Ngu Yên, Ngọc Phụng
Ở sâu trong ngõ hẹp của một đường phố thấp nhất Đà Lạt, phố Phan Đình Phùng, căn phòng cuối ngõ eo cong vòng vèo là một phòng trọ sinh viên rộn ràng ấm cúng rộng hơn những gác trọ nhỏ bé bình thường, phòng trọ của hai chị em Ngọc Loan và Ngọc Phụng
Có một dạo thanh xuân tôi đã đến đấy rất thường hằng. Sáng trưa chiều tối. Đôi khi ngủ đậu đò qua đêm. Phòng trọ vài thước vuông cuối lũng sâu nhưng rất xanh biếc Đà Lạt ở chỗ sau vườn nhà có dậu cây lá mọng sương và nước. Bên trong căn phòng, hiên Tây kê một cái bàn học, mái Đông có cái bàn son phấn với hàng son môi nhiều mầu son nhất Đà Lạt con gái thời bấy giờ. Sát vách tường Nam với cái cửa sổ trông ra hàng hiên có cái phản gỗ. Cái phản gỗ ấy là nơi phát sanh ra những âm nhạc động đậy chách chùm nhất của căn phòng.
Phòng trọ nữ sinh viên xa nhà. Hai chị em và cái buồng tiểu thư to tát chiếm hết một nửa cơ đồ. Tấm màn vải hoa có những cái móc thiếc sơ sài kéo qua kéo lại là thế giới phân cách bên trong con gái và bên ngoài con trai. Đúng vậy, cái phòng trọ ấy luôn luôn tràn ngập những tiếng động con trai và con gái. Có những ngày trốn học trên Viện Đại Học Đà Lạt, tôi về phòng trọ này chui vào trong buồng nằm giữa ngọ mà ở bên ngoài thì có nhiều tiếng cười nói của Tiên, Tài, Nhượng, Chức, Hoàng, Hiền, Phụng, Loan, Mai, Tú.... Có những lúc tôi đến bất ngờ và thấy những thiếu nữ đang nằm im trong giường mà bên ngoài thì có một thư sinh đang ngồi im lặng lừ đừ khủng khiếp. Có những ngày đông Đà Lạt lạnh nhẹ nhàng, bốn chúng tôi, Ngọc Phụng, Ngọc Loan, Công Huyền Tôn Nữ Anh Tú, và tôi rúc vào nhau tìm hơi ấm trong chăn nệm của chiếc giừờng. Cái giừờng bình thường chỉ cho hai chị em, nhưng có những khi bốn đứa con gái nằm cũng vừa vặn. Chúng tôi vừa rúc rích cười giỡn giữa tiếng đàn hát của một thanh niên đang ngồi trên chiếc phản gỗ ở bên ngoài buồng con gái và ca hát. Chàng Trương Chi của bầy con gái Mỵ Nương đại học Đà Lạt chúng tôi thời bấy giờ chính là Ngu Yên.
Người tình của một trong hai chị em là Ngu Yên. Từ khi biết Ngọc Phụng và Ngu Yên là tình nhân nhau, bao giờ đến phòng trọ Phan Đình Phùng, tôi cũng bắt gặp Ngu Yên đang ngự ở đấỵ Chàng thường trực khoanh chân Phật non trên chiếc phản gỗ, quàng vận những bộ áo quần cũng tuyển chọn. Khi điệu đàng thời thượng nhảy đầm. Khi cà sa trắng khác đời. Bức tường sau lưng chàng thỉnh thoảng dán những bài thơ. Nghe nói chàng đang là thư sinh trường Luật Sài Gòn.
Nhưng dù chàng ca hát hồn nhiên, tôi thì chả hồn nhiên nhìn cái hình ảnh một tên con trai sống giữa bầy con gái. Khoảng cách chỉ là một bức rèm vải, Tôi con gái đa nghi. Chàng ngồi ngoài này niệm ca gì đó một mình. Và bên trong chiếc buồng kia có con gái đang ngủ một giấc mười giờ sáng. Chỉ một tấm màn hoa thô sơ. Tôi để ý mỗi khi con gái trong nhà bầy đàn đông đảo chàng đàn hát nhiều hơn và nói năng trêu gọi gái trai dòn giã hơn. Nhưng hơn cả sự lộ liễu đam mê tiếng hát người tình và yêu cây đàn, chàng còn có cái vẻ mê đủ thứ con gái trong cách không che dấu nổi hào hứng khi ngồi giữa rất đông con gái đàn hát liên miên và nói liên tu bất tận về đủ thứ nhân sinh trên đời. Tôi đọc thấy ở khuôn mặt đàn ông này một sự cầm cự nào đó rất mãnh liệt trước những người con gái. Đôi khi tôi hơi ái ngại nhìn bồ của bạn mà tự hỏi không biết trong cái đầu ấy thực lòng hắn yêu ai: yêu em, yêu chị, yêu cả hai, hay yêu tất cả chúng tôi, những đứa con gái đã đến ăn, ngủ, nghỉ, chơi, ở cái phòng trọ sinh viên trong hẽm sâu Phan Đình Phùng Đà Lạt thời ấỵ
Ngu Yên khởi sự là một Trương Chi mê tiếng hát Ngọc Phụng. Thời sinh viên chàng mê hát hỏng đến độ không phải là sinh viên Đà Lạt mà lại trở thành một trong những người tổ chức văn nghệ trên Viện Đài Học Đà Lạt miết thôi. Ngu Yên đã sáng tác rất nhiều nhạc trước khi sáng tác rất nhiều thơ. Mãi nhiều năm sau này khi xa rời Việt Nam đã lâu năm, tôi mới trầm tư ngồi mở những bài thơ của Ngu Yên ra đọc để tìm kiếm cái nốt nhạc mà Ngu Yên vẫn thường miệt mài sáng tác cho chúng tôi nghe những sáng tác tròn veo giọng Bình Định ở trỏng. Tôi có dịp lớn lên ở Bình Định, tôi có dịp là bạn của Ngu Yên lâu năm đủ để nhìn thấy bạn tôi đúng là người chuyển âm tiếng nói của quê hương Bình Định chàng. Giọng Bình Định khác giọng hò ơi ru tình tình ru của mùa đông xứ Huế . Giọng Bình Định không thể lẫn vào thể điệu vọng cổ ngọt buồn của những đêm khuya thanh vắng Phương Nam.
Thi sĩ là người chuyên chở ngôn ngữ của quê hương hắn. Thi sĩ thì nên có cái tai của một nhạc sĩ. Một bài thơ không thể gọi là hay nếu không chuyên chở được nhiều hay vài nốt nhạc của ngôn ngữ nó. Kẻ thưởng thức thơ sắc sảo thường nắm bắt được gốc quê của thi sĩ và thưởng thức ngay nét đặc sản này. Có những âm Bắc nằm trong thơ ai đó đọc lên là thấy giọng của người Sơn Tây. Có những câu thơ chở theo cái âm vang của thứ ngôn ngữ không thành lời chỉ đọc trong đầu mà không phát ra tiếng, thơ của những người đọc (sách) nhiều hơn nói (thành lời). Ngu Yên chuyên chở giọng thơ Bình Định. Giọng nói đã sản xuất ra điệu hát Bài Chòi Bình Định.
Thổ âm Bình Định tràn đầy nét sinh hoạt riêng của nó đã đổ ra ngập lụt chữ nghĩa trong thơ Ngu Yên. Những bài thơ không giống những thi sĩ của các miền khác trên đất nước. Mà chuyên chở âm điệu một vùng miền Trung từ Qui Nhơn Bình Định qua đèo Cù Mông vào đến Tuy Hoà Phú Yên, lân la Ninh Hòa, và còn bao luôn cái thổ âm của dân Khánh Hoà Nha Trang. Đây là một vùng địa lý có cùng một âm ao giống nhau.
Cái thổ âm gọn gần mà Ngu Yên phát biểu đậm nét trong nhạc lại đôi khi rất khó thấy trong thơ. Thơ Ngu Yên lập ngôn riêng một cõi. Cõi thơ âm một gọn gần trần trụi Bình Định.
Thơ Ngu Yên phản ánh loại ngữ ngôn một âm, gần và gọn. Tôi gọi đó là cõi thơ âm một. Thơ âm một thẳng, chật, hàng dọc, chứ không phải thơ của âm hai luyến láy hàng ngang. Nội lực của thơ âm một chất chứa trong cái thẳng, gọn, dựng đứng theo kiểu thơ Haiku của Nhật. Có lẽ Ngu Yên là nhà thơ Việt Nam đầu tiên khai thác và xử dụng thơ âm một của vùng Bình Phú Khánh này một cách đáng chú ý. Cũng như Bùi Gíang đã sản xuất ra những vần thơ ồn ã leng keng của giọng thơ tôi gọi là âm một rưỡi của các xứ Quảng.
Khác với thơ âm hai với những từ láy của một số miền phổ thông trên đất nước. Cái nổi tiếng của từ láy hai âm lâu nay đã tạo dựng nên chiếc áo của lục bát lan tỏa âm thanh Việt Nam. Thay vì nói "quanh" người ta yêu chất láy lung nó thành "quanh co", "quanh quẩn", "quanh quanh", "quanh quất", "quanh queo", "quanh quéo"... Và từ đó những câu thơ đẹp phun châu nhả ngọc thành lời: "Kẻo còn quanh quẩn những lời" (Nhị Độ Mai), "Em e ấp nấp mình sau đá, để cái nhìn vòng vẹo quanh co" (Nguyễn Duy), "Đường vô xứ Nghệ quanh quanh" (ca dao), "Nguyên người quanh quất đâu xa" (Nguyên Du)....
Những câu thơ không chơi chữ mà là chữ chơi. Ngu yên chơi với chữ. Tếu với chữ. Cay với chữ. Lý với chữ. Tình với chữ. Vọc chữ. Cầm chữ lên thả qua thả lại như chơi cờ tướng, như chơi ô quan. Chữ của Ngu Yên là chữ gần. Chữ lượm ra từ đời thường quanh ta. Chữ trong những ngón tay thon và dài của Ngu Yên là cây xoáy lỗ tai cầm lên ngoáy một phần thân xác cho đã ngứa, rồi mới leo qua đèo trí óc biến "hóa ra nét chữ lên đàng quẩn quanh", thành hồn thơ, nên thi ca.
Nếu âm thơ là lớp áo phù hoa bên ngoài thì hồn thơ là thân xác làm cho áo hoa này sáng rực rỡ nghệ thuật chữ nghĩa hơn. Hồn thơ của Ngu Yên là cái gì. Là tô phở tái. Là mê gái. Là dâm dục. Là thiền sư. Là qủy sứ. Là người hiền. Là kẻ khó tính. Là người dễ yêu. Là tào lao. Là lao động. Là thiền. Là trí thức. Là tầm thường. Là vĩ nhân. Là sáng tạo. Là giàu sang. Là nghẻo nghèo ngheo. Là một người trong bọn chúng tôi. Phải. Nếu cần chọn một trong những kẻ đại diện, tôi không ngần ngại chọn Ngu Yên là một trong những người nam tiêu biểu cho thế hệ chúng tôi.
Thơ Ngu Yên trước hết là nội công của trí lực. Sự vận động của thơ Ngu Yên chuyên chở cái truyền thống thơ nhân sinh quan. Cái trí lực của Ngu Yên là thơ đi tìm một, hay nhiều ý nghĩa nào đó, của đời sống. Hợp âm thơ của Ngu Yên có cái tinh quái nhìn đời của Nguyên Khuyến, cái vịnh đời đắng cay của Nguyên Công Trứ, cái lèng èng vô tâm của Bùi Giáng, cái lơ mơ xuất thần của Nguyễn Đức Sơn, hay chính cái sung mãn vọng động của Ngu Yên. Bắp thịt cơ dưới những con chữ của các nhà thơ này cuồn cuộn cái triết lý sống mà đọc hết toàn bộ gia tài thơ của họ, chúng ta sẽ kiếm ra được một người đàn ông Việt Nam của thời đại họ đang cư ngu..
Ngồi giữa bạn bè, Ngu Yên thường chọn ngay cho mình cái vị thế là kẻ ca hát đàn sáo. Trong tiếng động sáng tạo đời Ngu Yên chọn làm thi nhạc sĩ. Trong đời thường Ngu Yên là người nói nhiều. Tiếng động của một thi nhạc sĩ thích nói, chắc chắn là thứ hợp âm tuyển chọn đặc biệt có trình độ âm thanh riêng biệt hơn bình thường. Sự riêng biệt này của Ngu Yên ở vào số ít những kẻ lãnh đạo khai phá thường thấy ở những tài năng sáng tạo lớn. Trong thơ và nhạc của Ngu Yên, chàng dám mạo hiểm xuất phát theo những tiếng gọi vào kinh nghiệm của sự đa tài mình. Hợp âm Bình Định có thể chưa quen thuộc như hợp âm Hà Nội, hợp âm Sài Gòn, hay hợp âm Huế, nhưng Ngu Yên là hạng nghệ sĩ chân truyền, phản ảnh sự rung động và kinh nghiệm tuyệt vời của công việc thu và phát tiếng ra thành tác phẩm nghệ thuật. Bình Định có cái hay riêng của Bình Định. Người thưởng ngoạn Việt Nam có thể chưa quen với âm nhạc và thi ca Bình Định, như đã quen nghe những hợp âm Bắc Ninh, Huế, Sài Gòn... phổ thông với người Việt Nam hơn. Nhưng chắc chắn là thi ca và âm nhạc của mỗi vùng tiếng đều có nét đẹp riêng mà người thưởng ngoạn giàu sang nên biết đến để làm cho gia tài thưởng ngoạn của mình phong phú hơn.
Đọc hết toàn bộ thơ của Ngu Yên sẽ thấy sự giàu mạnh trong thúc hối và xô đẩy của một kẻ suốt đời quẩn quanh tìm đường sáng tạo. Thơ của Ngu Yên phản ảnh sự theo đuổi tình yêu âm nhạc trong ngôn từ quê hương Bình Định tự thuở thiếu niên. Sự tinh quái của trí tuệ mà Ngu Yên gài vào thơ là một cuộc rượt đuổi có ý thức sáng tạo của một kẻ sĩ trung niên. Nhưng chính sự sung mãn này của Ngu Yên đã khiến đôi khi tạo ra nét hơi ham hố trong một số bài: Tác giả chỉ chú ý đến ý định thơ mà đã lơ đãng phần chữ thơ. Chữ thơ là cái áo hoa tất yếu không thể thiếu trong thi ca. Thi sĩ có thể ý định những hồn thơ hay ho ghê gớm nhưng nếu bài thơ thiếu lớp áo hoa âm vận điệu đóm lục bát hay tự do thần sầu, thơ ấy chưa hoàn chỉnh là một bài thơ hay.
Một nét độc đáo khác của thơ Ngu Yên là nét động. Thơ nhạc truyền thống Việt Nam mấy chục năm nay bị lôi cuốn vào nét tĩnh. Người thưởng ngoạn Việt Nam mấy chục năm qua tìm đến thơ và nhạc để yên nghỉ tâm hồn. Họ không muốn bị đánh thức. Đời sống đầy dẫy chiến tranh động đậy tan nát nhiều thứ qúa. Làm ơn đưa em ra công viên. Làm ơn đốt cho anh điếu thuốc lá. Cho tôi một chút yên nghỉ trong thơ và nhạc.
Trong khi Ngu Yên thì cứ hồn nhiên tì tì mang bao nhiêu tiếng động vào trong thơ và nhạc của mình. Độc giả nào chuộng sự nhẹ nhàng dụ ngọt của tình cảm sẽ thấy xa lạ với thơ và một số nhạc của Ngu Yên. Thơ Ngu Yên thuộc loại thơ động tình và động não chứ không phải thơ ru tình và ru hồn.
Có những thi sĩ làm được thơ nhưng họ không sống như những điều họ viết.
Còn Ngu Yên, anh sống qua điều anh bày ra trên những nốt nhạc và những con chữ. Chữ nghĩa và âm nhạc của Ngu Yên chính là sự hoàn tất của đờI sống những kẻ say mê sáng tạọ Nghệ sĩ chân thật là kẻ đã kinh qua đời sống, đã dám ném trọn vẹn đời mình vào đấy một cách ngơ ngẩn dại khờ vô tư. Và chợt đến khi tay cầm cây đàn hay tay cầm ngòi bút ngân lên những nốt nhạc hoặc những con chữ, y lại ngơ ngẩn dại khờ vô tư khám phá ra đời phải có nhạc hay đời phải có chữ thì mớI là đời hay. Và cứ thế y cứ mải miết loay hoay gỡ gạc đời sống và thu phát chúng thành những tiếng động theo cách thế của riêng y.
Một kẻ thích khua động những tưởng là mình thoát hiểm khỏi tiếng động mà mình tạo ra. Ngu Yên khua dâm, khua vợ, khua bạn, khua bồ, khua sự giàu sang, khua đời thường, khua trí tưởng, khua sân khấu, khua hư vô, khua cái lạ, khua cái quen... Ngu Yên khua lên trong thơ nhiều thứ tiếng động và tưởng khua lên được là thoát hiểm được.
Những tiếng động mà Ngu Yên tưởng rằng y diễu cợt được là bước qua xác chúng được, chính là cái vòng kim cang nghiệt ngã của Ngu Yên. Những tiếng động mà Ngu Yên đã gõ lên giữa những tràng cười nói của bọn con trai con gái của tháng ngày thanh xuân ở Đà Lạt đã theo liếm sát nút không rời cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của con người ấy.
Thơ Ngu Yên thường xuyên là một sự giằng co tranh chấp sự sung mãn trong con người chàng với khối âm thanh mãnh liệt nhất khởi đi từ một tiếng hát khàn khàn thánh thiện của thiên sứ Ngọc Phụng. Cuộc đời của Ngu Yên đã bị cuốn trôi theo tiếng hát con gái nhà trời Ngọc Phụng.
Tiếng hát Ngọc Phụng khàn khàn thông minh. Tiếng hát Ngọc Phụng đục đục lứa con gái trầm tốt tươi nhất. Tiếng hát thiên sứ Ngọc Phụng ngày nào đánh thức con người nhạc sĩ thi sĩ Ngu Yên và rồi chàng đã lao mải miết cả đời theo tiếng hát ấỵ
Tiếng hát vận vào người làm nghệ sĩ suốt đời lao theo, rong chơi, vật vã, say đắm, kiệt sức, theo cùng tiếng hát đặc biệt ấy. Ngu Yên là kẻ phổ tiếng hát Ngọc Phụng vào đời thành thơ và nhạc. Chàng thu gặt những mùa tác phẩm rực rỡ. Hết in thơ thơ 1, thơ 2, thơ 3, 4, 5,... Rồi lên sân khấu đờn ca xướng hát um xùm từ sân khấu Cường Để Qui Nhơn, Spellman Đà Lạt, Little Rock Arkansas, cho đến sân khấu của Rice University Houston, đài phát thanh Houston ...
Con người thô bỉ tầm thường Ngu Yên suốt đời phải vật vã bảo vệ tiếng ca đầu đời của Ngọc Phụng. Và sự tranh đấu để giữ tiếng hát ấy ngân vang, là đam mê thủ tiêu hết những ngả ngách ác thú của một gã đàn ông tầm thường như những người đàn ông tầm thường khác. Nhưng cái nỗ lực lao theo tiếng hát tinh khôi ấy cũng chính là hệ lụy giằng co con người nghệ sĩ tài hoa, toát ra trong vô số thơ của Ngu Yên.
Ngọc Phụng là thơ. Ngọc Phụng là đốm lửa. Đốm lửa có khi kiệt lực và chỉ còn là chút tro tàn le lói. Con đường hiu quạnh của sáng tạo thì qúa mênh mông. Ngu Yên là kẻ ham vui, là kẻ sáng tác vạm vỡ. Bờ vực nào cũng có thể là một đam mê khiến cho một con người nghệ sĩ yêu đời sẵn sàng lao xuống hố. Một kẻ khởi sự đã lao vào lửa thì khi nào mà lại không sẵn sàng để lăn xuống hố. Tôi là kẻ bên đường đứng ngó cái bi kịch của hai người yêu nhau vực nhau lên sau những cơn lao xuống hố to lẫn hố nhỏ. Tôi ngưỡng mộ Ngọc Phụng. Một người nữ cổ điển hoàn tất vở diễn thông minh. Tôi ngạc nhiên Ngu Yên, một nghệ sĩ tài hoa không bị hủy diệt bởi số mệnh bám vào một người đàn bà tuyệt vời. Cái đốm lửa nhỏ bé Ngọc Phụng có thể tự sáng lấy một mình. Người đàn bà thông minh đẹp đẽ nào mà không tuyệt vời trong những phút diễn sáng rực rỡ nhất của mình. Nàng thơ ốm o nhỏ bé Ngọc Phụng đã choàng phủ hết tất cả những đam mê nào khác muốn dụ dỗ Ngu Yên. Ngu Yên đau khổ. Thơ nhạc trào ra. Ngọc Phụng chiến thắng hết tất cả những người đàn bà lớn bé xinh xấu nào thoáng qua đời Ngu Yên. Ngu Yên thất tình. Thơ nhạc lại lên ngôi. Sự sáng tạo vạm vỡ khoẻ mạnh của Ngu Yên đã bòn mót lấy từ một người đàn bà tên là Ngọc Phụng, một ngọn nguồn hải đăng của sáng tạo.
Điều tôi lấy làm mãn nguyện là trong thơ Ngu Yên, Ngọc Phụng không phải một thứ đàn bà đồ chơi của đàn ông. Ngọc Phụng cũng không phải là thị mẹt lam lũ quanh năm buôn bán ở ven sông để cho chồng ăn nhậu chơi bời. Ngọc Phụng cũng không phải là người tình hâm hơ thơ mộng. Ngọc Phụng là vợ. Ngọc Phụng là người đàn bà sống cạnh thi sĩ mấy chục niên. Ngọc Phụng đã làm một cuộc cách mạng ngầm trong thi ca Việt Nam. Người nữ tuyệt vời nhất chính là vợ của thi sĩ. Vứt hết bỏ hết những người đàn bà huy hoàng tình mộng. Dzục hết liệng hết những ảnh tượng nóng bỏng của những người tình mơ. Vợ anh đây nè. Ca ngợi đi. Say đắm đi. Thờ phượng đi. Lê Uyên Phương, người nhạc sĩ bén nhạy nghệ thuật đã cảm nhận ra được điểm đỉnh của thơ Ngu Yên khi phổ một bài nhạc Cầm Đi Phụng. Lịch sử thi ca Việt Nam chắc chắc sẽ phải ghi nhận cuộc cách mạng của Ngọc Phụng trong thơ Ngu Yên: chuyển hình ảnh một người vợ lam lũ không tên của Tú Xương qua hình ảnh một người vợ tuyệt vời có tên là Ngọc Phụng trong thơ Ngu Yên.
Ngu Yên. Lần đầu tiên gặp gỡ, tôi thấy anh ôm cây đàn nghêu ngao hát những câu rất lạ trong căn phòng trọ của bạn bè rực rỡ thơ ngây ở Đà Lạt đêm hôm nào. Hơn hai mươi lăm năm sau, tôi cũng lại chỉ thấy anh ôm cây đàn, ca lên những câu nhạc rất mới anh vừa sáng tác giữa một buổi sáng mai thức dậy trong ngôi nhà ấm cúng mùi vợ chồng ở Houston.
Bạn của tôi, Ngu Yên, đã say sưa làm rất nhiều thơ giữa những đuổi bắt của hai bờ âm nhạc mới và lạ đó.
lê thị huệ
2001
(Bạt trong tập thơ Thi Sĩ Và Tôi, Ngu Yên, Lũy Tre Xanh xuất bản 2002)