Xem xong báo cáo bệnh lý, ông bác sĩ tâm thần gỡ kính cận đặt lên chiếc bàn nhỏ trước mặt, đứng dậy xoa hai bàn tay vào nhau, đến bên tôi vỗ vai tôi đốp một cái, ấy ấy đau, đau quá, vưng cả cái đầu, hất hàm hỏi:
“Thưa, thưa, thưa bác sĩ, thì đau, đau lắm. Bây giờ giờ còn đau. Nhất là là là sau sau cái vỗ vai vai vừa rồi.”
“Không, tôi không muốn anh trả lời như thế.”
“Vậy vậy trả lời như thế nào, thưa thưa …”
“Thưa bác sĩ.”
“Vâng, thưa thưa bác sĩ.”
Ông bác sĩ hình như không sốt ruột như những người khác khi nghe tôi nói cà lăm cà cặp, ông này thế là chì đấy. Ông nói chậm rãi từng tiếng một:
“Tôi muốn anh kể hết cho tôi nghe tại sao anh bị đánh.”
“Vô lý, thưa bác sĩ. Kể hết sao nổi, dài dài quá, khó nói nói quá. Lại lại nhớ nhớ, quên quên, tùm tùm lum tùm la. Hơn hơn nữa… ”
Sau những ngày tháng khốn đốn ấy, tinh thần tôi suy sụp. Người ta bảo tôi điên điên, tàng tàng, tôi không tin như thế. Mà tôi cũng tin như thế. Kỳ thật, điên điên, tỉnh tỉnh chắc? Ma ma, Phật Phật. Cái khó là khi nào thì gọi là điên, khi nào thì gọi là tỉnh! Nhưng có một điều tôi biết rõ là tôi nói năng khó khăn, lại cà lăm. Mà nói lắp dễ khiến ngươì khác nghĩ rằng tôi “có vấn đề.” Trật bét, nhiều người không có vấn đề vẫn nói lắp. Nhưng tôi không muốn cải chính. Cãi cọ với người ta sao nổi vì cái tật nói lắp này. Thôi, cứ cho là có vấn đề thì phải chiều theo lời mấy thằng bạn học quen nhau từ hồi bé qua bên này tình cờ gặp nhau, chúng nó bảo mày đi bác sĩ tâm thần một vài lần xem sao. Không, phải nhiều lần chứ! Tao, tụi tao tỉnh queo mà lâu lâu cũng đi bác sĩ tâm thần một lần huống là mày. Thật ra đã là người ai cũng bị bịnh tâm thần cả, mày không phải là ngoại lệ. Đúng, tôi thầm nghĩ, người thôi. Thú vật không hề bị bệnh tâm thần. Mà e trật rồi, cũng có trâu điên, chó dại đấy chứ. Mày biết như thế hay không? Biết gì? Thì đã là người ai cũng bị bịnh tâm thần. Nghe chúng nói thế, tôi vui quá. Nhưng lại buồn ngay. Hơn hơn nữa …
“Không sao cả.” Ông bác sĩ ngắt lời. “Nhớ nhớ quên quên thì … ai cũng thế thôi. Nhớ thì ráng nói cho hết, còn quên chỗ nào, tôi nhắc cho.”
“Xin lỗi, xin xin lỗi, thưa, thưa, thưa…”
“Thưa bác sĩ.”
“Vâng vâng, thưa bác sĩ. Mà làm sao bác sĩ biết mà mà mà nhắc…”
“Tôi biết chứ.” Ông bác sĩ lại ngắt lời tôi. “Tôi có cách.”
Vô lý! Nhưng với cái tật cà lăm tôi làm sao nói cho lại cái ông bác sĩ vô lý này. Đành phải kể. Và nghe ổng kể.
*
Vào khoảng tháng tám, sau hơn một năm ở tù, chúng tôi được hỏi ý kiến — lần đầu tiên được hỏi – Tết này các anh muốn ăn gì?
Chúng tôi họp nhau hội ý để ngày hôm sau trả lời quản giáo. Được ăn tết? Quả là điều chúng tôi không hề nghĩ tới. Ăn tối xong, mỗi người được gần nửa chén cơm bồi dưỡng thêm một củ sắn nhỏ, ăn với nước muối và miếng khô cá to bằng ngón tay cái, hồi đó chúng tôi chưa được gia đình thăm nuôi, chúng tôi bàn bạc sôi nổi. Mãi đến giờ phải trèo lên chõng tre để đi ngủ mới có được sự "nhất trí". Ngày hôm sau, đại diện chúng tôi trình bày với cán bộ quản giáo:
“Đề nghị cán bộ cho mua khoai lang ăn Tết.”
“Cái gì? Muốn bôi bác cách mạng đấy hẳn? Ăn tết mà đòi ăn khoai lang? Này! Nghe cho rõ: Mỗi lán vỗ béo một con lợn.”
Chúng tôi cứ tưởng anh quản giáo trẻ con này muốn đùa dai, dù chúng tôi chưa hề thấy những “người cách mạng” biết đùa. Riêng chúng tôi không nói đùa hoặc bôi bác ai cả. Quả thật chúng tôi thèm khoai lang, thèm chất ngọt trong khoai lang. Hơn một năm trời tù khổ sai trong cái trảng cằn cỗi này, chúng tôi chưa một lần được ăn một cục kẹo, một cái bánh, một chén chè hay được uống một ly chanh đá, một ly cô ca. Đi lao động suốt ngày, trong người lúc nào cũng bần thần dã dượi, thèm cơm, thèm rau, thèm cá, thèm thịt, thịt mỡ, và nhất là thèm một cục đường đen. Ước gì có một cục đường đen mà cầm giữa ngón trỏ và ngón cái đưa lên mồm thè đầu lưỡi ra mà liếm từ từ cho lâu hết. Nhất định không bỏ cục đường vô miệng. Chúng tôi đã có kinh nghiệm ấy cách đây sáu bảy tháng. Nhân dịp lễ gì đó, chúng tôi mỗi người được phát một cục đường đen nhỏ ngoài sức tưởng tượng. Con kiến ăn chắc cũng không đủ, nhà thơ của phòng chúng tôi phát biểu "linh tinh" như thế. Tên nào láu táu cho cục đường vào mồm là không tự chủ nổi, chưa kịp nút nó đã tự động chui vào bụng lúc nào không hay. Còn thè đầu lưỡi ra liếm liếm cục đường thì mình có thể "làm chủ tình thế", độc lập tự do kéo dài hạnh phúc ấy cho thật lâu. Gặp cọng rơm nào bên trong cục đường, rút nhẹ nó ra, lại cho vào mồm mút cọng rơm cho sạch giống như trẻ con mút cà-rem cây, lưỡi rát rát vì rơm có gai nhỏ, được cái mềm, xong liếm tiếp cục đường cho đến hết . Và cuối cùng cố nhiên mút hai ngón tay, một công hai việc, vừa bổ dưỡng vừa sạch sẽ vệ sinh. Chả ai cười ai, cá mè một lứa mà!
Quả thật cuối tuần ấy, mỗi lán được chia một con heo con. Lán là một dãy nhà dài lợp mái tôn cũ kỹ, phên gỗ mục nát nhiều chỗ phải lấy nẹp tre tăng cường, chia ra làm mười phòng. Mỗi phòng chứa độ 15 người tù. Khu của chúng tôi có khoảng tám, chín lán nằm song song với nhau tách biệt nhau bằng một khoảnh đất trống dài hẹp. Không có chuồng, chúng tôi cho chú heo nhi đồng đó ở chung, cạnh cái chõng tre tôi dùng làm chỗ ngủ. Tôi được anh em trong căn phòng giao việc săn sóc con heo, được quản giáo cho giảm bớt một phần lao động. Anh em gọi đùa tôi là anh nuôi. Đúng ra là anh nuôi heo chứ không phải nuôi người. Nhưng trọng trách không phải nhỏ. Khi đi lao động tôi lấy dây mây luồn qua nách con heo con rồi vòng qua vai nó cột chặt lại, đầu kia của dây buộc vào chân chõng tre. Cột không phải vì sợ nó chạy mất, cửa đóng kín nó không thể chạy ra ngoài căn lán được, mà sợ nó chạy quanh trong phòng kiếm ăn lục phá đồ đạc của anh em. Ỉa đái khỏi lo. Chỗ của nó bao giờ cũng láng cóong. Các bạn tù chỉ mong nó phóng uế càng nhiều càng tốt để chia nhau lấy phân bón rau xanh. Khốn nỗi điều này đã thành quy luật: ăn ít ỉa ít. Người cũng phải tuân theo quy luật đó, nói gì heo. Những lúc đói nhà thơ của phòng tôi – phòng tôi có một nhà thơ, một thầy bói, mấy nhà ngôn ngữ học, mấy nhà khoa học v.v… – ê a nhại mấy câu thơ tình của Xuân Diệu:
Ăn là chết ở trong lòng một ít
Vì chẳng muốn ăn mà em cứ bắt ăn
Ăn thì nhiều nhưng ỉa chẳng bao lăm
Anh chỉ sợ một ngày mai sinh bịnh.
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Cho thì nhiều song nhận chẳng bao nhiêu;
Ngươì ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết…
Xuân Diệu
Cố nhiên trong bốn câu thơ nhại đó, chỉ có bốn chữ cuối của câu thứ ba là có "tính hiện thực xã hội", những câu khác toàn là “viễn mơ”. Kiếm gì cho con heo ăn đây? Làm sao có cơm thừa cá cặn. Làm sao có rau có cám. Cơm ăn trong chén không còn sót một hột, củ sắn ăn luôn cả vỏ, may ra còn lại tim sắn. Nói may ra là vì nhiều người nhai luôn cả tim rồi nhả bã như người ta ăn trầu. Tôi đi kiếm những cây chuối già đã thu hoạch, nghĩa là buồng chuối đã bị cắt đi từ hồi nào, xắt lát cho nó ăn. Những loại cỏ dại do tôi và anh em bạn tù kiếm được ngoài trảng khi đi lao động như lá tàu bay, lá càng cua, lá bìm bịp, rau sam, rau dền hoang, rong, bèo vân vân … nó đều ăn tất. Thêm vào đó mỗi bữa ăn tôi nhín cho nó một phần tư chén cơm, tức là một nửa phần cơm của tôi. Tôi thương nó! Thương như thương đứa con còn trứng nước.
Sau một tháng con heo thấy có lớn lên một chút, nhưng gầy đi nhiều. Tôi thua heo, không lớn thêm chút nào, chỉ càng ngày càng lòi thêm ra bộ xương cứu chúa. Qua tháng thứ hai khi quản giáo đi tham quan heo, tôi bị phê bình và tự phê bình rằng không làm tròn bổn phận, rằng kể từ giờ phút này phải ra sức phấn đấu vỗ béo con heo cho kịp ăn Tết. Vỗ béo? Mỗi khi đi lao động về cứ việc đến vỗ mông vỗ đít vỗ bụng nó cho nó sưng vù lên thì nó sẽ béo? Khỏi cần cho ăn? Lần đầu tiên khi nghe được những tiếng đó tôi chua chát nghĩ như thế. Cũng may, từ đó mỗi buổi chiều tôi được phép đến các nhà bếp của "khung" xin những món thừa có thể cho heo ăn như rau úng, rễ khoai, vỏ bí, vỏ bầu, vỏ mướp, nước rửa chén, rửa nồi, râu tôm, xương cá, vảy cá … Nước vo gạo không biết họ dùng để làm gì nhưng họ không cho.
Chúng tôi, tôi và heo, biến thành đôi bạn thân từ hồi nào rồi. Được ăn nó vui sướng đã đành, chỉ đánh hơi hay nghe tiếng bước chân của tôi, chứ không phải tiếng bước chân của người khác, trước khi thấy tôi nó cũng đón mừng rối rít, chạy lồng lên thiếu đường muốn làm đứt sợi dây trói, đồng thời ụt ịt ụt ịt luôn mồm nghe thật vui nhà vui cửa. Phần tôi mỗi khi trở về phòng, việc đầu tiên là chạy ngay đến nó vuốt ve, mở dây trói, ngồi xuống đút vào miệng nó nào cào cào, châu chấu, dế, nào rắn mối, ễnh ương, cóc. Với cóc tôi cẩn thận lột da, mổ ruột vứt đi. Còn ếch nhái thì hiếm thấy lắm. Nếu bắt được ếch nhái tôi không biết xử trí ra sao đây. Chia làm hai, nó một nửa, tôi một nửa?
“Đây, mấy món ăn chơi đây cưng. Khai vị xong rồi dùng bữa.” Tôi thủ thỉ với nó. Nó hôn tôi, áp cái mũi ướt, tròn và dẹt vào má tôi nghe mát rượi.
Nhưng rồi lại đến ngày tôi phải xa nó. Anh em trong phòng và cả những phòng bên cạnh không chịu nổi tiếng ré éc éc đinh tai nhức óc giữa khuya khi nó đói quá. Mọi người cần ngủ để có sức cho ngày mai. Lẽ dĩ nhiên, vừa nghe nó kêu là tôi nhảy ngay khỏi chõng chồm tới ôm nó âu yếm vỗ về, nó nguôi ngoai dần cơn đói, nhưng cũng đã trễ rồi, mọi người đã bị nó đánh thức. Phải chi lúc đói mà nó cũng chỉ ụt ịt thì hay biết mấy! Thằng đại diện xin quản giáo cho làm chuồng heo.
“Cái gì? Cách đây mấy tuần tôi đã bảo anh nuôi heo nói với các anh cùng đi làm chuồng heo. Chưa làm hả? Lán các anh bết bát nhất. Cuối tuần này khẩn trương làm đi. Khẩn trương! Khẩn trương!"
Quả thật quản giáo có nói thế, nhưng tôi lờ, tôi không muốn xa heo. Cũng may anh đại diện chỉ im lặng khi bị mắng mỏ. Nếu anh khai thiệt rằng tôi không chịu thông báo lại lệnh cấp trên, không biết hình phạt gì sẽ đến với tôi.
Căn phòng của chúng tôi ở giữa lán, chuồng heo mới làm nằm cách cuối lán cả trăm thước, cạnh hàng rào kẽm gai. Ngày ngày hễ rảnh được phút nào, tôi hối hả chạy đến săn sóc, vỗ về, trò chuyện với nó. Đó là chưa kể hai bữa cho nó ăn tôi được gần gũi nó lâu hơn. Nó lớn lên trông thấy.
*
Còn một tháng nữa, Tết. Mọi năm, theo những người tù từng ở vùng này, mùa mưa thế là đã chấm dứt. Năm nay trời trở chứng. Đêm hôm đó mưa khiếp đảm. Tạo hóa nổi cơn thịnh nộ, sấm chớp loạn xạ, nước trút xuống như trời đang sập. Gió lùa qua liếp tre lạnh buốt. Rồi nước rò qua mái tôn thủng nhỏ xuống thành nhiều dòng đánh thức tất cả mọi người.
Chúng tôi dồn nhau lại ngồi co ro ở nơi nào còn khô ráo. Không ngủ được, anh em rì rầm nói chuyện, chuyện bên Tây, bên Tàu, bên Mỹ, bên Nhật, hồi đó… hồi đó… nhưng không một ai nói chuyên bây giờ ở tại nơi đây. Ừ nhỉ, bây giờ có chuyện gì đâu để mà nói. Ngày nào cũng giống như ngày nào, loay hoay mãi như con chuột bạch trong lồng xe bánh. Những tháng đầu tiên trong tù còn bồn chồn trông đợi ngày phóng thích, thét rồi chai lì. Có lẽ nhờ vậy rất ít người trong chúng tôi hóa điên. Căn phòng chúng tôi có nhiều "tài năng khoa học kỹ thuật", nhiều người giỏi ngoại ngữ, tiếng Anh, tiếng Pháp. Có đứa biết cả tiếng Đức. Thi sĩ của phòng chúng tôi thì giỏi tiếng Tàu, thuộc nhiều thơ Đường lẫn thơ Việt. Anh em rất mến anh chàng vui tính, hóm hỉnh, và hiền lành này.
“Ê thi sĩ! Hết chuyện nói rồi. Cậu đọc thơ đi. Tự biên tự diễn càng tốt. Đêm mưa gió lạnh lẽo bên ngoài, trong phòng ấm cúng như thế này nghe thơ mới đã.”
“Thơ tớ chán bỏ mẹ. Càng ngày càng dở. Tự mình ngửi không muốn nổi còn mong đọc cho ai nghe đây. Để tớ nhại thơ nhé. Nhai lại, nhái lại, nhại lại là thượng sách hơn cả.”
Bài nhại thơ tình Xuân Diệu làm cho nhiều người cười, nhưng bài nhại dưới đây, nhại bài thơ Dạ Vũ Ký Bắc của Lý Thương Ẩn, anh cho biết như thế, không gây được chút vui nhộn nào cả:
Anh hỏi ngày về? Đếch có ngày!
Bà Đen mưa tối nước dâng đầy.
Mai kia đốt đuốc bên song cửa,
Đấu chuyện Bà Đen mưa tối nay.
Quân vấn quy kỳ, vị hữu kỳ
Ba Sơn dạ vũ trướng thu trì.
Hà đang cộng tiễn tây song chúc
Khước thuyết Ba Sơn dạ vũ thì.
Lý Thương Ẩn
Đêm Mưa, Gửi Về Bắc
Bạn hỏi ngày về, chửa có ngày,
Mưa đêm trên núi nước sông đầy.
Cùng nhau đốt đuốc bên song cửa,
Nói chuyện Ba Sơn mưa tối nay.
Trần Trọng San dịch
Hưởng ứng bài thơ là những tiếng ngáp muốn sái quai hàm, những tiếng thở dài nghe rầu thúi ruột. Trừ tôi ra. Là vì tôi đang nôn nóng cả lòng, cả dạ. "Bà Đen mưa tối nước dâng đầy", chết cái con heo của tôi mất rồi! Cái chuồng của nó, mái lá lợp dối dá, phên tre ọp ẹp trống trải, mưa to gió lớn, lạnh buốt! Mưa càng lúc càng dữ dội, chớp muốn xé bầu trời đen, sấm muốn đâm thủng màng nhĩ. Những tia chớp chốc chốc làm sáng lên những khuôn mặt hốc hác, gầy gò, nhẫn nhục mà ban ngày tôi không để ý đến. Bỗng có tiếng nước róc rách đâu đây, mọi người chú mục. Trời! Nước lên, nước dâng đầy, nước tràn vào nền nhà đất. Anh em bàn tán xì xầm.
"Núi mà cũng lụt à?"
"Lụt chứ, gọi là lụt núi."
"Có sao không?"
"Tùy. Nhưng nó cuốn mạnh lắm. Có khi cuốn trôi luôn nhà cửa, trâu bò. Được cái không kéo dài."
"Sao cậu biết?"
"Tôi ở vùng này mà, sinh ra, lớn lên. Sau đó mới về Sài Gòn vào đại học. Rồi … rồi…"
Tiếng sấm nẹt to át tiếng nói.
"Rồi rồi gì, nói tiếp!"
"Rồi học chưa xong thì động viên vào Thủ Đức, ra trường lại được điều về vùng này đồn trú. Rồi bây giờ … ha ha … ‘đồn trú’ tiếp."
"Đồn trú cái con mẹ gì! ‘Đù trốn’ nghe thuận tai hơn."
"Ờ, ờ biết đâu đấy. Thiên cơ bất khả lậu. Một ngày nào mình lại trở lại đồn trú nơi này như xưa kia."
"Ê, tốp! Chuyển đề tài đi, mấy cha nội."
Câu chuyện nhạt dần.
Tôi không góp chuyện, tôi nghe lơ đễnh tiếng được tiếng mất, lòng tôi đang bị lửa đốt. Con heo có lẽ bị nước cuốn trôi mất rồi. Biết làm sao đây? Khuya khoắt thế này mà mình bước ra khỏi cửa là bị bắn bỏ ngay. Anh em ngồi nói chuyện chán lại dựa lưng vào nhau ngủ gà ngủ gật. Không thể nào chợp mắt nổi, tôi ngồi chờ sáng. Bỗng có tiếng cào cào bên ngoài cửa càng lúc càng mạnh. Mọi người tỉnh ngủ hẳn. Lại bàn tán xôn xao.
"Tốt quá, mấy bồ sẵn sàng nhé. Con cáo, con chồn, con chuột đồng, con rắn ngộp nước muốn vào thăm mình đây. Thịt!"
"Biết đâu con nai, con mễn? Cầm sẵn gậy đi nhé!"
"Tôi mở cửa ra là các cậu nện ngay. Trời thương cho mình một bữa nhậu linh đình đấy các cậu."
Cửa mở, chưa ai kịp ra tay, con heo lao vào. Tôi nhảy chồm xuống ôm chầm lấy nó. Heo ơi sao mày giỏi quá vậy. Xa xôi, tối tăm đến thế mà mày cũng lặn lội tìm được lán mình, tìm đúng căn phòng cũ. Mày khôn hơn tao rồi. Đi lao động về đói meo mờ mắt, tao vào lộn phòng là chuyện thường. Bị tụi nó đuổi ra khỏi phòng như đuổi tà. Thế mà mày… Tôi thương nó quá! Các cậu này, từ rày về sau cấm các cậu không được nói ngu như heo!
Sáng hôm như tôi đã tiên đoán, chạy vội ra thăm cái chuồng heo thì đã không thấy nó còn ở đó nữa, đã bị nước cuốn trôi đi không để lại một dấu vết gì. Trong khi chờ kiếm cho đủ tranh đủ tre để làm chuồng mới, heo lại sum họp với tôi.
*
Năm tàn tháng lụi. Mùa mưa hết đã lâu. Những ngọn cờ lau phất phơ nghiêng ngả theo mỗi cơn gió mùa thu xa xa bên kia hàng rào kẽm gai đã rụng hết lớp bông tơ nõn, chỉ còn trơ lại nhánh xương khô rũ xuống hoặc gãy gấp khúc hoặc nằm xuôi tay trên mặt đất đang lún phún lớp cỏ dại mới nhú. Không có chim, không có tiếng líu lo, không có bướm lượn, nhưng có én ở đâu lác đác bay về dăm ba con khuấy động bầu trời bàng bạc mây. Trong cảnh tù đày vô vọng không biết bao giờ là ngày về thế mà vẫn có nhiều anh em mong Tết đến. Trừ tôi ra.
Tôi không mong Tết mà Tết cứ tới. Tôi không muốn chứng kiến cái kết thúc tất nhiên của con heo của tôi. Hôm hạ heo, tôi bảo anh nuôi hôm nay đau, mệt, anh em muốn làm gì thì làm để anh nuôi được nghỉ ngơi. Nhưng tôi cũng không thể ngồi thu lu trong phòng giả đau mãi. Ba người trong phòng tôi được giao việc bắt heo đi thọc huyết. Tôi đi theo xa xa đằng sau. Lại la lối om sòm.
"Tụi mày là đồ vô dụng, hai thằng không rị lại nổi con heo. Đừng níu đuôi nó, đừng kéo tai nó, đừng chụp cái chân sau như thế."
"Nhưng nó cứ lồng lên như ngựa chứng thì làm thế nào bây giờ. Con quái heo này mạnh hơn voi!"
"Mạnh cái con khỉ. Hai cậu yếu như sên thì có. Người đâu mà nhẹ như tờ giấy để cho heo kéo chạy đi bon bon. Bắt heo đâu không thấy, chỉ thấy bị heo bắt lôi đi!"
"Vậy phải làm gì bây giờ?"
"Làm như thế này này. Nó chạy tới thì chụp ngay lấy chân trước của nó, chứ ai lại níu chân sau, một chân cũng được, là yên chí lớn!"
Sau một hồi, "Tốt, tốt, xong rồi."
Con heo bị thộp phải cái chân trước, té chúi mũi xuống mặt đất đá dăm, máu chảy ra đằng mồm, kêu thét, mà cái anh chàng thộp heo cũng nằm dài sóng sượt, mặt mày nhăn nhó như khỉ ăn ớt. Mà máu chảy ra đằng mồm thì có thấm gì đâu so với dòng máu phun thành vòi khi con dao dài và nhọn đâm đâm ngoáy ngoáy vào cái cổ họng khọt khẹt ra từng chuỗi bong bóng. Ôi con heo của tôi! Tôi cắn chặt hai hàm răng của tôi lại.
*
Sau khi trừ xương và lông, còn được bao nhiêu ký thịt, bao nhiêu ký da, bao nhiêu đồ lòng, bao nhiêu huyết, dành cho mỗi phòng trong lán, tôi không biết. Riêng phân heo còn sót lại trong ruột già thì dành cho anh nuôi dùng để bón cây bầu trồng ngay trước lán. Chỉ biết rằng mỗi người được chia đều một phần to bằng hai lóng tay. Tên nào hên gặp miếng nhiều mỡ. Anh em trong phòng tôi “nhất trí” dồn thịt heo lại luộc chung lấy nước nấu một nồi cháo ăn tết cho mọi người. Nấu gạo trước cho chín nhừ, xong bỏ thịt vô nấu qua loa lấy hương lấy hoa, không nấu lâu sợ tiêu tan hết thịt. Cuối cùng vớt thịt ra, mỗi người vẫn còn được một miếng thịt luộc be bé, xinh xinh.
Tôi không ăn. Anh em nói thế nào tôi cũng không ăn. Tôi thương nó ai cũng biết, bây giờ tôi lại ăn thịt nó coi sao được. Đó là đối với người ngoài, tôi nói thế, còn trong thâm tâm, tôi cho đó là một điều ghê tởm. Ai lại bắt người ta nuôi nấng nó từ tấm bé, mỗi ngày mỗi trông nó lớn lên một chút, vui, buồn, mừng giận có nhau, chia sẻ từng cọng rau, từng hột cơm, ôm ấp, vỗ về, rồi cuối cùng – thịt!
“Không ăn thịt thì ăn cháo vậy.”
“Đâu được. Cháo cũng từ nước thịt mà ra, có khác gì ăn thịt. Các cậu không liên hệ gì với nó, thì cứ ăn thịt nó đi, có sao đâu. Tôi khác. Xổ số với nhau phần ăn của tôi đi. Hay là tôi nhường phần tôi cho thi sĩ nhé.”
Đã nói đến thế mà bọn ngoan cố kia vẫn để dành phần của tôi trong cái chén làm bằng tôn lợp nhà mà tôi tự tay gò lấy khi đến trại tù này. Nhớ lại hồi đó không ai mang theo nồi niêu soong chảo chén bát. Đi lục lọi trong những đống rác to tướng, hôi hám, đầy ruồi bu kiến đậu, kiếm những miếng tôn lợp nhà cong queo, cháy sém, lỗ chỗ dấu đạn, gò thành dĩa thành bát thành nồi dùng mãi đến bây giờ. Nhiều tên có hoa tay gò những tấm tôn thổ tả đó thành những chiếc va ly Samsotôn đẹp ra phết. Đâm ra tối mồng một tết, trong khi tụi nó ăn một bữa ngon nhất trong năm thì tôi phải nhịn đói.
Đêm nằm không có một hột gì trong bụng không sao ngủ được. Chén cháo còn đó, miếng thịt còn đó, được đậy kỹ cho chuột khỏi tha, được treo cao cho kiến khỏi bu, và được tôi thao thức suốt đêm canh chừng. Tôi sợ. Tôi không rõ tôi sợ chuyện gì. Có lẽ tôi sợ chén cháo và miếng thịt không cánh mà bay. Bay vào bụng một tên nào khác thì còn được đi, miễn là đừng lọt vào bụng tôi.
*
Tôi ngủ thiếp lúc nào không hay. Ngày hôm sau mồng hai tết, anh em trở lại lao động suốt ngày như thường lệ, trong đó dĩ nhiên có tôi. Không còn con heo, tôi mất chức vụ anh nuôi, hay đúng hơn, anh nuôi heo, và nhập vào toán đánh tranh. Cứ dăm ba ngày cắt đủ tranh, chúng tôi lại tụ họp thành từng nhóm nhỏ ngồi quanh lán đánh tranh. Đó là thời gian thoải mái nhất cho toán tranh. Trừ tôi ra. Ngồi tụm năm tụm ba vừa làm việc vừa tha hồ đấu láo, hết chuyện nọ xọ qua chuyện kia, chuyện hay quá hóa dở, chuyện dai chuyện dài quá hóa thành chuyện dại. Tôi không tham gia. Vì câu chuyện trước sau gì cũng quay trở lại cái Tết vừa rồi. Ăn Tết xong tiêu thành cứt đã "bảy đời vương" rồi mà cứ nhắc đi nhắc lại cái mùi vị thơm ngon, béo bùi, béo ngậy, béo đến tê điếng cả người của miếng thịt heo, nuốt vào khỏi cổ là nó chạy rần rần khắp cơ thể như muốn làm loạn.
“Nhưng mà này, cấp trên chia chác thế nào mà cục thịt heo nó vĩ đại quá thế! Không đủ xức một cái răng. Ước gì một ngày nào một mình cầm nguyên cái đùi heo luộc, tay kia có con dao thật mỏng thật bén xén từng lát thịt thật dày chấm với nước mắm ớt cho vào mồm của chính mình.”
“Không nhất trí! Phải chấm với muối tiêu mới ngon hơn."
"Cũng không đồng ý, ồ, phải nói không nhất trí mới đúng. Phải hầm đùi heo với đậu xanh, cho tiêu hột nhiều vào, và hành nữa …"
"Các cậu viển vông quá. Hãy trở về với chuyện miếng thịt heo vĩ đại vừa rồi cái đã. Thằng nào ăn vụng phần của thằng Tùng xin hãy thành thật khai báo. Cách mạng sẽ khoan hồng.”
“Chuột.”
“Vô lý. Đã đậy kỹ, chuột nào mà mở nắp ra nổi.”
Tôi thấy cần phải xen vào:
“Thôi, thôi, xin các cậu. Chuyện qua đã lâu rồi mà cứ đem ra nói giỡn hoài. Không nhàm tai hả?”
Anh chàng ngồi trước mặt tôi trợn mắt gân cổ cãi:
“Thật chứ giỡn cái gì. Phải làm cho ra lẽ mới được. Một mất mười ngờ, tên nào cũng mang mặc cảm ăn vụng. Thối không chịu được!”
Cái thằng này có vẻ tức tối thật sự mới lạ chứ. Nó sắp khùng rồi hay nó muốn đùa dai. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng có dựng đứng lên những chuyện đùa dai cãi vã cho cuộc sống lên hương, làm bộ như sắp sửa choảng nhau, rồi cười trừ. Lần này sao kỳ quá. Tôi nói giả lả cho xong chuyện:
“Chả có chuột nào ăn cả. Tôi ăn đó. Ăn lúc các cậu ngủ say như chết. Được không nào?”
Mà thật sự tôi có ăn hay không? Thỉnh thoảng tôi nằm mơ ăn những món thật ngon, món ăn gì lạ lắm, mơ hồ lắm, khi thức dậy không nhớ ra nổi, nhưng ngay trong giấc mơ lúc món ăn sắp kề miệng thì nó cũng đã biến đi đâu mất, rồi lại mơ thấy chuyện lạ kỳ khác. Hoặc sắp được ăn bỗng tỉnh giấc mất ăn, tiếc hùi hụi. Tối mồng một Tết, khi mọi người ngủ say, tôi rón rén ngồi dậy, rón rén là cốt để khỏi đánh thức tụi kia, để tụi nó ngon giấc sáng mai có sức khỏe đi lao động lại, tôi nói với tôi như thế, và ngồi co ro một chỗ rất lâu, thương nhớ con heo đến rưng rưng nước mắt, tôi nhớ những khi tôi ôm ấp nó vào lòng, nó hôn lại tôi, mùi heo khai khai quen thuộc nồng nàn, nó lại còn là ân nhân cho cả phòng chúng tôi, đêm mưa gió đó mà nó không tìm đúng đường về để nước cuốn trôi đi mất, để chúng tôi phải gánh trách nhiệm làm cái chuồng bê bối không giữ được heo, thì kiếm đâu cho ra con heo khác để bồi thường, ôi nguy quá, chợt nghĩ đến đã tản thần hồn, thế mà nó lại về để mong được chúng tôi che chở, và quả là đã được ăn ở quấn quýt với tôi thêm một tuần trước khi chia tay, trước khi vĩnh biệt, ôi còn lại gì, nhìn chén cháo, miếng thịt treo lủng lẳng mà đau cả dạ, đói cồn cào, thèm, ngủ thiếp đi mấy lần, nằm mơ, rồi tỉnh giấc rồi ngủ thiếp…
Lại cái thằng ông mãnh đó lần này bỗng trở chứng sừng sộ lớn tiếng:
“Không, không thể nói cái kiểu lập lờ đánh lận con đen như vậy được. Ăn thì nói ăn, không ăn thì nói không ăn. Trắng đen cho rõ ràng. Đừng giở trò khỉ…”
Tôi nổi giận. Cơn giận trào lên như nước dâng đầy trong đêm mưa không làm sao nén xuống nổi. Vẻ mặt tôi có lẽ dữ tợn lắm khiến nó sửng sốt im bặt. Anh chàng thi sĩ ngồi quay lưng về phía chúng tôi đủng đỉnh góp chuyện:
“Đức Khổng đã nói: Biết thì nói rằng biết, không biết thì nói rằng không biết, ấy là biết vậy.
Tri vi tri chi, bất tri vi bất tri, vị tri dã. Nhưng tớ thì các cậu đã biết chỉ thích nhai lại thôi, không sáng tác ra nổi cái gì nữa, nhai lại như thế này này nhé: ‘Ăn thì nói rằng ăn, không ăn thì nói rằng không ăn, ấy là ăn vậy.”
Tôi vùng đứng dậy phóng tới co chân đạp thật mạnh vào lưng hắn ta. Con dao hắn đang cầm trong tay để chẻ lạt bất đồ xỉa vào ngực hắn. Máu ứa ra ướt chiếc áo bao cát hắn đang mặc. Tôi hoảng hốt chồm tới giật con dao ném xuống thềm đất và vội lấy cả hai bàn tay bịt chặt vết dao đâm. Máu trong người nó cứ tiếp tục ứa ra thấm qua những ngón tay của tôi. Nóng nóng, nhầy nhầy.
Hắn nhìn tôi bằng một cái nhìn quái đản mà tôi biết sẽ in sâu vào tâm khảm tôi suốt đời, rồi nhếch miệng cười khặc khặc:
“Tớ cứ tưởng nhai lại như trâu bò là yên thân. Không ngờ chạm phải nọc của cậu. Thèm thì cứ ăn, giấu diếm quanh co làm gì cho nó bệ rạc con người.”
Tôi giật mình đánh thót. Thế ra tao có ăn? Thế ra tụi mày rình rập theo dõi tao suốt đêm, lại còn muốn dò xét cả giấc mơ của tao … Tôi chưa kịp nghĩ tiếp bỗng một tràng đạn nổ chát chúa. Tôi vồ ngay lấy con dao còn dính máu nằm trên thềm đất đứng khom khom người thủ thế. Hình như không ai chết hay bị thương. Trừ tôi ra. Cú báng súng mạnh như trời giáng bổ vào đầu tôi từ đằng sau lưng.
*
Có lẽ tôi đã nằm mê man lâu ngày. Tỉnh dậy, chiếc mền mỏng, rách, hôi hám, đắp lên người. Lạnh hai ống chân, hai bàn chân. Hai bàn tay cũng lạnh. Buổi chiều vắng teo, tịch mịch ngoài kia. Lạ chưa! Không có tiếng chân ai lui tới, không có tiếng trò chuyện lúc rì rầm, lúc huyên náo. Đến giờ ăn tối rồi chắc, tù vẫn được cho ăn sớm, mà cũng không có tiếng bát đũa khua lạch cạch — những đôi đũa tre tự chuốt lấy dài ngoằng thô tháp, những cái bát bằng tôn méo mó dị hợm. Và những bàn tay nứt nẻ xương xẩu lọng cọng cầm những thứ đũa bát đó đưa mớ cơm độn củ khoai mì, củ khoai mài khô cứng vào mồm.
Qua khung cửa nhỏ, bầu trời xám một màu. Hình như chỉ có tiếng mưa rơi đều đều, êm êm trên mái rạ. Không rổn rảng như mưa trên mái tôn của những cái lán tiều tụy, trống trải. Mưa như mưa trong nỗi nhớ xa xôi mòn mỏi. Gió ẩm ướt từng cơn tạt lật bật phên tre. Lạnh! Tôi đang nằm ở đâu đây? Buổi chiều ảm đạm như thế này thì hình như mùa mưa mới bắt đầu. Núi Bà Đen sẽ mù mịt mất tăm. Rồi một đêm nào nước sẽ dâng đầy cuốn trôi trâu bò nhà cửa. Và con heo và cái Tết của tôi.
Ngự Thuyết