Vừa xuống khỏi con dốc ngắn một chút thì gặp con suối nhỏ chạy ngang. Chiếc cầu khỉ ngày nào nay đã thay bằng chiếc cầu gỗ, vừa đủ cho chiếc xe lam chạy. Bên cạnh chiếc cầu khỉ năm nào, cây thị vẫn còn đó, cằn cỗi. Những nhánh thị già nua vươn dài ra giữa dòng con suối, mà vào mùa mưa, nước lũ tràn xuống xoáy mạnh hai bên bờ bên, lở lói. Tôi không bao giờ quên cây thị nơi bờ suối này, vào những mùa thị có trái. Mẹ tôi vẫn thường kể câu chuyện cổ "Bà già với trái thị "cho chúng tôi nghe, khi còn nhỏ. Cho nên, mỗi lần cây thị có trái, tôi thường hái một trái đem về dú vào trong cái khạp đựng gạo của gia đình, chờ mọi người trong nhà ra đồng, tôi rình xem có chuyện gì xảy ra trong gia đình của tôi không. Tôi chẳng thấy gì, ngoài mỗi ngày trái thị được dú kỷ trong khạp gạo, mùi thơm bay ra ngào ngạt. Lúc đó tôi vào khoảng bảy, tám tuổi. Cái tuổi ở thôn quê chỉ biết lỗ chân trâu nhiều hơn trên cánh đồng. Và mỗi đêm, nếu không có đạn pháo của Tây bắn lên, thì thế nào cũng được mẹ kể cho nghe một câu chuyện cổ, trên manh chiếu rách được trải gần ụ rơm bên góc nhà. Đến năm lên mười, mười một tuổi chi đó, cha mẹ tôi lén cho tôi theo anh Minh về phố sống nhờ vào gia đình của người cô bà con, để được ăn học nơi chốn thị thành. Với tôi, một đứa bé từ quê ra tỉnh, chưa bao giờ nhìn thấy ánh đèn điện lần nào thì phải lẹt đẹt xin vào học lại lớp nhì của bậc tiểu học, còn chưa theo kịp nổi với lũ bạn dưới phố, dù nhỏ tuổi hơn tôi rất nhiều. Ánh đèn điện mà ở quê tôi nhìn thấy được hằng đêm dội lên trên bầu trời đen thẳm từ dưới phố, như một cái gì kỳ bí lắm, đối với tôi. Một vùng ánh sáng lạ hoắc, mà tôi không bao giờ nghỉ tới, là tại sao có vùng ánh sánh như thế vào mỗi đêm.
Bây giờ đứng nơi gốc thị, cái tuổi mười, mười một ngày nào như sống lại trong tôi. Bao nhiêu năm rồi chứ phải ít đâu. Cha mẹ tôi cứ ao ước một ngày nào đó cho tôi về phố để được ăn học đàng hoàng. Chứ sống nơi quê, giặc giã liên miên, có bữa học bữa không, có hôm phải theo gia đình chạy vào trong bưng trốn lính Tây đi càn. Lớn lên không chăn trâu thì cũng nhập vào đám du kích xã. Bởi vì, làng tôi lúc đó Việt minh kiểm soát từ đầu trên xuống xóm dưới. Không một người dân nào dám hó hé, hở môi. Ban đêm thấy yên ổn như thế, nhưng người lớn thì lo toan đủ việc. Ai trong xóm hé lộ một vài cử chỉ không vừa lòng với đám du kích, hay mấy ông hội tề, hay có ý trốn về thành phố hãy coi chừng chiếc mã tấu, với những cái chết thật lạ lùng xảy đến. Không biết người lớn tính thế nào, mà cha mẹ tôi cho tôi theo anh Minh, người anh bà con họ với mẹ tôi, lén đưa tôi về thành với lá thư của ba tôi viết gởi gắm tôi cho người em. Sau một đêm lính lê dương trên phi trường mở cuộc hành quân bất thần càn vào xóm. Bà con chạy không kịp vô bưng. Đám lính Tây vượt qua con suối để vào làng. Không còn một cái gì sót lại dưới họng súng và gót giầy của chúng. Tôi nhớ hình ảnh chị Mân nằm sóng soãi trên vũng máu trong căn nhà của chị, khi chúng thấy chị đang trốn dưới bờ suối. Chị không chết, nhưng bất tĩnh sau khi đám lính Tây thay phiên nhau hãm chị. Mẹ tôi, lúc đó như muốn nhào ra cứu chị khỏi đám lính hung bạo đó. Nhưng, những người thân trong gia đình níu lại không cho: Bộ chị muốn chết theo hay sao? Mẹ tôi nhìn cảnh chị Mân lạy lục đám lính Tây, mà khóc ròng cho thân phận người đàn bà ở thôn quê. Còn đám đàn ông thì ba chân, bốn cẳng chạy trốn chỉ sợ Tây thấy được cứ nói Việt Minh là bắn bỏ.
Hình ảnh của chị Mân cứ theo tôi mãi, sau buổi sáng hôm đó. Đám du kích chạy về hướng núi. Lợi dụng không ai để ý, anh Minh dẫn tôi qua cây cầu khỉ bắt ngang qua con suối, để về thành. Cảnh chị Mân bị bọn lính Tây hiếp dâm cứ chặp chờn trong trí nhớ non dại của tôi không sao quên được.
Tôi nhớ rồi, qua khỏi con suối một đổi là nhà của chị. Ngôi nhà lợp ngói âm dương cũ kỷ vẫn còn đó. Vách đất đã mòn với thời gian trơ ra những nan tre và những cọng rơm, buồn bã. Bên kia con đường đất đối diện với nhà chị là khu đất của nhà tôi. Những cây mì như thiếu nước đứng cằn cỗi, ốm tong ốm teo chẳng ai thèm vun xới. Khu đất nhà tôi bây giờ chẳng còn ai. Cha mẹ tôi đã qua đời. Ngôi nhà nay để lại cho đứa em bà con trông nom. Tôi muốn trở về nhìn lại căn nhà nhỏ đó một lần. Nhìn lại cái giường tre của mẹ tôi nằm ngày nào. Cái ụ rơm nơi góc nhà, mà mỗi đêm tôi được nghe mẹ kể một câu chuyện cổ. Với lối kể chất phác của người nhà quê. Làm gì bây giờ còn nữa. Cái giường tre của mẹ nằm ngày nào cũng đã rệu đi với thờ gian. Cái ụ rơm ngày nào bây giờ xơ xác, cứng đờ bên góc nhà. Bởi những con trâu bây giờ là của tập thể. Ruộng đồng bây giờ cũng của tập thể. Làm gì tìm lại được những ụ rơm nơi góc nhà ngày xưa với những buổi chiều im ắng sau buổi cơm.
Sự thay đổi hoàn toàn trong ngôi nhà của mẹ tôi ngày nào. Trong nhà chẳng còn cái gì khác hơn là cái bàn thờ cũ kỷ với vài tấm hình nhỏ đã ngã màu mà đứa em tôi đã gom góp lại: Nào của ba tôi, của mẹ tôi và của vài người bà con, cùng với ba mẹ của nó ngồi chung trong cái khung ảnh bằng gỗ thờ chung trên bàn thờ, bụi bám bạt màu.
- Có phải ai như cậu Vũ về đó không?
Người đàn bà đứng bên kia khu đất trước nhà tôi hỏi vọng qua, chỉ cách một con đường đất nhỏ. Ai như chị Mân thì phải. Tôi nghĩ, phải chị Mân đó không. Tôi chưa dám lên tiếng hỏi thì đứa em tôi nói:
- Chị Mân hỏi thăm anh đó.
Tôi chào chị. Chị già đến như thế sao. Hình như chị chỉ lớn hơn tôi đâu vào khoảng năm hay sáu tuổi. Mười, mười một tuổi tôi theo anh Minh trốn về thành sau cái đêm bọn lính lê dương hãm chị. Hình như một năm sau đó, tôi nghe chị có đứa con trai, anh Minh nói chị đặt tên cho nó là Rê. Nghe đứa em nói, tôi lên tiếng:
- Dạ, tôi đây, Có phải chị Mân đó không?
Tôi vừa nói vừa băng qua con đường đất nhỏ để đến bên chị.
- Cậu về lại hôm nay, đất thì còn mà cảnh đã đổi hết rồi.
Tôi nghe chị nói mà lòng xốn xang.
- Chứ cậu đi đâu mà lâu dữ vậy. Tưởng cậu học đỗ đạt về giúp cho làng cho xã sau khi Tây nó rút, rồi Việt minh nó cũng rút. Chứ cậu đi đâu mà không về lại làng.
- Tôi đi lính.
- Lại cũng là lính như thằng Rê con của tôi. Nhưng nó đóng ở đồn Đại Hòa gần đây. Còn cậu thì đóng ở đâu. Đóng ở đâu thì cũng về làng chứ. Sao biệt tăm biệt cá vậy.
- Tôi đi lính tới ngoài trung lận. Xa lắm.
- Mô Phật. Nghe nói ngoài đó đánh nhau dữ lắm phải không. Thế mà cậu còn sống được sao? Thằng Rê con của tôi chỉ đi lính Nghĩa quân đóng ở đồn Đại Hòa mà còn tử trận, huống hồ cậu ở tận ngoài Trung.
Nghe chị nói đến thằng Rê, tôi nghỉ đến đứa bé ra đời sau cái đêm khủng khiếp nhất đời của chị bị mấy tên lính lê dương hãm hiếp, mà anh Minh nói lại cho tôi nghe, sau mỗi ngày anh gánh xong những gánh cá mướn từ dưới ghe lên đổ vào trong những thùng lều cao ngất để làm nước mắm cho những nhà hàm hộ giàu có dưới phường Đức Thắng. Anh đi bộ lên thăm tôi. Có khi anh mang cho tôi một gói đậu phọng rang, hay một gói bánh mà anh mua ở dọc đường. Anh biết vào giờ này tôi lại phải ngồi trước ngôi nhà độ sộ của người cô, để làm nhiệm vụ gác cổng cho ông bà chủ giàu có đang ngồi tính tiền bên trong nhà. Chiếc cổng làm bằng tôn to lớn cao tới mái nhà thật đồ sộ, được kéo lại che kín cả khoảng sân lát gạch rộng thênh thang ở phía trong, chứa khoảng ba bốn chiếc xe hơi chở khách, mang nhản hiệu Hùng Sơn. Bên ngoài, còn có những chiếc xe tải lớn chở nước mắm đậu bên lề đường, mà ngày nào tôi cũng nghe những tiếng chửi thề của những ông tài xế chửi đám phụ lơ. Cũng như ngày nào tôi phải ra ngồi trước cánh cổng đó, để làm nhiệm vụ gác cổng và trả lời cho bất kỳ một ai tới hỏi xem có cô dượng tôi ở trong nhà không, trong khoảng thời gian ông bà đang tính tiền. Ai có hỏi cứ trả lời không, và hẹn họ sáng hôm sau trở lại. Tôi thích ngồi như thế để gặp anh Minh còn hơn là nhìn thấy gương mặt phì nộm của cô tôi, có vẽ hả hê với những thớ thịt dưới cổ bành ra, lúc nào cũng ngồi trên chiếc võng được căng trong cái khung làm bằng gỗ quý, đùa giỡn với con chó Nhật lông xù, bên cạnh chiếc bàn được đánh bóng bằng một lớp vẹc ny màu gỗ gụ. Trên bàn còn có đặt một miếng kính dầy. Những đồng tiền được chồng lên cao, thẳng thớm. Bên cạnh cái bàn tính bằng gỗ của người Tàu, mà mấy ngón tay của ông dượng tôi đẩy những con số nhảy lên, kéo xuống thật nhanh và điệu nghệ. Những lúc đó là ông đang tính tiền từ những chiếc xe đò trở về giao nộp cho ông. Với thân hình hộ pháp của một cặp vợ chồng có quá nhiều bơ sữa. Không như những người dân quê ở làng tôi. Thân hình khô cứng như cọng rạ vào mùa nắng cháy, mà còn phải sống trong sự lo âu bỡi những cuộc hành quân càn quét của Tây, và dưới sự kiểm soát của Việt minh. Trong ngôi nhà giàu có này, tôi thấy tội nghiệp cho chị Phải. Một người giúp việc lâu năm trong nhà cứ phải khúm núm hết phục vụ cho ông, lại phục vụ cho bà.
Còn tôi, một đứa cháu nhà quê, nghèo hèn, cũng phải biết bổn phận của mình là đóng cánh cổng lại và ngồi bên ngoài, cho đến khi nào có lịnh của cô dượng cho tôi vào, mới dám vào. Những lúc ngồi gác cổng như thế, nhìn đám trẻ con bên kia đường chơi đánh bi, đánh đáo mà lòng thèm ghê gớm, nhưng nào dám chạy qua nhập bọn. Lỡ bà cô tôi ra thình lình bắt gặp có nước ăn chổi lông gà, hay phải thụt dầu tại chỗ, bỏ một bữa ăn tối. Có những hình phạt kỳ cục mà cô dượng tôi dành cho tôi. Những lần như thế, tôi lại trèo lên trên căn gác xép nhỏ hẹp dành riêng cho người giúp việc trong nhà ngủ. Tôi chỉ biết khóc và nhớ mẹ tôi vô cùng. Nhưng biết làm sao. Tuổi thơ tôi không có những trò chơi đánh bi, đánh đáo như thế. Không như khi tôi còn ở với cha mẹ ở làng quê. Dù đêm đêm phải thắp bằng đèn dầu phụng, nhưng cũng còn được nghe những câu chuyện cổ tích của mẹ bên đống rơm. Hay chạy nhảy theo lủ bạn ra ngoài đồng, mà chưa bao giờ bị mẹ mắng chứ đừng nói chi là đánh đập. Có lẻ trước cái khổ của thôn quê, bên cạnh những" du kích "của thời Việt minh, mà cha mẹ tôi muốn cho tôi thoát khỏi để tránh cái nạn nơi thôn ổ chăng? Nhưng tại sao lại gởi tôi vào cái nhà cô dượng quá giàu có này, mà hình như, hai người chỉ biết tiền. Có những lần bị những trận đòn đau vô cớ, nhưng cũng phải ra ngồi trước cánh cổng để gác, nuốt đau mà chờ anh Minh đến, để có anh, an ủi tôi phần nào. Có lần, tôi nói với anh Minh: Chắc tôi trốn về lại trên quê quá. Anh ngăn tôi: Không được, mầy trốn về, thế nào cha mẹ cũng bị đưa ra nhân dân xét xử. Chết chứ không sống nổi đâu. Ráng nhẫn để có cái ăn cái học cho mầy sau này.
Tôi nghe anh khuyên mà chịu đựng.
***
Anh Minh về sau cũng vào quân đội với cấp bậc trung sĩ quân nhu, đơn vị đóng ở Sài gòn. Anh là người có chí. Thời gian gánh cá mướn cho những nhà hàm hộ giàu có, nhưng anh vẫn học đêm, học ngày. Đậu xong trung học, anh bị động viên vào hạ sĩ quan, sau này về Sài gòn anh vừa đi làm vừa đi học thêm để lấy cho xong tú tài, rồi lên đại học. Có bằng cấp cao, nhưng anh vẫn là trung sĩ. Thời gian sau này anh không dám trở về quê. Tôi cũng vậy. Mặc dù, Tây rút, Việt minh tập kết ra đi, nhưng chiến tranh nỗi lên với một hình thức khác. Khi đó tôi nghe những đứa bạn của tôi ngày nào còn chạy chân trần trên những thửa ruộng như tôi ở quê nhà, sau này yên ổn cũng được cấp sách xuống trường tỉnh học, nữa đêm cũng bỏ nhà lên rừng. Như thằng Hội, thằng Bút, Thằng Cảnh. Nghe đâu có cả con Hương em của chị Mân cũng nhảy núi. Nghe nói có nhiều đêm thằng Bút dẫn quân về đánh phá đồn nghĩa quân trong làng, hay bắt vài người có máu mặt mang đi. Anh Minh không dám trở về là phải, và tôi cũng thế. Cái xóm nhỏ ngày xưa tôi ra đi thật xa vời. Nhưng không bao giờ phai mờ trong trí nhớ tôi. Có chăng, những con người còn lại trong cảnh khổ hôm nay khó mà nhìn ra, như chị Mân, như thằng bé Hai đứa em con bà dì của tôi, và còn nhiều người trong xóm nữa mà tôi không nhìn ra. Hình như sau năm 75, anh Minh có về làng một lần và bị bắt đi biệt tích. Sau này, tôi nghe ông bác anh ở gần khu nhà máy nước nói lại: Tại nó ngu. Tưởng có hòa bình rồi, về làng thắp cho cha mẹ nó cây nhang. Nào ngờ đám du kích phục bắt, dẫn đi mất tích. Thời buổi tranh tối tranh sáng lúc đó khó ai mà lường. Thằng nào cũng muốn làm ông nội hết. Bây giờ tám chín năm qua rồi. Tụi mầy đã trả xong món nợ. Tôi hỏi ông bác của Minh: Nợ gì đâu bác. Họ muốn bắt thì bắt, quyền của họ mà, nợ nần gì. Ông nói: Nợ hay không nợ thì mầy coi cái thân của mầy, có giống ai trong cái xã hội này không thì biết.
Ngày xưa, tôi bỏ làng ra đi chín, mười tuổi, còn nhớ được cái vườn trước nhà của cha mẹ chị. Vườn cải. Hằng ngày chị vẫn lên xuống bờ suối gánh nước tưới cho vườn cải nhà chị được xanh tươi. Con gái ở quê khó ai hơn chị. Mẹ tôi vẫn thường khen. Ở quê mà nước da chị trắng bóc. Ngay cả đứa em gái của chị, con Hương, cũng có nước da trắng như chị, mà thuở nhỏ người lớn thường hay “cắp đôi" tôi với Hương.
Nhìn ngôi nhà của chị, và ngôi nhà của cha mẹ tôi để lại cho đứa em bà con. tôi không thể hình dung hết nổi khổ của bà con tôi nơi quê. Đã tám chín năm rồi sau ngày "Giải Phóng "người dân vẫn sống trong cảnh tăm tối, nghèo nàn. Con người gần như khô đét lại giống như những thân cây mì khẳng khiu, thiếu nước. Hình như ai cũng an phận trong cuộc sống còn lại này. Chị nghiêng nghiêng mặt nhìn tôi. Tôi cười, hỏi:
- Chị nhìn tôi cái gì giữ vậy. Bộ lạ lắm sao, chị?
- Cậu làm cái gì sau khi bỏ làng ra đi.
- Tôi đã nói với chị rồi. Đi lính.
- Có ở tù không. Sao không chết? Tôi nghe nói nhiều người lính vô tù chết nhiều lắm. Chết đủ thứ. Chết vì thiếu ăn, thiếu mặc. Thiếu thuốc thiếu men khi bịnh đau. Chết trong lao động ngặt nghèo, phải không? Mà này, cậu Vũ, chết như thế mà sướng. Không sống vất vưởng như tôi, như thằng Bé Hai đây. Chết như thế là giải thoát, giải thoát, cậu biết không.
Tôi nhìn trong đôi mắt của chị có nhiều nổi buồn. Lời nói của chị cũng vậy. Tại sao chị lại hỏi tôi như thế. Tôi nghỉ, có lẻ thấy tôi trở về chị nghỉ đến thằng Rê, đứa con của chị chăng? Hay còn ai nữa đã mất trong cuộc sống hôm nay của đời chị. Tôi nói:
- Có chứ chị, mới ra khỏi tù mà.
- Cậu còn sống trở về là phước. Tôi chẳng còn ai nữa, phải chi ba thằng Rê còn sống trở về như cậu...
- Anh mất rồi sao. Trước 75?
- Không. Anh chết trong tù. Cậu có bị lên Cà Tót không?
- Có. Ai mà chẳng bị đưa lên đó, chị. Mà anh chết trên Cà Tót.
- Không. Về tới Sông Mao ba thằng Rê mới chết. Chết vì đói.
Rồi chị kể: Tội nghiệp, giam trên mật khu năm sáu tháng, đói quá, vừa về tới Sông Mao thấy có cây mì đào trộm lên ăn. Cậu biết mì gì không. Gặp trúng loại mì Ấn độ. Loại mì đó trồng trên rừng, trên núi heo rừng thấy còn chê, huống chi con người. Nhưng cũng vì đói mà ba thằng Rê ăn vào, trúng độc chết ngay trong đêm đó.
Tôi nói với chị:
- Tôi có nghe cái chết của anh, nhưng vì ở khác đội. Không ngờ anh ấy là chồng chị. Sau này tụi tôi không dám ăn loại mì đó nữa. Nhưng lại ăn loại mì khác, mì gòn, ăn nhiều quá mắt đứa nào cũng mỡ mắt không ra.
Rồi chị nhìn tôi nói mãi. Nói lảm nhảm như người mất trí: Cậu về là có phước lắm. Phước lớn lắm. Tôi nghỉ những ai thoát ra khỏi trại tù trở về được, là vì kiếp trước có số tu.
- Tu gì đâu chị. May thôi chị ơi. Đói thì còn phấn đấu được, chứ bịnh thì chết.
- Tôi nói có số tu mà. Cậu nhìn thân xát cậu coi, chẳng khác nào như cây mì khô nước trước nhà thằng bé Hai, mà cậu sống được là nhờ cái số tu của cậu.
Tôi cười cười, còn thằng Bé em tôi nói: Chị bây giờ đang tu, tối nào cũng đọc kinh, đọc kệ cho tới khuya. Nghe thằng Bé nói, chị vui ngay: Phải tu chứ cậu. Đời mạt pháp mà, sâu bọ đang làm người đó, cậu không thấy sao.
***
Đứng trong sân nhà chị, tôi nhìn quanh, như để xem có bắt gặp một cái gì đó rất xưa khi tôi còn là một đứa bé trong làng thường hay qua nhà chị chơi với Hương. Nhưng chẳng thấy gì ngoài những bụi cỏ tranh mọc theo bờ suối. Những luống cải thẳng tắp ngày xưa cũng không còn. Cỏ dại mọc đầy trong vuông đất cũ của nhà chị. Có khác chăng hôm nay, mà tôi nhìn thấy là vài luống hoa Huệ chị trồng. Chỉ có một giống Huệ trắng không có một giống hoa nào khác xen vào trong khu vườn hoang của chị. Tôi hỏi:
- Sao chị không trồng thêm Cúc hay Thược dược mà ngày xưa chị hay trồng.
- Tôi đâu có trồng chi ba thứ hoa đó nữa. Sống còn kiếm ăn không nổi, sức đâu mà trồng hoa, cậu. Con Hương nó về nó trồng vài luống Huệ. Nói để nhớ cái thời còn nhỏ của nó. Nó trồng chi đó nó trồng. Có điều cứ mỗi lần về hay nói: Nhà sao vắng vẽ quá, cả xóm hình như chẳng ai muốn ngó nó. Có hôm tôi bực phải nói: Tại mầy, chứ không làm sao nhà vắng được. Nó hỏi tôi tại sao lại nói nó. Tôi phải nói: Tại mầy giết thằng cháu của mầy, rồi lại giết thêm thằng anh rễ của mầy trong tù nữa, cho nên nhà mới vắng. Nó nghe tôi nói nó bỏ đi.... Nói chứ, năm nào giỗ thằng Rê, nó cũng về. Mai đây là ngày giỗ thằng Rê, nó về, cậu ở lại chơi. Hai đứa gặp lại có nhiều chuyện để nói.
Không. Tôi nói với chị Mân. Tôi phải đi trong chiều nay. Có thể không gặp lại những người bạn cũ, còn hơn là gặp. Cay đắng cũng nhiều trong trại tù rồi. Gặp lại có thể có thêm nhiều đắng cay hơn. Chị thế mà hay hơn tôi. Kinh kệ làm cho đời chị vui hơn, dù trong nghịch cảnh chị mang nhiều nổi khổ.
Tôi nhìn lại ngôi nhà của chị, những luống cải bỏ hoang đầy cỏ dại. Nhìn lại ngôi nhà của cha mẹ tôi tiêu điều, vắng vẽ. Cái khoảng đời còn lại này chắc không bao giờ tụ lại nơi đây. Tán ở một nơi nào đó mà trong tờ giấy ra trại màu vàng úa mà họ đã ghi. Nơi đó là nơi mà tôi phải đến trong khoảng đời còn lại của kiếp nhân sinh.
Phạm Văn Nhàn