có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 6 02, 2016

Trên lầu bảy bệnh viện




Truyện thứ nhất

Hôm ấy người ta chuyển đến bệnh viện của trường đại học K. một nạn nhân bị trọng thương. Anh ta 19 tuổi, bị xe tải cán và lôi đi một quãng gần 10 thước. Kết quả là anh bị gãy nát hết hai chân, da bụng bị tuốt không còn gì, dập gan, dập lá lách, mất luôn bàng quan và bộ phận sinh dục. Hãy tưởng tượng thân thể anh từ rốn trở xuống là một đống thịt bầy nhầy, thê thảm, như xác mấy con chuột bị xe cán ta thỉnh thoảng gặp trên đường. Máu truyền vào bên trên thì rỉ ra bên dưới vì các động mạch đã bị đứt, bị dập bể. Duy chỉ còn trái tim là thoi thóp. Người ta nói miễn trái tim còn đập là còn hy vọng…

Mẹ của nạn nhân là một phụ nữ người Mễ Tây Cơ, thấp, lùn, nặng nề, đen đúa, lôi thôi, bẩn thỉu, dắt theo sau một lũ con cũng lôi thôi bẩn thỉu như bà. Bà ấy lắp bắp một tràng tiếng Mễ được thông dịch lại như sau: “Bác sĩ cấp cứu nơi bệnh viện vùng tôi ở bảo tôi phải bằng bất cứ giá nào phải xin chuyển cho cháu về đây gặp cho được bác sĩ M. Chỉ có bác sĩ M. mới cứu được con tôi. Bác sĩ M. vẫn đang làm việc ở đây phải không? Nghĩa là sẽ chữa trị được cho con tôi phải không? Xin cho tôi gặp bà ấy, để tôi van cầu bà ấy.” Hai môi của bà mẹ tái mét, da mặt giựt giựt trong cơn xúc động mạnh. Những đứa trẻ giương cặp mắt đờ dại lên nhìn mẹ. Nạn nhân được chuyển lên lầu bảy là khu chăm sóc đặc biệt.

Bác sĩ M. là một thần y như người ta vẫn mệnh danh bà như thế và là một từ mẫu nếu nói về lòng tận tụy của bà đối với bệnh nhân. Bà mới ngoài 40 mà tiếng tăm đã lẫy lừng trong giới y học. Tiếng nói của bà mạnh mẽ, rõ ràng, dứt khoát như những nhát dao nhà nghề phập xuống mặt thớt. Hai mắt bà sáng quắc như hai luồng ánh sáng cực mạnh làm cho một người nếu có những ý tưởng không minh bạch thì không dám nhìn thẳng bà. Bà dịu dàng, từ tốn nói với mẹ của nạn nhân: “Chị yên tâm về đi. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức….” Người đàn bà người Mễ Tây Cơ không về. Bà ta và lũ con ngủ lại trong phòng đợi nhiều tuần liên tiếp sau đó. Làm như họ muốn lắng nghe từng nhát dao nhát kéo trong phòng mổ. Bác sĩ M. mệt nhoài. Bệnh nhân phải mổ đi mổ lại nhiều lần. Những bộ phận nào bị mất thì thay bằng ống nhựa. Thận mất thì dùng thận nhân tạo. Da mất thì cấy da những người hiến tặng thế vào. Bác sĩ M. đã làm tất cả những gì bà có thể làm được. Đã nhiều lần bà nhìn thấy cái lưỡi hái của thần chết vung lên hạ xuống kề sát cổ người bệnh chỉ cách có đường tơ kẽ tóc, trong bầu không khí nóng bức, tanh khét vì da thịt bị cháy dưới mũi hàn điện trong phòng mổ. Bà nói với mẹ của nạn nhân: “Tôi không giữ được đôi chân cho anh ấy.” Bà mẹ run rẩy: “Miễn là không mất mạng. Xin bác sĩ cố giữ mạng sống cho cháu…”

Sáu tháng sau người bệnh có thể uống được nước và nuốt các thức ăn lỏng. Chín tháng sau thì bác sĩ M. ký giấy cho anh ta xuất viện. Bà nói: “Bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy hiểm. Chúng tôi sẽ chuyển cho cháu đến một trung tâm phục hồi chức năng. Giai đoạn phục hồi lâu hay mau tùy vào mỗi người, có thể 10 tháng, có thể hai năm. Cháu sẽ được tập ăn, tập thở, tập nói, tập ngồi, tập đi…tức là tập mọi thứ để phục hồi những khả năng cháu bị mất do thương tật. Tuy nhiên bà có thể yên tâm được rồi.” Sau đó thì xe của bệnh viện chở hai mẹ con đi. Bà mẹ vẫy tay chào bác sĩ M. và các y tá, y công trên lầu bảy. Con bà đã được hồi sinh từ “thần y” M. và những bàn tay thay tã, thay băng, tắm rửa, đổ bô của hết thảy những nhân viên ở đó.

Không ai nhớ rõ là hai hay ba năm sau thì hai mẹ con người Mễ Tây Cơ đột ngột xuất hiện ở lầu bảy. Người mẹ khác hẳn khi xưa, mặt mày tươi tỉnh, tóc tai gọn gàng, áo quần tươm tất. Họ xin phép vào thăm những người đã chăm sóc cho mình trước đây. Các y tá ùa ra mừng rỡ. Người thanh niên ngồi trên chiếc xe lăn, thật đẹp trai với mái tóc dợn sóng và đôi mắt nâu, nói chuyện huyên thiên, tươi cười rạng rỡ. Anh cười cười nửa đùa nửa thật: “Tôi sắp cưới vợ rồi đấy nhé.” Người mẹ đi phía sau cầm theo một giỏ hoa đủ màu, khuôn mặt lấp lánh nỗi hân hoan. “Cho tôi gặp bác sĩ M. được không? Bà ấy ở đâu? Bà không bận rộn chứ? Tôi có thể xin gặp ít phút được không?” Người thanh niên bảo:” Tôi muốn cho bác sĩ M. xem là tôi có thể đi được chút ít trên đôi chân giả. Xin các chị cho tôi gặp bà ấy đi.”

Không khí đang sôi động rào rào bỗng lặng im phăng phắc như giữa trưa đứng gió.. Không ai nói được câu nào. Một chị y tá bước đến nói mà như nghẹn: “Bác sĩ M. không có ở lầu bảy. Nếu muốn gặp thì xin đi theo tôi.”

Hai mẹ con người Mễ Tây Cơ ngơ ngác. Bà mẹ đẩy xe lăn cho đứa con trai theo chân chị y tá xuống vườn hoa của bệnh viện. Vườn hoa rất đẹp, thanh tĩnh, yên bình, có hồ nước, và có lát những phiến đá rất trang trọng ghi khắc tên những người đã đóng góp công sức hoặc của cải cho bệnh viện. Chị y tá chỉ vào một phiến đá cẩm thạch có vân xám vân đen bên cạnh rất nhiều những phiến đá khác có ghi dòng chữ: “Tưởng niệm bác sĩ C. M. nguyên trưởng khu chăm sóc đặc biệt với tất cả lòng thương tiếc và tri ân.” Hai mẹ con ngẩn ngẩn ngơ ngơ: “Như vầy là thế nào? Bác sĩ M. đã…Không lẽ….”

Vâng thưa các ông, các bà, các bác, các chú, các cô, các anh, các chị. Trên đời này chẳng có cái lẽ nào hết. Bác sĩ M. đã chết. Một người bạn thân của bà đã đến đập cửa nhà bà lúc sáng tinh mơ và phát hiện bà đã chết dưới cái bể bơi sau nhà, trong người còn bận nguyên quần áo ngủ. Người bạn gần ngất xỉu. Mọi thứ trong nhà không một thứ gì suy suyển. Các nhân viên điều tra cho biết đây không phải là một án mạng mà là một tai nạn. Bà té xuống hồ vì say rượu, say thuốc, hay chỉ vì muốn nhào xuống ôm trăng giỡn chơi trong một đêm vắng vẻ mênh mông cô tịch huyền bí chỉ có mình bà với trời mây bầu bạn. Người chết thì đã chết rồi. Người sống xôn xao một chặp rồi thôi. Mọi thứ sau cùng đã ngủ yên dưới cái phiến đá này đây, trong khu vườn của bệnh viện, trong tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim kêu, tiếng thở dài của ai đó còn thương tưởng. Chị y tá bảo: “Bác sĩ M. đã cứu sống nhiều người. Vậy mà đến lượt bà ấy thì không ai cứu…”

Hai mẹ con người Mễ Tây Cơ lặng đi một hồi. Bà mẹ quì xuống hôn lên phiến đá, đặt giỏ hoa cạnh bên xong đứng lên chào chị y tá rồi lặng lẽ đẩy chiếc xe lăn quay đi. Trên lầu bảy hình như có bóng một chiếc áo trắng phất phơ, có một nụ cười ẩn hiện sau lớp kính mờ, có một đôi mắt dõi theo chiếc xe lăn băng qua lối đi giữa hai bờ cỏ. Người thanh niên ấy rồi sẽ đi được trên đôi chân giả thay cho đôi bánh xe lăn, chỉ ít lâu nữa thôi, đó là điều hy hữu mà thần y M. đã làm được.


Truyện thứ hai

Đêm đó chị y tá Nhàn nhận bệnh ở lầu bảy. Bệnh nhân của chị là một bà cụ bị liệt do chấn thương cột sống, chuyển đến từ nursing home, mắt thụt sâu, hai má hóp. nằm xẹp lép bất động như cái xác. Chị Nhàn đem thuốc đến cho bà nghe bà mấp máy môi: “Tôi muốn gặp con gái tôi.” Chị hỏi: “Bác có số điện thoại không? Cháu gọi chị ấy giúp bác.” Bà cụ thút thít: “Tôi không có số gì của nó hết. Đã mấy năm rồi nó biền biệt tăm hơi. Tôi gặp nó rồi thì tôi có chết cũng vui lòng mà chết…” Bà cụ nói rồi lại khóc, lại nói thêm nữa, cứ lặp đi lặp lại mãi một câu. Chị Nhàn mở hồ sơ ra đọc. Trong ấy ghi là bà cụ có ba người con trai ở rải rác khá xa, không thấy nói đến một người con gái nào cả. 

Hai hôm sau chị Nhàn trở lại thì bà cụ yếu thêm chút nữa. Thuốc men chẳng còn hiệu lực. Người bà mỗi lúc một phình lên do thận suy, ứ nước. Bà cụ chốc chốc lại ngước nhìn ra cửa sổ. Ngoài ấy bầu trời đen thăm thẳm. Chỉ có cây thập giá trên nóc nhà thờ là sáng lên huyền ảo. Bà cụ xin Nhàn tờ giấy và cây bút chì, nguệch ngoạc vẽ lên đó một khuôn mặt méo mó, mắt lớn mắt nhỏ, miệng lệch một bên. Vẽ xong bà vò mảnh giấy tấm tức: “Tôi không vẽ được. Tay tôi run quá. Con gái tôi không phải thế này. Nó đẹp lắm mà cuộc đời nó tan nát. Chắc kiếp trước tôi ăn ở ác nhơn thất đức nên trời phạt. Ông trời phạt tôi, không trút xuống tôi mà trút xuống con tôi. Tôi khổ lắm cô y tá ơi…”

Chị Nhàn ngần ngại. Thôi cứ để bà cụ đổ thừa cho kiếp trước như vậy cho yên lòng. Chị ngập ngừng hỏi một cách vu vơ:

- Bác có ba người con phải không?

- Không phải. Tôi có bốn đứa. Ba đứa con trai thì đã yên ổn làm ăn. Tôi không có gì lo lắng. Riêng đứa con gái út thì lưu lạc. Nó là con Hà, con bé Hà…

- Ủa, bác còn người con gái à? Trong hồ sơ không thấy ghi…

- Người ta ghi thiếu…

- Con gái bác bây giờ ở đâu?

- Nó ở bên Pháp. 

- Chị ấy làm gì bên đó?

- Tôi không biết… Tôi không biết gì cả…Nó sống chết thế nào tôi không biết. Nó không gởi thư về. Tôi thì nằm một chỗ đã ba năm nay….Tôi muốn đi tìm nó cũng không đi được… Hay là nó đã chết rồi? Trời ơi tôi phải gặp nó chứ… Không lẽ mẹ con không còn thấy mặt? Phải chi con trai tôi về kịp để tôi hỏi xem đứa em út của nó như thế nào. Tại sao không có đứa nào về cả? Cô y tá, tôi còn sống được bao lâu nữa? Có ai gọi được cho con tôi hay chưa? Trời ơi sao ông trời hành hạ tôi như thế này….

Bà cụ giận dữ như lên cơn động kinh. Giận mà không cử động được thì cơn giận trào qua mắt, qua mũi, qua miệng, qua những vết thương trên thân thể. Nước vàng ứa ra từ những chỗ lở loét, bọt mép sùi ra hai bên khóe miệng. Mặt bà nhăn lại như cái mặt nạ phù thủy. Cái đau bên trong thì thuốc men gì chữa được. Bác sĩ có dặn trong trường hợp như thế này thì cho bệnh nhân một liều thuốc an thần. Chị Nhàn làm theo. Bà cụ thiếp dần đi. Đến sáng chị Nhàn giao ca lại cho người trực ban ngày. Chị dặn nếu được hãy cố liên lạc tìm cho ra người con gái của bà cụ.

Ba hôm sau nữa thì bà cụ đã mê sảng, hai mắt nhắm nghiền, miệng há ra, bất động, phất lên mùi hôi. Người bà lúc này đã phình to như cái quả bóng bơm căng đầy nước, hai môi dầy lên, mắt mũi đều sưng phù.Lúc bà mới chuyển đến có đem theo một chiếc áo dài, dặn chị nếu có bề gì thì mặc cho bà chiếc áo ấy khi tẩn liệm. Chị lấy chiếc áo ra, đau lòng nhận thấy rằng bà không cách nào mặc vừa được. Chị bước ra ngoài hỏi người thư ký

- Chưa có thân nhân nào đến à?

Người ấy bảo:

- Chưa thấy ai đến cả.

- Có gọi được cho ai chưa?

- Gọi nhiều lần rồi. Người con lớn nói sẽ thu xếp về gấp.

Ngoài khung cửa sổ vẫn là bầu trời đen ngòm, vẫn là cây thập giá đứng lẻ loi cô độc trên nóc nhà thờ. Sương trắng bay mù mù phủ kín những tàng cây. Khoảng hai giờ khuya chị Nhàn đến xem xét bà cụ một lần nữa trước khi đi nghỉ giải lao thì giật mình thấy bà đột ngột mở bừng mắt, lập bập nói:

- Con gái tôi có đến. Tôi gặp rồi.

Chị Nhàn mừng rỡ:

- Ủa , đến hồi nào vậy bác?

- Hồi nãy.

- Rồi chị ấy đâu rồi?

- Tôi không biết. Chắc nó đi đâu ra ngoài….Nó nói lát nó trở lại….

Chị Nhàn hơi lấy làm lạ. Hồi nãy có người đến thăm bà cụ à? Hồi nãy là mấy giờ? Nếu có người đến thì chị phải biết vì ai vào thăm bệnh ở khu chăm sóc đặc biệt cũng phải trình với y tá. Cô gái nọ đến lúc nào? Sao chị chẳng hay chẳng biết gì cả. Hay là cô ấy đến lúc chị có việc phải xuống kho lấy dụng cụ? Chị lay bà cụ định hỏi thêm nhưng bà chẳng trả lời, mắt nhắm lại, im lìm bất động, chìm vào cái cõi riêng của bà. Chị cúi xuống, thấy bịch nước tiểu đã đầy, chị mở nắp xả vào một cái bình nhựa rồi đem vào nhà tắm định đổ vào bồn cầu.

Cánh cửa nhà tắm vừa mở ra thì chị lập tức khựng lại. Trong phòng tắm có người. Rõ ràng là có một người trong ấy. Một người phụ nữ mặc váy dài, chân đi ủng da, choàng cái khăn len ngang cổ. Người ấy đứng sát vào cái bồn rửa tay, mặt nhìn vào tấm gương nên chị chỉ thấy được phía sau lưng với mái tóc xõa ngang ôm ấp bờ vai mảnh mai thanh tú. Chị lùi ra thật nhanh như cái phản xạ tự nhiên, khép cửa lại rồi lật đật chạy ra ngoài hỏi người thư ký:

- Có người đến thăm bà cụ. Sao không cho tôi hay?

Người ấy ngạc nhiên:

- Ai đâu?

- Tôi không biết nhưng chắc là con gái bà cụ. Tôi thấy cô ấy trong phòng tắm.

- Đâu?

Hai người chạy vào phòng bà cụ, gõ cửa nhà tắm nhưng không nghe động tịnh gì. Mở cửa ra thì không có ai trong đó cả. Hai người lại chạy ra hành lang. Có một người đứng hút thuốc ở đó nhưng là một người đàn ông. Chị Nhàn hỏi:

- Anh có thấy người đàn bà nào vừa bước ra khỏi đây không?

Người kia đáp:

- Không. Tôi không thấy ai cả.

Người thư ký cười nhạo:

- Bà ơi bà. Bà mơ ngủ rồi bà ơi. Thôi làm chút cà phê đi. Còn năm tiếng nữa mới tới giờ về.

Chị Nhàn tức nhưng không cãi. Chị định một lát nếu rảnh sẽ xuống hỏi nhân viên gác cổng xem có ai ghi tên vào thăm bệnh không nhưng thấy đúng là mình vô lý. Đồng hồ chỉ hai giờ bảy phút khuya. Giờ này thì ma nào vào thăm bệnh.

Khi người con trai lớn của bà cụ vào đến bệnh viện thì bà đã mất. Anh làm thủ tục nhận xác mẹ, không khóc, không cười, lầm lũi ký tên vào một cọc giấy tờ và hỏi thăm một số nhà quàn gần đây để tiến hành đám tang. Anh bảo: “Chắc tôi thiêu sớm cho rồi. Chờ mấy đứa kia về biết chừng nào tụi nó mới về.” Chị Nhàn nhìn người đàn ông xa lạ đó và tự hỏi anh ta có biết gì về nỗi khổ của mẹ anh trong những phút cuối của cuộc đời không. Tự dưng chị thấy uất ức. Dường như anh ta chẳng có máu thịt ruột rà gì với người đàn bà vừa qua đời. Dường như anh ta là một người dưng. Chỉ có người dưng với người dưng mới lạnh lòng đến như thế. Không chịu nổi, chị hỏi:

- Anh có cho người em gái út hay tin chưa?

Anh ta có vẻ ngạc nhiên:

- Em gái út tôi hả? Ờ, tôi có đứa em gái út bên Pháp nhưng nó chết lâu rồi.

Chị Nhàn sửng sốt:

- Chết hồi nào mà lâu?

- Chết ba bốn năm rồi. 

- Vậy sao mẹ anh không biết?

- Biết chớ nhưng bà ấy không tin. Bà cứ bảo là tôi nói láo và đòi đi gặp nó cho bằng được. Mỗi lần tôi về thăm là bà cứ khóc lóc hoài về cái chuyện đó. Tôi nói thôi được rồi, để con mời thầy cúng đến rước vong nó về cho mẹ gặp chớ con không biết làm cách nào nữa.

Chị Nhàn gần bật ngửa. Chị suýt buộc miệng bảo, thôi, giờ đây thì anh không cần phải làm gì nữa vì bà cụ đã gặp rồi và chính tôi cũng gặp được cô ấy rồi nhưng chị thắng lại kịp để không nói gì cả. Chị biết rằng nếu nói ra thì chắc chắn người đàn ông ấy sẽ khoát tay, cười khẩy, và câu chuyện của chị sẽ trở thành cái cho người ta chế giễu. Người ấy đi rồi chị mới thong thả quay trở lại gian phòng mà bà cụ đã nằm, nhìn người ta lau chùi, dọn dẹp, trải giường, chờ đón một ai khác. Chị nhìn lại cái không gian cũ với tấm gương, bồn rửa mặt, cố gợi lại trong trí hình ảnh của người phụ nữ mà chị đã thấy thoáng qua trong cái giây phút âm dương trùng phùng, tại nơi này, trên lầu bảy bệnh viện. Con ma ấy đã về sớm hơn hết thảy những người còn sống. Thôi, như vậy cũng được, coi như chút an ủi sau cùng để một linh hồn mãn nguyện mà ra đi. 


Cao Thanh Phương Nghi
5/2015