Tuổi thơ của tôi bình thường như những đứa trẻ đồng lứa. Hồi nhỏ tôi tung tăng theo mẹ đi chùa ngày tết cứ tưởng cuộc đời mình sẽ mãi bé thơ. Chợt cái vèo học xong tiểu học tôi trở thành một em nữ sinh trường Trung học Công Lập Bạc Liêu. Xúng xính tôi mặc cái áo dài trắng đầu tiên trong đời và ngô nghê tưởng mình đã thành người lớn. Vào tới lớp đệ thất tôi mới biết mình còn bé tí teo và là đứa học trò thấp nhất lớp. Có lần trong giờ Việt văn thầy gọi tên, tôi thưa có và đứng dậy, nhưng chờ hoài sao không nghe thầy hỏi gì. Chợt thầy cao giọng, “Tại sao tôi gọi nãy giờ mà em không đứng dậy?” Tôi hốt hoảng, “Thưa thầy em đã đứng từ nãy giờ.” Vì quá nhỏ con nên khi tôi đứng lên vẫn không cao hơn các bạn đang ngồi.
Từ đó tôi khoan thai lớn từ từ. Chậm rãi mãi mấy năm sau tôi mới trổ giò và trở thành nữ sinh cao nhất lớp đệ tứ B. Vài năm sau đó khi học hết lớp trung học tôi rời Bạc Liêu. Cho nên ký ức Bạc Liêu của tôi chỉ quanh quẩn có bấy nhiêu thôi. Mà cũng lạ, Bạc Liêu tuy chỉ là một chương ngắn trong câu truyện trường thiên nhiều chương của cuộc đời tôi, vậy mà cái chương ngắn nầy lại kéo khá dài. Đôi khi chương Bạc Liêu hình như dài vô tận. Có ai đó nói tuổi thơ luôn dài vô tận.
Bạc Liêu một dĩ vãng mà mỗi năm tôi ngồi cặm cuội, ráng soi từng ngõ ngách ký ức đã trôi qua 50 năm trước. Tôi ráng soi lại một thành phố nhỏ lặng lẽ của những năm cuối thập niên 60s và đầu 70s. Mảng còn mảng mất, tôi đã ghi lại những hình ảnh còn đọng lại trong tâm tưởng hay trong tiềm thức cũng nên. Nhiều năm tôi đã kể lại chuyện Bạc Liêu qua những dòng chữ luận văn có khi không có nhập đề, có khi thân bài dài miên man, và kết luận thường thì rất hà tiện. Vậy mà năm nào cũng có những “Fans” của tôi muốn nghe tôi kể chuyện Bạc Liêu. Và năm nào tôi cũng nghĩ mình đã hết nhẳn đề tài Bạc Liêu rồi, chẳng biết viết gì nữa. Vậy mà ngày đó em ơi, vẫn còn!
Phải cám ơn kỹ thuật scanning và email. Một đứa bạn Bạc Liêu nay sinh sống ở Atlanta tìm được mấy tấm hình đen trắng. Những tấm hình không ngờ còn hiện hữu và được chúng tôi chia sẻ cho nhau 45 năm sau trên mạng nhện internet. Hình chụp chúng tôi trong những năm học ở Trung Học Công Lập Bạc Liêu. Mấy tấm hình nầy đã xác định cho tôi một Bạc Liêu có thật bằng xương bằng thịt chứ không phải chỉ qua ký ức mà thôi.
Trường Trung Học Công Lập Bạc Liêu khi tôi vào học đã có lớp dạy từ đệ thất đến đệ nhất với nam nữ học chung trải đủ lứa tuổi. Học sinh từ lớp đệ thất tuổi mới mười một hay mười hai chậm lớn bé tí teo như tôi, cho đến các nữ sinh thuỳ mị đã “trổ mã con gái” đầy đặn xinh tươi, hay các nam sinh tuấn tú cao ráo của lớp đệ tam, đệ nhị, hay đệ nhất. Tất cả chia sẻ nhau dưới mái trường cũ kỹ xây cất từ thời “Tây đô hộ”. Nhiều gia đình đông con, đã có con từ bé đến lớn học chung trong một trường. Vài gia đình có cả đám con học với nhau, có bạn của anh, bạn của chị, bạn của em, và các gia đình nầy đã trở thành bạn của nhau, gia đình của nhau luôn.
Bảy năm trung học một khoảng đời không dài, nhưng đã để lại khá nhiều ký ức trong chúng tôi, đám học trò Bạc Liêu xưa. Tôi chắc các cựu học sinh tất cả các trường ở Bạc Liêu như Tương Lai, Nguyễn Du, Trí Dụng, Trí Tri, vẫn còn lắng lại trong ký ức của mình nhiều khía cạnh góc nhìn khác về Bạc Liêu.
Có những vị giáo chức, thầy cô từ “miệt trển bị đổi về”, với ý định ráng làm vài năm ở Bạc Liêu thôi rồi sẽ xin đổi đi. Chỉ vài năm thôi, nhưng có nhiều vị đã không dè cái duyên ngầm của Bạc Liêu nó mặn mòi tới vậy. Các vị đã trở thành các chàng rể quí hay các nàng dâu ngoan gắn bó với Bạc Liêu cho trọn tình trăm năm. Cũng có những người ngoại cuộc hoàn toàn, nhưng lại gắn bó chút tình khó quên với Bạc Liêu. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển với một cây đàn làm hành trang đã tới Bạc Liêu trong một ngày mưa dầm. Dạy triết ở trung học Bạc Liêu vài năm, người nghệ sĩ đã ra đi, ngoài cây đàn bọc hành trang còn chất thêm Bạc Liêu để sau đó hoài lang với “… tiếng ca đang gọi ta quay về Bạc Liêu mến yêu”.
Bức hình chụp một đám nữ sinh lớp đệ tứ trong sân trường và thầy Nguyễn trọng Vinh. Đám học sinh tuổi mười lăm mười sáu gì đó. Thầy là giáo sư huớng dẫn lớp. Thầy dạy Việt văn. Lớp Việt văn học với thầy rất vui. Khi giảng đến những bài hát nói của Nguyễn công Trứ, thầy với giọng Bắc cất tiếng ngâm thanh tao, “ Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi,…”. Đám học trò ngẩn người nghe. Thầy Vinh hát rất hay. Thường vào cuối năm trước tết lớp học được thả lỏng, các thầy cô lo từ giã học trò để về nhà ăn tết. Thầy trò văn nghệ ca hát nhộn nhịp. Lần đầu tiên tôi được nghe “Mưa Hồng”, nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng ca rất truyền cãm của thầy.
Một bức ảnh khác chụp ngoài giờ học trước căn nhà trọ của các thầy. Căn nhà ở gần bãi chứa vật liệu xây cất của nhà thầu Hồ văn Khấu. Ở Bạc Liêu ít ai nhớ địa chỉ cùng tên đường số nhà. Chỉ cần nói gần nhà ông hay bà vậy vậy là biết được ngay. Trong bức ảnh có tôi (thứ ba từ trái) và đám bạn học quê mùa ngây ngô chụp cùng thầy Phạm Huy Kỳ. Chúng tôi lúc đó học lớp đệ tứ, lớp 9 bây giờ. Thầy dạy môn vạn vật và thầy cũng là nhà văn Thái Phương có sách xuất bản. Nhiều hôm vào lớp thầy bằt đầu buổi học bằng một tự chuyện hấp dẫn, “Hôm đó tôi ….”, đám học trò háo hức chờ nghe tin giật gân, nhưng té ra đó là câu chuyện thầy tạo dựng đang viết dở chừng. Thầy nói giọng Bắc nhưng thỉnh thoảng nhạo chúng tôi bằng giọng Nam rất Bạc Liêu, “Bắt con cá gô, bỏ dô gổ nhảy gọt ghẹt,”
Có một bức ảnh chụp các vị giáo sư và học sinh lớp 12A niên khóa 1972. Tôi nhớ năm vì bức ảnh có thầy Võ Hợi - Vũ Đức Sao Biển. Thầy bắt đầu về dạy ở Bạc Liêu năm 1971-1972, năm tôi học lớp 12. Trong ảnh tôi nhận ra vài khuôn mặt. Bức ảnh chụp ngoài giờ học vì đám học sinh không vận đồng phục, người trong áo dài hôm đó là cô Bùi thị Hường dạy vạn vật, đứng thứ hai từ phải sang là thầy Án, thầy Hợi và thầy Tồng. Những giáo sư trường Trung Học Công Lập Bạc Liêu thời đó có thầy Vinh, thầy Giao, thầy Án, thầy Tuấn, thầy Hải, thầy Phúc, cô Liên, cô Cúc, cô Huê, cô Tâm, cô Hường, thầy Gia, cô Quyên, cô Hạnh, cô Hoa, cô Sắc, cô Ký, cô Dung, cô Như, cô Liễu, thầy Cường, thầy Kỳ, cô Tương, thầy Hồng, thầy Lý, thầy Hên, thầy Sơn, thầy Tồng, thầy Nghĩa, thầy Trung, thầy Công… Rất nhiều thầy nhiều cô, đã đến và đã rời đất Bạc Liêu sau vài năm, nhưng các vị đã để lại trong lòng đám học sinh Bạc Liêu những kỷ niệm ấm cúng của tuổi học trò.
Có vài bức ảnh chụp với bối cảnh một picnic do CPS Chương-trình Phát-huy Sinh-hoạt Học-đường tổ chức. Sau biến cố Mậu Thân 1968, CPS với tài trợ của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà và Đồng Minh được thành lập trong tất cả các trường trung học ở Việt Nam. Lúc đó tôi đã lớn, nhưng chưa biết nhiều về thời cuộc và tình hình chính trị ở Việt Nam. Các Chương trình như CPS, Bình định và Phát triển Nông thôn, Người Cày Có Ruộng, được hình thành và hoạt động vào thời điểm 1969 đến 1975, bây giờ lên Google tôi cũng không tìm được nhiều tài liệu về những chương trình nầy.
Bức ảnh hôm đó với thầy Nguyễn Trần Gia đang điều khiển một chương trình picnic sinh hoạt của chúng tôi. Nhìn mấy tấm hình chúng tôi nhắc nhau, “Ở chùa Miên đó!” Một ngôi chùa tôi không nhớ tên. Chùa nằm trên đường từ Bạc Liêu ra Sóc Đồn. Tôi còn nhớ ngôi chùa có một cái sân đất rộng phía sau, nơi tôi và các bạn trong ban hậu cần hôm đó đã làm được một kỷ lục. Chúng tôi nấu được một nồi cơm to hơn cái chảo đụng.
Tôi gọi là kỷ lục vì ngoài cái nồi và mớ gạo mang theo, chúng tôi không có bếp nấu. Đám bạn trai trong ban “kỹ thuật” bèn đào nhanh một cái lỗ dưới đất chất ba cục gạch bên trên thành cái lò. Thế là ban hậu cần có một cái lò dã chiến. Ban tổ chức cũng chẳng mang theo củi than gì hết. Chúng tôi ban hậu cần cằn nhằn, “Không than củi làm sao nấu cơm?” Lúc đó mùa gặt đã xong, thấy bên sân chùa một đụn rơm cao ngất, các tên trai ôm lại mớ rơm, “Đây nè, đốt rơm đỡ.” Rồi ban kỹ thuật vội vàng bỏ đi để mặc đám hậu cần tính sao thì tính, vì cái loa tay đã kêu gọi tập hợp trên sân trước chùa.
Nếu các bạn là bà nội trợ Bạc Liêu thuở chưa có lò đốt bằng ga, hay sau đó có nồi cơm điện “National”, thì phải biết cách nấu cơm bằng lửa củi. Nhúm lửa, vo gạo là chuyện nhỏ, nấu được nồi cơm mới là chuyện lớn. Gạo vo xong, đổ nước ngập sâu, bắt lên bếp nấu. Đó là lúc bạn phải canh ông táo. Bạn canh khi cơm bắt đầu sôi phải dở nấp ra ngay, nếu không cơm sôi trào nước xuống mớ củi làm tắt bếp, và thế là bạn “in trouble” ngay. Thành ngữ “Chửi tắc bếp” có lẽ bắt đầu từ đây.
Sau khi nồi cơm sôi bạn dở nấp nồi sơ đều, xong để sôi thêm chút nửa rồi rút củi bớt lửa. Đậy nấp nhấc nồi ra chắt nước cơm. Nước cơm thường khi thì bỏ, nhưng đôi khi được giữ lại làm nước cháo thế canh trong các gia đình nghèo. Nồi cơm sau khi chắt nước bắc trở lại lên bếp đã rút củi bớt lửa, chỉ còn mớ than cháy râm rỉ. Bạn chờ một đỗi lại dở nấp sới đều nồi cơm lớp dưới lên trên, và canh cho đến khi cơm chín, hột cơm mềm thì rút hết lửa ra. Với một quá trình nấu cơm công phu như vậy bạn sẽ có một nồi cơm ngon chín đều. Nếu khéo tay bạn sẽ có một lớp cơm cháy mỏng dưới đáy nồi.
Những hôm Bạc Liêu trời mưa, bong bóng nổi phập phòng, tuy em chưa đi lấy chồng, nhưng sáu câu vọng cổ hay một bản nhạc Bolero mùi mẫn từ cái radio vọng ra làm cho người ta não nuột, buồn da buồn diết, rồi nhớ tới cây mù u xa lắc xa lơ nào đó. Cũng có người thực tế hơn vào bếp lục nồi cơm cạy được một dề cơm cháy vàng ươm dòn rụm, rồi trét lên đó chút mỡ heo vừa mới thắng xong thơm lừng béo ngậy. Xịt vài giọt tàu vị iểu lên, chàng ngồi rung đùi tận hưởng. Mưa dầm và miếng cơm cháy, hạnh phúc đơn giản thế thôi. Thiên địa nhân giao hòa.
Nấu cơm thuở đó, nếu bạn chẳng may thì kết quả sẽ khôn lường. Một nồi cơm ba từng nghe có vẻ hấp dẩn như chè ba màu, nhưng thực tế là một disaster, một “Chèn đét ơi!”. Với một nồi cơm trên sống dưới khét lớp giữa chèm nhẹp, bạn chỉ là một cô “gái vụng” thôi. Và nồi cơm nầy sẽ làm bạn cảm thấy mình không có chút giá trị nào cả. Tuy nhiên ráng positive thinking, bạn nghĩ lại và nghiệm ra mình là “vô giá”, nên cũng được an ủi phần nào.
Bây giờ các bạn có thể nhớ lại phần nào cách nấu cơm thời lửa củi. Không chỉ các bạn gái, mà các bạn trai cũng có thể đã biết nấu qua nếu sau nầy bạn vào quân đội. Hay các bạn còn nhớ lại tết Mậu Thân, cảnh màn trời chiếu đất của gia đình mình, hoặc tuy nhà cửa mình không sao, nhưng bạn xung phong vào hậu cần nấu cơm nước cho bà con kém may mắn hơn trong thành phố Bạc Liêu. Những nồi cơm nấu lộ thiên bắt vội trên cái sân hay trên mé lộ, chụm bằng củi.
Trở lại nồi cơm của ban hậu cần trong trại hè ở Sóc Đồn do mấy đứa nữ sinh lớp đệ tứ chúng tôi chịu trách nhiệm. Những đứa con gái mười lăm, mưới sáu tuổi thôi. Chúng tôi có thể bẻ gãy sừng trâu, nhưng lại lúng túng bên cái nồi to tướng mà hai đứa xúm lại khiêng cũng không nổi. Với một cái lò vừa đào dưới đất và một đống rơm, chúng tôi không biết phải tính sao bây giờ. Trên sân trước chùa lúc đó đám học sinh đang quần tụ lại, văn nghệ đã bắt đầu. Không ai màng đếm xỉa đến chúng tôi, những đứa “khờ” đăng vào ban hậu cần behind the scene.
Nhưng ban hậu cần, “Quyết tâm!” Có gạo, có nước, có lửa, ban hậu cần sẽ có cơm. Rơm dễ bắt lửa, nhưng rơm là một nhiên liệu trái với củi, rất dễ cháy nhưng cũng rất lẹ tàn. Vấn đề là làm sao có lửa than. Rơm cháy xong không có than râm rỉ, và do vậy không thể giữ nóng.
Thổi lửa nấu cơm sau nầy là chỉ là một thành ngữ. Khi có bếp ga hay bếp điện, người ta không cần phải thổi lửa nữa. Nhưng hôm đó trong buổi picnic của lớp đệ tứ, thổi lửa nấu cơm đã được chúng tôi xử dụng đúng nghĩa đen. Để thổi chúng tôi phùng má trợn mắt, đem hơi từ lòng ngực “vận khí công” tống ra. Ngồi chồm hổm dưới đất chúng tôi kê miệng thổi phù phù vào bếp lửa. Một hình ảnh chắc chắn không nên thơ để tạo được một lãng mạn như nhà thơ Nguyên Sa đã ca tụng, “Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám, Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba.” Cũng may khi đó không có bác phó nhòm nào bên cạnh chụp lại những bức ảnh của chúng tôi thổi lửa, và nhờ vậy nên hầu hết bọn tôi sau nầy lấy được chồng. Chứ nếu như lúc đó có smart phone camera và các trang facebook như bây giờ mà post hình những đứa con gái đang phùng mang, trợn mắt như những con cá vàng mắt lộ, thì chúng tôi không biết duyên mình đã ngã về đâu.
Một vấn đề khác là cái nồi to quá, nên chuyện chắt nước cơm “bất khả thi”. Cái khó ló cái khôn. Chúng tôi đổ nước vào gạo vừa chừng thôi. Châm rơm đều đặn cho lửa bắt ngọn. Khi cơm sôi ráng sới nồi cho đều trên dưới, sau đó đậy nấp nồi không sới nữa. Chúng tôi tiếp tục thổi lửa đốt rơm dưới nồi nhưng ít thôi, và bắt đầu trải rơm lên nấp nồi thổi lửa đốt trên nấp. Chúng tôi đang nướng trui nồi cơm như cá lóc nướng trui vậy. Thế là chúng tôi có được một nồi cơm chín hẳn hoi với lớp cơm cháy tuy hơi dầy và hơi khét, nhưng cơm không sống và không nhão. Một nồi cơm chúng tôi chia sẻ nhau trên sân chùa hôm đó đã nằm trong ký ức tôi mấy chục năm qua và nằm trong góc danh dự.
Chúng tôi sau cùng đã thi hành xong phận sự hậu cần và nhập bọn với các bạn khác đứng vòng quanh nghêu ngao bài hát Nối Vòng Tay Lớn. Bức ảnh chụp ở Sóc Đồn, Bạc Liêu, trước một tháp cổ (tôi thứ tư từ phải). Trên mảnh đất xưa kia của người Khmer, bắt giọng cho chúng tôi hát hôm đó là trưởng ban văn nghệ, anh Thạch Tum, một người Việt gốc Miên, bạn lớp đệ tứ của chúng tôi.
Một bức ảnh khác chụp chúng tôi giữa hàng chậu kiểng có lẽ ở trong sân của ông hội đồng nào đó nhà giầu Bạc Liêu xưa. Chúng tôi mấy đứa con gái học cùng lớp mặt còn non choẹt. Ảnh quá xưa chúng tôi mỗi đứa phải tự nhận mình mới biết được ai trong ảnh (tôi đứng thứ nhì từ phải). Tự nhận nghe dễ dàng nhưng bạn cần nên biết đó là một chức năng quí giá, chỉ có con người mới có khả năng đó. Vài loài thú như vượn nếu khôn lắm may ra tự nhận được mình trong gương. Trong bức ảnh sáu đứa có tới bốn đứa đã trôi từ Bạc Liêu qua Georgia, Texas và California sinh sống. Để rồi lần đầu tiên sau 45 năm bộ bốn trong sáu chúng tôi đã gặp lại nhau và “nhận diện” các bức ảnh của mình ở San Jose, California. Bốn trong sáu một xác suất khá hi hữu.
Có một bức ảnh màu duy nhất. Bức ảnh chụp chúng tôi đang trình diễn múa trong ngày văn nghệ liên trường mừng xuân của Bạc Liêu. Chúng tôi vận trang phục trai gái quê với khăn vải quấn đầu, cùng ba cái nón lá và ba cây cuốc trong một bài hát quê dân dã (tôi bìa trái). Thêm một xác suất, bốn trong sáu chúng tôi trong ảnh hiện đang sinh sống ở Mỹ, với một bạn rời Bạc Liêu qua Mỹ năm 1970. Chương trình mừng xuân năm đó bao gồm nhiều tiết mục múa hát do chính học sinh của các trường ở Bạc Liêu trình diễn. Các trường bao gồm trường tiểu học Tỉnh Lỵ, trường trung học Bạc Liêu, và hai trường Hoa Việt tiểu học Trí Dụng và trung học Trí Tri. Buổi văn nghệ tổ chức tại rạp Chung Bá.
Rạp Chung Bá lấy từ tên của ông chủ rạp Chung Bá Vạn. Một vạn là mười ngàn. Một bá là một trăm. Bá vạn là một triệu nếu bạn muốn đếm số. Gia đình Chung Bá là một gia đình triệu phú Bạc Liêu. Nhà tôi gần rạp Chung Bá. Tôi sanh ra và lớn lên ở đó cho đến năm Mậu Thân 1968. Nhà tôi cách rạp Chung Bá một căn. Căn nhà có hàng rào, cửa mở ra đường Hai Bà Trưng cùng hướng với rạp hát. Nhà tôi khá sâu và có một sân nhỏ phía trước. Phần sau nhà giáp với dãy nhà của chủ rạp cất dọc hong rạp cho mướn. Truớc dãy nhà nầy là lối vào hậu trường rạp.
Xóm Chung Bá và rạp Chung Bá ngày thường rất im lìm. Trước sân chỉ có đám trẻ con chúng tôi ra chơi cút bắt, nhảy dây, nhảy cò cò, hay đanh hưng, bắn đạn. Buổi trưa khoảng 2 hay 3 giờ thì vợ ông Tùa Nấu mang chuối chưng, hay bày chuối nướng hoặc bánh khọt ra bán rộn rã trước cửa rạp. Đêm về thì rạp hoàn toàn vắng lặng. Thế nhưng khi những chiếc xe hàng của gánh hát kéo tới thành đoàn đậu dài ngay trước sân, thì rạp Chung Bá và xóm Chung Bá nhộn nhịp ngay. Khung cảnh rạp Chung Bá sinh động hẳn ra.
Như trái bí và những con chuột được bà tiên quơ chiếc đủa thần hô biến, cái sân xi măng cũ kỹ và hai bức tường mặt tiền rạp loang lổ đã trở thành chốn phồn hoa tấp nập với những tấm băng rôn phô trương đầy màu sắc. Giăng ngang trước cửa rạp một dàn đèn sáng rực rở. Thửa nầy chưa có ảnh màu, những bức ảnh đen trắng phóng to của đào kép lộng trong các khung kiếng bóng loáng được treo trịnh trọng truớc cửa khán phòng. Ngoài sân mấy cái ô-bẹt-lơ phát ra những bài vọng cổ rè rè um xùm, với Hùng Cường trong vai Võ Đông Sơ đang hát tiển biệt mùi mẫn, “Biên cương lá rơi, Thu Hà em ơi ,…”
Ở đầu dảy nhà bên hong rạp Chung Bá có một cái quán. Quán không tên, chủ quán tên Tùa Nấu. Quán bán cà phê làng nhàng, ngày thường người trong xóm cũng chẳng buồn ra ngồi tán gẫu. Quán Tùa Nấu chỉ nhộn nhịp khi có các đoàn cải lương kéo về thôi. Khi có gánh cải lương về hát, quán Tùa Nấu ngoài cà phê còn bán thêm cơm và thức ăn. Khi đó ngoài các xe các gánh bán hàng rong trước sân rạp, chỉ có ông Tùa nấu bán hàng trong quán với bàn ghế và người chạy bàn hẳn hoi. Chạy bàn đương nhiên là những đứa con của ông, kể cả con Hía, bạn học tiểu học của tôi.
Thời vàng son của cải lương Việt Nam tuy chỉ là một thời gian ngắn trong thập niên 60s thôi, nhưng rất huy hoàng. Nếu các bạn lên Wikipedia, lục tìm sẽ thấy tên các đoàn hát từ thời đầu như Hoa Sen, cho đến các nguyên soái như Kim Chưởng, Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chung, Dạ Lý Hương, …. Các nghệ sĩ hay gọi nôm na đào kép trong các gánh hát nầy đã từng là những tên tuổi lớn như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan (bà vừa mới qua đời tháng 11 năm 2016), Thanh Nga, Thành Được, Phượng Liên, Minh Cảnh, Lệ Thủy, Minh Vương, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Hùng Cương, …
Tất cả các gánh hát cải lương tiếng tăm Việt Nam nầy đã từng kéo về Bạc Liêu hát nhiều lần và đã hát ở rạp Chung Bá. Và hầu hết các nghệ sĩ, những viên ngọc quí cải lương chi bảo của các gánh hát nầy, tôi tin ít nhứt cũng có lần đã thưởng thức cà phê của quán Tùa Nấu ở Bạc Liêu. Tôi không chắc cà phê Tùa Nấu có ngon hay không vì lúc đó tôi còn quá nhỏ để biết cà phê. Nhưng quán nầy lúc đó là một quán duy nhất bán cà phê và thức ăn ngay cạnh rạp trên lối vào hậu trường nên rất tiện. Khuya sau một đêm hát dài, trước khi trở về nhà trọ hay một lữ quán trên phố, tô cháo lòng của quán có lẽ là một tuyệt phẩm dành cho các người nghệ sĩ lừng danh nầy.
Khi các tên tuổi như Út Trà Ôn, Hùng Cường, Thành Được ghé vào quán thì đám con nít và người lớn ở các xóm lân cận chen lấn nhau bu kín quán. Các “fans” trầm trồ chiêm ngưỡng thần tượng của mình. Tôi cũng bu lại, nhưng chỉ quanh quẩn vòng ngoài thôi. Vì chẳng chen vào được, nên tôi cũng chẳng biết thần tượng mình là ai.
Gần gũi và đáng kể với tôi hơn cả có lẽ là dàn đèn và mấy cái ô-bạc-lơ của gánh hát. Mấy dàn đèn dàn loa nầy được cung cấp điện từ một máy phát điện ở phía sau hâu trường của rạp. Mà cái máy phát điện đó lại đặt sau nhà ông Bảy rạp. Ông Bảy phụ trách bảo quản rạp hát nên đã trỡ thành ông Bảy rạp, để phân biệt một ông Bảy khác chaỵ xe lôi sống bên xóm chuồng bò. Ông Bảy rạp lúc nào cũng mặc bộ đồ bà ba rộng bằng lụa trắng ngà, dáng người ông ốm dong dỏng tao nhã. Chúng tôi kính nể ông không chỉ vì ông là bạn thân của ông nội tôi, hay vì ông có một kiến thức rộng với nhận định và nói năng đứng đắn. Mà chúng tôi kính ông cũng vì khi có hát ở rạp, chúng tôi được theo ông “free access” vào rạp coi hát không cần vé.
Nhà ông Bảy rạp là căn cuối cùng của dãy nhà bên hong rạp. Căn nhà ăn không sâu. Nhà sau ông Bảy rạp giáp ranh ngay sát cái chuồng heo của bà tôi. Mỗi đêm khi có gánh hát cải lương về Bạc Liêu, tiếng máy điện chạy ầm ầm, chúng tôi chỉ mong gánh hát đi cho nhanh để trả lại chút yên tỉnh. Nhưng bù lại nhờ được câu giây diện của ông Bảy rạp nên nhà tôi có đèn cháy cả đêm.
Bạc Liêu hồi xưa vậy đó, kể hoài không hết. Hai năm truớc tôi về Bạc Liêu. Trường trung học đã cất lại hoàn toàn rất khang trang. Rạp Chung Bá bây giờ là rạp Cao Văn Lầu hiện đại. Bên hong rạp vẫn còn lối đi dẩn vào phía sau hậu trường, nhưng quán cà phê Tùa Nấu không còn nữa. Thay vào đó là một tư gia. Cái sân nhỏ trước nhà tôi cũng không còn và căn nhà đã biến dạng thành một căn lầu hai từng có một ban công xinh xắn lấn ra đến mặt lộ.
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương, *
Hồn thu thảo! Bạn ơi, Bạc Liêu đó bây giờ chỉ còn lại trong những tấm hình xưa thôi, ráng giữ cho kỹ nghen.
Chúc
--------------------------
(*) Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan