có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 2 14, 2016

Power of Love, liên khúc nhạc tình Valentine


Hoa hồng trên Cầu Nghệ thuật (Pont des Arts) nhân mùa Valentine ở Paris. 
REUTERS /Benoit Tessier

Cách đây đúng 30 năm, nhạc phẩm The Power of Love (Mãnh lực Tình yêu) giành lấy ngôi vị quán quân thị trường Anh quốc và các nước châu Âu vào tháng Giêng năm 1985. Ba thập niên sau, bài hát này vẫn nằm trong số các tình khúc yêu chuộng nhất nhân mùa Valentine.

Trên các mạng Deezer, Spotify, Billboard hay TimeOut … bài hát The Power of Love thường lọt các bảng xếp hạng, bên cạnh các tình khúc như Endless Love (Tình Yêu Bất Tận) của Diana Ross & Lionel Richie hya của Mariah Carey & Luther Vandross, I Will Always Love You (Mãi mãi Yêu anh) của Whitney Houston, hay là bài How Deep Is Your Love của nhóm The Bee Gees. Các bản nhạc này từng được ghi âm đi ghi âm lại nhiều lần, cho nên tùy theo danh sách, khán thính giả bình chọn khi thì ca khúc chính gốc, lúc thì phiên bản cover …

Do số lượng tình khúc nhân mùa Valentine rất nhiều, cho nên trong chương trình Góc vườn Âm nhạc hôm nay, chúng ta cùng khám phá lại hai liên khúc tình ca. Liên khúc đầu tiên gồm các bản nhạc rất nổi tiếng như Right Here Waiting (nguyên tác của Richard Marx), Everything I do (Bryan Adams), Against All Odds (Phil Collins), I Want to Know what Love is (Foreigner). Liên khúc thứ nhì gồm các bản All By Myself (Eric Carmen), Say You Say Me (Lionel Richie), Let It Be Me (Gilbert Bécaud), Never Gonna Fall In Love Again (Tom Jones). 

Trong trường hợp của nhạc phẩm The Power of Love (Mãnh lực Tình yêu), hai phiên bản được giới hâm mộ yêu chuộng nhất vẫn là bài hát nguyên tác của ca sĩ người Mỹ Jennifer Rush phát hành cuối năm 1984, đầu năm 1985 và phiên bản ghi âm lại của Celine Dion vào tháng 11 năm 1993, trên album mang tựa đề The Colour of My Love (Sắc Màu Tình Ta) .…

The Power of Love (Sức mạnh Tình yêu) là ca khúc tiếng Anh đầu tiên giúp cho Celine đoạt hạng nhất thị trường Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) … Đây là dịp để cho chúng ta nghe lại tình khúc này dưới dạng ‘’tam ca ảo’’. Phần mở đầu tiếng Pháp là của Lisa Angell, các đoạn tiếng Anh là của Jennifer Rush và Celine Dion.

Tên thật là Heidi Stern, Jennifer Rush sinh trưởng tại Queens, thành phố New York, trong một gia đình nghệ sĩ người Mỹ. Thân phụ của cô là Maurice Stern, một danh ca tenor làng kịch opera, còn thân mẫu Barbara Stern là nghệ sĩ độc tấu dương cầm. Năm cô lên 9, Jennifer Rush theo gia đình sang miền bắc nước Đức sinh sống, do ông bố vừa ký hợp đồng biểu diễn với nhà hát opera (Städtische Bühnen) tại thành phố Flensburg.

Sự nghiệp hát kịch opera của Maurice Stern tại châu Âu kéo dài trong vòng nhiều năm, gia đình ông dọn về thành phố Wiesbaden sau khi ký thêm hợp đồng biểu diễn với nhà hát Hessisches Staatstheater. Chính trong khoảng thời gian này, Jennifer Rush mới khán phá mình có chất giọng mezzo soprano, nhưng cô lại chọn ngành nhạc nhẹ thay vì đeo đuổi kịch opera như ông bố.

Năm 19 tuổi (1979), theo sự hướng dẫn dìu dắt của người anh trai là một nghệ sĩ chơi kèn saxo (Bobby Stern), cô ghi âm đầu tay với tên thật của mình Heidi Stern, nhưng album này thực hiện với một nhóm sản xuất người Đức, hoàn toàn không thu hút được sự chú ý. Đến album thứ nhì, cô mới đổi tên thành Jennifer Rush, do nghệ danh này thích hợp hơn với một sự nghiệp quốc tế.

Ca khúc The Power of Love là bài hát cuối cùng do Jennifer Rush đồng sáng tác và ghi âm để hoàn tất cho album thứ hai, theo dự trù bài hát này đáng lẽ ra không được khai thác dưới dạng đĩa đơn, do thời lượng ca khúc hơi ‘’ngoại khổ’’ dài tới sáu phút, và như vậy không thích hợp cho lắm với các bài hát phát trong khuôn khổ các chương trình phát thanh trên làn sóng FM.

Dù không được hãng đĩa tán đồng, bài hát The Power of Love vẫn được phát hành vào tháng 12 năm 1984. Đầu năm 1985, bản nhạc nhảy vọt lên hạng đầu thị trường Anh quốc, ngự trị trong vòng 5 tuần lễ liên tục, sự nghiệp quốc tế của Jennifer Rush cất cánh, khi bài hát giành lấy ngôi vị quán quân trên thị trường châu Âu, mở đường cho một loạt ca khúc ăn khách khác sau đó.

The Power of Love trở thành đĩa đơn ăn khách nhất năm 1985 tại Vương quốc Anh với gần hai triệu bản, đồng thời lập kỷ lục số bán tại nhiều quốc gia như Úc, Canada, Nhật Bản, Nam Phi. Tại châu Âu, bài hát lọt vào Top Ten các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Ai Len, Na Uy, Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Trong sách kỷ lục Guinness, bản nhạc được liệt kê là đĩa hát bán chạy nhất của một nữ nghệ sĩ hát solo. Jennifer Rush nắm giữ kỷ lục này trong vòng 7 năm, trước khi nhường ngôi lại cho Whitney Houston, lập kỷ lục mới với tình khúc "I Will Always Love You", ca khúc chủ đề của bộ phim The Bodyguard (Người Cận Vệ).

Sự nghiệp quốc tế của Jennifer Rush kéo dài trong hơn một thập niên, nhưng có dấu hiệu khựng lại từ giữa những năm 1990 trở đi, tuy có nhiều dự án hợp tác ghi âm với các tên tuổi lớn của làng nhạc quốc tế như Elton John, Michael Bolton hay Brian May tay đàn ghi tàn của nhóm Queen, nhưng vẫn không đủ để tạo cơ hội cho Jennifer Rush lặp lại thành tích ngoạn mục như trước kia. Jennifer Rush vẫn thường xuyên đi biểu diễn tại châu Âu, đặc biệt là ở Đức, nhưng vẫn không chinh phục được thị trường Hoa Kỳ, cho dù nước Mỹ là nguyên quán của cô ca sĩ.

30 năm sau ngày được phát hành The Power of Love vẫn là một trong những tình khúc có nhiều phiên bản cover qua các giọng ca nổi tiếng nhất. Thập niên 1980 có phần ghi âm lại của ban song ca người Úc Air Supply (1985) và nữ ca sĩ Laura Branigan (1987). Thập niên 1990 bài hát chiếm hạng đầu thị trường thế giới nhờ phiên bản của Celine Dion (993) và sau đó là phiên bản của Andrea Bocelli (1995). Những năm 2000 cũng cho ra đời nhiều bài cover khác, trong đó có phiên bản của ca sĩ người Nhật Yuna Ito và ca sĩ người Anh Sam Bailey.

Tính đến nay, The Power of Love đã có đến gần 500 phiên bản khác nhau, bài hát đã được chuyển ngữ sang 12 thứ tiếng kể cả tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Tiệp, Hà Lan, Thụy Điển, Rumani. Phiên bản tiếng Tây Ban Nha đầu tiên được ca sĩ Dominica Angela Carrasco ghi âm vào năm 1986, đến năm 1987 phiên bản tiếng Bồ Đào Nha ra đời, nhờ vậy mà bản nhạc The Power of Love trở nên một ca khúc phổ biến trên khắp châu Mỹ Latinh, kể cả Brazil.

Một trong những phiên bản lạ nhất là phiên bản tiếng hindi mà ca sĩ Sitam (Amar) đã ghi âm lại để làm ca khúc chủ đề cho bộ phim "Bend It Like Beckham". Dù được hát trong ngôn ngữ nào đi chăng nữa, dường như không có thị trường nào có thể cưỡng lại sức mạnh của giai điệu, không thể ngăn chặn nổi mãnh lực của tình yêu.


Tuấn Thảo