lớn. Những đường rầy trùng điệp đan vào nhau, tỏa đi nhiều ngả trên một diện tích rộng với những kiện hàng hóa đủ loại chất từng đống cao ngất, những đầu máy đen chũi, bóng loáng, còn phì phì thở khói. Đèn thắp sáng choang sân ga. Những đoàn người đi lại nườm nượp. Kim đồng hồ chỉ đúng 9 giờ tối. Phía sau nhà ga, là thành phố. Vòm ánh sáng rực rỡ hắt lên nền trời đêm, loang loáng những vệt đèn xe trập trùng đuổi nhau, những hàng chữ điện đảo lộn, nhấp nháy như cả một rừng sao cháy. Một thứ âm thanh ầm ầm ran ran vọng lại từ cuộc sinh hoạt mãnh liệt.

Tôi được người soát vé cho biết đây là đô thị đồng bằng cuối cùng. Con tầu còn phải đi suốt đêm này nữa sáng mai mới tới được cái thị trấn miền núi, nơi người ta đã đưa chàng tới. Nhìn vẻ mỏi mệt của tôi, y ân cần khuyên tôi nên xuống ga ăn uống, đi lại một chút cho tỉnh táo thoải mái. Điều mà tôi nghe theo. Tôi gọi một ly cà phê nóng, một cái bánh sữa ăn vội vàng. Đến khi còi hú lên báo hiệu khởi hành, tôi trở lên thì cái toa tầu vắng lặng ban nãy đã đầy chật người.

Tốp hành khách mới lên đều là đàn ông. Những người trẻ tuổi này phục sức lịch sự, người nào cũng có vẻ thông minh, lanh lẹn. Mầu da, ngôn ngữ, dáng điệu họ tố cáo họ đến từ những thành phố xa lạ, những xứ sở khác biệt nhau. Người nào cũng đội mũ dạ, mặc áo bành tô đeo lủng củng đầy người nào là máy chữ, máy ảnh, bút giấy, và cả những thứ máy móc kỳ dị có chân đứng và ống kính lớn, tôi đoán là những máy quay phim.

Họ hút thuốc lá, nhai kẹo cao su, đi đi lại lại, hoa chân múa tay, cười nói, tranh luận ầm ỹ. Nghe một vài mẩu chuyện nghề nghiệp giữa họ, tôi dần dần biết họ là những nhà nhiếp ảnh, nhà báo, những phóng viên ngoại quốc, và họ cũng đáp tầu để đến cái thị trấn miền núi như tôi. Sự họ cùng có mặt ở đây, cùng đi một lộ trình với tôi, đột nhiên gây xúc động và kích thích trí tò mò của tôi. Một người béo mập và một người gầy khẳng vừa ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, tôi bèn lắng tai theo dõi câu chuyện họ nói. Người béo mập nói: “Chúng ta sẽ bầu họ là những người cao nhất thế kỷ này”. Người gầy gật gù : “Đúng, chúng ta sẽ tôn họ là những anh hùng đã chiến thắng ngọn Đỉnh Trời”. Người béo mập hỏi: “Bạn nghĩ sao về kỳ công của họ ? – “Tôi sẽ viết một bài tường thuật vĩ đại ca ngợi thành tích vĩ đại của họ”. Người gầy trả lời thế và tiếp theo một giọng đùa cợt : “Nhưng giá tôi, tôi chọn cái giường lò so có đệm êm và gối ấm, anh nghĩ sao ? Tôi sẽ chọn vợ con tôi ở nhà, hạnh phúc gia đình tôi. Có thể ngã chết mất xác được lắm chứ ?” – “Chuyện, họ là những con người phi thường” – “Đúng và chúng ta chỉ là những kẻ tầm thường”. Người béo trầm ngâm nhìn ra cửa sổ con tầu chạy như lao vào bóng đêm giầy đặc, nói một cách văn hoá triết lý : “Đời sống chia làm hai loại người, những kẻ chinh phục và những kẻ chiêm ngưỡng sùng bái kẻ chinh phục”. Hắn nhếch mép : “Tôi xin chọn làm loại sau, còn anh ?” Cả hai đều có vẻ thưởng thức câu nói trào lộng, cùng vỗ vai nhau cười lớn. Họ cùng rút sổ tay hý hoáy ghi chép một hồi, đoạn người béo ngừng bút : “Bọn họ mấy người nhỉ ?” – “Theo tin tức nhận được và điện đài truyền đi, năm người” – “Sáu chứ ?”, người béo tỏ vẻ ngạc nhiên – “Không, chỉ có năm người lên tới được ngọn Đỉnh Trời”. – “Còn người thứ sáu ?” – “Hắn đã ngã xuống vực” – “Ai đó?” Người béo mập hỏi và người gầy bĩu môi : “Một thanh niên trẻ tuổi vô danh”. Người béo ngẫm nghĩ : “Chúng ta cũng phải nói đến hắn chứ ?” Người gầy cười lớn : “Nói đến cái lối ngã lộn đầu xuống của hắn sao ?”, và y nghiêm trọng : “Chúng ta đến đây để tuyên dương và công bố cho toàn thể thế giới về sự đắc thắng rực rỡ của những anh hùng đã chinh phục ngọn Đỉnh Trời. Thế kỷ chúng ta dành phần sùng bái cho những anh hùng thực hiện những sự nghiệp lớn. Báo chí chúng ta dành chỗ cho những anh hùng đó và không có chỗ cho những phần tử bất lực đã thất bại”.

Câu chuyện giữa họ chấm dứt ở đây. Nếu họ có nói tiếp tôi cũng không nghe nổi nữa. Trạng thái kinh hoàng, cảm giác của mũi ê-te tiêm suốt thấu – khi nhận được bức điện tín – lại đến với tôi. Người tôi ướt đẫm mồ hôi lạnh, mắt tôi mờ lỏa, thái dương nhức nhối như có cả một bầy ong vỡ tổ ào ào trong đầu. Ruột tôi thắt lại. Kẻ vô danh theo họ nói, người thứ sáu không tới được ngọn Đỉnh Trời, là chàng ? Câu chuyện họ vừa ném vào mặt tôi một sự thực tàn nhẫn. Tâm trí tôi như bị một vết chém chẻ đôi giữa những ngờ vực, giả thuyết ghê gớm. Tôi bụm tay lên miệng giữ lại một tiếng kêu. Nếu đích thực “kẻ vô danh” đó là chàng, thì, với nỗi đau thể chất, tâm hồn chàng còn ê chề đau đớn ngần nào ? Tôi không muốn chàng là một kẻ anh hùng. Không bao giờ. Tôi chỉ muốn chàng sống, tôi chỉ cầu nguyện một điều : chàng sống, chàng về cùng tôi. Nhưng bây giờ thì tôi không thể không đặt mình vào tâm trạng chàng để đo lường tất cả khối nặng tủi buồn và thất vọng chàng đang âm thầm chịu đựng một mình ở cái bệnh viện miền núi kia. Nếu đích thực chàng là kẻ thứ sáu, kẻ vô danh xấu số của đoàn người chinh phục ngọn Đỉnh Trời thì trước thành công hiển hách của họ, chàng đã đau đớn biết ngần nào khi nhận thức sự thất bại riêng biệt, chua chát đó ? Nếu chàng lại biết cả thế giới đang ca ngợi kỳ công của họ, tôn thờ họ như những vĩ nhân ? Hình ảnh lớp người tổ tiên tiền sử mà lý tưởng sống là vinh quang chiến thắng, sự phủ nhận mọi thất bại, trở lại như một ấn tượng hãi hùng ám ảnh tôi. Người tôi bồn chồn như lửa đốt. Tôi muốn có cánh bay đến với chàng. Tôi muốn có mặt tức khắc cạnh chàng, để an ủi, vỗ về, chia xẻ tâm trạng buồn thảm với chàng, sự thất bại của chàng.

Rồi đột nhiên, một niềm uất ức vô cớ dâng lên nghẹn ở cổ họng, tôi bỗng thấy thù ghét tất cả mọi người, thù ghét tất cả loài người. Bọn phóng viên ngoại quốc đang cười cười nói nói chung quanh, tôi nhìn chúng hằn học, tức tối, tôi ngó chúng như những quái vật. Chàng không may rồi mà những kẻ tàn nhẫn còn muốn đạp sấp chàng xuống hàng kẻ vô danh, đánh chìm vào lãng quên người đã thất thế. Sự tức giận làm tôi ứa nước mắt. Thiếu một chút kiêu hãnh, tôi đã òa khóc. Tâm hồn tan nát, rối loạn, tôi úp mặt vào cánh tay thổn thức trong khi còn tầu vẫn lao đi trong đêm tối.

Thị trấn miền núi nằm giữa thung lũng. Nhà: những biệt thự nhỏ nhắn, mái thấp, ống khói cao, nặng. Đường phố bực thang. Ở đó người ta chỉ hướng cho tôi lên bệnh viện, thiết lập cách thị trấn chừng nửa cây số. Chiếc xe ngựa chở tôi qua mấy khu phố tấp nập người đi lại – bọn phóng viên, nhiếp ảnh với dụng cụ cồng kềnh lẫn giữa lớp người sở tại đi ủng cao, mặc áo lông thú – rồi bắt đầu leo lên một con đường dốc vắng vẻ. Hai bên đường, những hàng cây khởi đầu thưa thớt, giầy đặc và xanh đậm dần mãi về một triền núi xa. Người mã phu chỉ cho tôi thấy ngọn núi cao ngất trước mắt, ngọn núi dựng lên hùng vĩ như muốn vươn tới cùng thẳm, đỉnh núi nhòa chìm trong tuyết trắng vây bọc như một cái tán khổng lồ, và nói đó là ngọn Đỉnh Trời. Sau đó, chiếc xe dừng lại trước bệnh viện. Đó là một căn nhà sơn trắng nằm ở lưng chừng một sườn đồi thấp. Trái với tưởng tượng, dự đoán của tôi, nó nhỏ bé và im vắng như một tu viện. Không khí cô tịch, cảnh tượng hoang vu của một nơi ít người lui tới.

Một nữ tu sĩ già tiếp tôi ở cửa vào. Kế đó bà đưa tôi đến gặp vị bác sĩ trẻ tuổi ở căn buồng cuối cùng hành lang bệnh viện, vẻ người trầm lặng nhưng không thiếu niềm nở, vị bác sĩ hỏi tôi đến thăm ai. Tôi nói tên chàng. Tôi nói tôi là vợ chưa cưới của chàng, bức điện tín gửi từ đây báo tin chàng bị thương nặng và tôi đến đây. Vị bác sĩ tỏ vẻ hài lòng, ông nói chính tay ông thảo bức điện tín. Chàng đã yêu cầu ông làm việc đó ngày sau khi chàng tỉnh dậy. Tôi ngỏ ý xin phép được gặp chàng ngay nhưng ông lắc đầu nói hiện chàng đang ngủ say, và giấc ngủ rất cần thiết.

Tôi ngồi xuống ghế và tôi chờ đợi trong khi ông kể qua loa cho nghe về bệnh tình chàng. Khi người ta khiêng chàng đến bệnh viện, chàng mê man đến ngày thứ hai mới tỉnh. Sau đó, chàng lại ngất đi. Người ta tìm thấy chàng ở đáy vực sâu. Chàng ngã xuống đó. Xương sống gẫy, một bên đầu đập vào đá tảng, chàng mất nhiều máu. Rất nhiều máu, bác sĩ nhắc lại. Tôi định hỏi ông câu hỏi nung đốt tâm trí tôi từ mấy hôm nay, là : chàng có qua khỏi được không ? Nhưng tôi không có can đảm. Chừng bác sĩ cũng đoán thấy điều đó. Ông cho tôi biết bệnh viện đã cứu chữa chàng với tất cả tận tâm và phương tiện đã có. Nhưng bây giờ thì tính mệnh chàng do chính tay chàng nắm giữ, ông không dám tiên đoán kết quả cuộc chiến đấu giữa chàng với tử thần. Ông nhìn đồng hồ nói chắc chàng đã tỉnh dậy. Trước khi đi ra, ông giữ lấy vai tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi, khuyên tôi hãy can đảm. Vì, theo lời ông, ông chưa từng thấy ai can đảm như chàng.

Chàng nằm đó trên chiếc giường sắt nhỏ. Vai, cổ trở xuống chìm lấp dưới lớp chăn đệm, chỉ có cánh tay trái thò ra, buông thẳng trên nền vải trắng. Những lớp băng dầy quấn nhiều vòng, che kín hết mái tóc, một nửa trán, vòng qua tai xuống cầm, chỉ để hở phần giữa của khuôn mặt. Đôi mắt nhắm lại. Hai đường mi mệt nhọc. Gò má sâu trũng, hốc hác làm nổi thêm sống mũi thẳng và cao, cặp môi tái nhợt mở hé. Hơi thở đều và yếu. Tôi cúi nhìn khuôn mặt yêu dấu, mà đau yếu không làm mất được những nét vừa cương quyết rắn rỏi, vừa thơ trẻ hồn hậu, khuôn mặt mỗi lần nghiêng xuống gần tôi như mặt trời hào quang rực rỡ, mà không cầm được nước mắt. Tưởng như tất cả những thống khổ nghìn đời cùng kết đọng lại, những mến thương thảm sầu nghìn kiếp cùng dồn đổ về tôi lúc đó. Tôi cố hết sức can đảm : Chàng thường bảo tôi là phải sống phải chết can đảm và kiêu hãnh. Nhưng tôi không cầm giữ được nữa. Nỗi thống khổ như một giòng sông tràn bờ, toàn thân tôi biến thành một niềm nghẹn ngào rưng rưng và bật lên thành tiếng khóc.

Tiếng khóc đã làm chàng thức dậy. Một thoáng cử động chìm lặn chạy dưới làn đa trên suốt phần khuôn mặt để hở, lông mày nhích lên, cặp môi mím lại, đôi mắt chàng mở ra từ từ.

Tôi có cảm tưởng chàng vẫn tỉnh táo, khối sống nguyên vẹn, rực rỡ dưới làn vải băng. Chàng đã thấy tôi. “Em đây ư ?” Giọng nói yếu nhưng ấm áp, chàng ra hiệu cho tôi lại gần. Tôi cúi xuống hôn nhẹ lên khuôn mặt yêu dấu. Chàng mỉm cười nghịch ngợm, nói rằng lời cầu nguyện của tôi thế là đã thành tựu rồi đấy, chuyến đi này của chàng tất là chuyến đi cuối cùng. Câu nói đùa làm tôi ứa nước mắt. Tôi chỉ mong chàng bình phục, chàng có thể đi nữa, đi mãi, nếu sự đó là một cần thiết, tôi nói, và những cầu nguyện của tôi chỉ đọc bởi tình yêu, ý muốn ích kỷ chiếm giữ chàng trọn vẹn đấy thôi. Nhưng chàng phải sống, tôi cần sức mạnh, sự che chở và tình yêu trời biển của chàng. Vẫn không bỏ được giọng nghịch ngợm, chàng gật đầu : “Anh sẽ sống vì bác sĩ đã bảo thế. Anh sẽ sống mãi mãi với em”.

Sau đó theo lời chàng yêu cầu, tôi kể lại một vài việc chính xẩy ra ở làng, về con đường, ngọn suối, sự đổi thay của khí hậu thời tiết, về cha mẹ tôi, trong những ngày chàng đi xa. Tôi cũng không quên kể cho chàng nghe về cuộc hành trình, những người phóng viên, nhiếp ảnh, câu chuyện của họ chung quanh đoàn thám hiểm ngọn Đỉnh Trời. Chàng nghe chăm chú và điều khiến tôi lạ lùng khó hiểu là suốt câu chuyện tôi kể, chàng chẳng một lần tỏ vẻ buồn rầu, ngượng thẹn bực tức về những điều người ta ám chỉ, riễu cợt chàng. Danh từ “người thứ sáu” “kẻ vô danh” trái lại chỉ làm chàng âu yếm mỉm cười bảo tôi, vẫn với giọng nghịch ngợm cố hữu : “Kẻ ngã xuống vực chính là anh”. Thấy tôi lặng im, chàng lại nói: “Em không thất vọng về anh đấy chứ?” Tôi lắc đầu, thiếu thành thực. Chàng nắm lấy tay tôi : “Em không bao giờ phải thất vọng vì anh về chuyện đó”. Thái độ thư thái, bình tĩnh của chàng sau mỗi chuyến đi, tôi vừa bắt gặp lại. Tưởng như điều quan trọng đối với chàng vẫn chỉ là một giải thoát kiếm tìm trong di chuyển, và kết quả của chuyến đi này, như mọi bận, không đáng kể, chẳng hề bao giờ khiến chàng quan tâm.

Chúng tôi không nói gì nữa. Bệnh viện tĩnh mịch. Tôi nắm chặt lấy tay chàng nghe ngóng không khí êm ả chung quanh, ngoài hành lang đôi khi dội lên tiếng giầy người nữ tu sĩ già, tiếng cánh đập một con chim núi bay qua, tiếng sỏi lăn ngoài đầu dốc cho đến khi cúi xuống thì chàng đã lại thiếp đi.

Và chính trong thời gian chàng thiếp đi, tôi đã tìm thấy sự thực về chàng. Không phải toàn thể – đời chàng vẫn ẩn dấu cái phần bí mật tôi không bao giờ thấu hiểu – nhưng tôi đã khám phá được một phần sự thực. Một mảnh, một phiến sự thực, ở đó đã phơi bầy trạng thái tâm hồn kỳ lạ của chàng. Trong ý định thu xếp lại quần áo, đồ đạc của chàng trong cái bạc-đà ở góc buồng, tôi tình cờ nhìn thấy một cuốn sổ tay nhỏ nắm dưới đáy. Một cuốn nhật ký. Lần giở một vài tờ, bút tích của chàng, những điều chàng ghi trong đó đã kích thích dữ dội trí tò mò của tôi. Tôi mang cuốn nhật ký lại gần cửa sổ. Nó là sự gồm thành theo thứ tự ngày tháng, những điều ghi chép của chàng về chuyến gia nhập đoàn thám hiểm ngọn Đỉnh Trời. Những trang đầu không có gì đặc biệt. Chàng ghi ngày giờ khởi hành từ quê hương, những ngày lưu trú ở thị trấn miền núi, trường hợp gia nhập đoàn thám hiểm, những sửa soạn trước khi tiến đến ngọn Đỉnh Trời. Cảm tưởng của mỗi độ cao, sau từng đoạn nghỉ. Duy có mấy trang cuối cùng là đột ngột. Chúng gây xúc động trong tôi như một ý niệm kỳ lạ, một khám phá bất ngờ kinh dị. Những trang ghi những giờ phút cuối cùng của chàng trên ngọn Đỉnh Trời. Và đây là những giòng chữ đã được chàng ghi lại trên thượng đỉnh :

” …7895 thước trên mặt biển. Thời tiết: 28 dưới không độ. Lạnh khủng khiếp. Giòng giã bảy ngày leo núi, ngày đi đêm nghỉ, sau một trận bão tuyết khiến chúng tôi phải ẩn náu trọn một ngày ở khoảng 5.500 thước, chúng tôi đã lên gần tới ngọn Đỉnh Trời. Gần lắm. 100 thước 200 thước gì đó. Nhưng đã rất gần. Đoạn đường cuối cùng này là một khoảng dốc thoai thoải rất rộng, không còn trở lực đáng kể, và có thể coi từ đây như chính sự chinh phục ngọn Đỉnh Trời này là một điều chắc chắn. Tôi đứng lặng người nhìn lên đỉnh núi. Nó gần quá, ngay trước tầm mắt chúng tôi và cái đích xa thăm thẳm của ngọn đỉnh mơ tưởng từ khởi đầu chuyến đi lên, cái đích ấy bây giờ gần gũi, ngay kia, đột nhiên gây cho tôi một cảm giác kỳ quái. Lần thám hiểm cái vực sâu gần 2.000 thước dưới lòng đất ở vùng núi đá Mỹ Châu, khi gần tới đáy huyệt, tôi đã có cảm giác kỳ quái này. Nhưng không rõ rệt, mãnh liệt bằng lần này. Cảm giác kỳ quái vì là một sự thất vọng. Phải, thất vọng. Đúng thế, tôi đã thất vọng. Thất vọng một cách kinh khủng. Đúng là như thế đó. Cái đỉnh bí mật ẩn kín từ khai thiên lập địa trong mây tuyết và không gian, vượt khỏi nhỡn giới loài người như một niềm kiêu hãnh tuyệt đối của thiên nhiên, tôi nhìn nó, thấy nó không còn kiêu hãnh. Sự tầm thường, vẻ cúi đầu thần phục của nó làm tôi thất vọng. Tôi thấy ghét nó, ghét lạ lùng Ngọn Đỉnh Trời cao ngất, ghê gớm, huyền bí, khủng khiếp, bí mật như một thách đố chỉ có thế này thôi ư, chỉ là thế đó thôi ư ? Tôi muốn nó phản ứng lại. Tôi muốn thấy nó trong một vươn mình huyền diệu vụt tới đỉnh mây cho không bao giờ chúng tôi đuổi bắt được nó. Nhưng nó đứng đó nặng nề, trơ trẽn, tầm thường, hàng phục. Nặng nề. Trơ trẽn. Tầm thường. Thần phục. Và đê hèn.

Mấy người cùng đoàn với tôi chắc không nghĩ như tôi đâu. Nhìn họ đủ biết. Vừa gỡ bạc đà, dụng cụ xuống mặt tuyết – chúng tôi đứng trên một khoảng phẳng nhỏ nhô khỏi triền núi như một cánh tay trần giữa thiên nhiên – họ đã ôm choàng lấy nhau, hò hét điên cuồng với tất cả sức mạnh của lồng ngực. Tôi đứng lặng, chứng kiến nỗi vui sướng vô biên của họ mà lòng tôi thì dửng dưng. Họ đã đạt tới đích, họ mãn nguyện nhưng tôi thì không. Tôi thấy họ tầm thường. Những kẻ đã tới đích đều tầm thường những cái đã đạt được đều tầm thường, tôi thấy thế. Chắc họ cho tôi điên. Họ bỏ nhau ra, họ ôm lấy tôi, họ bỏ tôi ra, họ ôm lấy nhau, họ nhẩy cẫng lên như những đứa con nít. Tôi không hiểu được. Tôi hoàn toàn ở ngoài niềm vui sướng của họ. Và họ thì đã bàn tán ồn ào đến cái thành tích vĩ đại sẽ được đón nhận thế nào ở thế giới dưới kia, trong khi tôi nhìn lên, sự cao cả không còn đối tượng nào nữa là vòm trời, là vũ trụ xanh thẳm. Tôi muốn ngã vào vũ trụ, vào cái biển trời vô cùng vô tận. Tôi muốn tan đi trong ấy. Rồi một cái chết rộng lớn nào đó chiếm cứ dần mãi phần cùng thẳm của linh hồn tôi, cái chết của một niềm khát khao không thoả mãn, những lượng máu không gian không còn nữa, và con người thì trở về những kích thước tầm thường tù ngục. Suốt một tuần leo núi lên, qua những vực núi sâu thẳm, những tường đá dốc ngược, những mỏm đá nhọn hoắt, người tôi bừng bừng một niềm đam mê mãnh liệt, cái sức sống đẩy tới không ngừng, bây giờ cái sức sống ấy như tan biến, như trút khỏi cơ thể tôi và tôi mệt nhọc muốn ngã xuống, ngã xuống dưới ấy. Ngọn Đỉnh Trời khốn nạn, thảm thương đứng đó như một đứa con gái thất thế chờ phút ô nhục cuối cùng. Trong tôi bỗng nẩy ra niềm ước muốn kỳ quái : mọi người chúng ta cùng ngã xuống vực, cùng chết một lượt, cho không ai lên tới được nó. Cho nó vẫn được là một thần tượng, một cái gì không bao giờ đạt được. Cho nó vẫn là một bí mật. Một tuyệt đối. Một sự thật. Nhưng đoạn đường chỉ còn trên dưới 100 thước, và không có chướng ngại nào nữa. Thế nào họ cũng leo tới nó. Không thể tránh được. Rồi tôi lại có cảm giác kỳ lạ là sự thất thế của ngọn Đỉnh Trời cũng là sự thất thế của chính tôi. Nó là tôi. Niềm thất vọng của nó chính là niềm thất vọng của tôi.

Khi mọi người đứng dậy sửa soạn lên đỉnh là lúc tôi đã quyết định. Tôi quyết định ở lại. Họ kinh ngạc nhìn tôi. Họ bỏ tôi ở đây và bắt đầu leo lên. Tôi không nhìn họ nữa. Tôi nhìn xuống cái vực sâu hút dưới kia, ngay dưới chân tôi. Cái vực cuốn hút tôi như một chiều cao mới, một cái đích mới, một cái đỉnh mới, tôi muốn ném thân thể, linh hồn vào đó. Tôi nghĩ rằng con đường về của tôi phải là bằng cách đó. Vào vô tận. Như một giọt sao rơi. Khi mà sự hướng thượng không còn vô tận.

Chàng tắt thở nửa giờ sau khi tôi đọc đến giòng chữ cuối cùng của tập nhật ký. Những trang cuối cùng này đến với tôi như những tờ di chúc, chàng tự ký thác lại. Trước khi về. Chàng ngã xuống vực hay chàng tự ý đi vào cái chiều cao mới ấy, tôi không bao giờ được biết. Trái đất này nhỏ quá, cuộc sống này nhỏ quá với tâm hồn chàng ? Tôi không bao giờ được biết. Chàng trở về với tổ tiên chàng trên những vùng biển lạnh hoang vu có sương mù để khởi những cuộc hành trình đến những bến bờ xa lạ khác ? Tôi không bao giờ biết được. Lúc lâm chung chàng tỉnh dậy. Chàng ra hiệu cho tôi mở cửa sổ. Chàng nằm nghiêng mình trên cánh tay tôi mà nhìn ra ngọn Đỉnh Trời. Ngọn núi bây giờ phủ kín dưới làn tuyết trắng, đỉnh núi lẩn vào biển mây. Tôi cúi xuống tôi nhìn vào đôi mắt của chàng. Đôi mắt sâu thắm bao lần bất chợt cháy lên cái ánh lửa dị thường như một niềm khát khao và kiếm tìm vời vợi, đôi mắt ấy chỉ còn là một niềm mơ màng yên tĩnh như hai cánh cửa vừa mở rộng vào một thế giới vô tận nào, bát ngát nghìn vạn lần hơn cái thế giới này, mà tôi không nhìn thấy. Cái thế giới của chàng. Quê hương chàng. Nguồn gốc, khởi điểm, trạm nghỉ cuối cùng cuộc hành trình gió bão của đời chàng. Tôi đỡ chàng trên tay và chàng nhìn ra ngọn Đỉnh Trời như thế cho đến khi chàng trở mình quay lại. Chàng vòng tay ôm lấy người tôi. Chàng mỉm cười âu yếm ngó tôi. Đôi mắt chàng từ từ khép lại. Chàng úp mặt vào vai tôi và tắt thở.

Vị bác sĩ và người tu sĩ già giúp tôi trong việc chôn cất chàng trong cái nghĩa địa dưới chân ngọn đồi bệnh viện. Tâm hồn yên tĩnh, chàng nằm đó, đầu hướng về ngọn núi Đỉnh Trời, và tôi có cảm tưởng như chàng và ngọn núi, hai tâm hồn cao lớn ấy sẽ kết bạn và sẽ kính trọng nhau muôn đời qua không gian. Chàng nằm đây mà chính là chàng nằm trên đó, trên cái đỉnh cao ngời ngời tuyết băng bao phủ cũng kỳ lạ như con đường chàng đến, chàng đi, kỳ lạ như sự có mặt, sự mất đi, như định mệnh của đời chàng. Tôi rời khỏi bệnh viện, cái thị trấn miền núi đang tưng bừng tiếp rước đoàn người chiến thắng, vào buổi sớm hôm sau. Nắng đã lên và tuyết bắt đầu tan trong thung lũng. Khi vị bác sĩ tiễn tôi ra xe, ông an ủi tôi. Nhưng tôi chắc con người thấu hiểu đến từng tế bào, từng mạch máu, từng đường giây thần kinh trong cơ thể, con người này cũng không thể nào thấu hiểu được sự đổi khác lớn lao đã đến với tâm hồn tôi. Chàng chết đi, tôi lại thấy bớt cô đơn hơn khi chàng còn sống, gần chàng muôn nghìn lần hơn khi chàng ở bên tôi. Chàng chết rồi, nhưng chàng đã ở trong tôi. Tôi biết tôi sẽ khởi một cuộc sống mới từ đây, không bằng những bóng hình kỷ niệm chàng để lại mà bằng sự hiện hữu thường trực của chàng.


Mai Thảo

(Trích tập truyện ngắn cùng tựa đề; Nxb Sáng Tạo 1963)