có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 10 19, 2016

Nơi Có Ngôi Ðình Cũ




Tôi theo bọn thợ rừng, giạt về Tầm Lanh. Ði kiếm sống mà chui vào xó xỉnh nơi góc rừng này, không mong gì ngóc đầu lên nổi. Cái xóm đìu hiu hẻo lánh đến não lòng. Thế nhưng tôi ở lại đã ba năm. Ðời yên mà quạnh lắm. Nơi đây có chừng vài mươi mái nhà nằm đơn độc xa nhau, im lìm vắng vẻ. Nghe nói, ngày trước Tầm Lanh cũng không đến nỗi tiêu điều đến thế, nhưng chiến tranh cứ đẩy con người bỏ xóm đi xa dần. Sau chiến tranh, chẳng ai còn nghĩ đến chuyện quay về chốn cũ, để chiều chiều ngồi bó gối, ngó lên ngọn rừng, nghe vượn hú.


Hồi tôi mới tới đây, Ba Canh nói: “Chú em đừng ngại, chuyện gì rồi cũng sẽ quen đi. Việc đo đạc, tính giá cả, chỉ cần biết bốn phép toán cộng trừ nhân chia là đủ. Còn công việc sau đó, hơi vất vả một chút. Tôi sẽ chỉ cách cho chú em làm. Ðóng cọc, vác củi sắp vào từng thước khối… Tiền bạc không có dư, nhưng cũng sống được qua ngày.”

Thế đấy. Tiền bạc không có dư, nhưng cũng sống được qua ngày. Tôi phụ việc với Ba Canh, làm nơi bãi đất ở cuối xóm, giáp với bìa rừng. Gỗ súc và củi từ trong rừng đem ra chất đống nơi đây, chờ chuyển đi các nơi xa. Dân xe be, và bọn thợ rừng gọi bãi này là Bến Củi.

Bến Củi nằm trong địa phận Tầm Lanh, nhưng trong những giao tiếp làm ăn, người ta quen nói Bến Củi. Càng về sau, nhắc đến Tầm Lanh không còn mấy người biết nữa. Mọi sinh hoat rộn rịp của Tầm Lanh, chỉ diễn ra nơi Bến Củi, chừng vài tiếng đồng hồ vào giữa trưa, khi bọn thợ từ rừng ra, lái gỗ từ các nơi tới. Lăng xăng đo đạc, trả giá. Xuống củi từ những xe bò xe trâu, hoặc cẩu những thanh gỗ súc lên xe be. Xong, họ chia tay. Bọn thợ xách cưa trở vô rừng. Và lái gỗ cùng những chiếc xe be rời Bến Củi bằng con đường đất ngoằn nghèo dài hun hun hút, dưới những tán lá rậm hai bên đường.

Tôi là kẻ thất cơ lỡ vận phải vào Tầm Lanh kiếm sống đã đành. Có một thành phần khác, không ai ngờ, cũng vào đây. Ðó là những cô đã một thời đem thân xác mình phục vụ cho khách mua hoa nơi các phố thị đông người. Nay nhan sắc đã tàn phai, không còn đủ sức bon chen với đám đàn em mới vô nghề. Họ quay ra đón khách dọc đường, lưu động theo các chuyến xe chạy đường xa, có khi còn vào tận chốn rừng sâu với bọn thợ rừng. Mỗi lần nhìn thấy các cô em tóc tai rối bời gió bụi trên chuyến xe đi đến, hoặc mặt mũi bơ phờ từ rừng trở ta, lòng tôi trắc ẩn. Có lẽ họ cũng nhìn thấy tôi là kẻ hết thời, không hơn gì “con vạc ăn sương” như họ. Cùng một nòi lưu lạc, dễ thông cảm nhau, và từ đó sinh ra cảm tình.

Buổi trưa. Tôi ngồi trốn nắng dưới bóng cây. Một cô sà đến, ngồi kế bên, nói rất tự nhiên như đã quen thân tự kiếp nào: “Em đi lưu diễn nhiều nơi, Chưa thấy nơi nào buồn như nơi này.”

Tôi cười vì hai tiếng “lưu diễn”, và lắc đầu nhẹ, tỏ ý chán đời, đồng cảm.

Tôi hỏi: “Em tên gì?”

“Kiều.”

“Tên thật của em hả?”

“Không. Hồi em mới bước chân vô nghề, có thằng cha tự xưng thi sĩ, gọi em là Thúy Kiều. Nghe cái tên cũng hay hay, em xưng Thúy Kiều luôn. Không biết tại sao, khi em nói tên em là Thúy Kiều, có nhiều người cười. Chắc họ biết tên giả. Em bỏ bớt chữ Thúy, chỉ còn Kiều. Em xài tên Kiều cho đến bây giờ.”

“Sau này, nếu có ai còn cười nữa, em thêm chữ Giáng, thành Giáng Kiều. Người ta sẽ hết cười.”

“Ừ, Giáng Kiều. Tên cũng đẹp.”

Cô thò tay vào xú chiêng móc ra một gói thuốc Hoa Mai. Bao thuốc bèo nhèo, điếu thuốc cong queo. Cô châm lửa hút vài hơi rồi trao cho tôi.

“Hút đi. Nhìn chi mà nhìn dữ vậy?”

Tôi nói: “Xú chiêng chứ đâu phải túi đựng đồ mà cho gói thuốc vào trong ấy.”

“Em còn nhét cả tiền nữa. Thời quỷ vương, bọn cướp giựt đầy đường. Mang bóp đầm, đi õng eọ, dễ làm mồi cho tụi nó lắm.”

Tôi ngó vơ vẩn ra bìa rừng.

Cô nhìn tôi một lúc, lại nói: “Năm bảy năm về trước, cặp vú em no tròn đầy đặn. Bao nhiêu thằng mê em, chỉ muốn vục mặt vào đó. Còn bây giờ thì…” Cô bỏ lửng câu nói.

Tôi hỏi: “Bây giờ thì sao?”

“Hỏi mỉa em hả?”

“Không. Anh đang nghĩ đến luật đào thải phũ phàng khắc nghiệt của tạo hoá.”

Cô khoát tay: “Ối. Hơi đâu mà nghĩ luật này luật kia cho mệt. Em chỉ hận lũ đàn ông. Ðàn ông là thứ mới chuộng cũ vong, là thứ phản bội, trời đánh thánh đâm.”

Tôi kêu lên: “Trời đất! Có phải vì nóng nực, làm em nổi giận bất thường? Em hận thằng nào thì chửi thằng đó. Sao bỗng dưng lại trút căm hờn vào anh?”

“Em không nói anh.”

“Anh không phải đàn ông sao?”

“Ðàn ông, nhưng em trừ anh ra.” Cô cười. “Thôi, mình lại quán uống nước đá đi anh. Em bao.” Và đứng dậy, nắm tay tôi kéo đi.

Ðang đi, cô hỏi: “Anh mấy tuổi?”

“Bốn mươi ba.”

“Vợ con ra sao?” Cô liếc mắt, dí ngón tay vào trán tôi. “Ðừng nói với em rằng anh còn độc thân nhe.”

“Em điều tra giống như công an phòng thẩm vấn.”

“A…, nhắc đến công an, em lại nổi sùng. Bọn nó ruồng bắt tụi em, đưa vào trại Phục Hồi Nhân Phẩm. Phục cái mả cha nó, chứ phục hồi gì. Ðứa nào “thâm niên công vụ” như em, nó đẩy đi lao động, phơi nắng cháy da. Ðứa nào còn trẻ đẹp, nó giữ lại, chơi ngày chơi đêm muốn ngất xỉu, kêu trời không thấu. Những thằng công an của trại Phục Hồi Nhân Phẩm, bản mặt thằng nào cũng tái mét xanh xao, mắt quầng thâm vì chơi bời trác táng quá độ. Có thằng ghẻ lác đầy mình, con vi trùng giang mai đã rúc vô tận xương tủy của nó rồi.”

“Em hay bắt quàng, từ chuyện nọ xọ chuyện kia.”

“Thôi, trở lại chuyện của anh. Vợ anh đâu?”

“Gửi cho bà già vợ nuôi. Còn anh lo nuôi thân anh.”

Cô ngó tôi, cười cười: “Hỏi thiệt nhe. Có thích em không?”

“Ðừng hỏi tầm phào.”

“Cái mặt làm bộ sầu đời, cách nói chuyện cà tững của anh, nhiều em gái ngây thơ chịu lắm. Tụi mình kết duyên thành chồng vợ được đấy.”

“Ðể ôm nhau chết đói hả?”

“Em tình nguyện đi làm nuôi anh.”

“Ði khách đem tiền về nuôi anh?”

“Không. Em chán cái nghề này lắm rồi.”

Chúng tôi ngồi dưới chái hiên quán Ba Canh. Chị Ba chủ quán mang nước đến, rồi bỏ đi ngay như muốn tránh mặt.

Cô Kiều nhìn theo sau lưng chị Ba, kề tai tôi, nói nhỏ: “Em còn lạ gì con đĩ ngựa này. Nó đỏng đảnh với mấy thằng xe be ngoài chợ, Ai chẳng biết,”

“Thôi. Chuyện người ta. Mắc mớ gì em.”

“Hứ! Cái thứ rượn đực, còn làm ra vẻ khinh người. Khó ưa.”

Cô nguýt dài. Ðuôi mắt đã có dấu hiệu xếp nếp thời gian.

Tầm Lanh chỉ có một quán tạp hoá duy nhất của Ba Canh, nằm kế Bến Củi. Bên hông quán, che thêm cái chái dùng làm nơi bán thịt rừng, và nước đá giải khát buổi trưa cho những người sinh hoạt nơi Bến Củi. Ba Canh giao quán cho vợ con trông coi. Còn anh, lo chạy vòng ngoài. Vào rừng mua lại thịt tươi từ các tay săn bẫy thú, hoặc theo xe be ra chợ bổ thêm hàng hóa về cho vợ. Nhiều khi công việc bề bộn, vợ anh phải thay thế ra chợ bổ hàng. Việc này cũng mất khá nhiều thời gian, phải ở lại qua đêm, hôm sau mới có chuyến xe vào lại Tầm Lanh. Vì phải ở lại qua đêm, nên chị Ba mang nhiều tai tiếng lăng nhăng với dân xe be và lái gổ. Người ta xầm xì về chuyện này, nhưng Ba Canh không hề hay biết. Trời sanh ra anh để nhìn đời theo con đường thẳng, chứ không phải để nghi ngờ dò xét ở những khúc quanh.

Trời nắng loá. Trông ra Bến Củi, mặt đất dường bốc hơi thành gợn sóng. Những xe be đã bắt đầu rục rịch, chuẩn bị rời bãi.

Cô Kiều nói: “Em phải về. Anh có muốn em ở lại không?”

“Anh không có tiền.”

“Miễn phí cho anh.”

“Anh trú miễu ở đình. Làm bậy Quỷ Thần vật chết. Thôi, em về đi.”

“Về lần này, có lẽ em không trở vô nữa. Em muốn đổi nghề, kiếm chuyện khác làm ăn.”

“Ừ, được đấy. Em cũng lớn tuồi rồi. Phải nghĩ tới tương lai.”

Cô than thở: “Em muốn về quê cũ, làm lại cuộc đời. Nhưng em hư quá, vô phương quay về.”

“Thì đi nơi khác. Buôn gánh bán bưng gì cũng được.”

“Phải có một căn bản gia đình, mà em thì cô đơn, anh ạ.” Cô thở dài.

Tôi an ủi: “Từ từ, em cũng sẽ kiếm được người thương em.”

Ngoài bãi, có tiếng kêu ơi ới. Xe sắp rời Bến Củi.

Cô đứng dậy: “Em đi nhe. Chắc mình không gặp nhau nữa đâu.”

Cô bước đi xa, còn ngoảnh đầu ngó lại. Bỗng cô trở gót, quay vào cầm tay tôi: “Coi… kìa…, cái mặt buồn buồn, dễ ghét. Bộ thương em hả?”

“Thôi mà, đừng có đùa. Bao nhiêu người dòm ngó.”

“Dòm, kệ họ. Mai mốt có ra chợ, nhớ tìm em nhe?”

Tôi hối: “Ðược rồi. Em đi đi. Trễ chuyến xe bây giờ.”

Cô lầm lũi đi nhanh ra Bến Củi, lên xe, đưa tay vẫy vẫy. Tôi trông theo, cảm thấy nao nao. Không biết lòng mình ra sao nữa.

Tôi ngồi lại với nỗi trống không, buồn vô cớ.

Chị Ba bước ra hiên, dọn những ly tách trên bàn, nói: “Cặp kè với loại người ấy, chỉ mất mặt.”
“Nói chuyện thôi. Ðã có gì đâu?”

“Còn muốn có gì nữa hả? Anh Ba Canh giúp anh có cơm để sống, chứ không phải để anh đem tiền bao gái.”

“Chị thấy tôi có lạng quạng với ai không?”

“Chuyện khuất lấp ban đêm, chỉ có trời biết. Còn chuyện ban ngày, đã rõ trắng đen. Bạ ai cũng tán tỉnh, thượng vàng hạ cám không chừa thứ nào.”

Thái độ và lời lẽ của chị Ba làm tôi ngạc nhiên. Chị đâu có quyền nói những lời gay gắt như thế với tôi. Nghĩ tới tình nghĩa anh Ba Canh lâu nay, tôi không nỡ phản ứng làm mất lòng người vợ của anh.

Tôi nói: “Chị hơi nặng lời đấy.” Và bỏ đi ra bãi.

Bến Củi không còn ai. Tôi một mình vác củi chất vào từng thước khối theo những cây cọc, Ba Canh đã đóng sẵn từ trước. Hôm nay, anh theo xe ra chợ lấy hàng.

Tôi làm mãi đến xế chiều. Khô cổ, khát nước, mồ hôi đầm lưng áo. Trời đứng gió, oi nồng. Muốn vào quán để uống ly nước đá, nhưng nghĩ lại thái độ khó chịu của chị Ba, tôi ngại. Tôi đi chếch về phía tây Bến Củi, nơi có ngôi đình, lâu ngày không được trùng tu.

Hồi mới tới đây, trông thấy một bên hiên đình quằn xuống sắp đổ. Hình ảnh hư hao tàn tạ cuốn hút lòng tôi. Tìm ở đâu cho xa. Một nơi chốn mà người đời quên lãng, sẽ là nơi trú ngụ an toàn cho con chim tơi tả trước cơn dông thời cuộc. Mái đình xưa, lợp ngói âm dương, phủ màu rêu xám. Cuối nóc đình, chỗ giáp với đầu hồi, có gắn con hạc bằng đồng thau, xoãi cánh như đang cố sức một cách tuyệt vọng, chấp chới bay lên để thoát khỏi sự sụp đổ của thời gian, nhưng đôi chân tội nghiệp cứ dính chặc với ngôi đình. Phía sau con hạc, cỏ dại và những cây con mọc đầy trên mái. Lớp lớp rêu cỏ, âm thầm nói lên biết bao điều ý nghĩa. Những ai hăm hỡ xẻ gỗ dựng đình từ thế kỷ trước, đều khuất bóng cả rồi. Thần linh phiêu hốt nơi đâu, mà tượng gỗ xiêu xó nơi này. Dù không được trùng tu, nhưng số phận ngôi đình vẫn còn may mắn. Nhờ vào vị thế địa dư hẻo lánh, và không có tiếng tăm linh hiển vang xa, nên ngôi đình thoát được cái hoạ san bằng, bởi chiến dịch triệt hạ những đình chùa lăng miếu, quét sạch nền văn hoá cũ của bao đời cha ông để lại.

Ðã bao nhiêu đêm, tôi nằm trăn trở dưới mái hậu liêu, sau đình. Nghe chim đớp muỗi vỗ cánh chạm xạc xào trong khóm lá ngoài kia. Nghe tiếng dơi chí choé cắn nhau giành chỗ đậu, dưới mái ngói bên hàng hiên sắp đổ. Thấm thía nhứt là tiếng vạc kêu sương, rớt xuống tự trên lưng chừng trời. Dường như trong tịch mịch lặng im, tiếng vạc lẻ loi, làm tôi thấy rõ hơn về nỗi quạnh hiu của lòng mình. Những đêm trăng tỏ, tôi thường đứng trông ra Bến Củi. Những khối củi mập mờ nhìn từ xa, giống như những chiếc xe tăng đang lổn nhổn tiến về phía bìa rừng. Bồi hồi nhớ lại thời còn chiến tranh. Một binh lực hùng mạnh là thế, bỗng một ngày tán loạn rã tan. Chuyện vô lý, tưởng chừng như cơn mơ. Ðến khi lủ khủ dắt nhau vào tù, mới bừng ra sự thật. Từ ấy trở đi, lý lịch tôi mang một dấu ấn lớn, không mong gì xoá được để làm lại cuộc đời. Tôi về Tầm Lanh như người xưa bất đắc chí, quay về sằn dã. Ẩn nhẫn mà sống. Nhưng, sao bất cứ nơi nào, tôi cũng thấy bi đát. Hoàn cảnh một cô Kiều trưa nay, cũng làm tôi suy nghĩ. Tôi có hơn gì cô đâu. Ðời đã lâm vào thế bí. Trở lui không được, tiến tới không xong…

Ðêm đã khuya. Sương xuống lạnh màu trăng. Hình như có tiếng chân ai dẵm lên những phiến lá khô ngoài sân đình. Tôi nhỏm dậy. Một người vừa bước đến bên thềm hậu liêu.

Tôi ngạc nhiên: “Chị Ba. Có gì gấp mà giờ này ra đây?”

“Cũng có chút việc.” Chị nói nhỏ giọng.

“Tôi có thể giúp chị không?” Vừa hỏi, tôi vừa vén tấm mùng, vắt lên nóc.

Chị e dè ngồi xuống mép giường: “Anh có giận tôi không?”

“Giận chuyện gì?”

“Hồi trưa, tôi lỡ lời.”

“Không đâu. Chị nói cũng đúng. Tôi hay rà rê với mấy cô ấy.”

“Tôi biết anh làm thế, vì buồn.”

“Vâng. Tán gẫu cho qua ngày.”

“Nhưng anh phải lựa người chứ.”

“Có tính chuyện lâu dài đâu mà chọn lựa?”

“Giữa ban ngày, kề vai bá cổ với gái điếm, không sợ người ta cười sao?”

“Cái thân cùng đinh mạt kiếp như tôi, còn sợ ai cười nữa?”

“Thấy chướng quá, tôi có nói nặng lời. Anh buồn không?”

“Tôi buồn, nhưng không phải buồn chị”

Chị ngó tôi, cười cười: “Buồn ai?”

“Buồn vì… buồn. Thế thôi.” Tôi ngập ngừng lúng túng. Cảm giác có điều gì bất thường.

“Buồn vì cô đơn hả?” Con mắt chị liếc nhẹ, gợi tình thì thôi.

Dưới ánh trăng khuya nghiêng rọi vào hậu liêu, nét mặt chị Ba có sức quyến rũ lạ lùng. Mùi xà bông chanh trên tóc, mùi đàn bà quyện vào nhau thoang thoảng. Những đêm nằm một mình dười mái hậu liêu, tôi thèm được ôm một người đàn bà. Nhưng, chưa bao giờ tôi nghĩ người ấy là chị Ba.

“Nói đi. Có phải buồn vì cô đơn?” Chị lẵng lơ nhìn tôi, và đưa tay vén mớ tóc giạt qua một bên cổ. Bộ ngực vun đầy của chị phập phồng dưới lớp áo mỏng.

Tôi chống đỡ sự quyến rũ một cách yếu ớt: “Chị Ba ơi…, còn anh Ba Canh.”

Nói thế, nhưng hình ảnh Ba Canh đã mờ nhạt trong trí tôi rồi.

Chị nói: “Ảnh đi ra chợ. Anh cũng biết mà.”

Hơi hướm từ cổ chị Ba phả vào mũi tôi, cám dỗ. Và tôi cũng nghe rõ cả hơi thở hồi hộp của mình nữa.

Có tiếng dơi kêu chí choé bên kia hàng hiên. Bỗng dưng, tôi cảm tưởng như tất cả những bức tượng ngả nghiêng đóng bụi trong đình, đều chỗi dậy. Quỷ Thần kéo nhau ra hậu liêu, đứng nhìn chị Ba và tôi. Tôi chợt nhớ lại ngày còn bé, đọc chuyện Một Vị Quan Thanh Liêm đời xưa, trong sách Giáo Khoa Thư: Có người mang của hối lộ đến. Vị quan từ chối. Người ấy nói: “Xin quan cứ nhận. Chuyện này không ai biết.” Vị quan nói: “Sao lại không? Ông biết. Tôi biết. Quỷ Thần Trời Ðất biết.” Chuyện của Chị Ba và tôi đêm nay, dù anh Ba Canh không biết, nhưng chị Ba biết, tôi biết, và Quỷ Thần Trời Ðất biết.

Ngọn đèn lương tâm leo lét sắp tắt rồi. Tôi cố lấy lại bình tĩnh, bước xuống giường, ra đứng ngoài hiên, lơ lãng nhìn trăng.

Tôi gọi, vừa tha thiết, vừa khước từ: “Chị Ba ơi… Về đi. Lỡ có người trông thấy thì… chết.”

Chị ngỡ ngàng, ngồi sững lâu lắm. Tội nghiệp chị. Tôi muốn quay lại ôm lấy cái thân thể chín muồi dục vọng, ngả trên mặt giường, âu yếm. Ðời có ra sao thì ra.

Bất ngờ chị nói: “Thôi, tôi về. Ðã theo tán tỉnh mấy con đĩ, còn lên mặt đạo đức làm cao.”

Câu nói như một gáo nước lạnh dội xối vào mặt tôi, bừng tĩnh.

Chị thay đổi nhanh vô cùng. Mặt lạnh băng, vùng vằng bỏ đi. Không biết nghĩ sao, chị dừng lại, ngập ngừng: “Anh hứa không nói với ai?”

“Vâng. Tôi hứa.”

Chị quay lưng. Thấp thoáng dưới trăng, bóng chị Ba mờ khuất ngoài Bến Củi.

Tôi nằm thức suốt đêm. Thầm tiếc dịp may, nhưng cảm thấy yên lòng. Ngày mai, nhìn lại anh Ba Canh mà không hề thấy ngượng.

Bình minh lên. Quạ kêu trên đầu cây sao già. Tiếng quạ kêu nghe thảm. Trong tiếng quạ sáng nay, dường như có thêm một điều gì thảng thốt. Có lẽ, hồn tôi bắt đầu nhuốm bệnh?

* * *

Mọi sinh hoạt của Tầm Lanh, Bến Củi vẫn bình thường. Chị Ba đối với tôi, cũng bình thường. Nhiều khi tôi tự hỏi, chị có còn nhớ gì trong đêm ấy không? Khó mà biết được ý nghĩ của chị. Trong cái đầu của mỗi người đàn bà, có cả một kho tàng bí mật.

Anh Ba Canh bao giờ cũng tử tế. Lòng anh đơn giản. Anh tưởng lòng người cũng đơn giản như anh. Anh thường khuyên tôi, nên tìm một người đàn bà goá, để gán ghép hai cuộc đời cô đơn làm một. Vì quá thật thà, anh đâu biết rằng có những cặp vợ chồng đang sống trên lưỡi dao cạo. Ðến một ngày nào đó, hiểu ra thì con tim đã bị cứa nát rồi. Chừng nào anh Ba Canh mới thấu được lòng dạ chị Ba? Lúc ấy, liệu anh làm sao với con tim chảy máu của mình?

Ba năm tôi ở Tầm Lanh. Kẻ lạ chợt đến chợt đi. Tình người dưng nước lã. Tôi nương tựa vào gia đình Ba Canh, và coi đây là chỗ thân tình duy nhất. Ðứa con gái lớn của anh, tên Mận, học hành dang dở. Tôi đến chơi, thường vẫn dạy thêm cho Mận về văn học, sử ký, địa dư, khoa học thường thức. Năm mười lăm tuổi, Mận nghĩ chuyện gì ở trên đời, tôi cũng thông suốt.

Có lần, Mận hỏi: “Chú ơi, muối lấy từ đâu?”

Tôi nói: “Từ trong nước biển.”

“Tại sao nước biển có muối nhỉ?”

“Vì nước biển mặn.”

“Tại sao nước biển mặn?”

“Vì nước biển có muối.”

Cái kiểu trả lời theo chu kỳ vòng tròn của tôi, làm hai chú cháu cười ngất.

Năm mười sáu tuổi, Mận nói: “Chú ngon hơn ông Nguyễn Công Trứ.”

Tôi hỏi: “Tại sao?”

“Ông Nguyễn Công Trứ đang làm quan, bị hất xuống làm lính, vẫn chạy theo sau chiếc xe công danh réo gọi ơi ới, để leo lên nữa. Còn chú, nghe ba cháu nói, cũng đang làm quan gì đó, rồi bị đi tù, trở về đi vác củi, chứ không thèm chạy theo cách mạng.”

“Hoàn cảnh mỗi thời mỗi khác. Không so sánh thế được đâu. Cháu đừng nhắc chuyện cũ, để chú được yên thân làm nghề vác củi.”

Năm mười bảy tuổi, Mận nói: “Chú ơi, chú giống ông Trần Tế Xương.”

Tôi hỏi: “Ổng là thi sĩ. Chú là tiều phu. Sao lại giống nhau được?”

Mận lật quyển sách, đọc:

Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng, chừa rượu với chừa trà.

Rồi ngước lên nhìn tôi: “Chú cũng vậy. Không chừa được đàn bà.”

“Ðàn bà đâu? Chú đang sống một mình mà.”

“Hừm… Cháu thấy mấy cô làm… điếm, bu vào chú nói chuyện hoài.”

“Ừ, thì nói chuyện cho… vui.”

“Không được. Chú phải chừa cái thứ ba luôn.”

Tôi kêu: “Trời ơi. Chú đâu phải thầy tu mà chịu đủ thứ điều răn, giới luật?”

Mận khẳng định: “Người tốt không giao thiệp với người xấu.”

Trong mắt Mận, tôi là người tốt. Mận không muốn tôi lân la gần gũi những người mà Mận cho rằng xấu. Mận đâu biết trên cõi đời ô trọc này, không thể nhìn bề ngoài con người mà tỏ được vàng thau. Mận thừa hưởng tấm nhan sắc tương đối mặn mà của mẹ, còn tính nết ra sao, chỉ có trời biết.

Một chiều, nghỉ việc sớm. Tôi thơ thẩn trên sân đình.

Mận đến, nói: “Má cháu bảo đem biếu chú trái dưa hấu đầu mùa.” Và đặt trái dưa xuống bậc thềm.

Tôi nói: “Tránh chỗ đó. Coi chừng mái hiên sập xuống bất cứ lúc nào.”

Chúng tôi vòng ra đứng trước tiền đình, cửa chính.

Mận nhìn cánh cửa, mối mọt hư hao: “Cái đình này, ghê quá.”

“Cháu có vào bên trong bao giờ chưa?”

“Hồi nhỏ, cháu thường vào mỗi khi có dịp cúng đình. Nghe nói Thần đình được sắc phong của vua. Sắc đựng trong cái hộp gỗ, để bên cạnh bức tượng.”

“Mình vào coi thử đi.”

Tôi mở cửa chính điện. Bụi thời gian lả tả, rơi đầy trên tóc trên vai. Mùi cứt dơi xông nồng lên mũi. Nền đình lót gạch Tàu, bản lớn. Dấu chân chúng tôi in trên màu bụi xám. Ánh sáng bên ngoài hắt qua cửa chính mờ mờ, đủ nhìn thấy bàn thờ, và bức tượng. Hai tấm liễn màu đỏ rủ xuống hai bên, viết bằng Hán tự. Bụi phủ, nhện giăng. Tượng Thần không lớn mà uy nghiêm. Hộp đựng sắc vua phong làm bằng gỗ mun, được che bởi miếng vải lụa điều. Tôi giở miếng vải lụa. Trên nắp hộp có khắc hình một con rồng khảm xa cừ.

Tôi toan mở, Mận ngăn: “Không được.”

Tôi quay lại nhìn: “Sao không?.”

“Chẳng phải ai cũng có thể mở hộp ra coi được đâu.”

“Cháu nghe nói, chỉ những vị chức sắc phải làm lễ xin phép Thần, trước khi mở hộp.”

“Những vị chức sắc, bây giờ ở đâu?”

“Không biết.” Mận đứng nép vào tôi, ngó dáo dác chung quanh. “Mình đi ra, chú. Vào đây, cháu thấy sờ sợ.”

Vì tôn trọng tín ngưỡng và tập tục lễ nghi của ngưới đời trước, tôi không mở hộp để coi sắc phong thần vua ban,

Tôi nói: “Mai cháu đem cây chổi cho chú mượn. Chú muốn quét dọn bên trong ngôi đình.”

“Không. Ðừng động đến mọi vật bên trong.”

Chúng tôi ra tới cửa chính. Bất ngờ, thấy chị Ba đứng sẵn nơi tiền đình.

Tôi gọi: “Chị Ba.” Như thay thế một lời chào.

Mặt chị có vẻ khác thường: “Các người làm gì trong ấy?”

Mận nói: “Chú định coi sắc vua.”

“Hừ… Sắc vua?” Chị nắm tay Mận lôi về. Không thèm ngó đến tôi.

Tôi gặp lại Ba Canh ngoài bãi, hôm sau. Anh không nói gì. Thái độ rất lạnh.

Không chịu nổi sự im lặng của anh, tôi lên tiếng hỏi: “Chị Ba có nói với anh điều gì về tôi?”

Anh ngừng tay làm việc, rút thuốc ra hút, và đứng suy nghĩ. Mãi lâu sau, anh nói: “Tôi quý chú em, coi như người nhà. Không ngờ, chú tệ quá.” Anh thở dài.

“Nhưng chị nói những gì?”

“Những gì, chú cũng biết rồi. Con Mận còn khờ. Chú là người hiểu biết. Miếu đình là chốn linh thiêng. Sao lại đem nhau vào trong ấy làm… bậy? Không sợ Quỷ Thần quở phạt?”

“Có phải chị Ba thêu dệt chuyện này?”

“Ai dám thêu dệt chuyện động trời như thế.”

“Anh chị đã hỏi kỹ lại con Mận chưa?”

“Nó chối. Khóc kêu oan. Làm sao nó có thể nhận một hành động tồi bại?”

Tôi gắt: “Anh cũng tin lời chị sao?”

“Không tin vợ thì tin ai?” Nếu vợ tôi không bắt gặp tại trận, chỉ nghe lời đồn, thì cũng khó tin được.”

“Bắt gặp tại trận thế nào?”

“Chú là người trong cuộc, chú biết rõ hơn ai hết. Tôi không nói là vì còn nể mặt nhau.”

Tôi muốn đấm ngực, than trời. Mận khóc, kêu oan. Còn tôi, kêu với ai? Ðính chính thế nào?

“Bây giờ anh tính sao?” Tôi hỏi.

“Chuyện xảy ra quá đột ngột, tôi chưa biết đường nào giải quyết. Ðàn bà nhiều khi sáng suốt hơn mình. Vợ tôi nói, không nên làm ồn lên vụ này, vì danh dự của chú và con Mận. Nó phải giữ danh giá để mai kia còn lấy chồng nữa. Chú nên rời khỏi Tầm Lanh, cắt đứt ngay mối tình vụng trộm này.”

Cái câu, chú nên rời khỏi Tầm Lanh, làm tôi hiểu rõ ý định của chị Ba. Chị không hiểu lầm. Chỉ vì không muốn tôi còn lảng vảng quanh đây, sợ một lúc nào đó, tôi sẽ tiết lộ cái đêm trăng cũ, có lần chị đến mái lậu liêu. Nếu lần ấy, tôi đồng tình với chị, thì hai người cùng giữ bí mật. Và chị cũng không cần phải dựng đứng lên một điều không có thật giữa tôi và Mận. Bây giờ, dù tôi có vạch rõ âm mưu của chị Ba, thì anh Ba Canh cũng sẽ cho rằng tôi đặt điều bêu xấu vợ anh, để chạy tội cho mình.

Tôi nói: “Anh Ba, mai tôi rời Tầm Lanh theo ý của chị. Xin anh nhắn với chị rằng, vì muốn bảo vệ danh giá của mình, chị đã vu oan cho tôi và con Mận.”

“Vu oan? Tôi không nghĩ thế. Và cũng không hiểu chú muốn nói cái gì?”

“Hiểu sao được, khi anh đang sống ngọt ngào trên lưỡi dao cạo? Tôi và con Mận đã bị đứt tay rồi. Không biết chừng nào tới anh?”

Trên chuyến xe rời Bến Củi, tôi thấy Mận đứng dưới mái hiên, ngùi trông theo. Chẳng biết Mận có khóc hay không. Bóng xế hắt hiu trên đầu cây sao già. Ngôi đình vẫn im lìm như ngày tôi mới đến. Ba năm. Cây rừng Tầm Lanh mọc rễ trong tôi. Tôi nhổ gốc ra đi. Không có ai vẫy tay làm đưa tiễn.

Lâm Chương