có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 5 31, 2015

Tàn tro



Căn nhà số 2732 đường Cánh Cung trước đây có một dạo được thuê làm chùa. Người đứng ra thuê là bà Quảng, một phụ nữ đa mưu túc kế, miệng bằng tay, tay bằng miệng, te rẹt đầu trên xóm dưới với rất nhiều mưu ma chước quỉ, đa ngôn, đa sự, luồn lách cửa nọ cửa kia biến căn nhà thành một chỗ kiếm chác dưới danh nghĩa hành sự tôn giáo. Bà đem về một người cháu, cho mặc áo cà sa, cạo tóc nhẵn thính, đưa lên làm thầy trụ trì. Phần bà thì bà đi lo xin giấy phép hoạt động cho chùa, tổ chức các buổi cơm chay từ thiện, thuyết pháp, cứu trợ, mời mọc rất nhiều các quan chức tiếng tăm đến để tạo thanh thế. Trong cái hào quang được ngụy tạo như thế chùa của bà Quảng càng lúc càng thu hút được tín đồ khắp nơi đến phụng sự cái gọi là Phật Pháp. 

Đùng một cái, người cháu của bà Quảng tức thầy trụ trì giả mạo cuỗm một số tiền cúng dường rất lớn của bá tánh rồi trốn đi mất biệt. Dĩ nhiên là bà Quảng điêu đứng nhưng không chịu thua. Bà âm thầm vận chuyển tất cả tượng Phật, kinh sách, tranh ảnh, đèn đuốc, nồi niêu, xoong chảo, bếp núc, bàn ghế, tủ lớn, tủ nhỏ về một nơi thật xa và dự định đến khi nào chuyện cũ lắng xuống hố sâu quên lãng rồi thì chừng đó bà sẽ mở một ngôi chùa khác. Căn nhà 2732 giống như cô gái sau khi trút bỏ lớp phấn son lòe bịp thì trở về cái chân diện mạo của mình. Trong sân không còn chiếc xe nào đậu. Trước sau vắng lặng như tờ, không còn tiếng chuông tiếng mõ. Cỏ bắt đầu mọc cao. Những cây dại leo lên bờ tường chồm qua nhà hàng xóm. Cái cảnh nhà hoang vắng chủ từ từ trở thành nơi tụ tập của chuột, bọ, rắn, rết, bụi bặm và mạng nhện.

Việc vận chuyển đồ đạc đi nơi khác để trả lại nhà trống cho chủ cũng không phải là không có trở ngại. Số là trước đây chùa có nhận giữ tro cốt cho thân nhân của bất kỳ người nào muốn cất giữ. Nay chùa giải tán thì phải gọi những người này đến lấy những bình tro ấy lại. Bà Quảng phải lật sổ ra gọi từng người. Có người đến ngay. Có người hẹn lần hẹn lữa. Có người hai ba tháng mới đến lấy đem về. Một số người chưởi rủa bà Quảng thậm tệ vì họ đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để nhờ chùa giữ bình tro cho thân nhân họ trọn đời. Nay họ muốn đòi tiền lại, đâm ra cãi vả qua lại ỏm tỏi. Bà Quảng tránh mặt họ, họ chưởi lây qua ông Từ, người chủ căn nhà. Ông Từ rất khổ sở khi phải tiếp xúc với đám người này và rất bực mình khi phải gánh cái của nợ của người khác. Đương nhiên là ông không muốn giữ các bình tro đó làm gì. Ông muốn dọn dẹp căn nhà càng nhanh càng tốt, sơn phết lại rồi cho mướn tiếp hoặc bán đi. Dù gì đi nữa thì ông không thể bán hoặc cho mướn nếu còn những bình tro đó trong nhà. Hai tai ông đầy ắp những lời viện dẫn: “Con bận quá chú ơi. Chú cho con gởi tạm bình tro vài hôm rồi con tới lấy đem về.” “Em đang đi công tác. Anh làm ơn cho em vài tuần nữa rồi em tới lấy. Anh đừng lo. Không lẽ em bỏ luôn ba má em.” Ôi, hàng trăm, hàng ngàn lý do. Mệt muốn khùng. Ông thúc hối bà Quảng. Bà Quảng thúc hối thân nhân các bình tro. Sau bốn tháng thì các bình tro đã ra đi hết còn lại một bình vô thừa nhận không ai tới đem về. Số điện thoại của người gởi bình tro đã bị cắt. Bà Quảng thì trả lời ông Từ bằng một câu dấm dẳng trên điện thoại: “Tùy ông muốn làm gì làm. Muốn quăng muốn bỏ gì cũng được. Tôi sắp vào nhà thương điên rồi đây” xong cúp máy. Rồi sau đó số điện thoại của bà Quảng cũng bị cắt. Ông Từ không còn liên lạc được với ai nữa. 

Ông đành phải giữ lại cái bình tro vô thừa nhận ấy một cách bất đắc dĩ. Ông không dám quăng bỏ vì e rằng thân nhân của người chết biết đâu một ngày nào đó về đòi lại và tận cùng trong thâm tâm ông không nỡ quăng bỏ. Tội nghiệp người ta. Mà khổ nỗi, đem đi gởi ở đâu, dù là chùa hay nhà để cốt thì cũng phải tốn tiền. Chôn xuống đất cũng thấy ngại. Đem về nhà thì để ở đâu? Để trên bàn thờ chung với cha mẹ ông bà thì không đúng vì người ta có là cái gì của mình mà thờ. Để dưới garage thì e vô lễ với người chết. Vợ ông khó chịu ra mặt. Bà ấy bảo đem thả xuống biển cho rồi. Ông nói: “Thôi, tội nghiệp. Nhiều khi gia đình người ta kẹt chuyện gì chưa đến kịp. Cứ giữ tạm một thời gian xem sao.” Ông để bình tro lên nóc tủ trong nhà bếp. Vợ ông la oái oái như dẫm phải cọc nhọn: “Trời ơi. Đừng để nó ở đó. Tôi sợ lắm. Để ở đâu khuất mắt tôi thì để.” Suy nghĩ mãi cuối cùng ông Từ lấy ván đóng một cái kệ nhỏ giống như cái am thờ để tuốt góc vườn và đặt bình tro ở đó, dưới gốc cây lựu. Mỗi ngày ông rót cho người chết một chung trà, có khi đem ra chén cơm, dĩa bánh. Vợ ông ngoe nguẩy: “Ông thương người thì ông ráng chịu. Tôi không bước chân ra ngoài đó đâu. Nhìn con mắt nó liếc qua liếc lại tôi ớn lắm.”

Mắt người chết thì còn liếc gì được nữa mà liếc -ông Từ nghĩ- nhưng đó là một đôi mắt rất buồn. Ông nhìn vào di ảnh của người quá cố trên cái hũ bằng sành. Cô ấy tên Lê Thị Tâm, hưởng dương 24 tuổi. Sao mà tội vậy không biết. Ông nghĩ tới cha mẹ, anh em, chồng con người ấy nếu có. Những người đó đâu cả rồi? Sao lại nỡ bỏ quên người ta. Tội tình gì đến nỗi mạng vong khi còn quá trẻ mà rồi phải thất thểu lưu lạc, không yên mồ yên mả. Ông Từ thỉnh thoảng lấy giẻ ướt lau chùi bình tro cho thật sạch. Bụi hay bám vào những rãnh chạm khắc hoa văn. Ông lấy ngón tay rà rà trên mặt đá lạnh có bức chân dung người quá cố. Sao ra nông nỗi này cô ơi…

Đột nhiên, ông thảng thốt lặng người. Hình như bình tro nong nóng lên trong tay ông, làm như người trong ấy muốn thổ lộ mối ơn thầm… Hai mắt ông sụp xuống, nặng trĩu… Ông ghì lấy bình tro trong hai bàn tay chai cứng thô sần của ông. Trong một cách liên tưởng nào đó ông nghĩ đến bao chuyện đã xảy ra trong đời ông, những người ông thương yêu nhất, những người ông oán hận nhất, những lá thư, những mối tình, những yêu đương, ruồng rẫy,những giằng dưa vụng trộm, những quan hệ ruột rà thân thích, những sung sướng, những bất hạnh, những đau đớn, những vinh quang... nhiều vô số, đã vì lý do này, lý do kia mà hóa thành tro than như mớ tro than mà ông đang cầm giữ trong hai tay đây. Ông còn nhớ thuở nhỏ ông cùng đám con nít nghịch ngợm bắn nạng giàn thun vào một ông hàng xóm to bụng đang nằm ngủ trên ghế bố trước sân nhà. Người đàn ông này giật nẩy người lên, ôm lấy chỗ đau, té nhào xuống đất. Đám trẻ cười ré lên ù té chạy. Người ấy lồm cồm bò dậy vung tay vung chân chưởi bới om sòm. Ba ngày sau thì ông ấy chết. Hoàn toàn ngẫu nhiên. Cái chết của ông ấy có thể do một nguyên nhân chẳng ăn nhập gì đến cục đá và cái nạng giàn thun nhưng đã làm thằng bé bảy tuổi là ông lúc đó sợ điếng người và chẳng dám đi ngang căn nhà đó đến hàng tháng liền. Rồi sau đó mọi người quên đi. Chuyện đó, cũng như những chuyện khác dần dần trở thành tro than trong ký ức ông. Lớn lên ông vướng vào những người đàn bà. Có lần ông si mê một người học trò nhỏ hơn ông nhiều tuổi và đã có chồng. Ông dắt tay nó đi qua một con đường đất hai bên đầy hoa dại nhưng chưa đến cuối đường thì nó đã bỏ ông. Những lời cuối cùng nó nói: “Em thương thầy nhưng chuyện ấy thì không thể được.” Ông dẫm nát những bông hoa dại. Ông buồn nhưng không ghét nó. Sau này có ai hỏi về nó thì ông nói rằng nó đã chết rồi, đã hóa tro than rồi. Ôi, những tàn tro trong quá khứ của đời người, có cái đã nguội lạnh, có cái còn âm ỉ, có cái đã rớt chìm ở một cõi nào rồi, mãi mãi thất lạc, mãi mãi không còn lưu dấu, dù là một dấu bụi mờ, vất vưởng, xa xăm… Ông thì còn ngồi đây với mớ tàn tro của một người xa lạ đang nóng hổi trong tay ông, có phải vì đồng cảm với những nỗi niềm nào đó trong lòng ông hay không?

Đã ba mùa cây lựu thay lá. Những cái lá vàng nho nhỏ rơi xuống xung quanh bình tro quạnh quẽ. Cô Tâm đã tạm trú dưới gốc cây nhà ông Từ ba năm rồi. Nắng đến mưa đi. Không thấy ai đến nhận lại. Bà Quảng bặt vô âm tín. Ông Từ ẩn nhẫn chờ đợi. Lại ba năm nữa trôi qua. Vẫn không có người nào tìm đến. Ông Từ nghĩ bụng, thôi, vậy là người ta đã quên, quên sạch rồi. Thêm bốn năm nữa trôi qua. Mớ tàn tro vô chủ lạc loài ấy đã thật sự tàn rụi trong tâm khảm của những người còn sống. Ông Từ nghĩ cái duyên của mình với người khuất mặt nay đã đến lúc hạ hồi… Không còn lý do gì để ông bịn rịn với bình tro ấy nữa….

Ông Từ bỏ cái bình tro vào trong túi vải, quảy lên vai lễnh mễnh mang đi trong một buổi sớm trời đất yên lặng, yên lặng cho đến nỗi làm như ông không nghe được tiếng chân mình. Nắng lên rồi nắng xuống. Trời trong rồi trời đục. Ông cố làm cho xong một việc… Khi ông trở về nhà thì nắng đã tắt hẳn. Gió nhiều. Đầu cổ ông chèm bèm bụi cát, cái mệt nhọc còn lưu dấu trên làn da rám nắng, trên đôi giày đầy bùn đất và bông cỏ. Cái túi vải trên lưng xẹp lép không còn gì bên trong. Vợ ông trợn trạo hỏi: “Sao? Ông đem cái hủ đựng bánh của ông đi đâu rồi? Quăng xuống biển chưa?” Ông Từ chẳng nói chẳng rằng, lầm lũi tới bên gốc lựu lấy cái am thờ tủn mủn gỡ ra từng cây đinh, tháo rời từng miếng ván rồi quẳng vào đống gỗ tạp ở hông nhà, bên tai vẳng lại tiếng vợ ông the thé: “Để tôi cho người mai đến xúc đống gỗ ấy đi cho rồi.” Một lằn chớp nhay nháy ở đằng đông. Ông ngửa lên nhìn trời, chợt nhớ, lúc trước mỗi khi trời mưa ông phải lấy tấm nylon phủ lên cái am thờ, nay thì không cần nữa. Trong cái nhá nhem tối ông nhìn đống gỗ vứt chỏng chơ bừa bãi ngoài sân rồi thảng thốt đưa bàn tay vuốt những giọt nước mưa đang ríu rít chen nhau rơi xuống làm ướt nhẹp khuôn mặt mình…


Cao Thanh Phương Nghi
5/2015