(hình minh họa, ảnh Mario Đàm)
Nhìn ngắm tấm ảnh hoàng hôn tím của Mario Đàm chụp nơi trời Âu – Tiệp Khắc, điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến là nhà văn Văn Quang tác giả Chân Trời Tím. Quyển tiểu thuyết ra đời hơn 50 năm (1964). Lúc ấy tôi chỉ là một cậu học trò tiểu học. Mãi đến hè năm 1972, tức 8 năm sau, sau khi thi xong tú tài I, tôi mới có thì giờ mộng mơ một chút. Lúc đó nhà nghèo làm gì có tiền mua,tôi đến mượn sách ở thư viện Quốc Gia. Vậy là tôi lạc vào thế giới của người lớn, thế giới của những người lính Việt Nam Cộng Hòa, những cô ca sĩ phòng trà, gái bán bar, những cô nữ sinh thành phố; những tình yêu vội vã đến vội vã đi. Dĩ nhiên tất cả những điều mà cậu học sinh 18 tuổi chưa hề trải qua. Tấm ảnh “Chiều Tím” của Mario Đàm thật sự đã đưa tôi trở ngược lại 50 năm về trước, thời của Sài Gòn xưa, của tuổi học trò hoa mộng.
Thỉnh thoảng trên Thời Báo tôi có đọc bài viết của Văn Quang. Lần đầu đọc bài của ông tôi thắc mắc, chẳng lẽ là Văn Quang của Chân Trời Tím ngày xưa. Chẳng lẽ cụ già 83 tuổi mà còn gân vậy sao? Tuổi già nhưng văn không già, tâm hồn ông vẫn còn trẻ trung lắm, có phần an lạc, hạnh phúc hơn khi xưa. Văn của ông đã nói lên điều đó. Giờ ông sống rất thành thật với mình, sẵn sàng nói lên những gì cần nói.
Hôm nay xin giới thiệu với các bạn một trích đoạn về cuộc phỏng vấn của nhà văn Lê Thị Huệ về ông được đăng trên mạng.
Vũ Tam Thừa
Lê Thị Huệ: Ông bị đi tù một thời gian dài sau 1975. Ông có thể nói gì về điều này ở đây và bây giờ chăng ?
Văn Quang: Có rất nhiều điều đáng nói về những ngày tháng trong nhà tù. Và cũng đã có rất nhiều những cuốn sách viết về chuyện này rồi. Nhiều chi tiết đã được trình bày cụ thể. Vì thế, lúc này tôi nghĩ ở vào vị trí của tôi, nên chuyên tâm về những vấn đề xã hội hiện tại mà tôi đang có điều kiện tìm hiểu tường tận hơn các bạn khác. Tôi chỉ có thể nói là nhà tù vẫn là nhà tù, không có chuyện cải tạo gì ở đây. Điều này tôi cũng đã viết trong “ngã tư hoàng hôn”. Một lúc nào đó, nếu còn thì giờ, có thể tôi sẽ viết lại toàn bộ những sự thật mà tôi đã được chứng kiến.
Lê Thị Huệ: Ông từng là nhà văn quân đội ở Miền Nam, ông có so sánh nào cho nền văn chương quân đội của hai miền Nam Bắc trong thời chiến?
Văn Quang: Nói về văn chương quân đội giữa hai miền Nam Bắc có lẽ hơi quá tổng quát. Nhưng sự khác biệt căn bản vẫn là mang tính văn học nói chung. Một bên, dù anh là thành phần nào khi hoạt động văn hóa đều phải đi theo một đường lối chung, không thể khác được. Do đó người viết dù ở trong hay ngoài quân đội cũng thế thôi. Họ quan niệm văn hóa là tuyên truyền giáo dục quần chúng nhân dân (trong đó có cả quân đội) thực hiện một chủ trương chính sách trong một giai đoạn nào đó. Còn ở miền Nam thì những nhà văn quân đội không bị lệ thuộc bởi bất cứ điều gì. Tôi làm ở Tổng cục chiến tranh chính trị rất lâu, nhưng chưa hề thấy một “chỉ thị” nào cho những quân nhân viết văn. Họ được tự do sáng tác theo cảm hứng của mình về mọi mặt trong đời sống. Những nhà văn xuất thân từ quân đội hay hơn nữa là từ những chiến trường như Nguyễn Đạt Thịnh, Phan Nhật Nam, Huy Phương, Thế Hoài, Phạm Huấn… viết những gì họ đã trải qua. Hoặc như Mai Trung Tĩnh, Vương Đức Lệ, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng cứ việc làm thơ tình, lãng mạn, không cần Tây Tiến hay Nam Tiến. Cho nên so sánh hai nền văn hóa quân đội giữa hai miền như thế tôi cho là khập khiễng, nên tôi không thể so sánh được.
Lê Thị Huệ: Ông đã từng tiểu thuyết hoá dày cộm những người lính thành phố Sài Gòn trước 1975. Bây giờ nhìn lại ông có thấy là trật búa hay OK ?
Văn Quang: Tiểu thuyết hóa những người lính không phải là “thần thánh hóa” những người lính. Chị đọc lại “Chân trời tím” và “Người yêu của lính” sẽ thấy tôi tiểu thuyết hoá đời thường của họ. Người lính không đi tu, không là “người con trai khác với những người con trai không đi lính”. Ngoài cuộc sống chiến đấu, ngoài tình đồng đội, họ có cuộc sống của mình. Cũng yêu thương, ghen hờn, lãng mạn như những ghệ sĩ chính hiệu. Nói cách khác, tôi diễn tả rõ hơn, tỉ mỉ hơn về cuộc đời quân ngũ. Không phải tất cả đều tình nguyện đi lính, có những người “bị động viên” hoặc được đồng hóa. Nhưng tình đồng đội đã làm họ thay đổi quan niệm, ý chí chiến đấu đã tô đậm lý tưởng yêu nước của họ. Vì thế họ trở thành một khối vững chắc cho đến tận ngày nay. Tại sao tôi lại thấy “trật búa” được? Tôi vẫn cho là tôi đã làm đúng, làm được những gì tôi cần làm. Một điều cần nhấn mạnh, đó là xuất phát từ những rung động chân thành của tôi sau những ngày tháng làm phóng viên thời kỳ chiến tranh ác liệt đầu tiên, qua một số chiến trường thời đó, không vì một chỉ thị nào, một lý do chính trị nào.
Lê Thị Huệ: Nếu cuộc đời biến thành những chương tiểu thuyết. Hãy thử nói về cuộc đời như là những chương tiểu thuyết. Cái chết nào cũng là một cái chết. Cái chết của Miền Nam là một cái chết tức tưởi nhưng nó có cái đẹp tuyệt vời của một cái chết tức tưởi. Ông nghĩ đấy là một bất hạnh hay là một may mắn.
Văn Quang: Cái chết của miền Nam, như chị nói, tôi đã có nhiều thời gian gậm nhấm nó trong tù và ngoài đời, sau khi ở nhà tù ra. Tôi thường nghĩ, chẳng ai muốn tự tử cả. Cái chết bất đắc dĩ được báo trước đó không do miền Nam tạo ra. Người bạn “đồng minh thân thiết” của chúng tôi bỏ bạn, trong khi đối phương có tới 6 nước vẫn trung thành tiếp súng đạn thì “sáu thằng đánh một chẳng chột cũng què”. Và những “panic” từ Huế đến Pleiku, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình thuận vào đến TP. Sài Gòn đều do người bạn đồng minh của chúng tôi tạo ra. Gây hoảng loạn khắp nơi để tẩu thoát như một ván cờ thua. Điều đó rõ như ban ngày. Tôi so sánh với cuộc rút lui của quân đội Pháp sau khi ký hiệp định Geneve, dù sao thì mọi tổ chức cũng chu đáo hơn, có tình có lý hơn, nhân đạo hơn. Nếu người Mỹ vẫn tuyên truyền rằng “cộng sản chiếm được miền Nam thì Sài Gòn sẽ là một biển máu”. Vậy mà họ đã để lại chúng tôi bơi trong cái biển máu ấy, sau khi bí mật bắt tay đối phương. Có thể coi họ là đồng minh được không?
Vậy thì cái chết của miền Nam chỉ có thể coi là bất hạnh. Một kinh nghiệm cho những ai còn nuôi mộng lãnh đạo đất nước này.
Lê Thị Huệ: So sánh đời sống của ông bây giờ với đời sống trước năm 1975, ông phát biểu như thế nào. Tôi hỏi ông câu này với một thái độ rất trân trọng, vì ông là một tác giả hiếm hoi, ông sống sót và sống qua những giai đoạn khốc liệt ấy, mà vẫn viết với cái tên Văn Quang. Một Văn Quang lừng lững không thoả hiệp. Hình như ông là 1 tác giả độc nhất vô nhị viết và viết được trong cái thế sống vô cùngchênh vênh ấy.
Văn Quang: Thật ra ngay từ đầu, khi trả lời lá thư của Gio-O tôi đã thành thật thưa rằng “không thích nói về mình”. Nếu cần nói thì có rất nhiều điều phải nói, phải trả lời. Một người cầm bút nên để độc giả phán xét về mình hơn là những gì mình tự nói hoặc bị kẻ thù xuyên tạc.
Xin cảm ơn về những nhận xét của Gio-O dành cho riêng tôi. Vâng, tôi sống như vậy đấy. Chẳng có gì phải che giấu, chẳng có gì phải khiếp sợ nữa. Còn gì nữa đâu mà khiếp sợ và tôi không làm điếu gì xấu, không “phá hoại”… thì cứ lừng lững mà làm. “Danh chính ngôn thuận” và “đường ta ta cứ đi”. Cái gì có thật thì tôi viết. Không bới móc lung tung, không phao tin đồn nhảm. Quyền phê phán là của người dân. Quyền bất bình cũng là của người dân về những điều có thật đã và đang xảy ra.
Cũng có một số người viết như tôi đang có mặt ở miền Nam như Nguyễn Thụy Long, Đoàn Dự, Hàm Anh… và một số người không ký tên rõ rệt như người Tân Định, Người Sài Gòn… Và còn cả những người viết không thường xuyên, thỉnh thoảng mới có một vài bài. Những anh em đó cũng là những cây bút hoàn toàn độc lập. Mỗi người có một cách viết, cách lựa chọn đền tài và mức độ khác nhau. Chúng tôi có gặp nhau như những người bạn bình thường, nhưng không thảo luận về những gì mình sẽ viết. Do đó đôi khi có những đềtài trùng hợp, song mỗi người nhìn theo quan điểm của riêng mình. Được độc giả đón nhận như thế nào lại là chuyện khác. Có cố gắng tìm cách “ngoi lên” cũng chẳng được. Cách tốt hơn hết là cứ thành thật với chính mình, cứ thảnh thơi mà làm được việc mình muốn làm. Như tôi đã nói ở trên, sẵn sàng chấp nhận điều “rủi ro” sẽ đến vào bất kỳ lúc nào. Chấp nhận cả đòn hiểm của kẻ thù, của những kẻ đố kỵ, ghen ghét sảng. Cứ lo nghĩ đến nó thì thà xếp quách computer lại hoặc chỉ để ngồi chơi games, chơi “meo” cho xong. Xin tiền con hay đi đánh vi tính, làm lay-out thuê cũng đủ sống.
Có thể nói tôi đã tập được thói quen, không còn ngồi đó tiếc nuối dĩ vãng. Thời gian không bao giờ trở lại được. Tôi bằng lòng và thích ứng với những gì tôi đang có. Trước kia sống sung sướng hay bây giờ, tôi cũng chẳng biết nữa. Một điều đáng nói là không thể quên những người bạn cũ, dù còn sống ở bên kia hay đã mất. Đôi lúc ngơ ngẩn chỉ vì những thứ đó thôi.
Lê Thị Huệ: Một cách công bằng, ông có nhận xét gì về nền sáng tác Miền Nam 1955-1975.
Văn Quang: Về những sáng tác từ ở miền Nam từ 55-đến 75, tôi cho đó là thời kỳ sung sức nhất của những sáng tác của văn học Việt Nam từ trước tới nay. Kể cả về số chất lượng cũng như chất lượng,những vị đàn anh lớn tuổi cũng như những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ… mới xuất hiện. Một số tác phẩm văn học khổng lồ đã được trình diện, một số báo chí về mọi mặt từ trình độ cao đến bình dân đua nhau tự do cạnh tranh. Một số ca khúc trở thành “bất tử” dù cho nó đã bị khai tử nhiều lần. Cho đến bây giờ ở Việt Nam, rất nhiều tác phẩm từ thời đó vẫn còn nguyên giá trị, nó xuyên suốt qua mọi thời đại. Độc giả, khán thính giả từ thành thị tới thôn quê vẫn thưởng thức những món ăn tinh thần đó, chẳng cần ai khuyến khích, khuyến mãi.
Cách công bằng nhất để nhận định thì nhãy nhìn vào thị trường, nhìn vào sự trân trọng của người dân.
Mặt khác, việc xuất bản những tác phẩm văn học nghệ thuật hồi đó hình thành một trật tự hơn bây giờ. Kể cả sách xuất bản ở nước ngoài cũng như ở trong nước. Hầu như bây giờ, một số tác phẩm không còn mang đúng giá trị đúng như văn học định nghĩa. Nó là sách lam nham, ai có tiền thì cứ in. Vàng thau lẫn lộn, trong đó có những cuốn không đáng gọi là sách, có những bài không đáng gọi là bài. Điều này rất có hại cho những người trẻ tuổi, nhất là lớp mới lớn ở nước ngoài. Nếu đọc một cuốn sách lem nhem như thế họ sẽ nghĩ gì về những tác phẩm khác của ông cha, của những người đi trước?
Vì thế nên tôi vẫn cho rằng 20 năm văn học miền Nam 55-75 có nhiều tác phẩm giá trị hơn, dù cho có những tác phẩm chỉ có giá trị trong từng thời kỳ.
Lê Thị Huệ: Nhà văn Văn Quang, Giám đốc đài phát thanh Quân Đội, viết tiểu thuyết Chân Trời Tím, đi cải tạo mút mùa lệ thủy, không đi Mỹ theo diện HO (mà những người như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên còn không cưỡng lại sự tự do ở chân trời kia), còn Văn Quang không đi. Ở lại Việt Nam. Văn Quang là ai thế?
Văn Quang: Tôi vẫn cho rằng những người bạn tôi đi định cư hầu hết vì lo cho tương lai của con cái, cho cuộc sống gia đình hơn lo cho chính bản thân mình. Họ có lý do chính đáng để ra đi. Còn tôi, hầu như chẳng có lý do gì cả. Khi tôi ở trại tù ra, các con tôi đều đã định cư ở Mỹ, đi theo “diện vượt biên” và đi học ở Mỹ trước năm 75. Chỉ còn lại mình tôi. Đời sống kinh tế cũng lại bắt đầu ổn định, bằng việc học computer rồi ra “hành nghề” đánh vi tính thuê và làm lay-out cho các tiệm sách báo. Những nhà xuất bản tư nhân, những nhà làm quảng cáo chuyên nghiệp và cả những ông làm “báo lẻ” như Thanh Thương Hoàng, Thái Phương cũng đều thuê “công ty gia đình” của tôi làm hết. Hồi đó Sài Gòn chỉ có rất ít computer và người làm được công việc này càng hiếm. Cái may mắn của tôi là ngay khi ở trại tù ra, tôi đã tò mò đi học khóa computer đầu tiên vào những năm1989-90-91. Kể về chuyện đi học computer của tôi chẳng qua cũng là chuyện “bất đắc dĩ” và khá dài dòng, cười ra nước mắt. Tôi sẽ kể lại vào một dịp khác. Sau khi học xong vài khóa, tôi đã được các cháu ở Mỹ yểm trợ cho mấy cái computer và máy in laser để hành nghề. Công việc kiếm ăn khá phát đạt. Vì thế tôi thấy không cần phải đi đâu nữa cả. Hơn thế, bà xã của tôi và các cháu cũng đã “yên bề gia thất” nên tôi không muốn khuấy động cuộc sống của gia đình mình, gây thêm những thắc mắc vướng bận cho những người thân.
Ở đây cũng còn một số anh em sĩ quan cũ, sau khi ở tù ra rồi, cũng không đi theo diện HO. Dường như vấn đề kinh tế quyết định tất cả. Hầu hết những người ở lại đều có một cuộc sống tương đối ổn định hoặc có những trở ngại về gia đình, như con cái có vợ có chồng rồi không được đi theo… Mỗi người một hoàn cảnh.
Mặt khác, tôi nghĩ anh em ra đi nhiều rồi, tôi muốn ở lại để chứng kiến cho hết, cho đầy đủ những đổi thay. Đời sống lúc đó ở đây bấp bênh, rồi chao đảo vì Liên Xô tan rã, vì Đông Âu lập lờ… Cuộc sống “lên voi, xuống chó” quay quắt, nếu nhìn như một kẻ ngoài cuộc, nó sinh động hơn một sân khấu với đầy đủ bi hài kịch thú vị. Có quá nhiều đề tài mới lạ cho mình ghi nhận. Làm một nhân chứng sống có lẽ hay hơn. Và cũng vì sự “gậm nhấm” của tôi về “người bạn đồng minh” nên tôi quyết định ở lại.
Mãi tới sau này, một số không ít những người bạn tôi cho rằng tôi đã lựa chọn đúng. Riêng tôi, cho là một điều may mắn chứ chẳng ai tiên đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Nhưng nếu có sai, có bất cứ điều gì xảy ra, tôi không ân hận. Tôi hoàn toàn bằng lòng vì sự lựa chọn của mình. Và, tôi cũng vẫn cứ tiếp tục sống và viết như từ bao năm nay. Sẽ mãi mãi như thế cho đến khi bạn về đây sẽ gặp tên tôi với hai chữ “chi mộ”.
Xin cảm ơn bạn đọc đã đọc những hàng này. Đây cũng là dịp tôi có cơ hội được tâm sự với bạn đọc. Tôi cũng xin nói thêm là một tờ báo của người bạn tôi, sau khi đã có bài phỏng vấn tôi, đã gửi thêm một số câu hỏi khác đến, nhưng tôi chưa trả lời được. Tôi không viết hồi ký như một số bạn tôi thúc giục, trong một ngày gần đây, tôi sẽ dành cho tờ báo của người bạn tôi những chi tiết khác trong cuộc sống của tôi, thay cho cuốn hồi ký.
Cám ơn nhà văn Văn Quang
Lê Thị Huệ