1.
Mẹ tôi thường nói với tôi rằng:
– Ba con không biết chữ.
– Vậy sao? Tôi nghe mà lòng nôn nao.
– Khi về sống với mẹ, mẹ dạy Ba đánh vần. Nhưng có một lần nhìn không ra mặt chữ, Ba nỗi giận quăng vở và không thèm học.
Như vậy, Ba tôi vào đời không từng biết qua sách vở. Không từng đi qua những trường lớp và mỗi ngày ông dững dưng đi dưới đường phố thênh thang tiếng gió và nghe tiếng sóng va vào bờ. Khi ông gặp mẹ tôi, ông là một là một thợ câu tài tử bên sông rạch. Tối ngày tìm kiếm cá tôm bằng lưới vó. Không có thuyền hay ghe để ôm sông nước vào lòng.
Trên một bờ đá chạy dài theo đường ra Dinh Ông Thượng, Ba ngồi nhìn ra biển. Bên cạnh ông là đứa trẻ vừa lên 5 là tôi. Chiếc xe đạp ông dựng gần đó. Tôi không chịu ngồi yên và muốn Ba đưa tôi xuống dưới bãi cát đang mùa nước ròng. Ông cõng tôi trên lưng và nhìn ngoái lại chiếc xe trước khi bước men theo những tam cấp để xuống dưới. Tôi vòng tay ôm cổ ông và nghe hơi thở ông mát rượi bên má.
Tôi được sinh ra và lớn lên trên vùng đất này và tôi cám ơn số phận đã cho tôi một đời sống tròn trịa những mơ ước. Như con thuyền mong đợi thủy triều lên xuống mỗi ngày, tôi khao khát được ôm Ba tôi thật chặt từng buổi sáng đứng nhìn ra. Những cơn sóng cồn cào đang đập trong tim ba và bao nhiêu sự cô đơn trong lòng người đàn ông giản đơn không biết bâng khuâng vì đời?
Tuổi thơ tôi dấu kín những giấc mơ của ông và những chiêm bao không có hồi chung cuộc…
Mười ba năm tôi mài đũng quần ở nhà trường, tôi nhớ về Ba rất ít. Hầu hết thời gian khôn lớn tôi nhớ về mẹ tôi. Bà chia tay với Ba nơi góc đường gian truân, khi ông vừa 33 tuổi. Ông chưa kịp thấy tôi trưởng thành. Chưa kịp thấy tôi làm một cánh tay nối dài những mơ ước. Không phải tôi bất công khi phân chia tình cảm để thương nhớ không đồng đều. Mà bởi vì tôi mồ côi quá sớm. Một lần về thăm lại biển xưa, mùa hạ sóng sượt những bóng nắng trên hàng lá bàng. Phía đường kia là phượng.
Góc phố nơi tôi lớn lên, nằm dọc theo chân núi Lớn. Con đường Lê Lợi có hai hàng me chạy dài. Gió mát rượi từ biển vòng về. Thổi quanh co trên vai, trên ngực ốm yếu thư sinh- dù tôi đang là lính. Buổi sáng đẹp vô cùng nhưng không có ai đi bên cạnh. Mẹ tôi già nua và mỗi tuần có nhiều ngày vào làm công quả trong chùa. Bà quên dần những tiện nghi, những mưa nắng thất thường trên đời sống của mấy đứa con. Còn Ba thì nằm yên đâu đó, lâu lắm rồi.
Lúc tôi đang ở ngoài Vùng 2, tôi nghe mẹ tôi báo tin khu nghĩa trang sẽ được san bằng để đô thị hóa. Mộ nào có thân nhân sẽ di dời đến một nơi khác. Bà quyết định bốc mộ ba tôi và đem hài cốt đã mục rã để vào trong chùa. Hi vọng Ba sẽ theo những khói hương và những tiếng kinh đêm trở về. Hồn ông sẽ đậu xuống trên những trang kinh, hay sẽ bay quẩn quanh giữa tường khuya, như một cánh bướm ngày mộng mị?
Tôi làm một người lính trở về thăm nhà, trong một buổi sáng đẹp như hôm nay và một mình không có ai bên cạnh. Nơi cuối hàng me, có một công viên nhỏ do người Pháp xây, có ngọn súng thần công bằng đồng quay họng ra phía đường. Ngày còn nhỏ, tôi theo mấy đứa bạn cùng xóm ra chơi gần đó, vừa lượm me, vừa tìm cách trèo lên lưng khẩu súng. Đôi khi lòng cũng sợ hãi vì những lời hăm he của người lớn, nhưng tò mò cuối cùng đã thắng. Chúng tôi trèo lên, tụt xuống và tự hào vì đã tiếp cận và chạm đến những quá khứ. Ngọn súng mang dáng dấp lẫm liệt của tiền nhân, mà hồn thiêng giống như tiếng gió thổi về làm mát từng dâu bể.
Buổi sáng vắng vẻ xe cộ. Thỉnh thoảng vài chiếc xe lam chạy từ hướng Bến Đình chạy ra chợ. Sau xe, những cụm khói tức tửi muốn níu kéo một thuở chưa có điêu linh. Chỉ có thanh bình. Tôi đi trên bờ lề lát gạch xanh. Đôi giầy lính không muốn làm đau lòng lớp nhựa đường phẳng sạch. Lòng chợt muốn được đi chân không chạy ào trên phố, như ngày xưa. Không có ai cùng đi và cùng dẫm lên một mùa hè…
2.
Tôi định không nhớ Vũng Tàu buồn rũ của tôi, vì sau một đổi đời, mọi thứ đều trở thành cổ tích. Sẽ rất khó lòng, khi một người đàn ông muốn nhớ về cái thời son trẻ, từng chân không chạy dẫm lên một mùa hè. Không phải sự tiếc nuối làm người ta đánh rớt nụ cười nhưng nói sao cho hết sự bình yên và những biến động của đời đang làm đau cả mộng.
Những đứa con đi vào đời dù mênh mông nhưng thiếu cha, chân cảm thấy vấp trên từng nỗi buồn ngang dọc. Đêm thị thành hiếm hoi những vầng trăng. Biển bây giờ cũng hiếm hoi những trụ đèn liêu xiêu cũ mòn. Những hàng dương già cỗi nhìn xuống một góc đường khuya. Có tình yêu và những lời ru về biển.
Trước khi tôi vào lớp năm (tức lớp một bây giờ), Ba tôi không có dịp mua cho tôi những quyển tập trong mùa tựu trường. Một điều mà ông ước ao hoài mà không được. Ông chỉ có dịp đưa tôi ra biển và vài lần để tôi ngủ quên trên vai ông. Trước đó, tôi nằm ngước mặt nhìn lên trời, những vì sao giống như những đóm nhang khuya trong trí óc tôi ngày đó. Tôi hỏi ông về ngọn đèn pha trên Núi Nhỏ:
– Có chiếc xe nào chạy rọi đèn trên đó vậy ba?
Ánh đèn xoay vòng quanh núi, quét dọi một vùng biển, nhìn giống như một chiếc xe chạy hoài trên kia. Ba trả lời, dựa theo suy nghĩ của tôi:
– Ờ… chiếc xe của ông Thần Đèn. Ổng chạy để soi đường cho những người lạc đường.
Tôi đem kiến thức nhỏ nhoi đó theo vào giấc ngủ. Trên bờ đá rịn ướt sương đêm. Những vì sao cũng rưng rưng nhìn xuống con đường thao thức núi.
Đêm đó cha con tôi ngủ một mình không có mẹ ở nhà. Bà đang nằm nhà thương chuẫn bị sanh em gái tôi. Mấy bà chị dù không khôn hơn ai, cũng quấn quít với bà trong đó.
Sau này, tôi lớn khôn. Tôi không nghĩ ba tôi giải thích sai nghĩa về câu hỏi của tôi. Mà thán phục ông thêm về sự tưởng tượng phong phú của ông. Những ánh sáng của ông thần đèn đi qua những cửa biển xưa, giờ đã mai một không còn. Hay nếu có còn, cũng rất ít, trên quê hương tôi, sau 1975. Nên những con tàu không còn thấy hướng để ra khơi. Những chàng trai, những cô gái đi vào đời cũng va vấp lạc đường trên từng cây số.
Những giấc mơ cũng đỗ ập xuống bên này năm tháng. Những tình yêu cũng vậy.
Tôi không còn hồn nhiên sau những giây phút yếu lòng.
3.
Tôi giải ngũ về mang trong lòng nỗi đau và thương tật bên ngoài. Tháng tư đem đến sự hấp hối và cuối cùng phủ khăn tang trên cả nước. Tôi ngơ ngác không biết tương lai mình như thế nào, trước những lời đường mật của phe thắng trận. Lòng đau một nỗi đau chung với những người cha trẻ. Giống như những con thuyền muộn màng không về được tới bến, những người cha hụt hơi bên những chặng đường cơm áo. Lời ca đau lòng còn vọng mãi một bến sông. Những người vợ, những đứa con mãi đợi chồng, đợi cha, từ đàng sau những cơn bão.
Lúc đó là thời đại mờ nhạt của những người cha. Họ không còn lấp lánh như sao mai và không còn là hải đăng để soi rọi những lòng thuyền. Trên những chiều xao xuyến, họ là những vạt nắng cuối ngày. Bước chân ngập ngừng không muốn chạm đến hoàng hôn.
Tôi lập gia đình trể và vợ tôi trở thành vai chánh trong vỡ kịch đời. Như bao nhiêu người vợ trong thời đại Hồ Chí Minh, nàng lăn xã tìm miếng ăn cái mặc từ phố chợ. Nàng đại diện cho câu thơ của Tế Xương: “Bao năm buôn bán ở ven sông…” Và làm thân cò trong ca dao ướt át: “Con cò lặn lội bờ sông. Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non…”
Biết bao nhiêu người cha trở thành người nội trợ bất đắc dĩ và bất phùng thời. Từng tháng năm trầy trụa trên vai những người đàn ông. Những mùa thu phai cứ đỏ màu day dứt.
4.
Khi tôi biết về cuộc đời, biết về Ba tôi thì tất cả đều đã muộn. Tháng sáu có mưa về trên mái tôn của căn nhà dười chân Núi Lớn. Khi Ba tôi mất, mẹ tôi một mình cáng đáng mọi chuyện. Chúng tôi còn nhỏ chưa đủ khôn lớn để có thể phụ giúp cho bà một tay.
Tấm hình duy nhứt mà chúng tôi có được về ông là tấm hình ông đứng dưới một ngôi chùa gần Bến Đình. (Một phần của chùa sau này trở thành Thích Ca Phật Đài). Vài cây bông sứ buông cành sau lưng ông và những vạt nắng loang lổ trên vai áo. Ông mặc quần áo nghiêm chỉnh và diện một đôi giầy tây. Tôi còn nhìn thấy rõ nếp gấp ở hai ống quần ka ki màu trắng. Bức hình đã úa vàng. Tôi cố hình dung những nét quen thuộc từ ông và so sánh coi tôi giống ông nhiều đến mức độ nào.
Ba tôi đã về cõi nào đó trong chốn xa im lặng. Chiếc xe đạp tôi không nhớ nó không còn trong gia đình từ bao giờ. Tôi đi đến trường một mình, ngày hai buổi cùng cặp sách trong tay. Ngang qua những bờ đường nghe đất đai chuyển mình, trăn trở. Những cụm gai lấp lóa hồn hoa dại. Mà nỗi buồn chạy đuổi theo nhau, về đâu?
Tôi chưa kinh nghiệm được sự mất mát nó lớn lao dường nào. Cái khoảng trống dù biết là sâu thẩm, nhưng rất mơ hồ. Mãi rồi cũng quen. Những gì thoáng qua, mấy ai còn giữ lại.
Qua năm năm Tiểu học, tôi vào Trung Học.
Hàng me bên đường Lê Lợi già nua theo thời gian. Màu nhựa đường vẫn trãi lòng theo tháng năm và lớn khôn theo đời người. Mùi muối từ biển bay về chạm ngang qua khứu giác. Những vị mặn bồng bế tôi trở về cùng ký ức. Chật đầy một ngã tư.
Ngôi nhà mà tôi ở đã đổi chủ. Với số tiền trợ cấp của chính phủ Pháp đền bù sau cái chết của Ba tôi, mẹ tôi bán căn nhà hai phòng và thêm tiền mua một căn nhà có 3 phòng gần đó. Căn cũ bà bán cho một hãng làm gạch bông. Mỗi ngày đi học tôi đều đi ngang căn nhà kỷ niệm. Những người thợ làm gạch thu xếp những vữa xi măng non trộn với vôi màu, bỏ vào một cái hồ. Một máy ép gạch chạy bằng điện chiếm một góc sân. Những đống gạch ngay hàng thẳng lối. Mỗi lần đi qua, tôi cảm nhận được hơi thở của mùa màng rung trên tuổi thơ. Có tiếng chim hót đuổi theo những lời gì tôi không hiểu.
Mùa hè, mưa kéo theo những dòng nước từ núi, chảy tràn xuống đường. Qua những mảnh vườn được chị em tôi tạo dựng từ một mùa xuân. Nơi mà những trái đậu rồng, những dây mồng tơi mọc lên hớn hở. Cũng có vài cây đu đủ, cây chùm ruột, cây ổi vừa ra trái non. Tôi có những đêm thức khuya học bài, nhìn ra khu vườn đó. Khung cửa không khép nên gió thổi vào lồng lộng. Trụ điện mọc lên nơi ngã ba soi ánh sáng hiu hắt xuống một vạt cỏ, phân chia hai hướng đường. Biển ngoài xa chưa gởi tới lời thầm thì của sóng, trong khi đêm dè dặt đem nỗi buồn đến bất ngờ.
Những lúc yếu lòng nhất của con người chính là thời gian giữa đêm. Tôi không còn lòng dạ để ôn bài. Không lâu nửa tôi sẽ bắt đầu cho kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Tôi không chắc tôi có thể vượt qua. Có những băn khoăn làm giảm sự học hành của tôi. Mỗi băn khoăn gói gém một lời tâm sự. Dù không tròn trịa, nhưng những điều đó có khả năng trì kéo tâm hồn tôi ngã xuống những đau khổ.
Bao nhiêu đứa con vào đời không cần có cha bên cạnh? Tôi không biết. Nhưng với tôi, người cha là chỗ dựa vững chắc cho mọi đứa trẻ. Nhiều năm rồi, tôi đi xuống đời một mình, không có Mẹ mà cũng không có Ba. Mẹ tôi mất sau này, khi tôi đã ra hải ngoại. Nhưng lúc còn trong nước, tôi cũng không có cơ hội đi với Bà. Những bước chân qua cầu, qua những dâu bể không từng có dấu chân của hai đấng sinh thành. Những mảnh trời khuya lướt thướt sao đêm, có hai vì sao nào là đôi mắt của Ba tôi nhìn xuống?
Một ngày có gió mùa làm rụng những lá bàng. Từng chiếc lá to nâu đỏ bay lạc vào căm xe. Tôi thấy lạ lùng vì Ba vui hôm đó. Ông điều khiển tay lái một cách điệu nghệ, có lúc ông buông rời một tay để ôm vòng ngang lưng tôi. Những lúc đó tôi sợ xe sẽ ngã. Nhưng không có gì xãy ra. Ông nói:
– Con muốn đi uống cà phê với ba không?
Không đợi tôi trả lời, ông quành xe ra chợ. Dừng xe lại ở một quán cà phê do một người Tàu làm chủ, đỡ tôi xuống. Tôi háo hức nhìn người ta ăn uống. Những chiếc bánh giò cháo quảy, những chiếc bánh in, bánh cam, bánh bò bía ngày đó, đối với tôi là những món ăn thịnh soạn. Mùi cà phê vang lừng một góc thềm. Vừa kêu cà phê cho ông, vừa kêu cho tôi một cái bánh in đậu xanh. Và thêm một bình trà. (chiếc bình làm bằng nhôm). Tôi đói ăn nên muốn được ông chia sẻ thêm một cái giò cháo quảy của ông. Ông cười và nói:
– Con ăn hết rồi ba kêu thêm. Thằng này con mắt lớn hơn cái bụng…
Đôi lúc tôi nghe ông nói chuyện với ai đó nơi bàn bên cạnh. Những câu chuyện của người lớn tôi không nhớ hết và không biết tại sao mà người ta vớt ra ở đâu những câu chuyện dài dòng đó để nói với nhau.
Đầu tiên, người đàn ông hỏi:
– Thằng nhỏ mấy tuổi đó?
– Năm tuổi. Ba tôi trả lời
– Tuổi gì?
– Tuổi con gà.
Người khách nghiêng đầu nhìn tôi, rõ ràng là đang đánh giá một con gà chưa mọc đủ lông cánh.
– Nó đi học chưa?
– Sắp. Tựu trường này. Ba tôi trả lời sau một ngụm cà phê.
Tôi nhìn trân trối vào ly cà phê của ông. Màu đen như màu trời đêm mà tôi và Ba ra ngồi ngoài biển.
Tôi mãi miết thưởng thức những vị ngọt, những mùi thơm từ món ăn, không còn để ý hai người nói với nhau thêm điều gì. Và trong bụng rất sợ phải trả lời một câu hỏi của ai đó.
Sau này, tôi mới biết hôm đó Ba vui vì nhà có thêm em bé. Ngày mẹ tôi vừa ra khỏi nhà bảo sanh, những cây bàng già im nín gió.
5.
Có một thời tôi thích viết về hoa phượng đỏ. Không phải chỉ vì hoa đẹp và màu hoa gợi lại thời xưa cũ. Không phải vì từ một màu hoa như vậy, tôi từng biết tương tư. Mà từ đó, tôi cũng gậm nhấm sầu muộn và thấm thía một trò chơi dang dở. Nỗi buồn trầy trụa tháng năm.
Cuối năm, tôi thi đậu Trung Học Đệ Nhứt Cấp. Tôi biết nói sao cho cùng niềm vui vì tôi nghĩ mình may mắn. Khả năng học của tôi chỉ trung bình và mỗi cuối năm vừa đủ điểm để lên lớp. Ngày dò tên mình trong bảng danh sách niêm yết ở trường, không có Ba để chia vui. Những đứa bạn khác con nhà giàu, sau kết quả là những món quà làm ngợp một tuổi thơ.
Buổi sáng thức dậy, tôi đạp xe ra biển. Nghe bốn bề mênh mông nhưng thân thiết vô cùng. Giống như một người vừa biết yêu tôi nghe cái nắng Vũng Tàu làm chói chang trong lòng. Tôi ngỡ tôi đang trưởng thành và nôn nóng vào đời, dẫu biết những cơn gió buồn rồi sẽ thổi qua những vai đời non yễu.
Tháng sáu, tháng bảy, sân trường không còn ai. Còn chăng người gác dan già mỗi buổi chiều gom lá rụng vun đầy một góc sân, để cuối tuần đem đốt. Mùa hè, gió cũng trốn biệt. Thành phố xanh mà biển cũng xanh.
Trước khi chiều xuống, tôi quay xe trở về. Vài người bạn học cùng trường đang đá banh dưới bãi cát. Tiếng va chạm vào nhau, tiếng bóng tưng lên xuống và những tiếng thở mệt nhọc. Những khách vảng lai đến từ Sài gòn cũng thôi không còn tắm biển. Nhường lại biển khơi cho những cánh buồm. Vài đôi tình nhân nắm tay đi dọc thềm đá vừa nhả những ánh nắng nhấp nhô. Họ nghe khúc tình ca dâng trào từ những cơn sóng.
Số phận không còn mỉm cười với tôi, trong kỳ thi Tú Tài. Tôi rớt hai lần trong hai mùa thi liên tiếp. Buổi sáng làm bài thi, tôi nộp bài bằng những trang giấy trắng, đi qua những thầy cô giám khảo mặt khó khăn mà không muốn chào. Hai tuần sau, không cần đọc danh sách vẫn biết không có tên mình trong đó. Đó là cuối mùa hè năm 1965. Mẹ tôi không còn sức khỏe để bương chải nhiều như ngày xưa. Mấy chị em tôi, mỗi người tự lo sống. Tôi biết có một nghề chờ đợi tôi mà không cần kinh nghiệm. Nghề cầm súng. Người ta sẽ dạy tôi làm cách nào để biết ước tính khoảng cách từ lổ châu mai đến đỉnh đầu ruồi. Và thao trường sẽ dạy tôi biết đổ mồ hôi để sau này ra chiến trường bớt đổ máu.
Chiều nay tình cờ gặp phượng. Màu hoa thắm một góc đường ra biển. Những tà áo không còn vụt qua nơi sân trường. Người gác dan già của trường không còn góp lá khô để nghe tiếng đời đi vội vã. Có gả trai tưởng mình khôn lớn, không ngờ bé bỏng rưng rưng. Mỗi bước chân đi về phía trước, dẫm hoài lên thất bại này đến thất bại khác.
Không biết từ thôi thúc nào, cuối cùng tôi thấy tôi ngồi trong quán cà phê có người Tàu làm chủ. Quán có tên là Liên Tinh. Ly cà phê bồi hồi như chưa từng thấm qua cuộc đời đắng ngọt. Những người khách gồm đủ thành phần. Đa số là những dân lao động. Vài người không có chỗ, ngồi ngay trên xe xích lô. Chợ chiều vừa mãn. Bạn hàng chưa kịp thu dọn những tán dù che nắng buổi trưa. Bụi bậm rã rời như phấn hoa đậu xuống. Dưới ngọn đèn đường vừa thấp lên, ngày cũng vừa vỡ tan chấp chới. Mười mấy năm trước ai đó đã soi mói nhìn tôi, như nhìn một con gà chưa nhiều lông cánh. Tôi chỉ là một con gà trong hàng triệu con gà trong cõi sinh linh. Không đủ mỏ mồng để gáy lên niềm tự hào vì cuộc đời sa bại. Chỉ biết đào xới mỗi ngày để kiếm miếng ăn.
Tôi ngồi đếm nỗi buồn chưa từng biết gọi tên. Mùa hạ sẽ không còn trên thành phố bình yên. “Mỗi mùa vắng đi một người…” Lời của bài hát lẫn quất như một định mệnh. Đứa con trai bỏ trường bỏ lớp không chờ đợi trưởng thành. Những đôi chân mõi vì sỏi đá đường dài. Những mái tóc tơi bời vì gió, bởi không kịp một bờ lưng nương tựa của người cha. Có chỗ nào ngồi lại. Chiều nay?…
Phạm Ngũ Yên