LTS: Bài phỏng vấn dưới đây được thực hiện bởi nhà thơ Triều Hoa Đại và đã xuất bản lần đầu trên tạp chí Văn Học số 182 (tháng 6 năm 2001).
Nhà thơ Triều Hoa Đại (tên thật Ðỗ Xuân Nho, cũng viết qua các bút hiệu khác như Thợ Húc, Lão Nho, Phạm Ðỗ) sinh quán tại Ý Yên, Nam Ðịnh, Bắc Việt. Ông vào Nam năm 1954, sống ở Ðà Nẵng một thời gian trước khi vào làm báo tại Sài gòn. Ðinh cư tại Hoa Kỳ từ 1975. Đã cộng tác với Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Nắng Mới,Sóng Văn.
Tác phẩm đã xuất bản:
Buồn Lên Ðôi Vai (thơ in chung 1962), Con Phố Ðiêu Tàn (thơ 1965), Những Bài Âu Ca (thơ, nhạc cùng Hoàng Châu Diên Nghị, Kim Tuấn, 1976), Dấu Huệ Hồng (thơ 1992). Lên Rừng Hái Lá (phỏng vấn văn học, Văn Mới, 2005), Sông Tiễn Chân Đi (thơ, 2010).
Triều Hoa Đại (THĐ): Hứa hẹn với ông từ lâu là thế nào chúng ta cũng “phải” ngồi lại chuyện vãn với nhau một đôi điều. Vậy mà mãi đến hôm nay cơ duyên mới tới. Vậy thì, theo ông chúng ta nên bắt đầu từ chỗ nào đây?
Phùng Nguyễn (PN): Bắt đầu từ chỗ chúng ta chưa khởi sự.
THĐ: Thế thì cái khởi sự là xin ông một đôi dòng tiểu sử.
PN: Tôi sinh tại Quảng Nam, dời vào Sài gòn từ năm 1964, sau đó nhập ngũ vào năm 1968. Định cư tại Hoa kỳ từ năm 1984. Hiện sống và làm việc tại California, Hoa Kỳ. Tôi bắt đầu viết lách từ cuối năm 1994 và đã cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, VHNT Liên Mạng, Việt …
THĐ: Mới đây tạp chí Hợp Lưu có đăng một truyện ngắn của ông mang tựa đề “Dựng Truyện,” người đọc thấy nó lạ lắm, lạ từ khi khởi đầu cho đến lúc kết thúc, ông có cho là lời nhận xét ấy là đúng không?
PN: Bảo nhận xét của người đọc đúng hay sai là một điều vô cùng chủ quan. Hơn nữa, như thế nào là lạ? Cốt truyện hay cách sử dụng từ ngữ? Là tác giả, tất nhiên tôi không cảm thấy ngạc nhiên về những điều mình viết ra. Ngay cả cái tựa cũng vậy. Có thể đặt là “Bịa Chuyện” hay “Chuyện Dựng Đứng” cũng không sao hết. Truyện này nằm trong loạt truyện “Nhà Cho Thuê,” một trò chơi trong đó các tác giả phải tuân thủ một số quy luật nhất định khi dàn dựng cốt truyện. Tôi là một trong những người cuối cùng được mời tham dự trò chơi, và thời gian còn lại để nộp bài quá ngắn cho một người chậm chạp như tôi, nên tôi nghĩ mình nên dùng cái cốt truyện có sẵn (do những người đề xuất trò chơi “Nhà Cho Thuê” nghĩ ra), thêm thắt một vài chi tiết, làm cho ra vẻ giật gân một tí ở đoạn cuối, thế là thành truyện. Không lẽ điều này đã làm cho truyện … lạ đi chăng?
THĐ: Vâng, cũng vẫn trong “Dựng Truyện,” nhân vật chính (có lẽ là như vậy) đã nói: “đám nhà văn mấy người chỉ giỏi việc bày trò quỷ quái,” hay ”nhà văn mấy người chỉ việc vẽ rắn thêm chân.” Ở ngoài đời cũng có ít, nhiều người cùng nhận xét như thế. Là nhà văn ông nghĩ thế nào?
PN: Thực ra, khi viết tôi đã xem anh chàng xưng “tôi” trong truyện là nhân vật chính. Người phát biểu những điều trên là người đàn bà chủ nhà. Và bà ta chỉ nói những điều đó trong lúc thất vọng hoặc giận dữ mà thôi. Những lúc như vậy người ta hay thất thố trong ngôn ngữ, cử chỉ, hành động. Ai nỡ chấp nhất người (hay ngay cả nhân vật hư cấu) trong hoàn cảnh đó làm chi! Ở ngoài đời ư? Nếu “trò quỷ quái” chỉ nhằm vào mục đích lòe bịp người đọc về khả năng [nghệ thuật] của mình thì tôi nghĩ là không nên, và tôi cũng hiếm thấy nhà văn (nhà thơ, nhà vẽ tranh, nhà soạn nhạc…)nào bày trò này. Còn “vẽ rắn thêm chân,” nếu được hiểu như là một cung cách sáng tạo, thì nên lắm chứ. Vấn đề là “vẽ” như thế nào để thuyết phục người đọc tin là quả thực có một hay nhiều con rắn có chân.
THĐ: Thế mỗi lần ngồi vào bàn viết ông đã nghĩ đến cái gì nào, chẳng hạn phải viết những gì của hôm nay phải khác với cái đã viết hôm qua, hay vẫn chỉ là làm đầy trang giấy, (một ngày như mọi ngày)?
PN: Tất nhiên là để (không phải vẫn chỉ để) làm đầy trang giấy chứ. Càng nhiều trang càng .. tốt! Nhưng nhất định không phải theo kiểu “một ngày như mọi ngày.” Tôi luôn khâm phục những người có khả năng làm việc theo một thời khắc biểu nhất định, phải ngồi viết hai tiếng đồng đồng hồ (hay hai trang giấy) mỗi ngày chẳng hạn. Tôi không làm được điều này. Có khi thức rất khuya mấy hôm, có khi cả tháng trời không nặn ra được một chữ. Khi viết thì nghĩ đến những điều mình muốn viết xuống, nhất là cố nhớ lại những ý tưởng đã mọc ra trong đầu trước đây khi bắt đầu xây dựng truyện. Thường thì chúng bay đi đâu mất, và tôi thì chẳng bao giờ sắm được một cuốn sổ tay và cây bút chì!
THĐ: Trong Tháp Ký Ức, tập truyện xuất bản vào năm 1998, ông đã tranh luận gay gắt và không đồng ý với cô Tố Quyên: “Hy vọng luôn luôn hướng về tương lai,” ông thì: ”hy vọng không nhất thiết phải hướng về tương lai”. Nếu như có những độc giả cũng không đồng ý với “cái lý luận… ba láp” ấy thì ông nghĩ thế nào?
PN: Tôi nghĩ sẽ không có gì ghê gớm xảy ra. Tôi tin rằng độc giả đã được nhắc nhở cẩn thận về tuổi đời của “nhà lý luận” được nhắc đến ở đây.
THĐ: Cho rằng hai anh em nhà kia đi tìm vàng là đi tìm những gì đã được cất giấu ở quá khứ, như vậy có nghĩa là họ đang đi tìm hy vọng ở phía sau. Vâng, cứ tạm đồng ý như vậy đi, vậy thì tôi xin hỏi ông: khi quyết đinh rời bỏ tổ quốc ra đi, phải chăng ông đi tìm: Hy vọng ở sau?
PN: Có vẻ như “Tháp Ký Ức,” một trong những truyện đầu tiên của tôi, có một duyên nợ đặc biệt với tôi thì phải. Ngay cả hai nhà văn Nguyễn Mộng Giác và Nguyễn Xuân Hoàng cũng chọn nói về truyện này khi viết lời giới thiệu cho tập truyện ngắn cùng tên. Bâỵ giờ đến phiên nhà thơ Triều Hoa Đại. Tôi nghĩ đây là dịp tốt để chia sẻ với ông về “Tháp Ký Ức.” Tôi chỉ viết xuống một kỷ niệm thời tuổi nhỏ, cô Tố Quyên có thực, Huỳnh Quang Thước (không phải Huỳnh Bá Thước như tôi đã nhớ lầm) có thực. Truyện “Vàng Tháp Hời” của Vũ Hạnh có thực. Và những lời đối thoại giữa cô Tố Quyên và cậu bé học trò có thực, cho dù có thể không đúng từng câu từng chữ. Trước hết, tôi không nghĩ cái lý luận ngang ngược của cậu học trò tỉnh lẻ đã gây nhiều ấn tượng cho người đọc. Tôi cho rằng chính cái câu hỏi ở đoạn kết của truyện đã để lại một chút băn khoăn trong lòng một số người đọc. Xin phép được nhắc lạì ở đây phần cuối truyện:
Bây giờ là sáu giờ sáng. Tôi có thói quen dậy sớm, ngồi một mình ở chiếc bàn ăn nhỏ. Trước mặt tôi là ly cà phê nóng với cái hương vị lai căng – cà phê bột của Mỹ và sữa đặc có đường hiệu ông Thọ – và điếu thuốc lá đầu ngày. Có lần tôi đọc một truyện ngắn, của Võ Phiến, về một ngọn đèn vàng ở một góc cầu thang nào đó đã nhắc nhở tác giả về một ánh đèn vàng ở một nơi chốn khác trong quá khứ. Ngọn đèn đã như chiếc chìa khóa thần diệu mở ra một ngăn kéo của ký ức, ở đó tác giả tìm thấy lại hình ảnh của người tình chìm khuất. Còn tôi? Chìa khóa nào đã mở ra cho tôi tuổi hoa niên, ngôi tháp Chàm đổ nát, mái trường thân yêu, những cái tên đã tưởng không bao giờ còn nhớ nổi, nụ hôn đầu đời sướng tê người, chùm hoa phượng đỏ rực, và những con sâu đo gớm ghiếc? Tôi không biết. Tôi chỉ biết cám ơn cái quyền lực huyền nhiệm nào đó đã cho tôi khả năng sống lại những kỷ niệm xa xưa. Tôi mong một ngày nào đó được gặp lại Thước để xin hắn tập thơ hắn làm cho cô Tố Quyên vào năm mười hai tuổi, nếu hắn còn sống và còn giữ tập thơ. Tôi cũng rất mong gặp lại cô Tố Quyên để hỏi cô một lần nữa “Phải chăng hy vọng chỉ hướng về tương lai?” Nếu phải thì buồn quá, bởi vì chẳng lẽ những ngăn kéo ký ức tôi mở ra cùng với ly cà phê lai căng và điếu thuốc đầu ngày chỉ chứa có mỗi một niềm tuyệt vọng thôi sao?
Thử phân tích câu kết. Câu hỏi dựa trên một luận đề nguy hiểm: cái gì không phải là “hy vọng” thì nhất định phải là “tuyệt vọng,” và bởi vì hy vọng chỉ thuộc về tương lai cho nên quá khứ đồng nghĩa với tuyệt vọng. Đây là một câu hỏi có tính cách cưỡng từ đoạt lý. Hoặc vẽ rắn thêm chân. Không thể nói là tôi không cảm thấy thích thú khi một số độc giả tin rằng quả thực có một con rắn có chân.
Về câu hỏi của ông, tôi không nghĩ quá khứ chỉ là niềm tuyệt vọng. “Nó” có những giá trị nhất định mà chúng ta có thể mang theo khi hướng về tương lai. Như nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã viết trong phần giới thiệu, “Quá khứ cũng là một kho tàng cho hy vọng, nếu chúng ta biết dùng quá khứ.” Tôi không đi tìm hy vọng ở phía sau, tôi chỉ muốn lấy làm chắc là mình không quên mang theo những gì nên mang theo.
THĐ: Lại nữa, trong truyện ngắn mang tựa đề “Cành Lê Hoa Mùa Đông” (vẫn trong Tháp Ký Ức) ông đã viết: “những chiếc lá non lại uốn éo, chen lấn, xô đẩy nhau trên cành. Những chiếc lá non của mùa xuân, của hy vọng…” Nếu quả đúng như ông viết thì rõ ràng hy vọng chỉ có thể tìm thấy ở tương lai. Vậy thì, nếu thật lòng nghĩ lại (đôi khi) ông có thấy là mình đã mâu thuẫn với chính mình không?
PN: Hoàn toàn không. Thứ nhất, “Cành Lê Hoa Mùa Đông” và “Tháp Ký Ức” là hai truyện ngắn độc lập. Thứ hai, ngay cả khi hai nhân vật này được nằm trong một truyện, phát biểu/suy nghĩ của họ cũng không khiến tôi cảm thấy mâu thuẫn với chính mình. Tôi tin rằng có một khác hiệt lớn về kinh nghiệm và tư tưởng giữa một cậu bé nghịch ngợm mười hai tuổi và một người đàn ông trung niên vừa trải qua những biến động tình cảm to tát trong đời sống, tôi cũng tin rằng người viết, nếu có thể, nên cố gắng đặt mình vào vị trí của nhân vật, không phải điều ngược lại.
THĐ: “Nhà văn là kẻ mơ mộng giữa thế gian phàm tục và thời thế phàm tục,” ông hiếu câu nói này như thế nào. Và, ông đã “mơ mộng” ra sao mỗi khi ngồi vào bàn viết?
PN: Hoàn toàn không hiểu. Chỉ cảm thấy người nói/viết câu này có vẻ đặt mình lên trên thế gian [phàm tục] và thời thế [phàm tục]. Một “thế ngoại cao nhân” chăng?
Mơ mộng? Tôi có thể mơ mộng bất kể nơi chốn và giờ giấc. Như vậy đời sống có vẻ dễ chịu hơn. Trước khi viết, tôi mơ mộng mình sẽ viết một truyện ngắn hay vô cùng, giấc mơ tàn lụi dần khi ngồi vào bàn, và tan vào hư vô khi viết xong!
THĐ: Ông và tôi, hai ta đang ngồi chuyện vãn về văn chương, thế sự. Nhưng có điều rất là sơ sót nếu như chúng ta không ”đả động” gì đến mảnh đất nghèo khố ở bên kia đại dương đã sinh ra mình. Thế thì tôi xin hỏi thực, có khi nào ông nghĩ là bằng vào ngòi viết và tài trí một ngày kia ông sẽ làm thay đổi được vận nước suy tàn, đạo đức con người mỗi một chênh vênh?
PN: Tôi hở? Tôi thực không dám! Ngay cả Cao Hành Kiện xem ra cũng không đương nổi câu hỏi này. Saramago cũng không. Jean Paul Sartre hoặc Albert Camus thì may ra. Nhưng họ đã trở về với cát bụi, và trái đất vẫn quay. Tôi nghĩ người ta hay thổi phồng khả năng “cải tạo thế giới” của văn chương.
THĐ: Ông có cho rằng: ”đất nước của chúng ta có thể khá được nếu như không có quá nhiều nhầm lẫn”?
PN: Tôi nghĩ ai cũng có thể trở nên khá hơn nếu không lầm lẫn.
THĐ: Muốn tránh đi những “nhầm lẫn” ấy thì theo ông đất nước của chúng ta phải làm những gì?
PN: Tôi quả thực không biết. Tôi cho rằng tôi đã có nhiều lầm lẫn trong đời sống, và vẫn còn đang loay hoay chưa biết làm sao để khắc phục những hậu quả của chúng và để tránh né những lầm lẫn mới trong tương lai. Nói chi tới chuyện nước non. Câu hỏi này thích hợp cho một chính khách hơn là cho một người viết không chuyên như tôi.
THĐ: Theo nhà văn Nguyễn Mộng Giác thì: “viết truyện ngắn hay dài, tác giả mặc sức “giả dạng vô danh”. Ông thấy “vấn đề” này như thế nào?
PN: Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, trong Lời Vào Tập của cuốn tùy bút Đó Đây của nhà văn Trúc Chi, quả thực có viết như thế: “…tác giả mặc sức ‘giả dạng vô danh’ núp đàng sau các nhân vật để nói cho đã miệng mà không phải chịu trách nhiệm gì hết.” Tôi sẽ cảm thấy nhận định này hơi khắt khe nếu chúng ta cố tình tách nó ra khỏi toàn bộ bài viết. Tôi nghĩ chủ ý của tác giả chính là để làm nổi bật sự khó khăn của thể tùy bút khi so sánh với các thể loại văn xuôi khác. Dù sao thì nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng đã đưa ra một vấn đề: trách nhiệm của người viết về những điều do mình viết ra. Đây là một đề tài lớn, theo ý tôi, dễ gây tranh luận và khó đưa đến một kết quả có thể làm hài lòng mọi người. Cũng theo ý tôi, người viết chỉ nên chịu trách nhiệm với chính mình mà thôi. Cảm nhận và suy diễn của độc giả thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan và khách quan ở ngoài khả năng kiểm soát của tác giả. Tôi đã không cảm thấy mâu thuẫn khi cho phép những nhân vật của mình có cách nhìn khác nhau về từ “hy vọng” trong “Tháp Ký Ức” và “Cành Lê Hoa Mùa Đông”. Và tôi không nghĩ là mình vô trách nhiệm. Và có thể là ông sẽ không đồng ý với tôi.
THĐ: Nhà văn là những người “đi trên mây,” vậy hôm nay ông hãy vì tôi mà ”đi trên mây” một lần. Ví như trong một giấc mơ (một giấc mơ mới toanh) ông đang đứng giữa thủ đô Hà Nội hùng hồn nói chuyện về văn chương, nghệ thuật với hàng trăm, ngàn độc giả mến mộ. Có người sẽ hỏi về những sinh hoạt như: chính trị, văn hóa ở bên ngoài tổ quốc mà ông đang góp phần trong đó. Ông sẽ trả lời với họ như thế nào (bao nhiêu phần trăm là sự thực và bao nhiêu còn lại là hư cấu)?
PN: Đây là một đề nghị vô cùng quyến rũ. Chỉ mới nghĩ đến thôi là đã cảm thấy … lâng lâng như người đi trên mây rồi! Trong một khung cảnh như thế, tôi còn có thể nói gì khác hơn là những sinh hoạt vô cùng tốt đẹp đã và đang xảy ra bên ngoài tổ quốc. Tất nhiên những điều đó phải là một trăm phần trăm sự thực, bởi vì nếu không, việc “đứng giữa thủ đô Hà Nội hùng hồn nói chuyện về văn chương, nghệ thuật với hàng trăm, ngàn độc giả mến mộ” làm sao có thể xảy đến cho tôi, ngay cả trong giấc mơ kinh hoàng nhất.
THĐ: Nữ văn sĩ Spôjmai Zariab của A Phú Hãn thì cho rằng: “khi một người rời bỏ xứ sở của mình, trước hết, đó là một mối nhục…”, chúng ta cùng phải rời bỏ tổ quốc mà đi, ông thấy “mối nhục” ấy “nó” lớn, bé như thế nào?
PN: Đây là một câu hỏi gây khó khăn cho tôi rất nhiều. Bởi vì nó buộc tôi phải chấp nhận câu nói/viết của một người A Phú Hãn mà tôi chưa hề quen biết như là một chân lý! Không những vậy, ngay cả khi tôi [tạm thời] chấp nhận như thế, không có điều gì trong câu hỏi giúp tôi xác định được “mối nhục” có từ lúc nào, trước hay sau khi phải rời bỏ tổ quốc. Đó là chưa nói đến “hình thù” của nó. Đành phải giả định là có một “mối nhục” được mang theo từ tổ quốc và kích thước của nó có thể thay đổi trong cái quá trình bỏ nước ra đi. Trong khi không thể hình dung một cách chính xác mối nhục này lớn bao nhiêu, tôi cho rằng nó nhỏ hơn những mối quan tâm khác của người ra đi, sinh mệnh bị đe dọa, tài sản bị trấn lột, tự do cá nhân bị chà đạp chẳng hạn. Khi những mối quan tâm này không còn nữa, kích thước của “mối nhục” có thể có được cơ hội tốt để phát triển cũng không chừng. Về phần mình, nếu quả thực tôi có mang theo một “mối nhục” lớn nhỏ nào đó, tôi đã không cho phép nó lớn thêm tí nào hết. Có nhiều tủi nhục phía trước mà những người tỵ nạn phải gánh chịu khi đặt chân lên xứ người. Những hàng rào ngôn ngữ, văn hóa không thể vượt qua. Những đánh giá tiêu cực về người tỵ nạn do ảnh hưởng của cách nhìn mà tôi cho rằng thiếu công bằng của các sử gia và giới truyền thông thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, về cuộc chiến tranh VN. Có vẻ như không có mấy ai trong giới cầm bút chia sẻ hoặc quan tâm đúng mức đến những điều này.
THĐ: Vậy thì “đám nhà văn” như các ông phải làm gì để rửa “mối nhục” ấy?
PN: Ông có vẻ tin rằng những người có chút liên hệ đến công việc sáng tác phải có một sứ mạng ghê gớm nào đó… tôi chỉ thỉnh thoảng viết xuống những điều tôi muốn viết, và tôi không cảm thấy mình có đủ khả năng để “tải” những điều trọng đại nào hết. Nghĩ cho cùng, những bài văn bài thơ hào hùng bi tráng nhất nói về những điều lớn lao nhất được viết ra ở mười ngàn dặm bên ngoài biên giới quê hương lắm khi nghe phảng phất âm hưởng khúc Hậu Đình Hoa.
THĐ: Đọc bài Tựa và Bạt của hai nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Mộng Giác trong Tháp Ký Ức, người ta nhận ra ngay là cả hai nhà văn ấy đã đặt và tin tưởng rất nhiều nơi ông. Nhưng cho đến nay ngoài tập truyện đã xuất bản cách đây ba năm, ông chưa xuất bản thêm một tập truyện nào khác, hình như sự viết lách của ông có vẻ chậm lại. Thiếu đề tài hay vì một hay nhiều lý do khác?
PN: Nếu quả thực hai nhà văn ấy đã có chút hy vọng nào ở tôi, điều này không phải là cá biệt. Là người chịu trách nhiệm một tạp chí văn học, tôi nghĩ rằng họ luôn mong mỏi và khuyến khích những người mới xuất hiện tiếp tục công việc sáng tác và học hỏi để bổ sung vào cái “kho dự trữ” ngày mỗi cạn đi của thế hệ đi trước. Nếu phải làm họ thất vọng, tôi sẽ áy náy lắm. Nhưng có câu ‘lực bất tòng tâm”….
Riêng về việc không có thêm tập truyện nào khác sau Tháp Ký Ức, điều chính yếu vẫn là tình hình trì trệ trong việc tiêu thụ sách của độc giả hải ngoại đã làm tôi cảm thấy ngần ngại. Có lẽ tôi sẽ ra thêm một tập truyện ngắn nếu tôi có thể thuyết phục mình là in sách không phải chỉ để … bán nó đi để lấy lại vốn.
Đúng như ông nghĩ, tôi quả thực có viết chậm lại, nhất là trong khoảng thời gian gần một năm nay. Chỉ cảm thấy không viết được trong lúc này, vậy thôi.
THĐ: Hình như nhân vật tiểu thuyết của ông và ngay cả chính ông nữa không mấy có cảm tình với những nhà thơ, bằng chứng là trong truyện “Quán Đêm” ở phần kết ông đã viết “Em ghét hết những người cắt cỏ. Em sẽ để cỏ nhà em mọc ngập lối, cao đến vai người, cho mấy người cắt cỏ…thất nghiệp luôn, phải bỏ nghề mà đi… làm thơ hết trơn”.
Ông trả lời ra sao thì tùy sức ông, nhưng tôi đoan chắc là sẽ giữ bí mật không tiết lộ ra ngoài. Nào, xin mời ông ….
PN: Nhận xét của ông quả thực là bất ngờ! Tôi không thấy điều gì trong câu nói [có phần nũng nịu] của cô bé học trò có thể giúp bất cứ ai đưa đến một kết luận như thế. “Quán Đêm,” không nhiều thì ít, là một truyện tình, và tôi chỉ muốn người đọc nghĩ đến những điều như “Yêu em, yêu em, anh làm thơ…’’ mà thôi. Có vẻ như tôi đã thất bại thê thảm trong “mưu đồ” này. Nếu phải phân trần, tôi chỉ có thể nói rằng nếu quả thực tôi có hoặc không có cảm tình với một ai đó, nhất định phải là vì họ đáng yêu hay đáng ghét trong cách nhìn của tôi, không phải vì họ làm hay không làm thơ. Nếu ông còn chưa yên tâm, tôi đành phải tiết lộ điều này, chỉ xin ông vui lòng giữ kín cho: Tôi trước đây cũng năm thì mười họa [tập] làm thơ, có điều dở quá nên giấu biệt. Chẳng lẽ “thi sĩ” Phùng Nguyễn lại đi ghét bỏ chính mình?
THĐ: Thế còn những người cắt cỏ họ đã làm gì nên tội để ông và nhân vật tiểu thuyết của ông “thâm thù” họ đến như thế?
PN: Ông gán cho tôi và nhân vật của tôi cái tội nặng quá. Giả dụ như cô bé trong truyện nói “Em ghét hết những người thợ máy. Em sẽ để chiếc xe cà tàng của em nằm han rỉ trong nhà chứa xe để cho những người thợ máy thất nghiệp luôn, phải bỏ nghề mà đi… làm thơ hết trơn.” Hoặc “Em ghét hết những người bác sĩ/kỹ sư/thiền sư/doanh gia… v.v…,” thì tôi và cô ấy sẽ “trở nên” thâm thù tất cả những người ấy hay sao? Có vẻ như ông cho rằng một người cắt cỏ thì không nên làm thơ chăng? Hoặc giả ông cho rằng cô bé đã chạm đến phẩm giá của thi sĩ khi liên kết họ với người cắt cỏ? Tôi không biết người ta phải làm gì trước khi trở thành thi sĩ, tôi chỉ cảm thấy có một sự gần gũi giữa người cắt cỏ và người làm thơ: làm đẹp cái mà họ mó tay vào. Tôi không có lý do “thâm thù” những người như thế, thưa nhà thơ Triều Hoa Đại.
THĐ: Hai ta nãy giờ nói chuyện cũng đã lâu, trời chiều đã “bảng lảng bóng hoàng hôn” rồi đấy, thôi phiền ông giúp tôi kết thúc cho buổi nói chuyện hôm nay.
PN: Xin cám ơn ông đã tạo cơ hội để chúng ta trao đổi với nhau một cách thú vị hôm nay.
THĐ: Xin cám ơn nhà văn Phùng Nguyễn.
Triều Hoa Đại