có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 2 28, 2015

Về Bạc Liêu, nhớ gánh hàng rong




Người dân xứ muối hiền hòa
Bạc Liêu công tử đồn xa đồn gần
Vườn Chim, biển Nhãn, chợ Lồng
Cầu Quay vẫn đó, chùa Ông Bổn còn
Trường Tương Lai ở bên sông
Trường Công Lập ở theo đường bờ sông
Vang danh hủ tíu, cháo lòng
Bún nước lèo nổi tiếng ngon vô cùng
Giựt giàn Tháng Bảy Vu Lan
Cúng cô hồn để làm ăn phát tài
Ruộng đồng thẳng cánh cò bay
Thương hồ tụ lại Giá Rai, Hộ Phòng
Ai về xứ Bạc qua sông
Năm Căn còn nhớ, Xóm Làng còn thương?
Tha hương quê quán vấn vương
Ai về cho gởi nỗi buồn nhớ quê.

(“Nhớ Về Xứ Bạc,” 6 tháng 3, 2014)


Nhớ về Bạc Liêu, nhắc đến Bạc Liêu, tôi chưa nghe ai nói đến những người bán hàng rong cất tiếng rao lanh lảnh giữa buổi trưa buồn trên Hè phố, hoặc những quang gánh đặt bán cố định nơi góc đường nào đó quanh phố chợ Bạc Liêu. Tôi thường hay kể cho những người bạn tò mò về Bạc Liêu nhỏ bé của tôi nghe về những nhân vật bán hàng rong bằng trí nhớ ghi nhận từ thơ ấu lúc còn thời bình sống yên ấm tại đất Bạc, vẫn còn in sâu đậm theo tuổi tác chồng chất ly hương.

Đối với tôi, những nhân vật ấy gần như là “truyền kỳ,” gần như những “chuyện cổ tích” bất diệt trong tâm hồn mỗi khi bơi ngược ký ức thả hồn bâng khuâng nhớ về một thời thơ dại hoa mộng, hàng bánh, xóm giềng. Năm nay, nhân dịp Xuân về, nhớ lại một thời đã sinh ra và lớn lên trên đất Bạc Liêu hiền hòa, tôi ghi lại một số nhân vật truyền kỳ gánh hàng rong mà đối với tôi, họ như những ông tiên những bà tiên ngọt ngào quà bánh, những người đã góp phần cho cái xứ “nắng bụi mưa sình” có được những kỷ niệm quý giá êm đềm trong tuổi thơ ngây học trò còn nằm trong ký ức, và xin tặng cho những đứa con rời xa quê cha đất mẹ nhưng suốt đời ôm nỗi nhớ thương…

***

Lúc tôi học tiểu học tỉnh lỵ, mấy mẹ con ở căn nhà nhỏ trong dãy phố 10 căn nằm trên đường Trương Vĩnh Ký. Xóm giềng ngang mặt nhà là tiệm xe đạp Hồng Hưng, nhà in Nguyễn Lộc Tiếng kỳ cựu và gia đình trí thức, và tiệm vàng nhỏ nằm giữa, đối mặt nhà tôi mà tôi đã quên tên hiệu (Phương?) nhưng nhớ rõ hai chị mình là bạn của các chị bên nhà đó. Tiệm vàng Kim Long mà nay đã tạo lại sự nghiệp vững vàng ở Litte Saigon nằm trong khu Phước Lộc Thọ. Điều tôi nể phục ông bà chủ Kim Long là vẫn lấy tên hiệu tiệm vàng của mình kèm thêm tên tỉnh nhà: “Kim Loon Bạc Liêu.”

Cùng dãy nhà tôi có A Chệt bán guốc sát bên phải, tiệm bánh Đại Xương bên trái rồi kế là tiệm sách Mỹ Nguyên có cô con út rất đẹp từ khi trổ mã được các chàng học sinh đến chiếu cố thường xuyên. Sau này lớn lên, cô được gả cho con nhà giàu là chủ một cây xăng lớn. Rồi đến tiệm đóng giày của chú Sủ, tới tiệm vàng Phan Văn Sáu… Tôi cũng không quên, dãy phố 10 căn này nhà không có cửa hậu, có một nhà cầu chung bằng thùng nằm giữa dãy phố trong cái hẻm chật hẹp giữa hai căn nhà, trong đó là đường mương xả nước dồn từ các nhà chảy tới, dẫn ra ống cống lớn ngoài đường. Kế bên hẻm đó là nhà chuyên lợp dù che nắng che mưa. Một ông già Tàu vài bữa lại đến đổi và gánh đi thùng phân, ông cũng thường xuyên gánh cặp thùng đi quanh phố xin cơm thừa cá cặn đem về nuôi heo. Ông sống bằng nghề làm rẫy, nhà rất nghèo bên kia cầu quay.

Lúc đó, khoảng năm 1960, chưa có giờ giới nghiêm, mỗi đêm người ta đi coi hát bóng ở rạp Nam Tiến hoặc Hòa Bình hay coi cải lương ở rạp Chung Bá do ông Chung Bá Vạn lập ra, khi vãn hát, người ra về đông đảo thường đi qua đường Trương Vĩnh Ký ngang nhà tôi vì đây là con đường xương sống trung tâm, tập trung buôn bán nên sáng sủa hơn các đường khác. Thỉnh thoảng, ty vệ sinh vét cống rửa đường, dùng vòi rồng xịt nước.

Đời sống dân phố chợ êm đềm, sinh hoạt lặp đi lặp lại đều đặn mỗi ngày gần như không thay đổi. Buổi trưa, hai lề đường phố vắng vẻ, trừ mùa Hè con nít đổ ra chơi giỡn om xòm; nhưng ban đêm mát mẻ nên đám nhi đồng ồn ào cả xóm với những trò chơi náo nhiệt của chúng, từ nhảy dây, bắn đạn, co đầu gối đá gà, đánh hưng, rượt bắt v.v.. còn phe gái nhí đánh đũa, nhảy dây, đánh búng bằng hột me hay hột trái diếc, tụ năm tụ ba ăn quà vặt và kể chuyện ma. Lúc đường vắng xe, mấy anh chị lớn đá cầu lông hay đánh vũ cầu, chơi lấn ra ngoài lộ. Đừng xem thường đám con nít ồn ào này, chúng là khách hàng số một của mấy gánh hàng rong.

Những người bán hàng rong trước tiên đi qua các đường phố chính trong chợ (chữ “chợ” đây chỉ phố xá, người nhà quê khi nói “ra chợ” còn có nghĩa là ra phố chợ, đến nơi thị tứ của tỉnh nhà), vì nơi đó con em của dân ngoài phố được nuông chìu hơn, nhà có tiền dễ cho con ăn hàng ăn bánh. Buổi sáng sớm, trẻ nhỏ chưa đến tuổi đi học nô đùa vang rân trong xóm hoặc bắt ghế ngồi ngóng cổ chờ quà bánh đi ngang. Ban trưa chè bánh khác, buổi xế lại nghe rao những món khác, buổi chiều món khác, buổi tối món khác, khuya món khác. Cứ đều đặn và không thay đổi, một ngày như mọi ngày. Giờ giấc xuất hiện của những gánh hàng rong đều được trẻ con trong xóm biết rõ, hễ thích món gì thì chờ đến giờ đón là được. Những nhân vật hàng rong bán quanh năm suốt tháng, yên phận và vui vẻ, bán chỉ một món ăn vặt năm này qua năm nọ, năm mười năm, suốt đời, đến già chết thôi. Vì vậy làm sao quên được họ.

Tôi nhớ bà cụ tóc bạc trắng hớt sát gần như trọc đầu, bán xôi vò cơm rượu cho đến khi bà quá già vẫn bán, đến chết thôi. Bà ăn mặc sạch sẽ, chiếc áo bà ba luôn trắng tinh, vắt cái khăn rằn sọc đỏ cũng mới au. Với chiếc rổ trong đó một bên là thau cơm rượu, còn bên là xôi vò bọc trong bao bồng bột trắng tinh ủ nóng, chèn thêm vài cái chén nhỏ, muỗng nhỏ. Một tay bà xốc nách cái rổ, mỏi tay thì đội đầu nắm vịn, tay kia xách xô nước nhỏ rửa chén, hết nước thì xin một xô nước mới ở nhà nào ghé bán.

Cơm rượu vừa đủ độ nồng, hạt nếp dẻo béo không sượng, vò viên rượu không rã bời rời, cắn vào như cắn miếng mạch nha thơm tho nồng nàn ngây ngất, rồi húp thêm miếng nước men ngọt thơm mùi nếp vừa cay cay mùi rượu dịu dàng. Đến con nít bảy tám tuổi ăn cũng không có phản ứng cay miệng khó nuốt, trái lại cảm thấy hấp dẫn bởi một mùi vị kích thích quyến rũ kỳ lạ. Xôi vò của bà khỏi chê, vàng hực màu đậu, hạt xôi ươn ưỡn, bột đậu mịn nhuyễn, nhúm một nhúm cho vào miệng vừa bùi đậu vừa dẻo xôi, thấm thía cái ngọt chất nếp và đậu hơn là mùi đường cát pha đệm vào xôi. Con nít ham ăn, dù có thích mấy cơm rượu của bà, bà cũng không bán nhiều cho, vì sợ ăn say. Chỉ có người lớn được quyền mua ăn thỏa thích vài chén, còn các em nhỏ nhiều lắm bốn viên vò cơm rượu thôi, không hơn. Tôi muốn ăn thêm chén nữa phải nhờ chị tôi nói dối với bà là mua một chén bốn viên để dành cho vú tôi thức dậy ăn. Bà chỉ bán buổi trưa, hết rổ xôi là về nghỉ, mai bán tiếp.

Mười mấy năm sau, về tỉnh chơi, thèm ăn cơm rượu của bà, hỏi ra biết bà đã mất. Lòng tôi bùi ngùi nhớ món cơm rượu độc đáo của bà và cảm thương cho người quá cố. Mãi đến ngày giờ này, trên xứ người, dù định cư tại Little Saigon nổi tiếng thức ăn ngon, đi qua nhiều nơi, ăn thử không biết bao nhiêu chỗ bán cơm rượu, tôi vẫn thầm so sánh không thể nào qua được cơm rượu xôi vò của bà mà từ thiếu thời tôi đã nếm qua và nhớ mãi, đúng là có một không hai.

Chị bán xôi nước chắc nhiều người phải biết. Nghe người ta nói chị không chồng, bán gánh xôi nước nuôi hai người em ăn học thành tài ra bác sĩ. Vì thế mọi nhà mua xôi nước của chị ăn đều nể nang và quý trọng chị. Không đàn ông nào dám trêu ghẹo trớt nhã với chị, một phần chị có gương mặt nghiêm trang ít nói. Hình như cuộc sống tạo cho chị trưởng thành từ lâu và có lẽ chị có ăn học hồi trước nên tư cách đoan trang, ăn mặc giản dị sạch sẽ chứ không điệu đàng áo quần hay son phấn màu mè. Lúc nào cũng thấy chị áo bà ba trắng quần Mỹ A đen, đi đôi guốc mộc đơn giản quay trắng không sơn bông. Tóc chị dài kẹp cây kẹp ba lá nhôm, gánh chè chị lúc nào cũng sạch sẽ, nồi xôi nước bên ngoài chà láng bóng, bên kia gánh là sóng chén và nồi nước rửa đậy bằng vải mùng sạch bon, một khăn lau trắng tinh treo tòn ten trên sợi gióng. Chị gánh bước đi thong thả, đôi quang không chao nhún, mắt tinh anh đen tròn lay láy nhìn thẳng chứ không quẹt mắt nhìn chi chung quanh.

Thỉnh thoảng chị cất giọng trong trẻo rao: “Xôi nước… hôn…,” tiếng nước cao vút rồi tiếng “hôn” mùi mẫn thả trầm dịu xuống kéo dài, dăm bảy phút sau mới cất lên lần nữa, làm người ta nín thở chờ chị rao tiếng thứ hai. Chắc chị rao ngọt quá, nghe là muốn nghe thêm, còn nghe rồi thì muốn gọi chị đến. Chị được gọi cũng ghé vào khoan thai, nhẹ nhàng đặt gánh xuống ngay ngắn, cẩn thận khít vô chừa một khoảng lề đường để lỡ con nít chạy giỡn qua khỏi va vào gánh hay lưng chị. Xong chị thong thả gỡ đòn gánh cầm một tay, tay kia nhấc cái ghế ngồi nhỏ máng trên gióng đặt xuống rồi hạ cây đòn gánh nằm xuôi trước mặt. Chà! điệu bộ chị cầm đòn gánh đặt xuống cũng nghi là chị có võ nghệ lắm, nhất là trước mặt thanh niên có máu làng chàng, chị quơ đòn gánh vòng sau lưng gọn hơ rồi nghiêm nghị đặt đòn xuống là mấy anh lặng te, chị hai chị ba liền chứ không dám em năm em bảy.

Xôi nước chị nấu lửng nồi vừa phải chừng trăm viên, viên xôi trắng tinh nổi hẩng trên mặt nước đường màu nghệ có loáng thoáng vài miếng gừng giã dập dập nổi bồng bềnh cho thơm mũi, vừa giở nắp nồi ngó vô đã thèm ươn ươn nước miếng. Nghe vú tôi nói, xôi nước ngoài cách nhồi bột cho dẻo, khi trần nước sôi phải khéo sao cho vừa chín đừng nhão thì viên xôi mới nổi lên mặt nước và không dính cục vào nhau khi sớt thả qua nước đường. Có thể vì vậy nên còn nghe gọi là “trôi nước.”

À, ăn xôi nước thì phải nói tới mấy viên ỉ còn gọi là “nhị.” Nhị có thể là chữ tách ra từ “nhân nhụy,” vì giọng miền Nam đọc trại chữ nên nhụy thành ra nhị, nhụy hoa là nhị hoa chẳng hạn. Ý nghĩa có lẽ do viên bột vo nhỏ bằng đầu ngón tay cái bỏ chung vô nồi chè-xôi như thêm nhưn thêm nhị cho có lớn có nhỏ dòm bắt mắt. Đó là sáng kiến sau khi vò xôi bọc nhân đậu xanh xong, còn bột dư không lẽ bỏ uổng, bèn sẵn tay vò luôn một lèo thành những viên nho nhỏ bỏ vào nồi xen kẽ cho đẹp mắt, múc thêm vào chén chè, ăn đệm nhị cho đỡ thèm sau phần xôi đã trôi vô bụng.

Theo tôi biết, chị bán xôi nước cả chục năm. Không biết lúc em chị ra bác sĩ rồi có bàn với chị mình bỏ nghề bán xôi nước không? vẫn thấy chị yêu nghề đạm bạc của mình, gánh chè đi qua khắp phố bán rao. Hay là chị biết người ta mê viên xôi nước tròn tròn trắng trắng của chị mà chị không đành dứt gánh ra đi?

Buổi xế xế ai muốn có một món ăn lạ miệng hay mua dành cho bữa cơm chiều thì phải chờ chú Bảy Chà bán cà ri dê. Chú có sạp bán cà ri tươi pha chế trong chợ Nhà Lồng. Chú bán buổi sáng cho người đi chợ tới mua bột cà ri của chú, hoặc đặt chú một nồi cà ri gà, cà ri bò, cà ri dê gì đó cho bữa cúng cơm chẳng hạn. Cà ri chú Bảy độc nhất vô nhị tại chợ nhà lồng nhờ cách pha chế đặc biệt kiểu Ấn Độ. Cà ri chú chệt làm sao so cựa được với cà ri chánh gốc Ấn thơm cay dữ dội của chú. Nhất là đàn ông yếu dương lại càng khoái khẩu cái món cà ri dê của chú Bảy.

Xong buổi chợ sáng, chú về nhà nấu một thồi càri dê mang đi bán dạo. Cái xoong Ấn Độ của chú cũng khác hơn cái xoong Việt Nam, nó bầu tròn phình lớn dưới đít và nhỏ dần lên miệng xoong, không những cao gấp hai nồi thường, còn có thêm cái quai xách mới ngộ. Chú không cần rao, mùi càri với bộ tướng đen nâu lỏng thỏng, cái mũi cao khoằm nhọn hoắt, nhìn là biết chú ngay. Vả lại, không phải là đồ ăn dành cho con nít, chú biết nhà nào nên đến để mời món càri. Tại cái hình dáng khác người và chú đi ngang nhà mỗi ngày nên bọn nhỏ đều biết mặt. Chọc chú “Chà Và” thì chú chỉ cười vui vẻ, riết rồi bọn con nít chán không còn phá phách chú mỗi khi gặp chú qua phố. Chú nhận Bạc Liêu làm quê hương và nghề bán cà ri thành cái nghiệp chú không bỏ được. Không biết sau 1975 chú có “đăng ký” trở về Ấn Độ hay ở lại chịu trận.

Bỗng dưng một hôm nghe tiếng rao rất lạ. Không phải xôi, bắp, chè, xôi nước… mà là “Chí Mè Phù!” giọng lơ lớ tiếng Quảng. Nhân vật mới, xuất hiện. Một gia đình người Quảng Đông từ đâu đến Bạc Liêu định cư và họ phổ biến một món ăn chơi hấp dẫn: chè đậu xanh gọi là “táo xoọn,” chè mè đen gọi là “chí mè phủ.” Một ông lão phốp pháp, tóc trắng hếu hớt cao sạch sẽ, mặt lúc nào cũng nở nụ cười, vận cái áo thun không cánh kiểu Trung Hoa bó sát cái bụng phệ, se ve áo từ dưới lên nửa bụng phơi cái rún sâu hoắm.

Đi theo ông là cô cháu mặc sơ mi quần tây chẽn, chân mang đôi giày bata vải đen kiểu kungfu, tóc ngắn gọn ôm gương mặt bầu bĩnh có một nốt ruồi to gần khóe miệng. Tuy không ngộ gái nhưng nhu mì bẽn lẽn dòm dễ thương. Cô hay mắc cở cười mím đôi môi mỏng đỏ, múc chè cúi cúi mặt, gò má hây hây vì hơi nóng nồi táo xoọn hay tại mấy anh thanh niên vừa húp chè sồn sột vừa lén mắt ông già liền nhìn cô con gái Quảng Đông một phát làm má cô ửng hồng. Ấy chà, không phải vì cô gái Tàu mà vét chén chè sạch bon. Chè ông nấu ngon vô địch, trước nay chưa ai nấu ngon bằng. Thỉnh thoảng ông thay táo xoọn dẻo nhẹo đổi qua chè đậu xanh hột gà đánh sợi lỏng hơn cho đỡ ngán mà không kém hấp dẫn. Chén chí mè phủ béo ơi là béo, mè có chất dầu nên trên mặt chè thấy màu đen óng lên loang loáng, thứ màu đen như gỗ mun, đen xám, múc một muỗng rót xuống, chè nhuyễn nhẹo như rót mật ong vì hạt mè xay mịn bân như bột. Ông chỉ bán một loáng là sạch cả hai nồi chè, chỉ có cô con gái còn nguyên còn hoài.

Năm 1979, tôi gặp lại gia đình ông ở trại tị nạn Tangjung Ungat, tại Tanjung Pinang, Indonesia. Thế là được thưởng thức lại món chí mè phủ hẩu xực thuở nào. Ông chiên giò cháo quẩy bán kèm. Cô cháu gái vẫn chưa chồng dù đã lớn tuổi, gương mặt cử chỉ vẫn như vậy và cái nốt ruồi ngày nào cũng còn nguyên. Một bữa tình cờ đi ngang chỗ bán thấy cô cháu gái gắp cái giò quẩy phùng to đầu đưa cho ông khách, thấy mặt cô đỏ rần, ông khách dòm xuống cái cháo quẩy cười cười rồi tà tà bước đi. Gia đình ông chọn Úc châu làm quê hương.

Không thể nào không nhớ đến gánh bánh tằm bì bán buổi trưa tại góc nhà thuốc tây ông Phiên. Gánh của bà chưa gánh tới đã nhiều người lóng ngóng chờ ở ngả tư. Kẻ mang tô, người xách gà mên, xích lô đợi đậu dài, con nít lăng xăng, chị dắt em nhỏ, mẹ bồng con… đủ mặt bá quan văn võ. Gánh vừa đặt xuống là nhốn nháo cả lên, người dành đến trước, kẻ cãi tới sau, ồn ào như cái chợ.

Tôi còn nhớ mồn một, gương mặt bà thật hiền lành, có nụ cười dễ dãi khoe hàm răng hô điểm vài chiếc răng vàng, nhưng nụ cười hiền hậu của bà xóa mất khuyết điểm hô răng. Ông chồng bà đi theo phụ bán, có nhiệm vụ chan nước mắm chua và nước cốt dừa vô tô tằm bì. Ông rất khó tánh, đã chan rồi đừng hòng xin thêm được một cống nước cốt. Xin thì ông bảo đã chan vừa ăn, thêm không ngon. Ông quạu quọ cộc lốc, đứa nhỏ nào lạng quạng xin thêm nước mắm chan là ông nạt liền. Còn người lớn xin thì cực chẳng đã ông nêm thêm cho nửa cống, miệng lầu bầu mặt nhăn nhó. Cái cống tưởng bao lớn, chỉ là nửa cái gáo dừa nước nhỏ hơn khoanh ngón tay, dúi hai lỗ xỏ ngang thanh tre chuốt làm cán, vậy mà không dễ nằn nì xin thêm.

Bà đặt gánh xuống cái ào là hết. Bán liền tay, bán không kịp thở, bán không kịp rửa tô. Có lẽ bánh tằm bì của bà se trên bắp vế con gái nên ăn ngon hết phản! Chuyện bánh tằm se bắp vế không hiểu do đâu nhập vào trí nhớ non nớt của tôi hồi đó, có thể lúc ở nhà quê thấy mấy cô xăn ống quần quá bắp vế ngồi xếp chè he se dây nhợ chi đó, hoặc có lỡ thấy một lần nào người ta se bột làm bánh tằm như thế hay không thì không nhớ. Sau này, có lần vú tôi nghe tôi khen bánh tằm dai sợi nhờ se trên bắp vế con gái, vú tôi bật cười mắng “đồ quỷ, ai nói mày nghe vậy?” Ai mà se bột trên bắp vế bao giờ! Lúc đó tôi ngẩn tò te cho một “sự thật phũ phàng.” Cái thiệt tình tin rằng sợi bánh tằm ngon dai nhờ se trên bắp vế con gái kể từ nay tiếc thay không còn thơ mộng nữa!

Năm 1996 tôi về thăm quê hương, hỏi thăm nghe nói con bà tiếp tục sự nghiệp bán bánh tằm bì nhưng bây giờ gánh bán dạo phố. Tôi nhất định đòi tìm tới ăn cho được. Quả nhiên, mẹ truyền con nối, con gái bà giờ đã sồn tuổi, tô bún tuy nhỏ hơn nhưng vẫn ăn ngon như xưa, tôi quứt liền hai tô rồi ngồi bên gánh hàng nơi lề đường ấy, tôi dí dỏm kể cho con gái bà nghe để biết “thành tích” về gánh hàng rong khi xưa của mẹ mình. Cô không nói năng gì chỉ lát lát tủm tỉm cười, nụ cười nhỏ nhẹ và nét mặt không kém hãnh diện của cô cho tôi thấy cô cảm động bùi ngùi nhớ về thời an bình xa xưa, và cái anh việt kiều tìm đến gánh hàng để nhớ lại hương vị ngày xưa có lẽ làm cho cô có phần cảm kích.

Ai ở phố chợ Bạc Liêu lâu đời mà không biết “nem nướng Hà Nội,” tiệm có bán thêm món bún bò xào. Nhắc tới nem nướng, các học trò trang lứa tôi đều phải nhớ tới cô “Hương Nem Nướng”! Gia đình cô bán nem nướng nổi tiếng trước cửa chợ nhà lồng, nem nướng đã ngon mà cô Hương trổ mã Xuân thì nhan sắc rực rỡ sắc xảo nước da trắng tươi càng khiến cho bao chàng công tử Bạc Liêu nhìn thấy trái tim đập lên rộn rã như trống chầu, nhất là mỗi khi cô duyên dáng dọn món nem bày ra trước mặt anh hai, ngó bàn tay cô thôi cũng đã con mắt. Nói thiệt, tôi cũng nhiều lần nhìn lén cô Hương xinh đẹp quyến rũ này. Nhưng suy nghĩ tôi hơi khác, tôi thích ngắm nét đẹp hơn buông lời trớt nhã với người đẹp. Ở gần nhà tôi, cô con gái tiệm sách Mỹ Nguyên và ngay cả cô bạn chơi nhà nhỏ với tôi từ hồi còn con nít là Kim Liễu tiệm vàng Phan Văn Sáu, cả hai đều đẹp nhất xóm, một nét đẹp rất Tàu và một vẻ đẹp rất Việt, còn tui thì rất chết nhát.

Cô Hương định cư tại Texas và đã lập gia đình từ khuya. Không hiểu bây giờ cô có thỉnh thoảng nướng món nem cho phu quân thưởng thức cái món độc đáo từng một thời tiếng tăm miền đất Bạc? Còn cô thì làm cho các chàng trai miệng ăn ít mà con mắt ăn nhiều. Nem vò viên xỏ xâu nướng chấm tương là món lạ miệng đối với người bình dân ở Bạc Liêu lúc mới xuất hiện. Nhưng đã nếm thử thì tối tối ngứa miệng thèm ăn bậy thế nào cũng muốn đi ăn nem nướng. Hơn nữa, còn được diện kiến người đẹp mê ly!

Trở lại món bún bò xào, cách thức xào cũng đặc biệt khác lạ hơn những địa phương khác. Bún Bạc Liêu nổi tiếng ngon dai, cọng to trắng ngần mà khoanh vỉ nhìn cũng đẹp mắt. Gỡ một “bắt” bún (bắt là một khoanh bún bằng bàn tay) cho vào chảo mỡ khiêu xả tươi bằm nhỏ với ít ớt hiểm, đảo cho cọng bún thấm mỡ và thơm xả thì trút vào cái tô đã lót sẵn dưa leo bằm với rau thơm trộn giá sống, xong búng thêm một nhúm xả vào chảo còn mỡ nóng, chờ xả thơm xanh lên là cho thịt bò thái sẵn vào trộn cho dính đều xả, đùa trở cho tái mượt hai mặt thịt bò đã ướp trước nước mắm bột ngọt nên xông mùi thơm nức, cộng thêm mùi xả thoang thoảng dịu dàng. Cái mùi hấp dẫn theo gió phớt tới tận bàn khách ngồi chờ làm trái cổ chạy lên chạy xuống và con mắt sáng lên châm bẩm nhìn theo cánh tay xào qua đảo lại trên ngọn lửa xèo xèo xa xa trước mặt. Trải lên mặt bún lớp thịt bò xong, rắc ít đậu phọng giã to vào cho ăn bùi miệng, chan hai cống nước mắm chua thêm một đũa củ cải trắng thái sợi bóp dưa nữa là hết sẫy! Nào giờ hầu hết người ta chỉ xào thịt bò đổ lên bún nguội nên chưa thể gọi là bún bò xào được, vì thế khẩu vị mất đi bảy tám chục phần trăm so với tô bún bò xào Hà Nội xào cọng bún nóng hổi, ban đêm gặp trời lạnh hay trời mưa, lua một đũa là thấy ấm lòng và thơm ngon thấm thía.

Ăn xong đến uống. Ai mà không biết bà Xẩm bán rau má ở góc đường vô chợ xéo bên kia nhà thuốc tây Tuấn Ký có bán rượu đế công-xi. Quán nằm đầu góc đường cùng dãy với tiệm xe đạp Trần Văn Lén. Quán này đã lâu đời, chỉ những ai biết thưởng thức nước uống mới tìm tới. Rau má tươi giã trong cối đá tàu to như cái chậu trồng kiểng, giã thiệt nhuyễn xong dùng vải mùng hai lớp ép bỏ xác lấy nước. Nước rau má không còn chút lợn cợn, xanh lục thẵm, chứa vào cái bình bằng thủy tinh to có nắp đậy kín tránh hôi gió. Lúc bán vặn vòi gắn ở đáy bình vào ly, chan nước đường cát trắng vừa đủ bán mùi tanh rau rồi đập đá bằng cây muỗng thau nặng chịch, đá đập ra phải nhỏ bằng lóng tay, cho vào ly nước là làm lạnh ngay, mang ra khách có thể uống một hơi dài liền tù tì trong cơn nóng mùa Hè đang oi bức.

Quán bà Xẩm ngoài nước rau má tươi xanh nguyên chất thơm ngon còn pha nước xí muội hay chanh muối ngon tuyệt hảo, uống vào vừa có vị mặn vị chua vị ngọt rất đậm đà. Có mua xí muội hay chanh muối ở đây đem về nhà bắt chước pha uống cũng không thể nào bằng. Có thể họ pha bằng nước mưa lóng, có thể do cách nấu nước đường, cách đập đá nhỏ. Nhưng quan trọng nhất, viên xí muội ngâm bao lâu thì đủ ngày đem ra dùng được, tùy viên to nhỏ mà chan thêm nước ngâm cho vừa với dung lượng nước pha có đá và chan nước đường cũng phải đầy kinh nghiệm. Kiểu này thì phải uống cỡ mười năm ở quán bà Xẩm may ra mới có thể nêm pha vừa miệng.

Khi lên Sài Gòn, đi ăn bánh cuốn, tôi mới phát giác ra cái thứ bánh đậu chiên thái đôi thái ba bỏ chung đĩa bánh cuốn chính thị là cái bánh cống ở xứ Bạc Liêu tôi. Bánh cống ngoài khéo đổ bột còn phải chọn đậu xanh nguyên vỏ đều hột, luộc sao cho hột đậu mềm mà không sượng. Tép đất to bằng ngón tay thật tươi còn nhảy soi sói thì thịt mới ngọt và vỏ tôm mới giòn. Không biết mà cắt đi mấy cọng râu tép thì thất bại về mặt gợi thèm và trông ngon mắt. Miệng ai to lắm cũng chỉ bẻ đôi chiếc bánh trên mặt dính hai con tôm vàng rượm, thịt bánh trắng, nhân đậu xanh trộn lẫn thịt bằm thơm ngậy, gói rau cải cuốn một cuốn chấm nước mắm pha ớt, cắn một cái, đôi khi miếng bánh còn nóng vì ham ăn phải ngậm miệng chờ, ái chà, nghe thơm phức mùi đậu xanh và cay đầm nước mắm. Bóc tay gói như vậy ăn liền hai cái bánh cống nóng hổi thiệt đã đời và no bụng.

Năm sáu giờ sáng, nhất là mùa mưa, hơi mưa lạnh gay gay, ngồi chờ xe đò đến giờ để đi Sài Gòn hay Sóc Trăng, Cần Thơ gì đó, đều gặp gánh cơm tấm của ông già bán tại bến xe. Ông đã bán lâu đời, có cô con gái nhỏ phụ bưng dĩa lăn xăn. Đôi gánh ông là hai thùng bằng gỗ trông nặng nề. Lúc nào cũng thấy ông bận quần sọt, dù mưa nắng nóng lạnh vẫn thế. Cô con gái đi đứng như một cái bóng chịu đựng trường kỳ, cặp mắt hình như luôn ngái ngủ vì dậy sớm trước hừng đông nên dù gương mặt trẻ măng mà dòm ảm đạm như trái héo.

Dĩa cơm tấm bán trông giản dị đến khó muốn ăn, vậy mà đã ăn rồi thì mỗi khi ra bến xe đò đi xa đều muốn ăn một dĩa cơm tấm đơn sơ ấy. Cơm tấm luôn nấu khô, chín mà cứng cơm, chan mỡ hành, thịt xá xíu thái mịn như cọng giá ốm rải lớt phớt trên mặt cơm, trông bời rời tẻ nhạt làm sao. Ai ăn xì dầu lấy xì dầu, nước mắm chua cho nước mắm chua. Khách biết ăn xin thêm miếng cơm cháy. Cơm cháy ngon thật, dòn rụm, quệt mỡ hành vô thiệt là trơn cổ họng lại ngập mùi hành hương lên lỗ mũi. Không biết ông nấu cơm sao mà ngon đến vậy, xúc sạch dĩa cơm vì cơm nấu khô mà ngon, mỡ hành hương phi thơm phức có lai rai thêm vài tép mỡ giòn giòn beo béo lẫn lộn, đủ làm khách phương xa gật gù hài lòng cái đĩa cơm ban đầu trông nhạt nhẽo. Nếu ông không bán được, cơm nấu không ngon, làm sao ông có thể bán như vậy hàng chục năm trời chỉ có thế?

Bún nước lèo đã thành danh “bún nước lèo Bạc Liêu,” có lẽ vì nhiều hàng quán trong tỉnh nhà bán ngon nên kể tuột về sau chết tên luôn. Tuy vậy tôi vẫn nhớ đến một bà bán bún nước lèo nổi tiếng lâu năm tại Bạc Liêu. Trước kia bà gánh bán dạo ban đêm, trụ ở vài địa điểm trong phố, cuối cùng bà đặt gánh trụ luôn từ chiều tối ở góc đại lộ Độc Lập và đường Trương Vĩnh Ký bên hông tiệm chụp hình Nguyễn Văn.

Gánh bún của bà luôn được chiếu cố hậu hỉ. Đặc biệt tô bún nước lèo “bì” bà nấu ngon hơn ai. Khi gọi tô bún thường thì chan nước lèo cao hơn mặt bún, nhưng tô bún bì khác hẳn, nước lèo chỉ xum xúp dưới lớp bún thôi. Trên mặt bún ngoài cá lóc sởi thịt dài bằng nửa ngón tay, vài con tép lột vỏ, một nhúm hẹ ta, một nhúm bắp chuối thái mịn ngâm nước còn săn khoanh, là tới lớp bì tươi trộn thính thơm phức nằm trên cùng. Đòi rau thì cho thêm vài cọng húng lủi húng cay. Ăn bún nước lèo bì phải chan thêm cống nước mắm chua, tô bún khi trộn lên đều, mùi thính bì vẫn thơm lừng dù bì đã ngấm vào nước lèo. Ăn xong mường tượng đây không phải là tô bún nước lèo mà là một tô bún bì có hương vị đặc đặc biệt đậm đà cá mắm. Vĩnh viễn không ai “bắt” (trụn) được một tô bún nước lèo bì ngon như thế nữa.

Ra nước ngoài rồi, người Bạc Liêu thỉnh thoảng ở nhà nấu bún nước lèo ăn để nhớ quê nhà, hoặc đãi khách quý từ phương xa rồi mời thêm người thân cùng xứ sở tới ăn cho vui. Phải công nhận đúng là dân xứ muối, nhiều bà nấu ăn rất bắt miệng, nêm rất điệu nghệ đúng hương vị Bạc Liêu, dù thiếu ngải bún phải thế bằng chút riềng tươi. Tôi bao giờ cũng đớp hai tô no cành bụng. Ở Little Saigon hiện tại, bún nước lèo đã được nhiều nhà hàng bán, quảng cáo là “Bún Nước Lèo Bạc Liêu,” là một hãnh diện cho tỉnh nhà với món ăn thuần túy quê hương này.

Tuổi học trò thơ ngây ngoài kẹo bánh ngọt ngào, chè xôi lạnh nóng, còn phải kể đến vị chua của xoài tượng me dốt, cóc xanh khóm vàng và ô mai cam thảo. Những món ăn vụng ăn vặt mà học trò ăn nhồm nhoàm trong giờ ra chơi, còn có thể gói nhỏ bỏ cặp bỏ bì mang vào lớp ăn rón rén như xí muội, cánh chỉ, ô mai, trần bì, chanh ngào, cà na, me mứt… Hễ đã nhắc tới mấy món bóc lủm này, học trò Bạc Liêu ai cũng biết đến tiệm chuyên bán các món tuyệt vời này của anh Cam Sáo. Người Hoa có tài chế biến những thứ tưởng vô dụng bỏ đi như vỏ quýt (trần bì) đến các loại cây trái rẻ tiền như tắc, chanh, xoài, khế các cái, biến thành những món ăn chơi hấp dẫn. Và làm sao quên được ổ bánh mì thịt nóng dòn của Chiêm Tháo, bánh mì xíu mại Ý Sửu, gỏi đu đủ của má Huệ, Mai (hiện ở San Jose), chuối xào dừa Ý Hen, bánh mì xá xíu hoặc lạp xưởng Xừng Ký…

Riêng đặc sản cây trái ở Bạc Liêu, có những thứ rất quen thuộc với tuổi thơ học trò, ngoài cóc ổi xoài chầm ruột muối đường, còn có trái chòi mòi chua chua kết bán từng chùm, hạt tròn nhỏ li ti như tiêu xanh; chùm trái cơm nguội màu trắng hồng chín mềm ửng nước ngòn ngọt; những trái sây hình thù giống như trái ô liu đen nhưng vỏ đen nâu mượt lớp lông nhung, bóp nhẹ tay cũng bể liền vì vỏ mỏng tăng, ruột là một lớp như sáp màu nâu sa bô chê mịn màng như lớp phấn nhụy hoa, ngậm vào miệng tan ra chua chua ngọt ngọt hấp dẫn. Chùm me keo cong cong như móc câu, khi ửng chín màu hồng quân, có trái nứt vỏ bày ruột trắng phao, ăn vị chan chát ngòn ngọt; những khúc ô môi xấu xí đen tuyền, róc vỏ hai bên rồi mạnh tay ép hai gân vỏ ngược chiều với nhau để gỡ bỏ một thanh, còn lại là những lát tròn đầy mật nhựa, mỗi lát có một hạt dẹp hơi tròn chính giữa, rứt ra từng lát thưởng thức vị ngọt dẻo hơi nhân nhẫn. Hạt ô môi cũng như hạt trái diếc, rất cứng nên được phe học trò con gái gom cất dùng làm trò chơi gạch búng. Hột ô môi ngâm nước nở ra trắng đục, ăn dai dai không mùi vị.

Dài dòng để nói tới một nhân vật đặc biệt bán ổi muối cam thảo đặt gánh trước cửa tiệm Vương Lợi Hưng ngang chân cầu quay. Tôi gọi bà là bà ý (bà dì). Bà lúc ấy gần sáu mươi, hai vợ chồng người Tàu và đều biết võ nghệ. Gánh xong gánh ổi đặt xuống chỗ bán thường lệ bên dốc cầu quay là ông giao vợ bán, chừng bán gần xong thì ông trở lại chờ gánh về. Ngày nào cũng vậy, khoảng mười giờ sáng là gánh ổi có mặt trước cửa tiệm nhà tôi.

Trước khi bà xuất hiện với món ăn chơi độc đáo này, khoảng năm 1969-1970, ổi muối đã có bán đầy đường, ở mấy ngả tư hay trước rạp hát Hòa Bình, Nam Tiến. Nhà nào cũng có thể tự muối lấy một keo ổi để ăn cho lạ miệng khi ổi tươi đã chán chê. Nhưng có thể nói chưa bao giờ ngon được như những trái ổi xá lị bà muối với cam thảo vừa mặn vừa chua theo phản ứng lên men còn có thêm vị ngọt dai của cam thảo ngấm vào. Cắn trái ổi dòn rụm nhai nuốt xuống, hậu của vị cam thảo vẫn còn ngọt vấn vương trên chót lưỡi chạy dài xuống cổ họng.

Ngày nào bà cũng bán gần như sạch cả hai việm sành to tướng chứa đầy vun những trái ổi xá lị mập mạp, thấm màu nước muối và màu cam thảo nên ửng màu vàng ong óng bên ngoài cái màu xanh muối dưa. Bà tuyển từng trái ổi một nên ít khi khách hàng phải lựa, hoặc chọn trái to hoặc chọn trái nhỏ, ngoài ra không thể chê trái này xấu trái kia đẹp, trái này bị sâu ăn hay có tì có tật, trái nào cũng lành lặn tươi ngon đều như nhau. Thỉnh thoảng bà bán xong còn sót vài trái ổi nhỏ là vì hôm đó người ta ăn ổi lớn nhiều hơn mua ổi nhỏ, vậy thôi.

Bà có lẽ là nhân vật sau cùng tôi biết và nhớ mãi, vì đó là thời gian tôi về Bạc Liêu ở hai năm tập việc buôn bán thì bà xuất hiện. Không ngày nào tôi không ăn vài trái ổi muối của bà, ăn đến ghiền. Chắc chắn sẽ không bao giờ có ai muối ổi ngon như bà nữa. Bà tuy lớn tuổi nhưng nhờ có võ Tàu trong mình nên luôn khỏe mạnh. Có đám đánh lộn giữa mấy bà tôm cá gần đó là bà xách đòn gánh chạy tới can liền. Bà đã can vài vụ dữ tợn giữa các tay bạn hàng thuộc hạng không vừa gì. Ngoài có bản lãnh võ nghệ thật sự, bà còn có tính ôn nhu đạo đức nên dần dần mấy tay anh chị chợ búa biết mặt và kính nể, hễ bà nhào vô can là mọi chuyện ổn thỏa êm xuôi. Bà còn có tài kể chuyện tiếu lâm, thương con nít nghèo nên luôn bán rẻ cho tụi nhỏ mà không bao giờ mắng mỏ gì chúng nó, con nít có phá như quỷ cũng thương bà, chúng còn sợ hơn khi biết “bà già có võ,” tụi nó ê càng không dám ăn nói bậy bạ hỗn hào với bà.

Tôi còn nhớ, có một tay đạp xích lô lỗ mãng, có vẻ không tin lời đồn đãi về bà nên thường đậu xe nghỉ trước mặt gánh ổi bà rồi nói gần nói xa khiêu khích. Bữa đó có lẽ bà chịu hết nổi cái thằng xích lô chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, tôi đang ngồi cạnh bên bà nhai ổi chấm muối ớt, bà kêu tôi đứng lên ra tay xúc phạm đến thân thể bà, hết kiểu này tới kiểu nọ, kiểu ra tay chân nào cũng bị bà lanh lẹ gọn gàng dùng thế võ ngoạn mục để phản đòn chớp nhoáng và dừng tay lại đúng ngay yếu điểm chết người. Vừa diễn bà vừa nói lớn cho lọt vô lỗ tai thằng xích lô những đòn thế độc địa của bà thì hậu quả ra sao. Mọi người qua lại thấy vậy bu quanh coi bà biểu diễn, mấy đứa nhỏ vỗ tay còn người lớn ánh mắt phục lăn. Từ đó về sau, anh xích lô ăn ổi mỗi ngày và một tiếng thưa má hai tiếng dạ má. Tay anh chị nào gân gân chưa biết tài nghệ bà, xấc xược mà anh xích lô nghe đặng, anh chửi thề nói “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ,” tôi nhớ hoài câu này là vậy.

Thế còn phe dân nhậu ta thì sao? Ai chẳng biết mua rượu Tây ở Dinh Song. Quán bà vú bi da Năm Châu. Quán Thùng Đỏ với thịt nguội phô mai đầu bò. Quán Lá. Quán Lẫu Ma bên cầu số 4. Quán Tuyết Sương ngã tư quốc tế, một thời dập dìu công tử Bạc Liêu tới nhậu thả con mắt ngó riết theo hai cô chủ quán mà mơ sương với tuyết. Quán chú Ba bán mì bên hông nhà thờ mới, mì khô ngon mà con gái chú Ba dòm còn ngon hơn v.v…

Ai đi chơi khuya về mà không nhớ đến mấy xe bánh mì ở cầu quay, gánh cháo gà ở Nguyễn Văn; gánh hột vịt lộn trước cửa Vương Lợi Hưng của cô gái nhà quê gương mặt sáng trưng duyên dáng nụ cười, mái tóc dài phủ che vun mông tròn lẵn; sâm bổ lượng ở chợ nhà lồng; cháo khuya hột vịt muối xái pấu ngang Trần Văn Lén. Ai ăn sáng mà không biết cà phê Chế Ủ với bánh bao, hồng trà xịt; hủ tiếu Hà Nam ngon nhất xứ; cháo lòng ông Sánh; mì bà Xây; phở Nguyễn Hoàng; quán cà phê ông Coọt… cũng như những quán bình dân hơn mới mọc sau này gần miễu Tiên Sư đầy những thiếu nữ mơn mỡn xuân thì…

Nhưng này bạn, dù Bạc Liêu có các món nhậu hấp dẫn, hủ tíu mì số dách đi nữa, cũng không làm bọn mình nhớ ray rứt, nhớ mơ màng mơ mộng như khi nhớ về tuổi thơ và tuổi học trò của khoảng 1958-1968, tưởng như trong lòng nhớ rõ từng nắm xôi lá chuối, vắt đá bào nhận xi rô xanh xi rô đỏ, chén cơm rượu xôi vò nồng nàn, chén chí mè phủ thơm béo, tô bún nước lèo mùi cá mắm quê hương, tô bánh tằm bì ngon tuyệt; và những cây trái quà bánh dọc theo đời học trò từ khi cắp sách đến trường… mà có lẽ, mãi mãi đến già đến chết, những hương vị ấy sẽ không bao giờ chúng ta còn có dịp nếm lại.

Nơi xứ Mỹ thừa mứa thức ăn, chợ Việt Nam ở Little Saigon, phố xá Việt Nam ở đâu đều có bán những phần to go ăn vặt đủ thứ hầm bà lằng, nhưng chỉ càng làm gợi nhớ những gì thơ mộng nhất mà tuổi thơ chúng ta còn mãi ấp ủ trong lòng theo bước đời xa xứ. Trong những ngày Tết ê hề bánh mức chè xôi, có lúc nào ngồi bên tách trà thơm khói thả hồn về quê nhà, bạn chợt bồi hồi nhớ đến những gánh hàng rong với tiếng rao kéo dài trên con phố Bạc Liêu trong một buổi trưa Hè buồn oi ả…?

(Một bài viết thất lạc từ năm 1996, bất ngờ tìm lại được vào mùa Xuân năm nay)


Lê Giang Trần