có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 5 24, 2016

Hiệp Hội Tương Tế Bắc Việt Nghĩa Trang



Tôi mang gương mặt của đứa trẻ trong hình bước chân vào Bắc Việt nghĩa trang lần cuối buổi sáng tháng 5. Buổi sáng K vươn cánh tay khẳng khiu múa máy trong không khí. Tôi đếm một, hai, ba, như tôi vẫn hay đếm trước những ngôi mả xanh mướt ánh mắt người chết. Hành lang sáng. Thứ ánh điện trắng lạnh lẽo. Tôi đếm một, hai, ba, như tôi luôn tránh những ánh mắt người chết đăm chiêu, có khi trong vắt dưới mưa, như thể tròng trắng hãy còn sống long lanh giận dữ. Tôi mang gương mặt đứa trẻ đến chào dòng họ lần cuối. Buổi sáng có mưa, nắng rải rác, thứ mưa nắng thất thường nhiệt đới. K đạp xe phía trước, anh chưa hoá quỷ. Hai anh em gởi xe trước cổng. Bà cụ bán nhang vẫn chít khăn nhiễu, hàm răng đen, mà mỗi lần trông thấy tôi vẫn cảm giác kỳ lạ.

– Bác mua hộ nhà cháu bó nhang.

– Sao bà già vậy mà xưng cháu hở Thầy?

Tôi ngước hỏi. Thầy luôn nghiêm khắc, trong trí não tôi không sao có thể gọi bằng Bố, dù suốt quảng thời niên thiếu tôi không hề gọi bằng Thầy. Có một phiến kính vô hình ngăn trở giữa tôi với Bố Mẹ. Mỗi tháng, tôi theo Bà vào nghĩa trang, gió vồng lên hai vạt áo dài của Bà phất bay phía trước. Tôi luôn dụi mặt vào ngấn cổ chị ở thiêm thiếp giấc ngủ chập chờn giữa những ngôi mả. Đôi lúc tôi lẫm chẫm bước theo Thầy, vẫn giữa hai hàng mả quen thuộc với những đôi mắt không bao giờ khép.

Buổi sáng bước chân lên trung học đệ nhất cấp, Thầy dẫn tôi vào nghĩa trang cúng bái. Tôi bắt đầu trông rõ xã hội vây quanh mình. Xã hội nhỏ bé, giới hạn từ ngôi nhà mặt tiền trên đại lộ Hai Bà Trưng đến trường Taberd có chiếc cổng sắt sơn xanh to lớn, nặng nề, đóng sầm ở mỗi tiếng kẻng và bóng các sư huynh thước tha trong tấm áo dòng che dấu ác độc. Xa hơn nữa, làng Đại Học Thủ Đức, nơi Bà cho chúng tôi về tắm piscine mỗi cuối tuần, trong villa gia đình lặng lẽ.

Ngôi biệt thự ở số 221 đường Yersin làng Đại Học Thủ Đức cũng im vắng như nghĩa trang, không bóng người ở. Chỉ chú Lễ mở cổng và tiếng sỏi rạo rạo dưới bánh xe. Bao giờ bà cũng cho chúng tôi tắm hồ bơi hai tiếng rồi chú Lễ đánh xe về. Hai tiếng, bằng khoảng thời gian tôi với K ở nghĩa trang. Bà cụ chậm chạp rỡ lớp ny lông với mấy ngón tay héo úa, tôi còn nhớ như in ngón cái bẻ quặp vào trong khó khăn lôi mấy bó nhang đã bạc thếch. Lần nào Thầy cũng mua, dù ở nhà Bà đã dặn đem theo nhang thắp. Tôi biết Thầy mua giúp. Tôi chỉ không hiểu vì sao bà cụ già lắm, nhăn nheo, khô khốc, chiếc khăn nhiễu không che hết quắt queo đã xưng Cháu với Bác. Thầy bằng tuổi tôi bây giờ. Thầy cũng chết trẻ, như tất cả đàn ông trong họ chết trẻ, nhà này chỉ có phụ nữ sống lâu, Bà bảo vậy.

– Người Bắc những nhà nghèo xưng thế.

Thầy đưa tiền cho bà cụ, giải thích. Người Bắc? Tôi hay nghe thấy hai chữ này, suốt thời niên thiếu. Người Bắc? Thứ người tôi vẫn chưa sao phân biệt giữa những khuôn mặt khách thăm viếng lễ Tết, chỉ trông thấy rõ rệt họ nằm đây, trong nghĩa trang này.

– Con là người gì?

– Con là người Bắc di cư.

Thầy trả lời. Tôi hiểu, tôi thuộc về thế giới của người chết, đang nằm đây, và chỗ của tôi bên cạnh họ. Ngôi chùa có mái tỏa cánh sen, rộng lớn. Thầy luôn lễ ở chùa, rồi ra miễu Thổ Thần, Thành Hoàng. Mùi nhang khói in đậm suốt tuổi thơ, phả hắt ở bậc tam cấp. Thứ hơi u uất, mà chỉ ngửi, tôi biết ngay mùi của người chết. Khu đất mênh mông, mộ lập san sát trùng điệp kín mít. Tôi đã nghĩ, tất cả người Bắc chôn ở đây. Suốt tuổi hoa niên, nắng phủ trùm lên những dẫy bia không chấm dứt.

– Phú Thọ, Nam Định ở đâu Thầy?

Tôi chạm tay lên vách đá. Những chữ khắc trên văn bia ghi những địa danh xa lạ, cũng đầy xa lạ như tấm bình phong cẩn xà cừ thô nhám. Tôi chưa bao giờ trông thấy những kiến trúc nhà ở thu hẹp hiu hắt đến vậy. Rõ ràng là một ngôi nhà, có cổng uốn, rào sắt, tường vây, một hồ nước với sân bái đường lung linh nắng. Dăm gốc hoa dâm bụt, một rặng giấy buông lay lắt, rõ ràng một cảnh đời tiếp tục trong chờ đợi.

Tôi đọc mấy chữ Chánh quán Phủ Nho Quan, sinh quán Móng Cái, Quảng Ninh hưởng dương, thất lộc… không hiểu, những nơi chốn tôi chưa hề nghe thấy.

– Phú Thọ là chỗ ông nội mở hiệu thuốc Bắc, Nam Định ông chú có hiệu bánh ở đấy.

Thầy kiên nhẫn giảng giải. Tôi khám phá đất Bắc trên bia mả.

– Bác mua hộ nhà cháu bó nhang.

Bà cụ chít khăn chữ nhất, răng đen suốt, mời. Vẫn bà cụ tháng trước, năm trước, mười năm trước. Vẫn túi xách phủ ny lông, luôn ở đó từ khi tôi biết đến chỗ chôn người Bắc. K mua bó nhang. Cử chỉ K y hệt Thầy, từ cách móc ví, trả tiền, nhận tiền thối, đến lời cảm ơn, cũng là lời cảm ơn Thầy dạy chúng tôi cách cư xử với người lớn. Bà cụ rỡ ny lông rồi bao lại dưới mưa, không khác. Thầy đã vào nằm trong nghĩa trang bốn năm trước. Ngày đưa ma, tôi nhớ bà cụ ngồi đó, sao bà cụ không nhớù? Buổi sáng tháng 5, mưa lất phất, Sàigòn vừa thất thủ 13 ngày, đám ma không kèn trống, tôi lếch thếch đi sau áo quan Thầy, K ôm ảnh, tôi cầm bát nhang, hương khói ràn rụa. Cô Lìn khóc hết nước mắt. Cô Cắm, cô Sìn ngất xỉu, chú Hổi, chú Ốn, chú Hênh tất tả, anh cả mất rồi. Tôi không khóc, tôi quay nhìn bà cụ vẫn ngồi ở đó. Bà không đi đưa. Theo tục lệ người Bắc, chồng chết vợ không đưa ma, Bà bảo vậy. Tôi không khóc, tôi được 12 tuổi, gió phất tấm khăn sô tôi đội đầu tiên trong đời. Đám tang Ông, tôi 4 tuổi, Bà dấu tôi trong bệnh viện bác sĩ Nguyễn Duy Tài ở đường Duy Tân, sợ tôi ám ảnh cái chết. Đám tang chị Zính tôi chưa sinh ra, tôi đưa ma lần đầu với cái chết của Thầy ngày miền Nam sụp đổ. Tất cả gia đình tôi chôn ở đây. Tôi muốn hỏi bà cụ có biết? nhưng K đã kéo đi.

Buổi sáng. Bàn tay K lạnh. K nắm tay tôi qua những ngôi đất. Cũng như lần chót tôi nắm tay anh. Không. Đúng hơn anh nắm tay tôi, lạnh cứng. Tôi thở ra khói, những tấm rèm rũ, tôi cúi xuống để không trông thấy mặt K. Tôi đếm một, hai, ba, ước ao có ai đó ở bên cạnh, có ai đó đứng cười ở cửa, có ai đó đốt hộ điếu thuốc, và có Bà để tôi ngã vào lòng khóc oà.


– Con phải thuộc lối đi để sau này vào thăm gia tộc.

Thầy vừa đốt vàng mã, vừa dặn. K thưa vâng. Bao giờ K cũng có hiếu, nghe lời. K không giống tôi, luôn thắc mắc. Buổi sáng nắng trì chiết khói nhang, thứ nắng nặng nề, phải sau này tôi mới hiểu, chỉ có ở Việt Nam. Hai anh em bước qua dẫy mả. K không kiếm ra lô đất, tôi phải hướng dẫn. Tôi không thuộc lối, nhưng thuộc những mặt người. Những ông lão trai tơ, những cụ bà vợ hiền lập mộ, đến đó phải quẹo. Trịnh Thu Thủy, có đôi mắt sáng, môi tươi, nằm ở đầu lối rẽ vào mả chị. Buổi sáng K phát cỏ, tôi bắt đầu khám phá những người khác phái có sức thu hút kỳ lạ, ngay cả sau khi chết. K quét mả. Tôi rỡ mấy bánh oản, giấy bóng kính xanh đỏ. Chị Zính mất năm 7 tuổi, tôi chưa biết mặt. Bà nói chị rất thiêng. K van vái xin chị phù hộ cho chuyến đi sắp tới. Tôi chưa hiểu tính cách trầm trọng của cuộc ra đi, chỉ biết mình sẽ không bao giờ được chôn trong Bắc Việt nghĩa trang. Hôm đó, tôi đã hỏi K, vì sao gia đình mình người Tàu nhưng chôn trong nghĩa trang Bắc Việt? K không biết tại sao, chỉ trả lời có lẽ do thói quen, không thiếu một ai, từ đời ông cho đến đời chị, cả Bà còn sống nhưng cũng đã mua sẵn cho mình một kim tĩnh bên cạnh chỗ Thầy. Chỉ thiếu có tôi và K, những đứa cháu đích tôn của một giòng họ chỉ mới lưu lạc từ Trung Hoa sang Việt Nam chưa quá một trăm năm. Một giòng họ Quảng Đông đã chọn nghĩa trang của người Bắc làm nơi an nghỉ.

*

Tôi mang gương mặt của đứa trẻ trong hình 15 năm sau trở về. K vươn cánh tay lên múa máy. Đôi tay anh khẳng khiu như cánh tay vũ công ballet chấp chới, cố nắm níu sự sống thay cho đôi chân đã bất động. K đang hoá quỷ. Tôi sợ hãi đếm một, hai, ba, mong cho hành lang không chấm dứt. Tôi đếm một, hai, ba, sợ hãi hành lang hun hút, muốn tất cả biến đi, đừng bao giờ hiện diện. Hơi nóng dồn lên ở cửa. Tấm kiếng mở ra hắt dội tiếng động vỡ bùng. Âm thanh hỗn loạn. Tiếng la hét. Chưa bao giờ tôi rơi vào chuỗi âm thanh hỗn độn đến vậy. Thứ âm thanh của những ngày cô nhi viện đứng trên nóc chuông nhà nguyện trông xuống cánh đồng mênh mông vàng cháy, im phắt, tựa một bức tranh tĩnh vật vô hồn, vô cảm, tôi đã thèm quay quắt nhớ rã rời tiếng súng AK trong đêm tối, tiếng M-16 bắn trả, và tiếng xích sắt của thiết vận xa M-113 quần nát mặt đường. Tôi mặc áo mới, buổi chiều mùng 2 Tết, ống tay là thẳng như tuổi thơ ngăn nắp. Tôi đứng trên sân thượng đếm tiền lì xì, phong bao đỏ phẩm, tôi trốn K, sợ K biết tôi nhiều tiền hơn. Tôi bất chợt trông thấy lính Mỹ ở building đối diện đặt súng đại liên bắn xối xả xuống lòng đường chỗ hiệu phở Bình góc Yên Đỗ, nơi đặc công Bắc Việt xuất phát. Những đường đạn reo kinh dị. Súng nổ inh tai như pháo sáng mùng một hãy còn đỏ thắm trước cửa nhà. Tôi say mê tiếng súng như đã mê đốt pháo, cùng lúc sợ hãi, bưng lấy tai, Bà hét gọi chị Ni bế tôi xuống. Chị Ni chạy quýnh quáng. Tôi quắp lấy chị ở như vẫn hay quắp lấy chị những sáng tảo mộ trốn những gương mặt người chết. Thầy không cho vặn đèn, ngôi nhà bốn tầng tối om. Tôi vít lấy Bà, cố đoán trên gương mặt Thầy những âu lo từng chập theo tiếng súng an nguy râm ran, thắp thỏm rồi đứt quãng dưới chân cầu thang nơi cả nhà túm tụm đầy sợ hãi. Khi có tiếng trực thăng phần phật muốn thổi bay mái, gương mặt Thầy rạng rỡ, Phía mình thắng rồi, Thầy nói trong hơi thở. Tôi ngửng lên trông thấy hân hoan trong mắt Thầy. Tôi ngửng lên trông thấy chiến thắng trong phim Cao Bồi. Tôi thiếp vào giấc ngủ khi Thuỷ Quân Lục Chiến dọn dẹp khu phố. Tôi thiếp vào giấc ngủ với ý nghĩ Phía Thầy thắng rồi, với giấc mơ trẻ thơ, tôi làm kỵ binh áo xanh bắn rụng từng tên mọi da đỏ dưới chân cầu Kiệu.

K bơi trong vũng nước đen. Cánh tay anh vốc lên rồi thả xuống, chậm rãi, đều đặn. Tôi bơi theo K trong giấc ngủ. Mặt nước loáng loáng trong suốt. Tôi trông rõ cả thân anh đang hoá quỷ. Da thịt đen xạm và tóc rụng trắng. Nước lùa những lọn tóc trắng trôi nhấp nhô, giữa đầm lạnh toát. Tôi gạt tóc, bơi trong nước đen sẫm. K bơi phía trước. Hai vách đá hai bên thẳng đứng, những mỏm đá nhọn hoắc, chúng tôi bơi ra cửa biển. Tất cả xám tuyệt vọng, tựa những fjord Phần Lan buổi tối băng giá. Nước lạnh buốt. Tôi cất tiếng gọi, nhưng anh vẫn bơi mãi miết, về phía trước, hũng đen thăm thẳm cứ mỗi lúc một lớn dần trôi hút cả hai anh em về một phía. Tôi nhận ra cõi chết. Tôi muốn đuối, nước vỗ mang tai hắt dội tiếng đập của lồng ngực. Hai chân tôi tê cóng, tựa liệt, tôi cảm giác bị liệt, cảm giác rõ rệt sự chối từ của thân xác, nước tiếp tục chảy xiết đẩy K xa dần. Tôi mơ giấc mơ đó nhiều lần, giữa đêm, khi về sáng, trên cả chuyến bay trở về.

Cánh cổng mở ra. Nắng hực lên lưỡi kiếm cắt đứt đôi người mà tôi không kịp nhận biết. Nắng phừng lửa như lúc Thầy hắt rượu tống đạt vàng mã.

– Quê con ở đâu Thầy?

Tôi hỏi, say mê ánh lửa xanh phả phất mùi rượu đế. Lửa cuốn lên tro của mỗi mùa tựu trường tôi luôn ngạc nhiên nghe đám bạn kể chuyện về quê. Đứa về Cần Thơ, đứa xuống Sóc Trăng, đứa đi Long Xuyên hay ra Đà Nẳng. Ông tao có cặp trâu trắng hết xẩy. Bà tao nuôi ong lấy mật cho tao uống. Tất cả hương quê và ông bà dậy lên câu chuyện. Tôi không đi đâu chỉ biết Sàigòn, xa lắm xuống Ô Cấp một hai tuần tắm biển. Tôi không có quê hay đúng hơn quê tôi ở trong nghĩa trang.

– Quê nội con ở Vĩnh Phú, có sông Thao, quê ngoại con ở Sơn Tây.

Thầy trả lời chậm rãi. Thầy hay kể về những danh lam thắng cảnh miền Bắc mà tôi không bao giờ trông thấy, không bao giờ có thể thăm viếng, nhiều lắm chạm tay lên vách mả, mường tượng sau những chữ khắc, trong đôi mắt người chết, một chút thôn quê, những cánh đồng đất Bắc thổi lướt mưa phùn, những bãi rươi tháng 5 ở Hải Phòng, khu Tam Đảo mù sương, mái chùa Hương chót vót hay mái chùa Thầy tịch liêu, quê tôi thật sự ở trong Bắc Việt nghĩa trang.

Nắng loá mắt. Tôi đẩy xe khó khăn. Mọi người chen lấn. Tôi nghe tiếng Bà gọi, thất thanh mà rất nhỏ, chìm lẫn trong hỗn độn của phi trường. Nhưng tôi nghe thấy, tiếng Bà tôi không sao quên, tôi nghe mỗi đêm, từng đêm của cô nhi viện một mình tôi trăn trở trong dortoir lạnh buốt hoang vắng.

– Vũ, Mẹ đây. Anh đâu?

Bà ngồi bẹp ở hàng rào sắt cố lùa cánh tay xương nắm níu. Cánh tay bà cũng khẳng khiu như cánh tay K, muốn nắm lấy tay tôi lần nữa. Bà ngồi bẹp giữa đám đông xô đẩy. Dáng Bà y dáng bà cụ bán nhang ngồi trước cổng Bắc Việt Nghĩa Trang. Hàng rào sắt ngăn cách như phiến kính vô hình suốt tuổi thơ đã ngăn trở tôi với Bà. Bà quắt queo, nhăn nheo y bà cụ nghĩa trang. Tôi gọi Mẹ. Cánh tay bà chới với. Phi trường Tân Sơn Nhất như một chợ cá. Bà nắm lấy tay tôi như K đã nắm lấy tay tôi lần chót.

– Vũ, Mẹ đây. Anh đâu?

Giọng Bà khản, hốt hoảng. Tôi không kịp suy nghĩ. Tôi không thể suy nghĩ. Nắng chói chan như nắng ở nghĩa trang. Hơi nóng, hơi người lấn đẩy. Tôi vẫn chưa ra khỏi hàng rào sắt. Tôi bực bỏ, tại sao tổ quốc không xây nổi một nhà đợi cho những bà mẹ Việt Nam đợi con đợi cháu, trong bóng râm, trên ghế nệm? Tại sao tổ quốc bắt Bà ngồi bẹp trên lề đường như ăn mày? Bà không ăn xin, Bà chỉ đợi tôi, mười lăm năm. Sân bay khinh người. Sân bay chỉ biết tính thuế phi trường.

– Vũ, Vũ, chị đây.

– Vũ, Vũ, cô đây.

Chị N khóc. Chị lếch thếch, quần áo xốc xếch, nhầu nát. Tôi nhìn chị ngỡ ngàng. Chị hoa khôi Thiên Phước, hoa khôi Les Lauriers, Marie Curie, nữ sinh trường Đầm, bế bé Nhí, mặc chiếc áo đầm cũ nát tôi gởi về 10 năm trước. Cô Lìn xanh tái hơn ngày đưa tiễn Thầy.

– Chời ơi máy bay đến trễ đợi em quá chời, tưởng cháy rồi.

Anh T đỡ valise. Anh cao lớn đẹp trai trong trí nhớ, nam sinh Marie Curie, gia đình Bắc di cư lấy chị 15 năm bằng thời gian tôi vượt biên, bây giờ anh mặc áo công nhân lam lũ, nói giọng Nam, như một từ chối đất Bắc. Tôi không hiểu. Nắng chói loà. Nắng gay gắt như tuôn lửa. Bé Vinh khóc. Bố, con sợ. Bé Vinh níu tay tôi, như tôi đã nắm vít lấy Thầy buổi chiều Mậu Thân đặc công tấn công building Mỹ. Bà khóc. Anh đâu? Bà hỏi. Tôi muốn khóc. Tôi muốn nói anh đang hoá quỷ, nhưng tôi không thể nói, bãi xe như ong vỡ, tài lôi kéo, chụp giật, Việt kiều đi xe này bảo đảm, đời mới, xe cá mập có máy lạnh, đồng hồ cây số, anh tránh ra tôi có xe nhà, đừng nghe tụi nó anh thuê xe rồi, coi chừng mất cắp, đứng gần cô, cháu Vinh đâu? đứng gần mẹ, đếm đủ hành lý chưa, bao nhiêu valise? Tôi rời phi trường lúc nào tôi không rõ. Gia đình đẩy tôi lên xe. Tôi cố quay nhìn một lần nữa, chưa bao giờ tôi được vào Tân Sơn Nhất, giấc mơ của tuổi thơ. Tôi cố kiếm con đường nhỏ dẫn vào Bắc Việt nghĩa trang bên hông, chỉ trông thấy tấm bảng lớn Ga Đi Quốc Tế Tân Sơn Nhất. Tại sao tiếng Việt lầm than đến mức này? Tại sao không viết Phi Cảng Khởi Hành Quốc Tế Tân Sơn Nhất? Tất cả vỡ oàng hỗn loạn, tất cả chồng chất, quá khứ, thực tại, âm thanh của 15 năm trước trộn lẫn 15 năm sau, con người 15 năm trước sống sót biến hoá 15 năm sau. Bé Vinh im thin thít, lần đầu tiên trông thấy quê bố. Tôi gắng hỏi khi xe qua Bộ Tổng Tham Mưu.

– Đi đường Chi Lăng hở cô?

– Không đường Trường Sơn cháu.

– Sao không đi đường Trương Minh Giảng cho gần cô?

– Phía Lê Văn Sĩ kẹt xe lắm cháu.

Cô Lìn lấy chú Chúng sĩ quan hải quân hoa tiêu VNCH nhưng cô đã quên hết. Tôi nhớ tất cả, nhà thằng Đỗ Hoàng Phượng răng khểnh trong lớp kêu Miêu Khả Tú bán bàn ghế ở Võ Di Nguy, xe chạy qua, tôi còn ngoái nhìn xem mẹ nó còn bắt ghế ngồi ngoài cửa hay không. Hiệu bún bò Tân Thanh đặc công núp ở đó bắn lên building Mỹ khiến ông Tân Thanh bị cảnh sát Dã Chiến còng đi tình nghi che dấu Việt Cộng. Tôi bước xuống xe cố tìm bà bán cóc ổi, me chua, tầm ruột, tôi ăn quà mỗi chiều cắn xoài ngâm đến ê răng, nhưng chỉ có cô gái nhỏ ngồi nhoẻn miệng cười.

– Bác có Việt kiều về thăm hả bác? Cô gái hỏi.

– Việt kiều gì, con tôi đấy. Bà trả lời.

– Chú Việt kiều biết ăn tầm ruột không?


Cô gái đon đả. Anh T đang khuân từng chiếc valise xuống. Bà chào tổ trưởng, hàng xóm đứng bu quanh. Tôi nhìn thúng trái cây, vẫn những quả me ngâm đường hoá học thuở trước vàng lẳng nổi bập bềnh trong thau nước, những rỗ tết đứt cọng, những lá chuối tươi lót cóc ổi và đàn ruồi xanh bay toả dưới nắng. Vạn vật không khác, từ lề đường xi-măng đứt khúc, cao thấp, trồi sụt, cả tấm che nắng sơn trắng của cảnh sát Cộng Hoà bây giờ xẩy lở ở cột đèn. Chỉ có Dì Sáu không còn ở đó. Dì trôi lạc phương nào tới tôi không biết. Tôi mở mắt chào đời Dì đã ở đó, trước sạp cóc ổi. Những trưa nắng Dì dúi cho tôi những củ ấu lúc đứng đợi ông xích lô chở đi học mẫu giáo. Những chiều tiểu học ở trường Lasan về, tôi nhảy ùm khỏi xe chú Lễ, Dì cho tôi miếng xoài ngâm chấm ruốc cay chua mặn chát. Tôi khám phá trái cây miền Nam trên sạp Dì Sáu. Không trái nào tôi không biết, từ trái cerise ta bé tí, quả cà na nhọn, lát mãng cầu xiêm, trái bòn bon, đến quả sim tím ngắt lưỡi.

– Ngó chi dữ? Dì Sáu cười tươi, xoa đầu.

– Hổm rày học tới đâu?

– Onzième. Tôi trả lời hãnh diện.

– Cái gì? Lớp mấy?

– Onzième!

Tôi la. Thuở nhỏ tôi sớm khó chịu, tôi là hoàng tử, Bà bảo vậy.

– Ừ, ôn dèm. Ăn cóc không?

Tôi gật đầu. Dì cắm cho tôi quả cóc to nhất, xanh mướt, khía xoè như những cửa sổ của ngôi nhà tí hon có nắp. Không phải vì bán trước lề nhà Bà nên Dì cho tôi ăn miễn phí. Tôi luôn thấy trong ánh mắt Dì những trìu mến, mỗi khi Dì vuốt má, nắn tay, xem tôi mập ốm.

– Đừng nói Bà nghe nhe, Bà la chết.

Dì dặn. Tôi vừa cắn quả cóc vừa gật đầu. Bà mà khám phá tôi ăn quà vặt, sẽ la Dì chết, và thế nào Bà cũng sai chị Ni ra trả tiền mấy quả me, quả cóc Dì cho tôi. Con trai không ăn vặt, không ăn hàng ngoài đường. Bà luôn nghiêm khắc.

– Chú Việt kiều biết ăn tầm ruột không?

– Việt kiều gì, con tôi đấy. Bà trả lời.

– Con Lài con dì Sáu. Con ăn cóc không?

Bà hỏi. Tôi lắc đầu. Tôi không nhận ra nét nào của Dì Sáu trên gương mặt cô gái, nhưng tôi nhận ra lề đường chỗ tôi đang đứng. Giống cuốn album cũ ai vất xuống mặt đất tung toé. Tôi nhận ra khúc xi-măng bể, còn phản chiếu nỗi bàng hoàng của buổi sáng Bà cho U Đào về quê. U ở cho gia đình tôi lâu lắm, Thầy nói từ đời Ông, năm U mười bốn. Tôi đã chào đời trên cánh tay U ẵm bồng, đã ngủ trên cánh tay U thay cho Bà bận bịu buôn bán. Mỗi khi tôi thức giấc, chiếc quạt nan trên tay U phe phẩy gió. Mỗi khi tôi khóc U dỗ dành, tôi không sao có thể hình dung có ngày U sẽ biến đi, đột ngột, như một chiếc bóng. U giống một thành viên trong gia đình, dù im lặng, không tiếng nói. Tôi đi học, U mở cửa. Tôi về nhà, U đun nước tắm. Tôi ăn sáng, U mua xôi. Tôi đói khuya, U đi mua hủ tiếu. U tập cho tôi ăn sầu riêng dù Bà không ăn. U tập cho tôi ăn mì Quảng dù nhà chỉ ăn món Bắc. U già lắm, già hơn bà lão bán nhang trong nghĩa địa. U chăm cho chị N, đến K, rồi đến tôi. U không bao giờ nói chuyện, làm như cuộc đời U không có gì để kể. Đôi bận, tôi hỏi quê U ở đâu? U không biết. Tôi hỏi U có chồng không? U cười.

– U lấy chồng ai trông cậu.

– Thế U không có nhà cửa cha mẹ chi hết?

Tôi thắc mắc. U lắc đầu.

– Vậy quê U cũng ở trong nghĩa trang à?

– Nói bậy. Cậu ngủ đi, thức mãi Bà thấy Bà la.

U quạt gió, lùa những ngón tay già nua vào trong áo gãi trên lưng tôi đang hâm hấp cơn sốt vỡ da có những hạt mụn li ti vừa nhú. Tôi thiu thiu giấc ngủ mộng mị về một vùng đất nào đó xa xôi mà U đã sống, đầy bí ẩn.

Về quê, trong tiếng Bắc, lúc nhỏ tôi đã sớm biết mang nghĩa cho nghỉ việc. Tôi đã trông thấy thằng Thành giúp việc, chị Hoa đầu bếp, chị Hương sổ sách, cả chú Lễ tài xế, chị Ni Bà cho về quê. Về quê, có nghĩa biến mất vĩnh viễn, không bao giờ hiện ra trở lại. Sau 75, gia đình tôi sa sút, Thầy mất, cửa hiệu xuất nhập cảng xe gắn máy bị đánh tư sản, villa Thủ Đức bị tịch biên, Bà lần lượt cho về quê tất cả, kể cả chị Huệ Bà tin cẩn, chỉ trừ mình U. Cho đến một buổi tối tôi nghe Bà nói với cô Cắm, nếu U chết trong nhà không có tiền ma chay. Cô Cắm nói thấy U còn mạnh. Bà lắc đầu trên 70 chết lúc nào không hay, U về quê đỡ một miệng ăn. Sáng hôm sau U tất tả bị gói ra xích lô máy đi ra bến xe nào đó đưa U về Quảng Ngãi. Chị em tôi khóc. Tôi giận Bà nhưng không dám hỏi, không dám nài nỉ, tôi biết nhà nghèo lắm, cảnh nhà thê thảm ở từng mỗi bữa ăn chỉ còn mì sợi và đậu đỏ. Buổi tối U còn gãi lưng tôi lần cuối, tôi khóc rắm rức trên gối, U thức suốt đêm phơi quần áo cho K, ủi nốt mấy chiếc sơ mi cho K ngày mai đi thi, lau chùi bếp núc sạch sẽ, rửa hết nồi niêu soong chậu cho chị kể từ mai phải thay U vào bếp. Suốt tối tôi ngồi xem U xếp mấy bộ bà ba, vài chai lọ cho vào bao, dọn dẹp mọi thứ, U làm nhanh như con gái, như thể U chưa già, như thể U muốn trở ngược thời gian để Bà đừng cho về quê. Trong giấc ngủ nửa mơ nửa tỉnh, tôi thấy hình như U muốn ôm tôi, hình như U muốn hôn lên trán tôi, những ngón tay U xoa lưng suốt đêm cho đến lúc có tiếng Bà hỏi sao U chưa ngủ, để cho cậu ngủ, mai cậu còn đi học, U còn đi sớm.

Buổi sáng U ra đứng chỗ tôi đang đứng, đợi xe. Mắt U đỏ hoe. U cố gắng không khóc, sợ tôi khóc. Tôi hỏi U đi đâu? U về quê. Sao U nói U không có quê? U có quê. U chùi nước mắt.

– Cậu ở lại học giỏi cho Bà vui.

– U nói dối! U không có quê. Quê U ở trong nghĩa trang!

Tôi khóc, níu áo không cho U đi. U cũng khóc.

– Cậu buông U ra kẻo Bà la.

Xe xích lô máy đến. Tôi nhớ Bà chỉ đủ tiền cho U bảy mươi đồng Giải Phóng. 70 đồng cho một đời ở đợ. Tôi cố gắng không khóc, con trai không được khóc, Bà luôn nói, nhưng nước mắt tôi đầm đìa, tôi níu chặt áo U, nhưng Bà đã hối U lên xe, U còn cố nắm tay tôi lần cuối, nhưng xích lô máy đã phóng đi giật kéo tay U giữa bụi khói. Tôi giận dỗi Bà mấy tháng liền trong im lặng. Tôi giận dỗi Bà tiêu tán tuổi thơ, bắt tôi khám phá xã hội tàn nhẫn của người lớn. Tôi giận dỗi đất nước đã không cho phép gia đình tôi nuôi một con người. Tôi không biết nếu Ông còn sống Ông có cho U về quê? Tôi không biết Thầy còn sống, Thầy có cho U về quê? Tôi biết Bà đã cho U về quê chỉ vì muốn dành miếng ăn cho chúng tôi, nhưng tôi vẫn giận dỗi Bà đã bắt tôi chứng kiến cảnh U đi vào cõi chết.

*

Tôi mang gương mặt đứa trẻ trong hình 15 năm sau trở về. 15 năm sau thức giấc giữa thành phố tôi đã sinh ra, lớn lên và bỏ đi. Tôi mở mắt, hành lang trắng bóng. Tôi nhắm mắt, những con số 401, 402, 403 lớn dần lên. Tôi mở mắt, những con số nối tiếp không dứt. Tôi đứng im rất lâu trước cánh cửa cuối hành lang trắng toát. Tôi muốn tất cả bên trong trống rỗng. Tất cả biến đi đừng xẩy đến. Chỉ cần tôi mở cánh cửa ác mộng sẽ tan biến. Chỉ cần tôi mở cửa nắng sẽ ập đến sáng lừng lên xóa lớp mây xám dầy của Châu Âu, xoá nền trời trĩu nặng và xoá tất cả vật đổi sao dời của 15 năm chia cách. Tôi mở cửa. Tôi đứng ở bãi Cháy. Nắng gay gắt, đất Bắc hẹp như thước kẻ kéo một vạch dài trước vịnh Hạ Long. Đất Bắc tôi đọc trong tiểu thuyết, trông thấy trên các vách mả, đất Bắc của tổ tiên, của Thầy, của Bà, của K muốn tôi về thăm viếng giùm. Tôi đứng ở bờ cát, nước lặng lẽ. Biển mấp mênh với những cù lao tít tắp, những hòn chi chít bất động. Biển không khác biển Phi Luật Tân nơi tôi với K đã giạt vào. Cù lao không khác hải đảo Liminancong nhỏ khoẳm bằng lòng bàn tay nơi tôi đã đi xin ăn. Hạ Long cũng y mũi Né Phan Thiết với đám ruồi xanh bay toả trong không khí. Tôi đứng ở bãi Cháy trong yên lặng của buổi trưa không tiếng động, tuồng tất cả chỉ là cảnh vật, một bức tranh mà tôi đứng ngoài, một cuốn phim đang trình chiếu mà tôi không tham dự, không thủ diễn một vai nào hết. Chỉ vài giờ đồng hồ nữa tôi bước lên xe du lịch đoàn chị Thanh vợ anh Bảo Ninh mua hộ vé, tất cả sẽ biến mất. Giống một bức tranh bôi xoá mà tôi đứng ngoài không ảnh hưởng.

– Trường chị tổ chức tham quan, Vũ đi với các giáo viên, yên tâm. Chị Thanh nói.

– Anh giai Nam Bộ vào chơi đấy à?

Mấy gã thanh niên sấm sẩn vào trong nhà khách Nguyễn Đình Chiểu. Tôi đang ngồi trong câu lạc bộ khách sạn, tôi muốn nói tôi là người Bắc, không phải anh giai Nam Bộ. Đám ăn xin đểu đã sừng cổ.

– Anh giai Nam Bộ đưa năm chục nghìn xài chơi.

Tôi luống cuống. Tôi muốn nói tôi người Bắc, Bà sinh ở phố Hàng Đào, Thầy ở phố Trần Nhật Duật. Tôi là đứa con của Thăng Long trở về nhà. Nhưng tôi không nói được, 50 ngàn với hình Hồ Chí Minh là giá trị duy nhất. Anh Bảo Ninh quát.

– Này các cậu vừa vừa thôi, cậu em tôi trong nhà cả đấy.

Đám ăn xin đểu lui ra. Tôi bước chân vào quán Cầy Tơ Bốc Lửa ở Quảng Bá. Tôi ngồi trên chiếu hoa cạp điều của Doãn Quốc Sỹ ngày xưa tôi đọc trong sách. Tôi ngồi trên câu thơ mê mẩn thuở nhỏ, trải vách quế gió vàng hiu hắt. Chủ hiệu dẫn tôi xuống dưới gầm nhà sàn xem chó. Đôi mắt chó trong veo tựa đôi mắt tôi thời nhỏ. Rõ ràng con chó đang khóc. Tôi quay mặt tránh nhìn ánh lửa hàn xì mấy thanh niên đang thui chó ở sân sau. Mùi thịt chó trong Miếng Ngon Hà Nội của Vũ Bằng thơm nức mũi. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi kêu bia Tiger uống kèm với đế. Tôi muốn uống rượu chát nhưng không có. Thịt chó nặng, nồng hơn thịt trừu, uống với Haut-Médoc hay Sidi Brahim là tuyệt, vỏ nho dầy đậm sẽ làm ngọt miếng thịt, nhưng trí não tôi chỉ phân tích được đến đó, từ Miếng Ngon Hà Nội của Vũ Bằng đến bây giờ tôi ngồi đây ăn miếng thịt chó đầu đời là một khoảng trống.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cười nhỏ nhẹ. Ông thương tôi như đứa em nhỏ. Tôi sinh ra để được mọi người thương mến. Tôi là đứa trẻ viết truyện được cưng chiều hết mức. Vợ chồng chủ hiệu bất ngờ cãi lộn, tôi với giáo sư Chi ngồi trước màn ảnh truyền hình, trên tấm chiếu trải giữa gian buồng vừa làm phòng khách, quán ăn, phòng ngủ. Chủ quán tát vợ toé lửa.

– Các anh cứ dùng vô tư!

Ông chủ đã dẫn tôi đi xem chó, quay lại cười.

– Thêm bia nhé. Chủ hiệu Cầy Tơ Bốc Lửa hỏi.

Tôi nhìn ông ngỡ ngàng, chị vợ khóc trong góc. Giáo sư Chi gắp cho tôi miếng chả chó tím lợt của Vũ Bằng ngày xưa thơm ngào ngạt. Tôi nhậu thịt chó suốt đêm, 5 giờ sáng tôi bước chân ra phố Kim Mã, hút 300 đồng thuốc lào ở chiếc điếu cầy của hàng nước vối đen đúa. Cả triệu người đã đặt môi vào ống điếu. Tôi nhìn vành điếu đen quánh, bẩn thỉu, xẩy mẻ, lở như chứng ung thư trên da thịt K đang hoành hành. Tôi do dự rồi ghé môi để cùng hút với đất nước thứ khói sấy bằng nắng gió quê nhà, cùng chia tiếng rít thiết tha đứt hơi của đất nước khi ban mai đang ửng hồng trên bãi xe khách của phố Kim Mã vừa thức giấc. Người tôi tê đi trong làn khói sớm. Người tôi tê đi khi nghe gã tóc vàng nạt:

– No need, get away!

– Oát xu, oát xu!

– I don’t need you to wash my shoes, get away the fucking kids!

Bãi Cháy dấy động. Đàn ruồi bay tản. Nắng đổ lửa. Đám trẻ đánh giầy bu lấy gã da trắng đang ngồi ghế bố, đứa nắm tay, đứa sờ chân, đứa giằng lấy giầy, ngay trên bãi biển 120 năm trước Francis Garnier và thủy binh Tây đổ bộ.

– Fucking kids, let me be!

– Oát xu, oát xu!

– Don’t take off my shoes, fuck you!

– Oát xu, oát xu!

– No need, sons of the bitch!

Gã da trắng sừng cồ, như đám xin đểu đã sừng cồ chiều hôm trước, cuối cùng bất lực chìa chân cho lũ trẻ đánh giầy. Tôi dẫm chân lên lớp cát vàng mịn của đất Bắc. Lớp cát vàng óng, mịn tơ, thoai thoải duỗi dài. Cát của Sầm Sơn, Đồ Sơn của Nhất Linh có êm như cát ở đây? Đất Bắc của hùng thiêng sông núi, của Ngô Quyền, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Ngô Thời Nhiệm, đất Bắc của chiến công oanh liệt chống ngoại xâm, Bạch Đằng, Chi Lăng, Điện Biên Phủ, tôi đứng trước thắng cảnh kỳ vĩ của đất nước, nơi con rồng thiêng đã hiến thân tìm cái chết chỗ này, đập đuôi trầm mình trong sóng nước Âu Lạc, những mảnh đuôi vỡ toé làm trăm ngàn hòn nhô lên như chứng tích của một thời thiêng mà cả đất nước kiêu hãnh. Xác rồng thu hút du khách, đem đến lợi nhuận. Nhưng tổ quốc không biết, ở Phang Ngà Thái Lan cũng nhiều cù lao như vậy, cảnh vật in hệt, không ăn cắp, không đánh giầy, không bãi giữ xe vì không ai lấy, người Thái không bu bám Tây Phương, và du khách đông gấp vạn. Tôi đã đến Phù Két, Phang Ngà, Ao Nàng, Trang, Sa Mùi, Kra Bì, đã sửng sốt trước lịch sự của dân tộc nổi tiếng hải tặc này. Sửng sốt trước giá vé duy nhất Thái Lan, Việt Nam, Tây, Mỹ. Sửng sốt trước cô gái Thái trẻ xách chổi đi quét bãi biển sau mỗi khi khách rời ghế bố. Sửng sốt trước giá cua chỉ 38.000 đồng một con ăn ở xe hải sản tươi sống dành riêng du khách. Sửng sốt vì đĩ điếm tràn lan công khai nhảy múa trần truồng. Sửng sốt vì ở Thái cũng có cà pháo, mắm tôm và phở cắt bằng bánh cuốn trụng rau muống. Sửng sốt khi nghe bé gái nhỏ oằn người gánh thúng đu đủ chào mời bằng tiếng Việt.

– Chú người Việt Nam hả? Chú ăn giùm con đỉa tầm sụm. Bố mẹ con từ Vinh qua đây sống mấy năm rồi, con đi bán ở Chạ Long nhớ nhà quá.

– Em tên gì?

– Dạ, con tên Bỉm. Chú ăn giúp con đĩa tầm sụm.

Tôi nhìn cô bé xót ruột. Tôi muốn nói tôi chỉ hơn tuổi em ngày xưa khi phải rời tổ quốc, vì người Bắc không cho phép người Nam sinh sống, triệt tiêu hết tất cả, và tôi phải tha phương cầu thực như em. Nhưng sao em sinh quán Vinh, cũng người Bắc mà em phải tha phương cầu thực bây giờ? 15 năm rồi mà? Bây giờ tôi hiểu vì sao mỗi khi người Thái hỏi Where are you from? Tôi trả lời From Viet Nam, không ai chào mời tôi nữa. Tôi ăn đĩa gỏi đu đủ ở Chalong Bay chiều đó, đĩa gỏi mặn như nước mắt, còn mang tất cả đậm đà của quê hương, ba khía, mắm tôm, rau muống và đu đủ. Bỉm bây giờ trôi giạt nơi nào? Cô bé chỉ có tương lai đĩ điếm của Patong town chờ đợi trước mắt.

– No dollars, no money!

Gã tóc vàng tươi tốt đứng phắt dậy, đám trẻ dãn ra.

– I don’t want you to wash my shoes. You do it by yourself, so I don’t pay. Get off!

– Công an, kêu công an, nó giật tiền!

Bãi Cháy vỡ ầm trong tiếng động, ruồi bay tán loạn, mấy bà cho thuê ghế xúm vào chen chúc, bạn hàng rong ở đâu xô đẩy bu bám, lũ trẻ vẫn trì kéo, giật lôi, gã da trắng vùng vẫy. Fuck you, fuck you, tiếng Anh nghèo vậy sao? Tôi đứng nhìn, muốn can thiệp, muốn chưởi vào mặt thằng da trắng ăn quỵt, tôi đã trông thấy chúng nghèo đói thế nào ăn xin, ăn mày dưới hầm métro, subway, tôi đã trông thấy đám da trắng bần tiện mất dạy lỗ mảng trên đất nước của chính họ, được tôn sùng Thượng Đế ở đây, tôi đã biết trị giá của phục vụ Âu Châu mắc gấp trăm lần trên bãi cát này. Một cuốc đánh giày 5.000 đồng chưa bằng 40 cents. Nhưng tôi đứng đó, không cử động, tôi tự bào chữa mình yếu tiếng Anh, nhưng tự trong thâm tâm tôi biết, tôi e ngại gã da trắng cao gấp rưỡi, nở nang, khoẻ mạnh, lực lưỡng phơi trần mình cuồn cuộn bắp thịt trên mảnh đất Rồng.

– Chú công an xử lý, chúng cháu đánh giầy nó không trả tiền!

– Tránh ra để làm việc. Đã bảo tránh ra! Anh công an nạt tất cả mọi người.

– They took off my money, I don’t pay. They are the thieves. No money, robbers!

– Giải tán, giải tán!

Công an xua tay đuổi tất cả. Anh công an không làm việc hay anh cũng e ngại như tôi đã e ngại trên mảnh đất Rồng? Hay anh cũng yếu sinh ngữ? Gã da trắng đã ngồi lại ghế, thong dong đọc báo, duỗi đôi giày đánh cire bóng, trang nhất của tờ Wall Street mở rộng loan tin chỉ số kinh tế lên xuống, Liên Hiệp Quốc thanh sát Irak, khủng hoảng Nam Hàn, Nam Dương, không một dòng nào nhắc đến Việt Nam.

Tôi lên chuyến xe Xuyên Suốt Tốc Hành về trước. Tôi lên chuyến xe Xuyên Suốt Tốc Hành lao băng băng giữa đất cát. Xuyên Suốt: Direct, Tốc Hành: Express, nhưng xe ngừng đón khách suốt dọc đường liên tục không ngớt. Tôi không còn khả năng hiểu tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ mang tất cả nếp sinh hoạt xã hội mà tôi chưa hề tham dự. Nhà sư ngồi cạnh tôi già lắm, sư cụ mang nếp nhăn của những câu kinh kệ suốt đời lần một chuỗi hạt.

– Trả tiền đi!

Gã lơ đánh vào hông xe thùng thùng. Gã lơ trẻ măng chưa biết đến cái chết. Tôi đã trả vé ở bến. Sư cụ đón xe dọc đường lấy trong tay nải mấy tờ giấy cong queo.

– Cậu thông cảm, tôi tu hành chỉ có từng này.

– Một xuất hai chục nghìn, trả liền đi.

Gã lơ quát. Xe băng băng lao giữa vùng đất cát cằn cỗi, những doanh trại quân đội nhân dân trôi lướt, những đụn đất rơm rạ chất đống, nắng chói chan, nắng thả lửa trên mặt đường bùng cháy như rải xăng. Tôi cảm giác lửa Napalm vẫn hãy còn cháy ở đây trên khúc đường này.

– Cậu thông cảm, tôi tu ở chùa chỉ có ngần này.

– Một xuất hai chục nghìn, có thì đi, không có thì xuống.

Gã lơ đập ghế. Nhà sư lúng túng. Sư cụ chỉ có 13 ngàn, thiếu 7 ngàn. Tôi muốn trả, trong túi tôi có 2 triệu bạc Việt Nam và một ngàn dollars đem theo. Tôi muốn lấy tiền, nhưng tôi sợ, chung quanh toàn những người xa lạ. Túi trái tiền Việt bọc trong gói nylon, túi phải tiền đô quấn hai lần giấy bỏ trong bao thư. Tôi cúi gầm mặt trên túi xách Adidas ôm trong lòng.

– Địt mẹ, từ sáng giờ gặp toàn thứ gì đâu.

Gã lơ đập vào hông xe thùng thùng. Xe thắng gấp, tay nải nhà sư bị ném tung ra đất. Xe rồ máy, tôi còn quay lại trông thấy sư cụ đứng lom khom giữa trưa nắng trên bãi đất cằn khô, không một bóng râm, lui cui nhặt nhạnh ba chiếc dép, mấy chiếc khăn, một bi đông nước.

Tôi quên đi rất nhanh hình ảnh đó, chỉ nhớ lại nhiều tháng sau, nhiều năm sau mỗi khi ai đó đi Hạ Long nhắc đến bãi Cháy. Không phải hình ảnh của tấm áo cà sa gầy gò rũ đứng giữa trưa ngập nắng, nhưng hình ảnh của một thằng hèn ngồi chết cứng trong lòng xe đò chạy xuyên suốt tốc hành về một bến đỗ nào đó của cách sống hôm nay, bây giờ. Trong xe có tiếng cười khan: Cứ ba cây số bị đuổi xuống, đón mươi lần là về đến Hải Dương.

*

Tôi mang gương mặt đứa trẻ trong hình 15 năm sau trở về. 15 năm sau thức giấc giữa Hà Nội lẽ ra tôi phải sinh ra, lớn lên và kiếm sống. Chuyến ra Bắc như liều thuốc đắng. Phải 31 tuổi ra tới Bắc, đứng trước Chùa Một Cột tôi mới biết tôi là người Nam. Bắc từ huyết thống, trong máu huyết, nhưng không ai chấp nhận. Buổi chiều tôi đứng trước Quốc Tử Giám lạ lẫm, xe Giấc Mơ chạy ầm ĩ, trong truyện Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu tôi đã tả nơi đây, nơi tôi chưa hề viếng buổi chiều con đường Hàng Cháo im ắng lặng lẽ như tờ. Buổi sáng tôi đứng trước ngôi nhà của Ông ở Phú Thọ, bây giờ đã trở thành ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phú. Tôi không nhận ra gì hết, mặc dù đã xem bao nhiêu lần những bức ảnh đen trắng chụp gia đình dòng họ trong sân ngôi nhà này. Tôi cố mường tượng năm U mười bốn tuổi bước chân qua ngạch cửa, U phải lo lắng lắm, vết chân U dường còn in ở phiến gạch Tàu trũng, U đâu biết 60 năm sau U sẽ lãnh 70 đồng Giải Phóng về quê, không thân bằng quyến thuộc, bán ve chai rồi chết dắm dúi ở một xó nào trên đất Quảng. Đứa trẻ U ẳm bồng trên tay đã trở về, đứa trẻ U gãi lưng mỗi tối đã về đây, đứng trước ngôi nhà U đã vào ở suốt thời con gái, đàn bà rồi già lão. Buổi trưa tôi đi khắp phố Hàng Đào, cố tìm ngôi nhà của Bà. Hiệu bán vải hẹp choé bề ngang, sâu thông thống, một tầng xiêu vẹo, treo mắc lụa tơ tầm, đồi mồi lưu niệm, quần áo.

– Hello, hello, welcome!

– Không, cháu người Việt. Cháu muốn vào tham quan nhà.

– Nó có đổi đô không? Cô gái ngồi quầy trong gióng hỏi.

– Không, nó muốn xem nhà.

Bà chủ hiệu vải phe phẩy quạt, nói vọng. Tôi nhìn bà kỳ lạ, tôi nhìn cô gái trẻ đã quên bẵng tôi đang đứng ở cửa. Mấy con rùa thần làm giả đồi mồi nhìn tôi nghếch mắt. Mấy điếu bát cổ đời Lý đề giá 100 đô, dăm bức chèo Phố Phái, tượng Phật bằng mã não ghi giá không rõ.

– Mẹ cháu sinh ở đây, cháu muốn vào tham quan vài phút rồi đi ngay.

– Giá tham quan du lịch nhà cổ quận Hoàn Kiếm 50 nghìn, tôi lấy cậu 30 nghìn thôi.

Bà chủ hiệu vải trả lời. Tôi nhìn bà kỹ càng. Tôi nhìn bà như thể tôi muốn trông thấy Bà ngồi đây, nếu không di cư vào Nam, Bà sẽ ngồi đây với quạt nan, Bà sẽ bảo tôi đưa tiền để vào thăm ngôi nhà nơi chính Bà đã sinh ra, lớn lên rồi bỏ đi như tôi đã sinh ra trong ngôi nhà Bà ở Sàigòn, lớn lên và bỏ đi. Tôi ngắm bà chủ hiệu vải kỹ càng để khắc ghi trong đầu hình ảnh một bà Bắc. Tôi ngắm bà chủ hiệu vải kỹ càng để đối chiếu với Bà, đã sinh thành ra tôi. Bà không phải là Bà. Bà, một người khác.

Tôi mở cửa. K đưa tay cào không khí. Anh ngồi ở giữa, trên chiếc xe lăn không ai đẩy. Tôi hỏi K ăn chưa? Anh nhướng mắt, con số 403 trên cửa phòng phản chiếu. Tôi trông thấy lại trong mắt anh hình ảnh đất Bắc phai mờ hoang phế. K thở khò khè đứt quãng. Tháng trước anh còn làm bài thơ Ký Thác đăng báo, tháng này anh mở trừng trừng mắt nhìn tôi, vô hồn. Tôi ngồi giữa căn phòng giá buốt, không phải K ngồi ở giữa phòng mà chính tôi ngồi chỗ K nhìn ra cảnh trời ảm đạm trông thấy thần chết.

– Kêu Vũ nó vào thăm anh.

K nhướng mắt. Lâu lâu từng chập anh trở nên tỉnh táo, như vụt thức giấc khỏi chiêm bao, phát âm rõ rệt từng chữ. Tôi biết anh sắp hoá quỷ. Tôi biết anh đang hoá quỷ.

– Em là Vũ.

Tôi bóc mấy nem cuốn, chả cốm, các món Bắc.

– Kêu Vũ nó vào thăm anh. K tiếp tục nhướng mắt.

– Nhưng em là Vũ.

Tôi đáp. Chiều tối nào K cũng hỏi câu đó. Chiều tối nào tôi cũng trả lời từng ấy chữ. Trong thâm tâm tôi khổ sở vì sao K không biết sống sót, vì sao anh không chiến đấu? Vì sao trí não anh ung thối? Anh đã học thật giỏi ở trường Lasan. Tôi nghĩ đến đám táng sắp đến, đến ma chay phải đứng ra làm chủ tang, trong đời tôi chưa biết cái chết. Tôi nghĩ đến các tra vấn của Bà, giòng họ, những câu hỏi hóc búa đạo đức dấy lên một mình tôi hứng chịu. Tại sao K hoá quỷ? muôn đời tôi thắc mắc. Tại sao anh không giống tôi thẳng tắp một con đường thuần Việt. Con đường mê đắm những cô gái, yêu đam mê những người đàn bà, say mê, hết mình và không hối tiếc. K chọn con đường khác.

– Vậy Vũ là Vũ đóng giả Vũ?

K bỏ cuốn nem, ngơ ngác. Tôi nhìn trí nhớ K mục rữa.

– Lát nữa mẹ ngủ dậy, nói mẹ hâm cho anh.

– Mẹ còn ở Việt Nam.

Tôi đưa nước cho K uống. Anh nhìn tôi kinh ngạc. Làm như K khám phá lần đầu sự chia cách đứt đoạn đột ngột không ai có thể hiểu.

Buổi chiều Âu Châu mau rụng tối. Nắng rơi không tiếng động khuất sau mấy dẫy nhà bệnh viện. Tôi lau mặt mũi cho K, cả chiếc bóng quỷ của anh cũng biến mất trên tấm kính đen đặc. Tấm kính chỉ còn phản chiếu lờ mờ duy nhất chiếc bóng của một đứa bé vướng ánh điện loay hoay tháo gỡ những sợi điện muốn chạy trốn.

Giống trong giấc mơ, khi tôi đỡ K lên giường, hai chân anh nặng trĩu, luồng nước đen thẳm cứ kéo chìm đi, K chới với nắm níu không khí, thân xác rũ riệt lê trên đất, tôi muốn gọi cấp cứu nhưng nhớ đến gương mặt lạnh lẽo của đám y công chung chạ mỗi ngày với thần chết, bệnh nhân chỉ là những thây ma nằm phòng riêng hay phòng chung. K ngã chúi xuống đệm nhưng anh mở mắt, trăn trối.

– Anh mất rồi chôn trong Bắc Việt nghĩa trang.

Tôi nắm tay K khi ấy. Không, anh nắm tay tôi, ghì chắc. Như lần cuối trong áo quan anh còn đưa tay nắm lấy tay tôi khi sư bà vẽ bùa bảo tôi dúi vào trong tay anh đi đò xuống âm phủ. Rõ ràng anh chụp lấy tay tôi lúc đó. Ghì lấy. Tôi hoảng sợ rụt bắn, nắp áo quan còn mở. Gương mặt K đen sạm, tóc rụng hết, K đang hoá thạch, cả bộ veste turquoise anh mặc giáng sinh cuối cùng cũng hoá đá. Tất cả lạnh cứng, đông lạnh, y khúc thịt tôi lôi từ trong tủ đá những chiều làm về muộn bỏ vào micro-onde. K nằm yên không rên rỉ, đã thôi vươn cánh tay co giật, đã thôi giắt tôi đi lầm lũi trong Bắc Việt nghĩa trang, tôi muốn nói nghĩa trang không còn nữa, tôi đã chứng kiến tất cả biến mất, không còn gì nữa, đất nước là một đất nước khác, không nghĩa địa, chỉ những lò thiêu và nghĩa trang liệt sĩ. Không còn chỗ nào cho tôi với anh, không còn chỗ nào cho người Bắc di cư đang biến mất. K nằm im, nhắm mắt, không nghe gì nữa, tôi đeo kính cho anh, nhưng rồi tháo ra, bỏ trong hòm. Tôi cố mường tượng đến hoá thân của Kafka, buổi sáng cũng biến dạng quái dị nhưng không chết. Tôi cố nghĩ chỉ là một chương tiểu thuyết, không ai có thể chết trong tiểu thuyết, từ tấm bé tôi đã chìm đắm trong truyện, không biết đánh đáo, bắn bi, tạc lon, tôi tiêu tán tuổi thơ trong những chồng sách. Tôi đọc ngấu nghiến và tin cuộc đời diễn ra trong tiểu thuyết. Rồi đến phiên tôi tưởng tượng tất cả, nhưng không hề ngờ chúng có thật.

Lửa phực lên. Tôi mở cửa. Lửa phừng lên nuốt tất cả mọi người. Lửa phừng phừng rát mặt. Tôi sợ hãi căn phòng địa ngục. Tôi chứng kiến tận mắt địa ngục. Hai thước ngang, lửa hàn xì như lửa gaz thui chó ở Quảng Bá. K hoá thân không ai đi đưa, người ta chỉ thui anh như thui chó. Các bạn tôi im lặng. Các bạn tôi cũng viết tiểu thuyết. Cả một đám hiện hữu bằng cái không có thật tiễn đưa một sự thật: Lửa gaz thui chó. Nina Mc Pherson, Đỗ Kh im lặng. Chị Phan Thị Trọng Tuyến khóc tấm tức. Anh Lê Tất Luyện, chị Thụy Khuê mắt đỏ hoe. Anh Phan Huy Đường lặng lẽ. Một mình Dương Thu Hương bình tĩnh nhất lúc lửa bùng lên đẩy lùi mọi người. Tôi thèm muốn lúc đó được chôn trong Bắc Việt nghĩa trang, thèm muốn nằm trong lòng đất của Bà, bên cạnh Thầy, bên cạnh Ông, bên cạnh chị Zính, thèm muốn nằm dưới gốc dâm bụt thắm lá, có rặng giấy lay lắt, một hồ nước, bức bình phong, sân bái đường. Tôi ý thức rõ ngày K hoá quỷ, hạnh phúc lớn nhất của kiếp thuyền nhân là được chết chôn ở Việt Nam trong một nghĩa trang của đất nước.

K bất hạnh không có may mắn đó.

*

– Lương, lên thang lấy cho chú đây coi hũ cốt Việt kiều con.

Sư bác mập mạp phốp pháp, nhận ra tôi một năm trước. Chỉ mới một năm mà chùa Vĩnh Nghiêm thay đổi, trai phòng các sư dọc hành lang có máy lạnh hai cục, màn ảnh vi tính truy cập internet. Tôi ngỡ ngàng nhìn qua cửa các thầy đang lên mạng. Không khí ngày Tết huyên náo, những sắc áo chen chúc với lồng chim phóng sinh phước thiện, khách thập phương lên xuống vào ra chánh điện, mùi nhang trầm theo gió phả phất từng chập dọc kinh Nhiêu Lộc. Tôi tìm lại không khí chùa ngày mới lớn theo Thầy lên tháp. Những mặt người chồng chất lên nhau. Gia đình tôi không có ai trong tháp, nhưng Thầy vẫn có thói quen vào thắp một nén nhang. Ngần ấy năm và bây giờ quá nửa dòng họ đã bị đuổi ra khỏi nghĩa trang phải cải táng di dời lên tháp.

– A, bữa hổm anh có về mà.

Chú Lương mau mắn chào. Chú Lương mảnh khảnh nhanh nhẹn, hoạt bát, thoắt nói, thoắt cười.

– Kiếm cho anh ấy chỗ tốt lắm, ở từng hai trông xuống bàn thờ Phật nhưng không cách chi gom về chỗ gia đình. Anh thông cảm bây giờ chết nhiều quá, dân số mỗi năm gấp đôi gấp ba năm trước, lại thêm cốt Việt kiều gởi về ai cũng muốn gần Phật mà Phật chỉ có một, Việt kiều thì đông.

– Sao kêu cốt Việt kiều? chết rồi mà.

– Dạ thói quen thôi anh, nhưng cốt Việt kiều gia đình thường ân cần hơn.

Chú Lương xách đèn bấm, lên thang. Chú đi thoăn thoắt, thành thạo mỗi nấc thang cuốn ốc, vừa kể lai lịch gốc gác từng cốt vào tháp lúc nào, thâm niên bao lâu, con cái thành đạt ra sao. Tôi nhìn lưng áo nhật bình của chú là thẳng, lấm tấm mồ hôi dợn sóng. Làm sao chú tỳ kheo có thể biết hết ngần ấy chuyện? Từ những cốt con đàn cháu đống đến quá khứ tung tích, tên tuổi từng thân quyến, cả những vụ đánh ghen cốt ngay tại tháp? Làm như chú đã ăn ngủ trong tháp, thì thầm chuyện trò với từng cốt. Đời tư ai khổ sở, tâm sự cốt nào tự tử, cốt nào linh, cốt nào hiu hắt không bao giờ có người thăm viếng, hay cốt nào ưa cục cựa là có người đến cúng.

– Có nhiều chuyện hay lắm anh a, như cụ Thân này vào năm 81 đến 86 thì hết người thăm, chùa lâu lâu nhắc xin chút công đức gia đình không trả lời, đến bữa hôm có Việt kiều dẫn cả họ vào cúng đốt mấy xe vàng mã sau đó tự nhiên tháng nào gia đình cũng vào lễ bái. Cô Thu đây tự tử chi sao đó, mà mỗi lúc chồng vào thăm cứ bắt đem lên lầu ba không cho để chung với thân nhân, chị này thì khác, lúc chết có chửa, vô cốt rồi cả năm sau nhà gái đến bắt khui ra chia xương về thờ riêng. Anh trai này sinh 67 nhập tháp ba hôm mới hay khai sinh giả, chừng bây giờ cũng không biết tên tuổi là gì, thầy chưa vô sổ bộ.

Chú Lương đem hũ cốt xuống. Tôi nhìn gương mặt K trên nắp. Hũ cốt do đích thân tôi mua ở Pompes Funèbres Convention bằng đồng còn sáng. Tôi lấy giẻ lau gương mặt K như tôi đã lau trong bệnh viện. K mang gương mặt mệt mỏi ở Phi Luật Tuân buổi chiều hai anh em đói lả. Hải trình 21 ngày, 13 ngày tàu chìm ngâm nước giữa biển, 103 người chết đuối. Tôi lê lết khắp các ngõ ngách bảng làng Phi xin ăn. Hải đảo Liminancong quá nhỏ mấy chuyến giang đỉnh PCF của hải quân Phi không đủ sức nuôi 308 thuyền nhân, chỉ phát ba thìa cháo mỗi ngày trong lúc chờ đợi cao ủy liên hiệp quốc đến nhận hàng. Tôi theo đám ma đói tỵ nạn gõ cửa từng túp lều. Chắp chắp là ăn cơm, pù tăng ki na mô là ĐM mày. Tôi chỉ biết hai chữ đó, không nhớ ai dạy. Chắp chắp khi cửa mở, pù tăng ki na mô khi người đàn bà Phi tóc quăn, địu con quấn sà rông đóng sầm cửa. Tôi lùng sục khắp các hẻm rừng, K kiệt sức nằm thiêm thiếp dưới gốc cây đợi. Tay chân tôi mưng mủ những vết cắt của san hô, da dẻ tôi nhăn nheo như các bà lão quắt queo, tôi mang cơn sốt bừng bừng của 13 ngày đứng biển, mặt đất tròng chành như trôi trên sóng. Tôi lấy vạt áo học sinh còn đính phù hiệu trường Lê Thị Hồng Gấm mừng quýnh đựng cơm ông lão chài lưới bốc cho. Miệng tôi ngậm miếng cá khô, hai tay tôi bụm áo chạy về gốc cây K đang đợi. Tôi mừng quýnh muốn kêu Anh ơi, có cơm rồi, tôi mừng quýnh quên gan bàn chân rách nát vết cắt đá ngầm, tôi mừng quýnh vấp ngã xấp mặt, miếng khô cá lăn lông lốc. A Hủi đi chung tàu lao đến giật, tôi giằng nhưng A Hủi xỉ mặt:

– Lụ Mẹ buông ra tao dộng một cái bể mặt.

Tôi buông miếng cá, hốt cơm rơi vãi trên đất, hứng trong áo những nắm cơm lẫn đất cát mang về cho K vẫn thiêm thiếp. Tôi nguyền rủa người Tàu, tôi đã chứng kiến họ ăn ở bẩn thỉu ở Mỹ Tho trước lúc xuống bến, ích kỷ dành giật trên thuyền. Tôi đã chứng kiến A Hủi rút dao chém A Dềnh dành ba lượng vàng những ngày ngâm nước ở san hô. Tôi nghĩ Thầy không thể là người Tàu, tôi không bao giờ là người Tàu. Hai anh em không biết nói tiếng Tàu.

– Chụ, chụ cho con tiền ăn cơm chụ.

Đứa trẻ chìa tay. Tôi đang đứng trước Quốc Hội cũ, cố mường tượng ra tượng Thủy Quân Lục Chiến đối diện passage Eden đã bị đập.

– Chụ, chụ cho con tiền ăn cơm chụ.

Rõ ràng đứa trẻ mang gương mặt tôi ở Phi Luật Tân. Rõ ràng đứa trẻ đang chìa tay nói Chắp Chắp. Đứa trẻ đang kéo oằn anh nó nằm co quắp quấn bông băng thuốc đỏ mắt lờ đờ trên miệng ván có đóng bốn bánh xe đi đọc đường Đồng Khởi. Đứa trẻ nhếch nhác y tôi ở hải đảo Liminancong đi kiếm cơm cho anh nó. Nếu tôi không cho tiền chắc chắn nó cũng sẽ nói pù tăng ki na mô. 16 năm rồi mà tuổi trẻ của đất nước này vẫn còn đi xin ăn? 16 sáu năm xây dựng con người mới, xã hội mới, làm chủ tập thể, vẫn còn xin ăn? Ở đâu các bà mẹ Tổ Quốc? Ở đâu hội phụ nữ Việt Nam? Ở đâu Thành Đoàn? Tôi đã biết cái nhục bị người Phi xua đuổi, tôi đã biết cái nhục ăn khoai thí trong cô nhi viện Pháp. Bây giờ em biết cái nhục đi xin ăn như tôi ngày xưa? Xin ăn Nhật kiều, Hàn kiều, Úc kiều, Mỹ kiều, Pháp kiều và tôi là ai đứng đây, trước lòng bàn tay em đang chìa ra chờ đợi? 5 phút trước tôi còn là đứa trẻ Sàigòn, 5 phút sau tôi đã là Việt kiều em đợi bố thí, 5 phút trước tôi là người Hoa, 5 phút sau tôi là người Việt, 5 phút trước tôi là người Bắc, 5 phút sau tôi là người Nam, 5 phút trước tôi còn trắc ẩn mủi lòng vì cảnh đất nước cố gắng vươn lên, vượt thoát số kiếp nghiệt ngã, 5 phút sau tôi khám phá dân tộc mình ăn vặt và không bao giờ sử dụng thùng rác. Tâm linh tôi thay đổi, tâm thức tôi hoán chuyển, tâm hồn tôi biến thiên, linh hồn tôi dao động như quả bông vụ những đứa trẻ đang chơi ném ra đường xoay tít trong công trường Lam Sơn.

– Vậy Vũ là Vũ đóng giả Vũ?

K nhìn tôi bằng đôi mắt trừng trừng thú vật của thần chết. Tại sao thần chết tinh đến như vậy? biết hết giả dối của kiếp người, lúc sống, cũng như lúc chết? Có phải vì đã chung chạ quá nhiều với người sống mà hắn biết tất cả? Tôi là ai? Năm phút nữa tôi sẽ thành Tây biến mất ở phi trường Tân Sơn Nhất.

– Chụ, chụ cho con tiền ăn cơm chụ.

Đứa trẻ chìa tay, đôi mắt đục mờ, còn chút nào kiêu hãnh giận dữ của Trần Quốc Toản trong đôi mắt đóù? Còn chút sức vóc nào ở bàn tay Phù Đổng này?

Tôi bước chân qua cánh cổng bằng sắt sơn xanh. Cánh cổng nặng trĩu thép im lìm nặng nề suốt quảng trời thơ ấu. Sư huynh Emmanuel Oai hay đứng sau chiếc cổng này kiểm soát phù hiệu, áo bỏ trong quần, quần tây đen, sandale hay bata trắng, bata xanh sẽ bị đuổi cổ tức khắc. Sư huynh Athanase Mạng đứng dưới gốc cây, đôi mắt rình rập nghiêm khắc, một chút thiếu giáo dục sẽ bị trừng trị. Tôi đã đi không biết bao nhiêu lần lối sỏi giữa các tượng thánh. Ngôi trường nam sinh lớn nhất Đông Nam Á, với mười một ngàn học sinh của hai xuất sáng chiều, mỗi cấp tiểu học 20 lớp, mỗi cấp trung học 12 lớp và mỗi lớp 73 học sinh. Tôi tên Vũ luôn đứng số thứ tự 72 trước thằng Hoàng Xuân Yến. Lasan Taberd thành lập năm 1873 cùng năm Francis Garnier đánh thành Hà Nội. Hiếm ai biết trường Taberd đỡ đầu sư đoàn Nhảy Dù, đơn vị tinh nhuệ nhất của quân lực miền Nam. Tôi đã khám phá những người lính Cộng Hoà không xa lạ gác cầu, gác chợ, nhưng thân mật dạy cách đánh tay khi diễn hành qua khán đài ngày lễ 100 năm thành lập trường. Tôi đã đứng ở đây, trong sân trường này, tập hát quốc thiều, khám phá lá cờ thiêng liêng tổ quốc. Màu vàng phất phới đẹp như một dải cát, cuồn cuộn không tỳ vết, không nếp rũ, trong gió ban mai của tuổi hoa niên bay thẳng tắp một định hướng. Các em là tương lai rường cột của đất nước, sư huynh hiệu trưởng Lê Văn Nghiêm đã nói như vậy, tôn huynh tổng quyền dòng La San Charles Henry đã đọc diễn văn như vậy. Và tôi đã tin, tôi là tương lai của đất nước.

K luôn xếp hàng ở phía hội trường đâu lưng đường Gia Long. Tôi học đệ thất, anh đã học đệ tam. Giữa tôi và K luôn có một khoảng cách, chung trường, chung giáo dục, chung gia đình, nhưng anh luôn chọn con đường khác, con đường không thuần Việt. K sợ hãi chiến tranh từ lúc nhỏ, K năn nỉ Thầy cho đi du học sau Tú Tài toàn phần trong lúc tôi chuẩn bị tham chiến. Pham Nhật Nam đã nhồi vào đầu tôi hình ảnh kiêu hùng của người lính Cộng Hoà ở An Lộc. Dương Nghiễm Mậu đã nhồi vào đầu tôi những hình ảnh khổ đau của nạn nhân chiến cuộc với trận đánh chống chiến xa Bắc Việt T-54 ở miền Trung. Đại úy Trương Duy Hy viết hồi ký Tử Thủ Căn Cứ Hỏa Lực 30 Hạ Lào quá oai hùng. Thiết giáp Bắc quân PT-76 tràn lên sườn đồi, pháo 155 ly hạ thấp nòng bắn trực xạ thổi tung từng khối sắt trong lúc thiếu tá Mạnh tiểu đoàn phó tiểu đoàn 2 Dù dẫn lính bung ra phản công chỉ đánh bằng lựu đạn. Đồi Charlie, cơn mưa sắt thép, rặng Chu Moong Ray chờ trời sáng, tiểu đoàn 11 Dù qua đêm trong chập chờn sắc buốt. Phan Nhật Nam viết chi những giòng này, đài truyền hình chiếu chi những hình ảnh Mậu Thân từng cụ bà đi bốc xác con bị chôn sống ở bãi Dâu ngoài Huế? Tôi chuẩn bị tham chiến. Tôi chờ đợi cuộc chiến thiếu kiên nhẫn. Xả thân, bảo vệ tổ quốc, hiến thân dưới cờ, chống đỡ quốc gia đang nguy biến. Các em là người tổ quốc mong cho mai sau. Tôn huynh giám tỉnh phụ quyền Bruno Trần Văn Bằng khẳng định như vậy. Đây thiếu sinh trường Lasan, vui sống trên đường đời, lòng ta nhất quyết nên người, theo gương sáng bao bậc đàn anh… Tôi là sản phẩm của nền đệ nhị Cộng Hoà, thứ sản phẩm thuộc lòng Lasan hành khúc, quốc ca, khẩu hiệu và tiểu thuyết.

– Anh làm gì ở đây?

– Tôi học ở đây.

– Lớp mấy? Ôn thi bên kia kìa.

Thanh niên chi bộ đoàn đang giăng biểu ngữ có kẻ khẩu hiệu Sông có thể cạn, núi có thể mòn… hất hàm. Tôi mang gương mặt đứa trẻ nên anh nghĩ tôi vẫn còn đi học? Tôi không rõ, nhưng tôi biết, anh là sản phẩm của một nền Cộng Hoà Xã Hội khác.

– Chụ, chụ cho con tiền ăn cơm chụ.

Đứa trẻ chìa tay, đôi mắt đỏ kè, tôi nhìn kỹ vào trong đôi mắt đó cố tìm chút hy vọng ngày mai. Đã có ai nói với đứa trẻ ăn xin Em là tương lai của đất nước?

Tôi bước chân lên các bậc thang gỗ. Tôi đã bước chân lên các nấc thang này bao nhiêu lần suốt tám năm theo học trường dòng này? Thớ gỗ đã không còn láng bóng, đen kịt, phát ra những âm thanh thời nhỏ, không phải âm thanh vui tươi nhưng thứ âm thanh sợ hãi mỗi khi sư huynh giám học Sébastien Huyến, sư huynh Albert Tiên, sư huynh Marcien Thiện rình rập ở trong bóng tối nhào ra tát lấy tát để vào mặt đứa học trò đã ngu dại nói chuyện trong lúc lên thang. Tại sao các sư huynh đánh đập tương lai của đất nước? Tôi không hiểu, nhưng các bạn tôi đã bị đánh những trận đòn thâm tím mình mẩy. Sư huynh Martial Trí ám danh Martel cổ lùn, có lối trừng phạt kỳ lạ, bắt nam sinh tụt quần lấy roi tết bằng giây điện tháo vỏ bọc cao su quất vào mông, sư huynh Fortuna Phong tổng linh hoạt ám danh Hủ Lô bắt hít đất lấy chân mang giày Tây đè lên lưng cho thêm nặng, sư huynh phó hiệu trưởng Jourdain Thiện cao trên thước tám luôn xoắn lỗ tai học trò nhấc cao quá đầu rồi thả rơi xuống đất đánh bịch như mít rụng.

Tôi ngồi ở bàn học tôi đã ngồi thời bé, cố tìm trên mặt bàn những hình khắc bằng compas thời nhỏ. Nền trời nhiệt đới xanh biếc. Sắc xanh đùa giỡn vài cụm mây trắng. Ngô Trọng Thắng, con trai đại tá Ngô Trọng Oánh đặc khu trưởng đặc khu Một than:

– Ê lão Hải Việt Văn sắp Hồ Zếnh nữa rồi kìa mày.

– Hết ba con chó con mèo của Tô Hoài rồi đến con gà trống của Hồ Zếnh, kim văn gì chán thấy bà nội.

Lâm Ngươn Tuyến, cháu đề đốc Lâm Ngươn Tánh phun nước miếng.

Tôi cũng thấy chán, không hiểu tại sao thầy Hải không bình giảng Z-28 Bí Mật Hồng Kông, Bắc Kinh 72 Giờ Nghẹt Thở hay Kinh Nước Đen của Nguyễn Thụy Long hấp dẫn hơn nhiều. Tôi nhìn qua cửa sổ, nền trời xanh đến lạ lùng. Bóng chiếc phi cơ đang bay nổi ửng trên mái bệnh viện Grall vẽ chử thập đỏ. Tiếng nổ ầm khủng khiếp sau đó. Tiếng nổ chát chúa vỡ oàng làm vỡ kiếng hất cả đám ngã chúi. Sức gió muốn thổi bay mái trường, bảng đen tượng Chúa rơi xiêu vẹo. Tiếng nổ thứ nhì chói tai bật tung các cánh cửa, cả lớp nhốn nháo hỗn loạn, thầy Hải bỏ chạy khiến cả lớp ùn ra như ong vỡ. Cả đám xô lấn chen giẫm chạy xuống thang đã đặc nghịt học sinh của các lớp khác. Tiếng đại liên cao xạ lúc này bắn lên như mưa, như có ai đốt nhiều băng pháo đại cùng một lúc. Tôi hoảng sợ xanh tái, chiến tranh tôi chờ đợi, chuẩn bị đã đến. Các sư huynh cố gắng xếp chúng tôi dưới chân thang, còi hụ khắp nơi, xe quân cảnh chạy qua đường Nguyễn Du rầm rầm. Thầy xuất hiện lúc đó, Thầy lo âu lặng cứng đến đón tôi đang ngồi bó gối sợ hãi dưới gầm cầu thang. Tôi ngã vào tay Thầy tìm che chở. Chiến tranh của Thầy đã thành chiến tranh của tôi. Nỗi lo sợ của Thầy đã thành nỗi lo sợ của tôi. Buổi sáng tháng 3 nền trời cũng xanh như bây giờ, vẫn những cụm mây trắng trôi bềnh bồng, tiếng lá me reo rụng đầy đất, vẫn lối đi này, cầu thang gỗ đó, nhưng Thầy không bao giờ còn đến đón tôi nữa. Tháng 3-75 khi đánh bom dinh Độc Lập, người phi công bội phản Nguyễn Thành Trung có biết ông đã phá nát một tuổi thơ? Tất cả vỡ tan từ lúc đó.

*

Tôi trở về nhà tìm chỗ trú ẩn. Cội giấy vắt lên bức tường trắng K đã xây cho Bà sau khi hóa quỷ. Cội giấy đỏ thẳm sáng rực khi tôi về tới. Rặng giấy bao lấy ngôi biệt thự um tùm cây cối. Bà như người đánh cờ tướng mất hết xe pháo mã, mất hết sĩ tượng, nhưng gỡ gạc chiến thắng bằng cách chiếu mặt. Tướng vồ Tướng. Sau mười năm đơn từ khiếu nại, sau thuế siêu ngạch, đánh tư sản, tịch biên, Bà đòi được villa Thủ Đức, hay đúng hơn chính quyền đền cho Bà ngôi biệt thự khác, 300 thước vuông đánh đổi villa Yersin 2500 thước đất. K đã hóa quỷ, nhưng anh vẫn giúp Bà trang trí nội thất, lợp lại mái, sơn phết tường vách bằng những đồng quan tiết kiệm dành giật với thần chết. Khi tôi bước chân qua cổng, nắng buổi chiều hắt lên những giò phong lan treo rũ tinh khiết, ánh nắng ửng ở từng cánh, đang hé, như ánh mắt K trong suốt thời trẻ. Bà vẫn ngồi ở ghế tràng kỷ, tuồng không hề đi đâu. Hai vạt áo dài Bắc cổ cao vồng lên trong quá khứ bay chập chờn giữa các ngôi mả buông rũ chấm tậnáđôi hài cườm trên đất. Bà ngồi ở ghế tràng kỷ yên lặng, giống Bà chưa hề rời đất Bắc. Tuồng Bà đang ngồi đợi Ông bị Việt Minh bắt đi năm 45 không bao giờ có tin tức. Bà không bao giờ quay lại đất Bắc mặc dù biết bao lần tôi mời Bà cùng đi, Bà đã từ chối. Tôi khám phá không chỉ mình Bà, cô chú trong họ, sui gia, không ai còn muốn trở ra Bắc, dầu chỉ một lần thăm viếng, nhìn lại.

Bà ngồi ở ghế tràng kỷ im lặng. Sau lưng cặp liễn, bàn thờ gia tiên, lư đồng đánh bóng. Rõ ràng Bà chưa hề đi đâu, cách bài trí Hà Nội tiền chiến, bức bình phong cẩn xà cừ, hàng mành trúc lay động, chậu thược dược tím, những cành đào dịp Tết đài các, mọi thứ vây lấy Bà hay đúng hơn chính Bà xếp đặt tất cả. Chính Bà đã chuyển hoán chi tộc của Thầy từ Hoa sang Việt, chính Bà giữ nếp nhà Bắc, quyết định không nói tiếng Hoa trong nhà, mặc dầu Thầy vẫn nói tiếng Tàu với chú Hênh, chú Xá, cô Màn, viết thư bằng chữ Phổ Thông cho chú Ích du học Đài Loan, nhưng Bà nhất quyết gởi chúng tôi học trường Tây, nhất quyết chọn Bắc Việt Nghĩa Trang làm nơi chôn cất gia tộc mà lẽ ra, phải là nghĩa trang của các bang hội Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến. Bà luôn kiêu hãnh khi nhắc về bên ngoại thuần Việt. Bà không cho phép gọi Thầy bằng Pá, không cho phép ăn xíu dề mỗi khuya, không cho phép khạc nhổ như Ông Chú thường hay khạc nhổ mà Bà luôn cảm thấy bẩn.

Tôi ngồi xuống ghế. Sạp gụ cẩm lai cẩn mình rồng thuở nhỏ tôi rất khổ sở khó chịu, mỗi khi ngồi dựa vuốt rồng đâm suốt lưng. Chỉ còn vài tiếng nữa là Giao Thừa. 17 năm tôi chờ đợi phút này, trở về ngôi nhà Bà hưởng đêm trừ tịch của trời đất, trong không khí thiêng liêng, trước bàn thờ tổ tiên. Tôi ngắm chậu quất vĩ đại chi chít trái, dẫy cúc bó xôi tròn xoe như mâm cỗ, bát thủy tiên ngâm nước bắt rễ tựa những củ hành nhỏ trổ hoa trắng. Tất cả thay đổi chóng mặt. Lần về đầu tiên tôi kinh hoảng chứng kiếng Bà sinh sống trong một ổ chuột, toàn bộ căn nhà đường Hai Bà Trưng cán bộ ở chật cứng, Bà chỉ còn duy nhất mỗi một phòng con, vừa nấu ăn, vừa lễ bái, tất cả bàn ghế đồ đạc Bà phải đem gởi. Tôi trở về, chị N phải cho bé Nhí bú dưới chân thang vì căn phòng quá hẹp không đủ chỗ. Anh T, chồng chị ngồi đợi ở lề đường. Suốt đêm tôi nói dối quanh co về K, nhìn con chuột chui ra từ bàn thờ đánh đu trên giây điện. Suốt đêm bé Vinh kinh ngạc ngắm lũ thạch sùng di chuyển dưới bóng đèn. Bé Vinh chưa biết xếp bì bắn như tôi hay bắn thời nhỏ rồi nhìn chiếc đuôi thằn lằn rượt theo khúc thân đã quên mất một quá khứ từngácó đuôi. Một buổi trưa tôi ra mua cóc, chị N hỏi bao nhiêu, tôi trả lời 10 ngàn ba quả. Chị dẫy nẩy, con Lài con Dì Sáu nó điêu, một quả chỉ một ngàn thôi, con Lài nó thấy Việt kiều nó chém. Tôi cản, nhưng chị đã ra đòi tiền, chị không đòi được đồng nào, con Lài đưa thêm một quả cóc. Một năm sau tôi trở về, anh T mất, anh tai biến mạch máu não, chứng bệnh thời trang của đất nước, anh cũng lên tháp. Chị N khăn tang ủ rũ. Tôi đi qua những đường phố không nhận ra phố xá mình đã đi qua, sinh sống 16 năm liền. Tôi đi ngang ngôi nhà tuổi thơ ở phố Hai Bà Trưng-Tân Định mới về năm trước đã hoá mini hotel Đức Huy. Tôi đến tìm Ngọc Mỹ, người bạn gái đầu tiên những trưa nắng tôi ngắm say mê mái tóc màu hạt dẻ buông lửng lơ trên lưng áo dài lấm tấm giọt mồ hôi thiếu nữ. Ngôi nhà gia đình Ngọc Mỹ ở số 221 Phạm Ngũ Lão cũng đang hóa mini hotel. Tôi cảm giác nguyên đất nước biến thành khách sạn, kể cả tình cảm vụn vặt nhỏ nhoi của chính mình cũng trở thành khách sạn. Khách sạn? Đồng nghĩa phù du, một đêm, một tuần, 24 tiếng. Trên đất nước này còn gì tồn tại lâu hơn nữa?

– Dù không anh?

Cô gái mang gương mặt trắng quen thuộc. Thiếu nữ ngồi dưới gốc đa vẫy. Tôi nhìn kỹ cô gái trong chập choàng của bóng cây vươn tàn rộng mênh mông. Tôi nhận ra tức khắc lối vào nghĩa trang. Không sao có thể lầm lạc, vẫn dẫy tường vôi vàng này dù đã sụp lở phân nửa. Chỗ này rào kẽm gai phân chia Tân Sơn Nhất, chỗ kia sau bãi cỏ mọc hoang bây giờ dựng lên quán bia bình dân là chỗ tượng Bồ Tát bằng gạch đen. Lô đất phía đó đắt hơn phía bên này, Thầy hay nói. Dáng ngồi thiếu nữ y bà cụ bán nhang của nghĩa trang, cũng túi ny lông phủ mặt, áo mủ che mưa xếp dưới chân, giọng Bắc trong trẻo. Gốc đa chỗ Thầy ngừng mua nhang buông thõng những chiếc rễ có lần K đã hù sẽ dùng thắt cổ, những rễ ma vẫn còn loằng ngoằng. Thiếu nữ mang gương mặt trắng quen thuộc. Tôi cố nhìn kỹ bàn tay cô gái xem có ngón nào bẻ quặp vào trong.

– Dù thoải mái đi anh, bốn chục nghìn thôi em không tính điêu đâu.

Tôi cố nhìn kỹ xem cô gái có còn nhuộm răng, có còn nốt ruồi dưới mí mắt.

– Dù đi anh, em bảo hành khả ái.


Con hẻm không thắt hậu nhưng nở phình ra thành bãi đất giống quái thai đầu mọc dưới đít. Tôi trở về nhà tìm chỗ trú ẩn. Tôi trở về nhà trông thấy nắng rơi thảng thốt lên rặng giấy còn mang ánh mắt K u tối. Bà ngồi ở ghế tràng kỷ. Bàn thờ gia tiên nghi ngút khói. K đã thắp nén nhang cuối cùng trên bàn thờ này buổi sáng vâng lời Bà ra đi vĩnh viễn. Tôi ngồi xuống ghế. Sạp gụ cẩm lai cẩn mình rồng tua tủa thuở nhỏ tôi rất khổ sở khó chịu mỗi khi ngồi dựa vuốt rồng đâm buốt lưng. Bà ngồi ở tràng kỷ. Tôi mang gương mặt của đứa trẻ trong hình 17 năm sau trở về đối diện Bà. Tôi đếm một, hai, ba, như tôi vẫn thường hay đếm trước những ngôi mả xanh mướt ánh mắt người chết. Tôi đếm một, hai, ba, ngậm chậu thược dược tím bầm trong miệng.


Trần Vũ
05/ 01/ 03