có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 4 30, 2016

Bạo ngược của lịch sử



Lưu Diệu Vân: Dù muốn dù không, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng biến cố 30 tháng Tư đã tạo nên những ranh giới vô hình: ranh giới thời gian giữa văn chương trước và sau 1975, cũng như ranh giới không gian trong và ngoài nước. Theo ý riêng của tác giả, biến cố này đã (và đang) đem lại những ràng buộc hay tháo gỡ nào trên nền văn học Việt Nam. Và nếu không có biến cố này, văn phong/đề tài/ý thức trong sáng tác của tác giả sẽ khác với bây giờ không, và nếu có, khác như thế nào?

Khi biến cố 30 tháng Tư xảy ra, tôi đang là sinh viên đại học năm thứ hai, đã bắt đầu ôm mộng văn chương và tập tành viết lách. Buổi sáng hôm đó, tôi cùng với một người bạn học đứng ở ban công căn nhà mà gia đình anh ở trọ nằm trên đường Trần Quốc Toản (bây giờ là đường 3 tháng 2) nhìn xuống đường phố để được tận mắt chứng kiến những giây phút vật vã sau cùng của thành phố mình hằng yêu mến, gắn bó. Trong đầu tôi thầm nghĩ sẽ là một lỗi lầm không thể biện minh với Sài gòn nếu mình không có mặt vào cái thời điểm quan trọng này.

Trước đó trên những con đường mà tôi đi qua, tôi đã nhìn thấy một chiếc thiết giáp, nhiều quân phục, phù hiệu, kể cả vũ khí mà các binh sĩ miền Nam đã vội vàng vứt bỏ; tôi cũng nhìn thấy đây đó những binh sĩ với gương mặt thất thần, ngơ ngác, bước đi mệt mỏi, vô định. Họ cũng trạc tuổi chúng tôi thôi, nhưng bây giờ bỗng dưng họ lại phải gánh nặng trên vai và trong tận sâu thẳm tâm hồn của mình sự ê chề của một “nỗi buồn chiến tranh”. Và cũng bắt đầu từ buổi sáng đó, họ và rất nhiều người trong chúng tôi đã và sẽ còn tiếp tục lê những bước chân lạc lõng trên chính quê hương mình.

Nhưng ngay vào buổi sáng ngày 30 tháng Tư, dù có nhận thức được tầm vóc to lớn của biến cố mà mình đang trực tiếp chứng kiến sẽ làm đảo lộn dòng chảy của lịch sử nhưng tôi và có thể nhiều người, do không đủ hiểu biết cũng như kinh nghiệm, không biết rằng chính vào buổi sáng định mệnh đó, đã có một “ranh giới vô hình” được vạch ra cho thân phận và đời sống của người Việt Nam, rằng đây mới chỉ là màn mở đầu giản dị của một bi kịch đầy máu và nước mắt sau này.

Điều đó, suy cho cùng, cũng có thể giải thích được. Bởi lẽ tôi đang ở một độ cao chưa quá bốn mét của một ban công nhìn ra con đường nhỏ trước mặt, chỉ đủ cho một góc nhìn của kẻ đứng bên lề, làm sao có được sự bao quát cần thiết.

Nhưng vấn đề là thực sự có một ranh giới vô hình không?

Ngay cả bây giờ đây, tức hơn bốn mươi năm trôi qua, những bạn học ngày cũ gặp lại nhau, người đang sinh sống ở trong nước hoặc ngoài nước, trong câu chuyện, dường như vẫn còn lẩn khuất đâu đó những dè dặt, những thận trọng để tránh cho nhau những đổ vỡ, phiền muộn. Có những ngộ nhận, vô tình hay cố ý, kéo dài. Có những trách nhiệm bị gán ghép vô cớ.

Quả thật, 30 tháng Tư đã để lại một vết thương oan nghiệt trên lưng người Việt và với thời gian, nó dần trở thành một điểm quy chiếu miễn cưỡng trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhiều thế hệ.

Tôi đã nhìn thấy gì từ một ban công buổi sáng 30 tháng Tư đó?

Trái ngược với cảnh tượng tôi thấy trên đường đi, ở đây, đối diện với ban công mà chúng tôi đứng, một đám đông hối hả chạy vào rồi hớn hở trở ra một doanh trại quân đội, có lẽ đã hoàn toàn bị bỏ trống; mỗi người vác theo một món đồ, nhỏ như cái quạt bàn, lớn như cái tivi, tủ lạnh…Đám người hôi của ấy, dù ở chân trời hay cuối bể, sau một cuộc biến động, đâu đâu cũng có mặt. Họ hồn nhiên (hay thản nhiên?) vơ vét, trục lợi mà lòng chẳng hề gợn lên một thoáng mặc cảm hay hổ thẹn; họ cũng chẳng bận tâm hay ưu tư gì viển vông.

Hơn bốn mươi năm qua tôi vẫn thường xuyên đi lại trên con đường đó, cái doanh trại ngày nào bây giờ đã biến thành những cửa hàng lộng lẫy, hào nhoáng. Cuộc dâu bể quả thật đã quét đi sạch sẽ, chẳng để lại một chút dấu vết gì. Duy có điều an ủi là giữa cảnh vật đổi sao dời ấy, căn nhà và cái ban công vẫn nguyên vẹn như cũ, nguyên vẹn từ màu vôi trắng tường nhà đến màu rỉ sét của những thanh sắt. Sự hiện hữu của nó như một phản kháng thầm lặng mà bền bỉ trước những trò tráo trở, bạo ngược của lịch sử.

Tôi vẫn nhìn thấy tôi còn đứng đó, một mình, trên cái ban công từ buổi sáng 30 tháng Tư năm 1975 để chứng kiến, để ghi nhận cái đám đông hôi của mà bây giờ, sau bốn mươi năm, đã lớn lên không ngừng. Họ có mặt trên mọi miền, đang từng ngày tận thu, tận vét đến tận đáy những gì còn sót từ chút của cải còm cõi của đất nước. Chính họ, nói cho thật chính xác, là một trong những thủ phạm đã bóp chết hy vọng về một tương lai sáng sủa cho quê hương.

Đôi khi tôi vẩn vơ tự hỏi, liệu trong những tháng ngày cuối cùng của mình trên đời này, tôi có còn được Thượng Đế ban cho một cơ hội để một lần nữa được chứng kiến một biến cố lịch sử trên quê hương Việt Nam với tầm vóc của ngày 30 tháng Tư hay không.

Nào ai có thể biết được tương lai sẽ dành những bất ngờ gì cho mình.


Vũ Thành Sơn