có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 4 06, 2016

Chút Tình Sông Nước


Thân tặng các bạn NM2 đã một thời phục vụ tại các giang đoàn vùng Đặc Khu Rừng Sát: 27XP (TT Hồng, LT Khiết, TV Tồn); 22XP (PC Hùng); 57TT (KN Thành, NL Thọ, TH Tài); 91Trục Lôi (HV Dự), ....
Riêng tặng NKH Mỹ (42NC, LLĐN 99), chuyến công tác cuối cùng tại Tân An.
Một số chi tiết về ngày tháng có thể thiếu chính xác.


1. Sông Nước Miền Nam và Quê Tôi

Tôi được sinh ra và lớn lên tại làng Tân Chánh, Cần Đước một vùng quê miền Nam nằm sát bên bờ dòng sông Vàm Cỏ. Đây là một vùng quê với ruộng đồng sông nước mênh mông, một năm với hai mùa mưa nắng. Mùa nắng hay mùa khô, thường vắng những trận mưa, bắt đầu với cái thời tiết mát mẻ khoảng trước Tết cho đến cái khô nóng của tháng sáu tháng bảy. Trong mùa khô, gió từ biển thổi qua trên mặt đất, cây cỏ và các dòng sông; những cơn gió tạo cơ hội cho nước mặn từ biển tràn vào. Mùa mưa hàng năm theo ngay sau đó. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng bảy âm lịch. Những ngày không mưa thì vẫn là cái nóng bức nhưng nếu đã mưa thì lại mát mẻ, ngọt ngào mang đầy sự sống đến từng mảnh vườn thửa ruộng. Trong những tháng nầy nước sông chậm rải chuyển từ mặn thành ngọt hơn; và là dấu hiệu của mùa trồng lúa bận rộn thật sự bắt đầu.

Quê tôi ở miền Nam được coi là vùng đất rất mộc mạc, hơi khô khan, có nhiều phần không thể so với miền Tây trù phú, nhiều mộng mơ bên bờ hai sông Tiền, sông Hậu.

Dù vậy, tôi lúc nào cũng yêu thương quê mình vô cùng. Tại vùng quê đó, tôi đã trải qua đủ đầy hương vị của những tháng năm tuổi thơ, ngay từ cái thời chưa tới 10 tuổi. Đó là những năm 1956, 1957, 1958, .... Từ nơi đó, lúc nào tôi cũng gần gũi với thiên nhiên, mà điển hình là với ruộng đồng, các dòng sông cùng nhiều ngọn rạch. Các sông rạch mà ngay từ cái thuở thơ ngây đó, tôi và rất nhiều bạn bè cùng lứa như từ lúc nào đã hòa nhập vào chúng một cách tự nhiên. Chẳng hạn như bất chợt trong một tháng năm nào đó bọn tôi bổng biết ra rằng mình đã tự nhiên biết bơi lội, lặn hụp trong lúc lớn lên; chưa nghe có đứa nào phải cần chuồn chuồn cắn rún mới biết bơi; mặc dù còn quá xa để đúng phương pháp. Mỗi ngày đi học chúng tôi đều phải bước qua 2 cây cầu lớn và vài cây cầu nhỏ trên đoạn đường đất khoảng 4 cây số. Đoạn đường nầy mùa mưa thì trơn trợt như có thoa mở, đi lại vất vả khỏi nói. Nhưng mùa nắng thì rất tốt hơn. Khoảng giửa đường, đầu cầu Ông Du trước khi về đến nhà là nơi cho một đám nhóc tụi tôi tụ tập bày trò. Nơi đó chúng tôi đã bơi lội, đánh đáo bắn bi, sau khi lội bộ hơn 2 cây số, sau giờ tan trường. Nhiều khi còn mê chơi cho đến khi có người lớn xách roi đi tìm mới chịu tan hàng. Không biết từ lúc nào các dòng sông nầy như đã trở thành máu huyết của từng đứa. Trong những tháng năm đó tuổi thơ của tụi tôi chỉ là hình ảnh của những lần bắt cua, bắt còng, câu cá; là những lúc đánh đáo bắn bi. Tuổi thơ của tụi tôi còn là việc chèo ghe, bơi xuồng và leo cây, hái trái. Tôi sẽ không bao giờ quên được những mảnh ruộng, nhánh sông, khóm cây mà tôi đã đi qua trong các dịp rong chơi trong những năm tháng êm đềm.

Quê tôi được kể là nghèo nhưng chưa bao giờ đói. Giống như phần lớn nhiều gia đình khác, mọi sinh hoạt đời sống của từng gia đình được hình thành một cách tự nhiên cho thích nghi với cái thiên nhiên hai mùa mưa nắng. Phần lớn mọi gia đình thường theo nghề chính lâu đời là làm ruộng nhưng cũng cố gắng sắp xếp để cho người đàn ông chủ gia đình có thêm nghề nữa xa nhà như lên Saigon chạy xích lô hoặc làm phu khuân vác tại các bến sông Bình Đông, Chợ Lớn. Gia đình tôi cũng vậy, nhưng ba tôi chọn nghề đi ghe buôn như một số họ hàng thân thích. Phần đám nhóc nhỏ tụi tôi cũng không có ngoại lệ. Theo tháng năm, tụi tôi càng lúc càng phải giúp đở gia đình nhiều hơn. Ngoài chuyện tới trường chăm chỉ học hành, khi cần thiết đều phải phụ giúp gia đình. Như trường hợp tôi, bắt đầu mùa mưa thì lo phụ giúp má tôi trong công việc ruộng nương. Những việc như cuốc đất, gieo mạ, lo xong mùa cấy, đến cắt cỏ. Khi mùa mưa đã đến hoàn toàn, sau màn cắt cỏ, sẽ qua gia đoạn bón phân; rồi lúa bắt đầu trổ đòng đòng, việc trồng lúa coi như xong. Chỉ chờ lúa chín là bắt đầu mùa gặt vào cuối năm. Nói chung, đối với người lớn mùa mưa là cơ hội của ấm no nhưng tụi nhỏ tôi lại là hình ảnh tiêu biểu của nhiều điều cơ cực. Do vậy tụi tôi thích mùa hè nhiều hơn. Vừa không phải đi học, lại nhàn rổi và có nhiều dịp vui chơi. Khi bắt đầu lớn hơn một chút, điều mà tôi thích nhất là trong 3 tháng hè mỗi năm tôi theo ba tôi đi ghe, có dịp dong ruổi qua nhiều vùng sông nước.

Tôi thường theo ba tôi trong hai, ba tháng hè đi ghe buôn trên các sông rạch miền Nam. Tùy theo diễn biến trong nhu cầu mua bán, sự sắp xếp mỗi năm có thể khác nhau.

Nếu là cần mua bán đồ gốm lu khạp thì lộ trình sẽ là từ quê nhà tới Lái Thiêu Bình Dương qua ngã sông Sài gòn. Bận trở lại sẽ theo sông Cầu Rạch Ông, sông Cần Giuộc, Kinh Nước Mặn, sông Vàm Cỏ, Kinh Chợ Gạo, ra vàm Kỳ Hôn. Từ vàm Kỳ Hôn nếu hướng về thượng nguồn Tiền Giang sẽ qua tỉnh lỵ Mỹ Tho, đi ngang Bình Đức, Kinh Xáng, lên Gạch Gầm, tới chợ Lách đến tận Sa Đéc, Hồng Ngự, Tân Châu. Hoặc theo hạ nguồn ra hướng biển, sẽ xuống Giao Hòa; băng ngang qua sông Ba Lai để đến tỉnh lỵ Bến Tre qua sông Hàm Luông. Trên sông Hàm Luông, nếu ra gần cửa thì tới Ba Tri hoặc đi vào trong thì cuối cùng cũng lại đến chợ Lách.

Nếu cần cát gạch cho xây cất thì phải đến sông Đồng Nai qua Cát Lái, tới Biên Hòa chở về dạo bán cũng tại Miền Tây. Cũng có nhiều khi phải tới Long Điền, Bà Rịa chuyên chở muối về cho các hảng làm nước mắm cũng lại quanh quẩn Mỹ Tho, Bến Tre, hoặc Châu Đốc.

Do vậy không biết từ lúc nào sau năm 10 tuổi tôi đã thành thuộc nằm lòng các vùng Bình Dương, Biên Hòa, Bà Rịa, Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc, Cao Lảnh, Tân Châu, Hồng Ngự. 

Thật ra với tôi, cuộc sống sông hồ có quá nhiều điều hấp dẫn. Nó có một chút gì mong manh, bấp bênh, lè phè; nhưng lại mang nhiều nét tùy hứng, không có nhiều gò bó.

Chiếc ghe của gia đình tôi dĩ nhiên chỉ là một loại ghe bầu Cần Đước. Ba tôi đã dành dụm một thời gian dài, phải trải qua mấy năm được mùa mới có đủ vốn mua được chiếc ghe để thêm kế sinh nhai. Lúc đầu là chiếc ghe tương đối nhỏ. Nó có cái mủi đỏ nhọn cong; có cặp mắt với 2 màu trắng đen to, thật linh động mà mấy anh em tôi thường được ba tôi cho sơn phết lại trước các dịp cúng kiến dưới ghe. Ghe loại nhỏ nầy có 3 chèo; một chèo lái đàng sau bên trái, 2 chèo khác ở hai bên đàng mủi. Lúc bắt đầu vào nghề thì tôi thủ một trong hai vị trí chèo trước nầy. Ông anh tôi hoặc một người làm công giử vị trí còn lại. Như tất cả các ghe bầu Cần Đước, loại ghe chỉ chèo tay nầy có cái bánh lái không to, không cao; và hai loại tay lái, một ngắn một dài. Khi vận chuyển, ba tôi thường chèo phía sau đồng thời trách nhiệm luôn tay lái; bằng cách kẹp cái tay lái ngắn dưới háng khoảng giửa 2 chân lấy thế để đẩy tay lái qua phải, qua trái. Nguyên tắc dễ dàng, là đẩy tay lái qua phải thì mủi ghe sẽ hướng qua bên trái; và ngược lại. Những năm trước 1960, khi phương tiện máy móc còn chưa được biết tới, hầu hết các ghe đều phải xử dụng thêm buồm. Ghe bầu Cần Đước dùng buồm chỉ một cánh. Cột buồm, cách làm buồm; cách kéo buồm, điều khiển buồm đều theo phương pháp đơn giản từ thời ông bà truyền lại. Khi chạy buồm người cầm lái có thể dùng tay lái dài, ngồi trên một cái ghế hoặc đứng ngay trên mui ghe để được thoải mái hơn. Sau mấy năm theo ba tôi, dần dà tôi cũng quen thuộc, am hiểu thật nhiều về loại ghe bầu Cần Đước. Dĩ nhiên khi tập tành mọi chuyện phải đi từ dễ đến khó. Tôi bắt đầu từ mái chèo, tập lái, rồi qua tới xài buồm. Buồm mang đến nhiều thích thú. Nhưng đáng tiếc nó là loại giản dị chỉ có một buồm.


Từ những năm sau 1960, ghe tàu có phần tân tiến hơn. Cũng như phần lớn nhiều gia đình, ba tôi giờ có thể đổi thành chiếc ghe khác lớn hơn. Đồng thời cũng tậu thêm một chiếc ghe máy nhỏ thường được gọi là ghe ủi để thay thế cánh buồm và các mái chèo với sức người. Dân quê không biết từ đâu cũng nghĩ và tạo được loại ghe ủi như vậy. Gọi là máy ủi nhưng thật ra nó đang làm công việc như của một cái tugboat loại nhỏ, cũng kéo cũng đẩy tùy lúc, đơn giản nhưng không kém phần tiện lợi. Loại ghe lớn hơn nầy có bánh lái cao to, tay lái dài.

(Xem hình với chiếc ghe bầu Cần Đước đang chở đầy hàng có bánh lái cao to, tay lái dài. Cái máy ủi phía sau, có mui nhỏ chổ phòng lái trang bị vô lăng và chổ ngồi cho người lái)

Đó là một chút để có khái niệm về loại ghe bầu Cần Đước.

Ở giai đoạn sơ khai máy móc chưa được phổ biến, để đi từ Cầu Rạch Ông, Sài gòn đến Mỹ Tho (hoặc ngược lại từ Mỹ Tho về Sài gòn), người ta còn nghĩ ra cách tập họp thành một đội ngũ gồm đủ loại ghe lớn nhỏ, rồi dùng 1 chiếc tàu kéo chừng vài trăm mã lực. Hãy hình dung một hoạt cảnh vui vẻ trong đó một chiếc tàu dòng kéo một đoàn ghe từ 7, 8 chục nhiều khi đến cả trăm chiếc lớn nhỏ. Đoàn tàu ghe nầy di chuyển chậm chạp theo chiều nước ròng (nước xuống) từ Cầu Rạch Ông, qua Cần Giuộc; dừng lại tại một đầu của Kinh Nước Mặn chờ nước lớn (nước lên) mới tà tà đi theo sông Vàm Cỏ, qua Kinh Chợ Gạo, Bình Phục Nhứt, tới vàm Kỳ Hôn. Rồi cuối cùng giải tán tại Mỹ Tho ngang cù lao Rồng. Kiểu cách nầy tuy chậm chạp nhưng nói lên cái phong thái vô cùng lè phè, nhàn nhã của đời sống sông rạch miền Nam. Tùy theo điều kiện của dòng nước trên lộ trình, nhiều khi phải mất cả vài ngày mới đi được từ Sài gòn tới Mỹ Tho. Điều tốt là bà con trên mấy cái ghe không phải làm gì. Có thể tụ lại thành nhóm chè chén, hát hò, đánh cờ tướng, ca vọng cổ ...


Kế tiếp, những năm khi việc dùng máy móc được bắt đầu phổ biến thì những người quen biết cũng có thể tụ tập lại 2, 3 chiếc ghe rồi dùng một máy ủi. Chỉ cần một người thay phiên lái. Cũng là để có dịp gặp gở vui chơi thoải mái. (Xem hình bên)

Theo tôi, dù là di chuyển ở miền Nam bằng loại ghe nào, phương cách nào, cảnh vật ghi nhận được ở hai bên bờ đều là điều khó mà kiếm được ở bất cứ nơi đâu. Hai bên bờ các dòng sông thường có rất nhiều loại cây mọc lên do thiên nhiên; nhiều nhất là dừa nước, cây đước, cây bần. .... Những đám cây nầy lúc nào cũng mang đến cái vẻ xanh tươi mát mẻ của đất trời.


Dừa nước & trái dừa nước



Cây bần, cây mắm 


Cây bần, bông và trái

Ban đêm nếu bất chợt muốn dừng lại tại một khúc sông nào đó, các ghe thường thả neo gần một bên bờ hay giản dị hơn là cứ buộc vào một nhánh bần nhánh mắm đang đưa ra sông. Trong những đêm như vậy mọi người sẽ có dịp để biết cái gì là lập lòe đom đóm. Hồi nhỏ tôi đã từng có lần tò mò rón rén tới đứng sát cạnh các nhánh mắm nhánh bần để được tận mắt nhìn từng con, từng nhóm đom đóm. Lúc đó tôi khám phá ra rằng bọn chúng lập lòe, chớp tắt nhưng theo một nhịp độ hẳn hoi. Tôi cũng tìm ra là thỉnh thoảng nếu có một con có lẽ là trật nhịp, chính nó sẽ phải bay đi nơi khác. Bây giờ khi nhớ tới điều đó tôi lại không biết có đúng hay không.

Còn ban ngày trong cái không gian êm ả thì tôi lại hay chú tâm tới tiếng kêu của con bìm bịp. Bìm bịp là một loại chim ngày xưa tôi từng nghe đề cập tới nhưng chưa bao giờ có dịp nhìn tận mắt. Nhưng tiếng kêu của nó là báo hiệu nước lớn (nước lên). Thông thường tiếng kêu thường bắt đầu âm thanh khô khốc rất nhanh như: cộc, cộc, cộc , ...; rồi liền tiếp theo: bịp, .., bịp, .., bịp, ...Thời xưa khi đang canh nước lớn nước ròng (lên xuống), tiếng báo hiệu của nó được coi là khá chính xác và đáng tin cậy. Như đang nằm ngủ trưa chờ nước lớn bỗng nghe tiếng của chim bìm bịp là phải giật mình bật dậy; dù có mệt te tua cũng phải chuẩn bị lên đường cho kịp con nước. Hãy nghe câu than thở:

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê

Hai câu ca dao nói lên sự uể oải, lười biếng, ... nhưng vẫn có một chút gì đó vợ đang âu yếm an ủi chồng.

Nếu đã nói về con bìm bịp, không thể không nhắc tới lục bình. Trên sông rạch miền Nam, lục bình có mặt tại thật nhiều nơi. Tuy nhiên tôi không quan tâm mấy đến loại lục bình trong các hồ ao, trong các nơi nước đọng dơ bẩn thành phố. Tôi chỉ muốn nói đến loại lục bình hững hờ, theo nước ròng trôi ra, nước lớn trôi vô trên các mặt sông. Lục bình là biểu tượng cho những gì lè phè và lập đi lập lại.

Nhớ hoài lúc nhỏ bọn anh em tôi thường hay bị mắng, tụi mày "ăn như xáng xúc, làm như lục bình trôi".


Lục bình trôi

Ngoài ra tại các địa điểm ghe xuồng như Cầu Ông Lảnh, Cầu Rạch Ông, Kinh Nước Mặn, hay ngay mặt tiền tỉnh lỵ Mỹ Tho, còn có các loại ghe vàm bán đủ loại cần dùng như trái cây, gạo củi, thịt cá, ... thậm chí rượu đế. Về đêm thì có cả chè, cháo lòng, cháo huyết, ... . Cứ tưởng tượng một buổi tối trên mặt sông phía trước tỉnh lỵ Mỹ Tho, phía giửa sông là cù lao Rồng, có vài chiếc ghe vàm mang theo ánh đèn leo lét. Có tiếng rao chè, cháo; hoặc một vài câu hò của cô gái nào đó đang khuấy nhẹ mái chèo. Hò rằng:

"... Hò ơ, ...
Đèn Sài gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chử nhu
Chín trăng em cũng đợi, ... mà mười thu em cũng chờ ...."

Những năm xưa tôi chỉ thấy câu hò hay hay. Bây giờ nhớ tới mấy câu hò, tôi lại hiểu khác.
Lời hò có lẽ có ý nhắn nhủ một chàng trai miền Nam lang bạt sông hồ nào đó. Dù nơi phát ra vọng hò là Sài gòn hay Mỹ Tho, nó đều có ý nhắn rằng chỉ cần anh chàng bớt nhậu nhẹt đàn đúm một chút (chịu khó học lấy chử nhu, nhu mì, nhu nhược một chút; bớt "cương", bớt "nổ") thì cô nàng có thể chờ đợi bao lâu cũng được. Thiết tha hết chổ nói.
..... ..... .....
Trong lòng tôi, sông rạch miền Nam là như thế đấy. Những điều lạ, điều hay ho có nhiều vô kể. Thương nhớ quá đi thôi.



Sau hai năm rời quê lên Sài gòn, việc học hành của một học trò nghèo như tôi càng lúc càng trở nên mờ mịt trong một đất nước chiến tranh. Chọn lựa bước vào Hải quân của tôi lúc đó là một quyết định khá dễ dàng. Không gì rỏ ràng hơn, sông rạch lúc nào cũng là điều gần gủi với tôi nhất. Hồi đó chỉ nghĩ hải quân giản dị là cái gì liên quan đến sông rạch.

Sau thời gian phục vụ dưới HQ401 thuộc Hạm đội, khoảng sau tháng 3 năm 1973 khi vừa thăng cấp Trung Úy tôi nhận được lệnh thuyên chuyển về Giang đoàn 27XP. Khi cầm lệnh thuyên chuyển trong tay, tôi không biết gì hơn là GĐ27XP có căn cứ tại Nhà Bè. Thời gian nầy Dung cô bạn cùng học chung hồi nhỏ giờ đã tốt nghiệp trường ĐHSP Sài gon, chọn nhiệm sở là Trung Học Đệ Nhị Cấp Gò Công, mỗi cuối tuần đều về và có mặt tại nhà ông già ở Sài gòn.Chỉ cần biết được thuyên chuyển về Nhà Bè cũng đã đủ để hoạch định một tương lai với biết bao điều mơ ước. Khi trình diện đơn vị rồi tôi mới biết rỏ hơn. Giang đoàn có căn cứ ngay tại Nhà Bè chung với GĐ22XP và Bộ Chỉ Huy Đặc Khu Rừng Sát. Căn cứ chung nầy nằm ngay ở đầu cuối của con đường nối dài cầu Trình Minh Thế, Khánh Hội với Nhà Bè, sát bên Đặc Khu Rừng Sát và căn cứ Hải quân Nhà Bè.

Nào có ngờ đâu có một ngày tôi được phục vụ tại một nơi thường được nhắc nhở qua hai câu hò như dưới đây:

"Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về ..."

Căn cứ giang đoàn nằm ngay trên bờ tại ngã ba sông. Từ Sài gòn đi ra, tại đây chia làm hai nhánh; một thành sông Lòng Tàu ra biển bên trái của quận Cần Giờ; nhánh còn lại cạn hơn thành sông Soài Rạp cũng ra biển nhưng bên phải quận Cần Giờ. Đây là hai thủy lộ huyết mạch nối liền biển và Sài gòn. Quan trọng nhất là sông Lòng Tàu, do đủ độ sâu dành cho phần lớn loại tàu bè, cả tàu chiến lẫn tàu buôn. Theo sông Soài Rạp lại có thể về miền Tây qua 2 ngỏ: qua cửa Tiểu, cửa Đại, hoặc Kinh Chợ Gạo.

Đặc Khu Rừng Sát trên phương diện hành chánh thuộc tỉnh Gia Định nhưng lại trực thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân trên phương diện quân sự và an ninh. Đặc Khu Rừng Sát(ĐKRS) chịu trách nhiệm hai quận Quảng Xuyên và Cần Giờ; đặt dưới quyền một CHT cấp Đại Tá. Lúc tôi mới về là ĐT Nguyễn Quốc Thanh, sau tới ĐT Đỗ Quý Hợp (K2), sau cùng là ĐT Cổ Tấn Tinh Châu (gốc TQLC). Đặc biệt khoảng năm 1974, Trung Tá Nghĩa (K13) cháu ruột Tông Tông Thiệu rời chức vụ liên đoàn trưởng LĐTT về làm Quận Trưởng quận Quảng Xuyên.

Tôi về GĐ27XP dưới thời CHT Kiệt (K11) trong vài tháng cuối nhiệm kỳ của ông; sau khi ông và một số sĩ quan thân cận bị dính dấp tới một vụ làm ăn nào đó, đang lận đận chờ thuyên chuyển đến đơn vị khác. Tôi phục vụ GĐ27XP cho tận tới ngày mất nước dưới 3 đời CHT và 2 đời CHP. Ba CHT là: CHT Kiệt (K11), CHT Hiền (K12), và cuối cùng là CHT Long (K16). Hai CHP là CHP Thái (K18) và CHP Hà (K18). Theo thứ tự, CHT Hiền về thay CHT Kiệt; kế đó CHP Hà thay CHP Thái; và sau cùng là CHT Long về thay CHT Hiền. Tôi đang phục vụ đơn vị dưới thời CHT Long và CHP Hà thì tan hàng.

Ngày đầu tiên tiểu lễ trình diện CHT Kiệt. Sau thủ tục chào kính thường lệ, câu nói đầu tiên của ông làm tôi cảm thấy thấy ái náy bâng khuâng. Với vẻ lơ đảng không một chút chú tâm, nhưng ông lại nói:

- Vậy ra là anh thuộc khóa 21 Nha Trang. Nói cho anh nghe, vì một vài lý do đặc biệt tôi có bỏ chút thì giờ tìm hiểu mới nghe ở đâu đó nhiều chuyện không tốt về sự quậy phá của các anh ngay cả lúc còn ở quân trường, ...

Ngẩm nghĩ một lúc ông nói tiếp:

- Lúc đầu tôi còn không để ý. Nhưng bây giờ thì tôi đã rỏ ràng rồi. Giang đoàn tới lúc nầy đã có 3 sĩ quan khóa 21, trước là Thiếu Úy nay đã lên Trung Úy. Trung Úy Tồn thì còn tạm được, nhưng 2 Trung Úy Khiết và Hồng thì hết biết. Rồi đây anh sẽ hiểu tôi muốn nói gì ... Nói cho cùng thì tôi thấy khóa các 21 Nha Trang các anh quậy và ba gai quá.

Sau cùng ông cũng đưa ra phán quyết ngắn gọn:

- Được rồi. Dù sao anh cũng vừa mới tân đáo, tôi sẽ giao CHP Thái để ông ấy sắp xếp cho anh ...

Sau đó tôi gặp CHP Thái (K18) thì được biết:

- Hai tay Hồng, Khiết khóa các anh quậy thầy chạy nên từ lâu rồi CHT cho ở dưới vùng mút chỉ cà tha. CHT chỉ thị cho tôi là sẽ cũng tạm trước hết đưa anh ra vùng làm Sĩ quan Trưởng Toán Giang Đỉnh (SQTT/GĐ) rồi từ từ tính sau.

Thế là xong việc trình diện tân đáo đơn vị. Và cứ như thế mà tôi được chỉ định làm SQTT trực chỉ xuống vùng.Không lâu sau CHT Kiệt được thuyên chuyển đi đơn vị khác; CHT Hiền về. Tuy nói chỉ là chức vụ SQTT/GĐ trong lúc tạm thời, mọi chuyện sau đó đi vào lảng quên, êm đềm tiếp tục giống như vậy và chỉ sau vài chuyến công tác là tôi đã toàn thích nghi vào đơn vị mới.

Cuối cùng rồi tôi cũng thấy không thắc mắc nhiều để phải tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với 2 người bạn cùng khóa; không cần biết vì sao mà CHT Kiệt và CHP Thái lại "ca ngợi" nhiều như vậy. Gì chớ cái chuyện chịu khổ vì K21 nầy tôi đã từng rất quen thuộc từ cái thuở còn ở trong quân trường. Thắc mắc chi cho mệt. Chỉ là thỉnh thoảng, khi có dịp lai rai với đám giang đỉnh thì nghe được: ".... ông thầy với thầy Tồn thì hiền.... chớ hai ông thầy Khiết và Hồng thì khỏi nói, ... giang đỉnh 2 ông mà cặp vào cầu tàu, mấy ông sĩ quan căn cứ phải lo cuốn gói, tìm cách lặn đi chổ khác, ...2 ông thầy Khiết Hồng chịu chơi lắm, ..." . 

Lúc tôi về GĐ, Tồn đã rời giang đỉnh, lên bờ đảm nhận vai trò sĩ quan Nội Vụ. Hồng từ lâu ngoài SQGĐ lại kiêm nhiệm thêm chức vụ thuyền trưởng Soái đỉnh commandement HQ6007. Sau đó không lâu, không biết sao tôi cũng được "đặc cách" làm thêm TT chiếc Tiền Phong Đỉnh HQ6514, kém thâm niên thuyền trưởng hơn Hồng một chút. Như vậy tại thời điểm đó, có 2 TrUy/K21 trong khi làm SQTT giang đỉnh, còn nhận lảnh thêm một chức vụ khác là thuyền trưởng 2 chiếc giang đỉnh có cấp số là Thượng Sĩ I, !!!.

Không lâu sau Khiết và Hồng được thuyên chuyển về hạm đội. Ai trước ai sau, tôi không nhớ.



Soái Đỉnh (Commandement). 
TT Hồng đã làm Thuyền Trưởng chiếc mang số HQ 6007 
giống như chiếc giang đỉnh nầy.



Tiền PhongĐỉnh (Monitor).
Tôi làm TT chiếc Tiền PhongĐỉnh (Monitor) 
mang số HQ6514 giống như chiếc giang đỉnh nầy. 

Nhiệm vụ của giang đoàn xung phong là tuần tiểu và yểm trợ các đơn vị bộ binh 2 bên bờ Lòng Tàu và Soài Rạp. Công việc thường ngày là rải quân đóng chốt dọc 2 bên sông Lòng Tàu và Soài Rạp; phần lớn chính là bên sông Lòng Tàu. Tiểu Đoàn ĐPQ 359 Đặc Khu Rừng Sát của Thiếu Tá Kham có 4 đại đội ĐPQ 1, 2, 3, 4 địa bàn hoạt động từ Phước Khánh (phía bên kia của căn cứ hải quân Nhà Bè) đến Cần Giờ bằng Lòng Tàu; bên sông Soài Rạp thì rất ít có vụ đổ quân đóng chốt; chỉ thỉnh thoảng đi theo hộ tống tàu bè từ Nhà Bè về Bến Lức, Tân An, hoặc Kinh Chợ Gạo. Loại công tác hộ tống thường được chấm dứt và bàn giao tại đồn Rạch Cát. Tuy nhiên, cũng có đôi khi tôi theo đoàn hộ tống đến tận Bến Lức.

Nói cho cùng thì sau mấy năm phục vụ với cái môi trường mẫu mực hơn ở hạm đội, tôi lại thấy mình rất dễ thích nghi hơn với đời sống giang đỉnh. Cuộc sống giang đỉnh khá nhàn rổi và ít bị câu thúc. Một lần nhận lệnh công tác xuống vùng thì ít nhất là từ 1 tuần cho tới cả tháng. Trong thời gian công tác, khi cần các giang đỉnh có thể thay phiên về căn cứ để lo vấn đề tiếp liệu hoặc lương bổng. SQTT theo nguyên tắc lúc nào cũng phải hiện diện tại vùng. Dĩ nhiên nếu muốn dù về Saigon chơi nửa hoặc cả ngày thì vẫn có thể sắp xếp đi theo các giang đỉnh nầy.


(Một số ghi chú trong sơ đồ chỉ liên quan đến các tiểu đoạn sau)

Sau khi xuống vùng không lâu, tôi chợt khám phá ra mình không xa lạ bao nhiêu đối với nhiều nơi của Đặc Khu Rừng Sát. Thì ra nhiều năm về trước tôi đã từng theo ba tôi qua lại một số nơi của vùng nầy. Những địa danh như Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp (An Thịt), sông Vàm Sát, từng khúc sông, hàng đáy, những đám đước, ... với tôi thật ra vô cùng quen thuộc.

Từ Nhà Bè theo sông Soài Rạp sẽ gặp quận lỵ Quảng Xuyên bên trái. Ra thêm một đoạn nữa, sông Soài Rạp sẽ là ranh giới của ĐKRS và tỉnh Long An. Bắt đầu từ đó bên phải sông là tỉnh Long An. Công tác giử an ninh cho lộ trình nầy tương đối nhẹ nhàng.

Theo sông Lòng Tàu, từ ngã ba Nhà Bè ra tới Ngã Ba Đồng Tranh thì bên trái sông thuộc tỉnh Biên Hòa. Từ Ngã Ba Đồng Tranh, nếu tiếp tục theo sông Lòng Tàu ra biển thì lộ trình sẽ xuyên qua giửa ĐKRS. Nếu rẽ qua sông Đồng Tranh thì sông Đồng Tranh trở thành ranh giới của 2 tỉnh Biên Hòa, Phước Tuy với ĐKRS. VC đặt áp lực trên phần lảnh thổ nầy nhiều hơn. Nơi giáp ranh của ĐKRS và 2 tỉnh Biên Hòa, Phước Tuy là địa bàn hoạt động của Đoàn 10 Đặc Công VC. Một khi tìm được sơ hở trong vấn đề phòng thủ, Đoàn 10 có thể với tay tới kho đạn Thành Tuy Hạ, CC/Cát Lái, hoặc các tàu thuyền đi lại trên sông Lòng Tàu.

Ngoài thời gian rải quân đóng chốt buổi sáng và bốc quân buổi chiều, phần lớn thời gian là thảnh thơi, tổ chức lai rai trên các giang đỉnh không phải là không có thể. Cá, tôm, bia, nước đá nhiều khi được biếu tặng từ các ghé đánh cá. Sò, ốc len, cua lột, chim chép, rượu đế, ... có thể tìm mua từ các ghe địa phương hoặc trong các vựa tại địa phương như Tam Thôn Hiệp hoặc Tân Thạnh. Thỉnh thoảng lính ĐPQ săn được heo rừng, kỳ đà trong khi vào bìa rừng đóng chốt cũng có thể đem biếu tặng. Nhiều khi còn được sự mời mọc của các sĩ quan ĐĐT của TĐ/359ĐPQ.

Cứ vài ba tháng ĐKRS lại tổ chức hành quân. Tham dự dĩ nhiên gồm có TĐ359/ĐPQ của TT Kham, GĐ22XP, 27XP, 57TT, toán Hải Kích của Cảnh Nhái (K20). Thông thường trước giờ xuất quân các LCM6 đã bốc quân tại các ĐĐ1, 2, 3, 4 /TĐ359. CHT hoặc CHP thường có mặt trên chiếc 6007 của Hồng. Sau khi Hồng rời đi, chức vụ thuyền trưởng được giao cho người khác. Tôi thì trách nhiệm chiếc 6514 cho gần tới ngày cuối. Nhiều khi tôi được tăng phái thêm 1 sĩ quan đàn em như Nghiệp hoặc Ngà (cùng K24). Những dịp có đàn em K24 như vậy tôi thích chui vào thủ khẩu 40 ly Bofors, để đàn em nghe máy và nhận lệnh từ bộ chỉ huy hành quân. Muốn ngồi bên trong khẩu 40 ly,tôi đùa với đám nhân viên là vì ấm hơn đở lạnh cẳng. Tùy theo sắp xếp, chiếc 6514, RPC, FOM, cũng có thể mang theo một tiểu đội trinh sát ĐPQ. Theo đội hình thì toán Hải Kích của Cảnh Nhái sẽ vào trước trấn ở một phía nào đó. Chiếc 6514 của tôi sẽ vào tham gia dọn bãi bằng khẩu 40 ly, súng cối 81, hoặc MK19. Mọi chuyện đều êm đẹp là lúc các LCM6 sẽ bắt đầu ủi bãi đổ quân. 

Tôi vẫn còn nhớ rất nhiều điều.

Trong các vũ khí trên chiếc 6514, tôi thích nhất là tự mình dùng khẩu 40 ly. Nó rất nhanh khi xử dụng liên thanh. Nhưng tôi lại thích nhịp từng phát hơn. Bắn từng phát chính xác, dễ điều chỉnh theo mục tiêu trên bờ, dễ tiếp đạn và nhất là đở bị kẹt đạn. Khi trực xạ dọn bãi bằng khẩu 40 ly tôi có thể thấy cây rừng bị cắt đứt, ngã rạp trên mặt đất, một cách rất hữu hiệu. Tôi không thích ụ súng cối 81 ở hầm chính giửa tàu; có một lần TS/TP Hòa bỏ trái đạn vô nòng, nó tọt xuống rồi im re; báo hại Hòa phải gở rời cái ống phóng, khéo léo nghiêng trút trái đạn ra, cầm lấy, rồi thả nhẹ xuống sông. Tôi cũng không thích đụng tới khẩu MK19 ở trên sàn chính của tàu, đầy bất trắc. Một lần tôi thấy cũng TS Hòa hướng cây MK19 lên bờ để khai hỏa dọn bãi. Sau khi nhấn một cái, liền có hàng loạt bum bùm bum phía trong bìa rừng. Rồi tự nhiên lại có một đầu đạn nổi hứng không chịu bay ra xa hướng vô mục tiêu, mà lại hạ cánh xuống sàn tàu sát gần chân của xạ thủ. Tôi cũng ớn cái hầm đầu đạn 81 ở giửa tàu. Các giang đỉnh GĐ XP không có giàn chống B40. Thử nghĩ nếu một trái B40 dính vào hầm đạn 81 thì lên bàn thờ sớm.

Tôi còn nhớ mấy lần không êm đẹp khi đổ quân. Một lần vào ban ngày, buổi sáng, tại Tắc Ông Kèo, gần Ngã Ba Đồng Tranh. Chỉ là vào lúc dọn bãi, VC lại phản pháo ngay bằng B40 xen lẩn thượng liên. Chiếc 6514 của tôi đang ở ngay vị trí đầu và đang khai hỏa. Lúc đó TS/VC Bé đang ở tay lái, tôi đang ngồi trên ghế bên phải của TS/VC Bé, sát bên tôi là khẩu đại liên 30. Khó mà tưởng tượng, khó mà tin là từ chổ ngồi đó tôi lại có thể nhìn thấy bóng đen, mặc dù rất mờ, của mấy trái B40 bay sát hông tàu. Lúc đầu tôi không nghĩ cái bóng là của B40. Một vài trái B40 sau khi chạm nước còn nhảy lên như cá giởn mặt sông. Không có trái B40 nào trúng chiếc 6514 của tôi. Nhưng lại có trái trúng ngay hầm máy, phía dưới ghế ngồi lái của chiếc FOM đang chạy sát bên hông chiếc 6514. Lần đó Th/U Nguyên (K24) của 22XP bị thương, phỏng nặng, nhưng không chết. Sau đó Nguyên được đưa lên chiếc monitor của tôi, và PBR của 57TT chuyển lên bờ, sau cùng được trực thăng đưa đi.

Một lần hành quân khác, theo kế hoạch đội hình bắt đầu từ xã Tam Thôn Hiệp theo một nhánh sông nhỏ, dự định xuất kỳ bất ý xông ra, tiến thẳng qua bờ bên kia của sông Đồng Tranh. Theo lệnh hành quân, việc làm ăn bắt đầu lúc 4, 5 giờ sáng sớm. Nhưng có lẽ vì ghi nhận sai giờ giấc thủy triều một chút,nên mặc dù một số LCM6 đã hoàn thành nhiệm vụ, vài chiếc khác hơi chậm chạp chưa ra khỏi đầu ngọn sông nhỏ. Ai cũng biết thủy triều vùng nầy lên xuống rất nhanh. Cựa quậy một chút thì trời cũng đã sáng, các con cá chưa kịp đổ quân nầy bắt đầu nằm phơi bụng luôn trên bãi sình. Báo hại toán ĐPQ phải rời giang đỉnh, bò lên bìa rừng làm công tác phòng thủ. Hôm đó chắc VC ăn chay, chỉ tặng vài quả súng cối vô mấy chiếc đang mắc cạn rồi thôi, không gây thiệt hại gì đáng kể.

Một lần khác trên sông Thị Vải, phía tỉnh Phước Tuy. Lúc chuẩn bị đổ quân là khoảng 2 hoặc 3 giờ sáng. Dọn bãi xong, chiếc 6514 của tôi đang nằm yểm trợ giửa dòng, mấy LCM6 bắt đầu ủi vào. Tức khắc ngay lúc ấy, B40 đồng loạt rộ lên sát gần bãi ủi. Từ giửa sông tôi bổng như thấy đầy trời pháo bông. Quá may. Nếu có trái B40 nào bắn xuyên được qua cửa đổ bộ của các LCM6 đang chở đầy quân thì cả đám lảnh đủ. Tuy nhiên vẫn không phải hoàn toàn may mắn, một trái đã đi dọc theo sát hông một chiếc LCM6 mang theo xuống sông một HSQ/GĐ22XP. Anh HSQ đã mất đi và vì quá sâu trong vùng hoạt động của Đoàn 10 VC, sau đó không kiếm được xác.

Rất có thể, Hùng Sùi (K21) cũng có mặt trong các cuộc hành quân nầy.

Còn có một chuyện nữa, không dính gì tới vấn đề hành quân, đánh đấm. Nhưng lại có chi tiết liên quan nhiều đến chuyện của vợ chồng tôi và đồng thời có thể có ảnh hưởng đến sự nghiệp của CHT Hiền. Lúc đó và vào giửa tháng 7 năm 1974. Hôm đó tôi rời vùng sau mấy tuần công tác. Hôm đó trở về đơn vị trong tư thế sẵn sàng để nhận lảnh một nhiệm vụ khác ngàn lần trọng đại hơn. Tôi về đi phép lấy vợ. Giấy nghỉ phép 3 tuần đã được sếp lớn phê chuẩn từ trước. Một vài sĩ quan giang đỉnh cũng bày đặt theo về, lấy lý do là để đưa tiển. Tất cả cùng quá giang về trên một chiếc LCM6. Về đến bến. Tại phía thượng dòng của cầu tàu, chiếc LCM6 đưa đít cặp và buộc vào đầu ngoài nhất của cái ponton. Sau khi tôi ghé vào doanh trại làm một số thủ tục cần thiết, cả đám giang đỉnh gồm sĩ quan và đoàn viên kéo ra một cái quán ngay gần trước cổng vào giang đoàn, bắt đầu lai rai. Phải uống tới bến vì đa số trong đám chiều nay đã phải quay lại vùng. Và nhất là chút nữa đây tôi lại bắt đầu có được 3 tuần phép quan trọng nhất trong đời. Không biết bao lâu sau, một thủy thủ trong căn cứ hớt hơ hớt hãi chạy ra cho biết:

"Mấy ông thầy ơi, chiếc LCM6 của mấy ông dùng về căn cứ đang sắp bị chìm .... "

Cứ như vậy cả đám phải tan hàng cùng chạy ùa vào cầu tàu. Khi vào đến đó tôi thấy CHT Hiền ngồi trên chiếc RPC7001 đang ở ngay phía trước ngã ba. Ngay trước mũi chiếc PRC không xa là chiếc LCM6, lúc đó chỉ còn thấy một chút chổ ngồi lái phía sau và một phần của cánh cửa đổ bộ phía trước. CHT có lẽ đang điều động mấy thằng em thủy thủ để cột một cái phao đánh dấu vị trí của chiếc tàu sắp chìm. Có như vậy thì việc trục vớt sẽ dễ dàng hơn sau nầy. Nhưng có thể việc xảy ra nhanh quá, cuối cùng việc nầy không thành và chiếc LCM6 từ từ biến mất dưới làn nước đục ngầu ngay mặt sông phía trước căn cứ Hải Quân Nhà Bè. Không biết ai đó trong đám sĩ quan giang đỉnh, Liêm (K20) hay Nghiệp, Ngà (K24) cũng có lẽ thấy không êm, quay qua tôi:

- Đã như thế nầy, đã cầm phép trong tay, hãy mau mau dông đi. Chuyện gì hãy tính sau.

Cứ thế mà tôi dọt tuốt.

Chiều ngày hôm sau, lúc tôi còn ở nhà Sài gòn, Nghiệp ghé qua rên rỉ:

- Ngày hôm qua, lúc tụi nó cặp cầu có lẽ tại cột dây ẩu quá. Mũi thượng dòng, đưa đít vô cầu, có lẽ cột dây căng không đều. Nước ròng hôm qua chảy xuống mạnh quá, tàu nghiêng một bên rồi bị kẹt, vô nước nhiều. Rốt cuộc đứt dây trôi đi. Quá xui là ngày hôm qua CHT không kịp đánh dấu thành ra giờ nầy không biết nó đang yên nghỉ ở chổ nào, mặc dù chắc cũng gần đâu đó. Thằng thuyền trưởng chắc sẽ lảnh củ. Sáng nay trong buổi họp, CHT cho biết sẽ đình chỉ hết mọi công tác và phép tắc cho tới tìm được chiếc tàu. Chuyện nầy lớn nha, nếu phải báo cáo tổn thất, ông chắc bị phiền không ít. Đàn anh có phép lại là phép cưới vợ, thôi cứ an tâm vui vẻ. Chuyện nầy có tụi tui lo.

Ngày đám cưới của tôi, một ngày tháng bảy. Tổ chức tại Cần Đước. Cả đám sĩ quan giang đỉnh không ai có mặt. Chỉ có Tr/U Chung (K4, OCS), lúc đó là sĩ quan trên căn cứ, đại diện GĐ đến dự. Cùng đi với Chung là cô em gái của Chung. Chung cho biết:

- Mầy số tốt, không có mặt tại giang đoàn lúc nầy. Vẫn chưa tìm ra chiếc LCM6, CHT đang nổi khùng. Các sĩ quan giang đỉnh không ai đến dự đám cưới được. Tất cả bị quây như dế, đang được chia thành phân đoàn; mỗi sĩ quan được lệnh phải ngồi trên một giang đỉnh trực máy 24/24, ngày đêm thay phiên rà tới rà lui ngay tại ngã ba sông Nhà Bè. Ngoài ra, CHT còn nhờ sự trợ giúp từ bạn bè CHT các giang đoàn như, Trục Lôi, Trục Vớt, đặc biệt là người nhái Trục Vớt.

Đám cưới xong, hai vợ chồng tôi rong chơi Đà Lạt rồi về. Thoát cái, hôm sau đã là ngày trở về đơn vị. Chiều hôm đó nghe lời nhắn, Nghiệp và Ngà (cùng K24) ghé qua nhà cập nhật tin tức. Nhìn Nghiệp, Ngà mà tôi thấy tức cười. Cả hai lúc nầy cả người đều hốc hác, đen thui. Tôi đã đoán ra nhưng vẫn làm bộ dò hỏi, châm chọc. Hai người cho biết: "... tình hình vẫn như củ. CHT quây tụi nầy te tua còn hơn bị brimade, không thở nổi. Rồi có lẽ do bực bội quá, hai thằng đàn em cằn nhằn: thật là cá lớn nuốt cá bé. (CHT Hiền - K12, Song Ngư 1, cá lớn; Nghiệp & Ngà - K24, Song Ngư 2, cá bé). Ngày mai vô, đàn anh cũng nên chuẩn bị tâm tư...".

Ngày trở về trình diện đơn vị. Gặp tôi, sau màn tay bắt mặt mừng chiếu lệ, CHP Hà cho biết:

"Sướng nha, mấy tuần nay anh hưởng trăng mật huy hoàng, sung sướng quá, làm sao biết đám tụi nầy ở đây nhọc nhằn đến như thế nào. Cho anh hưởng thêm hết ngày hôm nay. Bắt đầu ngày mai anh cũng tham gia công việc tìm kiếm như tụi tôi, ..."

Rồi CHP đi đâu đó, một lúc sau quay lại:

- Mấy ngày trước CHT mới mời được một thầy (sư) tới để cúng tế cầu may. Hôm nay thầy tới. Việc cúng tế sẽ diễn ra trên chiếc 6514 của anh. Anh cũng nên có mặt.

Sau đó chiếc 6514 rời bến chạy ra giửa dòng tại ngã ba "Ai về Gia Định Đồng Nai thì về". Có nhà sư lo phần cúng tế trên đó, trước một bàn thờ Phật, đầy đủ nhang khói hoa quả. Cũng có CHP Hà thay CHT ra giửa sông, cùng tôi và tất cả nhân viên khác. Chiếc 6514 chạy lòng vòng. Bắt đầu là nhà sư với tiếng kinh, tiếng mỏ; thỉnh thoảng lại đốt giấy tiền, vàng bạc thả xuống sông. Rồi CHP bước vào đốt nhang cúng vái. Phần tôi, tôi chỉ đứng nhìn từ xa xa. Tôi thật tâm thấy không hào hứng nhiều với mấy chuyện nầy. Vả lại tôi đang nghĩ đến việc sẽ bắt đầu nhọc nhằn kể từ ngày hôm sau; và nhất là vẫn còn thấy tiếc nuối mấy tuần phép ngắn ngủi vừa qua.

Sau khi chấm dứt phần của ông, CHP thình lình quay sang tôi, nói:

- Anh là thuyền trưởng chiếc nầy. Trong đơn vị tụi nó đồn anh mát tay lắm. Cũng ra đây cúng vái một chút đi.

Trước mặt nhân viên, mặc dù không mấy tin những việc như thế nầy, tôi cũng thấy không thể từ chối. Tôi đành bước lên đốt nhang và cúi đầu khấn vái theo bài bản. Vậy mà chuyện lạ đã xảy ra. Trong khi tôi còn đang đứng đó trước bàn cúng, từ trong cái máy truyền tin đã có tiếng reo: "Dính rồi, ... dính rồi, ...". Ngay lúc đó tôi ngở ngàng, còn không biết chuyện gì xảy ra thì CHP lắc đầu giải thích:

- Là có chiếc nào đó quanh đây, tụi nó rà dính vật gì đó, ... Nhưng mấy tuần nay vẫn cứ rà dính hoài. Ngày nào cũng vậy, không dính cái nầy thì cũng là cái khác. Đủ thứ trên đời đang nằm chờ dính dưới đáy sông. Phải chờ người nhái xuống dưới mới biết được.

Vậy mà lần nầy dính thiệt. Một lúc không lâu sau người nhái xác nhận sự thật, một giang đỉnh đàng kia đã tìm được chiếc LCM6 chìm. Chiếc 6514 quay về bến. CHP kéo cả nhóm giang đỉnh xuống Câu Lạc Bộ giang đoàn kêu cả đống bia để ăn mừng. Lúc đó CHP nói với tôi:

- Anh mát tay thiệt, chỉ cần cúng vái một chút xíu mà linh ứng liền. Hôm nay CHT không có mặt trong đơn vị nhưng tôi đã tường trình mọi việc. CHT đã đồng ý thưởng cho anh thêm 3 ngày phép đặc biệt.
Thế là tôi lại phơi phới ra về. Ngày hôm sau đã không phải bị phơi nắng phơi khô theo giang đỉnh rà kiếm nữa mà lại còn được thêm 3 ngày phép. Ai lại không thống khoái !!!

Sau nầy tôi mới nghe được nhiều chi tiết hơn. Việc dò tìm khó như vậy là do chiếc LCM6 sau khi chìm xuống tới đáy sông lại nằm vào một vị thế gần như lật úp đưa cái lườn lên, chỉ còn lộ ra một phần rất nhỏ của cây cột căng vải che nắng mưa ở phòng lái. Ngày hôm đó cái móc của dụng cụ rà may mà lại cắn ngay vô cây cột. Nếu không thì không biết còn gian nan đến bao giờ.

Những chuyện như vậy đã làm cho đám nhân viên trên 6514 và cả đám giang đỉnh càng cho rằng tôi thuộc dạng mát tay. Phần tôi, tôi không tin vào việc mình có mát tay hay không. Trong đời, tất cả chỉ là sự tình cờ.

Trong thời gian phục vụ tại ĐKRS, ngoài Khiết, Hồng, và Tồn cùng đơn vị, tôi đã gặp nhiều K21 khác: PC Hùng Sùi (22XP); KN Thành, NL Thọ, TH Tài (57TT); HV Dự (91TL).

Có những sĩ quan giang đỉnh 27XP khác mà lúc nào tôi cũng thấy rất gần gủi như Liêm (K20), Công & Minh (K22), Nghiệp & Ngà (K24). Gần gủi đủ để cùng nhau chia xẻ thật nhiều vui buồn, những lúc trong vùng công tác hay những khi lai rai nơi này chổ nọ.

Mặc dù là thuyền trưởng bất đắc dĩ của chiếc 6514, tôi cũng có một ít thuộc cấp rất dễ thương, thật gần gủi, gồm có: ThS/VC Tín, TrS1/VC Bé, TrS/TP Hòa, TrS1/CK Quốc, HS/VC Phúc, HS1/TP Nghiệp, HS/TV Châu.

Từ từ rồi tôi cảm thấy mình hoàn toàn thích nghi với cuộc sống giang đỉnh. Phần lớn thời gian của tôi là ở ngoài vùng. Hết lệnh công tác nầy, lại tới lệnh công tác khác. Những ngày về căn cứ, gần phân nửa thời gian trong giờ làm việc là la cà ở các cà phê, quán nhậu quanh Nhà Bè. Hết giờ làm việc thì dọt về Sài gòn, tụi tôi đám cưới mới vừa hơn nửa năm. 

Rồi thời gian tiếp tục lặng lẽ trôi,..và tôi đã qua hết năm thứ hai tại GĐ27XP. Bấy giờ đã là cuối tháng 3, 1975. 


3. Những Ngày Trước 30 Tháng Tư

Lúc đó là mấy ngày cuối tháng ba, đầu tháng tư, khi chiến cuộc đã sôi sục bước vào một giai đoạn mới. Qua tin tức, nhiều tỉnh miền Trung thất thủ. Cũng qua tin tức đã có nhiều đoàn người di tản bằng đường biển vào Nam từ miền Trung. Tôi nhận được lệnh công tác dẫn chiếc 6514 của tôi, thêm vài chiếc khác như RPC, FOM, LCM6 xuống vùng, trấn đóng một đoạn thủy lộ sông Lòng Tàu từ Vũng Tàu vô Sài Gòn. Thượng cấp nhận trách nhiệm giử cho Sài gòn ổn định. Lệnh hành quân là phải bằng mọi giá ngăn chận tất cả những ghe tàu di tản từ miền Trung, quân sự lẫn dân sự, không để họ dùng thủy lộ Lòng Tàu vào thẳng Sài gòn; phải yêu cầu họ quay lại và đổ bộ lên Vũng Tàu. Các tàu chạy chậm như rùa của giang đoàn Xung Phong lại dùng trong trường hợp nầy thật không thích hợp chút nào. Tuy nhiên thượng cấp cũng xin được một chiếc PGM của hạm đội, 2 chiếc PCF của HĐ3 và gởi thêm vài chiếc PBR của 57TT, chỉ để phòng hờ khi cần. Lực lượng chính vẫn là của tụi tôi. Hàng ngày đám giang đỉnh tụi tôi phải chạy tới lui trên sông Lòng Tàu từ sông Ngã Bảy đến Thiềng Liềng. Loại công tác lần nầy hoàn toàn không giống các lần khác trước đó. Không có đổ quân đóng chốt ,đánh đấm, hành quân gì hết. Phần lớn trong công tác, chúng tôi đã gặp các đoàn dân sự, ghe đánh cá loại lớn, có vận tốc nhanh hơn các giang đỉnh của chúng tôi nhiều. Chúng tôi thật sự rất vất vả rượt chận họ. Chúng tôi cũng gặp các đoàn người di chuyển chậm chạp trên các xà lan có tàu kéo, các ghe đánh cá loại nhỏ hơn đã tơi tả chạy vào từ miền Trung. Tôi đã thấy những ánh mắt tang thương, sợ hải, hoang mang, tuyệt vọng. Tôi như đã đọc được trong mắt họ là đang muốn tìm tới một nơi an toàn. Có lẽ với họ lúc bấy giờ Sài gon là nơi an toàn nhất mà họ phải đến. Vậy mà tôi phải dùng đủ mọi cách để buộc họ phải quay lại Vũng Tàu. Vì đó là lệnh của thượng cấp. Hầu hết là phải hù dọa bằng nòng súng 40 ly của chiếc 6514 hay các khẩu đại liên 30. Từ chuyến công tác nầy, từ lúc nào không biết, trong lòng tôi đã dâng lên một cảm giác bất nhẫn xót xa.

Một vài lần khác trong công tác, cũng đụng phải hải quân phe ta trên vài chiếc LCM8 lạc lõng hoặc một toán 4, 5 chiếc yabuta của duyên đoàn. Gặp trường hợp nầy thì sự việc có phần khó khăn hơn nhiều. Dùng súng thuyết phục không xong thì phải năn nỉ, hết nhu tới cương, miễn sao được việc.

Nhớ có lần trước khi thành công buộc một chiếc xà lan có tàu kéo quay lại Vũng Tàu, chúng tôi đã giải giao về Tiểu Khu Gia Định vài anh lính vô kỷ luật, làm loạn giở trò hiếp đáp cướp bóc trong lúc di tản trên xà lan. Họ làm bậy rồi bị các quân nhân đàng hoàng khác trên đó khống chế, bắt trói. Gặp trường hợp như vậy, phải cho giang đỉnh chuyển giao họ về căn cứ ở Nhà Bè.

Cuối cùng tôi cũng qua hết thời gian công tác, bàn giao vùng và thấy thư thái hơn trở về căn cứ. Rồi lại như thường lệ, sáng vô đơn vị, hết giờ làm việc lại dọt về Saigon quanh quẩn cùng gia đình, với cái tâm tư vui được ngày nào hay ngày nấy.

Cho đến một hôm tình cờ đặt chân lên cầu tàu căn cứ. Từ lúc xong công tác cho vấn đề dân di tản, tôi cũng ít tìm dịp bước xuống cầu tàu. Hôm đó tại cầu tàu chung của hai giang đoàn 22XP & 27XP tôi đã tình cờ thấy gia đình Trung Tá Nghĩa (K13). Ông là cháu ruột của Tông Tông Thiệu. Ông đang làm Quận Trưởng quận Quảng Xuyên. Tại cầu tàu tình cờ tôi thấy một nhóm độ chục người đang tay xách nách mang chuyển lên các chiếc PBR. Dò hỏi mấy thằng em đang đứng nhìn gần đó mới biết là gia đình của ông quận đang trực chỉ xuống Quảng Xuyên. Hơn lúc nào hết tôi thấy thật xao xuyến, có linh cảm mãnh liệt rằng có một điều gì đó người khác biết mà mình không biết. Bổng dưng cảm thấy rất bức rức khó chịu, nhiều nổi lo âu. Cũng mấy lúc gần đây khi ngồi tán dóc, tình cờ đụng đến đề tài di tản ngoài Trung, một vài ông Thượng sĩ lớn tuổi người Bắc kể lại kinh nghiệm đau thương của nhiều gia đình di cư năm 1954. Những trường hợp đau thương trong đó cha mẹ con cái, vợ chồng; phân ly kẻ Nam, người Bắc. Nghe nhiều những chuyện như vậy rồi thêm vào hình ảnh bận rộn mới đây của gia đình TrT Nghĩa tại cầu tàu, tôi chợt nghĩ mình có lẽ mình phải làm cái gì đó để chuẩn bị. Cuối ngày khi về đến nhà tôi đã bàn tính với gia đình. Muốn sắp xếp là ngày hôm sau xuống đơn vị tôi sẽ tìm cách sắp đặt lại phòng ốc. Để ngày hôm sau nữa Dung sẽ xuống Nhà Bè vào ở luôn trong căn cứ, chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất.

Nhưng nhiều khi người tính còn không bằng trời tính. Ngày hôm sau, khoảng 20 tháng 4, tôi vào đơn vị. Chưa kịp làm gì thì tôi được thông báo có cuộc họp hành quân khẩn cấp, được biết là tối quan trọng. CHT Long (K16) chủ tọa buổi họp. Ông cầm trong tay một công điện. Ông cho biết nội dung công điện là LLĐN 99 yêu cầu GĐ27XP đại diện tất cả GĐXP dẫn 6 chiếc LCM8 về Long An để phối hợp hành quân cùng với các giang đoàn khác và SĐ22 bộ binh (SĐ22 từ ngoài Trung rút về tái phối trí).

CHT cũng cho biết theo tinh thần công điện thì đây được coi như một cuộc hành quân phối hợp cấp cao, thâm niên hiện diện của hải quân là PĐĐ Phú (K2), kế đó là ĐT Dõng (K8). Công điện chỉ thị rỏ rằng các đơn vị trưởng hải quân phải đích thân dẫn giang đỉnh tới họp hành quân tại Tân An (Long An). Lẽ ra CHT phải đi nhưng ông giải thích đang có công tác khẩn, không thể vắng mặt, nên CHP Hà (K18) sẽ thay mặt ông, cùng tôi và Thiếu Úy Nghiệp (K24) dẫn giang đỉnh tới Long An phó hội.

Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau trong lúc đang chờ lên đường, sự việc lại thay đổi một chút. CHP Hà cho gọi tôi vào phòng, có CHT Long ở đó. Cả hai thông báo cho tôi biết CHP cũng có công tác khẩn cấp khác nên cuối cùng chỉ có tôi và Nghiệp lên đường. CHT nói: "Anh là sĩ quan duy nhất trong đơn vị có kinh nghiệm ở giang đỉnh nhiều nhất. Ở giang đỉnh anh cũng là sĩ quan gương mẫu, có đầy đủ tư cách nhất. Do đó anh có thể thay mặt tôi và CHP để dẫn 6 chiếc LCM8 về Long An tham dự họp hành quân." 

Chưa bao giờ tôi thấy buồn cười cho thân phận mình nhiều như vậy. Tôi dĩ nhiên tự biết về mình nhiều hơn ai hết. Nếu phải tự đánh giá, tôi biết mình không tệ quá tệ; nhưng để là người gương mẫu, có tư cách nhất, thì hãy còn xa rất xa. Đã hai năm kể từ ngày về đây, lúc nào chức vụ của tôi cũng chỉ là một SQGĐ bình thường trong một đám SQGĐ khác, lại còn kèm thêm cái chức vụ thuyền trưởng monitor bất đắc dĩ. Chưa bao giờ tôi được coi trọng như lúc nầy. Sau nầy mặc dù đã trải qua rất nhiều năm, tôi vẫn không hiểu tại sao bỗng dưng tại cái thời điểm đó cái gì của tôi cũng là nhất hết !!! 


Vậy là lần nầy tôi ra vùng không có chiếc 6514 thân thuộc. Cũng nên nói thêm một chút chi tiết về 6 chiếc LCM8. Trong lần hành quân nầy chiếc LCM8 duy nhất của GĐ27XP đang lại trong tình trạng sửa chửa. Trong công điện, tham dự hành quân tất cả LCM8 là từ các nơi khác biệt phái thẳng tới Tân An đặt dưới quyền chỉ huy của GĐ27XP . Tôi còn nhớ một số nơi như 30XP, 28XP, .... Chỉ có riêng chiếc LCM8 hiện tại đang nằm chờ tôi ở cầu tàu là chiếc vừa được biệt phái tới từ căn cứ HQ Chợ Mới (Long Xuyên). Trong chuyến công tác tôi khám phá ra rằng anh thuyền trưởng rất hiền lành, vui tính và tận tình. Chỉ có điều bây giờ tôi đã không còn nhớ tên và cấp bậc chính xác. Trong suốt chuyến công tác tôi và Nghiệp đã cắm dùi trên chiếc nầy. Được một điều tốt là chiếc LCM8 nầy phần sau có mái che nắng mưa, có thể căng võng từ phòng lái tới các trụ bên ngoài nên lúc nào cũng thấy rất thoải mái. 

Lúc gần giửa trưa, cầm lệnh công tác trong tay tôi cùng Nghiệp leo lên chiếc LCM8 do căn cứ Chợ Mới biệt phái tới, rời Nhà Bè trực chỉ Long An. Ra đi mà lòng tê tái. Trước lúc lên đường tôi chỉ kịp viết vội mấy dòng vắn tắt cho Dung biết việc chuẩn bị không thành và chàng đang "đi vào nơi gió cát...". 

Từ Nhà Bè đi Tân An, đường đi tôi thuộc nằm lòng. Một lúc sau đã qua khỏi Quảng Xuyên được một đoạn. Tôi biết bên phải tôi đã là địa phận Rạch Núi, thuộc Long An. Từ đây ra tới đồn Rạch Cát (dân địa phương vùng tôi ở gọi là đồn Rạch Cốc) thuộc địa phận xã Kinh Nước Mặn gặp sông Vàm Cỏ, bên mặt đều thuộc tỉnh Long An. Rồi tàu tới ngang Bắc Cầu Nổi (dân bên phía Gò Công như NKH Mỹ thì gọi là phà Mỹ Lợi). Tôi biết từ cầu bắc nầy bước lên bờ phía Cần Đước, bên trái có cái đồn nghĩa quân. Chỉ cần đi chưa quá 100m, cũng ở bên trái, là nhà thằng Long ngày xưa bạn học cùng lớp với cả hai vợ chồng tôi, sau nầy đi Thủ Đức rồi về quân vận.

Qua khỏi Bắc Cầu Nổi, bên tay phải đã là nơi tôi được sinh ra, xã Tân Chánh. Ngồi trên trên chiếc Chợ Mới nhìn về phía Bắc. Tôi đương nhiên biết chỉ khoảng 45 cây số, đường chim bay, là thành phố Sài gòn thân yêu. Dung đang ở đó. Hơn thế nữa, quận lỵ Cần Đước nơi vợ chồng tôi đi học từ lớp vở lòng cho tới khi xong Trung học cũng cách vị trí hiện tại không hơn 4,5 cây số. Ấp Đình, xã Tân Chánh, nơi tôi được sinh ra lại càng gần hơn, chỉ khoảng 3 cây số. Còn nữa, quê nội của Đốc (K21) bên đầu cầu sông Lưu (ấp Hòa Quới) mới là nơi gần nhất. Từ vị trí tàu, tôi biết hết chổ nào là bến đò Bà Nhờ (thuộc xã Tân Ân, quê ngoại tôi). Tôi cũng biết ngay từ đó nếu đi thẳng theo đường sông sẽ đến bến đò Xã Bảy (thuộc xã Phước Tuy) sẽ thành sông Vàm Cỏ Đông đi về Bến Lức. Nhưng trước khi tới bến đò Xã Bảy tôi đã rẽ trái qua Vàm Cỏ Tây, trực chỉ Tân An. Tất cả các địa danh quen thuộc, tính theo đường chim bay, đều rất gần, quá gần nhưng giờ dường như xa diệu vợi. Nhìn về phía xa, tôi thấy rỏ không khí chiến tranh đang gần kề. Đó là ngày 20 tháng tư. Lúc bây giờ khoảng 3, 4 giờ chiều trên sông Vàm Cỏ. Từ lúc rời Nhà Bè đã có một trận mưa nhỏ trái mùa, lất phất không đủ làm ướt nhưng mang theo nhiều vẻ buồn phiền. Nhìn về phía Bắc từ vị trí chiếc Chợ Mới, tôi nghe thật nhiều tiếng đại bác đì đùng, rền vang không dứt. Tôi thấy đây đó từng cuộn khói bốc lên. Một vài chiếc chiến đấu cơ loại khu trục chúi xuống cất lên nhìn như có chút gì cô đơn, bất lực. Từ những ngày còn trẻ thơ cho tới lúc rời quê đi học xa, tôi đã từng sống trong vùng xôi đậu, gần gủi quá nhiều với chiến tranh. Những năm gần đây tôi cũng từng được coi như có chút kinh nghiệm đánh đấm. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy buồn phiền và thấy bất an đến như vậy.

Cứ như vậy, rất trể khoảng chiều ngày 20 tháng tư đó, tôi tới thị xã Tân An. Những chiếc LCM8 từ các đơn vị khác cũng lần lượt tới trình diện. Từ lúc đó tôi chính thức trở thành SQTT của tất cả 6 chiếc LCM8.


Tân An là tỉnh lỵ của tỉnh Long An. Quê Cần Đước của tôi mặc dù thuộc Long An nhưng dân quê tôi lại tiện lợi tới lui Sài gòn hơn. Vì quận lỵ Cần Đước chỉ cách Sài gòn có 36 cây số theo liên tỉnh lộ 50 tới cầu Nhị Thiên Đường, đường vào Xóm Củi. Trong nhiều năm, mặc dù có thể dùng các hương lộ nối liền liên tỉnh lộ 50 với quốc lộ 4 tại Bình Chánh, hoặc Gò Đen. Nhưng các đường nầy đều quá xấu và kém an ninh. Để tới Tân An mọi người đều chọn qua ngã Sài gòn. Do vậy Tân An trong lòng mọi người không mấy gần gũi bằng Sài gòn. Lâu lắm nhiều năm trước tôi đã tới Tân An một lần để thi bằng lấy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Sau đó có thêm vài ba lần thăm viếng trong thời gian ông anh theo học trường Sư Phạm tại đó.

Ngày hôm sau tôi đến trình diện và tham dự buổi họp đầu tiên tại Bộ Chỉ Huy hành quân của LLĐN 99. Trên phương diện hệ thống chỉ huy lúc đó tôi thay mặt CHT/GĐ27XP đến họp một cuộc hành quân cấp cao trong đó có các GĐ27XP, 42NC, 59TT, Phóng Thủy Hỏa, SĐ22BB, Hải Kích, .... Thâm niên hiện diện nhất của hải quân có ĐĐ Phú, kế đó là ĐT Dõng.

Sau khi buổi họp chấm dứt, ĐĐ Phú và ĐT Dõng muốn chứng kiến trình trạng kỷ thuật sẵn sàng của các LCM8. Không may cho tôi là lúc thử, có một chiếc không hạ được cửa đổ bộ. Và thượng cấp đã nổi giận. Thượng cấp cũng không cho tôi có cơ hội trình bày một tiếng, để phân bua rằng mới ngày hôm qua mấy chiếc LCM8 nầy vẫn còn nằm đâu đó các đơn vị hải quân vùng 3, vùng 4. Chuyện tiếp theo là 2 ông mắng tôi như tát nước. Bây giờ đã lâu rồi tôi không nhớ ông nào trong hai đại thượng cấp (hoặc cả hai) đã xưng hô mầy tao với tôi, và không tiếc ngay cả lời chưởi thề, trước mặt mấy thằng em thủy thủ. Từ thuở nhỏ tôi xuất thân từ gia đình nghèo, nhưng tôi học hành cũng tạm được. Từ lúc vào hải quân cho tới bây giờ, dù tôi vẫn còn là một sĩ quan trẻ tép riu; từ thuở còn bầm dập bởi đàn anh tại quân trường, cho tới bây giờ tôi cũng đã trải qua biết bao lần ba chìm bảy nổi. Tôi chưa bao giờ có thói quen chưởi thề hoặc hạ nhục bất cứ ai. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp kề cận hai đại quan cao cấp như vậy và cũng là lần đầu tiên bị giũa một trận te tua. Hồi nhỏ tôi thường nghe từ ông bà, ba má tôi hay từ những người lớn tuổi là khi nhận được bổng lộc bất ngờ thì phải thật cẩn thận, chỉ sợ không có đủ phước để mà hưởng. Điều đó dường như đang ứng nghiệm cho tôi trong hai ngày nầy. Mới ngày hôm qua vô duyên vô cớ tôi được hai hai thẩm quyền tại đơn vị ban cho lời khen cái gì cũng nhất. Hôm nay lại coi như có cơ may, ngàn năm một thuở kề cận hai đại thẩm quyền, ơn mưa móc đâu chưa thấy mà đại họa đã trút xuống đầu. Hai ông còn đòi gởi công điện trả tôi về đơn vị gốc và yêu cầu thay bằng một sĩ quan xứng đáng khác.Hai ông không biết là trong thâm tâm tôi, tôi đang mong có người xuống thay thế để tôi quay lại căn cứ.Đó là điều tôi cầu còn không được. Và dĩ nhiên là việc nầy đã không xảy ra. 

Việc trách mắng rồi cũng đi qua. Hai đại thẩm quyền tiến tới bờ sông bước xuống chiếc PBR chờ sẵn; một chiếc PBR khác có vẻ là chiếc trong vai trò hộ tống cũng đang chờ gần bên. Bấy giờ tôi mới chú ý tới 2 chiếc PBR để thấy rằng mỗi chiếc đều được trang bị một dàn 2, 3 khẩu M60 đạn dây lủng lẳng,trông rất oai phong. Rồi hai ông rời đi.


Dù bị thượng cấp ban cho một vố nặng, có chút oan uổng, nhưng công vụ là công vụ. Thượng cấp thì lúc nào cũng vẫn là thượng cấp. Hơn nữa tôi cũng không thể nào mong mình sẽ bị nạn thêm một lần nữa. Tôi trở lại chổ đậu gần dinh Tỉnh Trưởng bắt đầu theo lệnh sắp xếp. Chiếc LCM8 bị trở ngại cửa đổ bộ đã được sửa xong. Việc đầu tiên của tôi là đưa chiếc Chợ Mới tới túc trực và buộc vào một đầu của cái ponton dầu đang cột vào cầu tàu ngay trước dinh tỉnh trưởng, cách cầu Tân An trên QL4 không xa. Đầu kia của cái ponton được chừa trống để lúc nào cũng có chổ cho các giang đỉnh cặp vô lấy nhiên liệu. Như vậy kể từ hôm đó ngoài việc tham gia chở lính khi có hành quân, chiếc Chợ Mới của tôi sẽ túc trực 24/24 tại một đầu của cái ponton dầu. Mục đích là để khi cần, chiếc Chợ Mới có thể cỏng cái ponton dầu nhanh chóng rời đi. Dịp nầy tôi gặp Tr/U Tư, SQ Tiếp Liệu trách nhiệm cái ponton dầu. Tôi nhận ngay ra Tư trước cũng thuộc ĐĐ19D Quang Trung. Các LCM8 khác nằm rải rác không xa, hoặc ủi bãi, thả neo phía bên nầy cầu Tân An.


Ngày kế, 22 tháng tư. Cuộc hành đầu tiên trong chuyến công tác. Như bao cuộc hành quân đổ bộ khác, bắt đầu bằng các LCM8 ủi bãi vào bờ để bốc các ĐĐ của SĐ22BB. Dàn đội hình, các giang đỉnh của 42NC rồi tới 2 cái Zippo, PBR tiến lên mở đường tiến về hướng tây. Thủ Thừa, mục tiêu cuối cùng của cuộc hành lần nầy còn cách xa một đoạn đường thật dài, xa diệu vợi. Nhưng khác rất nhiều với tất cả các lần trước ở ĐKRS, khi một số giang đỉnh mở đường vừa rời dạ cầu Tân An, ngay trên Quốc Lộ 4, qua phía bên kia thì bên tai đã mơ hồ nghe từng loạt tiếng đì đùng từ xa từ hướng Tây. Kế tiếp là chỉ khoảnh khắc sau, từng loạt tiếng xé gió và sau cùng là từng tiếng nổ, từng cụm khói, cột nước bốc lên ngay từ lòng sông phía trước mặt. Cuối cùng thì tất cả cũng hiểu ra là đang nằm trong tầm pháo kích của Cộng quân. Cũng may là không có thiệt hại nào đáng kể được báo cáo.Sau đó đoàn tàu lui ra, củng cố đội hình, rồi lại tiến lên thêm vài lần nữa. Nhưng lần nào cũng vậy, vừa thò đầu qua dạ cầu Tân An thì đạn pháo địch lại bay đến. Rốt cuộc thì việc di chuyển để rời xa cầu Tân An còn không xong, nói chi đến chuyện tiến về mục tiêu ở hướng Thủ Thừa. Tin tức được xác nhận ngay sau đó là cộng quân đã dùng cả 2 loại đại bác 130 ly và hỏa tiển 122 ly trong các đợt pháo kích vừa rồi.

Ngày kế nữa cũng vậy, cứ qua cầu là bị ăn đạn pháo. Còn có tin và suy luận rằng đề lô VC đã túc trực đâu đó gần cầu Tân An.

Sáng sớm ngày 24 tháng tư, Nghiệp lại bên tôi than thở và ngỏ ý muốn chuồn về Sài gòn. Nghiệp lúc đó có một cô em gái hậu phương tên Nga, đang thời kỳ nồng thắm. Trong lúc chiến sự nhiểu nhương như những tháng ngày nầy mà mấy ngày trước, khi lên đường công tác Nghiệp lại không kịp có được một lời từ giã.

Nghiệp năn nỉ: "Đàn anh để thằng em về ghé qua an ủi Nga một chút kẻo tội nghiệp. Đàn anh đừng lo, sáng ngày mai xuống liền, ...". Tôi không biết làm sao nhưng cũng không nở cản. Vả lại nhân tiện tôi cũng muốn nhờ Nghiệp ghé qua nhà gặp Dung với vài điều nhắn gởi.

Vì chỉ cần nghe Nghiệp nhắc nhở đến cô bồ tên Nga, tôi lại nhớ tới Dung, tới chuyện của gia đình TrT Nghĩa. Rồi tới chuyện CHT/CHP tìm đủ lý do nấn ná bám lại gần Sài gòn, tôi biết mình phải một lần nữa nghĩ tới chuyện sắp xếp cho Dung bằng cách nào đó xuống tận Tân An. Dung có ông anh Phát con của ông bác thứ hai đang là một sĩ quan làm việc nhiều năm tại Tân An. Lại thêm thật tình cờ, tôi vừa biết được chổ làm việc của anh Phát lại cách không xa chổ tôi đậu tàu. Tôi căn dặn Nghiệp nhiều lần là phải ghé qua nhà tôi ngay khi tới Sài gòn với lời nhắn để Dung có thể xuống ngay cùng ngày. Rồi Dung có thể tạm trú nơi nhà anh hai Phát phòng khi tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Cũng nên nói rỏ hơn, tại thời điểm năm 1975, những ý tưởng liên quan về di tản đều chỉ đơn giản là sẽ rút về một nơi nào đó để tiếp tục chiến đấu, chẳng hạn như Vùng 4 hoặc Phú Quốc. Anh thuyền trưởng chiếc Chợ Mới của tôi là dân Hòa Hảo, sinh trưởng tại Long Xuyên. Anh cho biết trước ngày lên đường nhận công tác nầy, quê của anh vẫn hoàn toàn yên bình, chưa thấy có chút gì không khí chiến tranh.

Thế là Nghiệp dù về Sài gòn sáng sớm ngày 24. Suốt ngày hôm đó tôi ngồi nhìn đồng hồ. Đường từ Tân An về Sài gòn rất gần, chưa tới một giờ. Cả ngày 24 tôi không nhận có tin tức nào của Dung. Cả ngày hôm sau cũng vậy. Và tôi cũng không thấy bóng dáng Nghiệp trở lại.

Ngày 26. Cuối cùng buổi chiều ngày hôm đó Nghiệp gọi tôi qua cái máy truyền tin 46. Nghiệp đang gọi nhờ qua máy truyền tin tại căn cứ Hải Quân Bến Lức. Qua đó Nghiệp cho biết cộng quân đã đánh bứt QL4 khoảng giửa Cầu Voi và Cầu Ván. Nghiệp đang ở Bến Lức chờ khai thông QL4 mà vẫn chưa có tin tức gì, QL4 vẫn còn bị gián đoạn. Hôm đó đã là ngày 26. Nghiệp có vẻ khá hốt hoảng, bồn chồn. Rời bỏ khu vực hành quân, không sợ bị đưa ra tòa án quân sự mặt trận mới là lạ.

Từ ngày 26, tôi không còn nghe Bộ Chỉ Huy hành quân nhắc nhở gì đến việc tiếp tục đổ quân tái hành quân gì nữa. Hàng ngày đám giang đỉnh tụi tôi chỉ biết lè phè và ngao ngán chờ đợi.

Từ ngày xuống đây tình cờ gặp lại Mỹ (K21). Mỹ ở 42NC, CK mà cũng theo ra vùng hành quân. Mỹ lúc ở Quang Trung khá thân với tôi; cùng trung đội 1 cao giò của 19D. Sau khi ra Nha Trang, Mỹ theo ngành CK sáng nước. Có thể ví von như "xa quê hương ngộ cố tri". Một thân một mình trong một hoàn cảnh kỳ cục như thế nầy, lại gặp được một thằng bạn cùng khóa. Kể ra tôi cũng còn được ông Trời ưu ái. Hai thằng thường mắc võng kế bên, trên chiếc Chợ Mới của tôi, tha hồ mà tán dóc. Thêm nữa, hai đứa tụi tôi đều vừa mới lập gia đình chưa quá năm. Cả hai đều có vợ là cô giáo. Vợ chồng Mỹ lại có tin sắp có đứa con đầu lòng. Hai thằng tha hồ tỉ tê...

Bắt đầu từ ngày 26 tình hình lại biến chuyển theo một chiều hướng khác. Cộng quân bây giờ bắt đầu mở màn trò pháo kích vô Tân An. Hơn thế nữa, mỗi ngày 3 cử: sáng, trưa, chiều có sắp xếp giờ giấc một cách tương đối là khoảng 8:00 giờ, 12 giờ trưa, và 5 giờ chiều. Lúc đầu bà con không biết, sau lần đầu bị pháo, cứ ứng chiến mệt mỏi suốt ngày; sẵn sàng trong tư thế tác chiến áo giáp nón sắt, có thể rút tàu ra giửa sông bất cứ lúc nào. Khi biết vụ pháo kích theo lịch trình rồi thì sáng sớm tụi tôi cũng lên bờ đi chợ, dạo qua các hàng quán; cà phê, ăn sáng; thu lượm tin chiến sự. Gần trước 8 giờ rút giây thả tàu ra giửa sông chờ xong pháo kích. Sau đó thì lo việc nấu ăn trước trận pháo buổi trưa. Rồi buổi chiều cũng vậy. Đám tụi tôi chủ trương phải no bụng trước khi có chuyện gì xảy ra. Kinh nghiệm cho biết khi bắt đầu chơi kiểu nầy, cộng quân đang ở thế thượng phong. Mỗi cử pháo kéo dài chỉ khoảng 15, 20 phút với chừng 5, 10 quả đạn. Phần lớn rớt xuống các nơi dân cư trên bờ. Chỉ 15, 20 phút nhưng thấy dài thăm thẳm. Sau mỗi lần, theo tin tức xác nhận được thì chúng cũng đều bao gồm cả đại bác 130 ly và hỏa tiển 122 ly.


Ngày 27. Cũng vẫn cái màn được cho ăn đạn pháo đúng giờ như ngày trước đó. Những sinh hoạt khác cũng không có gì thay đổi. Hai ngày qua Nghiệp vẫn còn túc trực tại Bến Lức chờ cơ hội trở lại vùng công tác. Cuối cùng tôi cũng khuyên Nghiệp trở về căn cứ GĐ27XP để trình diện; có thể bị trách phạt nhưng còn có hy vọng thoát khỏi cái tội đào ngũ. Bớt đi Nghiệp, giờ đây cả 6 chiếc LCM8 chỉ còn có một mình tôi thuộc GĐ27XP. Tất cả các HSQ và đoàn viên khác đều được các nơi khác biệt phái tới, những người nầy một tuần lễ trước đây vẫn hoàn toàn xa lạ, tôi chưa từng có dịp phục vụ chung.

(Khi mọi chuyện đã qua nhiều năm sau nầy, tôi bắt đầu ráp nối lại mọi chi tiết. Thì ra ngày 24 về tới Sài gòn, bất kể được tôi dặn dò như thế nào, do chỉ lo dành thì giờ ham chơi du hí với Nga, cho tới hơn một ngày sau, chiều ngày 25 Nghiệp mới tới gặp Dung. Vì quá trể, sáng sớm ngày 26 khi Dung khi ra tới bến xe ở Sài gòn thì được biết QL4 bị gián đoạn giửa Cầu Voi Cầu Ván. Rốt cuộc phải quay về. Nghiệp nghe lời khuyên, trở về trình diện đơn vị, sang Mỹ năm 1975. Năm 1981 cũng lò mò tới phiên tôi. Khoảng năm 1983, Nghiệp ghé qua căn apartment ở San Bernardino, CA thăm vợ chồng tôi, cũng có đôi lời phân bua, nhắc lại nhiều chuyện củ, rồi nhìn nhau cười trừ)

Ngày 28. Chuyện lạ xãy ra. Buổi tối như thường lệ, tôi đang nằm trên cái võng của chiếc Chợ Mới nghe tiếng rọt rẹt buồn tẻ của cái máy truyền tin 46. Lúc đó chắc cũng đã gần giửa khuya, tôi bỗng nghe tiếng quát tháo từ hướng cái ponton dầu. Lúc ngồi dậy nhìn sang thì thấy hai giang đỉnh đang cặp song song ở đầu kia của cái ponton, ngay chổ lấy dầu. Giửa ponton dầu là 2 chiếc PBR cũng nằm song song với nhau, không biết từ lúc nào, vẫn với mấy dàn M60. Trên ponton tôi thấy có mặt ĐĐ Phú. Trước mặt ông, TrU tiếp liệu Tư lúng ta lúng túng dường như đang phân bua điều gì. Rồi tôi thấy thượng cấp quát tháo gì đó với Tư và sau đó quát về hướng hai chiếc giang đỉnh. Cuối cùng, chỉ chốc lát sau hai chiếc giang đỉnh mở dây rời đi. Rồi thượng cấp cũng đi khỏi với 2 chiếc PBR. Tôi thật tò mò thắc mắc một lúc rồi lại thiếp đi trong giấc ngủ với nhiều lo lắng thường ngày.


Sáng sớm hôm sau, đã là ngày 28 tháng tư. Lúc tôi thức dậy, hãy còn quá sớm. Mấy thằng em nhiều thằng vẫn còn ngủ. Đang đánh răng, rửa mặt tôi bỗng lại nghe tiếng quát tháo. Lần nầy từ chiếc monitor của giang đoàn bạn đang thả neo giửa sông cách chổ tôi không xa. Rồi tôi thấy một sĩ quan lon lá hẳn hoi, cấp tá, từ đâu đó dưới phòng ngủ hớt hơ hớt hãi đi lên, theo lối bên trái về hướng mủi. Còn đang ngơ ngác không biết chuyện gì, tôi lại thấy ĐĐ Phú cũng từ dưới bước nhanh lên. Trên tay ông là khẩu súng nhỏ (giờ không nhớ là colt 45 hay rouleau) chĩa về hướng ông sĩ quan phía trước. Thì ra thượng cấp đang đuổi theo ông sĩ quan. Chiếc monitor nầy có trang bị một khẩu Howitzer 105 ly. Chỉ thêm có mấy bước nữa, khi ông sắp tới vị trí của cái nòng của khẩu 105 ly đang chận ngang, thì thượng cấp đuổI kịp. Bấy giờ thượng cấp vừa quát tháo vừa bước tới. Sau cùng ông dừng lại trong tư thế nửa ngồi nửa như dựa vô nòng khẩu 105. Trong tay vẫn là khẩu súng nhỏ. Nhưng bây giờ họng của nó lại kê vô đầu ông sĩ quan, bắt ông quỳ xuống. Mọi chuyện xãy ra gần sát bên trái của cái nòng đang chỉ hướng trước mủi của khẩu 105. Ông sĩ quan đã quỳ xuống. Tôi nghe câu được câu mất như là những lời kết tội: " ... tối qua đã bị bắt tại trận, ...., qua mặt, ...”; “... sáng nay lại cải lệnh lạm dụng đưa tàu đi, ... bất tuân thượng lệnh, ...". Rồi thì thượng cấp tuyên bố lột lon và bắt đầu thi hành. Sau đó mọi chuyện kết thúc, ông sĩ quan coi như bị lột lon, cách chức, và lập tức bị áp giải theo thượng cấp trên 2 chiếc PBR. Từ giờ phút nầy, ông sĩ quan coi như bị quản thúc.

Chỉ một lúc sau, đầu đuôi câu chuyện được truyền miệng trở thành câu chuyện có đầu đuôi thứ lớp hơn. Chỉ là tối qua ông sĩ quan định cho 2 giang đỉnh đến ponton lấy dầu rồi cho dọt về Nhà Bè hay nơi nào đó để bốc gia đình. Thượng cấp biết được tin tức, tới quạt cho một trận. Nhưng chưa đủ để làm cho ông sĩ quan bỏ ý định. Bằng cách nào đó, ông vẫn cả gan tìm cách có được đủ nhiên liệu, cho 2 con cá rời vùng dông mất. Hậu quả là sáng ngày tin tức về 2 con cá lén rời vùng bị lộ ra, thượng cấp đã nổi giận nên mới có màn dí súng, lột lon, cách chức như vừa rồi. Trưa hôm đó, qua hệ thống truyền tin hành quân tôi cũng biết thêm nhiều chi tiết qua các công điện báo cáo và đề nghị của thượng cấp về sự việc đã xãy ra.

Ngày 28 rồi cũng đi qua. Vẫn với những hoang mang, lo lắng. Vẫn với những lần pháo kích của địch theo lịch trình sáng trưa chiều. Mấy ngày nầy tôi và cả đám đoàn viên, ngoài chuyện tránh đạn, ăn sáng, lên bờ lấy tin tức, ăn trưa, ăn tối, ... không biết làm gì. Từ từ cả đám trở nên trầm mặc; hoặc nằm hoặc ngồi ngơ ngác nghe vẫn tiếng rè rẹt thỉnh thoảng vang lên từ cái máy truyền tin ở nên nầy hoặc là tiếng lải nhải từ cái radio ở bên kia.

Vài ngày qua có tin Tân An bị cô lập, cắt đứt ở 2 đầu; giửa Cầu Voi Cầu Ván phía Bắc, và ngã ba Trung Lương ở phía Nam. Máy truyền tin và cái radio là hai phương tiện nối liền cái đám tàu bè tụi tôi với BCH hành quân và thế giới bên ngoài. Cái máy truyền tin thì lần lần dường như không còn hữu hiệu trong việc hành quân. Nào có nhận được lệnh lạc gì đâu. Nhiều lúc nghĩ đám nầy có lẽ giống như đám con bị bỏ chợ. Trên băng tần truyền tin cứ một lúc lại nghe những riêng tư thăm hỏi, tương tự như thế nầy:

- Anh Dũng, Anh Dũng ... đây Bắc Bình ...
- Bắc Bình đây Anh Dũng, nghe. Nói đi.
- Anh Dũng, Anh Dũng, vặn lên 2 nấc, có cái nầy cho qua, nghe rỏ trả lời, ...
(được hiểu có nghĩa là: thằng B muốn gọi thằng A, đổi tần số lên 2 nấc để nói chuyện riêng, ...)

Cái radio thì càng lúc càng rộn ràng, khẩn cấp hơn với quá nhiều biến chuyển, đặc biệt nhất là tình hình Sài gòn. Tình hình Sài gòn biến chuyển một cách nhanh chóng và lộn xộn. Cũng hôm nay ngày 28, tại Sài gòn cụ Hương đã trao quyền lại cho Big Minh.

Rồi qua ngày 29. Sáng nay trên cái radio Vũ Văn Mẫu đọc đi đọc lại cái thông cáo của Big Minh yêu cầu Mỹ gấp rút rời khỏi VN.

Buổi tối ngày 29, tôi thẩn thờ ngồi trên chiếc Chợ Mới. Vẫn một bên là cái radio, một bên là cái máy truyền tin. Hồi chiều gặp Mỹ trước giờ ăn pháo kích tối theo giờ, tán dóc ba điều bốn chuyện, rồi chán quá không biết nói gì thêm. Sau đó Mỹ xuống tàu biểu mấy thằng em tháo dây dông mất.

Mấy ngày nay tôi quá rảnh nên có thể dành nhiều thì giờ hơn theo dỏi qua hệ thống truyền tin hành quân. Hệ thống truyền tin bắt đầu thật bận rộn. Nhưng cũng vẫn không phải vì công vụ mà vì những bàn tính thăm hỏi, toàn là bàn bạc chuyện riêng tư. Tiếng gọi nhau liên tục, dùng tần số trực hành quân xong lập tức liền rủ nhau đi qua tần số khác nói chuyện tiếp. Tôi ngồi bên cái máy, tiếp tục theo dỏi các mẫu đối đáp mong tìm được chút manh mối mới. Với mục đích đó, khi nghe được đề nghị chuyển đổi tần số lên xuống, tôi cũng lò dò đuổi theo để tiếp tục nghe thêm những lời đối đáp sau đó. Lúc nầy mọi quy tắc an ninh truyền tin bài bản dường như không còn cần thiết. Nhiều câu đối đáp trao đổi được bạch hóa hoàn toàn. 

Dùng cách đơn giản nhưng tẳn mẳn, tằn mằn mất thì giờ như vậy mà cuối cùng tôi cũng góp nhặt được 2 mẫu tin đặc biệt. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ hầu hết các chử trong 2 mẫu truyền tin ngắn nhưng đặc biệt . Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ hầu hết các chử trong 2 mẫu tin đó.

- Mẫu tin thứ nhất như thế nầy: "Thừa lệnh ĐĐ liên lạc ĐĐ Minh. Đuợc gia đình ĐĐ Minh cho biết đã về quê bằng WHEC5"

- Mẫu tin thứ hai: "Đã tìm mọi cách liên lạc với ĐĐ Thủy và nhiều bạn bè khác. Không có ai trả lời. Tất cả đều "BÌNH SA LẠC NHẠN".

Rồi tôi ngồi đó yên lặng đoán già đoán non. Hai chữ ĐĐ không kèm theo tên thì chắc chắn là đại thẩm quyền nhà mình. Nhưng tại sao ĐĐ Minh lại về quê mà bằng chiếc WHEC5 (HQ5). Trong những ngày nầy để về quê trong đất liền, nếu mà là tôi thì chắc tôi không dùng WHEC, mà sẽ khoái dùng PBR cho nhanh và dễ xoay trở. Nếu là một nơi tương đối an toàn chắc tôi sẽ chỉ dùng PCF. Hơn nữa, tại sao lại là "Bình Sa Lạc Nhạn". Trong tiểu thuyết người ta chỉ ví von "nhạn lạc ngư trầm" (chim sa cá lặn) để tả các giai nhân. Không lẽ anh chàng thủy thủ vô tuyến không biết dùng chữ.

Cuối cùng, sau một lúc lâu tôi cũng tạm đưa ra một phỏng đoán chung cho cả 2 bản tin. Có lẽ cả hai bản tin đều ngầm báo cho ĐĐ nhà mình biết là các sếp lớn đã rời bỏ Sài gòn về vùng 4 hoặc Phú Quốc. Có lẽ do chàng vô tuyến kẹt từ ngữ nên dùng tạm "bình sa lạc nhạc" để tránh mấy chử kém thi vị hơn như cao bay xa chạy chăng?

Rồi tôi bỗng nhớ ra là từ sau buổi trưa hôm qua, ngày 28, tôi đã không còn thấy hai chiếc PBR (PBR với các dàn M60). Cặp PBR bài trùng nầy nếu còn ở quanh đây, không thể nào không nhận ra, tôi thế nào cũng thấy. Đồng nghĩa với không có hai đại thẩm quyền trong vùng. Hình ảnh và câu chuyện lột lon, cách chức ngày hôm trước lại có dịp trở về.

(Chỉ mấy ngày sau, khi về đến Sài gòn tôi mới biết mình chỉ đoán trúng có một nửa. Cao bay xa chạy là đúng; nhưng các ông không về vùng 4, các ông chỉ đơn giản Ra Khơi.)

Rất trể đã khuya đêm 29. Rồi một lúc nữa là qua nửa đêm, bắt đầu ngày 30, từ cái máy truyền tin 46 tôi lạnh toát người nghe hằng loạt những tiếng gọi nhau kêu cứu ơi ới, tuyệt vọng, phẫn uất, tức tưởi, ..., Lần lượt các căn cứ Trà Cú, Gò Dầu, Bến Kéo bị cộng quân tràn ngập.

Lúc ấy mới chỉ là mấy giờ đồng hồ đầu tiên của ngày 30.




Ngày 30. Không biết trong đời rồi sẽ có đêm nào dài hơn đêm vừa qua, nhưng khi tôi vói tay vặn nhỏ bớt âm thanh của cái máy 46 thì trời cũng sắp sáng. Coi như tôi đã thức gần trọn đêm. Đám nhân viên trên tàu sáng nay lặng lẽ hơn thường ngày rất nhiều. Không nghe cả tiếng chào hỏi vì phần lớn đêm qua đều không ngủ. Đêm qua họ cũng giống tôi, ngồi hoặc đứng quanh đây và biết hết tin tức về các căn cứ bạn bị cộng quân tràn ngập, cách đây không xa. Trong suốt cuộc chiến, chuyện một căn cứ, một đơn vị, một đồn địa phương quân nào đó bị tràn ngập thỉnh thoảng cũng có nghe. Nhưng chuyện hàng loạt các căn cứ hải quân bị tràn ngập, trước sau chỉ trong chốc lát, đây là lần đầu tiên, và ở gần mình như vậy. Chỉ có những tiếng bàn luận thì thầm nho nhỏ. Rồi như cố gắng đánh lừa chính mình bằng các sinh hoạt bình thường, cả đám uể oải lên bờ uống cà phê, ăn sáng. Rồi lại về giang đỉnh, với ý định chờ trận pháo kích 8 giờ.

Nhưng chỉ đến khoảng trước 11 giờ sáng, qua đài Sài Gòn, Big Minh ra lệnh buông súng đầu hàng. Chung quanh tôi, mấy ngày nay vốn đang ở trong cái không gian yên lặng, giờ trở thành câm nín. Tất cả rơi vào cái tĩnh lặng, chết chóc. Tất cả đều rơi vào trạng thái như bất lực, vô vọng, và hoàn toàn không biết kế tiếp phải làm gì. Kinh nghiệm nầy là duy nhất, chỉ một lần trong đời. Kinh nghiệm của cái chết thì mình đương nhiên chưa biết; khi cái chết tới, mình có thể vẫn không nhận ra. Nhưng tôi biết cái cảm giác thê lương rùng rợn trong buổi sáng hôm nay sẽ đeo đẳng theo tôi suốt cả cuộc đời.

Người nọ nhìn người kia. Nhìn quanh như để chờ biết xem ai là người có ý kiến trước, có phản ứng gì để mình có thể làm theo. Rồi từ bờ đàng kia có vài chiếc giang đỉnh bắt đầu tháo dây, rời bến. Rồi chiếc kế đang ở giửa dòng cũng kéo neo rời vùng. Chỉ cần một bắt đầu, sau đó từ từ hòa vỡ theo. Tôi ngay lập tức phải đối diện với chuyện của mình. Anh thuyền trưởng chiếc Chợ Mới tiến tới trước mặt tôi. Anh thuyền trưởng chiếc Chợ Mới vui tính của tôi. Mặc dù mới chỉ gặp nhau quen biết hơn tuần, tôi thấy anh rất gần gủi.

Anh nói:

- Bà con đang bắt đầu tan hàng, ông thầy tính sao?

Tôi chưa kịp trả lời thì anh cho biết luôn:

- Cho ông thầy biết, nếu rút ra khỏi đây chắc tụi tôi sẽ qua ngã Kinh Chợ Gạo về thẳng quê nhà luôn. Cả đám tụi tui trên chiếc tàu nầy đều ở quanh quẩn gần Long Xuyên. Từ lúc lên đây, không có tin tức gì từ gia đình, lo quá ông thầy ơi.

Lâu rồi kể từ sau lần chuẩn bị đổ quân đầu tiên, tôi không còn nhận được một mệnh lệnh nào từ thượng cấp. Tôi không biết phản ứng cách nào cho đúng. Nhưng mấy ngày nầy ít ra tôi cũng đã có những sắp xếp cho riêng tôi, mặc dù thất bại. Tôi tự có chút hổ thẹn, chỉ lo phần mình. Anh thuyền trưởng đáng mến, một người lính chân chính, không cần biết anh có cố dồn nén hay không, đã đợi cho tới lúc được lệnh phải buông súng đầu hàng địch quân rồi mới thố lộ ước muốn về với gia đình.

Thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của các LCM8 khác cũng đến vây quanh. Tôi tóm tắt cho họ biết đã tới lúc tan hàng. Sau đó chiếc Chợ Mới và một chiếc khác ở Bình Thủy chuẩn bị lên đường dự định sau đó theo Kinh Chợ Gạo về miền Tây. Hai chiếc nầy tin tưởng miền Tây vẫn còn an toàn và chỉ cần lọt được tới Mỹ Tho, mọi chuyện sẽ tốt hơn. Và như vậy tôi phải xách hành trang dọn qua một chiếc LCM8 khác. Tôi chọn chiếc LCM8 mà bây giờ khi viết bài nầy không còn nhớ xuất xứ, có thể là của giang đoàn 30XP. Sau đó cả đám bắt tay từ giả nhau và tôi cùng chiếc LCM8 đó bắt đầu rời bỏ Tân An, theo hướng về hạ dòng.

Bắt đầu xuôi dòng ra cửa lúc đầu cũng có nhiều ngỡ ngàng. Tất cả đều không biết phải làm gì, sẽ đi tới đâu. Nhất là cho tới giờ phút đó mọi người đều có cái tâm trạng chưa thể chấp nhận được sự thật đang xảy ra. Cứ coi như hãy chạy ra ngoài cửa rồi mới tính tiếp. Được cái là mấy cái LCM8 có tốc độ khá, chỉ thua có PBR. Rồi thì Alpha, Monitor, Tango, Zippo đi theo một đoàn thật dài. Súng ống đạn dược còn đầy đủ, đồ chơi không thiếu thứ gì mà đành mang chung cái tâm trạng phải bó tay, đầu hàng, bỏ cuộc. Thật là ấm ức.

Vừa trên đường rút lui không lâu, tôi may mắn liên lạc được Mỹ qua hệ thống truyền tin. Hai thằng cũng theo cách thay đổi tần số lên xuống "nấc" để nói chuyện. Nhưng sau đó dù có chuyển đổi như thế nào đi nữa, chổ nào cũng ồn ào náo nhiệt, không thể xen vào được. Sau đó thỉnh thoảng tôi tiếp tục thử lại, nhưng không thành công. Hệ thống truyền tin hành quân bây giờ rối nùi, ồn ào, không cách nào xen vào được. Rốt cuộc sau đó hai thằng hoàn toàn đứt liên lạc.

(Nếu ngày hôm đó Mỹ và tôi không đứt liên lạc, dòng đời của tôi có thể có chút đổi khác. Trong giờ phút như ngày 30, tôi thấy thật cần có bên cạnh một người trong gia đình hoặc một bạn thân để cùng nhau có các quyết định quan trọng nhất trong đời. Ngày đó tôi không có ai. Thuộc cấp kế bên, tôi chỉ mới quen biết có khoảng hơn 10 ngày. Với một người bạn cùng khóa như Mỹ một bên, tôi có thể dễ quyết định mọi chuyện theo một hướng khác. Tốt hay xấu hơn, không thể biết được; nhưng chắc sẽ khác.
Mỹ ra đi năm đó, định cư ở Mỹ. Chúng tôi gặp mặt lại nhau lần đầu tiên trong ĐH3 - San Jose, năm 2004.)

Đám tụi tôi từ Tân An ra, tùy theo ưu thế về tốc độ, PBR đi trước, tới LCM8, kế đó là Alpha, Monitor, Tango, Zippo không theo một đội hình nào, nhưng cũng thành một hàng dài giửa sông. Từ lúc rời Tân An một khúc xa, hai bên bờ nhiều chổ đã xuất hiện lá cờ cộng quân xanh đỏ sao vàng cùng một ít bóng dáng có lẽ là đám du kích VC. Một vài đám đông có lẽ là dân chúng cũng tụ lại sát bờ sông nhìn đoàn tàu chúng tôi chỉ trỏ như nhìn một chuyện lạ. Ít nhất ngay lúc đó, tôi không thể đọc được trong lòng họ đang vui mừng hay đau khổ. Riêng tôi, tôi biết rất rõ mình đang tủi thân, chua xót. Khi chiến tranh tới hồi kết thúc theo kiểu nầy, chỉ có người đang cầm súng tới giờ chót mới thực sự là kẻ bại trận sao?

Tới chổ gặp nhau của 2 nhánh Vàm Cỏ, đám tụi tôi gặp một đám khác đi ra từ Bến Lức, một đám cũng giống như đám tàu của tụi tôi. Đoàn giang đỉnh bây giờ thành một đoàn dài gấp đôi.

Một lần nữa, giờ lại ngang quê tôi. Vàm Bà Nghĩa Sông Lưu của xã Tân Chánh giờ đang ở bên trái. Lần nầy LCM8 chọn lộ trình khoảng giửa dòng. Cứ một lúc lại gặp một số đông các chiếc ghe sông dân sự. Có chiếc với các nhà sư hoặc các ông cha trong trang phục tôn giáo. Họ ra dấu muốn quá giang chiếc LCM8 của tôi. Có chiếc trên đó các vị quỳ lạy ngay trên mui của chiếc ghe của mình, hướng về phía tụi tôi, tỏ ý van cầu. Chiếc LCM8 cứ tiếp tục chạy thẳng. Đám trên tàu tụi tôi lúc đó cũng không khá gì hơn. Chúng tôi cũng đang ở trong cái tâm trạng của một người đang bịnh nặng hết thuốc chửa, đang bó tay chờ chết. Còn không biết mình sẽ làm được gì cho chính mình, nói chi tới chuyện giúp đở người khác.

Khoảng sau 2 giờ chiều tôi ra tới giao điểm sông Vàm Cỏ và Soài Rạp. Lúc nầy chiếc LCM8 của tôi đang từ từ di chuyển sát bờ gần cột đèn đỏ bên địa phận Gò Công. Giảm máy chạy thật chậm để quan sát chung quanh. Từ chổ gần cột đèn đỏ đó nhìn về phía bắc, hướng Sài Gòn, bên kia sông bên trái là đồn Rạch Cát của Long An, bên phải là Lý Nhơn của Đặc Khu Rừng Sát. Lúc nầy trên mặt sông nằm trong cái tam giác: cột đèn đỏ Gò Công, đồn Rạch Cát và Lý Nhơn đã có mặt đủ thứ tàu bè. Trong cái sóng nước nhấp nhô dưới làn gió buổi xế trưa, chưa bao giờ tôi thấy có nhiều tàu bè như vậy, trôi nổi đặc sông. Đặc biệt nhiều nhất là loại tàu sông, các giang đỉnh như ALpha, Tango, Monitor, LCM6, ... tới đây như gặp phải một cái nút chận, bị kẹt đường, bị ứ đọng lại. Vì chổ nầy gần như là lằn ranh xa nhất, về hướng biển, các loại giang đỉnh nầy có thể tới được. Muốn ra xa hơn nữa, phải là loại tàu khác. LCM8 nhờ lớn hơn nên có thể ra xa hơn một chút và có thể chạy ven biển. Những thứ như tàu sắt, tàu cá có khả năng đi biển đang chiếm ưu thế. Những chiếc nầy đều đang chở đầy người, chạy không nhanh nhưng không lộ ra điều nào cho biết họ sẽ giảm tốc độ. Có nhiều dấu hiệu cho biết chỉ cần họ giảm tốc độ, mọi người đều ùa tới bám vào, hết còn dịp ra cửa.

(Địa điểm Cột Đèn Đỏ Gò Công: có ghi chú trong Sơ Đồ - ĐKRS, tiểu đoạn 2)

Chỉ mới tới chổ nầy chưa lâu, tôi đã chứng kiến một chiếc tàu sắt loại nhỏ đang từ phía trong sông Soài Rạp tiến ra hướng biển. Tàu sắt đã mang theo một số lượng người đã tương đối đông. Một chiếc monitor phe ta từ bờ Gò Công tiến ra giửa sông, trước hết dùng dấu hiệu tay ngỏ ý muốn chận lại. Chiếc monitor nầy không biết có phải từ trong đám tụi tôi từ Tân An ra tới đây không. Không cần mất công tìm hiểu cũng có thể biết ngay mục đích của chiếc monitor. Có gì khác hơn là muốn tìm phương tiện ra biển. Trước tiên, chiếc tàu sắt không tỏ chút nhượng bộ nào khi nhận được thủ hiệu của các thủy thủ trên chiếc monitor. Chỉ giảm tốc độ chút đỉnh khi có một loạt đạn đại liên chỉ thiên cảnh cáo. Chỉ ngừng hẳn khi có một quả 105 trực xạ, nổ tung mặt nước ngay gần phía trước mủi. Chuyện kế tiếp là chiếc monitor tiến tới, cặp vào cho cả nhóm thủy thủ leo qua. Chiếc monitor sau đó trở thành vô chủ, bắt đầu nhập bọn với các chiếc không người khác đang bập bềnh nổi trôi trên mặt sông.

Rồi thêm vài vụ tương tự xảy ra trong khoảnh khắc tiếp theo. Bản năng sinh tồn. Trong hiểm nguy phải dùng hết thủ đoạn. Mưu sinh thoát hiểm nếu không áp dụng hôm nay thì còn phải chờ đến bao giờ!!!

Điều bất ngờ là khoảng sau 3 giờ chiều, 2 đại thẩm quyền xuất hiện với đoàn tùy tùng. Cũng vẫn trên 2 chiếc PBR (vẫn với dàn M60), tiến về chiếc LCM8 mà tôi đang có mặt; tiến ra từ hướng đồn Rạch Cát. Không biết có phải 2 thẩm quyền đã ở đó trong hai ngày vừa qua. Bên cạnh 2 ông là đoàn tùy tùng gồm một số sĩ quan và HSQ. Trong đó tôi nhận ra ngay TrU Tư, và một Đ/U mà sau nầy tôi được biết tên Thu. Ngoài ra tôi cũng nhận ra ông sĩ quan bị trách phạt mấy ngày trước, giờ đang mặc thường phục.

ĐĐ tiến về phía tôi. Có vẻ hơi vội vàng, ông cho biết:

- Tôi đã mất nhiều thì giờ, nhưng cuối cùng cũng liên lạc được với BTL và nhiều bạn bè ở hạm đội. Hạm đội đang chờ ngoài cửa. Vì PBR không thể ra cửa được, tôi cần chiếc dùng chiếc LCM8 nầy để ra điểm hẹn ngoài đó. Nếu muốn, anh cũng nên theo chúng tôi. Theo kế hoạch, mình ra cửa tập họp; sau đó về miền Tây tiếp tục chiến đấu.

Tôi lại lâm vào cảnh tấn thối lưỡng nan, trầm ngâm và đắn đo. Dĩ nhiên là LCM8 nầy sẽ giao cho các thẩm quyền. Nhưng tới giờ phút nầy tôi cảm thấy rất cần biết tin tức của gia đình nhất là Dung của tôi. Hơn nữa, trong thâm tâm tôi thấy ngao ngán cái tập hợp nầy của các thẩm quyền. Tôi vẫn còn nhớ mẫu tin có mấy chử "bình sa lạc nhạn". Tôi có tánh nhớ dai. Cũng một lần nữa, tôi lại ước ao phải chi tôi có một người mà tôi tin tưởng để có thể cùng nhau quyết định trong lúc nầy. Tuy nhiên tôi cũng không có nhiều thì giờ, lúc nầy mọi người đều đang nóng lòng, rất gấp muốn rời khỏi nơi đây. Cuối cùng tôi cho ông biết là mình chọn lựa rời chiếc LCM8.

Lúc nầy hàng mấy chục chiếc PBR đang bập bềnh, trôi nổi tại ngã ba sông. Có chiếc với vài thủy thủ, có chiếc trống trơn, không có một bóng người. Tôi vẫy tay hướng về một chiếc đang có người lái, nó đến cặp vào chiếc LCM8. Anh HSQ đang ở tay lái hỏi tôi:

- Tr/U muốn về Sài Gòn hả?

Tôi gật đầu xác nhận, rồi bước qua. Đ/U Thu cùng bước theo qua chiếc PBR với tôi; còn có thêm vài thủy thủ nữa. Tổng cộng Đ/U Thu, tôi và 4 thủy thủ. Chúng tôi bắt đầu rời xa chiếc LCM8, hướng về phía thượng nguồn sông Soài Rạp. Lúc nầy trên sông Soài Rạp, tàu thuyền lớn nhỏ nườm nượp từ trong túa ra càng lúc càng nhiều. Chỉ một số rất ít hành động như chiếc PBR của tụi tôi, như nhạn lạc bầy, lại theo chiều ngược lại, chạy vô, không giống ai.

Khoảng sau 4 giờ chiều khi chiếc PBR gần tới Quảng Xuyên, chúng tôi thấy một chiếc LSM đang chạy ra, cờ trắng được kéo lên trên đài chỉ huy.

(Sau nầy có dịp nghĩ lại. Thật là lạ, kéo cờ trắng mà lại chạy ra. Trong khi tôi chạy vào lại không có treo gì hết.)

Từ đàng xa đã thấy tàu chở đầy người. Lúc tới gần càng thấy rõ hơn. Một rừng người. Người đứng đầy cả từ đài chỉ huy xuống cả 2 bên bong tàu, đầy cả sân sau. Tôi có cảm giác trên tàu toàn là dân sự. Y phục dân sự che khuất hết màu hải quân. Lúc còn cách không xa chiếc LSM, tôi ghé tai anh thủy đang lái:

- Anh từ từ chạy sát vô, tôi muốn nhìn gần một chút.

Chiếc PBR của tôi liền giảm tốc độ từ từ tiến sát phía tả hạm của chiếc LSM. Không lâu sau, tôi liền đọc được con số 402 bên hông. Thì ra là HQ 402, đang chở đầy người, chạy cũng không nhanh lắm, nếu không nói là có vẻ ì ạch. Ngay lúc đó tôi bỗng nghe một loạt các âm thanh lộn xộn dường như phát ra từ một chiếc loa ở nơi nào đó trên chiếc 402, lẫn lộn với âm thanh từ miệng của nhiều người:

- Sài Gòn mất rồi. Còn về làm gì?

Chính cái âm thanh nầy, tôi bỗng thấy nao nao và tự dưng khựng lại. Tôi bắt đầu suy xét lại cái quyết định trở về của mình cách đây khoảng trên dưới một tiếng đồng hồ. Đương nhiên là tôi biết Sài Gòn đã mất rồi!!!. Đương nhiên là tôi biết giờ nầy mà chạy vô là điên rồ !!!. Cứ nghĩ đến số đông dân sự đang ở trên chiếc 402, người ta là dân sự mà còn có cơ hội có được một chổ ở trên đó với chiếc 402, còn mình thân là hải quân, ngon lành hơn nữa là sĩ quan hải quân, mà lại phải về Sài Gòn để rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Tôi bỗng cảm thấy uất ức, ngậm ngùi, cay đắng ,... Rồi tôi xoay qua người thủy thủ đang lái chiếc PBR, ngỏ ý muốn quay lại đuổi theo chiếc 402. Lột xuống cái áo giáp, tôi còn trên người bộ quân phục tím nhầu nát nhưng lon lá đàng hoàng, cũng giày bốt đờ sô, cũng nón đi biển. Bây giờ chiếc PBR đuổi theo, vẫn bên tả hạm của chiếc 402. Tôi đưa tay làm vài động tác chỉ trỏ ngầm tỏ ước muốn được lên chiếc 402. Tôi nghe ở đâu đó từ trên tàu, có lẽ từ đài chỉ huy, phát lên giọng nói chắc cũng từ một cái loa:

- Tàu đang chạy có một giò lại đang tình trạng nhiệm sở tác chiến. Không thể giảm máy được, tùy Tr/U làm cách nào để lên được tàu, chúng tôi không thể làm gì khác.

Một lúc sau, chiếc PBR đã ngang sát bên hông phía gần trước, bên trái chiến hạm. Với lên một chút, tay tôi đã chạm ngay phần dưới cái lưới an toàn cho hạm kiều, cái lưới đang được thả một phần dọc bên hông trong khi hải hành. Nhìn lên, giửa một rừng người, tôi có thể thấy mấy bàn tay thủy thủ đang nắm phần trên của cái lưới. Tôi biết, chỉ cần hai tay nắm chặc lưới, chân đặt lên các lỗ lưới, trong tích tắc tôi sẽ được kéo lên mặt của sàn tàu. Vậy mà quái ác thay ngay lúc đó cái tâm trạng phân vân, đi hay ở, một lần nữa trở lại.

Chỉ cần một chút phân vân thôi. Và lần nầy tôi bị trừng phạt một cách đích đáng. Một làn sóng nhẹ lay động mặt nước làm chiếc PBR lắc ngang đập vào hông chiếc 402. Khi hiểu chuyện gì xảy ra, tôi kinh hoàng biết là mình đã đáp xuống mặt sông, đang trôi lần về phía đuôi của chiếc 402. Lúc đó tôi chỉ còn kịp biết mình đang trôi bên hông của chiến hạm. Tôi biết ngay chuyện kết tiếp có thể là, nếu nặng thì bị chân vịt tàu chặt nát thây, nhẹ hơn thì cũng là chết đuối. Lập tức tôi hiểu ra hiện trạng nguy ngập của mình, lập tức tính toán thật nhanh trong đầu. Tôi đang mặc trên người bộ quân phục tím với cái áo 4 túi. Cái mũ đi biển đã không còn ở trên đầu, rơi đâu mất. Nhưng bốt đờ sô thì vẫn còn ở đôi chân, hơn nữa có zipper đàng hoàng. Và tôi đang trôi sát bên hông chiếc 402. Rất nhanh thôi tôi sẽ tới ngang phần cuối ngang với cái chân vịt. Tôi biết tôi phải chuẩn bị đón nhận cái sức cuốn to lớn ập tới, nhận xuống rồi lại kéo lên của cái chân vịt.

Chuyện đã xảy ra đúng như vậy. Và tôi đã phản ứng khá chính xác. Khi còn ở trên mặt nước tôi vội hít vào một ngụm thở đầy đủ chờ bị nhận xuống nước; đồng thời chờ cơ hội trở lên lại mặt nước để được thở thêm một lần. Đồng thời tôi còn phải đủ bình tĩnh dùng tay trái từ từ kéo mở cái zipper của một chiếc bốt đờ sô, lột nó ra khỏi chân, chuyển nó qua cho bàn tay phải bên kia nắm giử. Xong được một, tôi làm tiếp chiếc thứ hai. Khi giải quyết xong những rắc rối của đôi giày thì đôi chân đã được thoải mái hơn không biết bao nhiêu lần. Cùng lúc, vòng nước xoáy của cái chân vịt cũng kéo tôi xuống đưa tôi lên cũng hai ba lần. Lúc nầy chiếc 402 đã tà tà cách xa cả trăm thước. Tôi bây giờ đang ở giửa dòng sông Soài Rạp, cách cái địa điểm cái dinh quận Quảng Xuyên bao không xa. Chợt trong lòng tôi có một nổi thê lương. Nếu tôi phải táng thân nơi đây, ở dòng sông nầy, gia đình làm sao biết được, Dung làm sao biết. Việc kế tiếp là phải bình tĩnh bằng mọi giá bơi tấp vào bờ rồi mới tính nữa. Cả mấy ngày qua ý tưởng cứ "làm rồi mới tính nữa" xảy ra hoài.

Tuy nhiên, lần này tôi lại không phải tính toán, lo lắng lâu. Chỉ chốc lát sau, trên mặt nước chiếc PBR thần kỳ của tôi đã quay trở lại. Tôi đưa một tay đón lấy mấy cánh tay đang với xuống. Họ kéo tôi lên. Thật buồn cười, tay kia của tôi vẫn còn giử được đôi giày. Một giọng nói vang lên:

- Thôi, quên đi không chạy theo nó nữa. Mình về luôn nghe ông thầy.

Uể oải tôi chỉ im lặng gật đầu. Được những thủy thủ không quen biết nầy quay lại vớt lên đã là quá may mắn. Lúc nãy họ có thể thẳng đường chạy luôn. Tôi cũng biết giới hạn của mình trong lúc nầy. Trong giờ phút hồn ai nấy giử nầy mà còn đòi tiếp tục chạy theo chiếc 402 một lần nữa, tôi chắc điên.
Lúc chạy ngang qua một cái tắc nhỏ ở Bình Khánh, phía đối diện với căn cứ Nhà Bè, có một đám du kích VC xách súng xông ra, có dấu hiệu muốn chặn chiếc PBR của chúng tôi lại. Cả nhóm trên giang đỉnh nhanh chóng quyết định là không thể dừng lại chổ nầy. Ít ra cho tới giờ nầy đám tụi tôi cũng chẳng còn gì để mất, phải bằng mọi giá về tới nhà. Tiếp theo tất cả ngồi vào vị trí các ổ súng trên tàu sẵn sàng để phản ứng chống trả. Nhưng cuối cùng, không có gì xảy ra. Cọp què, xuống đồng bằng không ngờ cũng còn ráng giử lại chút oai phong.

Khoảng 8 giờ tối chiếc PBR cũng tới được Khánh Hội. Thấy đạt được mục đích, chiếc PBR lặng lẽ cặp vào một góc tối của cầu tàu thuộc Kho 5, đâu đó dọc theo đường Trình Minh Thế. Đậu ở chổ lẫn lộn với nhiều loại ghe thuyền khác. Chuyện đầu tiên của tôi là bước qua một bên tàu, nghiêng mình thả nhẹ khẩu colt 45 của mình xuống nước sát bên cầu tàu. Phía bên kia Đ/U Thu cũng làm như vậy. Một lúc sau mấy tay thủy thủ lên bờ. Sau đó không biết tụi nó kiếm ở đâu ra cho mỗi người một cái áo dân sự để khoát vào. Rồi tất cả ngồi im trong lòng chiếc PBR, mệt nhọc sau một ngày đầy biến động.

Trên đường về tới đây tôi có dịp nói chuyện nên biết thêm một chút về anh sĩ quan đồng hành. Đ/U Thu là tùy viên của ĐĐ, anh có gia đình khá giả đâu đó ở thị xã Mỹ Tho. Anh cho biết gia đình dưới đó nhắn tin có kế hoạch do gia đình đã sắp xếp sẵn. Chỉ cần về đến Mỹ Tho, anh sẽ cùng với gia đình ra Phú Quốc. Lúc được tin nầy từ gia đình, anh đã ra tới ngoài cửa cùng ĐĐ. Nếu biết sớm hơn, anh đã có thể đi theo mấy giang đỉnh qua ngã Kinh Chợ Gạo thì tiện hơn rất nhiều. Anh định sáng sớm hôm sau, sau khi rời đây, sẽ nhanh chóng về Mỹ Tho để theo cách sắp xếp của gia đình.

Trong đêm chúng tôi còn gặp một trục trặc nhỏ. Bỗng đâu có một toán 5, 6 thằng nhóc nhỏ trong y phục nhà binh lẫn dân sự, tay đeo băng đỏ tạt qua hỏi han, dòm ngó. Sau đó đề nghị bọn tôi nên tức khắc ra văn phòng phường gần đó trình diện để được cấp giấy chứng nhận của chính quyền mới. Với dáng dấp giống NDTV của đám nầy, tụi tôi quyết định phải tránh né việc trình diện tại đây đêm nay. Tụi tôi câu giờ bằng cách hứa sẽ đến phường trình diện ngay để cho bọn chúng quay đi. Đợi bọn chúng rời đi xong, tụi tôi im lặng và cẩn thận dời tàu qua một địa điểm khác.

Cố gắng chợp mắt được mấy tiếng đồng hồ thì trời đã rạng sáng. Khi nghe những tiếng ồn ào của xe cộ đầu tiên, cả đám bật dậy bắt đầu chuẩn bị rời địa điểm. Chúng tôi bắt tay nhau từ giả từng người, những người bạn đồng hành trong một đoạn đời chưa tới một ngày. Chỉ một ngày thôi nhưng dài như cả trăm năm. Không cách nào biết được sẽ còn có dịp gặp lại. Sau cùng mọi người phân tán lên từng chiếc xe lam đang đến. Tôi bước lên một chiếc. Trên xe lam tôi có dịp quan sát hai bên đoạn đường ngắn ngủi từ Khánh Hội vào trung tâm Sài Gòn. Cứ cách một khoảng lại thấy vài đám cháy nhỏ, chổ nào cũng thấy rác rưới, dơ bẩn. Người tài xế xe lam cho biết. Người ta bỏ đi nhiều lắm. Nhiều đám phá phách nổi lên đập phá, hôi của, gây ra các đám cháy. Các kho chứa hàng quanh đây bị đập phá tan hoang.

Mới đổi chủ chưa được trọn một ngày mà thành phố Sài Gòn sáng ngày 1 tháng 5 đã thật tang thương. Thành phố thân yêu của tôi đã mang một bộ mặt hoàn toàn xa lạ mặc dù tôi mới xa nó chỉ hơn mười ngày. Tôi thấy lòng mình đang thổn thức.



Sau khi ra tù chừng hơn một năm, khoảng đầu tháng 7 mùa mưa năm 1979, tôi bỏ nhà ra đi trong khi còn đang bị quản thúc (VC gọi là "quản chế") tại xã Tân Chánh. Lúc ấy chương trình trục xuất người Hoa của VC lên cao. Trục xuất để cướp của. Việc trục xuất gây nên phong trào "đăng ký" ra nước ngoài của người Hoa. Trương, một người bạn tù tới tìm với ý định giới thiệu tôi làm tài công cho một chiếc ghe đăng ký ở Bạc Liêu. Trong tù tôi nhờ khá khỏe hơn và không có tánh câu nệ nên từng ra tay nghĩa hiệp giúp đở và gánh vác giùm Trương một số chuyện nặng nhọc. Ngoài ra cũng có mấy lần tận tình săn sóc Trương khi anh bị bệnh nặng. Khi làm những điều đó tôi hoàn toàn nghĩ mình làm cái cần làm, trong khả năng của mình. Không ngờ rằng hoàn cảnh gia đình Trương có chút đặc biệt. Má anh, người Việt là vợ thứ của một người Tiều (Triều Châu). Gia đình anh nằm trong một nhóm xưa kia là tài phiệt lúa gạo miền Tây, nhóm người Tiều nầy đa số ở Bãi Sào, Sóc Trăng. Tôi ở tù về sau anh khá lâu. Khi nhóm người Tiều của gia đình anh cần người lái ghe, anh nhớ tới tôi. Trương ghé qua nhà gặp mấy đứa em bà xã tôi ở Sài Gòn. Nghe tin tôi đã về, anh bắn tin ngỏ ý muốn gặp tôi. Ý định của anh một phần là do nghĩ tới chút ơn xưa đồng thời cũng muốn giao số phận của gia đình mình cho một người mà anh nghĩ là có thể tin cậy được.

Thật ra thì trước khi nhận được tin của anh, tôi cũng đã từng tham gia mấy lần các tổ chức vượt biên, loại "đi chui", nhưng rốt cuộc cũng chưa tới đâu. Càng thất bại, sự mất kiên nhẫn của tôi càng lớn lên.
Khi ra khỏi tù, tôi về nhà ông già vợ ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật thuộc quận 3 Sài Gòn. Chỉ mấy ngày sau, khi ra phường trình diện thì lập tức bị buộc phải hồi hương về quê củ ở xã Tân Chánh với má tôi và cô em gái.

Từ khi về quê hương Tân Chánh thân yêu của mình, cứ 2 tuần 1 lần tôi phải vô xã để rồi sau đó ra quận trình diện theo quy định dành cho người bị quản thúc. Thời gian quản thúc nầy không biết sẽ kéo dài đến lúc nào. Ngoài ra, những ngày có chuyện gì được chính quyền VC coi là quan trọng thì tôi và những người đồng cảnh ngộ đều bị gọi vào văn phòng xã, ngồi trong đó suốt ngày. Những ngày loại đó có thể là ngày đổi tiền, ngày bầu cử, ngày quốc khánh VC hay ngay cả những lúc chính quyền địa phương cần các công tác tạp dịch như đắp đường, đốn cây, đốn lá dừa nước để lợp nhà, ..., . Có điều tức cười là dù có muốn lặn kỹ như thế nào đi nữa, tôi vẫn có số làm lớn. Do có cấp bậc ở chế độ củ là Tr/U, tôi được đối xử gần như đầu sỏ của cái nhóm chỉ 3, 4 mạng mà VC cho là thuộc thành phần "ác ôn". Mấy người còn lại gồm có Quán và Tất (cùng là ThU chế độ củ, là dân Sài Gòn bị ép buộc hồi hương về đây với ruột thịt trong gia đình). Đặc biệt nhất trong nhóm có hai Tổng, người cùng ấp Đình lớn hơn tôi 6, 7 tuổi. Hai Tổng đi theo du kích lúc nào đó những năm 1961, 1962 đã từng bị gởi tham dự trận Ấp Bắc, Mỹ Tho, may mắn còn sống sót trở về. Sau đó có một thời từng là cựu trưởng công an xã khoảng những năm trước 1967, 1968 trong vùng xôi đậu nầy, uy quyền sanh sát một cỏi, hai bàn tay chắc cũng từng dính nhiều máu dân lành vô tội. Những năm 1972, 1973, khi chương trình Xây Dựng Nông Thôn thành công, hạ tầng cơ sở VC bị tan rã. Chịu không nổi, hai Tổng phải ra hồi chánh, nên ông bị VC xếp vào thành phần phản bội, được "hân hạnh" xếp hạng loại "ác ôn" cùng nhóm với tụi tôi.

Từ ngày tôi còn nhỏ, gia đình tôi vốn nghèo nhưng ba má tôi lúc nào cũng cố gắng lo cho mấy anh em tôi học hành đàng hoàng. Lúc nào cũng hy vọng việc học hành sẽ là cơ hội cho các con mình vươn lên. Mấy anh em tụi tôi đứa nào cũng học hành rất được. Do vậy từ trước mặc dù nghèo thật nghèo, gia đình tôi cũng rất ít khi bị người cùng quê xem thường hay khinh rẻ. Thế nhưng sau cuộc đổi dời nầy, mọi chuyện đều khác hẳn. Xã hội mới trong những năm đó đề cao nhiều vào sự dốt nát nên người có chút học hành thành đạt ngày xưa hoàn toàn không còn chút ý nghĩa nào nữa, nếu không muốn nói là bị cô lập. Gia đình tôi rơi vào một hoàn cảnh mới. Những người trước giờ không thích gia đình tôi bây giờ lại có dịp nhìn gia đình tôi với ánh mắt hả hê. Còn người trước giờ gần gủi thân thích thì giờ đây lại nhìn với ánh mắt thương hại, cũng không biết là thiệt hay giả. Trong khi tôi chỉ muốn mình là một con người bình thường giống như bao người khác, cả hai loại ánh mắt nầy đều làm tôi thấy bực mình.


Bà già may mắn còn giử được một ít ruộng hương hỏa do bên ngoại để lại. Bây giờ phải tự túc canh tác, tự túc mọi chuyện. Phải tự túc vì sau mấy đợt đổi tiền, theo quy định nhà nào cũng chỉ được có một số tiền nhỏ nhoi, vài ba trăm bạc. Đời sống gia đình bà già có tôi trong đó bây giờ chỉ trông vào miếng ruộng. Bà xã tôi lúc nầy tuy vẫn còn đi dạy học ở ngoài quận lỵ Cần Đước, lương VC có nhưng cũng không đáng bao nhiêu. Nếu không có miếng ruộng của bà già tôi thì chắc vợ chồng tôi còn khốn đốn hơn nhiều. Một điều rõ ràng là gia đình tôi không đủ sức mướn nhân công để canh tác vì quá tốn kém và đầy bất trắc. Bỏ tiền mướn nhân công, nếu là mùa thu hoạch bình thường thì cũng không biết có đủ để trang trải hay không. Nhưng nếu bị mất mùa thì tiêu tùng là cái chắc. Có nghĩa là tốt hơn hết tôi phải tự cuốc đất, gieo mạ, cấy trồng, ..... tự làm đủ mọi thứ. Cũng may là phần lớn công việc đồng áng tôi đã vô cùng quen thuộc từ thuở nhỏ. Tuy không thuộc thành phần nông dân chuyên nghiệp, những món như cuốc đất, gieo mạ, tát nước, nhổ mạ, cắt cỏ, bón phân, đập lúa, ... tôi đều miễn cưỡng tự làm được.

Tuy nhiên còn có một việc tôi chưa bao giờ làm; cũng như chưa từng thấy người khác làm. Mà bây giờ phải làm. Đó là việc cày ruộng thay trâu. Thật ra thì cuốc có thể dùng thay cày nhưng rất chậm, khó làm kịp đòi hỏi của thời tiết. Cũng may là còn một số bà con gần gủi, coi như đồng cảnh ngộ. Một nhóm tụi tôi thành lập một đội cày, chỉ dùng sức người, theo hình thức xây tua, thay phiên cày đất của từng người trong nhóm. Và dùng sức người thay trâu. Đội cày có 5 trự. Sắp theo đội hình 2, 2, 1. Số 1 đi cuối là người cầm cày, người quan trọng nhất, thực sự có kinh nghiệm biết cầm cày, biết giử thế cho đường cày không sâu không cạn. Cạn quá thì đất sẽ không đủ xốp. Sâu quá thì quá sức, mệt không làm nổi. Người cầm cày chỉ dùng sức mỗi khi kéo trở đầu cái cày để đổi hướng ở cuối luống cày, Ngoài ra người cầm cày chỉ cần sự khéo léo của cánh tay phải. Nói chung người cầm cày là người quan trọng nhất nhưng ít dùng sức nhất.

Bộ tứ trụ ở trước mới là thành phần tạo ra sức chính. Làm một con tính sơ sơ, sức được dùng của 4 người tương đương với sức 2 con trâu. Bốn người phía trước tạo thành hai hàng, mang hai cái ách. Dưới một cái ách, có 2 người, trái phải đề huề. Lý tưởng nhất là 2 người đồng sức. Nếu có sự chênh lệch về sức thì người yếu hơn sẽ bị thiệt thòi mỏi mệt hơn. Tôi từ nhỏ là niềm hy vọng của gia đình. Mặc dù gia đình nghèo, khi phụ giúp gia đình, tôi phải làm nhiều loại chuyện nhưng chưa có công việc nào tương đương với loại chuyện người thế trâu nầy. Bây giờ thì không xong. Khi bước xuống ruộng cày, tôi phải làm thế nào giử thế cân bằng với thằng cùng hàng, phía bên kia. Thua là chắc chắn. Thua đậm.

Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
(Kiều)

Kết quả thì khỏi phải nói. Sau mỗi một ngày cày, thường thì vai trái tôi chổ mang cái ách gần như tê liệt hoàn toàn, không còn một chút cảm giác nào. Cái phương pháp cày bằng sức người nầy quả thực phi thường lợi hại.

Mùa cày đi qua. Rồi mùa lúa cũng đi qua. Mùa lúa năm đó vùng tôi ở bị thất thu nặng. Nhưng thật may mắn và cũng không hiểu sao năm đó ruộng gia đình tôi lại có kết quả không tệ. Tôi còn nhớ năm đó ở quê tôi người ta mất mùa, nạn gặt trộm lúa xảy ra nhiều nơi. Đến độ gia đình nào có lúa sắp chín đều phải tự tổ chức canh gát ruộng của mình. Ỷ mình là đầu sỏ bọn "ác ôn", đám trộm cướp chắc không dám đụng tới, tôi cũng canh gác nhưng chỉ một cách rất sơ sài. Vậy mà ruộng lúa của gia đình tôi năm đó lại không bị mất trộm lần nào.

Tiếp đến mùa lúa năm đó cũng đi qua, mọi chuyện đều êm đẹp. Năm 1979 tiếp theo, mùa mưa vừa bắt đầu để báo hiệu cho mùa cày sắp đến. Kinh cung chi điểu, hình ảnh cái đội hình 2, 2, 1 lại một lần nữa đe dọa hiện về. Khoảng thời gian ấy tôi nhận được tin nhắn của Trương, người bạn tù ngày xưa gởi đến.

Tôi vào xã xin cái giấy phép 2 tuần đi Sài Gòn lấy lý do thăm ông già vợ đang bị bệnh. Thế là tôi lên Sài Gòn gặp mặt Trương rồi đến gặp nhóm tổ chức lúc đó có mặt ở Sài Gòn. Họ nói sơ về chuyến đi đồng thời cho người khảo hạch tôi một số kinh nghiệm chuyên môn của dân biết đi biển. Tôi qua cửa ải khảo hạch không mấy khó. Khi biết tôi có đầy đủ kiến thức lẫn kinh nghiệm cho cả đi biển lẫn đi sông, có thể trực tiếp lái ghe buôn, lẫn tàu giang đoàn; đã từng thực tập trên Hạm Đội 7, từng theo tàu đến Guam sửa chửa, họ cho thấy rất hài lòng. Họ cũng cho biết một ít tin tức một số cá nhân trong tổ chức có thể là để tôi tin tưởng vào bề thế làm ăn của họ. Trước đó bà già của Trương mà mọi người gọi là cô Tư, và ông Kiều đều biết được lý lịch thật của tôi là một sĩ quan hải quân của chế độ củ. Dĩ nhiên họ biết được tình trạng của tôi qua Trương. Về việc nầy họ trấn an bằng cách cho biết có thể cung cấp ngay một căn cước (VC gọi là chứng minh nhân dân) giả mang tên người Hoa; nghề nghiệp tài công tàu đánh cá đâu đó ở Cà Mau. Tôi thực sự thấy an tâm về cách sắp xếp có vẻ quá dễ dàng nhưng chắc ăn của bọn họ. Cộng thêm cái viễn ảnh đen tối của mùa cày thay trâu cơ hồ đang đe dọa tiến tới gần, tôi quyết định nhận lời một cách không mấy khó khăn, chỉ sau chút ít do dự.

(Cho tới ngày rời VN 1980, tôi vẫn còn bị quản thúc, chưa được trả quyền công dân nên cũng chưa bao giờ có chứng minh nhân dân thứ thiệt.
Sau nầy tôi mới có dịp biết thêm về loại chứng minh nhân dân thời VC với cái tên người Hoa. Những đám tổ chức "đăng ký" có cả đống giấy tờ loại không có hình nầy, do những người Hoa đã ra đi để lại)

Chỉ có điều là một khi nhận lời làm tài công với nhóm chủ ghe cũng có nghĩa là tôi phải rời nhà ra đi. Ban tổ chức không chấp nhận cái kiểu tôi cứ tiếp tục ở nhà, chờ đến gần lúc ghe ra đi mới nhập bọn. Có thể họ muốn chắc ăn, không cho tôi có cơ hội để đổi ý, gây lộn xộn vào giờ chót. Thế là tôi bỏ nhà ra đi, xuống tận cái xứ của công tử Bạc Liêu chờ ngày lên đường.

Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Mà xem con Tạo xoay dần đến đâu
(Kiều)

Có một chuyện đã xảy ra trong lúc đó làm tôi nhớ mãi tới bây giờ. Chuyện có thể cho là một chi tiết nhỏ tí ti trong đời sống, có một chút đáng buồn cười với nhiều người; nhưng lúc đó tôi thấy buồn thấm thía. Đó là trước lúc rời nhà muốn có một chút tiền để chuẩn bị mà không biết xoay xở cách nào. Cuối cùng tôi đã phải đem cái áo dạ hải quân tôi có được lúc đi thực tập đệ thất hạm đội và bộ đồ vest may lúc đám cưới bán cho một ông anh bà con. Hai món bán được giá 4 tờ già hồ. (1 tờ hình già hồ = $50 VC)

Trở lại chuyện nhóm người Tiều. Ngoài mặt nhóm người Tiều nầy làm ăn lớn và có uy tín thật. Họ có thật nhiều tiền. Do đó họ có thể sắp xếp nói năng mọi chuyện đâu ra đó. Ông chủ ghe tên Kiều, một tay tài phiệt lúa gạo miền Tây ngày xưa, là sếp nhóm. Ông ta lớn mập, tướng người phương phi ngồi chủ tọa buổi họp như là một tư lệnh. Chung quanh ông Kiều là một băng 7, 8 tay chắc cũng toàn là cớm, nghe lệnh ông răm rắp. Khi chấm dứt buổi gặp mặt sửa soạn ra về, ông chủ Kiều liền đưa mấy tờ giấy hình già Hồ, ông nói tiếng Việt giọng cứng lơ lớ:

- Lứ đưa cái nầy cho "nó", lúc nầy mọi gia đình đều gặp khó khăn.

Chắc ông nghĩ tôi là trụ cột gia đình, vắng nhà chắc gia đình bị khó khăn. Tại thời điểm đó vài tờ giấy 50 đồng là một số tiền không nhỏ đối với gia đình tôi. Nếu biết trước điều nầy tôi đã không vội bán cái áo dạ hải quân và bộ vest đám cưới của tôi.

Bỗng nhiên cuộc đời tôi bước vào một giai đoạn mới. Mới mấy ngày trước tôi còn te tua bị coi như một miếng giẻ rách tại quê tôi xã Tân Chánh. Mới mấy ngày trước chỉ sau mấy trận mưa đầu mùa, tôi đã đi ngay vào ác mộng với cái đội hình 2, 2, 1, người cày thay trâu. Vậy mà chỉ cần bắt đầu nhận cái vai tài công, mọi việc liền đổi khác. Tôi tự nhiên được coi trọng. Hy vọng đây không phải một giấc Nam Kha.

Tôi trở thành một người Hoa có tên là Lâm Đồng Khánh, tài công ghe đi bán chính thức tại cái xứ của công tử Bạc Liêu:

Bạc Liêu là xứ cơ cầu
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu

Khi chấp nhận việc xuống Bạc Liêu cũng có nghĩa là Dung cũng phải chấm dứt cái nghề dạy học mà mình yêu thích. Sau lúc tụi tôi làm đám cưới năm 1974, Dung đã rời trường Trung Học Đệ II Cấp Gò Công về dạy ngay tại quê nhà Cần Đước. Trường nơi Dung dạy ngay sát bên, cổng trường chỉ hơi xéo bên trái một chút với cửa nhà, chỉ cần bước qua bên kia đường, không quá 100 bước. Đây là ngôi trường Trung Học của 2 đứa tụi tôi từ năm đệ thất cho tới năm đệ nhị. Cùng một bên với nhà, đối diện với trường trung học là trường tiểu học nơi tụi tôi theo học từ thuở lớp 5.

Từ khi về dạy ở Cần Đước, Dung cũng có một đám học trò ruột. Một đám không quá chục đứa, trong đó gồm có con cháu các gia đình chế độ củ hoặc con nhà nghèo. Khi học trò vì có gốc chính quyền củ bị cư xử bất công thì bà thầy ra tay bênh vực hay tìm cách an ủi, chia xẻ; dĩ nhiên chỉ dám ngấm ngầm thôi. Bù lại khi đi lao động cực nhọc thì học trò gồng gánh lại cho bà cô yếu đuối. Ngày qua ngày, những việc như vậy tạo thành một nhóm thầy trò gắn bó đùm bọc nhau cũng đã một số năm. Một loại tình nghĩa gầy dựng do đồng cảnh ngộ, thoạt nhìn có vẻ thật mỏng manh đơn giản, nhưng mà đủ để tin tưởng lẫn nhau. Nhưng không còn cách nào khác, một khi tôi rời nhà rồi, Dung không còn dám về Cần Đước nữa. Tụi tôi không muốn gặp phải chuyện lỡ hẹn trước giờ lên đường một lần nữa. Bài học năm đó vẫn chưa quên. 

Mấy tuần sau khi tôi không vào trình diện theo định kỳ 2 tuần, lúc đầu trong xã cũng không bận tâm lắm. Từ lúc về đây tôi đã như con cá nằm trên thớt, họ đâu thèm quan tâm. Với họ cá trên thớt, nếu nằm yên thì còn nấn ná sống thêm được một lúc. Nếu còn dám giẫy giụa, chỉ còn bị đập đầu sớm. Nhiều khi họ còn đang mong chờ tôi giẫy giụa. Thêm một tuần nữa, thì công an xã bắt đầu tới tìm bà già. Túng quá không biết ứng phó làm sao, bà già phải chơi bạo bằng cách đổ thừa là tại chính quyền xã cấp giấy thông hành, là bà đâu có biết gì. Trước đó, gia đình hai bên cũng đã tung tin là tôi đã một mình vượt biên và đã đến Mỹ. Một điều rất hay trong dân gian là, tin được tung ra thì sau mỗi lúc lại được miệng đời tự động thêm thắt chút đỉnh hành tiêu tỏi ớt. Chỉ cần không lâu sau, câu chuyện có đủ tình tiết éo le hơn được lưu truyền trong một khu vực rộng lớn trong đám quen biết. Rằng chàng sĩ quan hải quân chế độ củ năm nào, thuộc thành phần "ác ôn", hư đốn, được vợ nuôi nấng trong lúc đi ở tù, giờ trở nên bội bạc bỏ đi một mình. Những loại tin thêu dệt như vậy thật là buồn cười nhưng lại là những thứ mà tụi tôi rất cần trong lúc nầy, càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên bên cạnh xì xầm loại đó, cũng có những gia đình quen thân bắt đầu đến nhà bà già vợ chúc mừng về việc có được thằng rể thành công vượt biên ra nước ngoài. Dĩ nhiên tôi vẫn còn nằm ở Bạc Liêu, nghe lời chúc mừng nầy càng tan nát cả cỏi lòng, thầm ca bài "Phải chi mình đang ở Mỹ !!!"

Sau đó công an tỉnh cũng xuống viếng hù dọa 2 bà già 2 bên gia đình vài lần, dụ khị 2 bà đem con đem rể ra trình diện để nhận khoan hồng. Rồi mọi chuyện đi vào quên lảng. Lúc nầy các phong trào vượt biển lên cao; được coi như là một quốc sách của VC. Việc tôi đã ra đi nhiều khi lại phù hợp với quốc sách gian manh nầy của họ. 

Xuống tới Bạc Liêu tầm nhìn của tôi về việc vượt biên càng được mở rộng hơn. Chỉ sáng ngày đầu tiên khi bước ra tiệm cà phê ăn sáng tôi đã thấy nhiều đám người Hoa bàn tán ồn ào về các tin tức liên quan đến chiếc ghe nầy chiếc tàu kia. Những người chuẩn bị cho chiếc ghe đăng ký sắp lên đường di chuyển trên các loại xe lôi xe kéo. Hết đám nầy, đến đám khác họ kéo hành lý tấp nập trên đường phố, ra vô ăn sáng, ... Mọi chuyện như đều công khai.

Xuống tới Bạc Liêu tôi thấy rất thoải mái so với đời sống tại Tân Chánh. Xuống tới đây dường như tôi còn có một chút hy vọng. Ít ra ở đây tôi có dịp gặp được nhiều người mình có thể nói chuyện một cách bớt kiêng kỵ. Ít ra ở đây tôi không phải đương đầu với những loại ánh mắt hả hê hay thương hại mà tôi chán ghét. Dĩ nhiên lúc nào tôi cũng biết ở đời phải luôn luôn phải nghĩ đến những điều bất trắc. Tuy nhiên nếu đây là cái bắt đầu để sau cùng sẽ thành công theo được đám người Hoa nầy ra khơi thì tôi có thể trả bằng mọi giá.

Tổ chức người Tiều nầy đối với tôi rất đàng hoàng. Họ rất coi trọng tài công và tài cải (thợ máy). Bỏ qua cái thắc mắc tiền đâu mà họ xài như nước vậy, tiêu chuẩn chiêu đải tài công và thợ máy của họ rất cao. Mỗi sáng thức dậy, rửa mặt đánh răng xong đã thấy củ (cậu, chú) Phì, người Sóc Trăng đứng chờ sẵn. Vai trò của ông cũng giống như một Quản Nội Trưởng của chiếc ghe. Mỗi sáng ông đứng đó chờ mời tôi và tài cải đi uống cà phê ăn sáng. Cả một thời đại lễ tiểu lễ, lon lá tôi chưa bao được đải ngộ ngon lành như vậy.

Dưới củ Phì là hia (anh) Đức, một người Tiều cũng là một chức sắc cấp thấp của nhóm chủ ghe. Trước lúc xuống ghe nầy, theo tôi nghe được, anh là một quản gia thân cận của ông Kiều ở Bãi Sào, Sóc Trăng. Công việc dưới ghe của anh như là một tiếp vụ lo hết chuyện cơm nước. Tài nghệ nấu ăn của anh cũng thường nhưng việc chuẩn bị cho việc nhậu nhẹt thì anh rất thiện nghệ. Anh có biệt tài là uống rượu đế không bao giờ thấy say.

Tôi là người ăn rất dễ nhưng có 2 món ăn hia Đức rất tự hào nhưng tôi lại không thưởng thức được tại Bạc Liêu. Tôi còn nhớ 2 món ăn đó cho đến bây giờ. Đó là món ba khía và cá kèo kho, làm theo kiểu Bạc Liêu.


Có 2 lý do tôi không hợp với món ba khía. Một phần là người quê tôi chưa bao giờ ăn con ba khía. Ba khía cũng thuộc dòng họ cua, có mầu hơi tim tím. Quê tôi có con còng cũng có bà con với họ cua và mọi người thích ăn còng. Có nhiều món ăn làm từ còng: còng kho, còng rang, còng lột, mắm còng (gần giống như mắm ruốc, mắm tôm, màu hơi đen), mắm còng lột làm chua, ... . Một phần khác là do cách làm theo kiểu Bạc Liêu: ba khía mua từ chợ về rửa sạch, chặt ra, để sống, nặn chanh, thêm ớt thật cay, nước mắm, hành tỏi, bột ngọt, rau thơm, ...

Tôi không hợp với món cá kèo của hia Đức hoàn toàn là do cách làm. Quê tôi cá kèo là món rất được ưa thích. Cá kèo được dùng tro chà hết vảy, hoặc cạo nhớt thật sạch, cắt chút đầu chút đuôi, thêm nước màu, chút mở, bỏ tiêu, kho khô quéo hoặc có chút nước sệt. Cá kèo của hia Đức mua về từ chợ, bỏ trong rổ, rửa sơ sơ, đổ vô nồi có nhiều nước, cho vào nước mắm, tiêu, tỏi, gừng, nấu chín là xong.
Trong những tháng ngày ở Bạc Liêu, hia Đức là một trong những người đối xử tôi rất đàng hoàng. Mỗi khi tôi nhờ anh việc gì, anh đều hoàn thành rất chu đáo, không bao giờ thắc mắc. Anh biết rõ lý lịch thật của tôi. Nhưng cách xử sự của anh không biết tại sao không làm tôi có một chút lo lắng nghi ngại nào. Nhiều khi anh còn tranh cải với quản lý củ Phì nhưng chưa bao giờ thấy anh làm gì phật lòng tôi.

Tôi vậy mà bây giờ cũng có dưới tay 3, 4 đệ tử phụ việc. Thật ra đâu có gì cần để mà phụ. Mấy đứa nầy thật ra là những cậu công tử người Hoa 15, 17 tuổi. Đa số đang trong lứa tuổi nghĩa vụ quân sự (quân dịch), ở nhà cũng không có chuyện gì làm. Gởi xuống ghe chờ ngày đi đồng thời để tránh trường hợp bị chính quyền địa phương ngứa mắt bắt đi nghĩa vụ, tới ngày đi lại phải chạy chọt ra, tốn tiền khẳm. Sự có mặt của mấy đệ tử nầy chỉ là để cho rậm đám, để biểu dương lực lượng.

Trong đó riêng có Thông là một trường hợp khá đặc biệt. Ông già Thông trước là viên chức cấp khá cao, Thông chỉ biết như vậy khi kể riêng với tôi. Qua nhiều chi tiết Thông kể, tôi chỉ đoán ông thuộc làng tình báo VNCH và Mỹ. Những ngày tháng tư, Thông đang theo học Nông Lâm Súc ở Bảo Lộc khi di tản về tới Sài Gòn tụ họp được 3 anh em trai, tuổi cách nhau chừng 1, 2 tuổi. Ngày 29, hay 30 gì đó khi 3 anh em đến được trước cửa Tòa Đại Sứ Mỹ. Lúc đó cả nhà Thông gồm có ba má, 2 đứa em gái và 1 em trai đang ở bên trong tòa Đại Sứ Mỹ chờ di tản. Nhưng lúc đó đã quá trể. Tình trạng vô cùng hỗn loạn. Tại tòa Đại Sứ Mỹ lệnh nội bất xuất ngoại bất nhập đã đang áp dụng. Ba anh em Thông được TQLC Mỹ gác cổng cho nói chuyện với gia đình đang ở bên trong qua hệ thống điện thoại tại cổng. Nhưng phải chờ tình hình tốt hơn mới vào được để cùng gia đình di tản. Cuối cùng tình hình lại không tốt hơn. Nhóm gia đình bên trong tòa Đại Sứ ra đi, sau cùng định cư ở Mỹ. Ba anh em rốt cuộc đành kẹt lại, tự tìm cách sống còn.

Mấy năm sau nầy, ba anh em Thông liên lạc được gia đình ở Mỹ. Móc nối liên lạc tình cờ nó lại quen biết được với bà già của Trương. Mấy anh em gọi bà là cô Tư. Tụi nó nhờ cô Tư giúp đở nhập vào nhóm người Hoa nầy. Người anh lớn nhất trong 3 anh em còn kẹt tên Minh đã ra đi từ Rạch Giá mấy tháng trước trên ghe đăng ký của cùng nhóm tổ chức. Ghe đã đến được trại tị nạn Bidong, Mã Lai. Thông nhỏ hơn tôi khoảng 10 tuổi, vừa lập gia đình với một cô gái người Quảng, ở Chợ Lớn. Tôi gặp Thông ngay ngày đầu tiên khi tới gặp nhóm tổ chức ghe đăng ký tại Sài Gòn và tụi tôi cảm thấy dễ gần gủi ngay từ lúc đó. Tôi là tài công, nó là một thủy thủ không có chút chuyên nghiệp nào. Một phần vì nó có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, lập trường rõ ràng, dễ dàng tâm sự.

Trong thời gian chuẩn bị lúc đầu, anh thợ máy là người cực khổ hơn. Anh có nhiệm vụ phải lo tu bổ cái máy Gray 6 (GM6-71), một hình thức đại kỳ trong hải quân. Phần tôi, công việc hàng ngày của tôi cũng chẳng có gì nhiều. Sáng sớm có quản lý dẫn đi ăn sáng uống cà phê. Sau đó trở về ghe, thì bắt đầu công tác tu bổ chiếc ghe. Như dùng chai trét ghe để tu bổ những chổ bị rỉ nước hay bị dột. Chuyện gì chớ dùng chai trét ghe thì tôi rành từ nhỏ. Ngoài ra còn các việc khác như vô dầu mở, cái vô lăng tay lái. Từ 2, 3 giờ chiều thì bắt đầu gầy độ lai rai.

Tới lúc máy tàu đã làm xong, tôi và đám thủy thủ không có chuyên nghiệp nầy có thêm trách nhiệm lái ghe trình làng. Đây chỉ là những màn lái ghe chở năm ba người khách chạy lòng vòng, chắc là để câu độ kiếm thêm khách đồng nghĩa với thêm vàng. Lái ghe biểu diễn là cái màn bình thường rất dễ dàng ở những nơi khác. Nhưng trong trường hợp ở Bạc Liêu lúc đó lại là điều mà tôi ớn nhất. Sự khó khăn bắt đầu từ vấn đề kỷ thuật của chiếc ghe.

Chiếc ghe dài khoảng từ 25 - 27m, 2 tầng dự trù chở trên 300 người. Ghe được biến cải từ một chiếc ghe sông. Nếu là một chiếc ghe đánh cá thứ thiệt thì mọi chuyện quá dễ dàng, không còn gì để nói. Ghe nầy được trang bị một máy Gray 6-71. Lúc tôi xuống tới ghe thì họ đã trang bị cái máy nầy rồi. Trong khi tôi mặc dù là gốc hải quân, nhưng trong vấn đề ghe cộ như thế nầy tôi lại không thích cái GM 6-71 nầy (xin lỗi mấy anh CK21). Có thể là một Kirloska (Ấn Độ), Kubota (Nhật) nhưng tôi thật tình khoái mấy cái Yanmar của Nhật, đầu bạc hay đầu xanh đều tốt. Hàng chục năm trước, mấy cái máy loại nầy gia đình tôi và bà con tôi đã thường dùng trong các ghe ủi Cần Đước. Mấy cái máy loại nầy có cái bánh trớn có thể khởi động bằng điện; nhưng nếu muốn quay bằng tay, vẫn có thể khởi động dễ dàng. 

Tuy nhiên, đó không phải là cái tôi ớn nhất trong lúc này. Cái tôi ớn nhất trong lúc biểu diễn chở khách trên ghe là do chiếc ghe rất khó vận chuyển. Ghe dài 25, 27m, một giò, hộp số có ratio không ngon nên không mạnh. Mỗi lần sang số phải chờ thật lâu mới thấy phản ứng. Cái tay lái thì nặng chình chịt, quây cái bánh xe nước mía mỏi rụng cả tay, quây cả mấy vòng, mà vẫn chưa thấy mủi ghe phản ứng. Dòng sông Bạc Liêu ngay bến Trương Vĩnh Ký gần cầu quây lại rất hẹp, chiều dài chiếc ghe đã bằng độ phân nửa bề ngang cái sông. Hai bên lại toàn là nhà sàn. Lơ mơ một chút là chiếc ghe có cơ hội quét sạch cả mấy cái nhà sàn. Chuyện nầy nếu xảy ra, thứ nhất là rất mất mặt. Kế đó, không chừng còn phải cuốn gói ra về là cái chắc. Nhưng mà về đâu? Từ ngày rời nhà ra đi, tôi không còn cơ hội nào khác. Đã không còn nhà, không còn quê để mà về. Từ lúc xuống Bạc Liêu tôi đã như Kinh Kha, một đi không trở lại. Sợ nhất là mỗi lần trở đầu tiến tới de lui, phải chờ một hồi khi chiếc ghe trả lời thì cái mủi ghe đã dí sát vô mấy căn nhà sàn.

Tuy nhiên cuối cùng thì mỗi lần biểu diễn, mọi việc đều tốt đẹp. Chủ ghe vẫn tiếp tục an tâm là đã có một tài công đánh cá "thật chiến thật cừ". Mỗi lần biểu diễn ghe xong thì tài công, thợ máy lại được bộ chỉ huy người Hoa thưởng mỗi người mấy tờ già Hồ, đám đệ tử mỗi đứa cũng có thưởng nhưng ít hơn.
Thỉnh thoảng chừng tháng thì chủ ghe có dịp về Sài Gòn cũng chở tôi theo trên chiếc La Dalat mang bảng số xanh công an tỉnh Minh Hải (Cà Mau, Bạc Liêu). Nghe nói ngày lên đường, chủ ghe đăng ký cúng lại cho đám công an những chiếc xe như thế nầy. Những lần như vậy, về tới Sài Gòn ông chủ ghe lại giúi thêm một ít tiền.

Sợ nhất trong thời gian nầy là gặp những người tôi quen biết. Thời buổi nầy, đặc biệt cho một người đang trốn tránh như tôi, không dễ tin rất nhiều người. Tôi bây giờ là Lâm Đồng Khánh, người Triều Châu, mà chỉ biết lứ, wá, chệt, chế, hia, củ, kiểm... biết bập bẹ có có vài chử.

Một lần tôi gặp Út, con ông thầy củ cùng quê khi tôi học lớp năm. Út nhỏ hơn tôi cả chục tuổi. Ở quê tôi mọi gia đình đều biết nhau. Biết luôn mấy đời. Ra đường gặp người lớn là phải khoanh tay, cúi đầu đàng hoàng, nếu không sẽ mắng vốn, hoặc bị coi là thiếu giáo dục. Ở Tân Chánh, nhà ông nội của Út cách nhà ba má tôi chỉ một đám dừa nước nhỏ. Mọi sinh hoạt của nhà nầy, nhà bên kia có thể thấy rõ. Khi tôi lập gia đình ở quận lỵ Cần Đước, nhà ông thầy củ của tôi lúc lớp năm tiểu học ở bên kia đường chỉ cách nhà bà xã tôi có mấy căn. Nhà nầy có mấy anh chị em, nhà bên kia biết hết; nếu không học cùng lớp thì cũng trên dưới một hai lớp. Nhiều khi còn rất thân nữa.

Hôm đó tôi thấy Út đang đi phía bên kia đường Trương Vĩnh Ký. Không ngờ thật nhiều năm không gặp mà tôi vẫn nhận ra nó. Kể từ lúc vào quân đội cho tới khi ra tù rồi về quê, tính ra cũng cả chục năm. Tôi không nhớ lần chót gặp nó là lúc nào. Nhưng khổ hơn hết là hôm nay nó cũng nhận ra tôi. Tôi định tránh nhưng đã trễ. Nó từ xa chạy tới mừng rở:

- Anh T. đó hả? Anh làm gì mà xuống tận dưới nầy?

Tôi hoảng hồn nhưng phải làm bộ ra vẻ ngơ ngác, ngỡ ngàng, tỏ vẻ không công nhận. Út chưa chịu thua, nói tiếp:

- Anh không nhớ em sao, em là Út con thầy Năm, em là em anh Từ nè?

Tôi vẫn cứ làm thinh trố mắt nhìn nó, lắc đầu. Làm thằng nhỏ tẽn tò quay bước đi hướng khác.

Một lần đặc biệt khác buổi trưa đang nằm tán dóc với mấy thằng em trong mui ghe, ĐV An (K21) ở đâu bỗng đưa mặt vào ngay cái cửa trước. Sự hiện diện của gương mặt An làm gián đoạn mọi chuyện. Sau đó hai thằng cũng tìm cách gặp lại tại một nơi khác trên đường Trương Vĩnh Ký để tâm sự. Dù sao thì tôi cũng tin tưởng một K21 hơn rất nhiều người khác. Giờ nầy một K21 còn ở đây có nghĩa là cùng cảnh ngộ, cùng đang kiếm đường. Sau cùng thì biết An cũng tìm được một chổ trong chuyến đi nầy.

Nhiều lần khác tôi thấy ghe của các ông anh ông em con các ông cậu bên ngoại, chạy ngang trên cùng khúc sông. Tôi cũng vẫn phải tránh mặt. Bà xã tôi cũng gặp một số bạn bè đồng nghiệp hoặc học trò, khi thì chổ bến xe, khi thì ở nơi nào đó ở Bạc Liêu. Bà xã tôi cũng đều tránh mặt tuốt.

Tất cả đều là vì sự an toàn cho tôi.

Trong suốt cuộc đời, đã có một giai đoạn tụi tôi phải tránh né quanh co, chối bỏ bạn bè thân thuộc như vậy. Trong một hoàn cảnh dù không giống như đối phó ngay với cái chết, nhưng bị vào tù bất cứ lúc nào lại quá dễ dàng, tụi tôi thật không biết làm gì khác hơn là phải lặn thật sâu, phải biết tự bảo vệ mình thật kỹ.

Sau khi xuống tới Bạc Liêu, tôi cảm thấy tạm hài lòng với những sắp xếp của nhóm tổ chức ghe đăng ký. Mặc dù biết vẫn còn nhiều điều bất trắc, nhưng ít ra tôi cũng còn có chút ít hy vọng ở tương lai. Chỉ cầu mong mọi chuyện được xúc tiến mau chóng để tôi đạt được mục đích sau cùng là ra khỏi nước.

Trở lại chuyện giàu có của người Hoa. Từ khi dính dấp vào chuyện vượt biên, tôi thấy họ nói chuyện toàn là dùng cây (lượng) vàng làm đơn vị. Qua tin tức thì chuyến đi của tôi người đăng ký đi theo phải trả từ 10 tới 12 cây vàng. Nghe người ta bàn chuyện vượt biên toàn là chuyện 10 đến cả 100 cây. Phần tôi lúc đó gom góp hết tài sản cộng thêm tiền bán đi cái áo dạ và bộ đồ vest cũng chưa chắc có được nửa cây vàng. Tôi cũng biết thêm là những gia đình chủ chốt trong chuyến tôi đã từng tổ chức nhiều chuyến trước. Nhiều người trong gia đình của họ đã chia nhau đi từ các chuyến đi trước. Đây là chuyến cuối cùng của những gia đình nầy. Giống như là chuyến hốt hụi chót, toàn là các đại nhân vật. Họ còn định mang hết những tài sản còn sót lại trong gia đình. Có lần tôi còn thấy gia đình của một thằng thủy thủ bắt nó đem xuống ghe một cái cối xay bột bằng đá trong lúc chuẩn bị hành trang lên đường. Họ còn nhờ tôi chế tạo giùm các hộp bằng gỗ, rỗng ruột, dự trù gắn vào các cây cong cây đà trong hầm máy để dấu cả trăm cây vàng trước ngày lên đường. Chuyện làm hộp nầy quá dễ. Tôi có gia đình người bạn thân có trại mộc ở bến Hàm Tử, Sài Gòn. Nhờ thợ làm mấy ngày là xong.

Sau nầy tôi mới biết, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Nhóm nầy giàu có là chuyện thật. Họ là dân xịn cũng đúng. Họ đàng hoàng cẩn thận cũng không sai. Quá cẩn thận là khác. Sau nầy tôi hiểu ra là họ quá cẩn thận. Vì quá giàu, họ định mang hết những tài sản còn lại theo chuyến nầy. Và chính cái ý định nầy của họ đã làm vỡ tan giấc mộng vàng của tôi. Sau đó có tin VC sẽ đổi ghe, đưa khách qua ghe khác (để lấy hết của cải trong chiếc ghe đã được chuẩn bị kỹ) trước khi ra tới hải phận quốc tế. Tin nầy tin ra làm cho băng chủ ghe cứ đắn đo, không dám lên đường, mặc tình đám chính quyền địa phương VC thúc giục. Họ thúc giục không phải vì thương mấy người Hoa nầy. Họ thúc giục là vì khi một chiếc ghe lên đường thì vàng bạc rơi vào tay họ nhiều vô kể. Nhưng dù thúc giục như thế nào đi nữa, giới chủ ghe cứ lấy lý do ghe chưa sẵn sàng. Trong khi thực sự họ chờ tin tức của các chuyến đi trước nhằm kiểm chứng chuyện ghe bị đổi.

Rồi ngày lại ngày. Lần lần tôi cũng hiểu ra là giửa tôi và bọn họ rõ ràng có những khác biệt. Đây là một canh bạc lận mà nhà cái là bọn VC, đường nào VC cũng ăn trọn. Điểm khác biệt chết người là tôi chỉ có một chút nhỏ xíu vốn để thua lần nầy, không còn lần nào khác. Mà những người Hoa có khá nhiều hậu chiêu; dù tình cảnh nào xảy ra sau đó họ vẫn còn tính toán được. Chẳng hạn nếu cuối cùng không đi được, với tài sản, vàng bạc còn cất dấu, còn bang hội, còn vây cánh họ vẫn có thể sống còn rất nhiều năm nữa. Họ ra đi một phần là vì đang bị chèn ép khó làm ăn hy vọng ra nước ngoài họ sẽ khá hơn. Ngoài ra cũng còn có lý do nữa là thật ra phong trào đăng ký nầy vẫn là một cách làm ăn kiếm vàng của bọn họ. Nói một cách khác là đối với tôi thành bại trong chuyến đi nầy là vấn đề sống chết. Đối với bọn họ hoàn toàn không phải như vậy.

Tôi không bao giờ nghĩ là mình sẽ phải đương đầu với việc tấn thối lưỡng nan tại Bạc Liêu. Muốn lên đường ra khơi thì mấy đại gia người Tiều nầy không dám vì sợ bị đổi ghe, mất hết của cải đem theo. Còn tôi, tôi không có đường nào rút về quê. Về quê đồng nghĩa với trù dập, đồng nghĩa với vào tù mút mùa lệ thủy.

Nhiều lần tôi tìm đến nhà Trương ở Sóc Trăng. Tôi đích thân trình bày đích xác tình hình hiện tại với bà già của bạn tôi, hy vọng qua bà, ban tổ chức sẽ lưu ý. Rằng rõ ràng là nếu nhóm tổ chức không chịu lên đường trong một thời gian ngắn thì sẽ không bao giờ còn cơ hội nữa. Nhưng vẫn không có kết quả.

Cuối cùng rồi việc đăng ký đuổi người Hoa của VC cũng đến giai đoạn chấm dứt. Sau nầy tôi mới biết. Do tai tiếng, do gánh nặng mà các nước lân cận phải gánh chịu, do quốc tế lên án, dù có thực sự lì lợm, chính quyền VC cũng phải chấm dứt cái chính sách xua đuổi người để cướp của nầy. Chấm dứt là đúng đối với đòi hỏi quốc tế, nhưng riêng tôi lại bị thiệt thòi vì phải nhận lảnh cái hậu quả là hết đường nhúc nhích. Như vậy phong trào ghe đăng ký của VC tạo cho người Hoa hoàn toàn đi vào dĩ vãng.

Đời sống của đám thủy thủ tụi tôi bây giờ lần lần thấy èo uộc, chủ cả cũng không còn dòm ngó nữa. Quy chế "lương bổng" tụi tôi càng ngày càng sụt giảm. Việc thử ghe bắt đầu càng ngày càng ít đi, rồi chấm dứt hẳn. Tới thời gian đó muốn có mấy cái hình già Hồ để xài xễ cũng không phải dễ. Việc lai rai hàng ngày cũng còn nhưng được tổ chức cẩn thận hơn. Lúc sau nầy bộ chỉ huy ghe cũng có sự thay đổi. Củ Phì về Sóc Trăng, không thấy quay lại. Mọi chuyện bây giờ nằm trong tay hia Đức. Để giảm chi phí ăn nhậu, tụi tôi bắt đầu từ rượu mạnh, chuyển sang la ve nội địa, rồi từ la ve chuyển sang rượu đế.

Lúc trước ở thời điểm huy hoàng, để an thân củ Phì cũng hay mời mấy tay công an khu vực trong nhiều lần ăn nhậu. Đám công an nầy lúc trước rất thường xuống kiếm độ nhậu ké. Bây giờ tụi tôi bắt đầu tránh né mấy tay công an nầy. Tụi tôi bắt đầu dời ghe vào phía bên kia cầu quây cho yên tĩnh, tránh được đám công an đến nhậu chùa. Nhân đó tình cờ tìm được chổ đậu ghe tương đối tốt, có cầu để cặp đàng hoàng. Lại tình cờ là ngay cầu của một công ty làm rượu đế. Hảng nầy trước kia sản xuất loại rượu gì tôi không biết, bây giờ chỉ cho ra lò toàn là rượu đế. Hia Đức vì tiết kiệm, mỗi lần mua lại chơi luôn can nhựa cả chục lít. Nhưng thật buồn cười, mấy tay công an khu vực đâu dễ gì chịu bỏ cuộc, vẫn bỏ công đeo theo tụi tôi, cũng lội bộ qua cầu quây, tìm tới tận lò nấu rượu. Nhưng lần nầy, bọn họ tới, mang theo cả đồ nhắm lẫn rượu. Tôi thật sự không dám đưa ra cái kết luận, đã là dân uống rượu thì tư bản hay vô sản đều có những điểm giống nhau là cần có bạn nhậu.

Tôi cũng còn trở lại gia đình Trương nhiều lần để nói cho họ biết là bây giờ chuyện đi ghe đăng ký đã vĩnh viễn chấm dứt, đến lúc họ phải nghĩ đến việc đi "chui". Tôi cũng cho họ biết, tôi sẽ không do dự nhận trách nhiệm lái ghe chui cho họ. Nhưng vẫn không có kết quả và coi như tôi bị kẹt cứng ở Bạc Liêu.

Điều mà tôi lo sợ nhất đã xảy ra, thực là:
Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không
(Cung Oán Ngâm Khúc)

Tôi bây giờ thật sự đang nằm trong một thế trận lừng danh của các tay tổ binh pháp cổ xưa, trận thế không còn đường rút lui. Trận thế nầy được người xưa gọi là tựa lưng vào sông để tử chiến (bối thủy nhất chiến). Phải ra khơi thành công hoặc tiêu đời trong tăm tối trên dòng sông Bạc Liêu.
Điểm khác biệt là trận thế nầy không phải hoàn toàn do tôi tự lựa chọn để dàn ra chống địch, mà phần lớn là do thời thế tạo nên.



Cùng tắc biến. Chuyện của chuyến đi nầy bắt đầu từ gần nửa năm trước. Khi đó tôi còn đang nằm chờ trên chiếc ghe "đăng ký" ở Bạc Liêu. Công cuộc chuẩn bị càng ngày càng có dấu hiệu bế tắc. Cả một đám dưới ghe đã gắn bó cùng nhau, đang ở trong trạng thái lo lắng nhưng không biết làm gì khác hơn là suốt ngày cứ sáng cà phê, chiều lại lai rai. Một ngày Thông trở xuống sau một thời gian mấy tháng về gia đình vợ trên Sài Gòn cho biết:

- Anh T. biết không, chuyến đăng ký nầy chắc cuối cùng không xong đâu. Lần nầy gia đình bà xã tui không thể tiếp tục chờ đợi được nữa mà đang chuẩn bị làm một chuyến khác, loại đi chui. Nếu cuối cùng chuyến đăng ký nầy không xong, anh nên về Sài Gòn đi với gia đình tụi tui nghe.

Tôi nghe nó nói cũng thấy có chút hào hứng. Vả lại chuyến tổ chức hiện tại thì không biết chừng nào mới khởi hành được. Tôi liền hỏi:

- Gia đình mầy dự trù chừng nào thì lên đường vậy.

Nó trả lời:

- Chắc không lâu đâu anh. Nhà vợ tui đang mua một dàn máy tiện để làm đồ phụ tùng bán kiếm tiền đóng ghe. Tui lúc nầy ở trên đó cũng rất bận rộn phụ giúp gia đình vợ để tiện các đồ người ta đặt cho các loại ghe tàu. Đồng thời làm luôn công tác giao dịch.

Hoàn cảnh thằng Thông nầy có nhiều điểm cũng rất tức cười. Bà già vợ là người Việt, ông già vợ là người Quảng. Nhưng cả nhà chỉ có ông già vợ là nói tiếng Quảng. Tất cả những người khác trong nhà kể cả mấy anh em của bà xã nó đều chỉ nghe được thì nhiều nhưng lại chỉ bập bẹ một ít tiếng Quảng. Thông thì ngược lại từ lúc quen biết cô nàng, có dịp tiếp xúc với đám người Quảng chung quanh, tiếng Quảng của nó lại phát triển nhanh tới mức người ta lại tưởng nó là dân Quảng Châu thứ thiệt. Cho nên nghe nó nói đang lo công tác giao dịch cho gia đình vợ, tôi tin.

Tuy nhiên khi nghe nó cho biết về tình trạng tổ chức, tôi thấy hởi ơi, ngán ngẩm. Bây giờ mà gia đình nó mới bắt đầu đi lảnh đồ làm công kiếm tiền để đóng ghe vượt biên thì chắc phải đợi đến khi mồ tôi xanh cỏ. Nghe tới đây thì tôi lại coi nhẹ việc tổ chức của gia đình vợ của Thông vì không biết đến năm tháng nào mới thực sự bắt đầu.

Rồi nó cũng tiếp tục nói sơ qua những gì nó nghe biết được về việc tổ chức, qua ông anh vợ tên Châu. Tôi thật sự rất quý nó nên cũng có đôi điều đóng góp nhắc nhở. Tôi dặn nó nói với ông anh vợ nên quan tâm đến địa phương tổ chức và lộ trình, lưu ý với ông anh là thời buổi nầy người ta gạt nhau nhiều lắm. Bàn đến đây nó cho biết thêm, nhóm tổ chức đang bàn sẽ theo lộ trình từ Nhà Bè qua Vàm Láng. Nói tới lộ trình nầy nó vô tình lại gợi thêm sự tò mò và trúng tủ tôi.

Trong lúc vừa ngồi lai rai vừa nói chuyện tôi cho nó biết cái suy nghĩ của tôi. Cho nó biết chuyến đi còn xa vời quá, tôi không có chút hứng thú nào để dự phần. Tuy nhiên việc tôi có thể làm để giúp gia đình nó bây giờ là vẽ một cái bản đồ lộ trình từ Nhà Bè ra Vàm Láng. Chỉ với cái ý là để ban tổ chức có thể dùng cái bản đồ để khảo hạch sự hiểu biết đường đi thật sự của người tài công mà họ sẽ dùng. Rồi tôi bắt đầu vẽ cho Thông một cái bản đồ sông Soài Rạp với những ghi chú chi tiết mà tôi còn nhớ được (từng ngọn rạch, xóm nhà, hàng đáy, ...). Coi như một món quà tặng cho một thằng em mà tôi có dịp gặp qua. Rồi tôi cũng quên luôn chuyện ghe cộ của gia đình Thông, tiếp tục thoi thóp trên chiếc ghe đăng ký đang nằm vô vọng trên dòng sông đục ngầu dơ bẩn Bạc Liêu.

Cho đến một hôm, gần nửa năm sau Thông lại từ Sài Gòn quay trở xuống. Lần nầy nó hí hửng, trong bửa nhậu nó tiết lộ:

- Anh Châu và ban tổ chức đã sắp xếp xong, ghe đã gần như sẵn sàng. Anh về chuẩn bị với gia đình tụi nầy đi.

Thông cũng cho biết tiếp:

- Hôm trước anh Châu đưa cái bản đồ anh vẽ cho ban tổ chức coi. Trong nhóm có một ông là dân địa phương. Ông ta hết hồn khi biết có người rành cái vùng Soài Rạp đến độ chỉ nhớ mà vẽ được như vậy. Họ còn hỏi tui tuổi, năm sanh của anh và Chị Dung, rồi nhờ thầy coi tuổi. Họ nói tuổi Tý của anh chị là tuổi tốt nhất, hợp với bổn mạng của những người khác trong chuyến. Nên họ yêu cầu anh Châu bằng mọi giá phải gọi cho được anh về lái chiếc ghe nầy, chắc chắn sẽ thành công.

Suốt mấy ngày lưu lại Bạc Liêu, Thông cứ tiếp tục nằn nì. Tôi lại cứ ngần ngừ. Một lần thay đổi đồng nghĩa sẽ phải chuẩn bị đương đầu với những bất ngờ mới đang chờ đợi. Cái thất bại của chuyến ghe đăng ký có phần làm tôi chán nản. Cuối cùng tôi đành dùng giải pháp câu giờ là cứ về Sài Gòn nhìn chiếc ghe và có dịp tìm hiểu cách tổ chức của bọn họ.

Mấy ngày sau tôi theo Thông về Sài Gòn. Ngày kế tôi vào chổ đậu ghe ở khu An Dưỡng, cuối đường Âu Dương Lân bên phía bến Phạm Thế Hiển, xem chiếc ghe chuẩn bị chuyến đi đang nằm chờ ở đó. Tôi cũng có dịp tập dượt chạy thử ra vô để làm quen với chiếc ghe và mấy thằng em thủy thủ bất đắc dĩ.

Tôi có dịp thấy chiếc ghe mà họ đang chuẩn bị. Khác với chiếc đăng ký ở Bạc Liêu, chiếc ghe nầy nhỏ xíu. Dự trù chỉ chở có 36 người cho 3 cánh trong ban tổ chức; mỗi cánh 12 người. Ban tổ chức cho trách nhiệm tài công của tôi 3 chổ. Khác với chiếc đăng ký ở Bạc Liêu, chiếc ghe nầy dài chưa tới 14m, gắn 1 cái Gray 4. Sông rạch vùng nầy rộng rãi, hoàn toàn không có nhà sàn. Lái chiếc ghe nầy khỏe ru. Tuy nhiên, cũng như trường hợp chiếc trước ở Bạc Liêu, chiếc nầy cũng lại trang bị loại máy Gray mà tôi không mấy khoái.

Rồi từ từ tôi cảm thấy mình cũng thích chiếc ghe nầy. Lúc vẽ cho Thông cái bản đồ từ Nhà Bè ra Vàm Láng tôi chỉ muốn cho gia đình nó tuyển được một người rành đường, không bị lường gạt. Từ khi về đây có đủ thời gian cho tôi suy nghĩ cân nhắc thêm. Tôi thấy lên tinh thần trở lại. Vả lại cái nhóm tổ chức ở Bạc Liêu bây giờ tôi cũng không còn đặt nhiều hy vọng họ có gan để làm một chuyến đi "chui", làm ăn loại nhỏ giống như chiếc nầy. Rồi tôi chính thức nhận lời để lái chiếc ghe, phải thử thời vận mới được.

Nào ai biết được nhiều năm sau, gần cuối năm 1980 tôi lại chọn địa điểm cho cuộc hành trình vượt biên ngay tại dòng sông Soài Rạp. Khoảng gần 2 năm nay tôi đã từng tìm cách nhưng chưa bao giờ nghĩ cuối cùng mình bị bắt buộc phải có lựa chọn như vậy. Đoạn đường nầy tôi sợ nhất là địa phận Long An từ sau Quảng Xuyên cho tới đồn Rạch Cát.

Nếu bị bắt giử bờ bên tay mặt trên đoạn sông nầy thì cơ hội giải giao về ngay quận lỵ Cần Đước, quê tôi, gần như chắc chắn trăm phần. Mà một khi bị đưa về tại Cần Đước, việc đầu tiên là phải bị bẹo hình bẹo dạng ngay tại cái sân quần vợt cách nhà bà già vợ chưa tới trăm thước. Nhiều đám vượt biên trước đây, khi bị bắt đều bị đưa về chờ làm thủ tục giải giao ngay tại đó. Từ sau đám cưới, Dung về dạy tại trung học quận nhà, đồng nghiệp và học trò cả đống. Khi bị tó và đưa về đó, thì chỉ cần một chút xíu thời gian là tôi bị lộ ngay tông tích mấy đời và cả cái quận nầy sẽ đều biết. Lý lịch dởm cở nào, loại gì đi nữa, chưa chắc trời đã cứu được. Tôi bị gởi vô trại lại là cái chắc. Nhưng trước khi gởi vô trại, trừng phạt nhẹ nhất có lẽ bị bắt phơi nắng vài ngày tại cái sân quần vợt đó. Nặng hơn chắc có lẽ là bị trói lại dẫn đi giáp vòng quận lỵ để làm gương. Ngoài ra gia đình hai bên chắc chắn sẽ bị liên lụy. Bà già ruột, bà già vợ nếu thấy thằng con thằng rể quý như tôi bị hành hạ ngay trước mắt, xụm luôn là cái chắc. Bà già tôi, bà già vợ tôi 2 bà khi nghe sự tính toán cũng xanh mặt. Nhưng cuối cùng cũng không biết làm sao, cũng không ngăn cản được.

Do đặt nặng đoạn đường ngang tỉnh Long An, trước ngày khởi hành tôi còn phải bỏ ra một tuần mướn một chiếc ghe gắn máy nhỏ đuôi tôm giả làm ghe đốn củi ra thám thính đoạn đường sông từ sông Vàm Sát tới xã Lý Nhơn. Nhờ đó mà tôi thấy được các hoạt động hàng đêm trong toàn khu vực. Tôi thấy hàng đêm một tàu hải quân VC loại nhỏ tắt đèn nằm rình rập gần bờ xã Lý Nhơn, phía hạ lưu. Đêm nào cũng vậy, khoảng sau nửa đêm, trời tối đen, những chiếc ghe vượt biên từ trong đi ra từ hướng Nhà Bè hoặc Cầu Nổi. Tất cả đều có thói quen chạy né trạm công an biên phòng Vám Láng, vì nghĩ bên phía rừng sát dễ ăn hơn. Từ trong họ đã bắt đầu nép sát bên bờ Lý Nhơn. Họ tự động lọt vào lưới của chiếc tàu hải quân đang tắt đèn nằm chờ. Sau đó kết quả có thể tức khắc đoán được. Vài trái sáng được phóng lên, tiếng hò hét rượt đuổi, vài loạt súng, rồi sau đó cả khúc sông trở lại yên tĩnh như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Cả đám vượt biên bị bắt hết. Có khi trong một đêm có hai ba lần như vậy. Chỉ trong khoảng một tuần mà tôi đã thấy trên chục ghe vượt biên bị hải quân VC rượt bắt khi đi qua khúc sông nầy. Từ đó tôi thấy có phần nào nản lòng, biết được chuyến đi của tôi sẽ không dễ dàng gì. Tuy nhiên dù trong tuyệt vọng, cuối cùng tôi thấy mình không thể rút lui được. Phải nghĩ cách để liều mạng đánh trận nầy.

Có một chuyện rất thú vị xảy ra ngay gần trước ngày ghe tôi lên đường. Chiếc ghe đi sông kiểu Cần Đước nầy được sửa lại chút đỉnh thường đậu tại một bến sông của con rạch nhỏ trong khu cư xá An Dưỡng nằm cuối đường Âu Dương Lân, bến Phạm Thế Hiển. Nếu đi về hướng đông một đoạn ngắn, rạch nầy sẽ gặp sông Rạch Ông. Lúc đó nhìn lên trái sẽ thấy cầu Rạch Ông. Trước ngày lên đường trên ghe thường có tôi, Thông, Phương và Trạng. Phương và Trạng là 2 thằng đệ tử mới. Cả 3 Thông, Phương, Trạng đều là những thủy thủ chưa có một ngày đựợc học chuyên nghiệp nói chi đến hải vụ. Tụi tôi hay vào bến sông nầy để săn sóc, tu bổ, đồng thời để chạy thử ghe thử máy.

Sáng hôm đó như thường lệ tôi đang ở dưới ghe đậu sát bờ. Thình lình tôi giựt mình vì âm thanh của một giọng cười thật quen thuộc. Không thể lầm lẫn được, nhìn ra giửa sông. Tôi thấy Hùng Sùi (K21) trên một chiếc ghe khác. Trời đất, không ngờ lại gặp giọng cười đó ở nơi nầy. Hùng cũng cùng trung đội 1 cao giò của 19D Quang Trung. Sau ngày rời quân trường Nha Trang, Hùng về 22XP cùng doanh trại với 27XP tại Nhà Bè. Sau nầy tôi lại gặp Hùng trong các trại tù Trảng Lớn, Kà Tum. Hùng có giọng cười ngất ngây; khi cười luôn híp mắt, không thể không nhận ra được. Ghe Hùng đang từ ngoài Rạch Ông chạy vào. Tính nghịch ngợm nổi lên, tôi bước vội lên bờ, quay nhìn xuống giửa sông, bụm tay làm loa, gọi thật lớn, chỉ 2 tiếng: "Hùng Sùi". Chỉ cần như vậy, tiếng cười ngưng ngang. Ghe Hùng chạy thẳng vào trong.

Một lúc sau, khi đang ngồi uống cà phê trong một cái quán gần chổ đậu ghe, Hùng xuất hiện trên tay có một xâu bánh ú. Trao bánh cho tôi, Hùng chưởi thề liền: "Mẹ, mầy hại bạn, tao đang cười vui vẻ, mầy thình lình gọi lớn. Vì không đề phòng, tao tự nhiên nín cười vì 2 chử Hùng Sùi, làm mấy thằng em nghi ngờ, sau cùng suy ra cũng biết tao đang dùng tên giả."

Vài ngày sau cũng tại nơi đó, tôi lại thấy ghe Hùng chạy ra ngược với cái hướng tôi thấy lần trước. Thấy tôi, Hùng chỉ vẫy tay rồi chạy thẳng. Rất nhanh sau đó tin tức do mấy thằng em thu lượm được dọc bến sông cho biết ghe của Hùng đang chuẩn bị đánh (lên đường). Tôi thấy lo và chỉ biết cầu nguyện cho Hùng ra khơi bình an. Đồng thời tôi cũng thấy nôn nao nghĩ tới lượt mình.

Nhưng chỉ khoảng hai ngày sau, tôi lại thấy ghe của Hùng từ ngoài chạy vào. Lần nầy không có giọng cười nào, chạy ngang một cách êm ru, âm thầm. Lần nầy tôi ngồi một lúc chờ mong Hùng trở lại với xâu bánh ú. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy. Cuối cùng cũng nhận được tin tức hành lang dọc bờ sông. Chuyến của Hùng đánh nhưng bị bể, đang tìm chổ ẩn thân. Tôi thấy tiếc cho Hùng bị thất bại. Rồi tôi biết tôi còn cần phải chuẩn bị cho chuyến đi của tôi nhiều hơn nữa, chuẩn bị tâm tư nhiều hơn nữa.

Trong khoảng thời gian nầy tôi cũng tình cờ gặp được LT Kỳ (K21). Hôm đó tôi đang chở bà xã trên chiếc xe đạp trên đường Hoàng Đạo, gần đường Nguyễn Thông, cổng xe lửa số 4. K21 đầy đủ cũng chỉ có 269 tên mà đi đâu cũng gặp. Gặp nhau ở cái thời hồn ai nấy giử, cũng chẳng có bao nhiều điều tâm sự. Tuy vậy trong một cái cảnh cá chậu chim lồng, một khoảnh khắc vài phút vẫn có thể làm mình nhớ đến trong thật nhiều năm.

Những tháng sau nầy khi ở Sài Gòn, các sinh hoạt hàng ngày của tôi theo một kiểu cách khác hẳn lúc ở Bạc Liêu. Ban ngày tôi lang thang trên đường phố với chiếc xe đạp loại bánh nhỏ. Nhiều khi còn đèo thêm bà xã ở phía sau. Ngoài những lúc có mặt trên chiếc ghe, tôi chạy tới chạy lui các nơi bạn bè hoặc người quen tin cậy được. Phải đổi chổ ngủ ban đêm thường xuyên. Phần lớn là về ở nhà bên vợ của thằng em ở Phú Thọ Hòa. Nếu muốn ghé qua chổ ở của ông già vợ cũng phải nhìn trước nhìn sau cẩn thận và phải lựa lúc rất trể khi những nhà bên cạnh đã đóng cửa nhưng chưa tắt đèn, hy vọng tránh bớt những ánh mắt dòm ngó từ trong bóng tối.

Dù vậy trước ngày ra đi tôi cũng có dịp nói lời từ giả Hạnh (K21, thuyền trưởng 2 chiếc PCF). Khá đặc biệt vì Hạnh có thời gian khoảng nửa năm nằm sát bên cạnh trong trại tù cải tạo ở Trảng Lớn. Trước khi đi tôi còn có dịp bàn giao lại Hạnh vài mối đang chuẩn bị vượt biên. Trong đó có một tổ chức do gia đình của bà chị của thằng bạn học cùng quê, nhà ở đường Nguyễn Biểu.

Ngày ra đi. Tôi đã xách chiếc ghe vượt biên nhỏ xíu của tôi mang số SS 0990, dài chưa tới 14m đi từ sông Rạch Ông, đi qua rạch Long Kiểng, tới Rạch Mương Chuối. Trên ghe chỉ có tôi và 3 thủy thủ ruột là Thông, Phương và Trạng. Mục tiêu kế tiếp là tới điểm hẹn để bốc khách trên sông Soài Rạp.
Từ sáng sớm ngày hôm trước, tất cả khách đã đến địa điểm tập trung ở chợ Kim Biên, Chợ Lớn, bà xã tôi và cô em có trong đó. Sau đó họ được phân phối xuống những chiếc taxi (ghe nhỏ), từ từ tiến về điểm hẹn. Lúc bắt đầu, nhóm tổ chức dự trù chỉ chở có 36 người cho 3 cánh trong ban tổ chức; mỗi cánh 12 người. Để tránh trường hợp canh me (đi lậu), theo thỏa thuận trước, tôi chỉ cần điểm danh với 3 trưởng nhóm đủ số 12 người cho mỗi nhóm của họ là tức khắc khởi hành. Sau khi bắt đầu đổ khách một chút, tôi gọi 3 trưởng nhóm để điểm danh như đã quy định. Tôi thấy 3 trưởng nhóm đã đã xác nhận người của nhóm họ đủ mà thiên hạ vẫn cứ tiếp tục trèo lên ghe. Biết nếu phản ứng chậm là ghe đầy nhóc khỏi nói đến chuyện ra biển, tôi liền phải ra lệnh chặt dây neo, lập tức rời đi.

Đời tôi thật là có quá nhiều sự tình cờ, lộ trình ra đi lần nầy mang nhiều tình tiết oái oăm. Chính nhờ vào sự quen thuộc sông rạch vùng nầy từ thuở nhỏ theo ghe buôn ngược xuôi cùng ba tôi. Cũng nhờ trời, tôi có thời gian làm SQTT kiêm bị đì làm thuyền trưởng chiếc monitor 6514, ngày đêm gắn bó với nó hành quân diệt địch, tôi đã thuộc lòng từ xóm nhà, hàng đáy dọc trên dòng sông Soài Rạp. Chổ đổ khách chỉ cách căn cứ GĐ27XP cũng là chổ chiếc LCM6 chìm ngày trước chừng mấy cây số. Chạy ra ngoài một chút xíu nữa thôi là đã ngang quận lỵ Quảng Xuyên nơi mà ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi gặp chiếc 402 và xuýt nữa bị tiêu đời.

Tôi biết đoạn đường sanh tử của chuyến đi là từ Lý Nhơn bên trái, nơi có chiếc tàu hải quân đang nằm kích; tới Vàm Láng bên phải, nơi có trạm công an biên phòng.

Sau cái tuần lễ dùng ghe máy đuôi tôm đi thám thính sông Soài Rạp, tôi biết nếu muốn thành công trong cuộc đấu trí nầy, bắt buộc phải dựa vào yếu tố bất ngờ. Thứ nhất tôi không chọn đêm tối đen, bình thường người ta cho rằng chỉ kẻ lén lút mới đi trong đêm đen. Ghe vượt biên thường chọn đêm không có trăng. Cho nên tôi phải làm ngược lại, tôi chọn đêm ra đi là một đêm sáng trăng còn là vì trong những ngày đó thủy triều lên xuống mới mạnh nhất. Thứ hai tôi nhất định không đi gần bờ Lý Nhơn. Thứ ba tôi phải xuất kỳ bất ý chạy sát đồn công an Vàm Láng với tất cả tốc độ có được. Tuy nhiên tôi biết dù tính kỹ cở nào, tôi bà xã và cô em gái mỗi người cũng phải thủ sẵn trong túi một tờ già Hồ để nếu thất bại thì riêng tôi chắc chắn phải chơi cái chiêu phóng xuống sông, tẩu vi thượng sách. Phần bà xã tôi và cô em gái cũng cần chút tiền để theo những người khác kiếm cách về nhà. Như vậy ít ra sau nầy dù thành công hay thất bại, tôi cũng mãn nguyện là đã có một kế sách đầy đủ cho chuyến đi.

Hôm đó ngày ghe lên đường khoảng 18 hay 19 tháng 9 âm lịch, trăng lên trể. Tuy thua trăng rằm Trung Thu tháng 8 một chút nhưng vẫn còn sáng trưng. Trước khi tới sông Vàm Sát bờ bên Đặc Khu Rừng Sát, ghe tôi mở ga nhỏ chạy tà tà như một gia đình làm ăn chân chính trong một đêm sáng trăng. Rồi từ sông Vàm Sát tôi tăng vận tốc một chút băng qua sông nhắm hướng đồn Rạch Cát. Từ chổ nầy tôi biết phải thật thận trọng. Trước lúc đi, tôi đã quyết định, sẽ bằng mọi giá không để bị bắt trong địa phận Long An. Đây rồi, đồn Rạch Cát quen thuộc. Sau đó tiếp tục đâm thẳng qua bờ Gò Công sẽ là cột đèn đỏ. Tôi tiếp tục cho ghe chạy sát bờ bên Gò Công. Bờ Gò Công nơi nầy chính là điểm tập trung của rất nhiều giang đỉnh 30 tháng tư năm đó. Tới được chổ nầy tôi đã thấy rất an tâm, nếu bị chiếc tàu kia của hải quân VC phía bên kia bờ phát giác, thì từ đó chạy tới đây cũng phải mất ít nhất nửa tiếng đồng hồ. Không lâu sau, sắp tới ngang Vàm Láng anh thợ máy lấy ra một bộ phận mà anh tự chế nhét tạm vào ống pô tàu để giảm âm thanh. Đó cũng là lúc tôi tống hết ga theo dòng nước đang rút mạnh ra biển. Chiếc ghe nhỏ 14m với cái máy Gray 4, dọt lên theo dòng nước xuôi, lao đi thật nhanh. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn như thấy hình ảnh nhiều công an áo vàng từ một nơi nào đó xách súng túa ra chạy rượt theo trên bờ. Nhưng tụi bây nhất định đã chậm hơn một bước!!!. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng được là mọi chuyện xảy ra lại thuận lợi hợp với ước muốn của mình đến như vậy.


Vừa chạy qua khỏi Vàm Láng, ghe còn gặp một trở ngại mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Đó là ghe lọt vào cái có thể gọi là một mê hồn trận toàn gồm các hàng đáy đan xen kẻ với nhau. Các hàng đáy thì tôi không lạ lùng gì. Nhưng loại hàng đáy trùng điệp, hàng hàng lớp lớp như thế nầy thì đây là lần đầu tiên tôi thấy. Liên tục cùng một hàng khoảng cả chục miệng đáy đính sát nhau mới thấy có được một kẽ hở chừng 10 - 15m. Rồi tới một chục miệng đáy cùng hàng khác. Không biết bao nhiêu dãy bao nhiều hàng, xen kẻ lẫn nhau. Ghe chỉ có thể chạy xuyên vào các kẽ hở mới an toàn lọt qua được. Theo thủy triều xuống, nước chảy ra biển vẫn còn đẫy chiếc ghe lao tới như chớp. Vướng vào các dây cáp của cột đáy thì ghe không lật cũng bị quấn chân vịt hoặc gãy chân vịt. Quá hoảng sợ tôi không cách nào khác hơn là phải bảo Thông ra phía trước nằm sấp sát mủi ghe, dùng mắt để xác định chổ nào là kẽ hở. Mỗi khi xác định được, dùng tay chỉ cho để tôi cho mủi tàu hướng ngay vô chổ đó. May mà có ánh trăng sáng vằng vặc, nó mới có thể hoàn thành được công việc mà tôi giao phó. Trên đầu một số ít cột đáy còn có chòi canh thấp thoáng có bóng người ở trong đó. Ngày xưa lúc phục vụ ở Hạm Đội, một vài lần chiếc HQ401 cũng theo sông Lòng Tàu đi ngang Vàm Láng qua cửa Tiểu cửa Đại để về miền Tây, nhưng tàu lớn không chạy sát bên bờ Vàm Láng. Một vài lần lúc ở GĐ27XP tôi cũng có ghé vào Vàm Láng. Nhưng chưa bao giờ tôi để ý đến đám hàng đáy kinh khủng nầy.

Tờ mờ sáng hôm đó tôi đã thấy Vũng Tàu đàng xa, bên trái. Lúc đó tôi biết nguy hiểm vẫn còn gần kề. Rồi Vũng Tàu từ từ đi về phía sau lái tàu, càng xa càng thấy thoải mái hơn. Phải đến 3, 4 giờ chiều cùng ngày, khi thấy Côn Sơn mờ xa bên mặt, tôi mới tin rằng mình đã ra khơi an toàn và vượt thoát thành công.


Chuyến đi sau đó cũng có thêm một vài trục trặc. Nhưng 4 ngày 4 đêm sau, hành trình nầy đã đưa vợ chồng tôi đến giàn khoan dầu Panama trên vùng biển thuộc Indonesia. Ở đó nhân viên giàn khoan Panama đã tiếp tế lương thực, giúp sửa chửa cái bơm lườn và chỉ đường cho ghe tôi đến một hải đảo nhỏ gần nhất của Indonesia. Chiếc SS 0990 tuyệt vời của tôi đến Terempa khoảng 5 giờ chiều ngày 1 tháng 11 năm 1980. Gặp ngay chiếc Flora, tàu Hồng Thập Tự Tây Đức đang chờ chở dân tỵ nạn tại đó, chúng tôi được đưa ngay lên chiếc Flora. Đêm đó nó chở cả đám trực chỉ đảo KuKu, bắt đầu cuộc đời tỵ nạn. Bấy giờ mới biết trên ghe tôi có tổng cộng 87 người. Đó là một đêm 1 tháng 11 thần tiên sau thật nhiều năm. Sáng hôm sau 2 tháng 11 năm 1980, chiếc Flora mang chúng tôi tới đảo KuKu. Ở đó có văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR). Ngày 6 tháng 12 năm 1980, chúng tôi được chiếc SeaSweep chuyển tới Pulau Galang, Indonesia.


(Giữa năm 1981 khi gặp ĐT Hưng (K21) tới sau tại trại tỵ nạn Galang, Indonesia, tôi được biết chuyến đó Hùng Sùi bị bể, chạy vào kiếm chổ cho ghe ẩn nấp một thời gian. Lúc Hưng còn ở Việt Nam, Hùng và Hưng cũng nghe tin tôi ra đi thành công. Sau đó Hùng cũng ra đi lần nữa cùng lộ trình tôi đi lúc trước, nhưng bị giử lại tại Vàm Láng. Như vậy sau tôi, ĐT Hưng cũng thành công. Hùng Sùi phải cần ít nhất 3 lần mới xong chuyện của mình. Cuối cùng Hưng và Hùng Sùi, cả hai trước sau định cư ở Mỹ.

Hạnh thì sau đó tiếp tục với mấy đường dây do tôi bàn giao lại. Tới Galang tôi còn vẽ lộ trình gởi về, nhờ người nhà trao lại cho Hạnh. Hạnh rốt cuộc cũng tới được Indonesia, định cư tới Úc.

Chuyện vượt biên của tụi tôi tùm lum, tà la nhiều chi tiết rườm rà quá!!!)

Vùng sông nước của tôi !!!

Cuộc đời đã đem đến cho tôi cái số kiếp ghe tàu lông bông hầu như lúc nào cũng được gắn bó với một vùng sông nước vô cùng phong phú. Vùng sông nước mà tôi muốn nói đây là từ những con sông lớn, sông nhỏ tới những ngọn rạch. Nó bao gồm cả các đám dừa nước, các hàng cây bần cây mắm, các hàng đáy, xóm nhà. Nó cũng bao gồm luôn từng đám lục bình lặng lờ trôi trên dòng nước đục ngầu của sông Tiền sông Hậu hay dòng nước trong vắt có thể thấy sâu tới đáy của dòng sông Đồng Nai. Tôi không thể nào không kể tới những ngọn rạch nước ngọt miền Tây dưới bóng những bóng cây mận cây xoài rợp bóng, ngồi trên ghe có thể với tay hái trái được. Tôi cũng không thể nào không nói ra vùng sông nước về đêm với ánh đom đóm lập lòe hay ban ngày với tiếng bìm bịp kêu báo giờ nước lớn.


Đã có gần trọn một đời người để kiểm nghiệm, tôi phải thú nhận là không ngờ rằng mình có duyên nợ với vùng sông nước nầy nhiều như vậy. Những gắn bó bắt đầu từ thời bé thơ, đã là nơi cho tôi chơi giởn rồi trở thành phương tiện đi xa qua các chuyến ghe buôn trong lứa tuổi lớn hơn. Cũng những sông rạch nầy tôi đã có biết bao lần ngày đêm dẫn giang đỉnh tham gia hành quân diệt địch, một thời trai trẻ không biết chử sợ là gì. Rồi cũng có một lần xuýt bỏ mạng trên vùng sông nước đó khi giởn mặt với chiếc HQ402 ngày 30 tháng 4 năm xưa. Cuối cùng cũng phải trở lại nương nhờ vùng sông nước đó mới có cơ hội bỏ nước ra đi.

Cho tới bây giờ dù đã trải qua bao nhiêu năm tháng, tôi biết rõ được một điều. Vùng sông nước ba chìm bảy nổi chín lênh đênh nầy đã sát cánh cùng tôi trong biết bao tang thương biến đổi !!!. Một vùng sông nước lúc nào cũng là niềm thương nhớ là nổi mất mát không nguôi, không bao giờ có gì bù đắp được.

Cuối cùng rồi tất cả cũng đã đi vào kỷ niệm mà mỗi lần nhớ tới trong tôi chỉ còn lại những ngậm ngùi.

Cứ như thế trong tôi vùng sông nước
Theo tháng ngày thành thương nhớ mênh mông!!!


PV Tố - M6514

Nhớ Tháng 4 Đen CA, 2016