có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 6 26, 2016

Chợ Ngã Năm ngày tháng đó...




Anh Trân mến,

Đã lâu tôi có một điều hứa với anh mà lần lựa tới bây giờ chưa thực hiện được. Ngâm tôm ngâm tép mãi tôi đâm ngượng. Anh cũng không buồn nhắc. Chắc trong bụng anh nghĩ chuyện ấy chìm xuồng rồi.

Chìm thì không chìm đâu. Chiếc xuồng còn neo đó. Có điều tôi cứ loay hoay như gà mắc đẻ. Tôi cứ cầm bút lên rồi đặt bút xuống. Tôi hứa là sẽ dựng lại những hình bóng cũ trong câu chuyện mà anh đã kể cho tôi nghe, lâu rồi, trong một bữa tiệc cuối năm khi mọi người ăn nhậu ì xèo thì tôi với anh chuồn vào nhà xe cầm theo tờ giấy cây viết, kê bàn ngồi ghi ghi chép chép...

Đêm nay... không rõ tại sao trong đêm nay cái ước muốn viết câu chuyện ấy lại bùng lên dữ dội trong lòng tôi, có lẽ vì con bé nhỏ của tôi sốt cả đêm nên tôi phải thức trông chừng và hai mắt tôi hết nhìn nó lại nhìn ra đám mía mới trồng vươn ngọn dưới trăng. Tôi nhớ tới rẫy mía của cậu tôi ở Bình Điền, và sự liên tưởng đến rẫy mía của anh ở Thạnh Trị khiến hai hình ảnh ấy chập với nhau thành một.

Tôi bắt đầu thở dốc rồi đấy anh bạn quí ạ. Tôi đang bơi ngược dòng về bờ bên kia của quê cũ ngàn trùng hơn ba mươi năm trước, nhặt nhạnh từng ngọn gió, lùng tìm từng bóng mây khuất giạt ở phần đời xa xôi của anh để dựng lại một mảng trời riêng sống động, cho anh, và cho tôi nữa. Tôi lẩm bẩm mãi trong đầu tên của cái thị trấn khỉ ho cò gáy — chợ Ngã Năm, có con sông Thạnh Trị chảy qua huyện Thạnh Trị, qua Tân Hoà Đông rồi mải miết về đâu không biết. Anh về chợ Ngã Năm trong một chuyến thực tập của sinh viên trường Tài Chánh Kế Toán và được xã sắp xếp cho ở trọ nơi một trạm xá miệt vườn nằm lắc lư xiêu vẹo bên mé nước. Đi chung với anh là bạn cùng lớp tên Thành. Cô y sĩ (cũng miệt vườn) trông coi trạm xá tên là Bạch.

Đến đây thì trong đầu tôi dần dần hiện lên một quanh cảnh, nơi có cây cầu nhủi làm bằng thân dừa gác lên ba chạc cây mà anh đặt bước chân đầu tiên của mình lên đó, ngơ ngác nhìn một vùng đất hẻo lánh hoang sơ, phía sau là chiếc ghe đang chòng chành rời bến. Anh để đầu trần (đúng không?), áo sơ mi hở ngực, quần xăn tới ống quyển, một chiếc dép thì đã rơi xuống sông mất rồi. Anh cười ngượng nghịu, cô y sĩ bên trong ngó ra cũng cười ngượng nghịu. Hàng dâm bụt trước trạm xá rực lên cái màu đỏ chói chang của nó. Anh bước vào trước và hơi run run lấy ra tờ giấy giới thiệu của xã. Thành đứng sau lưng anh. Hắn không giống anh. Trông hắn tỉnh bơ, nét mặt vừa phớt đời vừa ba xạo. Hắn là dân thành phố rặt. Da hắn trắng như bột. Mắt hau háu như đang săn mồi. Hắn ngại bùn sình. Bạch liếc nhìn hắn rồi Bạch chỉ tay về phía cái chái nhà sau lưng trạm xá. Bạch nói: “Hai anh nghỉ ở đó. Bây giờ thì để tôi lấy cho hai anh cái thau rửa mặt.” Anh mỉm cười nhìn mái tóc đen nhánh được kẹp lại rũ xuống tấm lưng thon thon rịn mồ hôi trên lần vải. Thành ngồi xuống phản, để cái túi da xuống đất, choàng tay lấy cây guitar vác sau lưng xuống ôm vào lòng gảy vài tiếng lẳng tẳng. Rồi hắn liếc Bạch, miệng huýt sáo một bài hát quen quen, rồi hắn tiếp tục đàn, mắt hướng ra đám mây vừa trôi ngang cửa sổ. Hắn biết là tiếng đàn của hắn tạo sự chú ý ở người khác, nhất là phái nữ. Hắn rất sành sỏi về việc này. Quả nhiên là Bạch xoay người lại nhìn những ngón tay hắn đang gồng lên một cách điệu bộ trên bốn sợi dây. Rồi hắn đột ngột ngừng đàn nhìn Bạch nở một nụ cười bơi lơi. Hắn bảo: “Gió mát quá he.” Anh vục mặt mình xuống thau nước đỏ đục, trong lòng tự dưng quặn lên cảm giác khó chịu.

Mấy chục năm sau anh gặp lại Thành trong một khu thương mại sầm uất ở New York. Hắn mập mạp, hồng hào, có nọng cằm và bụng phệ. Hắn đang ngồi trong quán với một nhóm người, bô lô ba la năm điều bảy đỗi. Đụng mặt nhau hắn kéo ghế cho anh ngồi. Anh thăm hỏi vu vơ, buột miệng nhắc đến địa danh Thạnh Trị thì Thành lảng sang chuyện khác. Hắn bảo là không nhớ. Hắn không thích chuyện xưa. Hắn đang thu thập kiểu mẫu quần áo để mở một công ty riêng, liên doanh mua bán bên này bên kia. Hai người chia tay lạt lẽo. Tối hôm đó anh lấy tấm hình cũ chụp với hắn và Bạch hồi ở Thạnh Trị ra xem lại. Lòng anh đau nhói. Anh thấy nụ cười của Bạch mờ nhạt trong nước ảnh đã xuống màu, tay Bạch níu cái lá mía, đầu ngoẻo một bên làm dáng. Phía trước là dòng sông lấp lánh. Một khổ thơ vẽ ra trước mắt tôi như thế này, tôi đọc cho anh nghe nhé

Ở chỗ lượn của dòng sông vào xóm chợ
Em có nghe mùi hoa cau trên dốc bờ
Trưa mùa hạ đãi sao trên phù sa
Những mái chèo những lưng trần hối hả...

Nhà quê mà. Chợ Ngã Năm đã buồn, công việc thực tập, đo đạc, thu thuế, lập biểu đồ của hai sinh viên trường Tài Chánh Kế Toán lại càng buồn nản hơn. Có ra ôn ra khoai gì đâu. Anh chẳng bảo với tôi rằng cưỡi ngựa xem hoa là gì. Thời giờ ở đó kéo dài lê thê, chán chường. Có những buổi chiều rảnh Bạch nấu cơm cho anh và Thành, có khi hai anh kéo ra ăn chồm hổm ngoài chợ. Thành bảo Bạch không nấu được món nào cho ra hồn, chỉ giỏi nướng khô và luộc rau muống. Anh vẫn nhớ cái ao rau muống mọc dài quấn quít nở những cái hoa màu tím, Thành ra rửa chân té nhào xuống nước ho sặc sụa, rong rêu đội cả lên đầu. Bạch giặt cái áo của hắn cho sạch sẽ, vắt nước chảy ròng ròng, phơi lên dây thép. Trên tàn cây me trước trạm xá trời xanh ngăn ngắt. Và anh nghe, nghe rõ lắm tiếng ve rè rè bất tận...

Trưa hôm qua em chợt thấy hè về
Nắng bên kia làng sắp ủ một mùa ve
Hạt thóc mới nguyên trên sân thềm ngói cũ
Em áo chưa mòn tóc lỡ một đường vai

Ở cách một con sông ai chợt thấy áo nồng
Trưa nắng sum vầy chân có nhớ bước không
Đất ẩm đã khô đêm có về yên ủi
Ngọn lá non mềm che nổi một đầu song

Bạch là người của nhà quê. Con gái nhà quê. Bạch hiền hoà. Chân thật. Yếu đuối. Dễ mủi lòng. Đêm, Bạch đem cái mẻ un thổi nhè nhẹ cho mấy cái vỏ cam vỏ quít cháy bùng lên, tàn lửa bay lả tả in hình trong hai mắt Bạch lung linh. Bạch nói: “Khuya rồi. Hai anh chưa đi ngủ sao?” Anh buồn cười. Khuya là mấy giờ anh chẳng biết. Mưa rơi rào rào trên mái lá. Trên cái võng đong đưa ở phòng ngoài anh mở mắt thao láo mà chẳng biết nhìn vào cái gì. Cái dấu chữ thập đỏ trên tủ thuốc? Hay nồi nấu ống chích, hay chai cồn, bình dưỡng khí, ống nghe, dụng cụ đo huyết áp. Anh không quay đầu lại nhưng vẫn có thể hình dung dáng Bạch đang ngồi sau lưng mình miệng hát nho nhỏ theo tiếng đàn guitar của Thành. Bạch nói: “Anh Thành biết nhiều bài quá nhỉ.” Thành nghe câu ấy chắc mẩm sướng như rồng gặp mây, đi một đường lả lướt xong hứng chí hát tướng lên. Bạch hấp tấp đứng dậy: “Khoan, khoan đã. Bài gì mà hay quá vậy. Chờ chút để em lấy giấy ra chép.”

Ôi, anh có thể nhớ thêm gì nữa? Anh ở trạm xá ấy vỏn vẹn ba tuần. Sau thời gian ở chợ Ngã Năm anh phải đi đến nhiều huyện khác để hoàn tất đợt thực tập dài 3 tháng trước khi trở về thi cuối khoá. Lòng anh nhoi nhói buồn. Trạm xá nghèo. Mỗi tuần người con gái tên Bạch phải đem cái bình ắc-qui duy nhất của trạm lên chợ Thạnh Trị để sạc điện. Mỗi bận đi như thế là hơn nửa ngày. Anh không quên được hai bàn tay thô nổi gân vì làm việc nặng ì ạch khiêng cái bình ắc-qui từ ghe lên bờ rồi từ bờ vô trạm xá. Cái bình ấy thắp được một bóng đèn nê-ông sáu tấc sáng mờ mờ, tụ đầy những con thiêu thân chấp chới.

Đêm cuối cùng ở trạm thì Bạch cùng với anh và Thành ra chặt mía để đem về hấp làm một bữa liên hoan đưa tiễn cùng với nồi chè đậu xanh nấu với đường thẻ. Bạch nói: “Anh Trân chặt mấy gốc mía chỗ này. Em qua bên kia hái lá dứa.” Thành rảo bước theo sau Bạch. Anh nom thấy lưng áo của hai người luồn qua luồn lại giữa những cái lá dài quấn vào nhau. Họ kiếm cớ bỏ mình lại đây à? Con dao lụt làm anh bực mình. Đêm sáng trăng. Đất bùn lành lạnh ướt át khiến anh rờn rợn. Anh có cảm tưởng như vô số những con côn trùng ngọ ngoạy dưới gan bàn chân. Anh cắm cúi chặt. Phập. Phập. Rắc. Rắc. Anh xắn cả vào tay đau điếng. Mai anh rời đây rồi. Chắc không còn dịp nào trở lại. Anh lại cúi xuống những cây mía. Ánh trăng khuya bàng bạc gợi những cảm xúc mơ hồ. Anh lên tiếng: “Chặt mấy cây hả Bạch?” Không có tiếng trả lời. Anh đứng thẳng dậy hỏi lại lần nữa: “Bạch ơi. Chặt mấy cây?” Vẫn không có tiếng đáp. Anh kêu lớn: “Thành ơi. Bạch ơi.” Quái lạ. Hai người ấy đã biến mất như ma.

Kỳ cục. Chẳng lẽ độn thổ. Anh biết rõ tên bạn láu cá của mình. Những thằng phỉnh bao giờ cũng là những thằng ăn trên ngồi trước. Không lẽ... Anh xốc những cây mía lên vai, vẹt những cái lá hai bên, bươn theo lối đi ban nãy của hai người. Trong lòng anh bấn loạn. Anh sợ mình phải mục kích một cảnh tượng gì đó. Đừng như thế ông trời ơi. Đêm trăng sáng như thế này đến cây cỏ còn phải động lòng... Anh đi càng lúc càng nhanh, bất thần sụp xuống một cái lỗ ngã nhào về phía trước. Mắt cá chân trặc sang một bên đau đến không ngồi dậy được. Anh nhăn mặt. Bốn bề yên phăng phắc. Chỉ là trăng xung quanh, sáng ngời và có tiếng một trái bình bát rớt chũm trên mặt mương xanh.

Cuối cùng thì anh về tới trạm xá và gặp hai người ở đó. Họ chẳng có vẻ gì đặc biệt, lúi húi chụm củi trong gian bếp đầy khói có treo ngọn đèn con. Bồ hóng đóng từng dề trên xà nhà. Anh buông những cây mía xuống đất ngẩn người: “Ủa, hai người đi đâu vậy? Tôi kiếm nãy giờ.” Bạch không ngẩng lên (tại sao lại không ngẩng lên?) nói một cách bình thản: “Em hái lá dứa xong về lâu rồi.” Thành không trả lời, đưa tay đút thêm một cây củi vào bếp lửa. Lửa soi rõ gương mặt hắn. Anh cố tìm một nét gian tà trên lớp da bóng nhẫy của hắn nhưng không thấy. Hắn chỉ khéo che đậy. Anh biết hắn từng dụ dỗ và bỏ rơi nhiều người. Nếu lần này là Bạch thì anh xốn xang quá. Nhưng thật sự thì anh đã bắt được gì đâu. Anh chỉ có sự hoài nghi và sự hoài nghi đó khiến anh thấp thỏm, trằn trọc.

Anh rời chợ Ngã Năm và kết thúc mọi chuyện ở miền Tây xong xuôi thì hai tháng nữa đã qua đi. Anh và Thành quá giang ghe về Cần Thơ để từ đó đón xe về thành phố. Đáng lẽ những dính dáng đến Bạch đã trôi hết qua cầu, không dè trên đường về chiếc ghe tấp lại chợ Ngã Năm để đón bạn hàng và trong lúc chờ đợi anh phóng lên bờ giả vờ bảo đi mua thuốc lá. Thành không chịu đi theo dù anh đã huých cùi chỏ vào hông hắn. Hắn bảo: “Mày đi đi. Mua dùm tao gói Cấp-tăng.” Anh bước qua sàn ghe chật chội chân vướng vào những cái lồng tre đựng gà vịt để xếp lớp. Những con vật giãy lên đập cánh kêu quang quác. Tiếng mấy mụ đàn bà lầu bầu chửi. Anh nào có cần gì thuốc. Anh muốn gặp Bạch. Anh muốn nói mấy câu từ giã. Thay vì rẽ vô quán mua thuốc hút anh đi thật nhanh về phía trạm xá. Người con gái tên Bạch trông thấy anh bật dậy mừng rỡ: “Anh Trân. Anh Thành đâu? Anh ấy nói là sau chuyến thực tập sẽ ghé thăm em.” Anh nói: “Thành ở dưới ghe coi đồ. Tôi lên một mình. Cô Bạch ở lại mạnh giỏi nhé. Tụi tôi về. Rất cám ơn cô.” Bạch chụp tay anh: “Để em viết cho anh ấy mấy chữ.” Anh nói: “Cô viết lẹ lẹ đi. Ghe chờ ngoài kia.” Bạch giở cuốn tập xé rẹt một trang viết nguệch ngoạc xong gấp lại làm tư dúi vào tay anh: “Anh đưa anh Thành giùm em.” Ghe nhổ sào. Bóng người con gái trên mũi đất nhỏ lại như một chấm trắng trên nền chiều cô quạnh. Thành ngồi cạnh anh nhét bức thư vào túi đoạn rút điếu thuốc mới mua ra bập bập châm lửa.

Chiếc ghe đi chầm chậm. Những lá tre khô rơi nghiêng ngả... Anh quay nhìn mũi đất. Anh chẳng còn thấy gì. Anh tưởng tượng người con gái ấy trở về bên cái chái cũ, nhóm bếp lửa, nấu nồi cơm. Ngoài cửa sổ là những lá tre khô. Nghiêng ngả. Vật vờ... Cô ấy có hát bài hát này không?

Một chiếc lá rơi bên đời khô
Em nghe ngày muộn đã qua giờ
Tóc tơ đã hết thêu thùa sống
Em khép ngực chìm trôi ước mơ

Trong chiêm bao thỉnh thoảng anh giật mình thấy lại hình bóng cũ. Người con gái ngồi cạnh ngọn đèn, vầng trán bên trên là vũng tối mênh mông, hai bàn tay thô nổi gân lồng vào nhau, đôi bông hột pẹt toòng teng óng ánh. Anh nhớ giọng phát âm của cô ấy: “Chường hai anh học ở đường gì?” Mắt Thành hấp háy một tia ma quỉ: “Bạch muốn lên chơi à? Bạch lên đi. Anh dẫn Bạch đi ăn kem, đi xem phim.” Giấc mơ khép lại ở đoạn cuối với hình ảnh Bạch đứng xớ rớ dưới gốc cây trước cổng trường anh học, tay dắt chiếc xe đạp, tay dắt theo đứa cháu chín mười tuổi. Vừa trông thấy hai cô cháu, Thành đã biến sắc, lủi đi thật lẹ. Anh túm cổ hắn lôi lại: “Mày hứa với người ta, bây giờ người ta lặn lội lên đây mày lại tránh.” Hắn sừng lại: “Mắc mớ gì tới ông.” Anh chỉ vào mặt hắn: “Mày đã làm gì người ta hay sao mà mày phải trốn.” Hắn giật mạnh tay anh: “Tao đã làm gì thì mày ra mà hỏi nó. Nó ngu thì nó ráng chịu.” Anh gầm lên: “Đồ đểu.” Hắn nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất cắp đít đi. Ngoài cổng trường hai cô cháu Bạch vẫn còn vịn xe đạp trông vào. Nắng ran ran trên mặt đường nứt nẻ. Bạch đứng nhón gót dõi theo từng người. Đứa cháu nhỏ gác một chân lên bàn đạp, cầm cây kem mút rỉ rả cho đến hết xong vất cái que đi, quẹt bàn tay dính nước nhễu nhão của mình vào vạt áo.

Chuyện xưa rồi phải không anh Trân. Ba mươi năm hơn. Anh chẳng bao giờ còn gặp lại Bạch. Chuyện của anh buồn. Tôi nghe tôi cũng buồn. Có người bảo: “Thôi. Chuyện cũ. Nhớ làm gì. Sức khoả lấp của đời sống bên này ghê gớm lắm. Còn hơn sóng thần.” Sóng gì sóng, nước rút rồi thì trên bãi người ta cũng còn nhặt được hai ba cái đinh cái ốc của ngôi nhà cũ phải không anh. Tôi ôm đứa con nhỏ của mình vào lòng khẽ ư a một bài hát ru. Hát rằng:

Trong những tháng năm xa có cuộc tình đầu
Trong ánh mắt hôm sau bóng đời chứa giấu
Trong những vết thương sâu có âm thầm thương đau
Trong xây xát xa nhau có bao giờ quên nhau...


Tôi biết anh có bao giờ quên đâu. Chợ Ngã Năm ngày tháng đó...


Cao Thanh Phương Nghi

7/2010


---------------------------------

Tất cả những câu thơ trong truyện trên đều trích từ tập Dư Hoài, tác giả Cao Nghi Bình.