có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 8 14, 2015

Tôi đi giữa hoàng hôn



Quỳnh Giao Hát Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn Của Văn Phụng. 
Nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt Hòa Âm và Điểu Khiển Dàn Nhạc. 
Bản ghi âm trực tiếp tại Nhạc Viện Quốc Gia Sài Gòn năm 1965.

Tôi đi giữa hoàng hôn
(Văn Phụng)

Tôi đi giữa hoàng hôn,
Khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương
Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài
Mà lòng mình thấy u hoài

Tôi thương nhớ ngày qua, trên bến Hoàng Hoa
Hay những đường xa
Thường thường hai đứa dắt nhau tươi cười
Mắt say sưa thắm mộng đời

Dù cho mưa gió, bên mái tranh nghèo
Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù
Niềm thương yêu hằng xin mãi maĩ không hề phai
Nhớ, nhớ, nhớ đêm nào, trên bến tìm sao
Hai đứa nhìn nhau, không nói một câu
Như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào
Như thầm hẹn nhau mùa sau

Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Lòng thương nhớ...







Một vài cảm xúc khi nghe bài Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn do Quỳnh Giao hát.

Bài hát được trích từ một album gia đình mà cô Quỳnh Giao đã tặng tôi trong một lần thăm Cali. Từ hôm cho đăng bài hát này trên youtube, nhiều người đã có chung nhận xét là giọng hát rất điêu luyện cho môt cô bé 15 tuổi. Vâng, rất điêu luyện và chất giọng rất sáng! Thời bấy giờ, để được chọn vào hát hợp ca cho ban nhạc Tây Hồ của nhạc sĩ Hoàng Trọng, ca sĩ đã phải có một trình độ nhất định về thanh nhạc. Quỳnh Giao đã được chọn đề thay thế vi trí của mẹ, là danh ca Minh Trang, trong ban Tây Hồ ở tuổi 15. 

Giữa tôi và Quỳnh Giao có một tình bạn văn nghệ thật tình cờ. Tôi đã nghe và yêu thích giọng hát của cô ngay từ khi còn ở bên nhà. Lúc bây giờ tôi còn bé lắm nhưng không hiều sao lại bị chinh phục bởi giọng hát trong vắt và thật thánh thiện của cô. 

Thời cuộc thay đổi làm đảo lộn sinh hoạt của cả miền nam nước Việt. Quỳnh Giao may mắn di tản được và định cư tại Hoa Kỳ. Tôi ở lại và tiếp tục biến hoá đề thành người. 

Cuộc sống vât chất đầy khó khăn kéo con ngừoi ta xa dần những món ăn tinh thần, đang bị coi là đồi truỵ. Một mảnh đời bị đóng băng và tưởng chừng đã phải chấp nhận như một sự an bài của số phận.
Nhưng rồi vượt biên, rồi trại tỵ nạn, rồi định cư ở nước thứ ba .. lại cuốn hút cuộc đời tôi vào một ngã rẽ khác. Thay đổi cho một tương lai tốt hơn? Không ai có thể biết chắc như vậy! Nhưng tôi biết rằng mảnh đời đã bị đóng băng từ sau cuộc đổi đời đang tan dần và tôi sẽ có thề nối kết lại với mảng ký ức đang bị lưu lạc. 

Tôi liên lạc với cô Quỳnh Giao nhờ vào thông tin từ môt dĩa nhạc của cô mà tôi mua được ở Seattle. Mỗi lần gọi điện, chúng tôi đã nói chuyện với nhau hằng nhiều giờ về âm nhạc, và về kỷ niệm. Tôi thích nghe Quỳnh Giao nói về những sinh hoạt của cô và về thời vàng son của Tân Nhạc Việt. Quỳnh Giao lại thích tôi phân tích những giọng hát, hay những bản hoà âm của các nhạc sĩ, xưa cũng như hiện tại. Cứ như thế chúng tôi trở thành nhưng người bạn văn nghệ của nhau từ bao giờ không biết.
Điều bất ngờ là có những khoảnh khắc trong tâm thức của tôi, ghi lại giọng hát của cô đã được phát trên đài phát thanh hay đài vô tuyến lần lượt trở về mỗi khi nói chuyện với Quỳnh Giao, và giúp cho hai chúng tôi cùng xem lại những thước phim cũ thật đẹp của kỷ niệm. 

Tôi đã nghe Quỳnh Giao hát Kỷ Niệm của Phạm Duy vào một buổi tối, trong một chương trình của đài tiếng nói Quân Đội. Tôi đã nghe Quỳnh Giao hát Chiều Tà, Serenata vào một buổi chiều trong một chương trình phát thanh cho lính, cũng trên đài Quân Đội. Tôi đã xem Quỳnh Giao hát Ave Maria trong một chương trình Tiếng Tơ Đồng đặc biệt mừng Giáng Sinh năm 1972. Tôi đã nghe Quỳnh Giao hát trong ban Tứ Ca Tiếng Hát Đôi Mươi của Nhật Trường - Trần Thiện Thanh và ghi âm bài hát Bây Giờ Tháng Mây của Từ Công Phụng trong dĩa nhựa 45 vòng do hãng dĩa Việt Nam phát hành. Tôi đã nghe Quỳnh Giao hát song ca với cô Thái Thanh bài Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối trong một chương trình của ban Tiếng Tơ Đồng, và còn nhiếu nữa... Mỗi bài hát được nhắc lại là một sự khơi dậy của kỷ niệm về môt thời đã qua. Mỗi một câu chuyện được kể lại là một chuyến xe đưa chúng tôi về miền quá khứ. Đôi khi chỉ là một chi tiết bình thường nhưng được kể lại bằng tất cả sự trân quý.

Quỳnh Giao kể đã đi xích lô máy với cô Thái Thanh đến hãng dĩa Sóng Nhạc trên đường Hàm Tử để ghi âm bài Sầu Dĩ Vãng tức Qui Sait do cô Minh Trang viết lời việt và nhạc sĩ Phạm Đình Chương hoà âm cho băng nhạc Premier của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Quỳnh Giao cũng đã kể chuyện ca nhạc sĩ Jo Marcel đã mời cô về cộng tác cho phòng trà Queen Bee của ông và cô đã đề nghị cùng hát chung với ba người em gái của mình. Nhờ đó chúng ta có ban tứ ca Bốn Phương với Quỳnh Giao, Vân Quỳnh, Vân Khanh và Vân Hoà. Quỳnh giao đã kể về lần trình diễn trường ca Con Đường Cái Quan trên Đà lạt; Về cô Kim Tước là người đầu tiên hát bài Nghìn Trùng Xa Cách của nhạc sĩ Phạm Duy trên đài phát thanh; Về những kỷ niệm ghi âm với ca sĩ Anh Ngọc hay với ban đàn dây của nhạc sĩ Hoàng Lang. Quỳnh Giao đã kể về những ngày đầu trên mảnh đất được gọi là tạm dung, lòng khoắc khoải một nỗi nhớ quê hương và thèm được hát. Cô kể về hoàn cảnh các cuốn băng Hát Cho Kỷ Niệm được ra đời như thế nào.

Quỳnh Giao cũng đã kể về lần lưu diễn Châu Âu với nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào thập niên 80s; Đến những lần đi hát với các cô Kim Tước và Mai Hương sau khi định cư ở Hoa Kỳ....

Như vậy mà Quỳnh Giao cũng đã ra đi được một năm. Nhiều người bất ngờ trước sự ra đi của cô. Nhiều người cho là quá sớm. Trong cuộc sống tạm bợ của kiếp nhân gian, ai rồi cũng sẽ trải qua ải sinh, lão, bịnh, tử. Tôi mừng vì cô ra đi nhẹ nhàng và chịu đựng ít đau khổ do bịnh tật gây ra. Điều may mắn cho cuộc đời này là Quỳnh Giao đã tìm được hạnh phúc trong nghiệp ca hát và biết chia xẻ niềm hạnh phúc đó với tha nhân. Trong sự nghiệp ca hát của mình, Quỳnh Giao đã tự thực hiện cho mình nhiều tác phẩm nghệ thuật. Người ta có thể thích hay không thích giọng hát của Quỳnh Giao; Người ta cũng có thể thích hay không thích loại nhạc Quỳnh Giao chọn để hát; Nhưng không ai có thể phủ nhận mỗi một tác phẩm của Quỳnh Giao là một sự nâng niu và trân trọng mà cô ưu ái gửi đến người nghe. Nhiều năm nữa, khi nhắc đến tên tuổi Quỳnh Giao, bên cạnh một giọng hát đẹp và điêu luyện, chắc chắn đây sẽ là điều mọi người nhớ về cô. 

Tạm biệt Quỳnh Giao.
Viêt xong tại Vancouver, ngày 30 tháng 7 năm 2015


Chu Văn Lễ