có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 9 29, 2016

Đôi mắt Sóc Trăng


Ca sĩ Diệu Thanh

Sáng nay tình cờ đọc một tin đăng trong điện thư của Hội Ái Hữu Học Sinh Hoàng Diệu Ba Xuyên trường cũ, khiến tôi tỉnh ngủ hẳn dù chỉ qua một hàng chữ đơn giản ngắn gọn. Đó là tin ca sĩ Diệu Thanh hãy còn khỏe mạnh và hiện đang sinh sống tại Cam Pu Chia. Đúng là một tin vui, thiệt là vui. Thiệt tình tôi rất vui.


Tôi năm nay hình như đã già, mà hình như gì nữa, nếu tính với chừng tuổi nầy thì già lắm rồi, già ngắt già ngơ, già khú đế. Tưởng như đời sống qua sắp tan như một giấc mộng lớn, nhưng có vài chuyện nhỏ xíu nhưng làm sao mà quên cho được, làm sao quên được, như chuyện cặp mắt mơ hồ, huyền hoặc của cô bé học trò nầy. Chuyện đã trên năm mươi năm rồi mà tôi còn nhớ như in. Cặp mắt chỉ gặp được một lần trong đời....

Năm đó tôi vừa mới ra trường, tuổi còn trẻ lắm. Mỗi khi vô lớp học mới, tôi thường có thói quen lướt qua danh sách lớp, để coi tên từng học sinh, hầu đoán coi cha mẹ các cháu có ước vọng gì khi đặt tên cho con cái. Mỗi địa phương đều có khuynh hướng đặt tên khác nhau theo đặc tánh từng vùng miền. Cô học trò lớp Đệ Tứ của tôi năm đó (1964) khiến tôi bối rối, khi có một cái tên lạ lùng, làm sao đoán cho được, mà chắc chắn bất cứ ai cũng không đoán được, vì nó không phải tiếng Việt, cũng không phải tiếng Tàu mà là tiếng Miên viết bằng tiếng Tây, tôi đành chịu thua. Cô bé có cái tên là Lý Thị Soriane. Nhờ cái tên đặc biệt lạ nên dễ nhớ mà khó quên.

Quả tình như vậy, tôi không làm sao quên được cô bé học trò bé bỏng hiền lành của trường Trung Học Hoàng Diệu Sóc Trăng ngày xưa. Soriane tánh tình ngoan ngoãn hiền lành, ngồi thu mình, im lặng khép nép, chìm lĩm ở giữa lớp. Nhìn chung Soriane là vậy, dáng vẻ trung bình, bài làm trung bình, ăn nói đi đứng vừa phải, nói chung cái gì cũng trung bình nếu không muốn nói là không có gì nổi bật. Thiệt là không có gì nổi bật không ? Quả tình không phải vậy, điều nhận xét nầy của tôi sai rồi. Phải rồi, cặp mắt của Lý Thị Soriane không hề giống bất kỳ cặp mắt nào mà tôi đã từng găp qua. Cô bé có cặp mắt đen tuyền lạ lùng, vừa ngây thơ, vừa trong sáng, ánh mắt vừa mông lung, vừa huyền ảo. Mỗi lần đứng trên bục giảng nhìn xuống, bắt gặp ánh mắt nầy tôi như bị lạc vào một khu rừng hoang đầy ma quái hoặc biển cả mênh mang sóng nước chập chùng, không biết đâu là bến là bờ.... Cho đến bây giờ quả tình tôi không biết được cô bé Lý Thị Soriane lớp Đệ Tứ năm đó có nghe lời giảng của tôi bằng đôi mắt Sóc Trăng đó hay không?

Học sinh trung học Hoàng Diệu

Trung Học Hoàng Diệu thường tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ học trò và mỗi buổi hát hò như vậy thì Soriane đều góp mặt. Giọng hát của em cũng giống như cặp mắt êm ái, dịu dàng và huyền hoặc. Học lực thì trung bình nhưng hát hò thì nổi bật, không thua bất cứ một em nào trong trường. Thiệt ra tôi không rành về âm nhạc nên không dám nhận xét phán đoán hay dở, hơn kém là như thế nào.

Cho đến một ngày thì Lý Thị Soriane đến gặp riêng tôi và cho biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tình cờ nghe em hát trên Đài Phát Thanh Ba Xuyên, khám phá ra giọng đặc biệt của em và muốn đưa em về Sài Gòn để để đào tạo thành ca sĩ chủ lực cho công ty dĩa nhạc Continental của ông, cũng như ca sĩ Thanh Tuyền vừa được đưa về từ Đà Lạt. Em có trình bày cho tôi biết, gia cảnh sẽ khó khăn nếu về Sài Gòn và rất bở ngở với cuộc sống nơi đây. Nghe xong không kịp suy nghĩ gì hết, tôi mừng quá và khuyến khích em nên tận dụng cơ hội hiếm có nầy. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông rất nổi tiếng, có nhiều ảnh hưởng lớn trong ngành âm nhạc nghệ thuật quốc gia, có thể giúp em thành danh, làm nên tên tuổi và thay đổi hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn.

Từ đó trương Hoàng Diệu không còn bóng dáng cô học sinh bé bỏng ngây thơ Lý Thị Soriane ngày ngày ôm cặp sách đi học ngang qua những con đường đầy hoa phượng đỏ mà trên Đài Phát Thanh Sài Gòn xuất hiện một ca sĩ mới có tên là Diệu Thanh, thường hát xen lẫn với các ca sĩ Thanh Tuyền, Lệ Thanh... Tôi sung sướng và rất hãnh diện khi thấy tên tuổi Diệu Thanh xuất hiện trên các báo, các đài truyền thanh. Cho đến một ngày bổng dưng không thấy Diệu Thanh xuất hiện như thường lệ, mà cũng với giọng ca đó được giới thiệu một cái tên lạ, ca sĩ Trúc Thanh. Diệu Thanh được đổi thành Trúc Thanh. Nhưng chuyện thay đổi danh hiệu để ca hát cho thuận lợi hơn cũng không được lâu bền.

Một buổi sáng nào đó năm 1967 Diệu Thanh trở về Hoàng Diệu găp tôi tại lớp với bộ đồ bà ba đen quen thuộc, vẫn với cặp mắt đen ngơ ngác, mơ hồ, dịu dàng thăm hỏi người thầy giáo cũ năm xưa và cho biết em quyết định rời xa ánh đèn sân khấu muôn màu, rời xa Sài Gòn, trở về tiếp tục cuộc sống yên bình ở Sóc Trăng. Tôi hấp tấp hỏi lý do tại sao và em không trả lời, nói sang chuyện khác. Có lẽ đó là câu hỏi khó tôi đặt ra cho em. Chuyện phải quyết định cho cả đời, làm sao mà nói ra cho được. Tôi lờ mờ hiểu và thông cảm. Lý Thị Soriane vẫn là cô bé học trò Hoàng Diệu Sóc Trăng trong sáng ngây thơ. Đúng hay sai, khôn hay dại, tôi làm sao biết được. Nhưng có một điều tôi chắc chắn là cả đời, khi nhắc tới em là không bao giờ tôi quên được và luôn luôn quí trọng và thương mến. Tôi cũng biết ró rõ tánh tình Soriane hiền lành thụ động, an phận, làm sao chen lấn nổi trong cái không khí văn nghệ sôi động ồn ào, trong cuộc sống bon chen đất Sài Gòn đầy cát bụi, nắng gió. Cô học trò bé bỏng ngây thơ, trong sáng yếu ớt đáng thương của tôi.

Lý Thị Soriane ơi, không phải chỉ có em thất bại trong cuộc sống đâu, mà ở tận phương trời xa lạnh lẽo nầy, thầy cũng đâu có hơn gì em. Ước chi có cuộn chỉ thần, thầy trò mình quay lại chuyện ngày xưa, năm mươi năm trước Hoàng Diệu của mình với các lớp học, với những gốc cồng xanh mướt, với thầy với bạn, thì sung sướng biết bao nhiêu. Hình như cuộc sống dưới mái trường hạnh phúc, vui tươi ấm áp hơn là cuộc sống tranh giành hơn thua đầy bão táp, nắng gió ngoài đời, phải không vậy Soriane?

Phải lâu thiệt là lâu, thầy mới thấy được điều đó. Nhưng khi thấy đươc thì đã trễ muộn lắm rồi. Trễ lắm rồi, trễ thiệt rồi... Đời sống có những bước đi với những biến động của nó và thời gian quả thật vô tình!


Võ Kỳ Điền
(13 avril 2016)


http://chimvie3.free.fr/64/vkdn_DoiMatSocTrang_064.htm