có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 10 04, 2015

Tàn cơn binh lửa




Một

Từ ngày gặp ông tới nay cũng đã lâu mà tôi vẫn chẳng biết tên thực của ông là gì. Chung quanh xóm người ta gọi ông là thầy Năm. Tôi cũng gọi ông như thế. Ông sống đơn độc, không vợ con trong một căn chòi lá, vuông vắn mỗi bề chừng 3 thước, do chính tay ông dựng. Phía sau chòi là một mảnh vườn diện tích chừng hơn hai sào. Toàn bộ nhà cửa, vườn tược nằm bên một con suối nhỏ, đầu nguồn là chỗ giao nhau của ba đường thông thủy từ trên dẫy núi đá vôi cách xa nhà ông chừng non cây số. Rải rác theo ngọn suối cũng còn có một số căn chòi khác cuả dân tứ xứ thập phương dồn về đây trong kế hoạch lập kinh tế mới CS đề ra, nhưng lâu dần nhiều người không chịu nổi, đành bỏ cuộc.

Ông Năm người tầm thước, nước da ngăm đen, đầu tóc bạc trắng và chòm râu cước dài làm tăng thêm vẻ đạo mạo của ông. Nói chung ông không có gì đặc biệt ngoại trừ đôi mắt còn rất sáng và một khuôn miệng trông lúc nào cũng như đang mỉm cười. Ông ít nói, hầu như chỉ nói những gì thực cần thiết. Sau này khi biết ông lâu, ông bảo tôi:

-”Cái miệng là nơi tạo nghiệp nặng nhất. Những lời võng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt là đầu mối cuả những oan khiên hận thù. Nó vừa là sứ giả rao truyền sự liên kết thân ái, và cũng chính nó tạo nên sự chém giết núi xương sông máu.” Rồi ông kết luận, “Ít nói chừng nào hay chừng nấy!”

Hình như ông đã đi nhiều nơi, sống nhiều chỗ vì đôi lúc tôi nghe ông nhắc tới các địa danh rất lạ. Trong căn chòi ông ở cũng chẳng thấy ông thờ cúng đạo gì. Ông bảo tôi: “Phật tại tâm chứ đâu Phật có nằm trong khuôn hình, Phật không cần thờ cúng. Phật chỉ mong sao chúng sinh hãy sống theo giáo lý của Phật chứ không cầu chúng sinh giảng thuyết ào ào mà cái tâm toàn gươm với dáo. Khi đem Phật từ trong tâm ra ngoài thì Phật về cõi Phật.” Cuộc sống của ông vừa dản dị vừa thanh thản làm sao.

Tôi là một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, đi tù 9 năm, 8 tháng 11 ngày. Cấp bực đại úy, chức vụ trước khi đi tù là tiểu đoàn phó bộ binh. Tôi tốt nghiệp khóa X. Khi ra trường tôi được bổ sung về đơn vị Y đảm nhiệm chức vụ đại đội phó CTCT. Được 2 tháng, trong một cuộc tấn công, viên trung úy đại đội trưởng, trong đơn vị tôi, tử thương ngay từ đợt xung phong đầu tiên, vì thế tôi đựơc chỉ định thay thế. Nói đúng ra thì chẳng có ai chỉ định tôi lên thay vị chỉ huy tiền nhiệm cuả tôi cả. Nhưng vì tôi đi sát với trung úy đại đội trưởng và vì tôi là thiếu úy, cấp bực lớn thứ hai cuả đại đội nên tôi tự coi là đương nhiên thôi. Vả lại chiến trường đang dầu sôi lửa bỏng như thế này mà ngồi chờ lệnh lạc bổ nhiệm thì họa chỉ có là điên!

Sau đợt pháo thứ hai và một đợt yểm trợ sát tuyến đầu cuả máy bay trực thăng võ trang, Thiếu tá tiểu đoàn trưởng ra lịnh cho chúng tôi tiếp tục cuộc xung phong thứ hai. Lần này thì cả 3 trung đội dàn hàng ngang cùng nhào vào tuyến phòng thủ cuả địch. Cuộc kịch chiến diễn ra khoảng gần 20 phút, trung đội 2 và 3 chiếm được một phần bìa làng. Trung đội 1 bị đánh bật trở ra nằm thúc thủ trước một bờ ruộng khô. Những loạt đạn từ một cây trung liên nồi của địch trong bụi tre gai găm thẳng xuống đầu trung đội này như một cái chiã ba. Tôi ra lệnh cho trung đội 2 từ phía hông trái, nương theo hàng hầm hố phòng thủ đánh tạt sang bên phải giải toả chốt điểm này. Chừng 10 phút sau thì chúng tôi làm chủ mục tiêu. Cả đại đội tràn vào đầy tuyến. Địch chạy toán loạn. Những tiếng chân rượt đuổi, tiếng chửi thề, tiếng súng cá nhân nổ tứ tung trên mục tiêu hoà vào nhau chơi bản hợp xướng rùng rợn cuả thần chết.

Sau trận đánh, tôi được thăng cấp trung úy đặc cách tại mặt trận và được bổ nhiệm chính thức chức vụ đại đội trưởng bộ binh kể từ ngày đó. Đáng lý ra tôi có thể khiếu nại về việc bổ nhiệm này vì tôi là một sĩ quan nghành tâm lý chiến, nhưng không hiểu sao tôi lại không làm. Nói cho ngay tình, với tư cách là một đại đội phó CTCT ở cấp đại đội, tôi chẳng có việc gì làm ngoại trừ khi tiểu đoàn nghỉ dưỡng quân. Khi ấy tôi mới có dịp tập họp binh sĩ để nói chuyện, phổ biến những tin tức, mà tiếng chuyên môn lúc đó gọi là sinh hoạt CTCT. Nhưng tiểu đoàn có mấy thuở nghỉ dưỡng quân. Nếu không hành quân tiêu diệt địch thì cũng kéo về một vùng mất an ninh nào đó đóng quân để hù mấy tên du kích hoặc các lực lượng di động địa phương của chúng. Nghiã là cũng vẫn ở trong vị thế hành quân. Thành ra thà giữ luôn chức vụ chỉ huy có vẻ vừa chính danh lại vừa có cơ hội thăng tiến hơn.Tôi nghĩ như thế.

Thời gian làm đại đội trưởng của tôi nói chung là suông sẻ. Thậm chí nó còn có vẻ phù hợp với với bản tính cuả tôi nữa, cái tính thích phiêu lưu mạo hiểm và tình đồng đội. Chỉ có điều trái khoáy là càng chiến đấu lâu tôi càng nhận ra sự buồn chán và sự lì lợm vô duyên của mình. Những cuộc hành quân liên tục nối đuôi nhau làm cho người lính bỏ mất tính đề cao cảnh giác cần thiết. Người lính mệt từ thể xác tới tinh thần. Khoảng trống giữa hai cuộc hành quân là các cuộc nhậu nhẹt quên đời của các tay lính trẻ. Hãy sống trọn vẹn phút giây này đi, cuộc đời là muôn vàn bất trắc biết đâu mà lường.



Hai

Thế rồi cuộc rút quân đầy thương đau đã đến. Trong suốt cuộc hành trình từ ngã 3 Phú Bổn trên quốc lộ 14 cho tới khi ra được Quốc Lộ 1, đơn vị của chúng tôi từ từ tan biến đi như bao muối trong cơn mưa. Nhớ lại lúc được lệnh rút theo tỉnh lộ này, Thiếu tá tiểu đoàn trưởng của tôi ngẩn ngơ như người mất hồn. Một con đường đã bỏ phế trong bao năm tháng, đi xuyên qua những khoảng rừng thưa, những con suối cạn. Chính tiểu đoàn chúng tôi đã có lần hành quân tìm xác một chiếc trực thăng rớt trong vùng, trên con đường này mới cách đây chưa đầy năm. Lúc ấy, con sông Ba đang mùa lũ. Qua dòng nước mênh mông, tôi thấy lấp loáng phía bờ bên kia con đường đất đá lổn nhổn chui vào trong một khoảng rừng già và mất dạng. Chiếc cầu sắt chênh vênh gẫy nhịp giữa và bị gỡ luôn 2 phía mố cầu nằm ưu tư như một thương binh hồi tưởng lúc oanh liệt cuả mình.

Trong tầm hiểu biết hạn hẹp, tôi nghi ngờ khả năng thi hành thành công một cuộc triệt thoái như thế. Nhìn trên tấm bản đồ, con đường hiện ra cong queo khúc khuỷu được vẽ bằng mầu đỏ uốn éo qua rừng,qua suối đã bị bỏ hoang bao lâu nay. Vị chỉ huy của tôi lắc đầu thở dài. Nhớ lại những bài học chiến thuật khi còn ở trường, bài rút lui trì hoãn là bài học sau cùng. Tôi nhớ tới vị huấn luyện viên già khi thuyết giảng bài này. Tiếng ông ấm áp dễ nghe. Ông là vị sĩ quan thâm niên và cấp bực cao nhất của khoa tác chiến, đồng thời cũng là vị sĩ quan có nhiều kinh nghiệm trong đời lính chiến của mình. Trong lời mào đầu cho bài giảng cuối cùng của khóa học, ông nói: – ”Trong tất cả các hình thức tác chiến, hành quân lui binh là khó khăn nhất. Trong quân sử thế giới nếu tôi nhớ không lầm chỉ có một hoặc hai cuộc hành quân kiểu này đựơc gọi là thành công. Thành công ở đây hiểu theo nghiã là chịu ít tổn hại nhất, hay nói nôm na, thoát chết. Cái khó căn bản ở đây là cái thế. Cuộc hành quân chỉ xẩy ra khi cái thế không còn. Nói nôm na là thất thế. Từ cái thế nẩy sinh sự hỗn loạn. Từ sự hỗn loạn dẫn đến không còn sự chỉ huy nữa. Một đoàn quân không có chỉ huy là một đám hỗn quân. Vì thế muốn có một cuộc hành quân lui binh ít thất bại nó đòi hỏi phải có một cấp chỉ huy dũng cảm và quyền biến. Dũng cảm là dám sống và chết theo đoàn quân. Quyền biến là dám làm quyết định biến đổi hình thái tác chiến cuả mình khi cần. Trong đời tôi gần 20 năm lăn lộn với chiến trường, cái may mắn là tôi chưa từng tham dự một cuộc triệt binh nào. Tôi cũng cầu chúc các anh được may mắn như thế. Bây giờ bắt đầu chúng ta bước vào bài học…”

Giờ đây rõ ràng tôi là kẻ thiếu may mắn. Sự thiếu may mắn của tôi còn khốn nạn hơn nhiều khi tôi phải chấp nhận thi hành một công việc mà mình biết chắc là sẽ thất bại.



Ba

Tôi gặp thầy Năm trong một dịp thật tình cờ. Lúc đó là khoảng tháng 5. Trời oi bức, nóng nực khó chịu. Suốt thời gian ngồi cho tới lúc bước xuống khỏi chiếc xe đò chở khách là một cực hình. Chiếc xe lắc lư, bụi than bốc ra từ chiếc ống khói bắt ở phiá sau lâu lâu lại tạt vào lòng xe khiến cho đám hành khách trên xe lấm lem luốc, bầy hầy dễ sợ. Đón xe từ ngã ba Hàng Xanh từ 6 giờ sáng mà tới gần 2 giờ chiều xe mới tới đây. Tám tiếng đồng hồ dùng để di chuyển trên một khoảng đường chưa tới 50 cây số.

Ra khỏi bến xe tôi chẳng biết đi đâu. Phường trưởng chỉ cho biết là gia đình vợ con tôi đã đi kinh tế mới tại vùng này sau khi tôi vào tù đựơc hơn hai năm.

– ”Cứ lên bến xe rồi hỏi khu kinh tế mới quận Z là ai cũng biết.”

Hắn bảo tôi như thế. Tôi làm theo đúng lời hắn nói nhưng chẳng có kết quả. Người đầu tiên tôi gặp là một cậu thanh niên áo quần xốc xếch, nhếch nhác.

– ”Tôi có nghe nói vùng kinh tế mà dân thành phố lên đây xây dựng. Nhưng hình như rã đám rồi!”

Anh ta cho tôi biết như thế. Người thứ hai là một bà già quê. Bà bảo tôi:

– ”Già cũng từ Biên Hoà lên thăm thằng con đi thanh niên xung phong công tác ở đây mà kiếm từ sáng tới giờ cũng chưa ra!”

Mệt mỏi tôi lê vào một quán nước bên vệ đường ngồi nghỉ chân, luôn tiện kêu một ly trà đá giải khát. Chủ quán là một bà già trầu. Mồm nhai bỏm bẻm, bà bảo:

– ”Thày đi theo con đường này cho tới một ngã 3. Quẹo trái rồi tiếp tục đi một thôi nữa, bỏ qua 2 ngã tư khác. Tới ngã tư thứ 3 thì quẹo phải, đi về hướng núi, khu kinh tế mới nằm ở đó.”

Tôi đeo chiếc ba lô rách lên vai sau khi uống xong ngụm nước trà cuối cùng rồi đi theo hướng bà hàng nước vừa chỉ. Mất gần một tiếng đồng hồ tôi mới gặp được căn chòi đầu tiên. Hai đứa bé chừng 9, 10 tuổi đang ngồi ăn khoai luộc. Một con chó còm mắt lim him nằm úp bụng bên cạnh 2 đứa bé chờ ăn vỏ khoai quên cả sủa khách lạ. Tôi cất tiếng hỏi:

– ”Các em có biết gia đình cô N ở đây không?”

Một đứa ngước nhìn, lắc đầu. Đứa kia lơ đãng hình như không chú ý tới câu hỏi của tôi. Tôi bỏ đi. Qua vài căn chòi bỏ trống tuếch toác, tôi gặp một thanh niên cụt một chân đang lui cui thổi lửa trong căn nhà lá chỉ có 2 vách 2 bên, còn mặt sau và trước bỏ trống. Tôi hỏi anh ta:

– ”Xin lỗi anh, anh có biết gia đình nào có người tên là N và một cháu trai nhỏ tên T ở quanh đây không?”

Anh thanh niên ngẩng lên nhìn tôi hờ hững đáp:

– ”Tôi không nhớ, trước đây xóm này còn đông, bây giờ bỏ đi hết rồi. Tôi lại ít đi đến đâu thành ra tôi cũng chẳng biết ai còn ở, ai ở?!”

Tôi đến căn nhà ông Năm là lúc trời cũng đã chạng vạng tối. Người đàn ông tôi gặp đang ngồi bất động trên chiếc chõng tre mặt hướng về phiá núi. Tôi nghĩ thầm, chắc ông ta đang ngồi thiền. Tôi lặng lẽ ngồi xuống trước cử chòi, im lặng. Gần nửa tiếng đồng hồ trôi đi trong lặng lẽ, không ai nói với ai một lời. Sau cùng ông Năm mới cất tiếng hỏi:

– ”Chú ở đâu tới đây?”

– Dạ từ thành phố. Tôi trả lời mệt mỏi.



– Chắc là đi kiếm người nhà phải không?

– Dạ.

– Xin lỗi, người nhà chú tên gì?

– Dạ, vợ cháu tên N, con trai cháu tên T.

– Vợ con chú lên đây năm nào?

– Dạ, cháu cũng không biết rõ, nghe đâu hồi năm 77 thì phải.

Tiếng ông Năm khàn khàn,

– Như vậy chắc là trở về thành phố rồi. Cả khu này chỉ còn lại 19 nóc gia, tôi thuộc hết tên mà chẳng có ai tên như vậy.

Cả hai chúng tôi lại ngồi im lặng. Không khí chung quanh dịu dần. Đã có những luồng gió mát mang theo mùi lá rừng ngai ngái dễ chịu. Mắt tôi muốn nhắm lại, tôi buồn ngủ dễ sợ. Bỗng ông Năm cất tiếng:

– Chắc là từ sáng tới giờ cậu chưa ăn uống gì, phải không?

– Dạ, sáng nay trước khi lên đây, cháu có ăn rồi. Cháu có mang theo ít gạo, xin bác cho phép cháu mượn cái nồi nhỏ nấu miếng cơm được không?

Ông Năm bỏ chân xuống chõng, đi ra phiá sau nhà, cầm vào một chiếc nồi đất đưa cho tôi rồi bảo:

– Thôi đêm hôm khuya khoắt rồi nấu nướng làm gì cho nó khổ, để mai. Tôi còn ít bắp luộc, cậu ăn tạm lót lòng.

Trời tối mò, vầng trăng lưỡi liềm treo chênh vênh sau dẫy núi đá không đủ soi sáng căn chòi. Tôi đưa tay vét trong lòng chiếc nồi đất lấy ra một chiếc bắp, âm thầm cạp ăn trong bóng tối. Ông Năm lại lên tiếng:

– Ăn xong rồi trải vải mưa vào góc nhà bên kia mà nằm nghỉ cho khoẻ rồi mai đi lòng vòng hỏi thăm xem sao.

Tôi âm thầm làm theo lời chỉ dẫn của ông Năm. Đặt mình xuống là đôi mắt tôi nhíu lại không cưỡng nổi. Tôi thiếp đi cho tới gần sáng khi cơn lạnh cuả khí núi và rừng làm tôi rùng mình. Tôi có một ưu điểm là rất dễ ngủ. Khi bố mẹ tôi còn sống, bố tôi thường bảo:

– ”Thằng này sau số nó sướng, từ lúc mới lọt lòng là ngủ li bì rồi!”

– ”Con cái gì đâu ngủ tới mức phải đánh thức dậy cho bú, sợ nó chết đói!” Mẹ tôi thêm vào.

Lớn lên, cũng vì cái tật này mà tôi không bao giờ học giỏi được. Bất chấp thi cử, từ các kỳ thi tam cá nguyệt trong lớp cho tới thi tốt nghiệp tú tài, tôi chỉ có đủ khả năng chống lại ông thần ngủ nếu kim đồng hồ không vượt quá 10 giờ đêm. Mười giờ 1 phút là tôi buông sách đứng dậy vào giường bất chấp còn bao nhiêu bài phải ôn thi. Có điều tôi cũng phải nói ngay là tôi thường gặp may trong các kỳ sát hạch này. Lúc thì trúng tủ, khi thì bạn bè chung quanh thương mến cho quay cóp tận tình nên tôi cứ tàng tàng lên lớp, và ra trường. Chẳng bù cho anh ba tôi, thức khuya dậy sớm học chuyên cần vào loại có tiếng mà kỳ thi nào cũng phải làm tới 2, 3 lần mới lọt. Bố tôi sau qua nhiêu lần chiêm nghiệm cuối cùng cũng phải thừa nhận, con người ta có số, học tài thi phận mà các cụ xưa thường nói là rất đúng, ít nhất cũng lã đúng trong trường hợp của tôi!

Hồi hành quân khu vực Đồng Tháp, khi ngồi trên bờ ruộng, thòng chân xuống nước chờ yểm trợ phi pháo, trước khi tiến chiếm mục tiêu, tôi cũng thường ngủ chớp nhoáng ít phút! Tôi chẳng biết có phải cơn ngủ đã mang đến cho tôi sự bình thản lạnh lùng trước mọi thử thách biến cố hay không, nhưng bạn bè chiến hữu cuả tôi ai cũng đồng ý tôi là một con người có máu lạnh. Trong đơn vị, từ cấp chỉ huy tới binh sĩ, không ai có thể phủ nhận được sự lì lợm cuả tôi. Thậm chí có lần bạn bè hỏi:

– ”Mày không sợ chết à?”

Tôi nói bỡn:

– ”Chết là một giấc ngủ dài, tao là thằng thèm ngủ bẩm sinh, thành ra đâu có gì để sợ? Cái đáng sợ đối với tao chính là tình trạng sống dở, chết dở, giống như một cơn ngủ chập chờn ngủ, không ra ngủ, thức không ra thức.”



Bốn

Ngày tôi lãnh tấm giấy ra trại trở về Sài gòn là một ngày mưa. Sau những thủ tục thông thường, tôi được lãnh một bộ quần áo bà ba mới không có dấu đóng tù “cải tạo” phía sau lưng. Ngày về của tôi, tôi bỏ lại tất cả mọi thứ lặt vặt kể cả bộ đồ tôi mới lãnh cho các bạn tù còn trong láng, ngoại trừ chiếc ba lô sờn rách nhiều chỗ và những đồ nhà binh tôi đã mang theo hôm ra đi.

Nhớ lại sau ngày 30 tháng Tư 75. Hành trang hôm lên phường trình diện là hai bộ đồ gồm một bộ thường phục mặc trên người và một bộ đồ trận bỏ trong ba lô, một cái mền dù, một cái mùng nhà binh cùng một ít vật dụng cá nhân, vài ngàn bạc vợ tôi nhét vội vào túi áo. Hơn 9 năm tù lao động cật lực, quần áo rách hết, nhưng riêng bộ đồ trận tôi luôn nâng niu giữ gìn như một kỷ vật. Lúc nhận giấy tha, tôi lôi ra mặc. Bộ đồ như rộng và dài hẳn ra. Tôi gầy đi nhiều quá. Hơn 9 năm đi tù của tôi đã có biết bao đổi thay. Mẹ tôi vừa bịnh vừa buồn lo mà mất, may mà bố tôi đã chết trước ngày mất nước một năm, nếu không chắc ông có nguy cơ chết ở trong tù. Gia đình tôi tan tác luân lạc mỗi người một phương. Khi về đến nhà, tôi được bà con cho biết là phường đã đòi lại căn gia binh mà gia đình tôi đang ở, vợ con tôi ‘’được nhà nước” đưa lên vùng kinh tế mới sinh sống ở trên ấy. Các anh chị tôi thất lạc tứ tung, người trốn lên tầu vượt biên, người bị bắt, người đi tù, người mất liên lạc, còn sống hay đã chết cũng chẳng ai hay.

Đứng trước căn nhà cũ lòng tôi xe thắt bùi ngùi. Người chủ mới là một cán bộ làm việc tại phường (người hàng xóm bảo tôi như thế). Tôi chỉ đứng nhìn nơi ở cũ để hồi tưởng những hình ảnh dĩ vãng của gia đình vợ con tôi ngày xưa. Căn nhà đóng kín cửa, tường vôi loang lổ, xập xệ tiêu điều hơn lúc gia đình tôi còn trú ngụ. Riêng căn bên cạnh của ông đại úy già phụ trách quầy hàng quân tiếp vụ, bạn vong niên với bố tôi, bây giờ được mở ra bán chạp phô, nước mắm, than củi, dĩ nhiên cũng do một cán bộ CS khác trông coi. Tôi cũng không rõ ông đại úy già nay còn sống hay chết, gia đình lưu linh phương nào.

Cuộc chiến tranh vừa qua đã lật úp những thứ gì có trong lòng bàn tay của nó. Mọi trật tự, giá trị đảo lộn ngược lại cả thành ra ai cũng ngơ ngáo như nhau, kẻ thắng cũng như người bại. Người bại ngẩn ngơ vì cái thua cứ như đùa, không tin nổi. Kẻ thắng bàng hoàng không nghĩ rằng mình thực sự lại có thể thắng được theo kiểu như thế. Tôi bỏ đi đến địa chỉ của vài người bà con tìm chỗ trú chân và hỏi thăm tin tức gia đình suốt cả buổi chiều. Ai cũng lạnh lùng, lơ láo như kẻ mất hồn. Mãi cho đến gần tối, tôi mới tìm ra được chỗ đứa cháu gái gọi tôi bằng cậu. Nó là con chị hai tôi, kém tôi 5 tuổi. Nhìn nó già như bà già ngũ tuần. Nó nhìn tôi rồi oà ra khóc.

– ’’Cậu đấy à? Tanh banh hết rồi cậu ơi.”

– ”Mẹ mày đâu rồi?” Tôi hỏi

– ”Mẹ cháu và bố cháu về Sóc Trăng làm ruộng rồi.”

– ”Bố mày là thầy giáo chứ đâu có phải nông dân mà đi làm ruộng?” Tôi bảo.

– ”Phải làm ruộng mới có lúa mà sống cậu ơi.”

– ”Thôi mày cho tao vào nhà, tắm rửa, kiếm cái gì ăn rồi nói chuyện sau.”

Cháu gái tôi đi trước, tôi theo sau. Tôi nghe giọng nó nói,

– ”Chào ông đi con.”

Có tiếng trẻ,

– ”Chào ông!”

– ”Ừ, chào cháu.” Tôi đáp.

o O o

Từ nửa căn nhà vào phía trong tối om. Tôi chẳng nhìn thấy gì. Tôi lần mò đụng được một chiếc ghế, ngồi xuống nhắm mắt lại cho quen với bóng tối. Tôi hỏi cháu tôi:

-”Mộ của ông bà ngoại bây giờ ra sao?”

Cháu tôi bảo:

-”Bố mẹ cháu đã cho thiêu và bỏ vào hũ mang về để trên bàn thờ rồi cậu ạ.”

Ngừng một lúc, nó cho tôi biết thêm khu nghiã trang bố mẹ tôi an nghỉ đã bị giải tỏa để chuẩn bị xây dựng khu công nghiệp của thành phố. Tất cả những ngôi mộ được chôn cất ở đây đều bị dời đi nơi khác, những ngôi mộ nào không có thân nhân thì họ dùng máy ủi cào san bằng cả. Nắm xương người chết cũng bị hành hạ lăn lóc chẳng thua gì người sống. Cháu tôi còn nói hồi giải tỏa có biết bao nhiêu chuyện đồn đãi về ma quỉ đi lang thang trong khu vực dân cư chung quanh nghiã trang. Dân chúng ta thán dữ lắm nhưng họ coi chuyện ấy là bình thường. Đối với họ, chết là hết chuyện. Con người cũng chẳng khác gì những sinh vật khác, sinh ra lớn lên rồi chết. Cái chết chấm dứt mọi sự ngoại trừ những dòng chữ tùy tiện của các cán bộ an ninh nhận xét về người ấy thì còn tồn tại lâu sau đó. Người ta chỉ để ý tới lý lịch chứ không cần con người.

Sau khi nhìn rõ khung cảnh bên trong căn nhà, tôi đi tới trước bàn thờ cha mẹ tôi để thắp một nén nhang. Tôi muốn nói những lời hối lỗi với ông bà. Cả đời tôi, tôi chưa làm được điều gì để cha mẹ tôi hài lòng. Cuộc chiến tranh lôi tôi vào guồng quay cuả nó để từ đó tôi mang đến cho cha mẹ tôi biết bao phiền muộn. Cứ mỗi lần về phép, nhìn mái tóc của mẹ ngày càng thưa và trắng đi nhiều là một lần tôi ân hận.

Hôm bố tôi mất, đơn vị tôi đang hành quân vùng tam biên. Nhận được tin nhà mà tôi chẳng thể dời khỏi đơn vị. Cuộc hành quân kéo dài gần tháng trời, cho tới hồi gần kết thúc tôi mới theo chuyến máy bay tiếp tế để trở về hậu cứ. Về đến nhà thì mọi viêc đã xong. Chiếc khăn tang trắng dành cho tôi còn để trên ban thờ của bố tôi chờ tôi về. Khi mẹ tôi chít cho tôi chiếc khăn tang lên đầu, tôi đã quì xuống trước bàn thờ mà khóc tạ tội với bố tôi về sự vắng mặt của mình. Tôi ngước lên thấy hình bố tôi trong khung ảnh hình như đang nhìn tôi với nét đăm chiêu thương xót. Tôi nói thầm với bố,

“Bố ạ, thế hệ chúng con nhiều chông gai thử thách quá. Vũ khí ngày càng hiện đại, tầm hủy diệt ngày càng cao và càng tàn hại. Với những kỹ thuật tác động tâm lý tân kỳ, lòng thù hận đựơc nhân lên nhanh chóng và mãnh liệt. Đối với những người chủ xướng chiến tranh, ai cũng tin là máu sẽ rửa sạch được bằng máu! Những điều mắt thấy tai nghe trong suốt chặng đường chinh chiến đã làm cho con mất đi niềm tin về một ngày toàn thắng. Để biện minh cho hành động cầm súng, con đã thu hẹp lại những mơ ước của mình. Con chỉ nghĩ tới trách nhiệm và bổn phận của một người chỉ huy với binh sĩ thuộc cấp hơn là những điều cao xa khác. Tổ quốc, dân tộc những cụm từ nghe sao cao siêu quá, không biết có phải do nơi các chính khách khéo dùng đã nhân danh nó để làm những điều xằng bậy khiến cho con chán nghe hay không? Con cũng không biết.

Con nhớ mãi những lời bố dậy từ hồi con còn nhỏ: “Con người sống phải có lý tưởng, con người không có lý tưởng giống như con thuyền không lái…” Con giờ đây đúng là một con thuyền không lái. Con thuyền nhỏ nhoi trôi giữa những chênh vênh gập ghềnh của những ưu tư không lối thoát. Cuộc chiến tranh con đang tham dự hình như đã đến hồi kết thúc. Những cuộc họp bàn chính trị đã bước sang giai đoạn cò cưa ngã giá trên những cường độ gia tăng mỗi ngày của các cuộc hành quân. Máu đổ nhiều hơn lên khi chưa có bóng dáng của hòa bình. Cuộc chiến này thực sự có thể kết liễu trong một nền hoà bình đích thực hay không? Con e rằng chỉ là huyễn tưởng. Bố ơi, nếu con có mất đi niềm tin định hướng cho đời sống cuả con như bố đã từng dậy, con xin bố hãy tha thứ cho con.”

Tôi nhìn khung hình cuả bố tôi mờ dần trong dòng nước mắt chan hoà đầm đìa. Đã lâu lắm tôi không được khóc như thế. Những tổn thất mất mát trong chiến trận xẩy đến hàng ngày đã cướp đi trong tôi những tình cảm rất người. Trái tim chai đá vì sự cuồng nộ chém giết. Mẹ tôi chít xong chiếc khăn tang cho tôi rồi cũng gục xuống trên lưng tôi khóc oà lên. Có lẽ mẹ đang nghĩ tới một ngày nào đó, một điều gì đó sẽ xẩy đến cho chính đứa con trai út mà bà thương yêu nhất nhà.

Mẹ tôi từ ngày ấy vò võ một mình ít nói chuyện với ai. Căn nhà còn lại toàn là đàn bà: mẹ tôi, chị dâu thứ ba cuả tôi, và vợ tôi. Những người đàn ông trong nhà đều đang lâm trận.



Năm

Buổi sáng trên rừng trời thường đổ lạnh. Chim chóc vắng tiếng hót. Có lẽ chúng đang trong giai đoạn bị tiệt chủng vì những cư dân ốm đói ở đây. Mặt trời ló sau rặng cây xơ xác lá. Không khí cũng bắt đầu nóng lên dần. Tôi bỏ ra phía sau vườn đi tiểu. Chỗ để tiểu tiện có đặt một chiếc nồi bể, tôi nói với ông Năm:

– ”Có một mình ông thì có bao nhiêu nước tiểu mà hứng?”

Ông Năm bảo:

– ”Thì mình cứ đặt nó ra như một thói quen ở ruộng ấy mà. Vả lại hai ba ngày, pha loãng ra cũng đủ tưới đám rau thơm.”

Tôi đi ra phía con suối cạn sau nhà. Lòng suối đã khô đi nhiều nơi, nhưng lấp loáng cũng còn nhiều vũng nước trong đủ để uống và tắm gội. Ông Năm nói:

– “Đi về phía ngọn nó cũng còn một khe sâu đầy nước quanh năm, dân chúng ở đây vào múa khô tới đó gánh về nấu ăn. Lâu lâu có mấy thằng chết tiệt ị bậy, cứt trôi lều bều trên mặt nước, cũng phải gạt sang một bên mà dùng!”

Tôi bảo ông Năm, tôi muốn ở lại ít hôm dò la tin tức của vợ con tôi sau đó sẽ trở về thành phố. Ông Năm bảo:

– ”Lo gì, cậu muốn ở tới bao giờ cũng được, bắp cả vườn, nước cả suối, không khí một rừng tha hồ mà hưởng!”

Tôi thầm nhủ, lâu lắm tôi mới có dịp gặp lại một người tỉnh táo. Tôi nói:

– ”Sao ông chẳng thắc mắc tôi là ai gì hết trơn vậy, ông Năm?”

Ông Năm cười:

– ”Chú là tù “cải tạo” chứ là ai, mà hỏi làm quái gì cho mệt. Cả đất nước này hiện tại chỉ có hai loại người: tù và cai tù. Cai tù đang sống thoải mái với vợ con, còn tù thì lang thang cầu bơ cầu bất như ma chơi. Nhìn là biết ngay, cần gì phải hỏi.”

Tôi bảo tôi có mang theo một ít cá khô, dăm kí gạo, trưa nay nấu cơm ăn một bữa ông nghĩ sao. Ông bảo sao cũng được, đừng quá bận tâm tới cái ăn, cái ăn nó làm hèn con người. Tôi nói với ông:

– ”Hèn hay hùng là do mình nghĩ thôi. Mấy thằng hèn đôi lúc còn dễ trông, chứ trăm thằng hùng, mặt thằng nào cũng vênh lên trông mà phát lợm!”

Ông Năm nói: “Ờ, ờ?” rồi không nói gì thêm nữa.

Buổi trưa, hai chúng tôi ngồi ăn cơm với cá khô nướng. Vài con ruồi xanh bay vo ve nhào lộn, xẹt tới xẹt lui trên mảnh lá chuối trên đó có 2 con cá. Tôi nấu 2 lon gạo trắng trong chiếc nồi đất nhỏ, ông Năm ăn 2 chén, còn lại bao nhiêu tôi ních hết. Tôi hỏi:

– ”Sao ông ăn ít thế?”

Ông Năm bảo:

– ”Quen dạ rồi.”

Tôi đứng lên thu dọn chỗ vừa ăn. Gấp lại mảnh lá chuối, lượm 2 cái đầu cá bỏ vào nồi cơm rồi đem ra phiá sau vườn. Ăn xong chừng nửa tiếng, ông Năm bỏ đi đâu mất tiêu chẳng nói một lời. Tôi theo dòng suối cạn thả dài tới chân núi. Mặt trời bắt đầu lên cao dần, những bụi cây gai nằm dọc theo hai bên suối còn óng ánh vài hạt sương trên những chiếc lá. Dưới lòng suối một dòng nước trong chẩy luồn qua các kẽ đá hoặc sỏi nghe róc rách. Một con cua đá mầu đen to bằng nửa bàn tay dơ càng quơ quơ những chiếc bong bóng nước. Bên kia suối là một mảnh ruộng trồng khoai lang đánh thành từng vồng cao, khuất sau một tán me là một ngôi nhà tranh. Tôi băng qua suối theo hướng con đường mòn nhỏ đi vào phía trước căn nhà. Một người đàn bà đang phơi quần áo trên một sợi dây thừng bện bằng lá chuối khô. Tôi lên tiếng hỏi:

– ”Xin lỗi bà, cho tôi hỏi thăm có gia đình nào tên là N ở gần đây không ạ?”


Người đàn bà dương đôi mắt loà hướng về phiá tôi trả lời thều thào:

– ”Già không biết gì hết.”

Từ phiá trong nhà, một ông già ngoài lục tuần cao giọng hỏi:

– ”Ông hỏi thăm nhà ai?”

Tôi nói:

– ”Dạ cháu hỏi thăm nhà cô N.” Tôi nói thêm. “Dạ, cô N là vợ cháu và con cháu tên là T, lên vùng này cách nay chừng sáu bảy năm.”

Ông già hình như cố tìm lại trong trí nhớ xem có ai tên như vậy không. Chừng dăm phút sau ông lắc đầu,

– “Xóm này chẳng có ai tên như thế. Lão lên đây từ ngày đầu tiên, cả xóm này lúc đầu có gần 500 người từ 2 phường 10 và 11 gộp lại, đến nay chỉ còn chừng vài chục thôi. Tháng đầu, “nhà nước” còn cấp cho ít gạo nước, còn có đám thanh niên xung phong phụ giúp làm nhà cửa. Tháng sau thì chẳng còn ai, mạnh ai nấy sống…” Ông lão dừng một lát: “Đồng bào dần dần bỏ đi tha phương kiếm sống. Có người mới lên hôm trước, hôm sau đi mất tiêu rồi…”

Tôi nghĩ có lẽ vợ tôi cũng thuộc trong đám người sớm bỏ đi này. Một mẹ một con giữa nơi xa lạ, những người xa lạ, làm sao mà sống? Nhưng tại sao vợ con tôi không trở lại chỗ gia đình thân thuộc thông báo tin tức? Tôi nêu ra câu hỏi và tự trả lời:

– ”Chắc là vợ tôi không tin rằng tôi có thể trở về được. Ba năm chờ đợi qua rồi, “nhà nước” đã lừa được cả nước vào trong rọ. Ngoài xã hội con người còn lao lực cực nhọc vất vả như chó, còn đói lên đói xuống thì ở trong lao tù, sức nào chịu nổi!”

Tôi cám ơn ông bà lão, quay trở lại nhà ông Năm. Tôi trải miếng vải nhưạ che mưa lên sàn nhà ngủ một giấc tới chiều.

Hôm sau tôi quyết định trở lại thành phố. Ông Năm đêm ấy không về.Tôi nấu cơm trong chiếc nồi đất, ăn một nưả, vắt một vắt cơm bọc trong lá chuối để đi đường. Tôi nấn ná hy vọng trưa có thể ông Năm về chăng. Quá 1 giờ, tôi sợ lỡ chuyến xe cuối, đành ra đi. Tôi bỏ lại số gạo và cá khô còn dư với dòng chữ viết bằng que củi nguệch ngoạc trên nền đất: “Cám ơn ông Năm, tôi về lại Sài gòn.” Đến mãi gần 10 giờ đêm tôi mới tới nơi. Từ ngã tư Hàng Xanh tôi đi bộ về nhà cháu gái tôi. Hai bên phố xá đèn đóm tù mù. Người qua lại ai cũng tất bật như ma đuổi. Cũng có những người đi lặng lẽ, đầu cúi chăm chú như đang kiếm tìm một cái gì.Tôi thuộc nhóm này, duy có điều tôi biết chắc chắn là cuộc kiếm tìm cuả tôi sẽ phải kết thúc thôi. Tôi đã mệt mỏi. Tôi không còn sức. Tôi đã quên thói quen đi tìm trong quá khứ. Tôi thực sự muốn dừng lại. Năm nay tôi 40 tuổi. Tuổi ta là bốn mươi mốt, cái tuổi cuả nhiều thất bại. Lũ bạn tôi bảo:

– ”Đi lính sợ nhất là lúc 31 và 41, không chết cũng bị thương.”

Ba mươi mốt tuổi tôi đi tù, năm nay 41 tôi đi tìm gia đình vợ con. Lúc cha mẹ tôi còn sống, tôi được nuôi ăn học để đi tìm công danh, phú qúi. Lúc vào lính tôi được cấp chỉ huy bảo tôi đi tìm địch. Phú qúi mới tìm được chút đỉnh thì tan hàng, bể diã. (So với bố tôi là một đại úy già lúc giải ngũ thì cấp bực đại úy trong lứa tuổi cuả tôi cũng có giá lắm chứ!) Địch tìm đựơc vài chục lần, lần nào cũng xương phơi máu đổ, không phiá ta thì phiá nẫu. Bây giờ tôi lại tìm người đàn bà tôi từng yêu thương, má kề tay ấp. Tôi lại đi tìm đứa con trai, giọt máu nối tiếp sự hiện hữu cuả tôi trên dòng sống miên man này…

o O o

Tôi có thể không tìm được không? Tôi có thể dừng lại để người khác, cái khác đến tìm tôi được không? Tôi không trở về nhà như dự định lúc bước chân xuống xe. Tôi dừng lại trên chiếc ghế đá công viên bên đường. Công viên hình tam giác, một cạnh nằm sát với nhà thờ. Ngôi nhà thờ có lẽ đã lâu lắm không quét vôi, tường loang lổ khẩu hiệu xen kẽ những dòng chữ viết bằng than củi những câu viết tục. Tôi kê túi quần áo làm gối đánh một giấc. Trong giấc mơ tôi thấy mẹ tôi đến tìm. Giống y như chuyện Tấm Cám, mẹ tôi ngồi bắt chí trên đầu tôi. Mẹ chẳng nói lời nào. Hai mắt mẹ nước đọng lưng tròng, tôi biết mẹ tôi buồn lắm. Tôi là con út trong nhà nên hầu như suốt thời gian mẹ còn sống, lúc nào mẹ cũng coi tôi như còn thơ dại cần sự chở che cuả mẹ. Tôi gọi thầm thì:

– ”Mẹ ơi, mẹ ơi!”

Lúc nghe rõ tiếng xích lô máy chạy ầm ầm trên đường, tôi choàng thức giấc. Trời còn tờ mờ. Từ chiếc ghế đá kế cận, một người khác trùm trong chiếc áo lính cũ vá chằng đụp đang ngáy pho pho. Tôi nghĩ thầm chắc hẳn là đàn ông. Trên bãi cỏ, một bà sồn sồn và 2 đứa con nít nằm ngủ chụm đầu lại với nhau. Xa hơn nữa, sát bên chân tường nhà thờ, một cặp nam nữ nằm ôm nhau trong chiếc chiếu rách đắp ngang ngực để hở cặp chân trần dính đầy bùn. Một cơn gió thổi phớt qua, bóng lá lao chao, chưa có tia nắng nào.Tôi nhìn về phía cửa nhà thờ có ý định vào. Cửa vẫn đóng kín mít. Ý nghĩ về một sự dừng lại chờn vờn trong đầu. Tôi thực sự mỏi mệt quá rồi.



Sáu

Nhớ lại những ngày tù trên miền Bắc, đôi lúc, tôi cũng đã từng cảm nhận sự mệt mỏi bất thường này. Nhất là những thời gian giáp tết năm con rắn khi tôi được tin mẹ tôi qua đời, do một người cùng phường ra thăm nuôi chồng báo tin cho biết. Chị ấy bảo:

– “Từ ngày cậu ra đi, bà cụ đêm nào cũng tới ngôi niệm phật đường cuối hẻm đọc kinh cầu nguyện cho cậu được bình an trở về. Cụ xuống tóc và ăn chay nguyện rằng khi nào cậu đựơc tha thì cụ sẽ vào chùa ở. Hơn một năm sau, trong một đêm mưa khi đọc kinh về, cụ bị cảm lạnh. Liệt giường mất cả tuần, sau đó thì ra vào thơ thẩn lãng đãng như người mất trí, miệng lúc nào cũng nhắc đến tên cậu, gặp ai cũng hỏi bao giờ thì cậu về. Cái tết năm ấy trời cũng lạnh hơn bao giờ. Cụ kiệt sức dần rồi lặng lẽ đi xuôi.”

Ngày tôi nghe đựơc tin ấy, buổi chiều tôi bỏ cơm vào giường nằm, nước mắt chan hoà. Buổi sáng thức giấc, anh bạn tù nằm bên kêu hoảng, cặp mắt tôi sâu hoẵm xuống. Tôi già hẳn đi. Cơ thể tôi mệt nhoài, rũ xuống. Tôi như một nhánh lá cây non đem hong lửa.

Mẹ tôi đối với tôi luôn là những hình ảnh đẹp. Trong gia đình, tôi có lẽ là ngừơi có nhiều kỷ niệm nhất với mẹ. Từ lúc bà sinh ra tôi cho đến lúc bà mất, bà chưa hề đánh tôi một roi. Bà là niềm an ủi mỗi lần tôi thất bại trên đường đời. Bố tôi nghiêm khắc quá thành ra bà cũng là người tôi tâm sự mọi thứ chuyện buồn vui. Năm lên mười, có lần vui theo bạn đi bắn chim, tôi trốn học, bố tôi nọc lên giường đánh nổi lằn trên mông, mẹ tôi ngồi ôm mặt khóc. Bố tôi bảo:

-”Nè, bà cứ bênh nó đi, con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Mai mốt đây nó lớn, mất dậy, lêu lổng bà đừng có trách tôi không dậy. Bây giờ dậy thì bà cản.”

Mẹ tôi mếu máo:

– ”Ông đánh con thì đánh vừa vừa thôi, nó biết sợ thì tha cho nó, nó còn nhỏ mà ông đánh thế làm sao nó chịu nổi!”

Được thể tôi lại chu lên khóc thật to, bố tôi nổi giận túm cây phất trần vụt không cần phân biệt lưng, mông. Tôi thét lên kinh hoàng và mẹ tôi nhào tới ôm lấy tôi che đòn. Bố tôi giận quá quơ chiếc đồng hồ báo thức trên bàn học cuả tôi liệng thẳng vào tường. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Bố tôi bỏ ra ngoài quay lại chỉ mẹ tôi và nói:

– ”Từ nay bà ráng mà dậy dỗ nó, tôi không có động tới nó nữa đâu.”

Từ đó bố tôi không bao giờ đánh tôi nữa, và nét mặt buồn giận cuả mẹ tôi mỗi khi tôi làm điều gì không phải lại làm tôi run sợ hơn bất cứ điều gì trên đời.

Khi còn ở trong quân trường, K và tôi cùng ở chung một phòng. Tính hắn vui vẻ linh hoạt ăn nói luôn miệng. Cả khoá đặt tên hắn là “K loa” cũng chỉ vì cái tật ăn nói tía lia cuả hắn. Được cái tốt bụng và khéo tay nên hầu như hắn chẳng làm mất lòng ai bao giờ. Hắn thường bảo tôi:

– ”Cái nghề cuả mình là nghề ăn nói, mày lúc nào cũng lầm lầm, lì lì trông chán thấy mẹ.” Rồi không đợi tôi trả lời, hắn bảo. “Mày nên nhớ tụi CS cũng chỉ nhờ có cái miệng mà tụi nó đưa biết bao nhiêu người vào chỗ chết. Mày đừng tưởng chỉ có đám bần cố khố rách áo ôm vì u mê mà lầm lũi đi theo chúng đâu. Không, mày lầm chết, kể cả đám trí thức có ăn có học cũng nghe như điên. Nó có kiểu ăn nói riêng cuả nó, cho nên mình cũng phải ăn nói sao cho mọi người hiểu cái bản chất lưu manh cuả nó. Lột trần sự thực ra để ai cũng rõ chân tướng trộm cướp cuả nó để mọi người xa lánh!”

K cũng nhờ có tài ăn nói này mà đạt được mấy lần giải hùng biện của Tổng cục. Khi ra trường, hắn được chuyển về cục. Năm 74, tôi gặp hắn trong một lần về phép ở Sài gòn, hắn kể tôi nghe những thất vọng chán chường cuả hắn. Tôi hỏi K:

– ”Sao nghề ăn nói cuả mày độ này ra sao rồi?”

– ”Tao bỏ rồi.” Hắn bảo.

Tôi ngạc nhiên. K chậm rãi kể tôi nghe những thăng trầm của hắn. Hắn bảo cuộc chiến này chắc rồi cũng kết thúc trong ý muốn cuả kẻ khác. Chúng ta chỉ là những người lính viễn chinh trên chính quê hương mình. Người chỉ đạo cuộc chiến là người đang đứng ngoài cuộc. Bọn ấy ở đâu đâu. K than phiền rằng hắn không có thời giờ để suy nghĩ những điều để đem ra nói với địch. Chỉ nội việc tìm cách nói với chính những người trong phe mình với nhau cũng đã đủ làm hắn mệt nhoài rồi. Nay gỉải thích, mai cải chính, mốt biện hộ cho thựơng cấp, cho các cơ quan bạn khiến hắn mất dần khả năng phân tích tìm hiểu về địch. Hắn chỉ còn khả năng bào chữa cho chính thựơng cấp cuả mình với các cơ quan chung quanh. Hắn bảo tôi rằng hắn nói không được bởi vì không nói được những điều lòng muốn nói, hoặc là chơi kiểu ngậm miệng ăn tiền hoặc là ra đơn vị tác chiến làm trọn bổn phận cuả một công dân lương thiện. K đã chọn giải pháp thứ hai. Tôi im lặng ngồi nghe.



Bảy

Cuối năm 78 trước khi quân Tàu tràn qua biên giới để dạy cho Việt Nam một bài học, trại chúng tôi di chuyển từ tây bắc Yên Bái về phía nam ngạn sông Hồng.

Bước chân vào trại mới chưa đầy tháng thì một toán khác gồm hơn năm chục người từ trại Than Uyên giải tán cũng tới nhập trại. Tôi bất ngờ gặp lại K. Mới chỉ hơn 4 năm mà cả hai đứa không nhận ra nhau nếu K không được bổ sung qua đội nông nghiệp cạn cuả tôi. K già sọm hẳn đi. Tóc trắng gần cả mái đầu. Hàm răng móm xều trông càng thảm não hơn. Cả hai chúng tôi cùng mừng. Những lúc rảnh rỗi, ngồi chung với nhau bên lon gô trà tươi kể lại chuyện cũ giải khuây cũng bớt những khắc khoải đau buồn. K còn sống độc thân, nói cho đúng hơn hắn đã có ý trung nhân nhưng khi được lệnh chuyển ra Bắc thì hắn nhắn về gia đình cô ấy hắn không còn muốn liên lạc gì nữa.

K hỏi tôi:

– ”Cậu có nghe ruồi vàng muỗi bạc bao giờ chưa?”

Tôi nói chưa. K kể tiếp:

– ”Hồi tụi này được đưa vào lập một trại mới trong vùng bắc Lào Cai ráp gianh với Tàu, mình mới biết được những thứ độc đáo này. Những con ruồi nhỏ như ruồi thường nhưng mầu vàng như ong cắn người đau như kiến chích, khi giật mình hay thì nó vụt bay như tên bắn, chỉ còn để lại một nốt đỏ rỉ máu. Nội trong vòng tuần lễ là lên cơn sốt nóng hầm hập suốt ngày. Bệnh nhân ngủ li bì, cơn sốt nọ chưa kịp ngưng thì cơn sốt khác lại ào tới, chừng vài cữ là thăng luôn.”

Tôi hỏi:

– ”Thế còn muỗi bạc?”

K kể tiếp:

– ”Là con muỗi có những đốm trắng trên toàn thân, loại anôphen ý mà. Nó chổng mông lên chơi một phát là ít lâu sau lên cơn sốt rét cấp tính ngay tức khắc. Cả trại khi mới lập có chừng gần 2 trăm gồm trăm rưởi phe ta và gần 4 chục phe địch. Sau sáu tháng phấn đấu, phe ta đi hơn năm chục, phe địch đi lai rai 3, 4 mạng. Trại trưởng hoảng quá xin lệnh rút, cấp trên không cho, mãi cho đến lúc có tin Trung quốc sắp đánh mới bỏ trại mà đi.Về đây thấy các cậu sướng thiệt!”

Tôi bảo sướng con khỉ mốc:

– ”Tụi này cũng mới về đây thôi. Hồi còn ở Yên bái đi vào rừng chặt tre đốn nứa uống nước lá han, ăn đọt lá ngón chết nhừ tử, tù Cộng Sản mà sướng cái nỗi gì cha!”

Ăn tết xong chừng một tháng, tôi và một người bạn thân cùng trung đoàn với tôi ngày xưa rủ nhau trốn trại. Chúng tôi dè xẻn dành dụm được gần một túi nylon muối và một bịch cơm phơi khô. Đêm xé rào là một đêm trăng hạ tuần. Hai chúng tôi hẹn gặp nhau ngay sau dẫy hố cầu tiêu bên hông trại. Lấy xong lương khô và đồ cần thiết chúng tôi lách mình qua hàng rào nứa thưa ra ngoài. Sau khi băng tắt ngang qua ngọn đồi trại, xuống tới chân đồi, chúng tôi tới một con suối cạn. Uống mỗi đứa một bụng nước dự trữ, chúng tôi leo tiếp một ngọn đồi cao, là nơi thỉnh thoảng chúng tôi tới đây lấy nứa về đan phên. Cứ lầm lũi đi như thế cho tới khi nghe gà gáy sáng, báo hiệu một ngày mới chúng tôi mới dừng lại, chui vào một lùm rậm. Cùng lúc ấy, chúng tôi nghe 3 tiếng súng nổ từ phiá trại.Tôi quay lại nói với anh bạn:

– ”Chúng nó báo động mình trốn trại rồi đấy!”

Trốn được 7 ngày thì chúng tôi bị bắt lại từ một nơi cách trại hơn 20 cây số đường chim bay. Lúc bị bắt lại cũng là lúc cả 2 đứa chúng tôi kiệt lực nằm ngất đi trong bụi cây gai. Khi nghe tiếng người la hé, tiếng chó sủa, chúng tôi chợt tỉnh hẳn. Có tiếng la:

– ”Bắn bỏ mẹ tụi nó đi!”

Có tiếng can ngăn:

– ”Không được, bắt sống tụi nó về, nạp lên trên ấy thưởng chớ!”

Tôi lờ mờ thấy có người đưa tay vào trong bụi, túm áo tôi và bạn tôi, kéo ra ngoài. Vừa kịp nhìn lên xem đám người bắt được chúng tôi là ai thì cũng là lúc một trận đòn hội chợ đổ ập xuống. Cả hai đứa chúng tôi mê man bất tỉnh.



Tám

Cháu tôi bảo:

– ”Cậu cứ nghỉ ở nhà cháu ít lâu cho khoẻ rồi từ từ tính.”

Tôi nói:

– ”Cậu cũng chẳng biết tính gì nữa.”

Cháu gái tôi sống bằng nghề buôn quần áo cũ. Chẳng biết có thể gọi đó là một cái nghề không. Chồng nó vượt biên bằng tầu cách nay một năm tới nay vẫn chưa có tin tức gì. Người thì bảo chắc là nó đã tới đảo, người thì bảo chắc nó chết rồi. Cháu tôi đi coi bói tứ tung, mỗi thầy bà nói một kiểu khác nhau. Sau cùng nó không đi coi nữa lại thấy tin rằng chồng nó chắc còn sống nhưng vì một lý do nào đó mà chưa gửi thư cho nó biết đó thôi. Đứa con trai lớn cuả nó đi bán vé số. Còn đứa nhỏ theo mẹ ra chợ trời. Cơm nước tự lo liệu lấy thân. Từ hôm tôi về, nó để phần gạo đong sổ do phường cấp không bán nữa. Tôi mỗi ngày nấu cơm một lần vào buổi chiều chờ mẹ con nó về mới ăn.

Được vài hôm, nó mang đâu về 2 cái áo cũ nhưng còn tốt, một cái quần tây dài vải kaki cho tôi mặc, bảo là nó lựa trong đám đồ cũ mua lại cho tôi dùng. Tôi nói:

– ”Thôi cháu để mà bán đi, cậu đủ quần áo mặc rồi.”

Thực ra, ngoài bộ đồ trận tôi mặc hôm tôi về, tôi cũng còn hai bộ đồ xi vin cũ nữa của thằng cháu rể ngay hôm sau khi tôi về nhà. Sở dĩ tôi không mặc đồ lính đi ra đường bởi vì tay tổ trưởng dân phố nhân hôm tôi về đến chơi, hắn nói:

– ”Từ nay trở đi, tổ sẽ ‘quản lý’ anh. Bọn tàn dư nếu có tới rủ rê gì thì anh phải báo cho chúng tôi biết ngay. Anh có muốn đi làm ăn đâu xa phải cho tôi biết để khi phường hỏi tôi còn biết đường trả lời.”

Tôi nghĩ thầm thằng cha này ăn nói huề trớt, “cách mạng” đánh thế chó nào được thằng chạy đi. Tụi nó ở bên Mỹ bên Tây, muốn qua đánh phải xin visa, hộ chiếu. Chỉ có tụi quân tử tầu, dễ dụ như tôi đây thì bọn nó mới chơi cho te tua thôi. Tuy nhiên để tránh sự dòm ngó khó chịu của hắn, tôi quyết định cất bộ đồ trận này vào balô. Một hôm đứa cháu ngoại nói với mẹ nó:

– ”Má à, bộ đồ lính cuả ông còn tốt lắm. Sao má không đổi cho ông bộ đồ thường lấy bộ ấy bán có giá hơn?”

Tôi không nghe rõ tiếng mẹ nó trả lời ra sao. Dạo này những người lao động chân tay ưa mặc đồ lính hơn vì nó bền, chịu mưa, chịu nắng. Buổi chiều khi mẹ nó đi bán về, tôi bảo:

– ”Lão công an khu vực không thích cậu mặc đồ lính ngày xưa, cháu coi xem có bộ đồ thường nào cũ mang về cho cậu mặc, đem bộ này bán đi.”

Nó bảo:

– ”Để mai ra sạp, con kiếm cho cậu.”

Rồi tôi nói:

– ”Nghỉ nhà cũng hơn hai tuần rồi, cậu muốn đi kiếm một việc gì để làm. Cháu xem ngoài chợ có việc gì vừa sức cậu không?”

Cháu tôi nói:

– ”Ngoài chợ toàn là việc lăng nhăng thôi, có việc gì ra việc gì đâu.”

Tôi biết trong đầu óc nó còn mang hình ảnh cuả một ông quan cậu ngày xưa. Một ông quan có lon lá, huy chương đỏ ngực đàng hoàng. Ông cậu ấy không thể hoà nhập vào đựơc với môi trường chợ chồm hổm cuả nó. Nó đang nhìn tôi bằng con ngươi cuả dĩ vãng.

Lạ thật, tại sao chúng ta không thể nhìn nhau bằng những hình ảnh thực có vào lúc này đây? Dĩ vãng là cái không còn tồn tại trong lúc tôi đang sống ở giây phút này. Thời gian có hướng chuyển động cuả nó. Làm sao quay ngược được dòng vận động cuả nó? Cái tôi khờ khạo của tháng năm trước đâu có phải là cái tôi mưu mô quỷ quyệt ở lúc này? Cái tôi lanh lợi lầm lì ngày xưa đâu có phải là cái tôi mệt mỏi, hoang mang ở lúc này? Cái tôi biến thiên, thăng trầm, đổi thay từng phút giây. Tôi mãi là một hành giả trên con đường hữu hạn cuả cuộc sống để đi tìm lại bản lai diện mục bất định cuả chính mình.

Cuộc tìm kiếm ấy vừa vô vọng, vừa gian khổ. Tôi muốn dừng lại ở một nơi ven đường. Tôi thực sự có thể dừng lại đựơc không? Hình như không. Con đường tôi đang đi là một dòng chẩy, là chiếc thang cuốn trải ngang. Tôi dừng lại nghiã là tôi sẽ bị cuốn lôi theo. Kể cả khi tôi chết linh hồn tôi cũng phải trôi theo. Cả thế giới tôi đang sống đây cũng đang chuyển động, trôi theo… Làm sao tôi biết được trôi về đâu? Trôi đi hướng nào? Cái giới hạn nhỏ nhoi cuả thái dương hệ tôi đang sống nào có nghiã gì với khoảng không bao la vô tận kia? Cái vô hạn rất cao và rất xanh trên đầu tôi mỗi ngày nắng đẹp. Trên ấy luôn có những cụm mây trắng bay phiêu hốt lang thang.

Trước đây, tôi chẳng có bao thời gian để suy nghĩ về những điều phù phiếm này. Lúc còn ở trong tù, ngồi nhìn bạn hữu được thăm nuôi ngổn ngang đồ đạc, lương thực tiếp tế, so với tôi chẳng có lấy một lần, lòng tôi thoáng bực tức. Sự tức giận lúc đầu dần dà trở thành hờn tủi. Nỗi cô đơn buả vây trùng trùng, tôi thả mình đắm chìm trong những tưởng tượng siêu thực. Từ đấy, tôi có thói quen tìm một nơi vắng vẻ để suy tư những điều viễn vông. Một cách quên đi thực tại. Trong những giây phút viễn mơ ấy, tôi thường cảm nhận những cuộc tranh cãi gay go giữa cậu học trò dạ dầy lép kẹp với ông thầy lí trí đầy ắp những qui phạm đạo đức. Khi cuộc tranh biện đi vào ngõ bí, cũng là lúc tiếng nói cuả tiềm thức nổi lên can thiệp. Nó chê trách thái độ khinh thị vô giáo dục cuả bao tử. Nó phê bình tính bông phèng thiếu thực tiễn cuả bộ não. Nó trưng dẫn những kinh nghiệm từ quá khứ để tìm một sự thăng bằng vưà phải cho thực tại. Sau cùng, trong cuộc đấu đá bất phân thắng bại ấy, cái ngã trần tục cuả tôi thường chấp nhận một giải pháp sinh học: Ngủ để tiết kiệm năng lượng.

Sau gần ba tháng ăn nhờ ở đậu nhà cháu gái, tôi đã kiếm ra cho mình một chỗ làm, một chỗ ăn và ngủ. Lại một cuộc kiếm tìm, tôi tự nhủ tôi như thế. Vựa trái cây tôi làm công nằm bên bờ một con sông. Tầu thuyền tất bật ra vô. Tôi và hai người khác có nhiệm vụ khuân vác những cần xé, dỏ đựng, bao bị… đựng đầy trái cây ương ương hoặc còn xanh lên bờ, đưa vào kho. Khi không có hàng để bốc dỡ thì dọn dẹp kho ủ, quét dọn vệ sinh quanh vựa. Công việc cũng không đến nỗi nặng. Lương lậu ngoài 2 bữa cơm chủ nuôi cũng có tí tiền dư để mua thuốc lá, uống cà phê qua ngày. Lâu lâu trúng mối, chủ thưởng thêm tí tiền phụ trội dặn dò để dành may quần áo. Ban đêm khi thì ngủ trên bờ trước cửa vựa, khi thì ngủ dưới ghe chở hàng từ lục tỉnh lên nếu hàng không bốc kịp trong ngày.

Làm việc được nưả năm thì ông bà chủ, chẳng biết nghe đâu, biết tôi là một sĩ quan chế độ cũ kêu tôi lại bảo:

– ”Thấy chú là người có ăn học, làm việc cực nhọc thấy tội. Chúng tôi muốn nhờ chú về nhà kèm dùm hai cháu nhỏ ở nhà.”

Tôi chưa kịp có phản ứng thì bà chủ lại thêm vào:

– ”Lương hướng chúng tôi sẽ trả cậu gấp đôi, cậu khỏi có lo!”

Tôi bảo:

– ”Cám ơn ông bà có ý muốn giúp tôi. Nhưng thực tình mà nói, chữ nghiã tôi quên hết ráo cả rồi. Bây giờ ngồi mà nhớ lại e rằng tôi không đủ can đảm. Vả chăng, công việc tôi đang làm thực sự tôi cũng thích thú. Tôi thanh thản, an nhàn, tôi chẳng ước ao gì hơn.”

Tiếng ông chủ có vẻ trách móc:

– ”Nói thực lòng, nhìn thấy chú bốc vác, tôi bất nhẫn lắm. Dù gì chú cũng là ngừơi có học. Nhìn một người có học làm công việc không còn liên quan gì đến bộ óc tôi thấy tội nghiệp. Chúng tôi chỉ muốn giúp cho chú thôi chứ không có ý gì khác.”

Tôi im lặng. Bà chủ có vẻ giận:

– ”Chúng tôi nói như thế thôi, chứ nếu chú không thích thì tùy chú!” Đêm ấy, tôi ngủ dưới ghe. Chiếc ghe bầu chở đầy trái cây từ lục tỉnh lên. Dỡ hàng suốt cả buổi chiều không xong. Tôi mang theo tô cơm chan nước cá kho, một ít dưa chua lên ghe. Khách buôn là bà già tuổi ngoài ngũ tuần, tay không lúc nào rời chiếc túi sách bằng da thuộc thô có quai đeo vai căng phồng. Tôi nghĩ thầm chắc bà mang cả tài sản theo người. Thời bây giờ đâu biết tin ai. Nhà cửa ruộng vườn đều thuộc diện quản lý cuả nhà nước. Chính quyền muốn thu là thu, muốn đuổi ai ra khỏi nhà là đuổi. Thành ra chỉ có cách bao nhiêu gia sản cồng kềnh qui ra vàng hết rồi luôn mang theo bên mình là chắc ăn. Dĩ nhiên cũng có những cái bất tiện cuả nó, chẳng hạn như luôn phải canh chừng đám lưu manh cướp bóc. Nhưng bù lại dù sao cũng còn dễ dàng hơn là phải đối phó với đám quan quyền CS sẵn sàng cướp cạn khi thấy của. Đám này nhiều đứa mặt mày sáng suả, ăn nói ngọt ngào mà trong lòng chứa toàn gươm dáo, lừa lọc. Thấy tôi bước xuống bà cười chả lả:

– ”Chú em xuống nằm coi hàng phải hôn?”

-“Dạ phải.” Tôi đáp.

Bà chỉ ra phiá khoang ngoài.

– ”Chú em ngủ ngoài kia cho mát.”

Tôi chưa kịp đi thì bà đã trao cho tôi một trái soài tượng rồi bảo:

– ”Chú sắt mỏng ăn chung với cơm cho ngon.”

Tôi nói cám ơn bà rồi cầm trái soài bước ra ngoài.

Ngồi trước mũi chiếc ghe tải trên tấm ván mòn lẳn vì dấu di chuyển xuống lên.Vừa ăn tôi vừa thả hồn mình vào dĩ vãng. Nhớ lại câu chuyện trao đổi với ông bà chủ lúc sáng nay làm tôi càng buồn. Chữ nghiã ngày càng bị coi khinh, chung quanh tôi mọi người đang sống lầm than chẳng ai bận tâm về những con chữ. Những người cầm quyền đã tách rời nghiã ra khỏi chữ. Họ viết ra ký tự, và tự do gán cho những ký tự ấy điều mà họ muốn. Nào đâu còn chữ nghĩa đàng hoàng mà dạy?

Giờ phút này, vợ chồng ông bà chủ muốn tôi đi tìm lại, nhớ lại những ý nghiã của các con chữ mà tôi đã biết từ thuở thiếu thời thì quả là muốn tôi làm một điều quá sức. Trong xã hội này, con chữ là mầm mống của mọi tai họa. Biết càng nhiều nguy cơ, tai nạn càng cao. Ngày xưa bố tôi thường nói: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống.” Bây giờ thì biết càng mau chết. Kinh nghiệm trong các trại tù cho tôi điều này: “Không biết gì, còn có cơ trở ra. Biết càng nhiều, ở tù càng khẳm!” Mà thực ra thế nào là biết?

Thực tại tôi đang sống đây đầy dẫy những chuyện trái khoáy. “Bộ óc” xuống đường làm nghề xe kéo, khuân vác vật vờ qua ngày. “Bắp thịt” leo lên ghế cao ngồi chỉ đạo bông phèng. Chính trị gia nói toàn những điều chính bản thân anh ta chẳng tin và biết chắc người nghe cũng vừa nghe vừa chửi thề trong bụng. Người nghe luôn tỏ vẻ chăm chú hướng về phía lãnh đạo nhưng biết rõ lãnh đạo chỉ là đám lưu manh gặp thời đang nói những điều sằng bậy. Tôi thầm nghĩ, từ trên xuống dưới, từ dân tới lãnh đạo ai cũng biết rằng mình đang bị chửi và mình cũng đang chửi ai đó. Trên chửi dưới là tàn dư phản động, là trây lười lao động. Dưới chửi trên là một lũ chó nhảy bàn độc gặp thời mạt thế ăn trên ngồi trốc. Lãnh đạo chửi nhau là xét lại, là âm mưu bè cánh. Có lẽ chính vì thế mà toàn dân thoát khỏi tội danh ‘’phúc phỉ’’ từ đời Tần Thủy Hoàng đặt ra! Ở một xã hội như thế thực sự có cái gì có thể gọi là biết được không? Chữ nghiã kêu rổng rảng trong các bài nói chuyện cuả các lãnh tụ chẳng hề mang lại chút no ấm nào cho dân. Người ta dùng chữ để mô tả toàn cảnh một thiên đường trong mộng ảo. Chữ nghiã bây giờ rẻ rúng lắm, nó không nuôi nổi chủ cuả nó.

Tôi nhớ lại những ngày được chuyển ngựơc trở về miền Nam. Khi bước chân vào trại Z, người đầu tiên tôi nhận ra là thầy M, một ông thầy dậy môn sử lúc tôi còn học trung học. Thầy già đi thật nhiều, đôi kíếng trắng cũng dầy lên gấp đôi.

– ”Uả, sao thầy cũng vào đây?” Tôi hỏi.

– ”Thì cũng như cậu vậy thôi… Ai rồi cũng phải vào, nếu còn nghĩ rằng mình có biết một cái gì khác với những cái người cầm quyền đang biết!”

Ít lâu sau, tôi mới được thầy cho hay thầy bị bắt vì dám có ý kiến đề nghị sửa đổi một vài điểm sai trong giáo trình sách giáo khoa của Bộ giáo dục. Nói xong thầy chua chát:

– ”Lần này đựơc tha, mình sẽ về làm ruộng.”

Thầy đựơc tha trước tôi hơn một năm. Tôi có nghe nói sau khi được về nhà nửa năm, thầy bỏ đi vượt biên. Chiếc tầu cuả thầy bị bão đánh gẫy bánh lái trôi dạt lêu bêu trên biển khơi cả tháng trời. Người trên thuyền phải ăn thịt lẫn nhau. Thầy vốn yếu đuối chắc thầy nằm trong danh sách những người bị ăn thịt cũng nên.



Chín

Đêm về trên mặt sông se se lạnh. Tôi kéo miếng vải đắp lên ngang mũi nằm nhìn lên trời. Trời đầy sao, bóng trăng lưỡi liềm nằm treo khuất sau một cụm mây. Tiếng nước rạt rào va đập vào mạn thuyền nghe thật buồn. Ban đêm trên sông im lắng quá. Những tiếng động đinh tai nhức óc của ban ngày chợt tắt đi, chìm xuống. Tôi thả hồn mình phiêu du trên dòng sông hướng ra biển Đông. Dạo này người ta nói nhiều đến chuyện vượt biên hơn lúc tôi mới về. Đi đâu, lúc nào, trong câu truyện trao đổi từ hai người trở lên là chém chết cũng có một tí dính dáng đến chuyện này. Một vài người bạn đồng tù với tôi có người vượt thoát, có người không. Đứa thoát viết thư về kể biết bao hiểm nguy, gian khổ trên đường đi. Rồi sau đó ít lâu là những tấm hình nhà lầu xe hơi lộng lẫy gởi về… Đứa không thoát tiếp tục bị giam tại các trại tạm giam nơi bị bắt rồi tuỳ theo tình hình được đưa trở lại các trại cải tạo trung ương. Chuyện vào tù ra khám thành chuyện nhàm, gia đình nào cũng có dính dáng tới. Tôi suy nghĩ mông lung, ý nghĩ trôi theo dòng nước chẩy. Dòng nước đang ròng, mầu đen ngòm, nước cuả hệ thống cống rãnh trong thành phố đổ vào. Tương lai vô định quá, cuộc sống như dòng nước đen chẩy miệt mài trên sông.

Tôi nghĩ tới những bạn bè của mình đứa còn đứa mất, lưu linh mỗi đứa một phương. Chiến tranh bao năm đã lấy đi bao nhiêu người thân quen. Súng đạn lúc nào cũng lạnh lùng, chẳng hề phân biệt trái phải, bất lương hay đạo hạnh. Xiết cò là súng nổ, đạn bay, trúng ai nấy chịu. Cuộc sống con người trong chiến tranh đầy rẫy những bất ngờ. Có những đứa vừa ăn nhậu mới giây phút chẳng lâu trước đó, vài giờ sau đã nghe tan xác vì mìn bom, đạn pháo. Có đứa chưa kịp cầm tấm giấy phép kết hôn lên đường đã quay lơ vì một viên đạn bắn sẻ… Thần chết như thể lúc nào cũng rình rập đâu đó chờ ta sơ ý là lôi tuột ta vào hoả ngục. Sau cơn chém giết điên loạn, tưởng chừng những người sống sót có thể tìm gặp lại nhau trong nỗi hân hoan hội ngộ. Nào ngờ ngày chấm dứt cuộc chiến lại mở đầu cho một cuộc phân ly mới thê thảm và đau thương gấp vạn lần hơn. Con người nhìn nhau trong ánh mắt nghi ngờ hận thù chất ngất. Cuộc đoàn tụ cuả các gia đình người “chiến thắng” chưa kịp khô dòng lệ mừng tủi thì cuộc chia ly đầy nghiệt oan cho các gia đình người “chiến bại” lại bắt đầu. Kẻ vào tù khổ sai, người tha phương lưu lạc kiếm sống. Đất nước tan hoang điêu tàn. Dòng sông máu tạm ngưng chảy thì những dòng lũ nước mắt lại phủ ngập cả quê hương.

Tôi thả hồn chơi vơi trong tiếng nước chẩy theo ra ngoài sông lớn rồi từ đó hoà với tiếng sóng ì ầm cuả biển mà trôi đi. Trời về đêm, mặt biển đen thẳm mênh mông bao la quá. Cơ hồ như biển và trời đang dính lại với nhau. Lấp lóa vài ngôi sao cô đơn ánh sáng nhạt nhòa như thể cũng đang trên đường rơi xuống biển. Ước gì biển và trời là một, tôi sẽ theo dòng nước này trôi thẳng lên trời. Ý nghĩ lạ lùng làm tôi tỉnh lại. Tôi lắng nghe tiếng nhạc thoát ra từ khoang trong ghe, nơi bà lái thương, người tài công và một thanh niên giúp việc đang ngủ. Tiếng nhạc cuả một nhạc sĩ thời tiền chiến nghe êm ả quá. Tôi thầm nhủ, mà thực ra có một thời tiền chiến không? Đất nước, quê hương tôi có ngày nào ngớt tiếng súng chém giết? Không chống ngoại xâm thì cũng chống nội thù. Lòng hờn căm làm nên sức mạnh cuả dân tộc tôi. Lòng hời căm cũng là nhược điểm của dân tộc tôi. Tình yêu xây nên các tác phẩm nghệ thuật, các công trình phúc lợi. Hận thù tạo nên bom đạn, giáo mác, những núi xương, sông máu.

Từng thế hệ nối đuôi nhau cầm súng. Chiến tranh được ca tụng, ngợi khen không tiếc lời. Kẻ thù cuả tôi thậm chí còn tệ hại hơn, cả xã hội cuả họ là một trại lính nối liền hàng rào với trại tù. Họ sử dụng bạo tàn làm vũ khí để gieo rắc kinh hoàng lên mọi nơi có họ hiện diện. Nhờ sự bạo tàn, bất nhân nên họ đã thắng cuộc chiến. Bạo tàn lúc đầu là phương tiện tạm bợ. Bạo tàn giờ đây trở thành bản năng của tầng lớp lãnh đạo. Đất nước tan hoang vì bom đạn. Lòng người tan nát vì hận thù. Dân tộc tôi khổ đau triền miên chẳng biết tới bao giờ mới hết.

Nhớ lại những ngày khổ sai trên đất Bắc. Lòng tôi thêm se thắt bùi ngùi. Cũng chính nhờ trong suốt thời gian nổi trôi theo các trại tù “cải tạo” này tôi đã có dịp chứng kiến biết bao cảnh thương tâm cuả dân tộc tôi. Những thôn xóm xác xơ nghèo. Những nếp sống quá bình dị, đơn giản tưởng chừng như một xã hội còn thời thuộc địa mà tôi từng được đọc trong các câu chuyện hồi tôi học tiểu học. Từ cách ăn mặc, ăn nói, suy tưởng… những người dân tôi gặp hình như chẳng ai có một chút riêng tư phân biệt nào. Nghĩ theo báo, nói theo đài là câu châm ngôn cuả họ.

Chỉ duy có một điều rất giống nhau là sự dối trá. Con người sống với hai mặt, thậm chí nhiều mặt trong những trường hợp phải cư xử thích ứng với từng đối tượng giáp mặt. Trước cán bộ CS, họ hằm hè ra dáng căm thù tù “cải tạo” chúng tôi. Khi vắng cán bộ CS, họ ân cần đối xử với chúng tôi hoàn toàn ngược lại, thậm chí sẵn sàng chia sẻ khẩu phần ít ỏi của họ với chúng tôi.

Lúc đầu khi nghe các cán bộ quản lí cuả trại nói “về máy bay nằm phục kích trong mây, bờ biển nước ta có rất nhiều kim cương đá quý to bằng nắm tay mà ta chưa thèm vớt lên bán, vùng đồng bằng vùng Bắc bộ chỉ cần đóng ống xuống là có săng dầu sài thả cửa…”, tôi đã ngỡ ngàng. Cho tới lúc nghe chính các cán bộ cao cấp cuả Cục trại giam mở miệng nói về Napoleon cùng thời với hai bà Trưng cuả chúng ta, về máy bay Mig của Trung quốc thả dù binh sĩ dọc theo biên giới trong cuộc xâm lăng năm 79 thì tôi lùng bùng lỗ tai không còn tin vào các giác quan cuả mình nữa. Sau đó khi có dịp gặp gỡ những người dân thường, họ cũng nói những điều tương tự.

Thì ra sự ngu dốt bạo tàn là lợi khí cho các cuộc chiến tranh. Khi người lính cầm súng còn mộng mơ suy tưởng với súng đạn và mục tiêu của viên đạn nhắm tới thì sự dũng mãnh chẳng còn là bao. Chiến tranh chỉ cần những cỗ máy và những con người máy. Tất cả mọi tinh hoa, tài nguyên cuả đất nước được đổ dồn vào cuộc chém giết, tương tàn. Dân tộc bị bỏ quên bơ vơ lạc lõng trên suốt chặng đường tiến hóa chung của nhân loại.



Mười

Đứa cháu gái kêu tôi bằng ông cậu tới báo cho tôi biết chị hai tôi đã từ quê lên chơi. Tôi nói với ông bà chủ cho phép tôi được nghỉ buổi chiều hôm ấy. Chị em mới đó mà cũng hơn mười năm rồi mới găp lại. Vừ thấy tôi từ ngoài cửa bước vào là chị tôi đã oà lên khóc. Tôi hoàn toàn không nhận ra chị. Chị già đi nhiều quá. Già vượt cả sự tưởng tượng cuả tôi. Đôi mắt kéo mây, hàm răng móm xều, da mặt nhăn nheo, tóc mầu tiêu muối hơn nửa mái đầu. Chị còn già hơn cả mẹ tôi lúc chia tay hôm tôi đi trình diện “cải tạo”. Chị bảo:


– ”Em gầy ốm quá, chị không bao bọc nổi em lúc em hoạn nạn, chị là người có lỗi với cha mẹ.”

Tôi cầm tay chị nói:

– ”Chị ạ, tất cả mọi người đều có lỗi. Kẻ thắng, người thua, kẻ đi, người ở… già trẻ lớn bé gì cũng đều có lỗi. Đất nước này đang là một trại tù. Trại tù chỉ giam người có lỗi thôi.”

Chị tôi bảo:

– ”Tháng trước chị có nhận được thư cuả cháu, báo tin cậu đã xin được việc. Anh chị tính về thăm cậu nhưng kẹt lúa đang ngậm sữa, sợ bỏ đi không chăm thì lép hết. Bây giờ gặt hái xong là chị dông về liền, còn anh phải ở lại lo giống má, đất đai cho mùa tới. Vả lại anh giờ này cứ như người mất hồn, nói trước quên sau, gặp ai cũng sợ, chẳng dám đi đến đâu.”

Sau bữa cơm chiều, hai chị em kéo nhau ra ngồi ngoài hàng hiên tâm sự. Chị bảo:

– ”Từ lúc cậu đi tù ít lâu, cậu ba cùng vợ con kéo nhau về Gò Công nói là hồi hương nhưng thực ra là tìm đường bỏ trốn ra nước ngoài. Hôm ra đi cậu ấy có chạy sang báo cho chị biết. Tới nay cũng chẳng có tin tức gì. Sau ngày em lên trình diện phường, chị có sang thăm vợ con em thường. Nghĩ cũng tội cho mợ ấy, chân yếu tay mềm, lại chẳng có nghề nghiệp gì nên phường đội thúc ép bắt nạt đủ điều. Sau cùng, khi cậu đi đựơc 3 năm, phường trưởng tới bảo nếu mợ ấy chịu đi vùng kinh tế mới, phường sẽ can thiệp với trên để cậu về đoàn tụ. Mợ ấy mới quyết định ra đi. Anh chị thật vô dụng, chẳng giúp đựơc ai…”

Nói xong chị lại sụt sùi khóc. Tôi ngồi im lặng. Tiếng khóc nghẹn cuả chị có lẽ làm dịu đi những u uất chị đã tích chứa bấy lâu nay trong lòng. Một lúc lâu, tôi mới lên tiếng:

– ”Gia đình anh Ba ra sao, chị có tin tức gì cuả ảnh không?”

– “Không, có lần cháu nó xuống Gò Công hỏi thăm mà chẳng ai biết.” Chị quay qua hỏi tôi: “Thế còn em, em tính sao?”

Tôi hờ hững:

– ”Em chẳng tính gì cả.”

Chị im lặng nhìn ra phía ngoài đường.

Gần 10 giờ tối tôi mới trở về vựa trái cây bờ sông, nơi tôi làm việc. Mấy người làm công đang chụm đầu ngồi chơi bài dưới ngọn đèn dầu tù mù. Tôi đi thẳng về chiếc võng giăng giữa hai hàng cột ngoài hiên của kho ủ trái cây. Trời hôm nay ít gió, tiếng muỗi bay vo ve khó chịu. Tôi quơ chiếc quạt nan vừa phe phẩy đuổi muỗi, vừa quạt. Chiếc võng đu đưa qua lại, bồng bềnh. Tôi cố xua tan những ý nghĩ vẩn vơ để nghĩ về một điều gì đó nhưng không tài nào làm nổi. Những hình ảnh của mọi loại kỷ niệm, hiện đến chập chùng. Từ nỗi sướng vui ngày ấu thơ bên cạnh cha mẹ tôi đến những đầy ải, hành hạ trong thời gian tù đầy. Những hình ảnh ấy đan chen vào nhau lẫn lộn rối mù như một mớ bòng bong.

Tôi quyết định xin nghỉ việc một thời gian với nguyên do sức khoẻ. Ông bà chủ vựa cũng tốt bụng sau khi tính lương còn cho tôi thêm ít tiền. Bà chủ nhìn tôi ái ngại.

– ”Trông chú dạo này xa sút quá, thôi nghỉ dưỡng sức một thời gian đi, khi nào khoẻ trở lại đây giúp chúng tôi.”

Tôi nói:

– ”Cám ơn ông bà.”

Sau đó ghé qua chỗ nằm thu xếp đồ đạc và vật dụng cá nhân. Quyết định nghỉ việc một thời gian đến với tôi thực bất ngờ. Có lẽ bắt nguồn từ một cảm nhận phiền muộn về những lời ve tiếng ong cuả một người bạn tù được tha ra trước tôi hơn một năm.

Tôi biết anh từ hồi còn học chung tại trường Luật. Anh nổi tiếng về tài hùng biện và khuấy đảo nên anh là một trong những lãnh tụ sinh viên tranh đấu thời ấy. Sau ngày 30 tháng Tư, tôi từng thấy anh mang băng đỏ, đeo súng AK vắt chéo trước ngực đứng điều khiển chương trình sinh hoạt thanh niên. Rồi bẵng đi từ khi tôi vào tù thì không còn nghe thấy tin tức gì cuả anh ta nữa. Khi tôi từ Miền bắc trở về trại Z năm 80 gặp anh trong trại, tôi sửng sốt vô cùng. Anh bị kết án ba năm vì tội nghe lời xúi dục tham gia lực lượng phản động âm mưu lật đổ chính quyền. Nói là thân cũng không đúng nhưng vì ngủ cạnh nhau trong cùng buồng thành ra có nói chuyện với nhau thường xuyên vậy thôi. Anh được thăm nuôi tiếp tế đều đặn hàng tháng. Nghe đâu chị vợ chịu làm ăn buôn bán, mánh mung.

Cứ mỗi lần từ khu thăm nuôi trở về, tối hôm đó anh lại tổ chức trà lá mời anh em trong đội để khoản đãi. Tôi thuộc loại con bà phước thành ra anh cũng thường nhường phần cơm do trại phát cho tôi ăn thêm. Thật ra mà nói vì lý lịch cuả anh mù mờ quá, lúc thì anh nói anh làm việc này, chức vụ nọ, lúc anh lại đổi qua một sơ yếu lý lịch khác hẳn khiến tôi luôn giữ kẽ với anh nhiều. Cuộc đời tù của tôi chẳng dậy dỗ gì cho tôi nhiều hơn là tăng cường cho tôi tính nghi hoặc, ngờ vực tất cả mọi người. Những trải nghiệm trong lao tù đã khiến cho mối nghi hoặc ấy cứ lớn dần lên chứ không mảy may giảm nhẹ.

Có lẽ hồi trước đây anh là một người mê làm chính khách nên anh nói dữ lắm. Anh nói về đủ thứ chủ thuyết, chửi bới tất cả mọi kiểu mẫu lãnh tụ. Lúc đầu tôi cũng có ý lắng nghe, sau đó là vì lịch sự và cuối cùng thì nhàm chán nên tôi tìm cách tránh né. Có lần tôi bảo anh, tôi không thích những người mà cái gì cũng chống và ai cũng chống. Hành động chống lung tung không tạo ra thành quả gì hết. Nó là sự thể hiện tính mất quân bình trong tư duy logic. Nó là căn nguyên cuả tính kiêu ngạo hợm hĩnh bịnh hoạn. Anh có vẻ giận tôi một thời gian nhưng ít lâu sau thì anh lại nối chuyện lại. Anh nhận xét tôi có những nét đặc thù cuả một tay lính chuyên nghiệp. Có lẽ anh có ý nói tôi là một quân nhân đựơc đào luyện có bài bản và được trui rèn trong lửa đạn, một thứ lính thật sự. Tôi bảo là anh đã suy đoán lầm. Một người lính chuyên nghiệp theo tôi hiểu phải là người ít suy tư trăn trở. Họ phản xạ theo bản năng hơn là lý tính. Và quan trọng hơn hết, chiến tranh đối với họ là lẽ sống, là phương tiện để đạt tới mục đích mà họ mong muốn. Những điều ấy tôi đều thiếu. Tôi là một người lính tài tử.

Anh được thả về trước tôi một năm. Không hiểu sao sau khi tôi làm cho ông bà chủ vựa này hơn tháng thì anh biết chỗ tìm đến kiếm thăm tôi. Anh cho biết anh hiện đang đứng thầu xây dựng. Anh cũng bảo khi nào cần công việc thì cứ đến gặp anh, lúc nào cũng sẵn. Trong bữa cơm bình dân phía bên kia đường chỗ tôi làm, anh mời tôi bữa ấy. Chúng tôi không trao đổi gì với nhau nhiều ngoại trừ những câu chuyện tầm phào nắng mưa thời tiết. Rồi bẵng đi đến cả gần tháng sau anh mới ghé lại. Lần này anh mời tôi đi uống cà phê. Anh bảo anh đang cần một người làm kế toán giữ sổ sách cho anh. Tôi lễ độ từ chối vì lý do tôi chẳng có tý kiến thức nào về môn này cả vả lại tính tôi lông bông tôi không thích những tính toán chi li vụn vặt. Anh tỏ vẻ thất vọng. Khi đứng dậy chia tay nhau, hai chúng tôi đi bên nhau một khoảng đường dài. Anh nói:

“Đất nước đang lâm nguy, rất cần những người trong lớp tuổi như anh và tôi dấn thân làm một điều gì đó…”

Tôi đi bên anh lặng lẽ không nói một lời nào.

Hình như sau đó một thời gian lâu, anh lại đến tìm tôi và nói chuyện với tôi ngay chỗ tôi làm việc. Hôm đó vào buổi chiều, hết việc ăn uống tắm rửa xong tôi ra ngồi bên ven sông thả hồn mơ mộng. Anh đến ngồi cạnh tôi nói lời thăm hỏi. Anh bảo anh rất ngưỡng mộ khả năng và thích tính nết điềm đạm thận trọng cuả tôi. Sau đó anh nói:

-”Hôm nay mình muốn nói thật với cậu một vài điều mà từ lâu mình không có cơ hội thuận tiện để nói.” Không kịp để tôi trả lời, anh thong thả tiếp: “Mình tin là mình không đánh giá sai về khả năng nhận xét bản tính của con người. Thú thực với cậu, mình rất cần cậu phụ giúp với mình trong việc tổ chức một lực lượng phục quốc. Phần chính trị đã có đầy đủ, duy chỉ có phần quân sự là còn thiếu người có óc tổ chức, mình thấy chỉ có cậu là hội đủ điều kiện giúp mình, mình thực sự mong muốn cậu tham gia phụ trách phần tổ chức quân sự. Cậu nghĩ thế nào?”

Tôi vẫn im lặng. Không khí oi bức cuả buổi chiều ven sông chờ nước lớn vào làm tăng sự khó chịu. Anh lại cất tiếng:

-”Có thể cậu cần thời gian suy nghĩ, dù sao cậu luôn nhớ vì mến cậu, mình mới nói lời mời này và vì tin tưởng nơi cậu, cho nên cậu củng đừng nói lại cho ai nghe những điều tôi đã nói lúc này.”

Tôi quay lại nhìn anh rồi thong thả trả lời:

– ”Tôi cám ơn anh đã coi tôi như một người khả tín để tâm sự những điều anh vừa nói. Tôi thực sự chẳng cần phải suy nghĩ gì lâu để mới có được câu trả lời. Câu trả lời cuả tôi có sẵn rồi. Cám ơn anh, tôi không giúp gì cho anh được. Tôi đã kiệt lực. Tôi cũng chẳng còn những mong muốn nào khác hơn là sự an nghỉ. Toàn bộ số năng lượng tôi có tôi đã vận hành hết trong cơn lốc xoáy vừa qua. Những kinh nghiệm cuả quá khứ luôn luôn lỗi thời với những gì đang xẩy ra, nếu nó không đựơc cập nhật với những kiến thức văn minh hiện đại. Mà tôi thì chỉ còn toàn quá khứ. Tôi luôn bị đè nặng dưới gánh nặng cuả dĩ vãng không biết đến bao giờ mới thoát ra khỏi. Trong lòng tôi chất chứa đầy hờn căm. Một thứ vũ khí lỗi thời. Súng hờn căm bắn bằng đạn thù hận.

Những người Cộng Sản thiện nghệ hơn chúng ta trong kỹ thuật sử dụng loại vũ khí này. Cuộc chiến đấu mới theo tôi nghĩ là cuộc chiến đấu khởi đi từ một ý tưởng mới mẻ nào khác mới có cơ chiến thắng. Dân tộc ta lầm than điêu linh cả gần thế kỷ nay rồi. Đất nước ta xác xơ tan nát. Nếu chúng ta nhân danh vì dân tộc mà chiến đấu thì hãy nghĩ sao cho đừng đem thêm khổ đau chất chồng lên con người thực sự đang sống đây, như anh, như tôi. Chế độ nào cũng thế chẳng bao giờ kéo dài miên viễn. Những kẻ cuồng điên mê muội may thay không sống được quá giới hạn sinh vật cuả nó.”

Trong lúc tôi ngưng lại tìm một ý để diễn tả tâm tư cuả mình, anh chen vào:

– ”Ý anh muốn nói là chúng ta ngồi chờ chế độ này tự nó sụp đổ hay sao?”

Tôi nói:

– ”Chờ hay không chờ nó cũng vẫn phải vận hành theo hướng phát triển cuả nó. Sinh -trụ -họai -diệt là qui luật chung cho vạn pháp mà chẳng miễn trừ cho điều nào cả. Dân tộc này chẳng phải chỉ có mình anh hay tôi. Điều quan trọng là chúng ta phải biết khả năng của chính mình. Đừng để mình trở thành gánh nặng cho cuộc vận hành lịch sử bằng cách cứ đánh đu với những sự ngẫu hứng bất tử của các ảo thuật gia chính trị.”

Anh im lặng nhìn ra hướng biển mông lung. Tôi nói tiếp:

– ”Dĩ vãng là gánh nặng của mọi cuộc vận hành. Nó luôn gây nên những phiền tạp hơn là chỉ ra được những điều khôn ngoan. Cuộc sống cuả tôi hiện tại phủ đầy dĩ vãng. Tôi đang vùng vẫy mong muốn thoát ra mà chưa được. Thành ra, xin lỗi anh, tôi không giúp gì cho anh được đâu. Vả lại, như anh thấy, tôi đã vượt qua ngưỡng cửa của cái tuổi bất hoặc, nó không cho tôi cái hứng thú cần thiết để thử sức trong các cuộc phiêu lưu nữa. Tôi muốn sống một chút nào đó riêng tư cho mình. Có thể tôi ích kỷ, hoặc yếm thế hoặc bằng bất cứ một danh từ nào đó anh có thể nghĩ về tôi. Điều đó xin lỗi anh đối với tôi giờ đây thực sự chẳng quan trọng gì. Vả chăng theo thiển ý, thế hệ của anh và tôi đã làm xong vai tuồng cuả mình. Hãy nhường cho người khác, cho những thế hệ tiếp nối. Đừng bao giờ sợ dân tộc ta thiếu anh tài. Nếu thiếu, nó đã bị đồng hóa từ lâu rồi. Cái khuyết điểm lớn nhất cuả những người làm chính trị theo tôi nghĩ có lẽ là ở điểm này: họ luôn sợ rằng nếu thiếu họ sẽ không còn ai khác có thể làm được công việc họ muốn làm!”

Chúng tôi lại ngồi im lặng bên nhau một hồi lâu trước khi anh đứng lên nói lời từ biệt. Ngay sáng hôm sau tôi lấy vé xe đi lên chỗ ông Năm.

Lúc tôi bước vào nhà là lúc ông Năm đang luộc bắp. Thấy tôi, ông mừng rỡ:

– ”Uả, lên lại rồi hả? Tôi đang nấu ít bắp đầu mùa đây này.”

Tôi bỏ túi quần áo xuống đất rồi nói:

– ”Tôi ra suối tắm, người dơ dáy khó chịu quá.”

Ông Năm bảo:

– ”Ừ, đi tắm đi, tôi chờ chú về ăn.”

Bây giờ là đầu mùa mưa, con suối đã có nhiều nước. Tôi bước ra sau vườn ngồi trên phiến đá xanh thòng chân xuống dòng nước chẩy. Một cảm giác mát mẻ, dễ chịu toả lan từ đôi bàn chân lên lồng ngực, lên đầu. Cách khoảng xa vài chục thước, con suối uốn hình cong. Có tiếng cười đùa cuả phụ nữ hình như cũng đang tắm giặt ở đó. Trời tối rất nhanh. Có tiếng ông Năm kêu:

– ”Này tắm xong chưa, về ăn đi chứ!”

Tôi chợt nhớ ra công việc của mình.


Cả hai chúng tôi ngồi ngay giữa nhà. Khoảng chục chiếc bắp luộc vớt ra đặt trong một chiếc rá rách đựơc kê trên một chiếc thau nhôm. Mùi thơm cuả món ăn lan toả khắp nhà. Ông Năm bảo:

– ”Cây nhà lá vườn, vừa bẻ xong là đem luộc đấy, bảo đảm ngon hết chê.”

Tôi cười: “Chắc chắn là ngon rồi.” Những chiếc bắp nếp, hột trắng ăn vưà dẻo vừa thơm. Tôi ăn đến búp thứ 3 thì no ngang. Tôi bảo:

– ”Thôi no rồi, tôi đi nằm đây.”

Ông Năm nói: “Ờ, ờ”. Tôi trải tấm vải nhựa vào một góc nhà, mắc chiếc mùng cá nhân nhà binh vá tứ tung, của cải duy nhất tôi còn lại sau khi bộ đồ trận tôi đưa cho cháu tôi đem bán. Ông Năm châm lửa chiếc đèn dầu treo lên vách rồi nói bâng quơ:

– ”Trời ít sao quá, chắc mai lại mưa.”

Tôi nằm xải chân tay nghỉ ngơi. Cơn ngủ kéo về lúc nào tôi cũng không hay.

Cơn mưa kéo đến sớm hơn dự đoán cuả ông Năm. Có lẽ lúc ấy vào khoảng nửa đêm khi tôi nghe tiếng gió xạc xào chạy trên mái nhà và những giọt mưa nặng hột đầu tiên lộp độp rơi trên lá cây ngoài vườn. Giấc ngủ sâu từ chập tối khiến tôi tỉnh táo thoải mái. Tôi định ngồi dậy làm một điều gì đó, rồi không hiểu sao lại quên khuấy đi mất. Tôi chập chờn trong mộng mị nửa thức nửa ngủ.

Trong tâm thức tôi hiện ra những kỷ niệm về những ngày hành quân trong vùng Đồng tháp thuở nào. Đồng tháp về mùa mưa hành quân gian khổ lắm. Bầu trời luôn luôn u ám và nặng trịch như thể chiếc mền bông ướt sũng nứơc. Những cơn mưa lúc nặng hạt, lúc lai rai rắc trên đầu lính suốt cả ngày. Dưới chân là cả khoảng đồng ruộng ngập nước, màu nước phèn trong xanh nhưng chua lợ không uống đựợc. Trên cả một vùng đồng rộng ngút mắt nhìn mênh mông là nước ấy đơn vị chúng tôi dàn quân tản mát khắp mặt ruộng lội nước òm ọp. Từng nhóm người đi co ro như những con cò con vạc kiếm mồi. Mà đúng là đi kiếm mồi thiệt. Mồi ở đây là những con người cuồng điên về một thứ chữ nghiã bậy bạ lem nhem cuả một thằng cha căng cú kiết nào đó ở mãi tận đâu đâu.

Thứ mồi đầy những hiểm nguy vì sự cuồng bạo chém giết luôn rình mò và sẵn sàng nhả đạn vào đoàn cò. Những con mồi ấy đang núp lén đâu đó trong những căn xóm nằm dọc theo các con kinh đan nhau thành những ô vuông như hình bàn cờ. Đoàn quân lội nước băng đồng lâu lâu lại có người hụt hẫng vào các hố bom đạn cũ mà nước đã phủ che đi. Tiếng kêu la ơi ới, tiếng cười đùa khi có ngừơi hụt cẳng uống đầy cả bụng nước phèn. Đoàn quân dắt díu nhau đi miệt mài cho đến lúc nghe tiếng nổ chát chúa của các toán tiền thám báo cáo chạm địch. Trận đánh mở màn. Có những toán quân còn đứng kẹt giữa đồng ruộng trắng nước cũng phải cố gắng mở hoả lực mà tiến vào bià làng. Mắu thắm áo trây di loang đỏ cả mặt nước ruộng. Những vệt đạn đan chen nhau chạy sát trên mặt nước như những viên gạch nhỏ liệng lia thia hồi ấu thơ. Trò chơi chiến tranh bao giờ cũng buồn. Thậm chí trong tiếng cười cuả kẻ chiến thắng nghe còn thê lương hơn tiếng khóc cuả người chiến bại. Bởi vì kẻ chiến thắng còn phải tiếp tục cuộc truy tìm một cuộc thoát hiểm khác còn người chiến bại thì không.

Mục tiêu chiếm được là một khu xóm nhỏ gồm chừng hơn chục nóc gia. Nằm thu gọn giữa ngã ba hai con kinh. Một con kinh đào bề rộng chừng hơn hai chục thước, bắt nguồn từ sông Tiền. Còn con kinh kia nằm vắt ngang chạy theo hướng bắc nam một ngả hướng về Cai Lậy, một ngả hướng về chợ Thầy Yên. Xóm nhỏ tơi tả vì bom đạn, nhà cửa cái sập cái cháy dở dang. Những xác địch chết vùi trong các hầm hố còn be bét máu và bùn. Tiểu đoàn cho lệnh dừng quân qua đêm để tản thương và tái tiếp tế. Tôi nằm sau một bụi chuối trong chiếc poncho căng vội dưới cơn mưa.Tiếng mưa đêm gõ nhịp trên poncho nghe buồn thật buồn. Quần áo ướt nhẹp nước và sình, đôi giầy vải nặng trịch như cả tảng đá đeo bên chân. Bất chấp tất cả mọi thứ khó chịu. Tôi thiếp đi trong mệt mỏi rũ liệt. Có lẽ không ai thèm ngủ hơn những ngừơi lính chiến. Người lính chẳng bao giờ có được một giấc ngủ ngon trong suốt thời chiến tranh.



Mười một

Buổi sáng, tôi cầm cuốc ra làm cỏ quanh vườn. Vun gốc cho mấy dây đậu rồng, vài bụi ớt. Tôi có ý định vào rừng chặt ít cây về làm dàn cho mấy gốc bầu trồng ở góc vườn. Ánh nắng đọng trên những hạt sương sớm lấp lóa. Vài con bướm trâu bay dập dờn qua lại trên những bông hoa vừa chớm nở. Buổi sáng nơi đây thật tĩnh lặng. Ông Năm ra đi từ sáng sớm. Chắc hôm nay ông đi hái cây thuốc nam về cung cấp cho mấy tiệm thuốc ngoài chợ. Cuốc được chừng nửa tiếng mồ hôi đã thấm ra ướt đầm lưng áo. Tôi dừng cuốc, cởi áo treo lên một cành cây gần đó. Lâu lắm tôi mới lại có dịp nhìn lại cơ thể mình. Một bộ xương cong queo được bọc trong bộ da mốc thếch. Chiếc thẹo dài nằm vắt ngang vùng bụng trái từ mầu nâu non ngày nào giờ đây đổi sang mầu đen nhờ nhờ lúc nào tôi cũng không hay. Chiếc thẹo là kỉ niệm cuả một trận phản phục kích trên đèo Mang cuối năm 72. Trận đánh để lại trong tôi biết bao hình ảnh hào hùng cuả bạn bè, thuộc hạ.

Hôm ấy tôi đựơc lệnh dẫn 2 đại đội đi mở đường. Mỗi đại đội một bên. Quốc lộ 19 trải nhựa phẳng phiu chạy giữa những khoảng rừng chồi thấp. Xa hơn vào phía trong là những ngọn đồi thoai thoải phủ xanh cỏ tranh. Chúng tôi rời tuyến xuất phát chừng hơn cây số thì đại đội 1 đi hướng bắc cuả con đường báo cáo có nhiều dấu hiệu khả nghi. Tôi cho lệnh đại đội 2 dừng lại bố trí yểm trợ để đại đội 1 tung rộng đội hình lục soát. Đồng thời tôi cũng yêu cầu tiểu đoàn sẵn sàng tiếp ứng khi cần. Linh tính vào sinh ra tử khiến chính tôi cảm nhận một điều gì đó bất tường sẽ xẩy ra. Một cảm giác rờn rợn chạy dọc theo sống lưng. Tôi cầm máy liên lạc trực tiếp ra lệnh cho cả đơn vị sẵn sàng. Mười lăm phút nặng nề trôi qua trong im lặng, rình mò. Rồi bỗng dưng từ trên một lùm cây trên ngọn đồi nằm chếch xa con đừơng vài trăm thước, những đốm lửa loé sáng liên tiếp trước khi chúng tôi kịp nghe những tiếng nổ dòn dã như pháo tết chụp lên đội hình chúng tôi.

Những đợt hoả lực hung hãn của mọi loại súng vừa chấm dứt, từng đợt biển người ngụy trang lá cây từ khoảng rừng thưa cách quốc lộ vài trăm mét lao ra hò hét man rợ: “Hàng sống, chống chết!” Chúng tôi quây tròn vào nhau thành từng cụm nhỏ. Những người bị thương nhẹ cố gắng lăn tìm một chỗ ần núp tìm cách bắn trả. Những người sống sót qua đợt hoả lực tiêu diệt cuả địch, lao thẳng vào mục tiêu hò hét xung phong. Mặt đối mặt tàn sát. Trong giờ phút sinh tử này, lì lợm chứng tỏ sự hữu hiệu cuả nó.

Tôi không bao giờ quên tiếng chửi thề cuả một binh sĩ dứơi quyền: “Hàng con c.!” Chúng tôi lúc ấy như hổ dữ, sống hay chết chẳng ai nghĩ tới. Hai lớp người từ trong rừng chạy ra và từ ngoài mé lộ chạy vào, trộn vào nhau cuồng điên chém giết. Tiếng la hét, tiếng súng nhỏ, tiếng gào thét vì đau đớn, tiếng dao lê đâm, tiếng báng súng đập vào sọ người. Máu văng tung toé khắp nơi, trên thân thể người, trên mặt đất, và trên cả những thân cây có người ngồi gục vào đó mong tìm một chỗ ẩn thân. Xác người rải rác, có chỗ một, có chỗ năm ba cuộn vào nhau như thể thân thiết lắm. Ngay sau đó, 4 chiếc máy bay trực thăng võ trang rà sát ngọn cây trải lửa xuống những toán quân địch đang từ xa tới. Trận chiến xoay chiều. Cũng là lúc tôi bị đẩy bật tung về phiá sau, ngã quỵ xuống trên một thân cây nhỏ chặt đổ ngang. Một viên đạn AK chém xéo qua bụng trái ngọt như một nhát mã tấu. Máu chẩy chan hoà ướt đẫm áo trây di. Tôi thiếp đi mê man.

Dạo này sao tôi mau mệt quá, tôi suy kiệt thực rồi. Ý nghĩ về một cái chết loáng thoáng ám ảnh. Nhiều khi như thế mà lại hay. Đối thủ cuả tôi tàn ác quá hoặc tôi mềm yếu quá cũng nên. Cái chết có thể lấy đi cơ may của tôi để chơi một bàn cờ mới? Lúc này đây thực sự tôi không biết. Có khi tôi muốn làm một kẻ ngoại thủy cũng nên.

Đến giưã trưa, nghe tiếng ông Năm về, tôi mới bước vào nhà. Ông Năm bảo: “Trưa nay chúng mình ăn khoai lang luộc. Tôi mới ghé chợ mua 5 cân. Khoai mới rỡ, ngon hết xẩy.”

Tôi nhận xét, đối với ông Năm, cái gì cũng hết xẩy, hết chê. Hình như ở nơi ông cuộc đời này thật tuyệt diệu. Ông hồn nhiên vô tư như trẻ nít. Nhìn ông tôi cũng không thể xác định đựơc tuổi thực cuả ông. Nói cho cùng tuổi tác nào có quan hệ gì đâu? Trẻ hay già là một trạng thái cuả sự cảm nhận và đáp ứng cuả cơ thể đối với cuộc sống. Tôi rõ ràng già hơn ông Năm nhiều. Ông Năm trẻ hơn tôi. Ý nghĩ ngộ nghĩnh khiến tôi mỉm cười một mình. Nụ cười hiếm hoi từ ngày ra khỏi trại tới nay.

Ông Năm hỏi: “Chú cười cái gì thế?” Tôi bảo: “Tôi cười tôi.” Ông Năm lại bảo: “Ngày xưa Phật tổ phải đưa bông hoa lên, ngài Ca Diếp mới cười đựơc. Bây giờ chú tự cười mà không cần tới ngoại cảnh, rõ ràng chú thành Phật rồi.” Ông Năm cười nói vui vẻ như thể từ rất lâu nay, ông đã chú ý tới tôi nhiều, muốn làm một điều gì đó cho tôi mà chờ tới mãi hôm nay hình như vẫn chưa làm đựơc. Buổi tối trong lúc tôi nằm trong mùng, ông Năm lên chõng ngồi quay mặt vào vách. Trời lắc rắc mưa. Tiếng mưa rơi lách tách trên vách lá nghe như tiếng lửa reo trên củi khô. Trong tâm trí tôi, hiện ra hình ảnh ông Năm đang ngồi trên dàn hoả nhìn tôi hoan hỉ. Lưả cháy toả sáng tạo ra một vừng hào quang rực rỡ bao bọc chung quanh ông. Ánh lửa tàn dần, sau cùng còn lại vô vàn những ánh sáng trắng. Ông Năm ngồi giưã đám ánh sáng ấy, toàn thân một màu vàng tươi.

Có tiếng ông Năm hỏi: “Ngủ chưa? “ Tôi đáp: “Chưa.” “Hay là chú tập thở đi.” Tôi đáp: “Thở mà cần gì phải tập?” Ông Năm im lặng không trả lời. Tôi hỏi: “Tập làm sao?” “Khi nào hít vào thì tự nhủ mình đang thở vào, khi nào thở ra thì tự nhủ thầm thở ra, vậy thôi.” Tôi hỏi: “Dễ thế thôi à? Có cần ăn chay không? Ông Năm đáp: “Có chay đâu mà ăn.” Tôi nghĩ thầm: “Ừ nhỉ.” Tôi hít một hơi thở dài, tự nhủ thở vào! Bỗng dưng tôi buột miệng hỏi: “Hít vào hay thở vào?” Tiếng ông Năm: “Hít vào hay thở vào nào có quan hệ gì đâu?” Tôi tự nhủ: “Ừ nhỉ, tại sao mình cứ tự làm khó mình thế nhỉ?“

Tôi cứ hít thở như thế lặng lẽ, âm thầm. Ngoài trời mưa nặng hạt hơn. Tiếng dòng suối chẩy hình như ngày cũng ào ạt hơn. Bỗng dưng tôi thấy mình bình bồng trôi trên dòng nước ấy. Dòng nước dưới lưng tôi êm dịu lạ thường. Lạ lùng chưa, tôi nhìn thấy tôi đang đứng bên cạnh ông Năm ngay sau căn chòi tôi đang ở. Ông Năm tươi cười mà sao nét mặt tôi u phiền ủ dột đến thế.

Tôi để tôi trôi như thế mãi. Dòng nước dưới lưng như một tấm nệm bông. Khi hình ảnh ông Năm và tôi đứng trên bờ khuất sau một lùm cây tôi thấy con suối hình như đang chẩy ngựơc hướng lên trời. Tôi nghe tiếng gió thổi vi vu bên tai và chốc chốc lại có những lọn mây trắng bay qua như những giải lụa.



Mười hai

Trong thời gian ở tù, tôi cũng đã có đôi lần nằm mơ thấy mình trôi bồng bềnh như thế. Nhất là trong khoảng thời gian tôi bị bịnh kiết lị. Lúc đó là vào khoảng cuối năm 77 đầu 78. Dịch kiết lị hoành hành trên hầu hết các trại cải tạo tù chính trị chuyển từ miền Nam ra. Không tuần nào không có người lên nằm nghỉ trên đồi. Tin tức về những người tôi quen biết hoặc các cấp chỉ huy cuả tôi lần lượt ra đi làm cho tôi buồn lòng không ít. Nhất là ngay chính bản thân mình, tôi cũng đang mang mầm bịnh. Tôi phát giác ra lần đầu đau bụng tiêu ra máu vào khoảng tháng 8 năm 77. Mỗi ngày leo lên tuột xuống chỗ tiêu tiểu hàng chục lần. Tôi khai bịnh, lên bịnh xá xin thuốc, viên y tá bộ đội cho vài viên xuyên tam liên bảo rằng thứ này tốt hơn cả trụ sinh peniciline. Ba ngày chẳng có mòi thuyên giảm, viên y tá đổi sang nước lá ổi, đọt trà tươi. Số lần đi tiêu rút xuống nhưng căn bịnh thì vẫn còn y nguyên. Tôi mất sức thấy rõ.

Cả trại số bịnh nhân kiết lị ngày càng tăng. Lác đác đã có người kiệt sức được võng qua bịnh xá liên trại, nơi đó nghe đồn có bác sĩ trông nom. Số những anh em còn chịu đựng được vất vưởng tới lui trong quanh sân trại làm vệ sinh và phơi nắng. Khi mùa đông về, số bịnh nhân này thực sự kiệt lực, phần lớn đều liệt giường. Số giường bên bệnh xá liên trại cũng không còn chỗ chứa. Tin tức hàng ngày nhận được cho biết lác đác đã có những anh em ra đi. Sau đó “chết” đựơc đổi danh là “lên đồi” bởi vì những người chết được chôn ngay trên một ngọn đồi thấp nằm kề bên bịnh xá. Cho đến trước tết 77 qua 78 thì diện tích cuả ngọn đồi không còn đủ chỗ chôn tù “cải tạo”. Ban chỉ huy đoàn 776 cho lịnh các trại tự quản lý lấy số tù chết. Từ đó, tù được chôn gần ngay chỗ trại giam tù.

Trời gần tết không khí càng lạnh. Cái lạnh như cắt da, xé thịt. Người tù vốn đã không còn năng lượng dự trữ giờ đây thêm cơn bịnh tật càng khốn đốn hơn. Từng đêm tôi nằm nghe tiếng gió bấc thổi ù ù qua vách lá, tiếng côn trùng ếch nhái từ những khoảng ruộng ven chân đồi vang lên mà buồn cho thân phận mình. Những lúc ấy, tôi nghĩ rằng cái chết là một lối giải thoát hợp lý. Nhất là hình hài, thân xác tôi giờ đây có khác xác chết là bao. Chết chỉ là một giấc ngủ dài không mộng mị. Cái ý tưởng sợ chết có lẽ bắt nguồn từ một khái niệm rất mơ hồ về một đời sống tiếp nối lang thang đói khát ngay sau cái chết. Ám ảnh về một bóng ma đơn độc, thất thểu sống bơ vơ nơi ven rừng vách núi, cách biệt với những người mình thương mến khiến cho người sắp chết ái ngại rụt rè. Tôi nằm trằn trọc thao thức dằn vặt giữa hai ý niệm sống và chết đó cho tới khi bình minh trở lại. Tiếng gà rừng báo thức trước nhất, rồi mới tới lũ gà nhà, ý tưởng ham sống lại tràn về.

Sức khoẻ cuả tôi thực sự không còn vào những ngày cận tết. Tôi nghĩ rằng thần chết sẽ về kéo tôi đi trong một ngày nào đó không xa. Trọng lượng cơ thể tôi mất đi hơn một nửa. Muốn di chuyển giờ đây tôi phải chống gậy, lết từng bước nhỏ. Giao thừa, tôi bước chân ra khỏi lán ngủ. Giữa đêm khuya, tôi đứng trên ngọn đồi cuả trại. Gió thổi ù ù. Sao đêm lác đác vài ngôi leo lét trên vòm trời đen như mực. Nhìn xuống các bản xa, thỉnh thoảng lấp lóa một ánh đèn. Bỗng dưng nước mắt tôi lưng tròng. Tôi nhớ tới cha mẹ, vợ con, các anh, các chị, bạn bè, họ hàng. Tôi ngước đầu nhìn lên trời thầm nguyện: “Nếu nghiệp tôi còn nặng, xin trời đất hãy cho tôi khoẻ mạnh để tôi tiếp tục trả nợ đời. Nếu nghiệp duyên tôi đã dứt, xin trời đất hãy cho tôi ra đi ngay đêm nay. Tôi thực sự không chịu nổi sự đầy đọa này nữa rồi. Tôi sẽ ra đi trong lòng thanh thản, không thù hận, không trách hờn!” Tôi vái bốn phương xin khí thiêng sông núi ghi nhận lòng thành cuả tôi. Tôi trở vào lán nằm chờ đợi thiếp đi lúc nào không hay.

Sau đêm cầu nguyện ấy, tôi không chết và ra giêng chừng hơn một tuần, căn bịnh cuả tôi giảm hẳn. Đến hết tháng giêng năm ấy tôi khỏi bịnh. Nghiệp dĩ cuả tôi còn nặng quá.

Lúc tôi thức giấc, ông Năm đã bỏ ra ngoài vườn. Ánh nắng xuyên chếch qua hướng đầu hồi chiếu thẳng xuống mắt làm tôi không thể nào ngủ đựơc nữa. Tôi ngồi dậy dọn dẹp nơi tôi nằm. Tiếng ông Năm vọng từ ngoài vào: “Thức rồi đó hả?” Tôi lên tiếng: “Vâng. Hôm nay ông có đi đâu không?” Tôi hỏi. Tiếng ông Năm: “Chắc là ở nhà.” Tôi bước ra vườn thấy ông đang lúi húi xới đất cho mấy gốc bầu bí. Vài hạt sương long lanh còn đọng trên những chiếc lá non. Bên nách lá sợi dây bí rợ thò ra những sợi râu tua móc vào những cành cây khô tôi mới thả cách nay hai ngày. Cỏ cây vô tư thật. Chúng lớn như thổi, cứ mỗi ngày ra nhìn lại thấy một khác. Chúng cũng tranh dành nhau để tồn sinh dữ lắm. Cỏ dại mọc thật nhanh để ăn hết đất mầu cuả các loại cây ăn trái. Các loại cây dài ngày luôn cố phát triển các tán lá để phủ che ánh nắng mặt trời làm cho cỏ dại không còn đường sống. Có điều tôi vẫn nghĩ, chúng tranh đọat nhau theo bản năng sinh tồn nhưng không hành hạ nhau tinh ác như con người. Trên mặt hành tinh này, chắc chỉ có giống thông minh như loài người mới có đủ khả năng đầy đọa lẫn nhau. Nỗi sướng vui lúc nào cũng thiếu. Sự đau khổ thì luôn dư thừa. Thành ra con người phát kiến ra một loại cảm nhận kì cục, sự bất hạnh khổ đau cuả tha nhân thường làm cho mình có một chút gì hạnh phúc thích thú.

Tôi bỏ ra khe suối. Cơn mưa đêm qua đã mang đến lượng nước khá lớn cho dòng suối. Dòng nước vẫn còn đục lắm, kéo theo tất cả mọi loại rác rến từ trên đầu nguồn. Mực nước lên cao hơn mọi ngày thành ra mặt suối trông rộng ra hơn. Tôi ngồi xuống trên một tảng đá lớn ngay cạnh lối lên xuống thường ngày tôi vẫn đi múc nước tưới.

Mặt trời lên cao dần. Vạt nắng đầu ngày xuyên qua những nhánh cây chiếu lấp lóa trên dòng nước chảy. Tôi ngồi im, lặng ngắm con chim sâu chuyền qua chuyền về giữa những bông hoa dại còn ngậm sương. Không gian tĩnh mịch u trầm. Tiếng suối chẩy hoà trong mùi ngai ngái cuả rừng cây mang đến cho tôi sự dễ chịu thống khoái. Đã lâu lắm tôi không được tận hưởng những giây phút thần tiên như thế này.

Từ phía đầu nguồn trôi đến một nhánh cây khô lớn. Nhánh cây chao qua chao lại theo dòng. Bỗng khi ngang chỗ tôi ngồi nhánh cây tấp vào một cây con mọc sát ven suối giờ đây đang bị nhận chìm xuống nước hơn phân nửa. Nhánh cây khô lắc qua lại như cố gắng rút ra khỏi chỗ mắc míu trong vô vọng vì dòng nước xoáy từ khúc suối chẩy cong giữ nó đứng nguyên một chỗ. Bất giác tôi nghĩ tới thân phận mình. Tôi giống như cành cây khô ấy, trên dòng suối đời. Giờ đây tôi thực sự muốn dừng lại, như nhánh cây kia khi đựơc kéo lên bờ. Một con chuồn chuồn mầu hồng nhạt bay lòng vòng hai bên bờ suối bỗng dưng đáp xuống một chiếc lá của thân cây ngập nước. Cùng lúc nhánh cây khô, nương dòng nước chẩy, bứt ra khỏi chỗ cũ, chao đi một vòng rồi trôi xuôi. Con chuồn chuồn giật mình bốc thẳng lên cao nhìn theo ngỡ ngàng. Tôi cũng ngỡ ngàng nhìn theo…


Song Vũ