có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 10 16, 2015

Bạc Liêu, Tết thời loanh quanh




Mới cuối tháng chín cái nóng của mùa hè Texas vẫn còn vất vưởng, nhiệt kế lắt lay 95 - 97 độ F, trời "mát" hơn 105 độ F chút đỉnh, thế mà ra chợ Costco đã thấy người ta bầy hàng Noel, bán áo ấm lông ngỗng. Đầu tháng mười mở "i meo", bạn đã nhắc tiệc tết tân niên sắp tới ở Cali. Mới hay, thời gian bây giờ đi nhanh dữ hén. 

Có lẽ Noel nhắc mình biết năm sắp hết rồi, còn tết đi liền với tuổi, nhắc mình bắt đầu đếm lên (count up) hay đếm xuống (count down) cũng vừa rồi. Ở Mỹ trẩy hội "ngày mùa" bắt đầu từ tháng mười Tây vào mùa thu, khi trẻ con xôn xao đi xin kẹo Haloween. Quay đi quay lại, ThanksGiving đã lò dò tới với Black Friday sales mở đầu "đá giao hữu" cho mùa shopping Christmas. Tết Tây loay hoay một vòng vừa xong thì Tết ta đã lù đù kéo đến. Rồi Valentine, rồi lễ Phục Sinh, lễ Phật Đản sinh, Mother days, Father days. Đó là chưa kể birthday hay anniversary day trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, và cứ thế chúng mình party dài dài. Đúng là thời thái bình festival trẩy hội, party ăn chơi, suốt năm. 
Không như xưa hồi mình còn ở Bạc Liêu, mỗi năm chỉ một dịp Tết để người người tưng bừng chào đón. "Ăn Tết" một trẩy hội trọng đại và khá hiếm hoi, vì gần như đó là dịp duy nhất trong năm để chúng ta có dịp ăn chơi thả dàn! Không khí tết ở Bạc liêu thời đó bắt đầu được cảm nhận vào khoảng tháng chạp ta. Mùa mưa đã hết từ lâu, hồi trứớc Giáng Sinh tháng 12 Tây lận. Và khi gió chướng bắt đầu thổi hiu hiu sau đó không lâu, thì không khí "trước tết" đã bắt đầu . Ở Bạc Liêu người ta biết tết sắp đến khi tiệm may Hà Nội và những tiệm may trong xóm đã thôi lãnh đồ may giao tết, có khi cả tháng trước tết.

Ở trường học, vài tuần trước tết, ban báo chí trường trung học Bạc Liêu đã lục đục lo làm bích báo tất niên. Những trang thơ, sớ táo quân dài được viết nắn nót, trình bầy trang nhã dưới bàn tay học trò ngây ngô dể thương, đã được dán hay treo lên trên tường trước cửa lớp. Tuần lễ trước tết, các tiệc tất niên tổ chức trong lớp học của tuổi học trò khá rình rang với bánh mứt, nước ngọt, dưa hấu, hột dưa. Thầy cô đã thả lỏng lớp học, cho phép học trò được ca hát , đàn trống (tay dập bàn), "ăn liên hoan" đón tết. 

Ở nhà gần tới tết trước hết người ta phải lo giặt mùng mền gối chiếu (tôi không nhớ mùng mền có được giặt những ngày khác trong năm hay không, nếu không thì hơi có mùi). Người ta lo dọn dẹp nhà cửa, dán giấy bông vách nhà, sửa lại cái hàng rào, sơn lại khung sắt trong cửa sổ hay trên ban công, vv... Rồi mấy bà nội trợ còn phải đi kiếm mớ cá lóc, cá trê để lo xẻ khô phơi ăn tết. Khô cá Bạc Liêu đặc biệt ngoài muối còn có ướp thêm xả, ớt , tỏi, xì dầu, đường, và chút rượu, nên khi nướng lên thêm đậm đà với thứ gia vị mộc mạc trồng sau hè của bụi sả, của cây ớt.

Khi tết bắt đầu đếm xuống vào đầu ngón tay, Bạc Liêu mở chợ đêm. Bọn "đá cá lăn dưa"chỉ chờ có dịp đó để phá thiên hạ, chọc ghẹo các cô gái Bạc Liêu hiền hòa đi chợ đêm. Và khi mấy em bé, có khi là người lớn, chạy rong trong xóm rao bán “cò bay chỏ bế” để đưa ông táo về trời thì mọi người đã bắt đầu nôn tết. Lúc nầy các bà nội trợ lo đi chợ kiếm kiệu về muối chua, tuy hơi trể nhưng còn kịp. Lúc nầy chợ tết Bạc Liêu đã bắt đầu đông chen chân không lọt. Người ta lo mua sắm quần áo may sẵn cho trẻ nhỏ, mua sắm bánh mứt, cây trái, mua liễn, và mua đậu, mua nếp gói bánh tét để ăn tết. Lúc nầy mấy cô hay bà khéo tay lo làm mứt dừa, mứt cà, mứt khóm hay mứt mẳng cầu chua để dành đải khách, một cơ hội để khoe tài với lối xóm bạn bè những "tuyệt chiêu"của mình trong mấy ngày tết.

Khi chỉ còn vài ngày đếm xuống đến số "hăm", như cở hăm lăm tháng chạp, tiệm uốn tóc Nguyễn Văn đã phải mở cửa tới nửa đêm để làm tóc cho thiên hạ kịp ăn tết. Từ ngày hăm bảy tháng chạp đổ đi, các rạp hát chiếu bóng Nam Tiến và Hòa bình cũng bắt đầu lo quảng cáo những phim mới, chuẩn bị cho những xuất hát trong ba ngày Tết. Ở rạp cải lưưng Chung Bá các đoàn cải lưưng cũng đã kéo về. 

Tới hăm tám hay hăm chín tết, người ta lo biếu xén quà tết cho bà con bạn bè. Cho nhau những đòn bánh tét gói nhà, con gà mái tơ mập, hay gói lạp xưởng đỏ của "bà Xầm" hay "ông Hy" mua ở chợ Bạc Liêu. Hậu hỉ hơn thêm chai rượu cognac, hay kiệm uớc thì chai rượu dâu Đà Lạt cho ông bố vợ để đúng điệu rể Bạc Liêu. 

Ngày ba mươi tết chợ Bạc Liêu kéo buổi chợ sáng cuối cùng trong năm, một cơ hội chót cho những ai chưa sắm tết. Đến chiều ba mươi trong chợ chỉ còn những người quét chợ lảng vảng lo đẩy dọn đống rác cuối cùng trong năm để còn kịp về với gia đình cho buổi cơm cuối năm cúng ông bà.

Rồi Tết! Pháo nổ đì đùng. Sáng mùng một tết các chùa chiền ở Bạc Liêu như chùa bà Thiên Hậu nhỏ, chùa bà Thiên Hậu chánh, chùa Ông, chùa Vĩnh Hòa, miễu Tiên Sư đã tấp nập. Người ta tới cúng kiếng, xin săm và đem chút lộc đầu năm về nhà. Người người tới nhà thăm nhau, chúc tết, cho lì xì và lảnh lì xì nhộn nhịp. Rạp hát đông nghẹt, các xòng bầu cua trước cửa rạp cũng đông nghẹt, mấy xe bán nước mía cũng đông nghẹt. Tất cả các tiệm trong khu phố thì đóng cửa, duy chỉ có tiệm bán sinh tố mở cửa và cũng đông nghẹt luôn.

Đó là nói về tết Bạc Liêu hồi thời chúng mình còn là con nít chạy "loanh quanh", tết là một cơ hội duy nhất được mặc quần áo mới và lảnh lì xì. Còn bây giờ, phải mở "i meo" bạn nhắc tết vào tháng mười Tây, mới nhớ. Ừ, tết "sắp" đến rồi đó nhe! Còn bánh tét, món bánh chỉ có vào dịp tết ta ở Bạc Liêu, bây giờ có bốn mùa, chịu khó nấu là có ăn. Đến đây tôi xin kể cho bạn nghe một kỷ niệm về bánh tét của mình.

Má tôi mất đã khá lâu, trong gia tài của má tôi để lại cho tôi đáng kể nhứt là làm bánh tét. Mùa hè năm đó, thằng con 10 tuổi của tôi ráng moi hết vốn liếng của nó để diễn tả cái bánh nó đang thèm ăn. Bánh đó tròn tròn, bên trong khoanh vàng vàng. Khi nó nói phải rắt đường lên ăn, tôi nói bánh tét chiên, thằng bé sáng mắt lên. Ra chợ Việt Nam, thấy đòn bánh tét bán giữa mùa hè tôi mừng quá. Mua đem về nhà. Khi cắt bánh ra, trông màu nếp và màu đậu đen thâm, tôi không dám cho con ăn.
Chủ nhật đó điện thoại viễn liên của tôi và má tôi là bài học “How to ... ” gói bánh tét. Ngâm nếp, ngâm đậu, cắt thịt ướp muối tiêu xì dầu cho chút rượu. Bắt chảo lửa riu riu xào nếp, rưới nước cốt dừa vô từ từ, xào tới nếp ơơi nở ra bắt đầu dính lại thì vừa. Lót lá chuối lên giấy nhôm (aluminum foil), đổ nếp lên trải đều ra. Trải đậu lên nếp xong để miếng thịt lên, rồi úp hai bên giấy nhôm lại. Gói hai đầu cho chặt rồi lấy dây cột. Cần quấn vòng vòng cho thât chặt mơi được.

Tôi ráng tưởng tượng nhưng vẫn không biết làm sao để khi úp hai mép của miếng aluminum foil lại, nếp và đậu cuộn vòng được. Nhưng vẫn cố gắng lắng nghe. Đến khi má tôi nói đổ nước vô nồi, nấu sôi cở 8 tiếng đồng hồ thì được. Hả, gì tới 8 tiếng lận má? Tôi xìu giọng. Chắc hổng có con rồi, canh lò bánh tét sôi 8 tiếng xót ruột chết.

Nhưng có lẽ với tấm lòng mẹ “bao la” sẳn có trong các bà mẹ, tôi nhất định sẽ làm bánh tét cho con tôi ăn. Tôi chạy lùng hết mấy tiệm trong thành phố tìm cái nồi pressure cooker dùng để canning (vô keo thực phẫm). Cuối cùng tôi tìm được ở tiệm general store Callahan’s, nơi bán đồ cho dân ruộng ở Mỹ, một cái nồi pressure cooker to tổ chảng chất được những 9 đòn bánh tét (bây giờ nồi pressure cooker mua on line rất dể, gởi tới tận nhà). 

Sau cùng tôi đã nấu được một nồi bánh tét đầu tiên trong đời, qua phương pháp học hàm thụ bằng điện thoại. Nào xào, nấu, túm, gói, cột, kéo, ..., và với cái nồi pressure cooker, bánh chỉ cần nấu thêm 45 phút sau khi nước reo trong nồi thì chín. Đầu đuôi nấu trong vòng 2 giờ thôi. Từ đó tôi được thưởng thức món bánh tét nóng hổi mới vớt từ nồi ra mà tôi chưa bao giờ có dịp thưởng thức, kể cả khi còn ở Việt Nam. Khoanh bánh nóng cắt ra với lớp nếp mềm bao quanh lớp đậu vàng và cục thịt ở giửa. Chưa kể lúc nấu bánh, mùi lá quyện vào mùi nếp bay ra thơm lừng cả một khu nhà ở Mỹ. Và con tôi mãi tới bây giờ đã hơn hai mươi tuổi vẫn chỉ muốn ăn “bánh tét của má” thôi. 

Cám ơn bạn nhắc tết. Tết bây giờ ở Mỹ không còn rộn rã như xưa, không còn bận lo dọn dẹp nhà cửa như xưa, vã lại ở đây không có mùng để giặt. Không có đi chợ tết đông nghẹt, cũng không có kiệu tươi để mua làm kiệu chua. Bánh mứt thì ngày thường khi nào cũng có. Bột đương đậu nếp có sẳn trong nhà, nổi hứng muốn làm mứt làm bánh chừng nào thì làm, và không cần chờ tới tết mới làm bánh tét. Tết chỉ còn là một dịp để chúng mình nhắc nhở cho nhau chút kỹ niệm xưa, những ngày còn "loanh quanh" ở Bạc Liêu.

Tuy tôi chưa có dịp về viếng thăm nhưng nghe bạn bè gần đây đi về kể lại, Bạc Liêu bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Không còn tìm ra được một Bạc liêu "chỉ có bao nhiêu đó thôi" như ngày xưa, vào thời chúng mình đi loanh quanh. Thành phố Bạc Liêu theo thống kê hiện nay đã có hơn một trăm ngàn dân, và đã có trường Đại Học Bạc Liêu, đào tạo đến bậc cao học. Bây giờ trên mạng, thông tin về Bạc Liêu đầy rẫy. 

Trên You Tube video, bây giờ Bạc liêu về đêm lấp lánh đèn giăng khắp nơi, mọi ngày đều nhộn nhịp như trẩy hội, không cần chờ đến Tết mới có không khí tưng bừng. Tiệc liên hoan có thể diễn ra bất cứ ngày nào trong năm với những đặc sản vốn rất trù phú của Bạc liêu, những đặc sản đã trứ danh từ hồi Công tử Bạc Liêu còn nhởn nhơ ở xứ Nam kỳ Lục Tỉnh.

Tháng Năm 2013 vừa qua, theo thông tin mạng, Bạc Liêu đã có được "cánh đồng" quạt điện gió duy nhất trên biển Việt nam, với 10 cột quạt điện gió tân tiến nhất thế giới đang quay, sản xuất điện công suất tổng cộng 16MW, sản lượng điện sản xuất dự tính khoảng 56 triệu kWh/năm, và sẽ hòan thành 52 cột vào năm 2014. Xin mừng cho Bạc Liêu ngày nay đang trên đường lấy lại phong độ "nhất xứ" ngày nào của mình.

Bây giờ mới hay tết có hay không, Bạc Liêu còn hay mất, là tùy tấm lòng của người Bạc Liêu. Xin gởi bạn bốn câu thơ lục bát đọc cho vui mấy ngày Tết.

Chân trời góc bể xanh xanh,
Gỏ tay mấy ngón nối nhanh cuộc đời.
Bây giờ thế giới phẳng rồi,
Loanh quanh tìm mãi một thời loanh quanh 

(Hội Ái Hửu Bạc Liêu nhờ viết truyện cho báo xuân, tôi hứa sẽ viết một bài về tết "thời loanh quanh”)

Tháng Mười, 2013
Chúc


nguồn