có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 11 22, 2015

Bến phà - bến bắc - bến đò



Nhắc đến phà, đến bắc, người ta nghĩ ngay đến những nước nghèo, nơi phương tiện giao thông còn èo uột, không xây nổi cầu nên phải dùng đến cái cách qua sông vất vả và mất nhiều thì giờ ấy. Mười mấy năm trước, lúc mới trôi sông lạc chợ tấp vô xứ này tôi ngạc nhiên hết sức khi phát hiện ra gần nơi mình ở cũng có một bến phà. Phà bên Mỹ? Lạ quá trời. Chiếc này đúng ra phải gọi là “đò” vì nó rất nhỏ, nhỏ hơn ở bắc Mỹ Thuận bắc Cần Thơ nhiều, chở tối đa ba chiếc xe hơi và một số khách rất hạn chế. “Đò ngang” không ngang qua sông mà ngang qua... biển. Một eo biển nhỏ, tĩnh lặng, người ngợm lưa thưa, sóng râm ran vỗ vào ghềnh đá. Trên bờ có một cái chòi bán vé hẳn hoi. Kỳ thiệt. Ở cái xứ mà nhịp sống vèo vèo như xứ này mà vẫn có những người chịu khó mua vé, chịu khó chờ đợi, chịu khó nối đuôi nhau để thưởng thức cái thú “sang bờ” bằng đò trong khi chỉ xích lại đằng kia một vài bước là cứ thế phóng vụt qua cầu-một cây cầu thênh thang, vững chãi, hiên ngang nối liền phần đất bên này và phần đất bên kia. Những người chờ đò hẳn nhiên có cái thú trong sự lựa chọn của họ. Mua một cái kem, xuýt xoa mùi gió biển ngai ngái nồng nồng, thả trôi thả nổi hồn mình cho nó muốn tới đâu thì tới. Người qua đò không chỉ người già. Còn có người trẻ, có con nít, có mấy cô cậu học trò dắt xe đạp, trông hiền khô, trông tỉnh lẻ thế nào... Họ ngồi trên những băng gỗ cứt chim lốm đốm. Họ lơ mơ nhìn trời, nhìn nước, lơ mơ nhìn những đám rong dập dềnh trên sóng, lơ mơ nhìn những con hải âu sà xuống tìm mồi. “Đò ngang” này không biết có từ lúc nào, thu vào bao nhiêu lợi lộc cho thành phố mà đến nay vẫn còn hoạt động. Người ta giữ nó như giữ một đồ vật cổ trong viện bảo tàng hay dùng nó để kéo lại thăng bằng cho một đời sống bị cuốn phăng đi bởi quá nhiều những hấp lực vô hình.

Ngồi trên sóng để giữ thăng bằng cho nhịp sống của chính con người mình? Thiệt vậy sao? Ở đời lắm chuyện ngược đời. Bởi vậy mà bên cạnh những cây cầu bậc nhất thế giới như Golden Gate, như Bay Bridge, như Brooklyn Bridge... bên xứ này vẫn còn lấp ló đâu đây một bến nước mơ màng, một con “đò ngang” kiểu Vàm Xáng, kiểu Cây Dương qua chợ huyện Phú Tân, qua cù lao Tân Lộc. Những con đò này không còn nhiệm vụ cố hữu của chúng là đưa khách qua sông nữa. Nó được dùng để chở những tâm tình, những giấc mơ, những cảm xúc bập bềnh vô định. Đò thì vẫn cập bờ nhưng người ta không cảm thấy đó là “bờ”, nhất là khi bước ra khỏi đò mà chưa tỉnh mộng thì vẫn có cảm giác hụt chân như thường. Nghĩ cho cùng thì có giấc mơ nào có “bờ” đâu, hở bạn?

Một người khách đã đặt tên cho cái eo biển này là “thị trấn ven sông.” Cái ông này... rõ ràng là nhớ nhà quá cỡ. Ông hay mò ra đây... chơi. Buồn buồn ra đã đành. Không có gì buồn cũng ra. Ông đeo kính màu xanh đục, thấy cái gì cũng xanh. Đường sá, nhà cửa, thuyền bè, cho chí mặt anh lái đò thảy đều xanh ráo trọi. Ông nhớ bến đò quê ông thời còn đi học, nhớ cái cù lao trồng toàn một thứ mận đỏ rực như lửa gọi là mận chuông, ngọt chịu không thấu. Trí nhớ của ông tràn lan hết chuyện nọ tới chuyện kia trong quá khứ. Em ông té lọt xuống ao, má ông lội bùn vớt lên, ba ông bị Tây nện báng súng vào bụng, ông chơi banh mà nhà nghèo không tiền mua banh, lấy nùi giẻ nhét vô ruột trái bưởi xài đỡ. Đá một cái nùi giẻ bay tứ tung. Trời đất... Cái “bến đò” ở “thị trấn ven sông” gợi lên nhiều chuyện lắm. Toàn chuyện xưa. Ông biểu: “Già cả. Nhìn về phía trước... thấy lạnh mình. Phía sau nhiều chuyện vui hơn.” Vậy mà vui đâu không thấy, thấy ông viết toàn những câu thơ buồn.

Em như hoa tím lục bình
Nhấp nhô trên sóng biết mình về đâu
Chiều về óng ả ngàn dâu
Hoàng hôn không khói biết đâu là nhà. [1]


Ôi, ông bạn già lẩm cẩm. Đành rằng “đò ngang” nhưng “đò ngang” bên Mỹ. Đào đâu ra dâu ra lục bình để tâm hồn ông tấp vô đó mà hoài vọng về một cái bến xa xăm, về một nơi gọi là “nhà”, hở ông? Nơi ấy là nơi nào? Chiều chạng vạng. Bến đò treo bảng “closed”. Ông đội mũ đạp xe ra về. Vợ ông ra mở cửa đưa hai tay lên trời: “Trời ơi, ông đi đâu từ sáng tới giờ. Tôi ở nhà gần phát khùng. Gọi điện thoại tùm lum, con cái túa nhau đi tìm, gọi bạn bè ông, gọi sở cảnh sát, gọi nhà thương. Mà tôi không rành tiếng Anh tiếng u, nói năng ấm ớ. Đưa cho ông cái cell phone thì ông bỏ quên ở nhà. Coi có khổ tôi không. Sao ông không dọn ra cái bến sông bến nước mắc dịch của ông ở luôn cho rồi. Về làm gì...” Ông bạn già nghe cằn nhằn chắc đã... quen tai nên bỏ... ngoài tai, cười hề hề coi như không có.

Nhắc chuyện bến đò bỗng nhớ tới một giai thoại vùng Thoại Sơn núi Sập được nghe kể lại như vầy nhân một lần ngồi đò qua sông (người kể là một chú nhỏ ốm ốm, đen đen, không học hành gì nhiều, sống bằng nghề làm ruộng mướn):

Chị biết không đáng lẽ là xã em xây được cây cầu chỗ này rồi, không dùng đò nữa đâu. Xã nghèo quá. Con sông có chút xíu mà xây cầu xây không nổi. Nhiều bữa kẹt đò trễ nãi công việc. Có lần thì lái đò tham chở khẳm quá. Đò chìm. Chết gần chục người... Xã đưa đơn. Người ta biểu chờ cứu xét. Chờ từ Tết năm này qua Tết năm kia qua Tết năm kìa. Tờ đơn đó chắc mục thành đất rồi. Đùng một cái có người hứa xây cầu. Đó là anh cán bộ gì to lắm làm trên phòng xây dựng tỉnh. Anh đó phải lòng một chị dưới này. Ảnh hỏi làm vợ. Chỉ đâu có chịu. Hỏi chị chớ người ta nghèo nhưng cũng là người đàng hoàng. Anh này có ra gì đâu. Có vợ rồi. Muốn lấy người ta là lấy lẽ thôi, đâu có danh phận gì. Chị ấy thức trắng mấy đêm cuối cùng nói với ổng: “Em về làm lẽ với anh thì cũng được nhưng anh phải hứa xây cho xã em cây cầu. Em trai em ngày xưa chìm đò chết đuối ở sông này. Thằng nhỏ mới mười ba mười bốn tuổi, hình nó trên bàn thờ. Nếu anh không chịu thì thôi dẹp. Coi như bất thành phu phụ.” Anh đó thề sống thề chết là sẽ giúp chỉ đạt thành ý nguyện.

Hai người ăn ở với nhau chưa được bao lâu thì vợ cả hay được tốc xuống dưới này đập chị kia một trận tơi bời. Anh đó bị kỷ luật, bị cách chức... Anh ta bỏ vợ lẽ không dám léng phéng nữa. Chị này giận lắm lên tìm ảnh nói cho hả: “Anh bỏ tôi thì cũng được nhưng còn chuyện cây cầu phải tính thế nào? Dù sao tôi cũng đã đem thân về ở với anh. Lời anh hứa còn chưa ráo đầu môi. Người có học có chữ nghĩa mà sao tiền hậu bất nhất?” Anh nọ ỉ ôi: “Em ơi. Lời anh hứa anh nào có quên. Nhưng anh ở với em nửa chừng gãy đổ. Duyên nợ dở dang như vầy nên nếu có xây thì anh chỉ giúp xã xây được nửa cây cầu. Một nửa còn lại xã phải bù vô. Trước sau anh giữ lời chớ anh nào có phụ bạc hay thất hứa gì với em.”

Chị nọ nghẹn họng. Nói gì được nữa. Vậy mà chị ấy cũng xăm mình lên gặp chủ tịch xã. Ông này kéo một hơi thuốc lào đến say bật ngửa ra sau xong lồm cồm bò dậy, biểu: “Mày thiệt là muối mặt. Cái chuyện trai gái dan díu đổ bể tầy huầy ra chưa đủ xấu hổ sao mà còn dám đem chuyện cái cầu ra nói, làm như để bào chữa. Cái xã này nghèo rớt mồng tơi. Nguyên cây cầu xây không nổi mà nửa cây cầu xây cũng không nổi. Mày về đi. Kiếm chỗ nào tử tế mà lấy làm chồng.” Chị ấy tức quá, đi tắt ra bến đâm đầu xuống sông tự tử, được người ta vớt lên cứu sống. Bị phạt 200 ngàn đồng tiền ngu. Rốt cuộc bến đò còn chình ình ra đó. Rồi chỉ cũng đi lấy chồng, về ở bên kia sông. Hôm đi lấy chồng cũng ngang bến sông này. Nhà chỉ cứ thẳng con đường đất này mà đi, đi mãi, qua khỏi đình Ông Cả, qua khỏi rạch Ô Môn, qua lò đường, qua đám rẫy bầu rẫy bí...

Câu chuyện kể tròng trành theo con nước. Một người con gái xuống đò sang sông trong tình cảnh thế này thì tội nghiệp quá. Chắc hôm ấy đò rất khẳm vì nặng oằn tâm sự. Thử mường tượng sau này, mươi mười năm nữa hay bao nhiêu năm không rõ có lẽ nơi bến sông ấy cũng sẽ có một cây cầu thay cho bến đò. Người đàn bà ngày xưa sẽ ôm con (hay ôm cháu) bước qua cầu sang sông. Chị sẽ đi ngập ngừng, hai gối run run vì xúc động, hai cánh mũi phập phồng ngửi mùi sơn mới trên tay vịn. Có lẽ đến giữa cầu thì chị sẽ dừng lại, ngó xuống bóng mình, tìm xem những hỉ nộ ái ố ngày nào của mình đã chìm lỉm hay còn vướng mắc nơi đâu. Rồi đứa con (hay cháu) sẽ nắm áo chị mà giựt giựt. “Đi mẹ (đi bà), lẹ lẹ về. Sao ngừng lại nửa chừng vầy nè?”

Tâm sự của đời người nhiều như nước sông, chẳng bao giờ dừng, chẳng bao giờ cạn. Một thi sĩ đã viết câu này trong một lần xuống bến

Đêm qua bắc Vàm Cống
Mối sầu như nước sông [2]

...


Nghe buồn quá. Người ấy đã gặp những chuyện gì? Bạn gái bị cha mẹ ép uổng? Thương người ta mà người ta không thương lại mình? Hay tình bậu muốn thôi rồi bậu gieo tiếng dữ? v.v... Tôi xuống bắc Vàm Cống cũng vào ban đêm, mua vé, ngang qua cái cổng lớn có hàng chữ “Kính chúc quí khách thượng lộ bình an”. Trời nước đen thui, mặt mũi hành khách người nào người nấy đen thui, lập loè những đầu thuốc đo đỏ. Chợt nhớ... ngày đó tháng đó năm đó người thi sĩ nọ cũng qua bến sông này, để lại bài thơ. Người ấy đã đứng (hay ngồi) ở đâu trên sàn chiếc bắc muôn năm lem luốc cặn dầu, những vệt bánh xe, những dấu giày dấu dép chồng lên nhau, bao thuốc lá, giấy gói quà, lá nem lá chuối... Gió sông lướt lên những hoài niệm, những bần thần.

Tôi châm điếu thuốc nữa
Đốt tàn thêm tháng năm
Chiếc bắc xa dần bến
Đời xa dần tuổi xanh [2]


Vạch thời gian để tìm lại một tâm tình chẳng khác nào sục sạo trong lùm cây bụi cỏ để tìm một chiếc dép đánh rơi hồi năm nảo năm nao. Trong một bài báo nghe đâu có chuyện người ta chế ra cái máy chụp được những hình ảnh trong quá khứ, chụp được cả chân dung Chúa Giê-Su. Mà thôi. Năm mươi năm đã trôi qua. Hơi hướm một lần qua sông tản mất tự đời nào. Tóc người thi sĩ đã bạc. Dòng nước ngày xưa đã bạc. Bài thơ ngày nào ông kê giấy lên lòng bàn tay viết hí hoáy trong đêm đen mù mịt nay giạt về đâu? Bắc Vàm Cống nghe đâu đang rục rịch lên kế hoạch xây dựng cầu. Bắc Mỹ Thuận, bắc Cần Thơ đã về vườn cả rồi. Đến một ngày nào những bến phà, bến bắc, bến đò sẽ không còn nữa. Thay vào đó là những cây cầu, dập dìu xe vận tải, xe du lịch, xe hai bánh, ba bánh, rồi khách bộ hành, dân lao động, những người buôn thúng bán bưng cũng ào ào lũ lượt qua cầu. Những cô cậu thanh niên tha hồ hẹn hò nhau, qua cầu ngả nón trông cầu, cầu bao nhiêu nhịp... Có ai còn hát câu này không: đèn treo bến bắc gió thổi hắt ngọn đèn tàn, ai về Mỹ Thuận Tiền Giang....ơ... ơ...? Không còn tiếng máy đuôi tôm xạch xạch, không còn cái áo phạch ngực của anh lái đò, không còn hàng cơm hàng cháo dọc đường xuống bến, không còn tiếng đờn ca ai oán, không còn khuôn mặt nắng gió của những em bé bán dạo. Ôi, có cái gì trên mặt đất này mà không bị cái luật dâu bể chi phối, hở trời?

Cái thời bến bắc bến đò đã qua đi như đã qua rồi cái thời của những chiếc cối xay chạy bằng sức gió, cho đến khi điện năng ra đời, những cánh quạt này vĩnh viễn ngừng lại thì một tác giả đã ngậm ngùi thương tưởng mà viết lên những câu như thế này: “Còn mong gì hơn nữa thưa quí ông; trên thế gian này có cái gì mà không có sự tận cùng và phải nhận rằng cái thời cối xay gió đã qua đi cũng như đã qua rồi cái thời những con tàu do ngựa kéo dọc sông Rhône, thời các Pháp viện hàng tỉnh và những chiếc áo jaquette hoa to.” [3] Đành lòng vậy. Cầm lòng vậy. Muốn khác cũng không được. Cũng may cho những người hoài cổ — trong đó có mình — là còn cái nguồn an ủi quí giá, cái bến đò ngay trên xứ này, gần nơi mình ở, lái xe không quá nửa giờ. Một buổi sớm mai rực rỡ nước ngoài khơi tràn vào ôm đầy eo biển nhỏ tôi thả rông ra ngoài đó, mua cái vé sang bờ không quá đồng bạc, hinh hỉnh mũi nghe mùi nắng mùi gió, mùi quê hương trong tưởng tượng, miệng nhái theo giọng mùi rệu của ông cò quận 9:

Tôi đứng đây mà như đứng bên bờ sông Mỹ Thuận
Lúc mình quay xuồng tách bến để về lại với hai con
Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn
Con nước lớn lục bình trôi rời rã

Đò xứ người nhưng thôi mượn xài đỡ. Coi như đò xứ mình, cho đỡ nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cái thời xa xưa vậy.


Cao Thanh Phương Nghi

3/2010


_________________________

[1]Thơ Cao Nghi Bình.
[2]Thơ Tô Thùy Yên.
[3]Trích Alphonse Daudet. Bản dịch của Trần Việt.