“Bố ơi, hơn 6 giờ rồi. Bố dậy đi làm đi bố?”
“Hôm nay bố được nghỉ.”
Người con gái tuổi khó đoán, khoảng từ 20 đến 30, gầy gầy, cặp mắt hơi xếch và quá to so với khuôn mặt, tiếng nói rụt rè, nhỏ nhẹ. Người đàn ông đã lớn tuổi, tóc đen, gốc bạc, lông mày tiêu muối, nụ cười mệt nhọc. Hai bố con sống trong căn phòng nhỏ có hai cái giường chiếc kê sát nhau thành hình chữ L bọc lấy cái bàn viết cũ kỹ ngổn ngang giấy tờ, sách báo, ly, chén, nồi, niêu, đèn … và cạnh đó là cái tủ đứng nửa trên trang trí thành bàn thờ Phật, nửa dưới làm kệ sách. Ngoài ra còn có cái ghế quay bọc da có nhiều vết sờn, rách, đặt sát cửa ra vào, và cái tủ đựng áo quần nằm lẫn trong tường. Cô gái lại quay nhìn bố, có vẻ sốt ruột:
“ Chắc là bố đã bị …”
Cô buông thỏng câu nói, mắt mở to, chờ đợi.
Người đàn ông kéo chăn trùm kín đầu trả lời, tiếng nói khó nghe:
“À mà … có gì đâu. Bố nghỉ phép, nghỉ có mấy ngày thôi mà. Vài hôm nữa sẽ…” Tiếng nói đến ngang đó bỗng dứt ngang thay vào bằng một tràng ho khe khẽ.
Buổi sáng trời lạnh. Người con gái khoác thêm chiếc áo len cũ, lấy ly hứng đầy nước từ vòi nước nóng, đưa lên môi, uống chầm chậm. Lại giương cặp mắt sợ sệt hoang mang nhìn vào bố đang trùm kín chăn:
“Bố ơi, trời lạnh uống nước nóng nhiều vào thì … thì tốt, phải không bố. Cái đó gọi là tẩy, tẩy, tẩy …”
“Tẩy độc khu phong.”
“Dạ, tẩy độc khu phong. Mà bố này, bố đừng đùa nữa, kéo mền xuống cho con thấy mặt bố đi. Để rứa con sợ lắm. Bố ơi, bố đi làm đi bố.”
“Bố … bố đang được nghỉ phép. Rồi đi làm chớ sao lại không.”
*
Này cô bé, cô nghi ngờ tôi quá lắm rồi đó. Với cái giọng ấy, chắc chắn cô đinh ninh rằng tôi đã bị mất việc rồi chứ gì. Đã thế tôi sẽ tìm cách làm cho cô bị hố một chuyến. Chốc chiều cô về tôi sẽ làm bộ như tôi đã bị lây óp xem cô mở con mắt to lên đến thế nào. Tôi vẫn qúy cô, nhưng cô coi thường tôi, coi tôi như chiếc xe lửa trật đường rầy. Nhớ ngày xưa khi còn bé, còn ngơ ngác “như con nai vàng”, cô xem bố của cô như người tài giỏi về mọi mặt, mạnh nhất, tử tế nhất, cái gì cũng nhất. Những câu hỏi ngây ngô, hai con mắt trong veo, mấy chiếc răng cửa rụng đi mọc lại nửa chừng: “Cái ông da đen giỏi võ nhất thế giới đó có sợ bố không, hả bố?” “Cái TV hư bố cũng sửa được nhưng không có thì giờ nên phải kêu thợ tới, phải không bố?” … Còn mẹ cô thì nấu ăn ngon nhất, may áo đẹp nhất, đi chợ mua đồ về nhiều nhất, và cũng là người đẹp nhất, nghe bố.
Nhưng bố của cô nghĩ gì về cô? Bố thương cô một cách không bình thường. Hồi mẹ cô còn sống – có lẽ ra khi có chiến tranh anh phải chết trước em chứ, một ông làm thơ nào đó cũng có nói như vậy – vẫn bảo tôi đưa cô lên trang mà thờ mới hả lòng. Những câu nói không đầu không đuôi ngô nghê nghé ngọ tôi chỉ thoáng nghe vài âm thanh là đủ hiểu tất cả: muốn ăn cà rem cây hả, cho răng sún đi thêm? muốn bố công kênh lên vai để vói tay nghịch quạt máy ở trần nhà? muốn bố chở vespa một vòng trước khi chịu lên giường để mẹ đắp chăn dỗ ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng?
Rồi cô bé lớn lên một chút xíu, tôi đưa cô vào trường mẫu giáo. Những buổi sáng cô đi học, đưa cô đến trường, sáng nào cũng vậy, cổng trường khép lại, tôi thấy như vừa đánh mất một cái gì quý giá, nhìn theo đôi chân nhỏ loắt choắt chạy vào sân trường lạc lõng, mái tóc bumbê bay rối loạn, bàn tay tí hon cầm cuốn vở xốc xếch. Trước khi vô lớp, cô quay lại nhìn tôi đang đứng ngóng ngóng ngoài cổng, rồi òa khóc. Cô giáo từ trong lớp bước ra một tay kéo cô vào, tay kia xua tôi đi nhanh. Tôi phóng xe đến trường tôi dạy mà lòng dạ nôn nao. Những buổi trưa đón cô về, giờ tan trường của bố trễ hơn giờ tan học của con, cô bé đứng chờ một mình bên hàng cột dài nơi hành lang, nước mắt nhòe nhoẹt. Tôi xót xa. Về đến nhà cô thủ thỉ kể lể với mẹ tiếng được tiếng mất.
“Anh cho con đi học cái kiểu này không xong rồi. Lỡ anh bị đổi đi đơn vị xa Sài Gòn chắc anh sẽ phải đem nó đi theo. Cưng con như thế sau nó khổ.”
“Em ghen với nó sao?” tôi trêu.
“Vô duyên cảy. Ai thèm ghen. Ghen ai chứ ghen anh thêm tổn thọ. Học trò nữ quân nhân của anh lớn sầm sầm mà cứ lơn xơn tới thầy thầy em em, em cũng chẳng cần để tâm cho mệt, nữa là. Nhưng anh phải tập cho con nó bạo dạn, cho nó có bạn có bè. Lớn năm sáu tuổi mà nó không biết ai cả, không dám nói một câu nào với ai cả, ngoài bố mẹ. Anh có sống mãi để đeo theo nó suốt đời được không?”
“Thì anh cũng cưng em chứ có phải chỉ cưng nó thôi đâu. Thời buổi loạn lạc này cái sống cái chết đứng kề sát bên nhau khó thấy, dễ xẩy ra lộn lắm. Cho nên chăm chút cho nhau được ngày nào hay ngày ấy.” Tôi định trả lời với vợ tôi như thế, và tôi bỗng liên tưởng đến mấy câu thơ cổ mà tôi thuộc lòng từ hồi còn đi học:
Đành muôn kiếp chữ tình vẫn vậy
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau.
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu
Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung.
*
Em nói đúng, rốt cuộc anh không thể sống mãi bên nó được, phải xa em, xa cô bé. Anh vào tù lê lết hết trại tập trung này đến trại tập trung khác, để mẹ cô và cô bơ vơ giữa Sài Gòn đã mất. Cô bé có biết không, tôi như con thú quẫn chân mà không biết chạy đi đâu, không thể chạy đi đâu, chống chọi lại nghịch cảnh bằng cách cố coi linh hồn và thể xác của mình như của ai ai, gai đâm thủng bàn chân nhức nhối như đâm vào bàn chân của người khác, đừng nhăn nhó, đau đớn, cách biệt mẹ cô và cô như xa cách người lạ, đừng bận tâm, lo lắng, đầu óc hãy cứ lú lẫn, trì độn, đặc sệt, đừng nhớ chuyện gì nữa.
Nhưng cơn sợ thỉnh thoảng vẫn tới. Những buổi trưa vắng và im, trời nắng bàng bạc khắp nơi, gió hiu hiu lay động bụi cây lá cỏ, một mình bố cô lẫn lút đi kiếm lá tàu bay, lá càng cua, hoặc rau dền hoang đem về luộc ăn thêm, chợt nghe tiếng chim quyên, hay từ quy, hay quốc quốc, kêu thê thiết. Tiếng kêu lẻ loi cứ đuổi theo bố khẽ vang vang lên từ cành cây này đến cành cây khác, rền rĩ, ray rứt như không bao giờ nguôi. Bỗng dưng tay chân bố rã rời, đầu óc bố loãng ra như bốc hơi để hòa lẫn vào tiếng chim bay đi tìm hồn những người bạn của ngày hôm qua, của những năm tháng cũ, trong đó lại có cả hồn cô bé hiện lên rực rỡ. Thế là cô bé không còn ở trên cõi đời này nữa chứ gì! Vâng, không có bố làm sao cô sống nổi. Em tha lỗi cho anh nhé, anh vẫn nghĩ rằng em cương nghị và vững vàng như thế thì không thể nào chết trước anh được, anh chỉ lo ngại cho cô bé. Ngờ đâu. Và đến khi em mất vì bạo bệnh khi anh còn ở trong tù, nó được gởi về ngoại, anh mới biết rằng nó thương mẹ hơn thương bố. Có phải không con?
Tôi phải tìm cách nào thay thế cho cả mẹ lẫn bố của cô, và phải luôn luôn nhớ lời mẹ cô dặn, “bố đâu sống mãi được với con”. Nhưng đồng thời tôi cũng chưa dám hình dung cái cảnh cô phải sống một mình trên cõi đời này không có bố lẫn mẹ. Cô phải xoay xở như thế nào đây? Cô phải bạo dạn hơn nhiều, cô phải từng bước tập sống tự lập, tập chịu đựng những điều bất như ý, tập đối phó với nghịch cảnh, với sự thô lỗ, cục cằn, hoặc tàn bạo, tập dạn dày, trâng tráo. Rồi cô phải có bạn trai, phải biết đến tình yêu đôi lứa, rồi vợ chồng, con cái, đủ thứ. Cho nên tôi phải buộc lòng đổi cách cư xử của tôi đối với cô. Phải chi mẹ cô còn sống để chứng kiến được sự thay đổi lớn lao nơi bố. Tôi muốn cô tập tành quá nhiều chuyện trong một thời gian quá ngắn chẳng qua là vì tôi đã đánh mất quá nhiều thì giờ. Tôi sợ mọi chuyện đến quá trễ vì biết đâu tôi lại sẽ đi theo mẹ cô một ngày nào không xa.
Cô kinh ngạc trước những thay đổi nơi tôi, tôi biết lắm. Tôi cũng biết rằng cô oán tôi. Con mắt cô giận dỗi hay căm hờn? Cái nhìn tinh nghịch hay kháng cự? Nụ cười chịu đựng, khoan dung hay lặng lẽ, khinh bỉ? Cái biên giới giữa những thứ đó mơ hồ quá, tôi không muốn phân biệt rạch ròi, chỉ có một điều tôi chắc chắn là cô cứng cáp dần ra và khoảng cách giữa cô và tôi xa dần. Đó là điều tôi tiên đoán được và vừa mong muốn vừa lo sợ sẽ xảy ra. Hồi chưa qua đây, mấy lần cô đi học về trễ, quá trễ, mặt mày hốc hác, sợ sệt, con của bố có bao giờ tự tín đâu, ráng lên đi con, tôi làm bộ hỏi han chiếu lệ, cô thì nói vờ vịt quanh co, nhưng tôi đoán rằng cô đã có bạn trai. Cô đã là một thiếu nữ rồi mà. Những hôm cô nằm trằn trọc suốt đêm, tôi cũng không thể nào ngủ được. Tôi càng nghĩ đến mẹ cô. Phải chi mẹ cô còn sống để cô có người mà cô có thể bày tỏ nỗi lòng, có cố vấn về những điều tôi không hề biết đến.
Qua đến bên này, cô càng cứng cỏi hơn và xa cách tôi hơn. Ngoài bao nhiêu điều cô bực bội vì tôi, cô đã bắt đầu vỡ mộng trước một ông bố như một cây già bị bứng khỏi mảnh đất quen thuộc cũ rồi, lỗi thời rồi, không hợp phong thổ rồi, phải nhuộm tóc để đánh lừa mình, đánh lừa người, mong nhờ thế mới có thể đi kiếm việc làm ở nấc thang cuối cùng trong xã hội mới. Thế mà bố lại mất việc, sáng nay nằm trùm chăn không chịu dậy, bố còn vờ vĩnh bảo rằng được mấy ngày nghỉ phép, con nghĩ như thế, phải không con?
*
Còn hai chuyến xe buýt nữa là mình đến sở làm. Ở đất Mỹ mới nửa năm mà đã hai lần thay đổi công việc, hay nói đúng hơn, đã hai lần bị sa thải. Bây giờ mình phải cố gắng hết sức để giữ cho được lâu việc làm khá ổn định này. Bố thật buồn cười, mất việc thì cứ nói là mất, lại còn ngượng với con, giấu đầu lòi đuôi. Chỉ có hai bố con sống với nhau mà không chịu gần gũi nhau, không chịu tin nhau. Dường như mình có ý nghĩ bất kính đối với bố. Bố thay đổi nhiều quá từ ngày mẹ mất. Trước kia con cứ nghĩ rằng bố quý con hơn tất cả mọi thứ trên đời. Thật ra, bố chỉ quý mẹ thôi. Con chỉ là cái giá để bố treo hình ảnh của mẹ lên mà ngắm nghía. Mẹ ra đi mang theo tất cả, cuốn trọn hết tình cảm của bố, để trơ lại con tồi tàn, ghẻ lạnh. Số phận mình như thế mình đành chịu vậy, nhưng về phần bố, tại sao bố thay đổi quá lắm thế, nhất là từ ngày qua bên này. Một người hào hoa phong nhã biến thành một người lụm cụm nói năng ậm à, một giáo sư Anh Văn có hạng trước kia mà nay cứ ưa phát âm kỳ cục, nào mình H.O. trọc không có “bông-xo”, nào “rốp” nào cũng được miễn lâu lâu một chút chớ đừng “tăm-bô-ri”, nào đã bắt đầu dán “la-bồ” quen tay, nào hãng được dời về đường “Ha Bo” gần nhà hơn, cũng đỡ khổ. Quen tay đâu chẳng thấy chỉ thấy mất việc rồi. Dường như bố muốn quên hết chuyện cũ, muốn xóa bỏ lý lịch của mình đi. Nhưng nghĩ cho kỹ bố còn làm được việc gì trên đất nước trẻ trung này ở tuổi già ấy? Làm sao bố có thể bắt đầu lại cuộc đời?
Ham nghĩ lang bang hết chuyện nọ đến chuyện kia, mình đi quá trạm phải xuống xe buýt lúc nào không hay. Chết rồi, phải làm sao đây? Trạm kế tiếp là trạm nào? Từ trạm kế tiếp làm sao biết đường đi đến sở? Phải đáp chuyến xe nào thì đúng? Đường sá chằng chịt, rối nùi, phương hướng quay cuồng, đảo lộn. Ruột gan mình nóng như lửa đốt. Nhưng phải lấy lại bình tĩnh mới được. Người hành khách ngồi ghế bên cạnh cứ nhìn mình chừng chừng, chắc hắn biết mình đang hoảng hốt. Trông hắn ghê khiếp, cặp mắt trắng dã như mắt cá ươn, râu tóc đỏ hoe đâm tua tủa. Mình không dám nhìn hắn kỹ, mắt nhìn thẳng đằng trước cố làm mặt tỉnh, thế mà cứ mỗi lần mình liếc qua thì y như rằng gặp ngay hai con mắt đục ngầu chờ sẵn. Hắn ngồi cản lối ra. Mà cho dù không có hắn ngồi đó, mình cũng không biết phải làm gì. Xuống xe tại trạm ngừng sắp tới chăng? Xuống rồi đi đâu? Chắc chắn lạc đường! Nguy hiểm quá! Cảnh vật lạ lùng, xe cộ quay cuồng đến chóng mặt. Và phố phường thì lạnh lẽo, cứng như sắt, như đá, không còn nghe âm thanh nào lọt tai, không còn thấy hình dáng nào quen thuộc. Không có tiếng còi xe gọi nhau, không có tiếng người cười nói, tiếng rao quà, rao cà rem, tiếng chim kêu, tiếng chó sủa, gà gáy. Không thấy chiếc nón lá nào, chiếc xích lô nào, tà áo dài nào, gánh gánh nào, hàng quán bên đường nào. Những khối bê-tông cốt sắt lầm lì, những hàng cây thẳng tắp, những con đường dài hun hút.
Giờ này hãng đã đóng cổng không cho những người đi trễ quá 15 phút vào làm việc thì dù mình có mọc cánh và biết chỗ bay đến đúng nơi cũng không còn kịp nữa. Huống là. Biết làm sao hả mẹ, hả bố? Về nhà? Làm sao đi về? Hay là … hay là mình cứ ngồi lì đến trạm cuối, rồi thế nào xe cũng sẽ chở mình trở lại nhà ga trung ương, may ra từ đó mình có thể kiếm đúng xe về lại sở xem sao. Bỗng hắn nói lầm bầm một mình hay là hắn đang muốn nói gì với mình chăng? Mình mù tịt chẳng hiểu gì cả, chỉ còn cách là ngồi yên nhìn thẳng phía trước. Những công việc như may vá, đóng gói, dán nhãn hiệu, lắp ráp trên bảng điện tử dưới quyền những con nhỏ bạn Việt Nam, không giúp cho tiếng Anh “sách vở” của mình tiến bộ lên chút nào, làm sao mình hiểu được tiếng Anh của hắn. Chắc là hắn đang nói những câu trêu ghẹo tục tằn. Có lẽ đàn ông ở đâu cũng vậy, hễ gặp người đàn bà cô thế là giở trò.
Chiếc xe này đang chạy quanh chăng, sao mãi mà không tới trạm cuối cùng. Ngoài cửa xe đang trải dài quang cảnh lạ lùng chỉ thấy trong những phim ghê rợn: những vườn cam rộng bao la cây đứng nghiêm thành hàng thành lối, trái chín vàng một phần chen lẫn trong lá xanh và phần lớn đã rụng nằm la liệt trên mặt đất dưới trời nắng mênh mông, không một bóng người chăm sóc, không một bóng người thu hoạch. Như rừng cam không có chủ. Vắng lặng đến sởn tóc gáy. Như cảnh chết đứng.
Hồi còn ở bên nhà, mình cũng đã có lần trải qua những buổi chiều tối kinh khiếp trước khi đi Mỹ. Đi học về phải đạp xe qua một quãng đường dài vắng không đèn. Bánh xe đạp lăn trên đường nhựa lâu ngày chỉ còn trơ sỏi cát nghe rào rạo như tiếng xay lúa ở nhà quê. Trời tối dần. Bỗng có tiếng bánh xe lăn đằng sau. Chiếc xe đạp đằng sau thu ngắn khoảng cách nhưng vẫn không chịu qua mặt. Rồi có tiếng nói lầm bầm, tiếng nói cứ gần mãi như sát bên tai của mình. Mình sợ quá không dám quay đầu lại, cố làm bộ tỉnh bơ, hai chân muốn cứng đơ nhưng cũng cố đạp xe đều đều như cái máy, trong khi tai vẫn nghe rõ từng tiếng, từng lời của hắn, những câu nói tục tằn lạ lùng mình mới nghe lần đầu trong đời, những câu nói mà mình không dám nhớ, không dám nói cho bố nghe, không dám kể cho ai cả. Chắc hắn là thằng điên. Hắn cứ lảm nhảm như nói một mình, mà thật ra hắn đang nói với mình đó, mình cảm thấy cả hơi thở nóng của hắn hà vào tai. Đến hẻm vào nhà, mình không dám đạp xe chậm lại để rẽ vào. Mình có linh cảm rằng hễ nó nhận ra được mình có một cử chỉ nào khác, chẳng hạn giảm bớt tốc độ, dừng xe, là tai họa sẽ ập đến ngay. Mình cố tiếp tục đạp đều đều, hai chân bỗng rã rời. May quá, quãng đường tiếp theo có ánh đèn hiện ra, có mấy quán ăn đêm xúm xít bên góc chợ nhỏ, có tiếng loa phóng thanh ồn ào phát ra những khẩu hiệu động viên sản xuất, mình liền dừng xe lại ghé ngay vào một tiệm nước, gọi ly trà đá, ngồi lỳ ở đó hàng giờ sau khi đã thấy hắn phóng xe vào ngõ tối. Vậy mà về đến nhà mình đâu có dám nói gì với bố trước cái nhìn là lạ của bố. Mình cứ ngập ngừng mãi. Bố nhìn mình nghi ngờ, cười mà không ra cười. Mẹ đâu rồi hả mẹ!
Những hôm sau hắn cũng đuổi theo bắt đầu từ quãng đường không đèn. Chắc mình không thể nào thoát khỏi tay hắn. Dọn nhà đi nơi khác đi bố, nhưng chắc chắn là bố không chịu đâu. Biết làm sao đây! Mình chịu trận như thế đến mấy ngày, hết muốn nổi, thì may quá, chàng xuất hiện. Tối hôm đó mình nhận ra có hai chiếc xe chạy theo, chứ không phải chỉ một. Hai chân mình đang đạp đều đều bỗng như tê dại. Cuối cùng tai họa sắp xảy đến sao, mình hoảng hốt nhận ra thế. Bỗng nhiên tiếng lảm nhảm tục tĩu bị cắt ngang, tiếng bánh xe đằng sau nhỏ dần, rồi tiếng bánh xe khác tiến lên và giữ một khoảng cách khá xa. Tiếp đó là im lặng. Đến hẻm dẫn vào nhà mình đánh liều đạp chậm lại, vẫn không dám nhìn lui, rồi quẹo nhanh ở đầu hẻm, và thoát nạn.
Chiếc xe buýt vượt qua khỏi vùng có nhiều nhà máy lớn, những ống khói sắp thành hàng dài mút mắt. Đằng xa, chân trời xanh biếc một màu, nhìn kỹ thấy biển và sóng bạc đầu. Hành khách ngồi ở những băng ghế trước đều đã xuống xe, người bước lên xe chỉ lác đác, rồi thôi hẳn. Các băng sau như thế nào, có đông người hay không, mình chưa dám quay đầu nhìn. Hắn ngồi bên cạnh nãy giờ im lặng. Có chàng ngồi ở đằng sau canh chừng chăng, biết đâu. Như ngày xưa chàng đột ngột xuất hiện.
Mình được thấy chàng hôm cuối cùng. Cũng như mọi khi, đạp xe qua quãng đường không đèn một đoạn ngắn, mình nghe tiếng bánh xe theo sau, lần này nghe gần hơn những hôm trước. Mình không sợ, hình như còn vui mừng là đằng khác. Nhưng lỡ không phải chàng thì sao? Không, không thể nào như thế được, chàng đã đi theo mình hơn một tuần lễ rồi, kẻ trước người sau, lặng lẽ, tin cẩn. Mình đạp xe đều đều, thong thả, có phần chậm nữa, thế mà chàng vẫn giữ một khoảng cách. Mình chưa có bạn trai và hình như mình chưa dám có. Dường như mình không có nhan sắc, lại thêm nhút nhát, rụt rè, vụng về, và nhất là vô duyên. Thỉnh thoảng tự ngắm nghía trong gương, mình ngượng. Nhưng mình thích gọi như thế một mình, chàng. Tiếng “chàng” nghe vang dội trong lòng êm như một giấc mộng đang xây. Mộng thôi nhé, chàng của tôi, của em, không có thực đâu.
Xe sắp đến ngõ rẽ vào nhà, bỗng nhiên mình nhận ra chàng muốn tiến lại gần hơn, rồi đột nhiên mình quay lại nhìn chàng không chút sợ sệt. Chàng đang chờ đợi cái nhìn của mình. Trong bóng tối, mình mơ hồ thấy chàng cười nhẹ, cười nhưng đôi mắt bình thản đến lạnh lùng. Mình chậm rãi quẹo xe vào ngõ hẽm, cảm thấy xót xa rằng thôi thế là hết. Vĩnh biệt! Hình như chàng khá lớn tuổi, và tật nguyền. Chàng đạp xe bằng một chân, chân kia duỗi thẳng. Không hiểu sao mình có linh cảm rằng chàng là một quân nhân còn sót lại của đoàn quân thất trận. Và chàng sắp đi xa. Quả thật từ đó về sau mình không bao giờ có dịp được nghe lại tiếng xe đạp theo sau trên con đường tối. Này bố, con không hiểu đâu vào đâu cả. Bố cho con lời giải đáp đi.
Chiếc xe buýt dừng lại bên cạnh một tòa nhà rộng lớn, người tài xế thong thả đứng lên khỏi ghế ngồi, hai tay xoa vào nhau rồi quay đầu nhìn lui. Hẳn đây là trạm cuối. Tim mình đập mạnh trong lồng ngực. Mình quay nhìn. Không còn ai ngồi ở những hàng ghế sau. Không có chàng! Bố ơi, con bơ vơ quá. Trên xe chỉ có hắn và mình. Nỗi kinh hoàng tỏa ra nhanh khiến mình co rúm cả người lại. Người tài xế bước vội đến nói với hắn một tràng dài, và những tràng dài của hắn nói lại dường như trả lời được một điều gì đó. Hai người lại bắt tay nhau nói cười vui vẻ, rồi hắn, rồi người hành khách râu ria đó, thủng thẳng xuống xe sau khi nhìn mình lần chót bằng cặp mắt đục ngầu và buồn. Dường như người nào có con mắt buồn như thế thì không làm chuyện gì hung dữ. Xin lỗi anh, tôi nghĩ oan cho anh.
*
Cú điện thoại trưa nay làm đảo lộn hết mọi sự vờ vĩnh của bố cô rồi. Cô không bị hố, ngược lại, bố cô mới là kẻ sắp lâm vào tình thế khó ăn khó nói với cô. Cô bé trưởng toán “dán nhãn hàng” báo cho bố biết bố sắp nhận chi phiếu của 95 giờ làm việc kể cả giờ làm phụ trội và mấy giờ nghỉ phép có lương, được chiết tính đầy đủ. Xong xuôi đâu đấy, bố tạm nghỉ việc cho đến khi nào có tin tức gì mới mẻ. Cho nên tôi không thể không nghĩ đến cô, đôi mắt sắp mở to sợ hãi, ngạc nhiên. Cô sẽ nhìn tôi thông cảm hay khó chịu, cô sẽ hỏi han ân cần hay nói bóng gió vẩn vơ. Nhưng không sao, tôi đã sắp đặt xong mọi chuyện.
Cuối cùng mình cũng đã trở về được trạm xe buýt trung ương, tìm cách hỏi han một chốc lâu, chọn được chuyến xe đi đến hướng sở làm. Cổng công ty đóng kín bưng, mình đánh liều bấm chuông nhiều lần. Gần nửa tiếng sau, đến giờ “lunch”, mình được mở cửa cho vào. Người trưởng toán có ít thì giờ quá, buổi trưa còn phải ăn uống rồi nghỉ ngơi, không để mình giải thích, phân trần, mà mình cũng không biết nói thế nào cho người ta hiểu. Anh ta không tỏ ra khó chịu, thản nhiên bảo mình cứ yên tâm về nhà, công ty sẽ gọi lại nếu … nếu.
Hơn hai giờ chiều cùng ngày, người con gái về đến nhà, trông hốc hác như người bệnh nặng vừa mới trở lại ăn uống trả bữa. Người đàn ông mở cửa đón con vào, vẻ mặt lạnh lùng:
“Bố có chuyện muốn nói với cô. Hôm nay được về sớm hả? Ăn uống gì chưa?”
“Dạ.”
“Dạ là thế nào?”
“Dạ bố có chuyện gì cứ nói con nghe.” Giọng nói với bố của cô gái lần đầu tiên có vẻ hơi gay gắt.
“Bố tính kỹ rồi, bố không ở đây nữa. Bố sẽ đi Oklahoma hay Iowa kiếm việc làm. Ở hai tiểu bang đó họ cần người chặt thịt bò. Công việc có quanh năm.”
“Nhưng bố chặt thịt sao nổi!”
“Để bố nói hết. Hoặc là đi Alaska. Trời sinh voi trời sinh cỏ.”
Người con gái tỏ vẻ sốt ruột:
“Này, bố đừng đùa giỡn nữa bố. Trên đó làm gì có voi với cỏ. Chỉ có chó sói và tuyết thôi.”
Người đàn ông, mặt rắn đanh lại, cố nén cơn giận:
“A cái cô này, cô cho rằng tôi không thể nói chuyện đàng hoàng được nữa sao. Chỉ biết đùa giỡn thôi à?”
Cô gái khựng lại, ngập ngừng đáp:
“Con xin lỗi bố, nhưng con định nói bố có thể kiếm việc khác ở đây. Chẳng hạn đi cắt chỉ ở những sóp may Việt Nam mỗi ngày cũng kiếm được năm, bảy đồng. Con nhỏ bạn …”
Người đàn ông ngắt lời:
“Không! Không. Tôi chán hết mọi thứ rồi. Này con, bố không muốn trở thành gánh nặng cho con … cho cho ai cả. Đi Alaska đánh cá, có nhiều công ty đánh cá trên đó, bố đã hỏi kỹ. Bố đã quyết định dứt khoát, cuối tuần này đi.”
Người con gái giật mình, mở to mắt, mặt tái mét. Bố cô dịu giọng nói tiếp:
“Con sao vậy? Con ở đây làm ăn vài ba năm dành dụm tiền ghi danh học tiếp cho có tương lai. Nước Mỹ là đất nước của tuổi trẻ. Còn người như bố, nói làm gì. Rồi bố sẽ về.”
Cô gái càng hoảng hốt hơn, hai tay vịn vào chiếc ghế quay, nói lắp bắp:
“Bố về? Về đâu? Bố về về về Việt Nam hả? Như bác, bác, con quên tên tên mất rồi? Con, con …”
Cô gái không nói hết câu, nước mắt lặng lẽ ứa ra, chảy xuống má, xuống cằm. Hai bố con cúi đầu nhìn xuống đất.
Sau một khoảnh khắc ngắn, người đàn ông bỏ hẳn thái độ lạnh lùng, nhìn con âu yếm:
“Về đây với con, chứ còn về đâu. Về Việt Nam làm gì. Khi nào hết … rồi hãy về, bố muốn nói hết Cộng Sản hãy về. À mà … mình còn ai ở Việt Nam không? Bà con, bạn bè đã bỏ đi tứ tán khắp nơi trên thế giới về đó còn ai. Ở đây bố chẳng biết làm gì nhưng về thì … con có về không? Nếu con về, bố theo con. Nghĩa là khi nào có thay đổi bên nhà.”
Người con gái lấy mảnh khăn giấy chặm nước mắt, mỉm cười, nụ cười hiếm hoi hiện lên khuôn mặt gầy và tái xanh với đôi mắt mở to ngơ ngác, sợ hãi. Tuy nhiên gương mặt có sáng lên một chút. Cô nhìn lại bố thật lâu, lẩm bẩm:
“Đúng thế, phải có cha có con…”
“Con nói gì hả con, bố không nghe rõ.”
“Dạ, dạ. Con nói bố cho con theo bố lên Alaska với. Nghe bố.”
Ngự Thuyết