có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 7 17, 2015

Vòng hoa sau một chuyến bay



Gia Vực là một chi khu nằm sâu trong dãy Trường Sơn. Muốn bay vào chi khu, chúng tôi phải bay thật cao để tránh các khẩu phòng không địch thường xuyên bắn phá từ các triền núi rải rác dọc tuyến đường bay. Địa phận chi khu nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh nên quân Bắc Việt tìm cách đánh chiếm liên tục.

Lần sau cùng tôi được bay với ông liên đoàn trưởng liên đoàn 11 Biệt động quân trú đóng tại tiểu khu Quảng Ngãi. Chúng tôi bay gần trọn ngày để ông thị sát và liên lạc hành quân, hầu hết các tiền đồn đều bị áp lực địch rất nặng. Trước khi rời vùng tôi nghe ông ban lệnh là phải rút hết các tiền đồn về chi khu cố thủ chờ giải pháp sau cùng. Sau hiệp định ngưng bắn Ba Lê, chiến trường miền Nam lại trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Chúng tôi phải bay liên tục hầu như quên lãng sự mất còn của chi khu đã bay qua ngày nào. Một sáng tinh sương biệt đội chúng tôi đang còn ngon giấc, tôi được đánh thức nhận lệnh đích thân từ ông không đoàn trưởng chuẩn bị đưa biệt đội vào đáp phi trường Quảng Ngãi chờ lệnh gấp. Trong tiết trời giá lạnh lúc ban mai, tôi nhận thấy ông Đại tá thân yêu khom người chạy đến khi máy bay chưa tắt hẳn.

Lệnh hành quân ngắn gọn “Anh theo lên phi cơ quan sát vào chi khu gia vực tìm xác định bãi đáp xong trở về hướng dẫn hợp đoàn vào giải cứu một đoàn người thất lạc hơn 10 ngày qua vừa liên lạc được.”

Trên cao tôi nhìn thấy được tấm penal ra hiệu của đoàn người trên một ngọn đồi ngược đường về dãy Trường Sơn cạnh biên giới Kontum. Tôi ra hiệu quay trở về và được biết là hầu hết dân quân chi khu chạy về hướng Quảng Ngãi đều bị chặn đánh tan rã. Riêng đoàn người này nhờ đi ngược hướng lên núi nhờ một tên thượng dẫn đường nên thoát hiểm. 

Tôi trở lại phi trường với hợp đoàn đầy đủ gồm 7 chiếc slick và 4 chiếc gunship. Tôi sẽ vào đầu với 2 chiếc gunship theo yểm trợ, nhìn thấy lại mục tiêu tôi báo hiệu và cho phi cơ rơi thật nhanh nhào lộn theo phương thức bay thả toán Lôi hổ vùng biên giới ngày nào để đánh lạc hướng địch. Cố đáp thật nhanh từ 7000 bộ lơ lửng trên không dễ làm mồi cho giặc nhưng nhờ yếu tố bất ngờ và mây còn che phủ nên mấy ổ phòng không địch không nhìn thấy được. Còn quá sớm nên lúc vào cận tuyến tôi còn nhìn thấy được một anh bộ đội vắt khăn vai ngồi đánh răng và lố nhố vài anh đang chơi voley nơi bãi đất trống. Bất ngờ chúng chạy tán loạn không biết có làm mồi cho mấy khẩu mini gun phía sau không? Tôi quẹo gắt đáp thật nhanh và cất cánh vội, được báo là đã hốt trọn toán người đến 22 tên kể cả đàn bà và trẻ thơ. Vì quá tải nhấc phi cơ lên không muốn nổi, tôi phải nhờ 2 gunship vừa bắn dọn đường vừa quan sát yểm trợ mọi bất trắc có thể xảy ra lúc này. Tôi cố gắng bay là là sát ngọn cây, tay chân gồng cứng, hồi hộp toát mồ hôi suốt cả tuyến bay dù tiết trời quá lạnh. 

Cả hợp đoàn phía sau cũng được lệnh quay về, trời đã bắt đầu sáng tỏ, phòng không địch bắt đầu khai hỏa, tầng số lại náo loạn lên vì báo tránh né phòng không địch có cả 37 ly.

Về đáp lại phi trường dân chúng đã ùa vào đầy phi đạo, tất cả chạy đến bao quanh phi cơ tôi, kẻ cười người khóc vang một góc phi trường, nhiều người ôm chầm tôi và phi hành đoàn cám ơn rối rít. Chợt nhìn thấy khá nhiều người ngồi bên lề phi đạo khóc la thảm thiết vì chằng tìm thấy thân nhân, lòng tôi quặn đau khó tả, chiến tranh đã để lại biết bao mất mát đau thương.

Vài hôm sau chúng tôi được mời đến trường trung học Sao Mai để nhận vòng hoa chiến thắng từ các em nữ sinh. Trước hội trường đông dầy quan khách, chúng tôi được tuyên dương công trạng và trong tiếng nhạc quân hành “Giữa đoàn hùng binh có anh đi hàng đầu”. Chúng tôi bước ra với tiếng vỗ tay vang dậy đón nhận những vòng hoa từ tay các em nữ sinh xinh như mộng. Đặc biệt theo sự sắp xếp từ trước của ban tổ chức, tôi được nhận vòng hoa của chính người vợ mới cưới của mình. “Cô nữ sinh Phan Thị Ly Lan vừa mới rời ghế nhà trường vào làm nhân viên Tín nghĩa ngân hàng gặp chàng phi công hào hoa từ trong nam ra là phải lòng ngay. Gần một năm sau, chúng tôi quyết định lấy nhau, ngày cưới chúng tôi vui thật nhiều nhờ có được ông Thiếu tá Phố, phi đoàn trưởng hướng dẫn rất đông anh em 219 đến dự, đôi lúc chán đời tìm nhìn lại những tấm hình cũ, hồi tưởng lại bao kỷ niệm hào hùng thời son trẻ của bọn mình mà ngẩn ngơ luyến tiếc. Ngày rước dâu của tôi cũng khá đặc biệt. Chúng tôi theo biệt đội về Sài Gòn, hôm sau bốc thân nhân ở trường đua Phú Thọ, chàng rể mặc veston bay về Gò Công gặp lúc ruộng lúa còn xanh tươi sau nhà chẳng tìm được bãi đáp, tôi phải nhờ Đại úy “Tài râu” hover tôi bước xuống bờ mẫu dừa, cô dâu khập khểnh lần bước vào nhà trước sự trầm trồ vay quanh của dân làng quanh vùng. Đại úy Tài làm một vòng chào tạm biệt hẹn tái ngộ. Chúng tôi cũng thường liều lĩnh trong những phi vu không tên này cũng nhờ sự cảm thông của anh em Nha Kỷ Thuật rất nhiều.

Cưới nhau vào thời điểm chiến trường nóng bỏng nhất nên vợ chồng phải xa nhau thường xuyên, rồi phải chịu nhục hình trong lao tù cộng sản gần 10 năm, tôi mới được trở lại kiếp làm người. Thân tàn ma dại trở về với cảnh khốn cùng của xã hội đương thời, chúng tôi phải cố gắng vươn lên với hai bàn tay trắng. Mất tất cả và đau lòng nhất là chiếc nhẫn cưới vào tù bị chúng cướp, ngoài đời vợ mình phải bán đi góp phần giành giụm từng đồng mua quà thăm nuôi. Tất cả áo bay, hành trang phi hành nàng phải âm thầm tiêu hủy trong nước mắt. Vợ chồng cố gắng buôn bán qua khá nhiều nghề, dần dần cũng khá thành công. Cũng khá lý thú là những tên công an hung thần trong trại hay tìm xin xỏ đủ điều đã bị tôi xử khéo đôi lần khi biết được chương trình H.O.

Chúng tôi còn một vật kỷ niệm rất quý thay cho vòng hoa chiến thắng hơn 40 năm nào bằng một vòng khăn choàng màu tím nàng đã tự tay thêu tặng thưở vừa yêu nhau. Tôi trân quý giữ gìn như báo vật nhận được lại lúc mới ra tù. Giờ đây mỗi lần có dịp mặc lại chiếc áo bay đi dự hội, nàng thường muốn tự tay thắt lại vòng khăn, nàng mỉm cười đứng nhìn, tôi cảm thấy ấm lòng trong bao ky niệm trào dâng trong ký ức, kể cả những lúc tiết trời Texas nóng như thiêu đốt.” 

Năm 1972 phi đoàn 219 của chúng tôi được lệnh thuyên chuyển về Nha Trang, sau một thời gian ngắn tôi xin trở ra phi đoàn 253 tân lập để được gần gia đình. Phải rời xa phi đoàn 219 thân quen đầy tình chiến hữu qua biết bao kỷ niệm hiểm nguy luôn gắn bó bên nhau trong lòng đất địch ngoài biên giới tôi không khỏi bùi ngùi. Thời gian bay bổng ở phi đoàn Long Mã này đã cho tôi dày dạn kinh nghiệm khá nhiều trong phương thức bay bất bình thường, đôi khi mất cả an phi kể cả những lúc biểu diễn táo bạo, mấy anh bạn đồng minh theo yểm trợ phải le lưỡi lắc đầu, khen chê không biết, nhưng đôi lúc thả, bốc toán chạm địch như giỡn với tử thần. Về phi đoàn Sói Thần 253 sau này quý niên trưởng hầu hết đã có ghế ngồi, riêng tôi với nhiều lý do: Lận đận khá nhiều trong đời binh nghiệp sinh ra bất mãn, liều lĩnh quyết “Một xanh cỏ, hai đỏ ngực”, thêm máu anh hùng cá nhân nên luôn hăng say trong mọi phi vụ, không từ bỏ bất cứ một phi vụ nào, càng khó khăn lại càng hăng say thích thú hơn. Có lẽ nhận thấy được khả năng đặc biệt này của tôi từ lâu nên ông không đoàn trưởng trao cho những phi vụ hiểm nghèo nhất vùng dù tôi đang biệt phái bất cứ nơi đâu. Đôi khi cũng cảm thấy bất mãn nhưng phải “thi hành trước khiếu nại sau”. Rồi hầu hết đều qua đi, thoát hiểm được biết bao lần, lãnh đạn AK thủng tàu nhiều lần đôi khi đến mười mấy lỗ nhưng vẫn về đáp bình yên không thương tích. 

Âu là cùng nhờ trời thương còn ngồi đây viết hồi tưởng lại bao kỷ niệm lúc tuổi đời đã gần 7 bó. Gần đất xa trời chỉ mong có dịp gặp nhau hợp đoàn lại cùng những người bạn phi hành năm xưa là rất quý. Xin chào tái ngộ. 


K.B. Phan Văn Phúc