John Lennon và Yoko Ono. Ảnh do Jack Mitchell cung
cấp cho Commons Wikimedia.CC by Jack Mitchell
cấp cho Commons Wikimedia.CC by Jack Mitchell
Bà là một nghệ sĩ tài hoa, là nhà đấu tranh cho hòa bình, nhưng bà còn là « mụ phù thủy » mặc mini-jupe, là « Miss Oh No! ». Người nghệ sĩ bị các tín đồ nhạc rock ghét bỏ, hắt hủi kia chính là Yoko Ono, người mà John Lennon đã đặt cho biệt danh « người nghệ sĩ nổi tiếng nhất ít được thế giới biết đến».
Năm 1968, việc chính thức hóa mối quan hệ tình cảm giữa John Lennon, linh hồn ban nhạc Beatles, và nghệ sỹ Yoko Ono đã khiến báo chí tốn nhiều giấy mực. Đó là một mối tình 12 năm hợp nhất niềm đam mê nghệ thuật, viết chung nhiều kiệt tác và cùng cam kết đấu tranh vì hòa bình và tự do. John thổ lộ :
« Tôi đã hầu như rời khỏi Beatles khi tôi yêu cô ấy,..., Chúng tôi còn có mối quan hệ khác gọi là « thầy trò » : điều mà những người khác không thể hiểu. Vì tôi nổi tiếng, tôi phải biết tất cả, nhưng người thầy chính là cô ấy »
Yoko Ono vốn là một nghệ sĩ khá được chú ý trước khi gặp John Lennon. Những tác phẩm nghệ thuật của bà theo trường phái « tiên phong » (avant- garde) dưới nhiều hình thức như thơ, nghệ thuật sắp đặt, hội họa, điện ảnh...Và sau mối duyên kỳ ngộ với John Lennon, bà đã cho ra đời những bài hát mang phong cách « tiên phong » như Don't Worry Kyoko, và John, John .
Cũng sau mối duyên này, John Lennon không thể nào rời xa bóng hồng Nhật Bản Yoko, anh đã viết tặng nàng nhiều bản tình ca, « oh, Yoko » được coi là ca khúc lãng mạn nhất trong số đó. John mượn âm nhạc để bày tỏ tình yêu cháy bỏng đối với người vợ bé nhỏ. Bóng hình nàng theo anh khắp mọi nơi, mọi lúc : « Trong đêm, trong đêm anh gọi tên em. Yoko, Yoko ! tình yêu của anh sẽ khiến em tỏa sáng » ( In the middle of the night. In the middle of the night i call your name. Oh Yoko, oh Yoko, my love will turne you on).
Ngay cả trong mơ hay những lúc bay bổng trên tầng mây... anh cũng luôn nghĩ về nàng. Để thể hiện ca khúc, John Lennon không những hát và chơi ghita, anh còn đích thân độc tấu một đoạn nhạc dạo rất tươi vui bằng kèn harmonica. Bản Balade đậm chất pop và khiêu vũ này đã lọt vào top 10 ca khúc được yêu thích nhất trong bộ sưu tập đĩa Working Class Hero : The Definitive Lenon.
Khi tiếng tăm của The Beatles đạt tới đỉnh cao, khi tài năng của mỗi cá nhân trong ban nhạc bộc lộ ngày càng mạnh, khiến họ khó có thể đứng chung hàng ngũ như trước, cộng với sự có mặt của Yoko trong các buổi thu âm, mối quan hệ của « bộ tứ » ngày càng xấu hơn. John Lennon từng nói rằng ông đã có ý định tách khỏi nhóm từ trước khi gặp Yoko. Mặc cho thời gian trôi qua, đối với hàng nghìn người hâm mộ, Yoko luôn là kẻ phá đám,mụ phù thủy xảo quyệt trong bộ mini-jupe, người đã khiến nhóm Beatles tan rã.
Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận rằng, quãng thời gian mà Lennon mất phương hướng trong lối viết, cảm hứng dường như khô cạn, nàng thơ Yoko bỗng xuất hiện, mang đến làn gió tươi mới, dòng suối âm nhạc trong anh lại tuôn trào những giai điệu đẹp. Những album The Beatles, Abbey Road và Let It Be đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
« Don't Let Me Down » được viết trong quãng thời gian thực hiện dự án Get back/Let it be, là thời kỳ mà The Beatles bắt đầu có những bất đồng. John Lennon ngày một lìa xa đồng bạn, tay trong tay khắp nơi cùng người yêu. Ca khúc có hơi hướng theo phong cách tối giản của Yoko, với ca từ đơn giản và thẳng thắn, anh muốn công khai tình yêu của mình. Ca khúc là lời nhắn nhủ mà John muốn gửi tới người yêu: xin đừng bỏ rơi anh. Tận sâu trong đáy lòng, « Don't Let Me Down » còn là nỗi lo sợ bị đồng bọn phản bội, ruồng bỏ...
Ca khúc bất hủ « Imagine » được phát hành năm 1971, là tuyên ngôn của phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam thời bấy giờ. Hơn 40 năm trôi qua, « Imagine » vẫn mãi là bản thánh ca hòa bình mang giá trị không đổi, vượt thời gian.
Bản thân là một nghệ sĩ có phong cách khác biệt đi trước thời đại, ngoài những tác động sâu sắc về lối viết và khuynh hướng sáng tác, Yoko Ono còn có ảnh hưởng lớn trong tư tưởng của John Lennon. « Imagine » là tác phẩm mang đậm dấu ấn Yoko, ca từ được dựa trên tứ thơ « tưởng tượng » trong tập « cây bưởi » của bà. Có thể nói tầm vóc của Yoko Ono không chỉ dừng lại ở «nàng thơ» nữa, mà bà còn là người « thầy » của John Lennon.
« Hãy thử tưởng tượng xem không có thiên đường,.., không địa ngục,.., trên kia chỉ là bầu trời xanh,.., Tưởng tượng xem, thế giới này không có quốc gia, không tôn giáo, sẽ không có gì để chém giết nhau hay chết chóc. Tưởng tượng xem, tất cả mọi người đều sống trong hòa bình.. ». Bằng thông điệp này, Imagine đã chuyển tải ước mơ ngàn năm của nhân loại : một thế giới không chiến tranh, và John Lennon – Yoko Ono là những nhà tư tưởng vĩ đại.
Năm 1969, trước phong trào phản chiến ngày một mạnh mẽ ở Mỹ, họ đã liên tục tổ chức những sự kiện mang tên « chiếc giường hòa bình » (Bed-in) có tính nghệ thuật sâu sắc, đấu tranh cho tự do, hòa bình. Ở đâu có xung đột xã hội, hạt mầm âm nhạc của họ lại nở hoa. Ca khúc « Give Peace a Chance » là một bông hoa như vậy.
Trong khi quân đội Mỹ đang sa lầy trong những cuộc đối đầu ở Việt Nam, John -Yoko phẫn nộ nằm trên giường, trong bộ pyjama trắng : « Nếu tất cả mọi người cứ ở trên giường thì chỉ trong vòng một tuần, chiến tranh sẽ đến hồi kết thúc ». Bài hát được viết khá đơn giản, chỉ có 2 đoạn nhạc nhưng mỗi lần hát trước công chúng, ca từ của nó lại được thay đổi. Điệp khúc chỉ là một câu được nhắc lại. « Give Peace a Chance » do John Lennon, Yoko Ono và Plastic Ono Band trình bày ( nhóm nghệ sĩ do Yoko và John sáng lập năm 1969, trong đó có những tên tuổi như Eric Clapton, George Harrison).
Đã hơn 3 thập kỷ trôi qua kể từ khi thế giới mất đi huyền thoại âm nhạc John Lennon, Yoko « người mù của John Lennon » vẫn tiếp tục con đường nghệ thuật của chính mình. Chẳng còn bận tâm nữa đến chuyện được yêu thương hay ghét bỏ, một cách bông đùa bà đã cho phát hành album nhạc Pop « tiên phong » có tựa đề « Yes, I'm a witch » Vâng! tôi là một mụ phù thủy.
Hoài Dịu
nguồn
Hoài Dịu
nguồn