Caitlin Doughty, tác giả quyển Khói Vương Vào Mắt
Năm Caitlin Doughty 8 tuổi, cô chứng kiến tận mắt một bé gái té từ tầng lầu cao xuống chết ngay tại chỗ. Cô nhớ rõ tiếng “bịch!” lạnh lùng khi đầu đứa bé va lên chiếc bục gỗ cứng.
Cô lập tức được dẫn đi khỏi nơi xảy ra tai nạn và người lớn chung quanh cô không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa. Tuy nhiên, mấy năm liền sau đó cô bị ám ảnh nặng nề bởi nỗi sợ hãi về sự chết, cho bản thân cô và cho những người trong gia đình cô. Sau nầy Caitlin nghĩ lại nếu lúc đó cô có cơ hội được giải thích và đối mặt một cách chính chắn với những gì xảy ra thì có lẽ cô đã không lâm vào trạng thái khủng hoảng tinh thần như vậy.
Cảnh tượng đứa bé gái té chết là một khoảnh khắc đầy hãi hùng trong trí óc của Caitlin. Nhưng đó cũng là nguyên nhân khởi đầu một sự hiếu kỳ đeo đuổi Caitlin suốt đời cô.
Caitlin trở thành hiếu kỳ về sự chết. Ban đầu xuất phát từ sợ hãi. Nhưng dần dần nỗi sợ hãi được thay thế bởi lòng ham muốn được hiểu biết thêm về sự chết. Về tất cả những gì liên quan đến sự chết. Cô thường nghe tiếng “bịch” lạnh lùng đó lập đi lập lại liên tục trong đầu, như một nhịp trống đều đặn suốt thời thơ ấu của cô.
Cô cho biết cô nghĩ về sự chết thường xuyên trong ngày, mỗi ngày. Trong tiềm thức trẻ con của cô, có một cái gì thúc giục cô phải đối đầu sự sợ hãi đó. Sau nầy cô biết là để chinh phục nó. Bây giờ cô thản nhiên nói về chuyện nầy như đang nhắc đến một mối tình học trò vụng về chớ không phải một cái gì bi thảm đáng ghê sợ cả.
Lúc đó Caitlin bắt đầu tìm đọc những gì cô có thể kiếm được chung quanh cô. Ở trung học, cô tình nguyện làm việc thực tập trong nhà xác ở bệnh viện địa phương. Khi vào đại học, cô chọn khoa chuyên ngành lịch sử Trung Cổ, chú trọng về các hình thức mai táng. Cô say mê khảo cứu và viết những tiểu luận như “Ý Niệm về Sự Chết của Các Dân Tộc Thiểu Số ở Pago Pago”. Nhưng sách vở và tài liệu đã không thỏa mãn được Caitlin. Cô muốn những kinh nghiệm thực tế bản thân liên quan đến sự chết. Vì thế vào năm 2006, lúc 23 tuổi, việc làm đầu tiên cô là nhân viên của lò hỏa táng Pacific Interment ở San Francisco.
Caitlin cho biết, ngay từ những ngày đầu làm việc ở đây, điều làm chấn động cô nhất không chỉ là số lượng tử thi chồng chất chung quanh cô mà còn là sự vắng mặt của tang gia. Phần đông gia đình người chết hầu như không can dự gì mấy vào quá trình tang lễ cho thân nhân họ. Sau khi họ giao thi thể người chết cho nhà quàn rồi thì nhiều gia đình cắt đứt hẳn mọi liên hệ với thi hài đó. Nhà quàn làm đủ mọi những gì cần làm và gia đình chỉ tham dự tang lễ với tư cách không khác lắm như các quan khách đến phúng điếu.
Caitlin Doughty trước lò hỏa táng
Caitlin kể lại nhiều trường hợp gia đình hoàn toàn vắng mặt ngay cả trong buổi hỏa táng của thi hài thân nhân họ. Rất nhiều khi, công việc của cô là đến nhà người chết nhận lấy tử thi, bỏ vào chiếc xe vận tải nhỏ, lái trở về trại hỏa thiêu, đưa tử thi vào lò đốt chờ khi cháy rụi rồi lấy tro ra đem trả về gia đình của họ. Và trong suốt quá trình nầy thường là chỉ có một mình cô và tử thi mà thôi. Không có một ai khác phụ giúp cô cả, và cũng không có một thân nhân nào hiện diện.
Theo Caitlin, đây là triệu chứng của một sự sợ hãi sâu đậm trong xã hội Mỹ nói riêng, và Tây Phương nói chung, về sự chết. Người ta tránh né sự chết bằng mọi cách. Ngay cả khi người thân của họ qua đời, họ cũng không muốn, và không dám, đối diện với sự chết. Họ có thể rất thương tiếc và đau buồn. Tuy vậy họ vẫn không ngần ngại sử dụng dịch vụ của nhà quàn để giải quyết thi hài của người thân họ với càng ít sự tham gia của họ càng tốt.
Trong môi trường thiên nhiên, sự chết xảy ra dễ dàng và thường xuyên cho mọi sinh vật, từ sơ sinh đến những thành viên khỏe mạnh nhất. Tuy vậy có điều gì đó làm con người vẫn không thể chấp nhận được cái thực tế lạnh lùng ấy. Sự tiến triển vượt bực của y khoa trong 5, 7 thập niên gần đây đã dời chuyển sự chết ra ngoài tầm mắt thường ngày của chúng ta. Trừ các trường hợp tai nạn, người ta sống càng lúc càng lâu; càng nhiều bệnh tật chữa trị được và càng đông người chết rất già. Sự chết ngày nay thường xảy ra trong bệnh viện chớ không còn xảy ra ở tư gia nữa. Ngoài ra, từ khoảng 1930 trở đi trong môi trường thành thị ngày càng đông đúc, ngành tống táng cũng phát triển mạnh. Những chuyên viên y tế và chuyên viên tống táng không ngừng thuyết phục chúng ta rằng chúng ta không nên chết ở tư gia cũng như không nên tự lo liệu về tang lễ nữa. Họ cho rằng họ trang bị đầy đủ hơn để thay mặt chúng ta đảm lãnh những trách nhiệm nầy. Và chúng ta tin lời họ. Đến nỗi đại đa số chúng ta ngày nay hoàn toàn lệ thuộc vào kỹ nghệ y tế và kỹ nghệ tống táng để lo liệu cho người chết của chúng ta. Có nghĩa là chúng ta càng lúc càng trải nghiệm sự chết ít đi. Và những điều trên càng làm cho nhiều người trở thành xa lạ hơn hẳn với sự chết.
Thật ra mà nói, về nhiều phương diện đó là một điều tốt. Đó có nghĩa là chúng ta không còn phải đối mặt cận kề với những đau đớn, hôi thối đi kèm theo các ngày tháng cuối cùng của đa số những người sắp lìa đời. Tuy vậy, sự kiện xa lánh và tránh né đối diện với sự chết cũng làm cho chúng ta không thể chấp nhận một sự thật hiển nhiên, và đồng thời làm cho chúng ta khó có thể trải qua một cách trọn vẹn và hoàn tất quá trình thương tiếc của mình (khi một người thân thương từ trần).
Đối với Caitlin Doughty, đây là một thảm cảnh, không phải cho người chết mà là cho người còn sống, cho tang gia nói riêng và cho cả xã hội chúng ta nói chung. Cô chủ định dùng nghề nghiệp và khả năng của mình để sửa đổi vấn đề nầy. Cô muốn phổ biến một quan niệm trung thực và lạc quan hơn về sự chết. Cô muốn có những cuộc đối thoại chân thật về sự chết, và về tang lễ. Mục đích chính của cô là giúp xã hội đối đầu một cách hiệu quả hơn, và có ý nghĩa hơn, với nỗi sợ hãi to lớn nhất của con người.
Caitlin Doughty sau đó tạm ngưng công việc ở lò hỏa táng của cô để ghi danh học ở Đại Học Cypress về Khoa Tẩn Liệm ở California. Sau 3 năm, cô trở thành một chuyên gia có bằng cấp chính thức về tẩn liệm. Caitlin đứng ra thành lập hội “The Order of the Good Death” (tạm dịch là “Dòng Chết An Lành”). Đây là một nhóm những chuyên viên tẩn liệm, mai táng hay hỏa táng, những học giả hay nghệ nhân liên quan hay quan tâm đến lãnh vực chôn cất hay tang lễ. Những người nầy có cùng mơ ước với Caitlin là cải tổ cái nhìn của xã hội Tây Phương về sự chết. Họ chủ trương thảo luận, và tạo dựng môi trường thích hợp để thảo luận thường xuyên về sự chết cũng như sự tương quan mật thiết giữa sự chết với sự sống của con người. Họ tin rằng khi người ta có cơ hội bàn luận trực diện và cặn kẽ về sự chết thì sự sợ hãi về cái số phận bất khả đối kháng của họ sẽ giảm bớt đi rất nhiều.
Caitlin nói về chỉ tiêu của cô, và của Dòng Chết An Lành: “Tất cả chúng ta đều nằm trong tay Thần Chết như những con nộm múa rối. Tất cả mọi việc chúng ta làm, mọi đồ án chúng ta thực hiện, mọi công trình chúng ta xây dựng, mọi đứa con chúng ta sinh ra, mọi ý nghĩ thành hình trong đầu chúng ta đều chịu ảnh hưởng bởi sự kiện chúng ta biết rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ chết. Sự kiện nầy, từ trong tiềm thức, dẫn dắt chúng ta từng mỗi bước đi trong đời sống chúng ta. Nếu chúng ta ngoảnh mặt cố trốn chạy khỏi sự chết, chúng ta sẽ chỉ lang thang vô định và vô ý thức về những lý do dẫn đến những gì chúng ta đang làm”.
Tuy nhiên, cô nói thêm, “Ngay cả nếu thực hiện được điều nầy đi nữa, vẫn không có nghĩa là cái chết của những người thân chúng ta sẽ ít đau buồn hơn chút nào.”
Caitlin có một trang YouTube mang tên “Ask the Mortician” (“Hỏi Người Tẩn Liệm”) với hơn 80 ngàn thành viên đăng ký (tháng Tám, 2016). Đây là nơi Caitlin trình bày một cách chi tiết và trung thật nhất, ngay cả về những đề tài thường được xem là ghê rợn nhất trong lãnh vực tống táng.
Điểm đáng nói nhất về trang YouTube nầy là Caitlin thảo luận về sự chết với một ngôn ngữ trực diện và khôi hài. Không phải khôi hài vì coi thường ý nghĩa của sự chết mà là vì sự chết được cô “bình thường hóa” trở thành một đề tài “thân thiện” và thông dụng để bàn luận đến hàng ngày như việc ăn uống, thời trang, công ăn việc làm, tình cảm gia đình. Caitlin cho rằng nếu không làm người ta cười thì họ sẽ không đọc, không theo dõi, không tham dự trang YouTube của cô. Khi họ cười họ sẽ vượt qua bức tường cản vô hình làm họ e dè và ngần ngại khi nói đến, hay nghĩ đến, sự chết.
Năm 2014, cô xuất bản một quyển sách tựa Smokes Gets in Your Eyes (Khói Vương Vào Mắt) kể lại những kinh nghiệm bản thân của cô trong ngành tang lễ. Khói Vương Vào Mắt là một hành trình lạ thường một cách choáng váng, và lắm lúc khôi hài, vào địa bàn đầy bí ẩn của kỹ nghệ chăm lo cho người chết trong xã hội Hoa Kỳ, và Tây Phương nói chung.
Làm việc chung đụng hàng ngày với tử thi đủ mọi hình dạng lớn nhỏ, mọi tình trạng thể chất, mọi sắc tộc, Caitlin trở thành một kẻ du hành thành thạo trong thế giới của người chết. Cô kể lại những khi cô thu quét tro của các thi thể được hỏa thiêu từ trong lò ra sao, và những khi tro bụi nầy thường bay vào quần áo, vào tóc, vào mắt cô ra sao (và từ đó, tựa đề Khói Vương Vào Mắt). Cô so sánh những thủ tục mai táng, và hỏa táng, của Tây Phương hiện nay với những gì xảy ra trong lịch sử xa gần, cũng như với các phong tục kỳ lạ và hay ho của nhiều nền văn hóa khác. Caitlin giải mã những bí ẩn đàng sau bức màn đen của nghề nghiệp khác thường của cô.
Trong quyển Khói Vương Vào Mắt, Caitlin diễn tả cảm nghĩ và sự tiến triển tư duy của cô từ ngày đầu tiên cô bắt đầu làm việc ở nhà hỏa táng. Thí dụ như trong phần lớn tang lễ ngày nay, người chết thường được đặt nằm trong quan tài mở nắp để thân nhân và quan khách đến phúng điếu nhìn mặt lần cuối cùng. Một trong những công việc Caitlin phải làm trước đó là sửa soạn dung diện cho người chết. Đây là một công việc đòi hỏi sự tận tâm nghề nghiệp cao độ và đôi khi một bản lãnh đáng kể để làm việc cận kề với xác chết. Cô kể lại: “Cũng giống như một cô gái không bao giờ quên nụ hôn đầu đời, tôi không bao giờ quên được tử thi của người đàn ông đầu tiên mà tôi được giao phó cạo râu cắt tóc để sửa soạn cho tang lễ của ông ấy.”
Trong quyển Khói Vương Vào Mắt, trong trang blog “Dòng Chết An Lành” và trong trang YouTube Hỏi Người Tẩn Liệm, Caitlin trả lời những thắc mắc của độc giả mà họ không dám hỏi ai cả. Cô trả lời cả những câu hỏi mà người đọc có khi không biết là họ muốn hỏi.
Thí dụ như “Đụng chạm vào xác chết có nguy hiểm không?” – Câu trả lời là “Trừ các trường hợp bệnh truyền nhiễm, như dịch đậu mùa hay cúm gia cầm, thì tử thi chết từ tai nạn hay các chứng bệnh không truyền nhiễm hầu như không có gì nguy hiểm cả. Người ta thường đồng hóa hiện tượng phân hủy của tử thi với sự bộc phát của bệnh truyền nhiễm ghê gớm. Thật ra những vi khuẩn tạo nên sự sình thối của tử thi không gây ra bệnh. Những vi khuẩn nầy bình thường luôn luôn cư ngụ sẵn trong cơ thể mọi người. Ngay cả hơi hôi thúi xuất phát từ tử thi là do hóa chất xuất phát từ quá trình phân hủy hữu cơ chớ không phải là vì chứa đựng vi trùng. Trong những trận dịch, thật ra tiếp xúc với người sống mang đến nhiều nguy hiểm bị nhiễm bệnh hơn là đụng chạm tử thi đã chết vì bệnh đó.”
Thí dụ như “Cô có chứng kiến những hiện tượng siêu nhiên gì trong khi làm việc với xác chết không?” – Câu trả lời là “Đôi khi tử thi tự nhiên ‘cử động’ hay phát ra những tiếng thở dài hay rên rỉ. Tuy nhiên những hiện tượng đó có thể giải thích được bằng sinh vật học và hóa học. Tay chân ‘cử động’ vì bị dồn đẩy bởi áp suất của khí phát ra từ sự sình thối bên trong thân mình hay vì bắp thịt thư giản trong quá trình phân hủy. Tiếng thở dài hay rên rỉ cũng là do áp suất của khí trong cơ thể đẩy thoát ra ngoài qua mũi, miệng, hậu môn hay cửa mình. Những tiếng động nầy thường xảy ra khi tử thi được di chuyển hay xoay trở để lau rửa, mặc quần áo; tuy nhiên cũng có thể xảy ra khi không ai đụng chạm đến.”
Có những chi tiết rất thực tế về nghề nghiệp được Caitlin chia sẻ với độc giả một cách rất thẳng thừng và tự nhiên. Thí dụ như cô kể về sự cần thiết để đóng thật kỹ cánh cửa lò thiêu mỗi khi sử dụng. Đó là vì trong khi thiêu, nhất là những thi hài lớn mập, số lượng mỡ chảy ra rất đáng kể. Nếu cánh cửa lò không đóng thật chặt thì mỡ nóng sẽ luồn theo khe hở chảy ra xuống mặt nền xi măng bên ngoài. Và cô sẽ phải bò mọp xuống sàn dùng nùi giẻ cố gắng lau chùi hết số mỡ đó, nhiều lúc trong khi dòng mỡ nóng vẫn đang tiếp tục chảy trào ra ngay kế bên cô.
Caitlin không dùng mỹ từ khi diễn tả về hình dạng, màu sắc, độ cứng mềm của bắp thịt, cảm giác khi sờ đến làn da, v.v. của các xác chết, Khi cần thiết, cô không tránh né một chi tiết nào cả. Chẳng hạn như cô diễn tả mùi sình thúi của xác người, theo cô, giống như hỗn hợp mùi ngọt đậm của liquorice lẫn với mùi cam chanh chín rục cộng vào mùi rượu cũ đã lên men và mùi tôm cá thật ươn. Tuy vậy, cách hành văn của cô lúc nào cũng tỏa ra một sự thành kính và trân trọng khi nói đến các vấn đề nầy.
Một mục tiêu lớn của Caitlin qua các tác phẩm của cô là phổ biến sự hiểu biết về những nghi thức tang lễ người ta có thể lựa chọn để tiễn đưa người thân qua đời của họ. Cô muốn họ biết rằng ngoài những thủ tục mai táng hay hỏa táng thường thấy ở các nhà quàn, tang gia còn có thể có các hình thức tang lễ khác nếu họ muốn.
Caitlin giải thích rằng, tẩn liệm theo phương cách thông dụng ngày nay có nghĩa là ướp tẩm thi hài người chết với chất hóa học để giữ nó tạm không hư thúi một thời gian. Lý do thường nhất là để thân nhân được dịp nhìn mặt người chết (nằm trong quan tài mở nắp) lúc tang lễ. Nhiều nhà quàn giải thích với tang gia bằng những lời lẽ hàm ý rằng ướp tẩm hóa chất là một điều hoặc vì “ai cũng làm hết” hoặc vì “theo đúng luật”. Thật ra, ướp tẩm thi hài bằng hóa chất không phải là vì lý do vệ sinh, hay vì phong tục, hay vì luật lệ đòi hỏi, như nhiều người lầm tưởng. Caitlin cho biết cũng như nhiều thứ khác trong kỹ nghệ tang lễ, ướp tẩm thi hài bằng hóa chất được làm cho trở thành phổ thông chỉ vì nó đem lại cho nhà quàn thêm lợi nhuận mà thôi.
Caitlin cũng cho biết phương cách nầy thật ra rất “bất tự nhiên”. Và thi hài sẽ bị xúc phạm rất nhiều trong quá trình tẩn liệm dạng nầy. Phương cách ướp tẩm thi thể người chết nầy xuất phát từ thời kỳ nội chiến Mỹ. Nhiều thi hài của quân lính Bắc Mỹ cần được di chuyển bằng xe lửa qua một quảng đường rất xa mất nhiều ngày từ miền nam nước Mỹ để đem trả lại gia đình của họ. Muốn cho các thi hài nầy không thối rữa quá đáng, người ta sáng chế ra cách thức tẩm liệm tử thi bằng hóa chất. Cách thức nầy tuy đã được cải tiến nhiều qua thời gian, tuy vậy vẫn không khác mấy trên nguyên tắc so với cách thức tẩn liệm ngày nay.
Trước hết, nhân viên tẩm liệm sẽ cắt đứt một động mạch chủ hoặc đằng sau cổ (để thân nhân không thấy được vết cắt) hoặc dưới háng của người chết. Sau đó họ sẽ bơm dung dịch phọt-môn (hay một hóa chất tương tự) vào một đầu động mạch bị cắt. Áp suất của máy bơm sẽ đẩy hóa chất nầy vào trong tất cả các mạch máu lớn nhỏ khác trong tử thi và đẩy lượng máu có sẵn trong người chảy qua đầu kia của động mạch bị cắt ra ngoài. Sau khi tất cả máu trong tử thi được thay thế bằng hóa chất thì họ khâu động mạch nầy và vết thương lại. Ngoài ra các hóa chất lỏng khác cũng có thể được bơm vào bao tử và ruột để thay thế những gì đang có sẵn trong đó. Việc nầy, và các hóa chất, sẽ giúp ngăn cản không cho vi khuẩn trong tử thi phát triển nhanh được và do đó giữ tử thi lâu hư rữa hơn.
Phương cách ướp tẩm bằng phọt-môn ngoài việc tăng phần tốn kém đáng kể cho tang gia còn rất có hại cho môi trường. Đó là vì số lượng hóa chất cực độc nầy sẽ thoát ra và thấm vào trong đất sau khi tử thi mục rữa. Theo Caitlin, trừ một số trường hợp đặc biệt cần phải giữ tử thi một thời gian lâu mà không ướp lạnh được, cách ướp tẩm bằng hóa chất phần lớn hầu như không cần thiết.
Gần đây, ở tuổi 30, Caitlin mở một cơ sở tống táng mang tên Undertaking LA. Nhà quàn nầy của cô cổ động một đường lối tang lễ khác hẳn các nghi thức tang lễ “truyền thống” quen thuộc thường thấy.
Trước hết, Caitlin phổ biến và giảng dạy tang gia, nếu họ chọn lựa, cách thức tự chính họ chăm sóc, sửa soạn thi hài của người thân trước khi mai táng hay hỏa táng. Theo Caitlin, nghi thức nầy tạo cho gia đình một cơ hội tiển đưa người thân thương của họ một cách gần gũi, thân mật, đầy xúc cảm và do đó có ý nghĩa nhất.
Kế đó, Caitlin cổ động phương cách tang lễ “xanh”, có nghĩa là mai táng một cách đơn giản tối đa. (Hỏa táng tuy có nhiều lợi điểm so với phương cách mai táng thông thường nhưng vẫn không được xem là “xanh” vì nó sử dụng nhiều nhiên liệu để thiêu đốt và thải ra một lượng thán khí rất lớn.)
Trong một tang lễ xanh, thi hài không được ướp tẩm hóa chất, không dùng quan tài bằng gỗ dầy quý hay kim loại, mộ huyệt không lót tráng bằng bê-tông hay xi-măng, gạch đá. Thi hài sẽ chỉ được gói lại trong một tấm vải liệm và đặt trực tiếp vào lòng đất của một mộ huyệt không sâu hơn độ sâu hợp pháp tối thiểu (ở vài tiểu bang của Mỹ là võn vẹn 2 feet, hay khoảng 600mm, từ mặt đất xuống điểm cao nhất của thi hài). Nếu tang gia không muốn dùng vải liệm, cô khuyến khích việc sử dụng những quan tài nhẹ bằng cát-tông. Việc nầy cho phép thi hài dễ được tiếp xúc với côn trùng từ lòng đất cũng như oxy từ không khí bên trên, và do đó phân hủy nhanh chóng. Tất cả những chất đạm và các thành phần hữu cơ trong thi hài sẽ thấm vào lòng đất và đem đến một giá trị dinh dưỡng cho cây cỏ chung quanh. Tang lễ xanh do đó có ích lợi về mặt môi sinh, đồng thời cũng là một cách diễn tả ý nghĩa “trở về với thiên nhiên, hòa nhập trở lại vũ trụ” sau khi một người lìa bỏ cõi đời.
Thật ra nghi thức tang lễ “mới” mà Caitlin chủ trương nầy không có gì mới cả. Nó đã được dùng thường xuyên trước khi nhu cầu ướp tẩm tử thi trở thành cần thiết trong thời kỳ nội chiến như vừa kể trên. Cách thức mai táng tự nhiên nầy đã được sử dụng thường xuyên trước khi ngành kỹ nghệ tang chế chuyển hướng qua những phương cách mà ngày nay chúng ta cứ tưởng là “tiêu chuẩn đã có sẵn từ xưa”.
Dĩ nhiên là phương hướng tang lễ “mới” nầy không thích hợp với tất cả mọi người. Trước hết, phản ứng tự nhiên của nhiều người là ghê sợ tử thi, tương tự như phản ứng sợ rắn rít. Nhiều người sẽ không dám đụng chạm đến tử thi, ngay cả của người thân họ, thì nói chi đến việc tắm rửa, thay quần áo. Đó là chưa kể việc họ phải chuẩn bị và đối phó cho những biến đổi tự nhiên (nói cách khác, hậu quả của quá trình tự hũy hôi thúi) xảy ra cho một thể xác sau khi chết. Kế đó, tang gia trong thời điểm đau buồn bối rối thường không thể tự quyết định được họ muốn gì, trừ khi họ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ trước. Vì vậy họ thường xuôi tay theo áp lực bởi những lời cố vấn của các chuyên viên mai táng. Và rất hiếm người đề nghị lối tang lễ xanh vì đó là một phương pháp ít tốn kém nhất, và do đó công ty mai táng sẽ kiếm được ít tiền nhất.
Có người hỏi tại sao Caitlin khuyến khích mọi người tiếp cận với thi hài thân nhân họ trong quá trình tang lễ trong khi cô biết phản ứng tự nhiên của đa số người ta là ghê sợ xác chết. Cô cho biết cô hiểu rằng khi gia đình tụ hợp lại chung quanh thi hài của một thân nhân vừa qua đời thì, ngoài nỗi đau buồn cực độ, lúc đầu rất có thể họ sẽ cảm thấy sợ hãi và khủng hoảng. Cái thân thể của người thân họ bây giờ tự nhiên trở thành hầu như rất “xa lạ”. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm cá nhân và nghề nghiệp, cô tin rằng trạng thái tâm lý nầy sẽ thay đổi sau một thời gian họ ngồi lại cùng chung phòng với người chết. Có những người sẽ than khóc ra mặt, có những người sẽ đau buồn trong im lặng. Họ sẽ thể hiện nỗi thương tiếc của họ bằng cách thức nào thích hợp với họ. Rồi họ sẽ có dịp trò chuyện và chia sẻ về người chết, về cái chết của người đó. Tất cả những điều nầy có tác dụng như một nút xả cho tâm thần họ. Rồi người ta thường sẽ chấp nhận, và nhìn nhận sự mất mát của họ một cách sẵn sàng hơn, và đỡ tắt nghẽn hơn. Họ sẽ đi qua quá trình đau buồn và thương tiếc một cách đỡ khó khăn hơn. Những tình cảm gút mắt gì giữa họ và người chết trước đây cũng sẽ có cơ hội dễ tự hòa giải hơn. Và cái chết của người thân họ, cũng như sự chết nói chung, và sự chết một ngày nào đó của chính họ, sẽ trở thành bớt lạ lùng và kinh hãi hơn sau khi họ đã có dịp chứng kiến, tiếp cận và suy ngẫm về nó.
Caitlin ví von, “Nhìn nhận trực diện sự tử vong của chính chúng ta cũng giống như ăn rau cải. Nhiều người chúng ta không thích làm điều đó, nhưng nó đem lại ích lợi tốt đẹp cho họ.”
Có người nhận xét Caitlin rằng cô rất yêu thích và hãnh diện với nghề nghiệp của mình. Họ hỏi cái gì làm cho cô yêu nghề như thế trong khi cô thường nói rằng ngành tống táng là một nghề cực khổ, đơn độc, giờ khắc không nhất định và lợi nhuận không nhiều lắm (nhất là khi cô chủ trương cổ động phong trào “tang lễ xanh”). Ngoài ra nhiều người còn xem nghề nầy chỉ dành cho những kẻ bất thường, lạnh lùng, không cảm xúc và có phần hơi đáng sợ.
Tuy vậy, đối với Caitlin không có cảm giác gì xúc động và vinh hạnh hơn là được chủ động tham dự trực tiếp vào những giờ phút tuyệt đối cuối cùng của các thân chủ của cô. Khi một người từ trần rồi thì cái thi hài là dấu vết trực tiếp sau chót của họ còn lại trên thế giới nầy. Caitlin là một người vô tín ngưỡng. Cô không tin vào sự hiện hữu của linh hồn, hay một sự sống bên kia. Đối với cô, thi hài của một người đã chết chỉ là một “chiếc vỏ trống” sau khi phần tinh anh của cá thể họ đã tan biến. Được chăm sóc chiếc vỏ trống đó trước khi chính nó cũng tan biến đi là một vinh dự lớn. Mỗi khi sửa soạn một thi hài trước khi an táng, cảm nghĩ “đây đã từng chứa đựng một con người, đã đầy sự sống với những ái ố hỉ nộ như bao nhiêu người khác, như chính tôi” vẫn thường thoáng qua đầu Caitlin. Cô cảm nhận đây gần như là một nghĩa vụ của một con người, của riêng cô, để giúp đánh dấu và loan báo sự ra đi vĩnh viễn của một con người khác.
Cho chính cô, Caitlin giải thích, sự chung đụng trực tiếp hàng ngày với sự chết nhắc nhở liên tục cô về sự mong manh và quý báu của sự sống. Điều đó giúp cô yêu đời lẫn khiêm tốn hơn bất cứ kinh nghiệm hay học thức nào khác. Cô cho biết, suy ngẫm và chấp nhận được sự tử vong hiển nhiên của con người đem đến cho cô một niềm an lành vững chắc và thảnh thơi nhất cho tâm hồn. Cô viết “Ai cũng có thể có được niềm an lành và tự tin nầy, nếu ước gì tâm thức của xã hội chúng ta không còn oằn nặng bởi những sợ hãi và mê tín dị đoan.”
Để giúp người bên ngoài ngành tống táng hiểu được phần nào lời giải thích trên của cô, Caitlin đề nghị một phim truyện tựa đề “The Departures” của Nhật vì cô cho rằng phim nầy diễn tả trung thực nhất tâm tình của cô khi theo đuổi nghành nghề nầy.
Nguyễn Nhân Trí