có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 8 03, 2016

Hải Hậu Quê Tôi: Hoài Niệm Một Thời Chưa Cộng Sản



Sau năm mươi năm xa cách, tôi trở về thăm quê, vùng ruộng đồng thuộc xã Quần Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Họ Trần tôi cư ngụ trên ba xã: Quần Phương Thượng, Quần Phương Trung và Quần Phương Hạ. Để ngắn gọn, các xã này được gọi: Xã Thượng, Xã Trung và Xã Hạ.


Theo chính sử, từ năm 1266 nhà vua đã cho phép giới qúy tộc được chiêu mộ dân nghèo đi khẩn hoang lập ấp ở ven biển phía Nam. Năm Quang Thuận thứ 2 (1461), vua Lê Thánh Tông ra lệnh cho các phủ huyện có đất bồi vùng ven biển phải đưa dân đi khai hoang. Hải hậu là vùng đất được khai phá sau cùng của tỉnh Nam Định vào thế kỷ XV. Phía Đông và Đông Nam giáp biển với các địa danh Văn Lý, Quất Lâm. Phía đông bắc cách Xuân Trường bằng một con sông nhỏ với địa danh Lạc Quần và Bùi Chu. Sông Ninh Cơ ôm sát Hải Hậu từ Đông Bắc xuống Tây Nam trước khi chảy ra cửa biển Lạc Giang. Hải Hậu có 32 Km đường biển.

Hải Hậu là vùng đất bồi ven biển, những dòng nước chảy từ Bắc – Tây Bắc xuống Nam – Đông Nam, đã tạo thành nhiều con lạch nhỏ trước khi chảy ra biển. Do nhu cầu di chuyển, người dân vùng này đã xây dựng nhiều cầu nhỏ. Từ phe nhất đến phe chín gồm những cầu đá, kiến trúc đơn sơ. Riêng phe Mười là nơi thị tứ, buôn bán tấp nập, người dân Hải Hậu đã xây dựng một cầu gỗ mái lợp ngói. 

(Chùa lương: xây dựng vào đời Hồng Thuận 1509-1515)

Cầu Ngói được xây dựng vào Đời Hồng Thuận (1509-1515), mái lợp ngói cho hợp với chùa Lương (Phúc Lâm Tự). Cầu cũng còn gọi là “Thượng gia hạ trì” (trên nhà dưới sông) bắc qua sông Trung Giang, gồm có 9 gian, cấu kết bằng một bộ vì kèo, mỗi vì kèo có 4 hàng chân cột. Tất cả cột cái, cột quân được ghép mộng với một khung gỗ gọi là “Xà Rầm”. Khung gỗ xà rầm này được đặt trên các đầu cột đá đóng sâu dưới lòng sông. Chiếc cầu ngói uốn cong bắc qua hai bờ sông tạo ra một hình ảnh nghệ thuật mềm mại. Cầu Ngói và 9 cầu đá bắc qua sông Trung Giang trở thành di tích lịch sử còn lại của vùng Hải Hậu với niên kỷ 500 năm.

Thủy Tổ đã quan tâm tới việc bắc cầu qua sông ngay từ khi khởi đầu khẩn hoang vùng đất Hải Hậu, được ghi lại qua các câu đối trên cầu: 

Lê Hồng Thuận Tứ tính thủy mưu gía ốc biệt thành giang thượng lộ
Hoàng Khải Định thất niên trùng tấp dư lương y cựu kính trung thê

Dịch: 

Đời Hồng Thuận (1) bốn họ tính kế dựng nhà trên cầu, thành đường trên nước
Đời Khải Định (2) thứ 7 tu sửa như cũ, từng bậc xếp lên gương

* (1) 1509-1515 
   (2) 1922

Cầu Ngói là một công trình nghệ thuật đã gợi cảm hứng của các thi nhân qua câu đối còn lưu lại trên cầu:

Hoàng lộ phong thanh qúa thử kỷ đa đề trụ khách
Giang thành dạ tĩnh du phương ứng hữu thụ thư tiên

Dịch:

Trên đường gió mát nhiều khách qua đây lưu lại văn thơ ca ngợi
Đi trên cầu trong đêm vắng như có nhận được sách tiên

Tóm lại, vùng đất Hải Hậu được khai phá dưới thời nhà Lê, nhất là dưới thời Hồng Đức vào thế kỷ 15. Nhà Lê đã khuyến khích người dân khai phá vùng ven biển, nhất là các hải đảo ven bờ gần các cửa sông. Những di dân khai phá vùng ven biển đã mang theo phong tục, tập quán, nếp sống, tín ngưỡng và văn hóa địa phương kết hợp với văn hóa vùng biển tạo thành một nền văn hóa riêng biệt. Những dấu vết tôn thờ các vị thần linh tại địa phương đã hội nhập với biểu tượng thiêng liêng thánh thần của vùng biển cả.


Đất Hải Hậu còn được nhiều người khai phá nên những địa danh theo nhau xuất hiện. Vùng đất phía đông có các cụ họ Mai quê ở Quần Mông, họ Đinh quê ở Kiên Lao, họ Lê ở Hội Khê, họ Nguyễn ở Cẩm Hà từ huyện Giao Thủy sang khai phá đất Kiên Trung. Sau đó cụ Quốc Thể quê ở Cát Chử cùng hai con rể là Hương cống Phạm Kim Lan và Tiến sĩ Vũ Duy Hòa, ngườI Mộ Trạch, đứng ra tổ chức khai hoang bãi hữu ngạn sông Sò lập ra làng Hạ Lạn gồm 8 thôn. Miền đất phía tây vào thế kỷ 18 có cụ Cao Hy cùng con là Phúc Kiến, cháu là Vĩnh Tinh lập ra đất An Nhân.

Sang thế kỷ 19, Uy Viễn Nguyễn Công Trứ cũng mộ dân đến miền tây (Hải Hậu) lập ra vùng đất mới gọi là Cửu An (9 làng An), Nhất Phúc.

Năm 1864, Tiến sĩ Đỗ Tông Phát người làng Quần Phương được phong làm Dinh điền phó sứ xuống phía Nam khai khẩn lập ra vùng Quế Hải và Tân Khai. Đến ngày 27-12-1888 (Mậu Tý) niên hiệu Đồng Khánh thứ 3, huyện Hải Hậu được thành lập gồm các tổng: Tổng Quần Phương, Tổng Ninh Nhất, Tổng Kiên Trung và Tổng Tân Khai.

Tổng Quần Phương gồm có: (Quần Phương Thượng, Quần Phương Trung, Quần Phương Hạ và Phương Đê),. Sau này huyện Hải Hậu được nới rộng, thêm hai tổng mới là Ninh Mỹ và Quế Hải. Sang đầu thế kỷ 20, người Hải Hậu tiếp tục lấn ra biển lập ra những làng mới: Xuân Thủy, Xuân An, Xuân Đài, Hoàng Mai và Cồn Tròn.

Về văn học, buổi đầu mở đất, chuyên về nghề nông và đánh cá, ít người theo học văn hóa, nhưng sau khi đời sống đã ổn định, Tứ Tổ quan tâm tới việc mở mang về văn hóa, nên việc học chữ được khuyến khích sâu rộng.

-Đến triều Lê Vĩnh Thịnh (1725-1726), các chi đã có nhiều người đậu đạt ra làm quan.

-Triều Lê Cảnh Hưng (1740-1786), khoa Bính Ngọ (1786), cụ Trần Tương Công tự Khiêm Quang, thụy Cẩm Hiên tiên sinh, đỗ hương Tiến sĩ Tam trường.

-Triều Lê Cảnh Hưng, khóa Đinh dậu (1777), cụ Trần Tự Lệ hiệu Thận Năng tiên sinh, (thuộc ngành Hưởng Phúc, chi tổ Tông đảng) đỗ tứ trường (cử nhân). Sang khóa Mậu Tuất (1778) đỗ tam trường, thứ nhất bảng giáp, làm quan giáo thụ Quốc tử giám.

-Đến triều Nguyễn, khóa Mậu Thìn (1868), Tự Đức năm thứ 21, ông Trần Văn Gia (chi tổ Huy cung, Thiên Táng), đỗ cử nhân làm tri huyện Yên Mô, Ninh Bình.

-Triều Tự Đức năm thứ 36, Giáp Thân (1884), ông Trần Ruân (chi tổ Tông đảnh, Hưởng phúc) đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan.

– Cụ Trần Văn Thưởng, tự Hy Tưởng làm Tri Phủ huyện Điện Bàn, nên còn gọi là cụ Phủ Điện Bàn.

-Triều Nguyễn Duy Tân năm thứ 9 (1915) ông Trần Thúc Cáp (ngành tổ Hưởng Phúc) đỗ cử nhân, xung chức Huấn đạo huyện Yên Mỹ, Hưng Yên.


Họ Trần Thiên Táng 

Huyện Hải Hậu ngày một mở mang, lấn dần ra tận biển, trở lên trù phú. Do đó, nếp sống người dân Hải Hậu có phần đặc biệt, vừa có phong thái khoáng đạt, trung hậu của vùng đồng bằng đất thịt, vừa có nét mạnh mẽ, kiên cường đầu sóng ngọn gió của vùng biển khơi.

Một vùng đất tạo lên con người vùng “Quê Hải Hậu” với những nét đặc biệt, mang một giọng nói đặc biệt mà âm thanh của vần cuối hơi lên cao, kéo dài hơn bình thường. Dù khoảng cách có xa, chỉ cần nghe giọng nói đã nhận ra người cùng làng cùng xứ.

Có người hỏi, tại sao giọng nói của tôi không pha chất nước phèn của xứ “đồng chua nước mặn” như các anh chị em con chú con bác của tôi. Có lẽ cha tôi, khi ông còn nhỏ, đã rời quê đi học tỉnh xa, và mẹ tôi không phải là người cùng làng cùng xứ. Tôi sinh ra ở Hải Dương (quê Mẹ) vào lần mẹ tôi về thăm quê Ngoại và lớn lên ở Hà Nội, không tắm gội chất nước phèn từ thuở lọt lòng, nên không thấm đượm nét đặc biệt của phong thổ xóm làng. Nhưng cội nguồn của tôi vẫn ở đó, con người tôi vẫn phảng phất hơi hướng nơi quê cha đất tổ.

Trở về với giọng nói, ngoài những âm cuối câu kéo dài, nghe có vẻ lạ tai, nhưng thể hiện một tâm trạng chất phác, hiền hòa. Hay vì đời sống của người dân vùng này được ổn định, ấm no giữa những cánh đồng lúa bát ngát xanh tươi, thẳng cánh cò bay, đã tác động vào tâm tư của họ tạo thành một nếp sống hài hòa. Nhưng tôi luôn tự hỏi, ngoài phát âm khá đặc biệt của vùng quê Nội, cách nói cũng không bình thường.

Chẳng hạn: Con trâu trắng buộc gốc tre trụi

Đã phát âm: Con tâu tắng buộc gốc te tụi

Hay: Con trâu béo tròn trùng trục

Đã phát âm: Con tâu béo tòn tùng tục

Tôi phân vân tại sao khi nói không có âm “r” trong con trâu cây tre…nhưng khi viết vẫn không sai chính tả, vẫn có chữ “r” trong con trâu và cây tre.

Sự khác biệt này được nhắc tới trong văn học Việt Nam. Những câu hỏi cứ ám ảnh tôi mãi, vì khi những đứa bé chào đời có tiếng khóc giống nhau, và khi bập bẹ câu nói ê a đầu đời đâu có gì khác biệt. Như vậy do đâu mà ra. Có phải vì thói quen “cha truyền con nối” mà ngay từ thuở lọt lòng bên giòng sữa mẹ, đã bị ảnh hưởng bởi lời ru, giọng hò. Hay vì mạch nước uống của làng tôi, khiến những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này đã bị ảnh hưởng tới giọng nói. Theo một giáo sư người Úc gốc Anh, khi được hỏi về sự khác biệt giữa giọng nói của ông với giọng Anh chính gốc, đã gợi ý về sự khác nhau này có thể do sự “lười biếng” của lưỡi và hàm nên biến đổi giọng nói khi phát âm. Và gần đây nhất, khoa học đã đặt ra, việc thay đổi vị trí của xương hàm có thể ảnh hưởng tới giọng nói.

Trở về gốc gác của dòng họ “Thiên Táng”, trong Trần Tộc Phả có ghi: Một buổi sáng cụ Tổ mặc áo dài, tay cầm ô đi thăm đồng. Đến tối không thấy cụ về, gia đình đinh ninh cụ ở chơi nhà bạn bè hay con cháu như mọi khi. Sáng hôm sau vẫn không thấy cụ về, các con cháu tới các nhà quen cũng không gặp. Khi đến cây đa đầu làng, mọi người thấy áo và chiếc ô cụ mang theo treo trên cành đa, phía dưới gốc là một gò đất mối xông cao còn mới với tư thế một người ngồi. Con cháu biết cụ đã qua đời.

Con cháu trong họ sợ trâu bò làm hư hại đến ngôi mộ của cụ, đã cho xây một bức tường hoa thấp bao quanh khu đất có cây đa và ngôi mộ của cụ Tổ. Chính vì hành động tôn kính này, theo thầy địa lý lúc bấy giờ, đã chặn mất long mạch của ngôi mộ quý, làm giảm sự hưng vượng của giòng họ. Do đó, họ Trần chúng tôi thuộc ngành “Tổ Thiên Táng”. Cụ Tổ Thiên Táng Tên Trần Quốc Ninh, hiệu Hưởng Phúc, tục gọi Thiên Táng. Từ Cụ Tổ Thiên Táng đến tôi là 11 đời.

Họ Trần tập trung vào 3 xã, xã Thượng, xã Trung và xã Hạ. Khoảng cách làng xã quá rộng, việc thông tin trong họ có nhiều trở ngại. Theo cha tôi cho hay, vào thời của ông khi còn trẻ, “Mõ làng” phải dùng ngựa để loan truyền tin tức trong họ.

Quê tôi chuyên nghề dệt vải, nuôi tằm lấy tơ dệt lụa. Vải dệt được nhuộm đen bằng củ nâu và mầu, mỗi gia đình đều có ao để xả chất nhuộm. Trên đường tới nhà từ Tổ mới xây, tôi ngạc nhiên khi thấy giòng sông Trung gian mầu nước đen ngòm. Tôi từng tắm lội trên giòng sông này. Hỏi ra mới biết, sau chính sách “Cải cách ruộng đất”, vườn đất tư nhân nằm trong tay nhà nước, khiến diện tích cho các hộ không đáp ứng nhu cầu, trong khi dân cư ngày càng gia tăng. Các hộ đã lấp ao để lấy chỗ làm nhà ở. Do đó, người dân xả chất nhuộm vải trên sông, khiến nước sông Trung Giang đen ngòm, dơ bẩn hơn mấy chục năm về trước. 

Họ Trần “Tổ Thiên Táng” ngày càng lớn, con cháu ngày mỗi đông, nhất là tùy thuộc vào công ăn việc làm, nên họ Trần chia ra làm nhiều chi để tiện việc cúng giỗ. Vào đời thứ hai, Cụ Huyền Tuyên Công, hiệu Đạo Chính có 3 con : Húy Ban Công (Tự Đạo Đạt), Pháp Tuân Công (Tự Huyền Hựu) và Gia Hạo Công (Hiệu Từ Hảo), nên từ đời thứ 3, họ chia thành 3 chi: Chi Giáp (Húy Ban Công), Chi Ất (Pháp Tuân Công, Chi Bính (Gia Hạo Công). Chúng tôi thuộc Chi Giáp

(Hình phòng thờ: 1997)

Tôi thật súc động khi nhìn thấy nhà từ Tổ mới xây chỉ là một căn nhà nhỏ, phòng thờ kê vừa một chiếc bàn. Khung cảnh trước mắt đã gợi nhớ kỷ niệm xưa. 

Năm 1946 gia đình tôi rời Hà Nội về quê Hải Hậu. Khi vừa bước qua khỏi chiếc cầu đá Phe 4 bắc ngang sông Trung giang (sông giữa), nước sông trong sạch. Một con đường rộng trên trải những phiến đá xanh dầy cả tấc, nối tiếp nhau dẫn tới nhà từ của họ.

Đám trẻ chơi trước cổng nhìn thấy chúng tôi đã vào nhà thông báo. Khi bố mẹ và chị em tôi tới cổng ngoài của khu nhà từ, anh Trần Xuân Ngạc, cháu đích tôn trông coi nhà từ, đã ra tận cổng đón. Anh mặc áo dài the, đầu đội khăn xếp, tới trước bố mẹ tôi chắp tay xá, miệng nói: “Thưa chú thím mới về”. Anh mời bố mẹ tôi đi trước và lui lại phía sau, tay để trên vai tôi vui vẻ cùng đi. Qua khoảng sân rộng lót gạch Bát Tràng mầu đỏ au dẫn tới khu nhà ngói 5 gian nằm trên nền gạch cao. Qua bậc tam cấp chúng tôi vào nhà từ. Anh mời bố mẹ tôi ngồi trên sập gỗ gụ có trải chiếu hoa viền vải đỏ, còn anh và chị em tôi ngồi sập thấp hơn. Anh nói nhỏ với một đứa bé bằng tuổi tôi, một lát sau vợ và các con cháu của anh ra chào. Sau đó mọi người vào nhà sau, chỉ còn anh ngồi tiếp nước bố mẹ tôi.

(Hình: 1997)

Qua tấm vách ngăn gỗ gụ trạm hình nổi là khu phòng thờ, gồm bàn thờ Tổ chiếm trọn gian giữa với bài vị, các gian bên có bàn thờ của các vị đời trước. Chúng tôi thắp nhang trước bàn thờ Tổ và các vị đời trước, như sự trình diện tổ tiên của những đứa con cháu xa nhà mới trở về. Trên bàn thờ những pho tượng thật uy nghi. Những câu đối, hoành phi sơn son thếp vàng treo xung quanh thật trang trọng, pha trộn với khói hương trầm, càng tăng thêm vẻ uy nghi của các gian phòng thờ.

Chị em tôi đã theo bà nội và bố mẹ tôi dự ngày giỗ Tổ. Một dẫy nhà rộng lớn phía sau nhà từ dùng làm nơi họp mặt đông đủ họ hàng. Tôi theo bố tôi vào dẫy nhà dành cho đàn ông. Một căn phòng rộng chứa khoảng 100 người, gồm những bậc gạch xây hình vuông, đủ rộng cho một chiếc chiếu lớn. Mỗi thềm gạch là chỗ ngồi cho 4 người. Các bệ ngồi trải chiếu được xếp cao thấp từ trên xuống dưới tùy theo vai vế trong họ.

Tính từ cụ Tổ Bá Hằng (Thiên Táng) là đời thứ nhất, đến tôi là đời thứ 11 . Các cụ ông đời thứ 9 đã qua đời. Chỉ còn đời thứ 10, như cha tôi và các bác các chú, là những người có vai vế lớn nhất họ lúc bấy giờ. Nhưng đôi khi cháu lớn tuổi hơn chú. Như cháu đích tôn của anh Trưởng họ, anh là con đầu của ngành thứ nhất, còn cha tôi là con út của ngành thứ ba, anh lớn hơn cha tôi trên 10 tuổi. Hơn nữa, vào thời bấy giờ của dòng họ tôi, con trai thường lập gia đình sớm để có con trai nối dõi tông đường.

Tôi ngồi cùng mâm với hai anh thuộc ngành trên tôi, mặc dù có người tuổi bằng hay lớn hơn cha tôi. Chỗ tôi ngồi còn thừa một chỗ cho đủ mâm 4 người. Một người con lớn của anh đích tôn tới ngồi hỏi chuyện, tôi chỉ lớn hơn con đầu lòng của hắn 3 tuổi. Bất chợt anh đích tôn đi tới, bảo nhỏ con anh: “Chỗ này các chú ngồi, con không được vô lễ”. Lời nói của anh thật nhẹ nhàng nhưng như là một mệnh lệnh. Đứa con anh vội đứng dậy xin lỗi chúng tôi và ngồi xuống phía dưới.

(Cầu xi-măng chợ Đền. Ảnh 1997)

Câu chuyện ngôi thứ thật đơn giản, nhưng đã trở thành nếp nhà được xây dựng từ bao nhiêu đời, con cháu trong họ mặc nhiên phải tuân thủ. Kỷ luật, danh dự gia đình là một điều được nêu cao như một tập quán của dòng họ.

Chúng tôi rời nhà Từ Tổ để đi thăm khu nghĩa trang mới của họ trên khu đất gần nhà Từ. Sau chính sách Cải Cách Ruộng Đất, nhà nước nắm trọn ruộng đất của tư nhân. Các ngôi mộ nằm rải rác trên các thửa ruộng tư đều phải rời và tập trung vào một địa điểm được chỉ định. Họ tôi di rời các ngôi mộ nằm trên các thửa đất của tư gia về khu đất nhỏ này. Trừ ngôi mộ Tổ tương đối rộng hơn các ngôi mộ khác. Tất cả các ngôi mộ nằm sát nhau, mỗi ngôi mộ chưa tới nửa thước vuông đất.

(Nghĩa trang mới của Họ Trần- Ảnh 1997)

Nhìn ngôi mộ nhỏ bé, nghèo nàn của cụ Cố, tôi liên tưởng tới không khí trang nghiêm khi cụ qua đời. Nghe bà nội tôi kể lại, vào ngày qua đời, cụ Cố được đặt trong cỗ áo quan bằng gỗ Vàng Tâm, bọc ngoài bằng một lớp hòm kẽm. Áo quan đặt trong nhà quàn trong một khu vườn, hàng ngày sáng chiều các con chia nhau cúng giỗ. Suốt 3 năm liền cúng cụ như khi cụ vừa tạ thế.

Sau 3 năm, vào ngày đưa cụ Cố ra đồng trong khu mộ đã xây từ lâu. Khi đi, các con cháu, chắt, chút, chít đều mang tang phục mầu trắng. Sau khi hạ huyệt tang phục được cởi bỏ vì đã đoạn tang. Nhiều người khắp nơi, từ tỉnh đến các huyện, tới tiễn đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Chúng tôi trở lại nhà Từ Tổ uống trà. Thời tiết miền Bắc vào cuối năm đã trở lạnh. Cầm ly trà xanh nóng hổi, vị ngọt của lá trà xanh tươi trộn với vị chát của nhựa lá, tỏa bốc hương thơm ngào ngạt. Người vùng quê Hải Hậu có thói quen uống trà xanh nóng hổi trong bát sành. Thân bát dầy nên giữ hơi nóng được lâu, hâm nóng hai lòng bàn tay, gây cảm giác ấm áp dễ chịu trong cơn lạnh cắt da của miền Bắc vào những ngày cuối năm. Bát trà xanh, điếu thuốc lào đã trở thành thân thiết không thể thiếu của người dân Hải Hậu.

Trà xanh Cầu Ngói đã được ghi nhớ trong ca dao:

Quần Anh nổi tiếng từ xưa
Bến đình Phong Lạc, bia chùa Phúc Lâm
Khách về khách vẫn hỏi thăm
Nước chè Cầu Ngói, tơ tằm chợ Lương

Từ khu nhà Từ Tổ chợ Lương về Chợ Đền chỉ cách một quãng đường 5Km. Tôi trở về khu nhà gia đình tôi 3 đời sống ở đó mà tôi đã xa cách gần 50 năm. 

Phía trước là cầu xi măng, phía bên phải là khu chợ Đền họp dưới gốc cây gạo cao 5,7 chục thước. Phía trong là ngôi đình, nơi tôi đã qua năm học đầu tiên khi trở về quê vào năm 1946. Vào lúc này cây gạo không còn và ngôi chợ đã chuyển khu chợ mới xây phía bên kia đường sát bờ sông. Từ xa đã nhìn thấy mái chợ nhô lên cao, hai chữ “Chợ Đền” mầu đỏ trên nền vôi vàng trông thật rõ. 

Cây cầu vẫn cũ kỹ, một khúc thành cầu về phía bên trái đã hư hỏng. Qua khỏi cầu, đường rẽ bên phải là giáo xứ Tả Hữu, do cha Phạm Ngọc Chi cai quản, đường bên trái về nhà tôi, chạy song song với con sông. Con đường này dẫn tới Tứ Tùng theo hướng ra biển.

Tôi nhớ, từ dốc cầu khi rẽ về bên trái, đã nhìn thấy căn nhà xây cao 2 tầng vươn lên khỏi hàng cây. Khung cửa sổ của phòng ông nội tôi trên gác luôn mở trừ khi trời mưa to gió lớn. Tôi nhớ mãi hình ảnh ông nội tôi mặc bộ bà ba bằng lụa mầu mỡ gà hiện ra nơi khung cửa sổ, hai tay dang rộng khép hai cánh cửa sổ lá sách, khi thấy gia đình tôi trên đường trở về Hà Nội khuất dần sau tàng cây gần đầu cầu, như không muốn nhìn thấy cảnh chia ly.

Tôi sống trong không khí đại gia đình tại căn nhà này. Mỗi buổi sáng, ông bà nội tôi ngồi trước cửa phòng, các con cháu ngồi trước mặt, trên sàn gỗ lim nơi hành lang sạch bóng, uống trà và nói chuyện thánh hiền. Giòng họ tôi theo đạo Phật, nhưng đặt nặng về thờ cúng Tổ Tiên. Vào ngày giỗ những vị đời trước, những công đức và đạo hạnh của quý vị này thường được kể lại như những tấm gương sáng để con cháu noi theo.


Khi đó tôi còn nhỏ, không hiểu được ý nghĩa sâu xa về những điều ông nội tôi giảng dậy, nhưng lại là một hình ảnh đậm nét trong tâm trí của tôi. Tôi chỉ nhớ ông nội tôi nói “Vào ngày giỗ Tết chỉ cần xôi, chuối, hoa quả đặt trên bàn thờ, vì thức ăn mặn khiến bàn thờ mất đi vẻ tinh khiết. Tổ tiên, ông bà đâu có về hưởng. Cúng giỗ chỉ là dịp để con cháu nhớ tới công đức của tiền nhân mà làm theo những điều hay, lẽ phải.”

Sau này, cha tôi thường nhắc lại lời ông nội tôi nói, con người tu tại tâm, giữ cho tâm trong sáng, không bị vẩn đục bởi lòng tham. Giáo lý của đạo Phật đã ảnh hưởng sâu xa tới nếp sống của gia đình tôi, vì hiểu rằng, không thể cầu xin để được giầu sang, không thể nhờ thần linh để tránh được tội lỗi…Tất cả đều do mình, tâm của mình, vì Phật tại tâm.

Tôi là đứa cháu nội trai nhỏ nhất được ông cho ngồi bên cạnh. Ông nội đặt tên cho các cháu. Mỗi đời theo một bộ chữ để biết thứ bậc trong gia đình. Tôi được ông bà nội cưng chiều, được ăn cơm chay và nếm vị trà nóng từ hồi còn nhỏ. Khi đó ông nội tôi đã 72 tuổi, trong suốt 30 năm không màng tới việc đời, chuyên tâm tu dưỡng đọc sách tụng kinh, ông thấu hiểu được mệnh trời. Sau thời gian ở chơi với ông bà nội, gia đình tôi về Hà Nội vì cha tôi phải trở lại sở làm. Năm đó là năm 1942, lần cuối cùng tôi được gặp mặt ông nội. 

Căn nhà của tôi nay không còn. Một Hợp Tác Xã lớn xây trên khu vườn cũ rộng một mẫu đất. Một bức tường gạch xây cao bao quanh khu đất.

Chiếc cầu tắm xi măng trộn sỏi mầu xanh nhạt trước nhà vẫn ở nơi bờ sông, nhưng nằm nghiêng vì một đầu đã lún thấp hơn mặt đường. Tôi mường tượng từ bậc cầu tắm này nhìn vào, là một hàng dậu cao trồng bằng cây gỗ Găng để ngăn với khu đất nhà bà Nho. Tôi nhớ dậu cây này vì thường chọn những gốc găng già để đẽo con quay khi tôi còn nhỏ. Sát dậu Găng là sân rộng cán xi măng bao quanh phía sau căn nhà.

Thấy tôi đứng nhìn tìm kiếm, một ông già gầy ốm, râu dài tóc bạc tới hỏi tôi: 

-“Ông tìm nhà ai?”

-“Tôi tìm nhà cụ giáo. Tôi nhớ căn nhà ở chỗ này.”

-“Căn nhà của cụ giáo bị phá bỏ. Hợp Tác xã đã xây trên khu đất này. Ông là gì của cụ giáo?”

-“Tôi là con của cụ giáo.”

-“Ngày xưa ông giúp cụ giáo kèm trẻ học phải không?”

-“Vâng, tôi có phụ giúp cha tôi.”

Ông già mỉm cười, vui vẻ:

-“Ông có nhận được tôi không?”

(Người học trò nhỏ của cha tôi – Ảnh 1997)

-“Tôi không nhớ ra. Đã gần 50 năm rồi.” 

“Tôi là thằng Ba, đứa học trò nhỏ nhất lớp của cụ giáo.”

Tôi chợt nhớ ra, vội nắm chặt tay ông, người học trò nhỏ nhất của cha tôi mà tôi coi hắn như một đứa em út.

Kỷ niệm xưa trở về... 

Không khí chiến tranh ở Hà Nội ngày một căng thẳng. Vừa phần thương nhớ mẹ già và xa quê đã lâu. Năm 1946, cha tôi xin nghỉ việc, đưa gia đình về Hải Hậu. Mặc dầu mang tiếng là về quê, có nhà có đất, nhưng gia đình tôi vẫn chỉ là “dân du mục”. Cha tôi xa quê đi học tỉnh xa từ hồi còn nhỏ, nhà cửa đất cát để lại cho bác tôi xử dụng.

Về quê, cha tôi mở lớp dậy học. Học trò đông dần. Chị em tôi mỗi ngày chia nhau viết chữ mẫu cho học trò mẫu giáo viết tập. Từ ngày đến học, tôi đã coi “thằng Ba” như một đứa em út. Hắn mới 7 tuổi, ở tuổi còn nhõng nhẽo bên mẹ. Hắn vừa ngoan vừa sợ thầy, nên dù mùa đông tháng giá, dù mưa dầm gió bấc người nhà cũng cõng hắn tới học. Tôi lớn hơn hắn 3 tuổi. Tôi đã tập viết cho hắn 24 chữ cái bằng bút chì to bằng một khuông dòng kẻ để hắn tô bút mực. Rồi chữ viết nhỏ dần bằng nửa dòng kẻ. Hắn đã viết buông, nét chữ thật đẹp.

Thời gian trôi qua. Học trò lớn dần, trình độ học cũng cao hơn. Tôi đã hướng dẫn làm toán cho lớp hắn. Bố tôi coi đám học trò như con cháu trong nhà. Ngoài dậy học, bố tôi còn theo rõi giáo dục uốn nắn chúng về đạo đức.

Trong mấy năm sống tại đây, hương vị của món ăn quê hương thật quyến rũ, đã theo đuổi tôi nhiều năm. Mỗi mùa có một đặc sản riêng biệt. Mà sau này, khi ra tỉnh, tôi vẫn không gặp lại được khẩu vị của thời thơ ấu nơi đồng quê ruộng rẫy.

Tình hình địa phương ngày càng căng thẳng. Hoạt động của Việt Minh ngày càng rõ nét. Mỗi buổi sáng, khi nước thủy triều rút ra biển, những bao bố căng phồng trôi theo giòng nước, mắc kẹt vào hàng rào tre ngăn khúc sông gần nhà tôi. Người dân địa phương cũng đồn đại, bán tin bán nghi về xuất xứ của các bao bố này. Các bạn học cùng lớp với tôi, đa phần lớn hơn tôi vài tuổi, đã rủ nhau bỏ nhà ra đi, để tránh bị sát hại. Hải Hậu trước thuộc tỉnh Nam Định, theo tình hình mới, nay thuộc “Tỉnh Bùi Chu” (Từ tháng 12-1949 đến 5-3-1952), khiến Khẩu hiệu “Lương – Giáo đoàn kết” cũng không hàn gắn được sự chia rẽ trầm trọng.

Một thoáng năm chục năm qua đi, tôi và cậu học trò nhỏ nhất của cha tôi, nay đã trở thành những ông già gần đất xa trời. 

Bất chợt nhà tôi hỏi nhỏ:

-“Khi nhỏ anh tắm ở con sông này?”

Tôi gật đầu trả lời:

-“Đúng vậy. Khi nhỏ anh bơi lội ở khúc sông này.”

Lúc này, giòng sông trông thật nhỏ hẹp, nước triều đang xuống, phần đất bồi sát bờ lác đác những ngọn cỏ lau. Hai bên bờ sông gần chân cầu đã trở thành chỗ đổ rác.

Nhớ lại chuyện xưa, cũng tại khúc sông này, khi mới về đây, tôi thường ôm thân cây chuối đã cắt bỏ ngọn và các tầu lá để bơi sang bên kia bờ. Vào buổi chiều sau giờ học, tôi ngồi trên thảm cỏ sát bờ sông phía trước nhà thả cần câu tôm. Hàng cây bàng vào mùa Thu đã chuyển mầu đỏ ối, để lại những chiếc lá khô vàng theo gió xào xạc rải rác trên mặt đường. Tôi lắng nghe tiếng chim sáo hót trên cành bàng, hòa với tiếng ríu rít chờ mồi của đàn chim nhỏ trong tổ. Nước triều dâng cao một mầu nâu nhạt, lềnh bềnh những khóm bèo trang, điểm vài chùm hoa mầu tím nhạt. Mặt nước mênh mông như muốn tràn lên bờ. Những con tôm càng, tôm trứng đua nhau cắn mồi, uốn cong đầu cần câu nhỏ, rung rinh cánh tay của tôi khi thoát khỏi mặt nước. 

Khúc sông này trở thành nguồn vui của tôi. Tôi thức giấc từ 5 giờ sáng như một thói quen, sau 30 phút tập thể dục, tôi ra sông bơi. Cha tôi ngồi nơi cửa sổ theo rõi. Tôi bơi ngược giòng về phía cầu xi măng cách nhà tôi 500 m. Vào giờ này, giòng sông đang đổi chiều ra biển

Khi về đây, cũng như những trẻ nhỏ cùng trang lứa, tôi gia nhập đội “nhi đồng cứu quốc”. Chúng tôi được hướng dẫn, sinh hoạt khơi dậy lòng yêu nước, thù hận thực dân. Ở tuổi ngây thơ dễ khích động, tôi đã ao ước trở thành một thứ Kim Đồng, thần tượng trong lứa tuổi của tôi. Hàng đêm, tại cây cầu xi-măng này, chúng tôi ca vang: “Anh Kim Đồng ơi, tuy anh qua đời, gương anh sáng ngời…” Chúng tôi được khuyến khích yêu thương “Bác”. Không “ai yêu bác bằng chúng em nhi đồng”. Là những mầm non đã được uốn nắn, được chăm sóc…, bị khích động mãnh liệt bằng lời ca đậm nét anh hùng của đoàn Vệ quốc: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh…” Tôi lớn lên trong khung cảnh huyền hoặc, ngổn ngang những thần tượng được thổi phồng, như đầu óc ngây thơ của chúng tôi đã được “tẩy rửa”, để trở thành con người mới.

Một thoáng mấy chục năm qua, tôi đã có dịp nhận định những gì xẩy ra trong quãng đời niên thiếu của tôi cũng như những người cùng trang lứa, đã biết rõ bản chất gian dối của một chế độ, phân định được lẽ đúng sai của lời tuyên truyền.

Tình hình địa phương ngày thêm bất an. Cha mẹ tôi bàn nhiều chuyện và vì an toàn cho cha tôi, nên quyết định trở lại Hà Nội. Bà nội tôi đã 86 tuổi, không thể đi bộ hàng chục cây số từ làng đến tỉnh Nam Định, nhất là chuyến đi này của cha tôi không bình thường, vì phải tránh sự nhòm ngó của giáo xứ Tả Hữu ở sát bên, cũng như mọi người ở địa phương này. Vì thương con, nên bà nội tôi dục cha mẹ tôi sớm rời quê, đừng lo lắng cho bà nhiều quá. Mẹ tôi nói với Bà, sẽ về đón bà sau khi chúng tôi tới Hà Nội.

Bố mẹ tôi và chị em tôi rời nhà từ tờ mờ sáng chưa trông rõ người. Mọi người không mang bất cứ thứ gì ngoài bộ quần áo thay đổi trong một túi xách nhỏ, như một hành động “trốn chạy” khỏi quê tôi. 


Trước mắt tôi cảnh cũ đã thay đổi, nếp xưa cũng không còn. Quan niệm “Phép vua thua lệ làng”, một điều luật bất thành văn, đã một thời uốn nắn người dân Việt về đạo đức và nâng cao lòng kiêu hãnh được thừa hưởng gương sáng của tiền nhân. Xã hội giữ được phong thái riêng biệt, vươn lên từ kinh nghiệm chuyển tiếp có từ lâu đời, một ưu điểm để đất nước nối tiếp sự phát triển. Tất cả đã trở lên xa lạ. Sự thay đổi trước mắt không mang tính kế thừa những tinh hoa có từ nhiều thế hệ, mà chỉ là sự phá bỏ những điều tốt đẹp đã có từ trước để làm lại từ đầu, như đang chập chững chạy theo một vòng tròn mà đích tới đã ở phía đằng sau.

Tôi giã từ quê tôi, chia tay với “người học trò nhỏ nhất của cha tôi”, mà những hình ảnh yêu thương, gần gũi đã đậm nét trong tâm tư của tôi một thời thơ ấu. Tôi đã ao ước trở về thăm vùng đất này, như sự mong mỏi tìm lại phần nào hình ảnh của một quãng đời tuổi trẻ. Nhưng những hình ảnh quen thuộc ngày xưa đã bị thực tại trước mắt xóa nhòa. Tất cả đã trở thành vang bóng, chỉ còn lại cảm giác lạc lõng tại chính nơi quê hương yếu dấu của mình.

***


____________

Chú thích

(Hình chụp năm 1997: Cầu hư hỏng nên không xử dụng)

Theo Tông phả Trần tộc, đức Thủy cơ Tổ họ Trần khai sáng đất Quần Anh là cháu 12 đời của Đức Trần Hưng Đạo, húy Vu, thụy Phúc Đức. Trước ở An Lạc Sơn (Xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương) làm nghề đánh cá. Sau chuyển đến khu Khang Kiện, đất Tức Mặc, phủ Thiên Tường. (Khu đền Trần ở Cổ Trạch, xã Lộc Vượng ngoại thành Nam Định)

Vì vụ Trần Nguyên Hãn năm 1429, con cháu họ Trần phải đổi sang họ Nguyễn, có người sang họ Đặng. Khi gặp loạn Nhà Hồ, Tiên đế họ Trần phải rời Cổ Trạch xuống xã Vũ Lao, huyện Nam Chân (Nam Trực). Sau khi Trần Nguyên Hãn được minh oan, Nguyễn Lịch và hai anh đổi lại họ Trần (Trần Hạp, Trần Hướng và Trần Lịch). Trần Lịch làm quan Tả Lang dưới triều Lê, sinh hai con: Trần Quốc Hy và Trần Quốc Hiến. Trần Quốc Hy làm quan Tả Lang, sau sung chức Doanh điền sứ, coi giữ đền các vua Trần ở Tức Mặc, Nam Định. Trần Quốc Hiến không ra làm quan. Khi đến Nam Lạch Lác (Sông Ninh Cơ, Trực Ninh), thấy vùng biển đất bồi có ý khai phá thành ruộng đồng, nhưng công việc chưa thành thì qua đời.

Con trưởng của Quốc Hiến là Trần Vu kế thừa nghiệp cha xin khai khẩn vùng bãi biển Lạch lác. Năm 1463 (Quang thuận thứ 4), Trần Vu được vua Lê phong Dinh Điền phó sứ, cùng các cụ Vũ Chi, Hoàng Gia và Phạm Cấp đưa gia đình và họ hàng xuống Lạch Lác khai khẩn.

Tứ Tổ lập sổ đinh, sổ điền. Đến năm Hồng Thuận thứ 2 (1511) vua Lê Tương Dực (1509-1516) phê chuẩn Quần Cường thành xã Quần Anh. Trần Vu, thụy Phúc Đức, sắc phong Đoan Túc Trung đẳng thần (Tổ tỉ Mai thị hiệu Từ Quang) sinh một con: Trần công húy Duật thụy Huệ Thông (Tổ tỉ Nguyễn thị, hiệu Từ Tín). Trần Duật sinh hai con: Trần Tuần, thụy An Cư và con thứ hai là Trần Tiến, thụy Tuyên Vũ. Trần Tiến biệt phái vào Thanh Hóa, có 4 con trai (Chính Tâm, Chính Đức, Phúc Thụ và Liễu An) làm tướng dưới triều Lê. Tử trận, được phong làm Thành Hoàng, xã Duy Dương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

Cầu Ngói Hải Hậu: 

Xây dựng vào đời Hồng Thuận (1509-1515).

Cầu ngói Thanh Toàn cũng được xây dựng theo lối “Thượng gia hạ trì” (Trên nhà dưới sông), bắc qua con mương chảy từ đầu làng đến cuối làng Thanh Toàn thuộc xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách trung tâm thành phố 8km. Cầu có chiều dài 18,75m, rộng 5,82m, chia làm 7 gian, hai bên có bục gỗ và lan can cho khách nghỉ chân. Mái cầu lợp ngói lưu ly. Sau nhiều lần tu sửa vào những năm 1847, 1906, 1956 và 1971, kích thước của cầu đã thu nhỏ lại với chiều dài 16,85m, chiều rộng 4,63m.

Theo lịch sử, vào thế kỷ 16 trong số những di dân từ Thanh Hóa theo Chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, có 12 Tộc Trưởng đã ở lại lập nghiệp, tạo lên 12 họ của làng Thanh Toàn. Cầu được xây dựng vào năm 1776, do người cháu gái thuộc thế hệ thứ 6 của họ Trần, bà Trần Thị Đào, phu nhân một vị quan cấp dưới triều vua Lê Hiển Tông, không có con, nên dùng tiền của mình xây cầu để làm phúc cho dân làng. Bà được dân làng tôn sùng, thờ phụng. Năm 1776, vua Lê Hiển Tông ban sắc khen:

“Bà Trần Thị Đào sinh quán tại làng Thanh Toàn…là người có đức hạnh. Cuộc sống của bà làm cho người ngưỡng mộ mọi mặt. Bà là người đáng khen hơn ai hết. Bà đã làm cho làng được ban những ân huệ mà người ta sẽ ghi nhớ mãi.” Nhà Vua cũng miễn cho dân làng nhiều loại sưu dịch để họ nhớ công ơn và noi theo tấm gương tốt của bà.

Năm 1925, vua Khải Định ban sắc phong cho bà là “Dục Bảo Trung Hưng Linh Phò” và ra lệnh cho dân lập đền thờ ngay trên cầu để thờ cúng bà.

Chùa Cầu là cây cầu cổ trong khu đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Chiếc cầu này được thương nhân người Nhật xây dựng vào thế kỷ 17, nên cũng có tên gọi Cầu Nhật Bản. Năm 1653, một phần chùa được xây thêm nối liền vào lan can phía Bắc nhô ra giữa cầu, nên người địa phương gọi là Chùa Cầu. Cầu có chiều dài 18m, có mái ngói cong âm dương, bắc qua một lạch nước chẩy ra sông Thu Bồn.

Một tấm biển lớn trạm nổi 3 chữ Hán “Viễn Lai Cầu” nơi cửa chính, di tích của vua Nguyễn Phúc Châu vào lần thăm Hội An năm 1719, với ý nghĩa “đón khách phương xa”. Theo niên đại còn ghi trên gỗ “Xà nóc” và văn bia ở đầu cầu, cầu được trùng tu vào những năm 1817, 1865, 1915, 1986.


Trần Nhật Kim
Tháng 7-2016