có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 7 18, 2016

Khu rừng lạ



Khu rừng không biết tên gì nằm âm u sau cái cổng lớn có chòi gác ở một nơi hẻo lánh trên cao. Không có khói xe, không có tiếng tích tắc đồng hồ. Chỉ có nước mưa cộng với khí trời, khí đất. Những cơn mưa miệt mài làm lá xanh thăm thẳm, xói trên đất thành những dòng chảy băng băng cuốn trôi mọi rắc rối phiền hà.

Có một cô gái đi vào khu rừng ấy. Cô gái tên Thu, không có gì đặc biệt, mặc quần kaki, mang giày vải. Cô có dáng vẻ của một người lang thang không chủ đích. Những người lang thang thường mang khuôn mặt ít nhiều tư lự. Cô gái đeo cái túi trên lưng. Trong túi có một bịch bắp rang, một chai nước uống, một quả trứng luộc. Cô đậu xe xong đến chòi mua vé vào cổng.

Ông già gác dan đẩy tấm bản đồ ra cho Thu qua cái lỗ tò vò. Thu liếc nhìn vào trong hỏi:

“Mùa này đông người vào chơi không bác?”

Ông già đáp, giọng lèn èn:

“Ở đây chẳng bao giờ đông người. Cô muốn đông thì ra phố.”

“Vào rừng lỡ... lạc thì sao bác?”

“Đã có bản đồ còn sợ lạc. Cái cô này...”

Ông già hấp háy cười. Những ngọn cây vòi või chụm đầu nhau rúc rích cười. Không khí trong sạch thơm ngát mùi thảo mộc, ngai ngái mùi lá mục gợi những cảm xúc mông lung. Rừng vắng vẻ thênh thang. Thu tìm một phiến đá phẳng ngồi bệt xuống giở bản đồ ra xem.

Hình vẽ hướng dẫn rất sơ sài. Đại khái là cứ theo một con đường độc đạo hình vòng cung khép kín, vượt qua bốn cây cầu gỗ, một con sông cạn, một thung lũng hẹp và dăm thứ gì nữa có đi rồi mới biết. Nét vẽ mảnh mai trên trang giấy sạch sẽ chẳng gợi lên điều gì. Trên bản đồ ghi rõ bốn cây cầu gỗ là bốn vị trí quan trọng để biết mình không lạc đường.

Thu nhìn về phía trước và bước, bước, bước. Cây cối chằng chịt, bạt ngàn. Hình như mặt đất chênh chao, hay lòng mình chênh chao, Thu chẳng biết. Gió trước mặt, gió sau lưng. Thu cắm cúi đi. Đường đời chắc cũng giống đường rừng. Hết cây rồi tới cây. Người ta đi thì cứ đi, có ai thấy trước được cái gì quá một gang tay đâu.

Cô gái vào đây làm gì? Tìm ai? Tìm gì? Hoàn toàn vô định. Cô đi chơi trong một ngày hãng hết việc, nhân viên được về sớm. Bốn bánh xe lăn theo cảm hứng bốc đồng. Đang chạy trên đường chính tự nhiên cô trông thấy một ngã rẽ. Ngay tại đó cô gặp những con bò lim dim đưa đẩy quai hàm, cái hàng rào xiên xẹo, những cái hoa xương rồng đỏ gay nhức nhối. Thế là cô rẽ xe vào và cứ thế mà chạy, chạy mãi đến khi gặp khu rừng sừng sững bít lối.

Cây cầu gỗ đầu tiên bắc qua cái lạch nước êm như ru hiện ra trong vùng ánh sáng trong veo rọi xuống từ cái lõm trời bé tít trên cao. Một dòng nước trạo trực tuôn bọt sủi lăn tăn len lách chật vật qua những tảng đá rong rêu ngửa mặt nhìn trời. Hai con sóc thập thò đuổi nhau sột soạt, ngúc ngoắc hai cái đầu mang hai cặp mắt lấp lánh như mảnh gương vỡ. Thu tựa tay lên thành cầu nhìn ngó bâng quơ. Một người, đúng hơn là một chú nhóc độ 12, 13 tuổi đội cái nón rơm xăn quần lội lom khom tìm kiếm gì đó dưới dạ cầu. Thu mỉm cười cất tiếng hỏi:

“Em ơi, em tìm gì đó?”

Chú nhóc không ngẩng lên trả lời:

“Em bắt ếch.”

“Ếch?”

“Phải. Em bắt ếch về cho bạn em làm thí nghiệm trong lớp sinh vật. Con ếch lần trước em bắt về bị chết nên bạn em khóc. Em phải tìm con khác.”

Thu hỏi:

“Bạn em học lớp mấy?”

“Lớp tám. Bạn em học sinh vật giỏi nhất lớp, không ai bằng đâu nhưng có tật khóc nhè. Mèo chết cũng khóc, chó chết cũng khóc. Con ếch chết cũng đem chôn, đáp cho nó ngôi mộ.”

Cô gái rùng mình như bị điện giật. Cô nhón chân chồm qua thành cầu kêu lớn:

“Võ. Võ. Có phải Võ đó không? Thu đây nè.”

Chú nhỏ bên dưới làm như không nghe. Nó tiếp tục vừa đi vừa lảm nhảm:

“Thu. Đừng khóc nha. Để tui tìm con ếch khác cho. Thu phải lấy bùn trét lên da con ếch thì nó mới không bị chết. Thu đừng lo. Thế nào tui cũng tìm được mà. Tui còn thấy nhiều nòng nọc chỗ này nữa nè. Để tui vớt về cho Thu.”

Cô gái hốt hoảng chạy xuống mé nước vừa ngoắc tay vừa la lớn. Cái người đứng giữa dòng nước ngẩng lên nhìn. Thu thấy dưới vành nón là cái vết nám to bằng ba ngón tay và đôi mắt quen thuộc của người bạn cũ từng đi bắt ếch cho Thu làm thí nghiệm trong giờ sinh vật năm lớp tám nhưng kỳ dị làm sao, đôi mắt đó trơ trơ không nhận ra cô. Nó trống trải, nó vô hồn, vô cảm, xa lạ như mắt của những con búp bê mặc quần áo đứng trong tủ kính. Thu trân trối nhìn bạn. Vết nám trên mặt và chuyện bắt ếch hồi còn đi học không thể lầm lẫn được. Đúng là Võ. Chú nhỏ kia làm như không buồn chú ý đến sự hiện diện của Thu, cúi xuống thắt lại cái giỏ cói đeo bên hông xong lấy tay khoát nước tung tóe rồi vừa cười khanh khách vừa lội bì bõm ngược về phía nguồn. Thu đứng chôn chân như trời trồng nhìn cái nón rơm trồi lên thụp xuống lẫn trong cây mỗi lúc một xa dần.

Thu không hiểu gì cả. Cái người vừa rồi chính là Võ nhưng là Võ của ba chục năm trước, không phải ở thời điểm hiện tại. Cả khu rừng nín bặt. Ngoài tiếng nước chảy róc rách dưới dạ cầu và tiếng chim chíp chíp liên tục trong tàn cây thì không còn thứ tiếng gì khác.

Cô gái ngồi im như phỗng ngẫm nghĩ hồi lâu. Cô lấy quả trứng ra lột vỏ ăn nhỏ nhẻ từng chút xong mở chai nước uống vài ngụm. Mọi chuyện lẫn vào nhau một cách hoang đường. Cũng không sao. Lỡ vào đây rồi, dù gì cũng không thể bỏ cuộc. Cô thắt lại dây giày, phủi những bông cỏ bám trên ống quần rồi đứng dậy đi tiếp. Đường đi nhớt nhợt, trơn lầy, nước đọng từng vũng xanh lè. Vô số những con lăn quăn đang giãy giụa trong ấy. Đúng như hình vẽ trên bản đồ, cây cầu gỗ thứ hai bắc qua một con sông cạn không có nước, chỉ có bùn lầy và những thứ cây hoang tua tủa phất lên mùi hôi thối do tù đọng lâu ngày.

Cô gái dừng lại ở đầu cầu. Khu rừng nơi ấy rất tối. Mặt trời bị những tán lá dày che khuất không rọi xuống được nên trên mặt đất chỉ có những đốm sáng yếu ớt, nhợt nhạt. Thu nhìn thấy ở đầu cầu bên kia một đoàn người mặc áo chùng như những linh mục, hai người đi đầu cầm hai cây nến, những người đi sau mỗi người cầm quyển kinh thánh mở rộng trước mắt, quang cảnh giống hệt như đang rước linh cữu của ai đó vào nhà thờ trong đám tang. Tiếng đọc kinh thều thào như tiếng gió. Cô gái đứng sau một thân cây, hai chân nặng như đeo chì không nhấc lên được. Một con muỗi rừng to tướng giơ cao cái vòi cắm vào da thịt cô đau điếng. Cô đập một cái mạnh làm con muỗi nát nhừ tóe máu. Cái tiếng “chách” khô gọn chát chúa làm người cuối cùng trong đoàn rước lễ bất giác dừng lại ngẩng lên nhìn. Trong bóng tối lem nhem của tàn lá cô gái thấy người ấy đưa tay về phía trước môi mấp máy:

“Thu. Thu. Tới đây.”

Những tiếng ấy vọng đến tai Thu mơ hồ như gió thổi. Cô rúm người sợ hãi:

“Anh Thạch. Anh Thạch. Anh đã chết rồi kia mà. Sao anh lại ở đây?”

Người tên Thạch không đáp. Anh đứng bất động nhìn Thu bằng ánh mắt buồn bã héo úa hệt như đang đứng trong cái vòm của nhà thờ ngó ra những hàng ghế và những cái đầu quấn tang trắng xoá cúi xuống sụt sùi. Thế này là thế nào? Anh Thạch. Anh đã chết rồi kia mà. Chính em nhiều lần chạy đến căn nhà đã bán lại cho người khác để đăm đăm nhìn hai cánh cửa không còn mở cho em vào, để những người lạ trong ấy lỏ mắt tưởng em là một con điên. Lâu rồi. Ngày ấy Thạch nói: “Em có biết em hớp hồn anh lúc nào không?” Thu hỏi: “Lúc nào?” Thạch nói: “Hôm ngoài tiệm nước. Khi không em cúi xuống lượm đồng xu dưới đất. Anh thấy ngực em. Anh thấy lòng tự nhiên phừng lên như cái lò ga bắt lửa.” Nước mắt Thu ràn rụa. Anh Thạch. Rõ ràng anh đã chết ngoài vườn, người gục xuống, cái ống tưới cây còn chảy nước lênh láng. Hay em lầm? Những móng tay Thu bấu vào thân cây cho khỏi ngã. Ruột gan lạnh từ từ. Bàn tay Thạch vẫn đưa về phía trước, môi mấp máy não nề. Thu chống tay xuống đất bò lết qua những tấm ván cầu, mắt hoa lên vì những vệt sáng nhờ nhờ hắt lên từ bên dưới. Đến giữa cầu thì cô ngất đi, hay chết đi cô không rõ.

“Đau quá” -- đó là cảm giác đầu tiên Thu ý thức được khi tỉnh lại và biết mình không chết. Cô không thấy trời, không thấy cây, trước mặt là một vầng trán bị tóc che loà xoà đang cúi xuống và đôi mắt không quen nhìn cô lo lắng.

“Chị. Chị tỉnh lại rồi à. Chị có sao không?”

“Đây là đâu?” Thu ngơ ngác.

“Là... rừng. Tôi thấy chị té sấp ở đầu cầu. Tôi lo quá. Tôi định chạy kiếm người tới giúp nhưng bỏ chị lại một mình thì tôi e không biết có sao không. Tôi nhúng khăn ướt lau mặt cho chị. May chị tỉnh lại.”

Bấy giờ Thu mới ngồi dậy nhìn quanh quất. Cô thấy mình nằm trên vạt cỏ khô dưới một bóng râm rất mát, xung quanh hoa dại nở rộ một vùng. Người lạ đưa tay đỡ Thu dựa gốc cây, lục trong ba lô lấy ra chai nước ân cần hỏi:

“Chị thấy đỡ chưa? Tôi có đem theo nước đây. Chị uống chút đi.”

“Cám ơn anh. Tôi cũng có đem theo nước. Có lẽ tôi trúng gió.”

Người lạ lập tức cởi áo khoác ngoài đắp lên người cho Thu. Thu cảm thấy ngại nhưng không từ chối. Chân nàng đau như gãy, hai cánh tay trầy trụa do cành cây cào rướm máu. Nàng nhìn người lạ hỏi:

“Anh là ai?”

Người ấy cười thân thiện:

“Tôi đi chơi trong rừng. Tình cờ gặp chị. Chị đi chơi một mình à?”

“Vâng. Tôi mua vé vào cửa rồi coi theo bản đồ mà đi. Tôi dại quá.”

“Dại như thế nào?”

“Thì lỡ... gặp cọp beo...”

Người lạ cười:

“Rừng này không có cọp beo. Chị muốn gặp cũng không có.”

“Nhưng tôi đã gặp những chuyện khác.”

“Chuyện gì?”

Hai mắt người lạ tròn xoe ngó Thu chờ đợi. Suýt nữa Thu đã buột miệng kể những gì mình nhìn thấy nhưng nàng ngăn lại được. Người kia thấy Thu không nói gì thêm thì cũng không nài ép. Anh lấy kính ra chùi vào vạt áo. Thu hỏi:

“Anh hay đi rừng chơi à?”

“Phải. Tôi tới đây hoài. Buồn buồn tôi vô chơi. Tôi rất yêu thiên nhiên.”

“Anh có bao giờ gặp những chuyện lạ trong này không?”

“Cũng có khi có. Nó đến rồi đi, như gió thoảng thôi.”

“Nhưng những chuyện lạ ấy là chuyện gì?”

“Thì... giống như là chuyện tôi gặp chị đây. Không phải lạ sao? Lát nữa chị đi mất. Tôi cũng đi mất. Khu rừng này biết đâu cũng có ngày bị đốn. Chừng đó thì câu chuyện này chẳng còn hơi hướm gì. Coi như ngàn năm mây bay. Mỗi gặp gỡ trên đời đều là những chuyện lạ. Chị không nghĩ như thế sao?”

Trời xanh trong vắt ẩn hiện qua những ngọn cây. Những cái lá rơi nhè nhẹ quanh chỗ hai người. Người lạ nhìn Thu:

“Chị thích ca dao không. Tôi đọc chị nghe nhé: Đố ai quét sạch lá rừng. Để tôi khuyên gió gió đừng rung cây.”

“Hai câu ấy hay nhỉ. Tiếc mình không biết tác giả là ai.”

“Chắc cũng là một người thích đi rừng.”

Thu cười:

“Anh ăn bắp rang không? Tôi có đem theo đây.”

Người lạ đỡ lấy bịch bắp từ tay Thu. Đôi mắt anh ấy dừng lại ở Thu hồi lâu. Anh nói:

“Chị là một người rất hiền lành.”

Thu hỏi:

“Anh mới gặp tôi có năm phút. Sao anh biết tôi hiền?”

“Biết. Tôi biết chắc như thế. Tôi không nói sai đâu. Rồi chị coi...”

Thu nhíu mày:

“Hình như tôi thấy anh quen quen. Không quen lắm nhưng hình như tôi có gặp đâu đây.”

“Vâng. Tôi cũng thấy chị quen. Chắc tôi gặp chị... trong rừng.”

Cả hai cùng cười. Người lạ đổ bắp trong lòng bàn tay ăn nhóp nhép. Ăn xong anh chùi hai tay vào nhau. Vụn bắp rơi lả tả trên đất. Anh nói:

“Tôi xuống suối rửa tay. Chi muốn đi với tôi không?”

“Đi. Tôi cũng muốn rửa tay rửa mặt cho mát.”

Thu vịn tay người lạ, đứng lên. Cô thấy nhẹ nhàng, tỉnh táo. Đoạn suối nơi đây không giống như chỗ hồi nãy Thu gặp Võ. Nước trong hơn và đẹp hơn. Có bầy chim cánh nâu ríu rít tắm giữa dòng, thấy người đến vội vã bay vù. Thu nhìn vào cây cầu gỗ thấy đánh số 3. Cô rút trong túi ra tấm bản đồ. Người lạ rảy rảy tay cho ráo hết những giọt nước lấm tấm xong quệt tay vào áo:

“Chị còn muốn đi đâu?”

“Tôi chỉ cần đi tới cây cầu số 4 là xong. Khi đó là tôi yên tâm rồi.”

Người lạ nói:

“Để tôi đưa chị tới đó.”

Con đường đất càng lúc càng bằng phẳng dễ đi, cây thấp lưa thưa, băng qua thung lũng hẹp nở ngợp hoa vàng. Người lạ vừa đi vừa huýt sáo. Thu đụng vào một cái lá có gai. Nó khép lại vội vàng. Những gì đẹp và đáng nhớ đều khép lại vội vàng như thế. Thu nghĩ đến Thạch, đến Võ và đến người bạn đồng hành trong phút chốc của mình đây. Rồi sẽ mãi mãi chia lìa.

Tới đầu cầu cả hai cùng đứng lại. Thu cởi cái áo khoác trả lại cho người lạ. Anh cầm lấy vắt lên vai. Thu nói:

“Cám ơn anh nhiều lắm... Tôi đi đây. Bao giờ...”

“Bao giờ... Sao?”

“Anh định nói gì?”

“Không. Tôi không định nói gì cả... Chị đi thật sao? Tiếc quá. Chị thấy con đường rẽ xuống chỗ bên kia thung lũng có đẹp không? Chị muốn đi qua bên ấy với tôi không?”

Thu hỏi:

“Con đường ấy dẫn về đâu? Sao tôi không thấy vẽ trên bản đồ?”

“Tôi không bao giờ đi theo những con đường vẽ sẵn trên bản đồ. Bao giờ tôi cũng tìm những con đường khác mà đi.”

“Tôi thì ngược lại. Lúc nào tôi cũng kè kè tấm bản đồ. Tôi rất sợ lạc đường.”

Người lạ bật cười ha hả:

“Thấy chưa? Chị thấy tôi nói có đúng không? Tôi chẳng bảo chị là người hiền lành là gì. Vừa gặp chị tôi đã có ngay nhận xét ấy.”

“Tôi thì... Tôi thì vậy.”

“Chị lái xe về bình yên nhé... Bao giờ em trở lại. Rừng cũ còn hay không. Bóng cây nhoè bóng nước. Lao chao những não nùng.... Thôi. Tôi khùng lắm chị ạ. Chị bỏ lỗi cho và đừng chấp nhất nhé.”

Không. Thu lẩm bẩm. Tôi chẳng chấp nhất gì cả. Những hạnh ngộ trên đời như thực như hư, mờ ảo như sương khói. Không nâng niu gìn giữ thì thôi, có đâu chấp nhất.

Thu dõi theo bóng người lạ rẽ xuống con đường không một dấu chân người. Cái áo trên vai phơ phất nhẹ nhàng theo chân bước. Nàng không nhớ mình đã đi bộ bao lâu để tới bìa rừng và lái xe về nhà như thế nào. Tất cả những gì còn đọng trong tâm trí Thu là những cái cây im lìm trong ấy, là ký ức về người bạn thuở thiếu thời, là vang bóng của một người yêu đã chết và một người lạ nàng còn chưa biết tên. Thu lấy trong túi ra một cục giấy tròn vo nhỏ xíu như hạt đậu đã nhầu nát, vuốt phẳng phiu và bâng khuâng một mình. Đó là cái vé vào cửa ở chỗ khu rừng, đã bị rách một nửa, còn một nửa với vài ba hàng chữ số lăng nhăng chẳng hiểu ý nghĩa gì mà nàng đã mua với giá 7 đồng bạc. Ngọn gió rừng văng vẳng tiếng ai thì thầm: Bao giờ em trở lại. Rừng cũ còn hay không. Bóng cây nhoè bóng nước. Lao chao những não nùng...

Thu không thố lộ với ai về những gì cô đã gặp trong khu rừng đó. Cô nghĩ trong tâm tư của mỗi người ai lại không có những khu rừng hoang dại, không một lần lạc vào những con đường lầy lội trong dĩ vãng, nơi phơ phất bao tình cảm không định hình. Trên đất ướt còn vài vệt bánh xe, vài dấu giày, vài vụn bắp rang hay nhiều lắm là nửa cái vé vào cửa đã rã tan thành bụi loãng biệt mù.


Cao Thanh Phương Nghi