có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 8 10, 2015

Muối Bạc Liêu nặng tình biển cả




Tặng Anh Vân và Nguyễn Đức Bạt Ngàn



Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu
(Ca dao)

Lần đầu tiên tôi đến Bạc Liêu khoảng năm 1970 - 71, đi bằng xe gắn máy. Vào thời điểm đó Quốc lộ 4 từ Cần Thơ tới Bạc Liêu có đoạn tốt, đường tráng nhựa bóng loáng, rộng rãi như từ Cần Thơ tới Cái Răng rồi Cái Tắc (còn gọi là ngã ba đi Rạch Gòi, Chương Thiện) và đoạn vừa qua khỏi Sóc Trăng, nhưng cũng có đoạn hẹp và xấu hơn, tuy nhiên nói chung lưu thông an toàn, tốt đẹp.

Khởi hành từ Cần Thơ, tôi và anh Nghiệp, một người bạn hiện còn ở Việt Nam, dùng xe Honda, anh Nghiệp xe đàn ông, tôi xe C 50. Chúng tôi xuống Đại Ngãi, một thị trấn nhỏ ven bờ sông Hậu, rước hai người em gái bà con chú bác với Nghiệp, Thủy và Vân, sau đó trở lại Sóc Trăng rước hai chị nữa, chị Nữ bạn cũ, lúc ấy dạy ở trung học Hoàng Diệu Sóc Trăng và chị Muối, em chị Nữ, dạy học ở Chương Thiện. Thêm một xe gắn máy khác cho chị Nữ và Thủy, Nghiệp chở Vân, tôi chở chị Muối.

Lần đó chúng tôi ghé chợ Vĩnh Lợi ăn cơm ở Quán Lá với cá rô mề kho tộ và canh chua cá dứa, rồi theo các giồng đất chạy song song bờ biển thăm các vườn nhãn (đi săn nhãn) dài cả mấy cây số, như một cánh rừng. Nhãn Bạc Liêu giống nhãn Châu Đốc và Tân Châu, tương đối nhỏ trái, lớn hột, cơm mỏng, thơm ngon. Khác Long Nhãn miệt Trung Lương lớn trái, cơm dày, hột nhỏ được trồng trước sân nhà hay vườn, thường rộng không quá hai ba công đất.

Vào vườn nhãn ở Bạc Liêu là được chủ vườn cho ăn tự do tại chỗ, chỉ khi đem về mới phải trả tiền, tuy nhiên giá rất thấp so với ngoài chợ. Có ông chủ vườn bảo, nếu mỗi gốc nhãn trong vườn ông chúng tôi ăn một trái và đi giáp một vòng vườn thì muốn mang bao nhiêu về cứ mang, không phải trả một xu nhỏ. Hỏi ra vườn ông có tới hai ngàn năm trăm gốc nhãn. Chúng tôi chỉ ăn mỗi người khoảng ba chục trái mà sáng hôm sau mở mắt không ra.

Chúng tôi cũng viếng nhiều ngôi chùa Miên kiến trúc cổ kính, mỹ thuật, bao bọc bởi những hàng cây sao, cây dầu thật thẳng, thật cao. Cảnh chùa yên tĩnh, tịch mịch, tàn cây cao là nơi lũ chim diệc, sếu, cò... từng bầy tụ họp, làm ổ, vì không ai quấy rầy chúng.

Tôi nhớ chuyến đi Bạc Liêu đầu tiên ấy rõ lắm vì mấy chuyện. Thứ nhất, ngay đêm đó trở lại Cần Thơ, trước khi về nhà tôi ghé qua phòng thí nghiệm trường đại học để ghi chú kết quả mấy cái thí nghiệm tôi cho tiến hành ngày hôm trước. Xong việc, bước ra cửa thì chiếc xe Honda C 50 của tôi dựng ở đó đã bị kẻ trộm lấy mất, tôi phải đón xe lôi về nhà.

Thứ hai, lúc ăn cơm trưa ở Quán Lá tôi tình cờ gặp lại một người bạn cũ, lúc ấy công tác ở Ty Học Chánh Bạc Liêu. Vui mừng gặp tôi, anh giành trả tiền bữa cơm trưa hôm ấy và mời tôi sau đó xuống chơi.

Tôi sắm chiếc Honda C 50 khác, rồi thỉnh thoảng người bạn gọi điện thoại lên Cần Thơ rủ rê, tôi chạy xuống Bạc Liêu chơi mấy hôm. Những lần đi Bạc Liêu như vậy, chuyến về cái giỏ nhôm trước xe luôn có chứa hai thứ đặc sản: tôm lụi và cua gạch. Cả hai thứ nầy tôi mua ở chợ Vĩnh Lợi ngay dưới mang cá cầu sắt trên đường đi xuống miệt biển.

Tôm lụi đây là tôm thẻ xỏ thành xâu liền nhau bằng cọng lá dừa, mỗi xâu chừng tám tới mười con, tôm lớn nhưng khô nên rất nhẹ. Cua gạch là cua biển thường từ miệt biển chở tới, gạch đỏ tươi, đội vun mu.

Tôm lụi và cua gạch là hai sản phẩm của biển bùn Bạc Liêu. Tôm lụi lúc nào cũng có bán. Cua gạch phải nhằm lúc tối trời, những khi sáng trăng hay trăng tròn không có cua gạch tôi mua đỡ cua thịt, hơi ốm nhưng vẫn ngon.Hồi đó chúng tôi một nhóm độc thân, ưa nhậu nhẹt, nhưng chưa có người lo việc nấu nướng, nên rất thích hai món nầy. Chỉ cần năm bảy xâu tôm lụi, ba bốn con cua gạch tôi mang từ Bạc Liêu về là năm sáu đứa chúng tôi có thể “ngã” dễ dàng mấy kết bia 33 đít tròn hoặc vài chai Martell cổ lùn. Tôm lụi nướng ngay trên ngọn lửa từ dĩa rượu đế có bỏ chút muối hột hay cồn chín chục chữ như thường nướng khô mực. Cua gạch chỉ việc luộc chín rồi làm muối tiêu chanh là xong.

Về sau nầy nhóm chúng tôi, ngoài Khải, bác sĩ sản khoa, Tấn và Sơn, dạy ở trung học Phan Thanh Giản... còn có thêm mấy anh lớn tuổi gia nhập như anh Ba Trực, dạy ở trung học Phan Thanh Giản, Hai Nghĩa và Ba Chương, nguyên giáo viên tiểu học, sau làm việc ở Ty Học Chánh Phong Dinh... Mấy anh nầy làm đồ nhậu giỏi lắm. Đặc biệt anh Ba Chương, nhà ở hẻm Hai Địa, là một đầu bếp đa tài, món gì vô tay anh cũng trở thành đồ nhắm đặc sắc. Anh Ba Chương làm cua rang muối rất ngon, cua hấp chao cũng thiệt hấp dẫn. Đặc biệt hơn là anh Ba Chương chỉ làm đồ nhắm để cùng nhậu, cùng vui với bạn bè, anh không làm mướn cho bất cứ ai. Trong bữa tiệc, hễ thấy anh Ba Chương lấy cái xô (seau) đựng nước đá đội lên đầu, là biết lúc đó anh đã “tới chỉ”.

Tôi đi Bạc Liêu nhiều lần lắm, xuống Hộ Phòng, Gành Hào, Giá Rai... câu cua, ăn lẫu mắm. Ra Vĩnh Châu ăn cháo lòng với bánh củ cải thiệt lớn, thiệt xốp do người Triều Châu ở địa phương làm, thăm xóm chài lưới ven biển... Trong số những kỷ niệm với Bạc Liêu, những hình ảnh về Bạc Liêu tôi nhớ nhất là các ruộng muối ven biển và chuyện đi bắt cá bống kèo.

Tôi đến thăm ruộng muối (diêm điền) vào một ngày cuối tháng hai âm lịch, nông dân đã bắt đầu việc khai thác muối từ tháng giêng. Tại sao từ tháng giêng? Ông Hai Cư chủ ruộng muối trả lời thật dễ hiểu: “Trong nước biển lúc nào cũng có muối, lấy muối từ nước biển lúc nào cũng được, nhưng muốn lấy muối từ ruộng phải chờ đến tháng giêng trời thôi mưa, lại có nắng, nước biển mới bốc hơi, ruộng khô, muối mới kết tinh, trước tháng giêng trời còn mưa, ruộng bị chèm nhẹp hoài...”.

Nguyên tắc khai thác ruộng muối rất đơn giản, chia ruộng thành nhiều ô có đê thấp hoàn toàn cách biệt nhau. Đất ruộng được nện thật dẽ dặt, có khi tráng xi măng để muối không thấm vào đất, xong bơm nước biển vô ruộng bằng xa quạt gió, máy bơm hay gàu. Nếu trời nóng, nắng nhiều, ruộng sẽ mau khô, muối mau kết tinh. Ruộng khô, nông dân gom muối lại, gánh về sân nhà hay nơi cao ráo đổ thành đống như đống lúa. Khai thác xong đợt nhứt lại bơm nước biển vô ruộng, khai thác đợt thứ hai...

Ruộng muối lúc đầu rất trống trải, chỉ thấy những con đê thấp và nước. Trong lớp nước ngày càng đậm đặc do nồng độ muối gia tăng, tôi quan sát được vô số tinh thể muối hình lập phương hiện ra dưới đáy, những con cá, con tép nhỏ chết dần, những sợi rong xanh... Khi ruộng đã khô, nông dân dùng bàn cào rộng bản, mặt bằng và cán dài, cào muối lại thành đống nhỏ, công việc nầy do đàn ông làm vì khá nặng nhọc. Phụ nữ cho muối vào hai thúng giê, dùng đòn gánh mang về nhà đổ vào những đống muối lớn hơn. Nếu không bán được liền, phải đậy muối bằng lá dừa nước hay cỏ tranh bện lại.

Một đống muối lẻ loi trông giống một đồi cát trắng hình kim tự tháp ở Ai Cập. Nhiều đống muối gần nhau, nhìn từ xa giống một dãy đồi cát. Nếu lúc ấy có thêm vài phụ nữ gánh muối bằng đòn gánh mang hai thúng giê đằng đầu đang làm việc, thì đó chính là bức ảnh của dãy đồi cát duyên hải Trung phần mà các nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh đã đoạt giải nhiếp ảnh quốc tế năm nào.

Đêm khuya trăng sáng, thanh niên nam nữ họp đoàn cào muối, gánh muối dưới trăng. Họ chuyện trò, hát ca vui vẻ, gợi cho tôi hình ảnh những ngày mùa ở miệt Hậu Giang, những đêm trăng sáng đập lúa, giê lúa, giã gạo, quết nếp mới làm cốm giẹp... của những ngày thanh bình xưa cũ.

Lúa gạo và muối là hai nguồn tài nguyên chủ lực của Bạc Liêu. Oâng Hội Đồng Trần Trinh Trạch, gốc Triều Châu, ngày trước giàu có tiếng ở miền Nam là nhờ lúa và muối. Muối Ba Thắc nổi tiếng nhất miền Nam thuở ấy. Sau hai cuộc thế chiến diện tích ruộng muối thu hẹp lại rất nhiều. Nói đến người Bạc Liêu thì ngoài Hội đồng Trạch phải kể ba người con của ông là Hai Đinh, Ba Qui và Tám Bò nổi tiếng là Công tử Bạc Liêu, xài tiền như giấy lộn. Nổi tiếng nhất là Ba Qui (Hắc Công Tử) với giai thoại đốt tấm giấy ngẫu (giấy năm đồng) làm đuốc rọi để Cậu Tư Mỹ Tho Phước George (Bạch Công Tử) tìm đồng bạc kim khí đánh rơi dưới gầm bàn trong khách sạn.

Ngoài mấy giai thoại khá nổi tiếng trên, một đọan thơ khác về Bạc Liêu cũng được quảng bá trong dân gian:

Đất Bạc Liêu muối tên Ba Thắc
Nhãn cơm dày dễ lột thơm ngon
Dưa hấu cát nhiều mỏng vỏ
Mía Trà Nho ngọt gắt có đâu bằng

Như vậy ở Bạc Liêu ngoài lúa, nhãn và muối còn có nhiều loại tài nguyên khác, phong phú, dồi dào, có ở lâu, đi nhiều mớt biết hết.

Ông Hai Cư, chủ ruộng muối cho biết muối lấy thẳng từ ruộng là muối hột còn dơ nên chỉ dùng muối cá, làm khô hoặc làm nước mắm. Loại muối hột trắng hơn bán ngoài thị trường đã được nấu lại bằng cách hòa tan trong nước, để cặn cáu lắng xuống đáy, lấy phần lỏng bên trên nấu cho nước bốc hơi.

Mới đây tôi có đọc một tài liệu khoa học về muối. Theo tài liệu nầy thì muối là chất quan trọng trong cơ thể con người, chiếm đến 0.9% trọng lượng các tế bào; máu, mồ hôi và nước mắt chúng ta đều có vị mặn của muối. Số lượng muối dùng để nêm nếm các bữa ăn chỉ chiếm 5%, 95% còn lại dùng cho khoảng mười bốn ngàn công dụng khác. Một trong những công dụng quan yếu nhất là nguyên liệu để chế tạo sút (Na OH) và acid Chlorhydric (H Cl), hai hoá chất kỹ nghệ căn bản - công thức hóa học của muối là Na Cl - như sút được dùng tẩy rửa, làm trắng trong việc sản xuất giấy, hàng vải, xà phòng và chế tạo các hoá chất dùng trong máy lạnh, máy giặt, máy lọc dầu thô...

Tài liệu nầy cũng cho biết trong mỗi gallon (3.785 lít) nước biển trung bình có 113 gram muối và tổng số muối chứa trong các biển và đại dương trên mặt địa cầu là 4 triệu 419 ngàn cubic miles (dặm khối).

Kết quả những nghiên cứu mấy năm gần đây cho thấy sự ăn nhiều muối có liên quan đến bệnh áp huyết cao, sự liên quan nầy rõ nét ở lứa tuổi từ 40 trở lên, có thể giải thích là khi lớn tuổi hoạt động của thận yếu đi, sự bài tiết chất muối giảm sút.

Khi về lại Đại học Cần Thơ lúc ấy, tôi có hỏi một số đồng nghiệp chuyên môn về muối. Sự thật muối Bạc Liêu không tốt mà cũng không nhiều. Bờ biển Việt Nam từ Mong Cái đến Hà Tiên, rất nhiều nơi có ruộng muối, miền Trung sản xuất nhiều nhất, thứ nhì là miền Nam. Ở miền Nam diêm trường Phước Tuy rộng nhất, sau đó là Bạc Liêu, Gò Công, Trà Vinh, Cần Giờ. Ruộng muối có sản lượng lớn nhất và phẩm chất tốt (tinh khiết) là Cà Ná (Xã Hải Thương, tỉnh Ninh Thuận). Trong loạt bài nầy, viết về những nơi đã đi qua, những điều ghi nhận được, tôi hy vọng sẽ có thời gian viết về diêm trường Cà Ná và nước suối Vĩnh Hảo, hai đặc điểm của tỉnh Ninh Thuận.

Bây giờ xin nói sang chuyện cá bống kèo Bạc Liêu. Tôi thăm ruộng muối Bạc Liêu chỉ một lần, nhưng đi bắt cá bống kèo hai lần.

Lần đầu vào mùa nắng, khoảng tháng giêng, tháng hai âm lịch. Chuyện bắt cá bống kèo mùa nắng ở Bạc Liêu giống như chuyện đi thụt lịch, bắt cá chạch ở các sông rạch miệt Tiền Giang và Hậu Giang.

Lịch giống như lươn nhưng nhỏ và ngắn hơn nên có câu “Ví dầu lịch vắn lươn dài. Quạ đen cò trắng, thằng chài xanh lông”. Cả lịch lẫn lươn đều nhớt như nhau nên còn có câu “Ốc tưởng rằng ốc vắn. Dè đâu ruột ốc trường. Lươn chê lịch. Lịch chê lươn. Nhớt.” để chỉ hai người cùng có tính xấu như nhau (ví dụ như cùng làm biếng) lại đi chê bai lẫn nhau.

Cá chạch là loại cá nhỏ, mình giẹp và mỏng, dài chừng hai tấc, chiều ngang khoảng hai, ba phân, vảy thật mịn, thường có màu vàng lục, mỏ nhọn và dài (ngoài ra còn có loại cá chạch lấu lớn hơn mình có bông, màu nâu sậm).

Vào mùa khô, khi nước ròng sát, mặt bùn lộ ra, xách theo một sợi dây kẽm đi tìm “mà” lịch và cá chạch trên mặt bùn để bắt chúng.

“Mà” cá chạch là cái mỏ nhọn và dài của nó ló trong không khí để thở, mình chôn dưới bùn, lấy hai bàn tay móc cục đất lên là bắt được chú cá chạch.

“Mà” lịch là cái miệng hang nơi con lịch ẩn mình, thọc một tay vô hang, thụt tới thụt lui cho nước trào ra hang ngách, dùng tay còn lại thọc vô miệng hang ngách, hai bàn tay giáp công, tóm chú lịch ở giữa.

Dùng sợi dây kẽm xỏ xâu lịch và cá chạch, mang theo người.

Lịch nướng, trộn gỏi chuối cây xắt nhuyễn và rau răm để nhậu lai rai với rượu nếp thì hết trật, hoặc kho mắm với cà dái dê, tép thợ rèn, thịt ba chỉ... để ăn cơm thì ngon hết ý.

Cá chạch kẹp giữa hai nhánh tre chẻ dọc, nướng trên than hồng cho đến khi mỡ chảy ra xèo xèo, rồi làm một chén nước mắm gừng. Cá chạch nướng ăn với nước mắm gừng và cơm nấu bằng gạo nàng hương thì hết phản.

Cá bống kèo không có ở các vùng sông Tiền hay sông Hậu nước ngọt quanh năm, chúng thích hợp với môi trường sình lầy và nước lợ. Bạc Liêu, Cà Mau là nơi chúng dung thân.

Muốn bắt cá kèo cũng phải đi tìm “mà”. “Mà” là chỗ miệng hang có đất đùn lên, dễ hơn bắt lịch vì hang cá bống kèo ngắn, không có hang ngách. Cá kèo lại không tìm cách trốn chạy, mỗi hang thường chỉ có một con. Người đi bắt cá bống kèo giữ cá trong giỏ tre hay trong loại tĩn dùng đựng nước mắm.

Lần thứ hai tôi đi bắt cá kèo ở Bạc Liêu vào đầu mùa mưa.

Ở miền Nam có danh từ đi coi hát cải lương hạng vé cá kèo. Hạng nhất ngồi ghế sát sân khấu, hạng nhì và hạng ba cũng ngồi ghế nhưng xa sân khấu hơn, còn hạng cá kèo thì xa sân khấu nhất.

Khán giả hạng cá kèo đứng chen chút nhau, kẻ xô người đẩy. Đó cũng là hình ảnh của đàn cá kèo đầu mùa mưa, cả đàn cả lũ, hàng ngàn con, hàng vạn con, đặc sệt cả một khúc sông hay kinh rạch, không biết bao nhiêu mà kể, chúng trôi theo dòng nước, không đủ chỗ để bơi nghiêng phải bơi đứng, nên chỉ thấy những đầu là đầu, dày đặc. Dân Bạc Liêu gọi đó là ngày hội của cá kèo.

Tôi đã chứng kiến ngày trăn hội ở rừng U Minh Thượng, ếch hội và cóc hội ở đồng bằng sông Cửu Long. Trăn, ếch, cóc... hội họp là để bắt cặp, để làm tình, khác cá bống kèo Bạc Liêu hội do hang bị ngập, không có chỗ trú ẩn, phải trồi lên mặt nước.

Tôi nghĩ danh từ coi hát cải lương hạng cá kèo không đủ để diễn tả một cách trung thực hình ảnh đàn cá bống kèo tập trung trên mặt sông vào đầu mùa mưa, đông đúc, hỗn loạn. Phải so sánh chuyện đó với hình ảnh đồng bào ta trên đường di tản về hướng Nam hồi tháng tư năm 1975 thì mới chính xác.

Bắt cá bống kèo lúc nầy thật dễ dàng, người nông gia quen tôi hôm ấy lấy đăng chận ngang con rạch rồi nhảy xuống nước dùng vợt xúc cá bống kèo đổ vô khoang ghe tam bản.

Chiều hôm đó tôi được ăn một bữa cơm để đời, nói là ăn cơm mà không ăn cơm, chỉ ăn cá bống kèo. Cá nhiều quá, ăn cá không, ăn hoài không hết, quá sức no, bụng đâu còn chỗ để chứa cơm.

Chủ nhà làm cá bống kèo bốn món, ba món ăn chơi, một món ăn thiệt. Món ăn chơi là canh chua, nấu mẳn và chiên, món ăn thiệt là kho tộ để ăn với cơm.

Bà chủ nhà nói với tôi cá bống kèo tuy nhiều nhớt nhưng không tanh, vì cá chỉ ăn bọt nước, ăn chay trường, không ăn mặn hay ăn các loại cá khác giống như cá lóc cá trê. Có lẽ bà muốn nói cá kèo ăn các phiêu sinh vật rất nhỏ trong bọt nước, chớ thiệt tình ăn bọt nước thì làm sao sống và lớn được.

Bà chỉ tôi cách làm món ăn với cá bống kèo. Cá nầy ngon là nhờ cái nhớt của nó, cạo nhớt quá sạch như làm lươn thì mất hết mùi vị, cá sẽ cứng đơ, ăn cá như cây, gỗ mục.

Bắt cá bỏ vô thau, bỏ thêm một nắm muối, đậy miệng thau lại. Gặp muối mặn, cá cay mắt dẫy dụa lung tung, nhớt bị tuôn ra bớt. Đợi cá hết còn dẫy dụa thì đổ ra rổ rửa sơ với nước ngọt. Để nguyên con cá như vậy mà nấu không phải chặt kỳ vi hay mổ bụng lấy ruột gan. Thịt cá mềm, xương không lớn nên nấu rất mau chín.

Trong ba món ăn chơi tôi ưa nhất món nấu mẳn, còn gọi là kho mẳn. Đại để là luộc với nhiều nước rồi nêm nếm với hành lá xắt thật dày, tiêu, nước màu, nước mắm... Không phải thêm đường vì cá tươi tự nó đã rất ngọt.Ông chủ nhà chỉ tôi, ăn cá bống kèo phải ăn một lần nguyên một con. Con cá lớn bằng ngón tay cái, dài khoảng một tấc có hơn. Ngón trỏ và ngón cái của bàn tay trái giữ đầu cá, tay phải cầm đũa kẹp thân cá, suốt theo chiều dài, thịt cá rớt ra chỉ còn trơ lại xương sống.

Cá tươi mới bắt từ dưới sông lên, vừa ngon vừa ngọt, đưa cay một chung rượu nếp, húp vài muỗng nước cá nấu mẳn, thiệt đã điếu ông địa.

Con gái ông chủ nhà, tuổi độ trăng tròn, gò má hây hây hồng vì lửa bếp, dung nhan “mặn mà” của người con gái miền biển, làm cho tôi một tô bún nghi ngút khói, nước xâm xấp, năm sáu con cá kèo đã tuốt xương, trải trên mặt, điểm thêm tí hành lá, chút tiêu sọ trắng tinh...

Tô bún nầy ngon quá xá quà xa, tôi ăn một hơi ráo trọi. Tôi nghiệm ra hồi thuở tôi còn thanh niên, còn độc thân, món gì mấy “bà già trầu” nấu, dù khéo mấy tôi ăn cũng không thấy ngon, món nào mấy cô thiếu nữ chưa chồng nấu, dù có dở cũng thành ngon. Cô ấy càng đẹp, càng duyên dáng, thì món ăn càng thêm hấp dẫn. Nếu cô vừa đẹp lại vừa là gái Bạc Liêu thì món ăn ngon phải biết, có đúng vậy không? hở ông bạn thơ ở Edmonton?

Tôi nhớ thêm một chi tiết khác do ông chủ nhà chỉ, ăn cá bống kèo nên ăn luôn cái mật nhỏ và dài, hơi đăng đắng nhưng có vị thuốc khu phong, giúp trị phong thấp, ngứa ngáy.

Chuyện ăn cá bống kèo đâu đã hết. Về lại Cần Thơ, khoảng hai tháng sau tôi nhận được một gói quà từ Bạc Liêu. Mở gói ra, khô cá bống kèo, kèm theo dòng chữ mộc mạc của cô Tám Bạc Liêu: “Gởi thầy giáo ký khô nhậu chơi cho đỡ... buồn, cá bống kèo thầy bắt hồi tháng trước đó!”.

Tôi hiểu ý cô lắm, cô Tám Bạc Liêu ơi! Ký khô cá kèo đơn sơ như vẻ đẹp mộc mạc, không son phấn của cô, như tình yêu chơn chất của người con gái miền duyên hải nắng bụi mưa bùn. Tôi cũng hiểu người buồn là cô, đang ở một nơi xa xôi vắng vẻ, chắc cô muốn nhắc khéo tôi, người đang ở nơi thành đô xe ngựa, xin đừng vội quên nhau...

Anh về phố thị hôm nao
Gió lay bông sậy lệ trào mắt ai

Một ngày cuối tháng, hết tiền đi nhậu quán, ăn hiệu, tôi và ba người bạn lôi ký khô cá bống kèo của cô Tám Bạc Liêu từ trong hộc tủ ra, nhậu với xoài sống, rượu công xi, chữa lửa bằng nước đá lạnh. Khô cá kèo nhậu không bắt bằng khô cá thiều Phú Quốc, khô cá sặc Long Xuyên, nhưng trong lúc thắt ngặt thì thiệt cũng... đỡ khổ. Trong bữa nhậu một anh bạn trêu ghẹo tôi.

- Mầy tính chừng nào đi bắt cá kèo nữa đây?

- Mùa cá kèo hội đã qua rồi!

- Qua thì qua, đi thì cứ đi, không bắt cá thì thăm cô Tám Bạc Liêu, mất mát gì?

Rồi người bạn tôi vừa chầm chậm vô ly rượu nếp, vừa i ỉ ngâm nga:

Giả đò mua chả, bán nem
Giả đi bắt cá, thăm em cho... đỡ buồn.

Lúc tôi viết gần xong bài nầy thì có một văn hữu gốc Bạc Liêu điện thoại nói chuyện chơi. Qua đường dây viễn liên nghe tôi đang viết về quê hương anh, anh rất mừng và nhắc tôi, chỗ cái chợ ngay dưới mang cá cầu sắt, nơi tôi thường mua tôm lụi và cua biển có động bà Tư Dần, rồi anh đọc luôn mấy câu:

Muốn chơi cho gần thì lại bà Tư Dần
Muốn chơi cho quạu thì tới cô Năm Mạo
Muốn chơi cho sang thì đến chú Tư Vàng...

Vậy cái biết về Bạc Liêu của tôi quả còn nhiều thiếu sót, chỉ có ăn mà thiếu chơi, mà “ăn chơi” là hai chuyện thường đi đôi. Có lẽ lúc đó tôi mê cô Tám Bạc Liêu quá nên không để tâm đến chuyện khác.

Đó là nói qua những chuyện ăn và đi chơi. Về công tác thì chỉ có một lần duy nhất tôi đi chung với các đồng nghiệp, theo yêu cầu của Sở Học Chánh Bạc Liêu, thuyết trình về cơ cấu của Viện Đại Học Cần Thơ tại rạp hát lớn nhất ở thị trấn Vĩnh Lợi. Mục đích giúp học sinh trung học trong tỉnh có một vài ý niệm về ngành học sẽ theo ở bậc đại học.

Đại học Cần Thơ vào thời điểm đó có bốn phân khoa: Khoa Học, Văn Khoa, Luật Khoa và Khoa học Xã Hội, và Sư Phạm cùng với trường Cao Đẳng Nông Nghiệp học trình bốn năm. Nhiều học sinh Bạc Liêu đã chọn học Nông Nghiệp để trở về xây dựng kinh tế địa phương.

Bạn có thể hỏi tôi nghĩ gì về người dân Bạc Liêu? Tình thiệt tôi không ở đó nên nhận xét có thể thiếu chính chắn.

Ở Bạc Liêu người Việt đông nhất, kế đến là người Triều Châu, người Phước Kiến, người Khờ Me. Tuy nhiên mỗi khi có ai nhắc tới Bạc Liêu là tôi liên tưởng ngay đến hình ảnh những người Triều Châu với quang gánh và hai cần xé đan bằng tre, đi mua ve chai, lông vịt, đồ nhôm, đồ mủ... Họ ăn mặc sơ sài, có vẻ nghèo nàn, thật ra họ rất giàu trong cái vỏ nghèo nàn ấy, túi họ rủng rỉnh tiền. Bạn còn nhớ chuyện ông già nhà quê từ Bạc Liêu ôm một mo cau tiền lên Sàigòn mua đồ? Bạn nhớ chuyện ông Hội đồng Trạch mua một lần ba chiếc xe Delage bánh căm mui vải hồi năm 1926 và được người chủ hãng xe “Bonjour Papa”? Người Bạc Liêu ngoài chuyện giàu có còn rất có lòng, hằng sản và hằng tâm.

Cuối cùng xin nói về cái tựa. Muối Bạc Liêu Nặng Tình Biển Cả là câu đầu lấy từ một đoạn bốn câu thơ của Kiên Giang trong bài “Đẹp Hậu Giang”. Sau bài nầy, hy vọng tôi có đủ hứng để viết ba bài nữa theo như ba câu thơ còn lại:

Tiêu Hà Tiên Nồng Ý Quê Hương
Thơm Tho Khói Thuốc Mùi Cao Lãnh
Cá Cháy Bùi Ngon Vị Sóc Trăng.


Nguyễn Văn Ba