Nhạc & lời: Antônio Carlos Jobim
Lời Việt: Lê Vũ
Trình bày: Lê Vũ
Hòa âm & phối khí: Lê Vũ
LeVuMusic Studio
Sóng (Vou Te Contar, Wave)
Xin khép mi lại, thả hồn lặng trong hư không một cõi
Sâu trong đáy tim ta nghe bình yên, lòng ta lắng đọng
Nghe nỗi đơn côi tan đi trong mênh mông
Niềm yêu ngây ngất ta cùng khát khao mơ trong đời
Xin chớ nghi ngại, đừng sợ con sóng xô lên bờ cát
Không lo ánh trăng sao trên trời đêm, anh luôn có đây
Nghe nỗi đơn côi tan đi trong mênh mông
Niềm yêu ngây ngất ta cùng khát khao mơ trong đời
Thấy em yêu phút đầu khi chuông gõ ba qua đêm
Mắt em sâu mê hoặc cho anh mãi trong cơn mơ
Xin hãy tin rằng: tình anh như muôn con sóng gào gió
Xin em đến bên anh theo biển dâng ngàn con sóng đưa
Nghe nỗi đơn côi tan đi trong mênh mông
Niềm yêu ngây ngất ta cùng khát khao mơ trong đời
So close your eyes, for that's a lovely way to be
Aware of things your heart alone was meant to see
The fundamental loneliness goes whenever two can dream a dream together
You can't deny, don't try to fight the rising sea
Don't fight the moon, the stars above and don't fight me
The fundamental loneliness goes whenever two can dream a dream together
When I saw you first the time was half past three,
When your eyes met mine it was eternity
By now we know the wave is on its way to be
Just catch that wave don't be afraid of loving me
The fundamental loneliness goes whenever two can dream a dream together
NT: Tôi thật là ngạc nhiên khi nhận được liên tiếp hai bài nhạc bạn dịch, mà lại là hai bài tôi ít chú ý tới, một là bài Wave này của Jobim. Là một trong những bản nhạc khó hát vì giai điệu lên xuống khoảng nửa nốt và lại liên tục kiểu legato, tôi cảm thấy rụt rè. May thay, bạn lại thêm: “Để tao hát bài này.” Phào. May quá. Không lâu sau đó bạn gửi tôi bản nháp; tôi phải công nhận: khó thật.
LV: Cách đây vài ngày tôi nghe được một podcast của Judy Carmicheal phỏng vấn ca sĩ jazz người Anh Elaine Delmar. Trong cuộc đối thoại họ có nói đến một hiện tượng mà chính tôi cũng thường suy ngẫm: Cũng cùng một bản nhạc nhưng người nghe thuộc những phương trời khác nhau sẽ nghe thấy những nét nhạc khác nhau. Theo họ, người xứ Anh, xứ Đức, xứ Tây nghe nhạc jazz khác với người Mỹ. Vậy thì kẻ như tôi chắc chắn là sẽ không thưởng thức nhạc jazz như một người Mỹ chính gốc. Hơn nữa tôi nghĩ cái cảm nhận về nhạc của từng cá nhân cũng phải ít nhiều khác nhau. Khác văn hóa, khác kinh nghiệm, khác hoàn cảnh, khác tâm tình, thì cảm nhạc phải khác thôi. Ngay cả khi nghe nhạc phẩm "Wave" này tôi cảm thấy bị cuốn hút bởi giai điệu ngay lập tức nhưng khi gửi cho bạn thì bạn lại không cảm được cái cảm của tôi. Ban đầu tôi lấy làm lạ vì tôi nghĩ hai thằng Kẻ Jazz phải có cùng "gu" mới đúng chứ! Nhưng nghĩ lại thì thấy cũng hợp lý thôi. Khi nghe bài này tôi liên tưởng đến scale trong bài "Toccata" của Paul Mauriat và "Oye Como Va" của Tito Puente, 2 bài tôi thích. Vì thế nó lôi cuốn tôi. Tôi đoán là bạn không thích 2 bài đó như tôi nên bạn không có ấn tượng mạnh. Nhạc của Jobim luôn khó hát với những nốt lưng chừng và những nhịp chõi khắp nơi, khiến cho việc làm quen với bài là một thử thách. Biết thế nhưng tôi cũng muốn thử giới thiệu đến người nghe giòng nhạc Ba Tây độc đáo này.
NT: Đúng vậy. Tôi không mấy tha thiết với “Oye Como Va”. “Toccata” thì hay hơn. Nhưng khi lắng nghe kỹ nhạc phẩm này thì tôi phải nhận rằng phần cấu trúc thật thần kỳ. Giai điệu lên xuống dồn dập như những ngọn sóng mang cho bài nhạc một sức mạnh lạ lùng, thật cuốn hút.
Tôi rất thích thú khi nghe bạn kể về podcast của Judy Carmichael. Tôi vẫn thường cho rằng thưởng thức nghệ thuật là một chuyện rất riêng tư, cũng như sở thích rượu đỏ. Bây giờ nghe bạn nói vậy, tôi muốn tìm hiểu thêm về một mẫu số chung nào đó dựa trên quan điểm xã hội và văn hóa, hoặc giả có liên hệ đến cấu trúc của lỗ tai của người mình chăng? Tôi vẫn biết người Việt không mấy ai thích nghe nhạc jazz. Tôi thường nghe lý do là tại bài nhạc jazz quá lơ lửng, không đều, làm cho người nghe có cảm giác bất an, v.v… mà tôi vẫn cho là tại thói quen nghe nhạc. Cám ơn bạn đã cho tôi thêm điều để suy tư về nhạc jazz và người Việt.