có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 12 08, 2014

Những Bài Ca Cách Mạng



Lại tết! Đây là cái tết thứ hai gã ăn ở Hỏa-Lò.

Gã thở dài. Chắc giờ này, vợ gã buồn lắm! Có lần đi công tác xa gần bốn tháng, đêm nằm, gối đầu lên tay gã, vợ gã đã khóc, tâm sự là trong nhà thiếu bóng một người đàn ông, nó trống vắng thế nào ấy. Và bắt gã hứa sẽ không bao giờ được để nàng một mình một bóng lâu như vậy. Nàng không cần địa vị, danh vọng, giầu có. Chỉ cần hai vợ chồng sống gần-gũi nhau. Thế mà lần này, gã vào tù đã 21 tháng trời. Người đàn bà yếu mềm, mau nước mắt ấy, chắc phải đau đớn, khóc thầm trong cô đơn đến cạn nước mắt. Vợ chồng gã không có con. Bao yêu thương, chăm sóc, vợ gã giành cho gã cả. Gã tự biết mình bất tài, vô tướng, nghèo. Con số không lăn giữa cuộc đời. Được một thiếu nữ vừa nhan sắc, vừa dịu hiền, yêu và bằng lòng lấy mình, gã thấy gã thực tốt số. Những lúc vợ chồng âu yếm nhau, để tỏ lòng biết ơn, gã thường đọc cho vợ nghe một câu thơ của ai làm không rõ : “Nhờ có em, một tà áo đã bay vào đời anh”. Vợ chồng ăn ở với nhau đã 19 năm, chưa bao giờ có một lời nặng nhẹ. Hàng xóm láng giềng ai cũng khen sự hòa thuận hiếm có đó. Gã dạy học, vợ gã đan len. Hai vợ chồng hợp-lực, dè xẻn, mà còn thiếu thốn trăm bề.

Đã 21 tháng, gã nằm tù, vợ gã vẫn tiếp tế đều. Khi thì mấy cân mì rang, mấy lạng đường, vài quả chanh. Khi thì mấy cân cám rang, gói muối vừng, mấy quả chuối. Ăn những thứ nặng tình, nặng nghĩa đó, gã cảm thấy tội lỗi như đang ăn xương, uống máu vợ. Đã vài lần, gã nhờ mấy người được tha, tới nhà nói với vợ gã là không phải gửi quà nữa. Gã được may-mắn làm tự giác, không đến nỗi đói khổ. Không biết họ có tới không. Nhưng vợ gã vẫn đều đặn tiếp tế. Hôm nay đã 29 tết. Muộn lắm là ngày mai, vợ gã sẽ gửi quà. Gã không được viết thư, gặp người nhà, vì vụ gã chưa xét hỏi xong. Gã muốn gặp vợ quá! Nhiều đêm trằn trọc suốt, vì thương, vì nhớ. Chắc nàng phải xanh gầy lắm. Mắt phải quầng thâm vì khóc, vì mất ngủ.

Từ trên bầu trời xám đục, ủng sũng, mưa xuân rắc bụi xuống chiếc áo bông xanh đã bạc phếch của gã...

- Đi cung!

Tiếng tên quản giáo làm gã giật mình, ngừng tay chổi, ngửng đầu lên:

- Thưa cán bộ, cán bộ gọi tôi?

- Không anh thì còn ai nữa.

Gã dựa cái chổi tre vào cây bàng, vội vã bước vào nhà kho. Gã cởi hết quần áo, mặc vào bộ đồ vẫn dành cho các phạm nhân đi cung. Một cảm giác ghê tởm, rờn rợn, khi phải khoác lên mình bộ quần áo lính dù đó, một chiến lợi phẩm mang ra từ miền Nam. Mấy bộ đồ đi cung này, hàng năm mới giặt một lần. Không biết bao thân hình ghẻ lở, giang mai, lậu đã mặc!

Gã lặng lẽ đi theo tên công an thường trực, lòng hồi hộp. Bảy tháng rồi, không đi cung. Nay đột nhiên 29 tết lại gọi lên. Chắc có vấn đề. Có thể được tha không chừng! Thường thường vào dịp tết, người ta vẫn tha một số nhỏ ra. Và bắt một số lớn vào. Có thể được tha lắm! Gã phấp-phỏng dự đoán. Và nghe rõ cả tiếng tim gã đập trong ngực.

Qua khỏi giàn nho, là tới dẫy phòng hỏi cung. Một cành đào to tướng, hồng phớt, tươi tắn, đặt trước phòng chánh giám thị, đối diện với một cây quất, lá xanh rờn, quả vàng xum xuê. Mấy nam nữ công an đứng bàn chuyện tết nhất, vui cười. Gã chỉ nhìn thoáng qua.

Tên chấp-pháp thụ lý vụ gã, tay cầm cặp da, ngừng nói chuyện với một nữ cán bộ chấp-pháp, ra hiệu bảo gã đi theo. Hắn dẫn gã vào căn phòng quen thuộc, trỏ một chiếc ghế đẩu, cho phép gã ngồi. Hắn ngồi đối diện với gã, lưng dựa vào ghế, mở cặp, lôi ra một tập hồ sơ, một bao thuốc Sông-Cầu, rút một điếu châm hút. Một tên công an trẻ bưng bộ đồ trà và phích nước đặt lên bàn, rồi lặng-lẽ bỏ đi. Hắn rót đầy hai tách trà, nhã-nhặn, vui-vẻ, mời:

- Anh uống trà đi. Hút thuốc chứ? Tôi mừng là thấy anh vẫn khỏe. Chị ấy chắc vẫn tiếp tế đều?

Gã cảm ơn, giơ tay định cầm bao thuốc, thì tên chấp pháp đã cầm lên trước, rút một điếu, đưa gã. Hắn sốt sắng bật lửa, dí vào tận điếu thuốc gã đang ngậm. Gã hít vài hơi, rồi đưa tách trà lên miệng, lòng phập phồng mừng thầm. Tự nhiên đối xử tốt như vậy. Chắc có nhiều hy vọng.

Đợi gã uống hết tách trà, tên chấp pháp mới nở một nụ cười, thân mật:

- Tết nhất, chắc nhớ nhà lắm hả?

Gã thành thực:

- Thưa ông, mấy đêm nay, tôi không thể nào chợp mắt. Lúc nào cũng nhớ tới nhà tôi. Tôi thương nó quá! Đối với người Việt mình, ngày tết là ngày xum họp gia đình. Ở vào cảnh ngộ tôi, thực đau khổ. Mong ông minh xét cho! Vợ chồng tôi không bao giờ quên ơn.

Tên chấp pháp lững lờ:

- Việc đó hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ thành khẩn của anh. Đảng không bao giờ đánh kẻ chạy lại. Chỉ cần anh biết hối lỗi, khai báo hết, Đảng sẽ khoan hồng. Thôi, chúng ta bắt đầu làm việc.

Hắn giở hồ sơ, rút bút máy ra:

- Anh nên nhớ rằng Đảng có tội thì phạt. Có công thì thưởng. Dù anh có tội, nhưng nếu anh sám hối, khai rõ, vạch trần âm mưu của bọn phản động, công anh sẽ lớn lắm! Có thể còn được khen thưởng!

Hắn cầm ngang cái thước kẻ giơ lên, lấy tay đo:

- Thí dụ tội anh tới đây. Nhưng công anh tới những đây. Trừ hết tội đi, công anh vẫn còn từng này. Tôi hỏi anh lần cuối cùng: kẻ nào, tổ chức nào đã gạch đi chữ “Ta” trên hàng chữ “Chủ Tịch Hồ-chí-Minh vĩ-đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!” để nó biến thành một câu phản động, cực kỳ láo xược “Chủ Tịch Hồ-chí-Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng!”

- Thưa ông, tôi đã khai nhiều lần rồi là tôi không biết. Thật sự là tôi không biết.

Tên chấp pháp cười nhạt. Cái cười đã dập tắt hẳn ánh hy vọng vừa lóe lên trong lòng gã mươi phút trước.

- Anh định ngoan cố đến cùng? Tôi hỏi anh, sáng hôm 19-5-1981, Bảo Vệ Trường báo cáo là chỉ có anh và tên giáo viên dạy văn, bạn thân của anh, tới trường sớm nhất. Sau đó, mọi người phát hiện là chữ “TA” đã bị gạch đi bằng than. Tôi hỏi anh, ngoài hai anh ra, thì còn ai vào đấy? Chứng cớ rành rành ra thế, chối làm sao nổi!

- Mong ông xét cho, hàng chữ đó kẻ ở cổng trường, trên cao, gần ngay phòng bảo vệ. Lúc tôi tới, bác bảo vệ đang ngồi uống trà. Tôi còn đứng nói chuyện với bác một lúc. Làm cách nào tôi có thể leo lên, gạch chữ “Ta” đi, mà bác đó không nhìn thấy?

Tên chấp pháp ôn-tồn:

- Anh cứ bình tĩnh. Tuy anh đã 45 tuổi, nhưng còn thiếu kinh nghiệm trường đời. Anh phải rõ, vào đây rồi, ai cũng chỉ muốn cứu lấy thân mình. Anh ngây thơ lắm! Tôi nói cho anh biết, tên bạn chí thân của anh, đã thú nhận hết. Nó khai anh cùng nó âm mưu với nhau. Anh vào nói chuyện với đồng chí bảo vệ, đứng che khuất mắt đồng chí ấy, để nó leo lên, gạch chữ “Ta” đi. Việc đó, chỉ cần một phút là xong!

Gã biết ngay là tên chấp-pháp nói dối. Bạn gã là người trung-thực, có tư cách, đầy trí tuệ. Chỉ có kẻ mất trí mới đi nhận cái việc mình không biết, không làm.

- Xin ông cho chúng tôi đối chất. Chỉ trừ anh ta đã điên loạn. Nếu không, không bao giờ anh ta lại đi buộc vào mình cái tội mà chúng tôi không bao giờ nghĩ đến, chưa nói gì tới làm!

Tên chấp pháp nghiêm sắc mặt:

- Không cần đối chất! Hành động phản tuyên truyền của anh là cả một quá trình. Chúng tôi đã điều tra, nắm vững hết! Tai mắt nhân dân còn hữu hiệu gấp trăm lần CIA! Ngày 25 tháng 7 năm 1979, anh đã giảng cho học-sinh rằng định luật bảo tồn năng lượng là do Lavoisier tìm ra trước, chứ không phải là Lomonosov. Trong lúc mọi sách giáo khoa của Bộ Giáo-Dục đều viết là định luật đó của Lomonosov. Anh còn gọi nhà bác học vĩ đại này là “Ông ta” một cách xách mé, có đúng không? Ngày 17-6-1980, anh nói với học sinh rằng người Trung-quốc đã tìm ra nguyên tắc về hoả tiễn từ mấy ngàn năm trước, dụng ý đề cao Trung-quốc. Anh thường xuyên nghe đài Bắc-kinh, đọc sách báo Trung-quốc, giao thiệp với bọn người Hoa. Anh chối được không?

Gã bắt đầu thấy nóng mặt, nhưng cố nén:

- Ông cho phép tôi trình bầy rõ rệt. Điều tôi giảng về định luật bảo tồn năng lượng là do thầy Vũ-văn-Canh giảng cho chúng tôi. Tôi tin thầy, nên tôi giảng lại cho học-sinh. Còn tiếng “ông ta” không hề có ý khinh thường. Tôi rất kính phục nhà bác học Lomonosov. Việc này, nhà trường đã kiểm điểm tôi. Còn việc bảo người Trung-quốc tìm ra nguyên tắc về hỏa tiễn, thì nhiều sách báo của Đảng, khi còn tình hữu nghị Trung-Việt, vẫn viết. Trước khi xẩy ra chiến tranh biên giới, tôi dạy Trung-văn. Sau môn này bị xóa bỏ, tôi dạy Lý-Hóa. Là một giáo viên Trung-văn, tôi phải nghe đài, đọc báo Trung-quốc để rèn luyện. Hồ-chủ-tịch sinh thời cũng dạy chúng tôi như vậy. Hơn nữa sách báo Trung quốc vẫn bầy bán ở cửa hàng ngoại văn. Vợ chồng tôi ở phố Hàng-Buồm đã mấy chục năm. Hàng xóm đều là người Hoa. Từ đó tới nay, tôi vẫn giao thiệp bình thường với họ. Có ai coi đó là một tội đâu!

Tên chấp pháp trỏ cái bút vào mặt gã, nói như quát:

- Không được ngụy biện! Khi nhìn tranh thằng Quan-vân-Trường, anh còn tấm tắc ca ngợi lòng trung kiên của nó, tuy thân ở Tào, nhưng lòng vẫn ở Hán. Ý kích động họ noi gương thằng Vân-Trường, thân ở Việt-Nam, mà lòng ở Trung-quốc. Cái lưỡi rắn độc của anh cực kỳ nguy hiểm. Anh nhận tội hay không, không thành vấn đề. Chiếu theo nghị quyết 49 của Ban Thường Vụ Quốc-Hội ngày 21-6-1961, chúng tôi cho anh đi tập trung cải tạo.

Gã lặng người đi. Thảm kịch gia đình tan nát lù lù trước mắt. Gã đau đớn, uất hận. Nỗi oan-khiên quá lớn làm gã phẫn-nộ:

- Tôi đề nghị phải đem tôi ra tòa xét xử đàng hoàng, có chứng, có cớ!

Tên chấp pháp cười khẩy:

- Tòa án nhân dân làm gì có thời giờ xét xử những phần tử như anh! Chúng tôi là thanh kiếm và lá chắn của Đảng. Tòa án cũng là một cơ quan chuyên chính của Đảng. Luật pháp không hề bó tay chúng tôi.

Hắn đưa cho gã một sắc lệnh tập trung đã ghi sẵn tên tuổi gã tự bao giờ.

- Ký vào!

Gã đứng dậy, cương-quyết:

- Tôi không ký. Tôi không có tội gì hết!

Tên chấp pháp đưa tay che mồm, ngáp:

- Ký hay không, cũng thế thôi. Những kẻ đi ngược lại bánh xe lịch sử, tất yếu phải bị nghiền nát. Tôi sẽ ra lệnh cắt tiếp tế của anh. Về phòng!

Gã lủi thủi đi theo tên chấp pháp, hai thái dương căng lên, rần rật. Sau khi bàn giao gã cho tên công an trực ban, hắn bỏ đi, chửi lẩm bẩm trong miệng. Còn gã đi thẳng về phòng.

Bốn năm tên tự giác đương đem các túi đựng quà của tù từ một cái tủ lớn trong phòng quản giáo, vất ra sân. Mỗi túi cách nhau gần một thước, thành nhiều hàng ngang. Ngày tết, đa phần phạm nhân đều có tiếp tế. Hiếm gia đình nào nỡ bỏ mặc người thân trong tù, dù nghèo khổ tới mấy chăng nữa. Có những người vợ, người mẹ, nhịn cả khẩu phần tết của mình, gửi vào cho chồng, cho con.

Từ bốn giờ sáng, ngoài cửa Hỏa-Lò đã đông nghịt người xếp hàng chờ đợi. Đại đa số là phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Từ cô gái còn trẻ măng, tới cụ già tóc đã bạc xám. Tất cả rầu rĩ, đau khổ. Có những chị, tay bồng con, tay xách túi quà, trông thực nheo nhóc, thảm hại. Những sáng mưa bụi, gió may cào, như sáng 29 tết này, tình cảnh của họ thực là cay cực. Họ đứng tụm vào nhau, đầu đội nón, vai khoác mảnh ni-lông, mặt tái mét, run rẩy, kể lể với nhau về hoàn cảnh của chồng, của con mình, nước mắt rơm rớm. Một người vào tù còn lôi theo biết bao khổ lụy cho người thân! Có những người tù bị kỷ luật cắt tiếp tế. Vợ họ, mẹ họ cố năn nỉ. Đáp lại những van vỉ thống thiết, những giọt nước mắt não lòng của họ, là những bộ mặt lì trơ, những xua đuổi cục cằn của mấy tên công-an ngồi ghi sổ nhận quà. Thế là uổng công chờ đợi, chầu chực ba bốn tiếng! Họ đành sụt sịt, thui thủi, xách túi quà nặng chĩu tủi nhục về nhà.

Trong Hỏa-Lò, trước phòng 10, hàng trăm túi quà đã được quẳng ra sân. Hàng trăm con ma đói lần lượt ra ngồi trước túi quà của mình. Một tên tự giác ra lệnh mở túi. Tất cả vội gấp, cởi dây buộc, lôi đồ ăn ra, ồ ạt bốc tay đưa lên mồm, nhai nuốt trợn trạo. Có những tên nghẹn ứ họng. Thời gian ăn chỉ vẻn vẹn mười phút. Phải làm thế nào nhét cho đầy cái dạ dày khoẻ tới mức tưởng có thể nghiền nát cả thép!

Trong đời tù, gói quà là tin tức, là xương máu, là tình thương, là hơi ấm của gia đình. Nó chứng tỏ mối liên hệ ân ái, ruột thịt, còn tồn tại. Thằng tù cảm thấy chưa bị bỏ rơi, bớt cô đơn. Nó còn là nguồn tiếp sức tối cần thiết cho sự sống còn trong địa ngục đói. Nan giải nhất là những tên ăn mì rang, gạo rang, cám rang. Toàn những thứ nó lủng củng, nó lổn nhổn, bết lại trong mồm. Không nhanh, không vội được. Trong mười phút, dù trệu trạo qua loa rồi nuốt, cũng khó lòng nhét nổi một khối lượng tối thiểu vào cái dạ dầy háo hức, rừng rực, cho nó đỡ dằn vặt, đỡ hành hạ mình. Cái đói lưu cữu, cái đói triền miên, cái đói kinh niên, cái đói nghiền nghiến, khiến mọi tế bào trong cơ thể, mọi khứu giác, vị giác, mọi tuyến, mọi hạch, cứ nhao nhao lên, đòi thỏa mãn!

Mấy tên tù có máu mặt ngồi cạnh nhau, lấm lét, thì thầm rất nhỏ:

- Quẳng bánh chưng sang đây. Tao quẳng cho túi kẹo.

- Nó bắt được thì bỏ mẹ.

- Chúng nó đang quay đi. Quẳng cho tao mấy miếng thịt quay.

- Không sợ. Chúng nó không biết đâu. Tao quẳng cho chả. Mày quẳng đây mấy quả cam.

- Giấu được thuốc lào à? Đưa đây, tao yểm cho. Bọn tự giác nó nể tao.

Những đường ban đưa ngang, đưa dọc, rất kín, rất đẹp, từ bên này sang bên kia, từ phía trước xuống phía sau, từ phía sau lên phía trước.

- Hai thằng kia ném quà cho nhau. Tịch thu hết!

Tên trưởng phòng chạy tới, quát.

- Không, chúng em có trao đổi gì đâu. Oan cho chúng em. Mong anh xét lại.

- Còn chối hả? Chính mắt tao nhìn thấy. Buộc túi quà lại. Vào phòng!

Hai tên bị thu quà, mặt thiểu não đứng dậy, đi vào phòng.

Trưởng phòng xách hai túi quà vào phòng quản giáo, ném vào một góc.

Gã giáo viên đang thu dọn bộ đồ trà, lau bàn của tên quản giáo, giọng buồn rầu:

- Cán bộ không có đây. Thôi, tết nhất, tội nghiệp, linh động cho chúng nó.

Trưởng phòng cằn-nhằn:

- Bọn chúng ngu như lợn! Quà gia đình gửi cho, không biết giữ lấy mà ăn, còn vi phạm nội quy. Được, lần này tha cho chúng. Sao từ lúc đi cung về, cậu ủ rũ thế?

- Tớ bị tập trung cải tạo. Lão chấp pháp còn bảo sẽ cắt tiếp tế. Nghĩ tới cảnh vợ mình mang quà đi, lại mang quà về, khóc lóc, van xin, tớ khổ tâm quá, thương nó quá!

- Cậu cương với nó chỉ thêm thiệt. Thôi thì thân lươn chẳng quản lấm đầu. Đường tù còn dài. Cố nhẫn nhục, chịu đựng. Cậu xem tớ đây, đáng tuổi bố gã quản giáo, mà phải xưng cháu với nó. Nhóc con, mới có thiếu uý, mà hỗng hách, oai vệ hơn cả thiếu tướng!

Gã giáo viên thở dài:

- Nào có cương càng gì đâu. Nhũn như con chi chi ấy chứ! Nhưng vô tội mà nó buộc mình phải nhận là có tội, chẳng lẽ lại nhận à?

Trong phòng, mấy gã thanh niên đầu gấu đang lồng lộn như hổ đói. Hay đúng hơn, như chó đói. Vì chúng giống mấy con chó dữ trong cũi, gầm gừ đòi ăn. Chúng bò dài xuống đất, mặt căng ra, thèm khát, mắt long lên nhìn qua song sắt cửa, chỗ mấy hàng đầu ngồi ăn, cách độ hai thước, rít lên qua kẽ răng:

- Ném bánh chưng, ném kẹo lạc vào đây!

- Đ... mẹ mày, không quẳng gói giò mỡ vào, ông đánh gẫy xương sườn!

- Biết điều thì để túi thịt lại. Không, bố sẽ nện không còn cái răng mà nhai!

- Ném vào! Không, ông sẽ giần cho mày ựa mì tôm ra!

Dù rất sợ bọn đầu gấu, những tên ngồi ăn chỉ lấm lét nhìn quanh. Không đứa nào dám trả lời, dám ném quà vào phòng. Chúng sợ bị tịch thu hết quà!

- Buộc túi!

Một tên tự giác hô lớn.

Tất cả buộc túi quà lại. Lần lượt từng tên vào phòng, mồm còn nhồm nhoàm. Tên trực trong đứng ở cửa, sờ nắn, khám xét từng đứa. Ba bốn tên tự giác xách các túi quà, nhét vào cái tủ to trong phòng quản giáo.

Từ phía bệnh xá, tên y sĩ và một nữ y tá trẻ, mặc áo choàng trắng, bưng khay thuốc tới.

Tên trưởng phòng mang giấy bút vào phòng, nói to:

- Đứa nào ốm đau, ghi tên.

Hơn một chục đứa lần lượt xướng tên. Rồi một lũ lếch thếch ra ngồi xuống sân. Trời tự nhiên hoe nắng. Cảnh vật sáng lên làm nổi rõ vẻ tiều tụy của những khuôn mặt hốc hác, xám xịt, xám nhợt, xám bủng, đương ngồi xổm, co ro trên sân.

Tên y sĩ cầm giấy gọi từng đứa một đứng dậy:

- Thằng này, bệnh gì?

- Báo cáo bác sĩ, cháu bị ghẻ lở khắp người.

- Giơ tay ra xem!

Tên tù chìa mu bàn tay sưng vù, đầy mụn lở gớm ghiếc ra:

- Thưa bác sĩ, cháu ghẻ, không cầm nổi cả thìa ăn.

Tên y sĩ lấy chiếc dùi cui Liên-Xô mà các quản giáo Hỏa-Lò vừa được trang bị, vụt nhẹ một cái vào bàn tay. Tên tù kêu lên một tiếng, rụt phắt tay lại.

Cô y tá trẻ bật cười:

- Đã nói thuốc bôi ghẻ, ngoài tết mới có. Những thằng ghẻ lở vào phòng.

Năm, sáu tên lổm ngổm đứng dậy, đi vào.

- Còn thằng này, thế nào?

- Báo cáo bác sĩ, cháu sốt cả đêm.

Tên y sĩ đưa cái nhiệt kế cho gã:

- Ngậm vào mồm!

Độ một phút sau, hắn nhìn qua nhiệt kế, mắng:

- 37 độ 2 sốt gì. Vào!

Bốn, năm tên nữa khai sốt. Chúng lần lượt thay nhau ngậm vào miệng cái nhiệt kế không lau, không rửa. Bọn này đều sốt cao. Cô y tá đưa cho mỗi đứa một gói thuốc nam, bắt chúng dốc cả vào miệng. Một tên tự giác chạy ra bể, múc một bát nước lã để chúng uống.

- Còn thằng kia, thế nào?

- Báo cáo bác sĩ, cháu đi lỏng.

- Những thằng nào đi lỏng nữa?

- Báo cáo bác sĩ, cháu, cháu, cháu nữa ạ.

- Còn cháu đi ra mủ máu. Bụng đau quặn.

Tên y sĩ đưa cho mỗi đứa một mẩu giấy bằng bàn tay:

- Bọn mày ra kia thử phân!

Bọn chúng đi ra một chỗ hơi khuất. Cô y tá đi theo, đứng gần đấy, quan sát.

Một lúc sau, đi xong, không chùi, không rửa, chúng kéo quần lên. Cô y tá tới nhìn qua mấy bãi phân trên các mảnh giấy. Rồi dẫn chúng trở về, nói với tên y sĩ:

- Chỉ có thằng này kiết lỵ. Tất cả bọn kia, phân chỉ hơi nhão.

Tên y sĩ cho gã kiết lỵ uống tại chỗ hai viên ga-đi-năng. Rồi trỏ tay vào mặt những tên khác:

- Bận sau mà còn khai ốm nữa, tao cho vào nằm bệnh xá!

Bọn tự giác cười ồ lên.

Ở Hỏa-Lò, ai cũng biết bệnh xá được dùng làm “con ngáo ộp” để dọa những thằng tù hay khai ốm, xin thuốc. Đó là một căn phòng tối tăm, kín mít. Chỉ có một cửa ra vào nhỏ được mở trong giờ hành chính. Có sáu giường cá nhân, rộng chừng tám mươi phân. Giát giường đều bị long gẫy. Những cái chiếu cói tả tơi, bẩn thỉu giải lên. Thông thường hai bệnh nhân nằm một giường. Khi đông tới ba. Chỉ có những thằng tù ho lao, kiết lỵ quá nặng mới bị đưa vào bệnh xá. Hiếm có kẻ vào đó mà lại sống sót ra nổi. Tù nhân gọi bệnh xá là “Phòng chờ chết”. Ngày cũng như đêm, một mùi tanh thối khủng khiếp bao trùm. Tên y sĩ không bao giờ bước vào. Khám bệnh, phát thuốc, đã có một phòng con, cách bệnh xá chừng mươi thước. Một tên tù tự giác chuyên lo việc vệ sinh bệnh xá, dìu bệnh nhân ra đó, khi cần thiết.

Tên y sĩ và cô y tá bê khay thuốc sang phòng 12.

Đến lượt bọn tự giác lấy quà tiếp tế của họ ra ăn. Gã giáo viên cắm điện, đun một ca nước sôi, đổ vào bát mì rang, rồi rắc ít muối vừng lên. Gã ngồi nhai, lòng đau xót thương vợ, nên không thấy tủi vì gói quà nghèo nàn của mình. Bọn tự giác đều là các cán bộ can tội kinh tế, nên tiếp tế của họ to. Cá, thịt, đường, sữa, kẹo, bánh, trái cây, đủ cả. Được làm chân quét dọn vệ sinh, chia cơm, rửa xoong, rửa bát, đã là một may mắn bất ngờ. Phúc cho gã. Tất cả bọn tự giác khác đều phải đút lót nặng mới được làm. Phần cơm tự giác bao giờ cũng nhiều gấp mấy phần tù bình thường. Gã không đến nỗi quá đói. Chất bột coi như tạm đủ. Chỗ nằm, một mình một chiếu, ở tận đầu phòng, đỡ khai thối. Trong khi những tù khác, ba, bốn người một chiếu 70 phân, chèn lấn nhau. Khi từ xà-lim 2 chuyển ra phòng này, tên quản giáo nhận ra gã là thầy học cũ của hắn. Và ưu tiên cho gã được làm tự giác. Bản thân gã, tuy nhận ra hắn, nhưng không dám nói trước. Tên quản giáo này thích học hỏi. Khi xem sách, xem báo, có điều gì không hiểu, thường hỏi gã. Gã tận tình giảng giải. Vì vậy, ít nhiều cũng có sự nể nang. Tuy nghề nghiệp đã làm tên quản-giáo thay đổi rất nhiều. Cậu học sinh tinh nghịch, nhưng khá ngoan ngoãn, đã biến thành một tên cai ngục ngạo mạn, rông rỡ, đôi khi còn độc ác. Gã cũng thông cảm với môi trường sống của tên học trò cũ. Ngay cô y tá trẻ kia, khi mới vào làm việc ở Hỏa-Lò, hiền lành là thế, gặp gã, còn chào gã là chú, xưng cháu! Thế mà chỉ hai tuần sau, đã cong cớn, mắng gã là ngu như lợn! Và bây giờ đã được tù đặt cho một biệt danh là “Mụ Ôn-Dịch”!

- Chuẩn bị cho chúng nó đi tắm.

Tên quản giáo cầm tờ báo, bước vào phòng, ra lệnh cho trưởng phòng.

Trưởng phòng cười nịnh:

- Ông chiếu cố cho tắm một cái tất niên.

Tên quản-giáo không để ý tới, vì đã quá quen với các kiểu xu-nịnh, căn dặn:

- Mai tôi về quê ăn tết. Mùng bốn mới ra. Trong mấy ngày tôi vắng mặt, các anh phải bảo đảm trật tự cho tốt. Xảy ra điều gì, đừng trách tôi!

Trưởng-phòng xoa hai bàn tay vào nhau:

- Ông an tâm. Chúng cháu sẽ làm hết sức mình. Không phụ lòng tin cậy của ông.

- Thôi được, cho phòng tắm, và làm vệ sinh phòng một thể. Không quá một tiếng. Còn anh, pha ấm trà.

Gã giáo-viên “vâng” một tiếng, rồi chuẩn bị ấm, tách, nước sôi.

Trưởng phòng vào buồng, ra lệnh:

- Chuẩn bị tắm. Từng đợt năm mươi người một. Bê hết nội vụ ra để cọ sàn!

Gã chỉ định mười tên để xách nước, lau cọ sàn nằm, nhà mét. Tất cả bọn tự-giác đều bận rộn sắp xếp, điều khiển cuộc tắm giặt của hơn hai trăm tù nhân.

Gã giáo viên đặt bộ đồ trà xuống bàn:

- Báo cáo cán bộ, trà này là trà búp Lạng-Sơn. Cán bộ uống thử xem.

- Của thằng bộ đội buôn thuốc phiện lậu phải không?

- Vâng, vợ anh ta mới tiếp tế hôm qua.

Tên quản giáo nhấp một ngụm trà, gật gù, vẻ sành sỏi:

- Khá lắm. Không thua gì trà Tân-Cương Thái-Nguyên. Này, chữ “xen-đầm quốc-tế” nghĩa là gì?

- Thưa cán bộ, xen-đầm là tiếng Pháp đã Việt hóa, giống như chữ xà phòng. Nó có nghĩa là hiến binh, lính giữ trật tự.

- À, tôi hiểu rồi. Thế còn báo “Mặt-Trời Ban-Ti-Mo” là nghĩa gì?

- Mặt-Trời Ban-Ti-Mo là tên một tờ báo bên Mỹ. Ban-Ti-Mo là một địa danh, như Hà-Đông, Sơn-Tây của mình chẳng hạn.

Tên quản giáo tỏ vẻ hài lòng, chỉ bao Thăng-Long trên bàn:

- Anh hút một điếu đi.

Gã giáo viên cảm ơn, lấy một điếu châm hút. Khoan khoái cả người. Thăng-Long là loại thuốc hiếm, sang nhất trong các loại thuốc Việt-Nam. Gã biết tên quản giáo là con một thiếu tướng công an. Nhưng gã không hiểu sao hắn lại chọn cái nghề cai ngục này. Bố hắn thừa sức xếp cho hắn một chỗ tốt hơn. Kinh tế gia đình chắc phải sung túc, nên hắn không kiếm chác của tù như các quản-giáo khác. Trà, nước chanh, nước cam hắn uống hàng ngày là do cánh tự giác tự động cung cấp cho hắn. Hắn không đòi hỏi.

- Tôi vẫn nghe bọn lưu manh nói Mari-Sến. Mari-Sến là cái gì? Tôi hỏi lũ chúng, chẳng thằng nào giải thích được cả.

- Thưa cán bộ, đây là tiếng lóng. Hồi thanh-niên, chúng tôi thường dùng. Sến là do chữ Sen đọc chệch đi, có ý đùa rỡn, khinh bỉ. Sen là con sen, chỉ đầy tớ trẻ, các gia đình khá giả trước thường nuôi giúp việc chợ búa, nấu ăn, giặt giũ, quét dọn nhà cửa. Còn Marie là một tên riêng của phụ nữ, rất hay gặp ở Pháp, chẳng khác gì tên Oanh, tên Yến ở Việt-Nam. Tóm lại là một tên đầm. Thời thuộc Pháp, đầm được coi là sang trọng, cao quý. Hai chữ Marie-Sến hợp lại với nhau thành một danh từ khôi hài, miệt thị một cô gái nào đó. Hồi trước, ngoài chữ Marie-Sến ra, còn có chữ Sến-Nương. Ý nghĩa cũng tương tự. Nương là cô nương, thường chỉ một tiểu thư khuê các.

Tên quản giáo mắt sáng lên, cười:

- Anh biết nhiều thật. Tiếc rằng lại nằm tù.

- Tôi chỉ biết chút đỉnh thôi. Biển học mênh mông. Học cả đời cũng chưa thấm gì. Muốn hiểu sâu tiếng Việt, cần phải biết chữ Hán. Trước cán bộ đã học Trung-văn. Nên tiếp tục hoàn thiện nó.

- Học tiếng của bọn bành trướng Tầu để mua lấy rắc rối à? Trước khác, bây giờ khác. Tôi muốn học tiếng Nga. Anh có giỏi tiếng Nga không?

- Thưa cán-bộ, tiếng Nga, tôi chỉ biết qua loa.

Ngoài bể tắm tự nhiên ồn lên.

Tên quản-giáo khó chịu, chau mày:

- Anh ra bảo bọn chúng câm ngay. Nếu không, tôi cắt tắm, đuổi mẹ chúng nó vào tất cả!

Gã giáo viên nhanh nhẹn đi ra bể tròn, nói lớn:

- Ông quản giáo ra lệnh trật tự! Ầm ĩ, đuổi vào hết!

Tiếng cãi cọ ồn ào lắng xuống.

Hơn năm chục thằng tù trần truồng, ghẻ lở đầy thân, chen lấn nhau quanh cái bể tròn đầy nước, chu vi tới 15 thước. Trời rét căm căm. Nhiệt lượng trong người bốc hơi, lan tỏa như sương khói. Như một bầy điên loạn, tay chúng kì cọ liên tục, cuống quýt, chân chúng nhẩy, giẫm bành bạch lên quần áo vất ở phía dưới. Thời gian chỉ có mười phút. Bắt buộc phải vừa tắm, vừa giặt như vậy.

Tên trực trong cao lớn, đứng trên một cái trụ giữa bể, tay lăm lăm một chiếc dép lốp:

- Múc nước đợt hai! 1, 2, 3, 4...

Lũ tù, mỗi đứa một cái bát men, múc nước dội lên người theo đúng nhịp đếm, hai chân vẫn nhẩy, giẫm lên đống quần áo phía dưới, một tay vẫn kỳ cọ.

- 5, 6, 7, 8, 9,10. Đặt bát xuống!

Một thằng cố múc thêm một bát. Chiếc dép lốp từ tay tên trực trong bay thẳng vào mặt.

- Tiên sư mày, gian lận. Mặc quần áo, đứng ra ngoài! Đưa chiếc dép đây!

Tên tù quăng chiếc dép cho tên trực trong, lùi ra xa, mặc vội quần áo.

- Đợt ba, kết thúc! 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9,10. Đặt bát xuống! Chuẩn bị về phòng!

Tất cả để bát xuống thành bể, vắt qua loa bộ đồ giặt bê bết máu mủ, mặc quần áo, kéo nhau, run bần bật ngồi xếp hàng ở sân, theo lệnh của một tên tự giác.

Trong phòng, gã buôn thuốc phiện lậu chỉ huy chín tên khác múc nước từ bể con gần phòng, mang vào cọ rửa. Chúng vừa cọ sàn, vừa tranh thủ tắm giặt, tất bật, nhộn nhạo. Đó là những tên tù giầu, được ưu tiên. Tắm giặt ở bể tròn rất nguy hại. Tên phụ trách bệnh xá, thường đem quần áo, chăn chiếu đầy phân kiết lỵ của bệnh nhân, nhúng thẳng vào trong bể để giặt. Bọn đầu gấu ở các phòng cũng thường vò giặt quần áo chúng trong bể. Gần ba nghìn tên tù thay phiên tắm giặt ở cái bể đó. Một tuần mới thay nước, cọ bể, một lần. Phòng 10 của gã giáo viên phải tắm bốn đợt mới hết. Mấy tên đầu gấu được bọn tự giác ưu tiên cho tắm giặt thời gian gấp ba tù thường. Nghĩa là chúng được đứng ở bể suốt ba đợt. Chúng trấn giữ chỗ gần vòi nước to bằng cổ chân, múc nước sạch thẳng từ vòi để tắm. Chúng chưa đủ lực, đủ thế, để cướp chánh quyền, biến tự giác thành tay sai. Nhưng bọn tự giác cũng chờn chúng, phải đối xử với chúng mềm mỏng, làm lơ, mặc chúng đe dọa, trấn lột các tù khác. Phần nữa, chúng cũng kiềng tên quản giáo. Tên này không xoay sở của tù, xử phạt rất nặng tay, và bảo vệ bọn tự giác. Thời cơ chưa tới để chúng lên làm chủ. Trong khi chờ đợi, chúng đành tạm sống hòa bình với đám tự giác.

Tới 11 giờ sáng, tất cả mọi việc xong xuôi. Tên quản giáo có chuyện phải đi, cho phép tù mang khẩu phần bánh mì vào phòng ăn. Hắn khóa cửa, cảnh cáo mấy tên đầu gấu, nếu gây chuyện trong mấy ngày tết, hắn sẽ cho đi cát-xô cùm!

Ở Hỏa-Lò, hai chữ “cát-xô”° là mối kinh hoàng với mọi thằng tù. Tất cả các đầu gấu chỉ nể có cái đó. Chỉ cần nằm cát-xô một tuần là phải có tù khác cõng ra. Cổ chân đã bị nghiền vỡ. Được mang bánh mì vào phòng là một dịp hiếm hoi đối với bọn tù muốn kéo dài “phút sung sướng”. Chuyện đó chỉ xảy ra vào những ngày mưa to, không ngồi ăn được ở ngoài sân. Đa phần tù, khi cầm cái bánh mì con trong tay, không cưỡng nổi sức hút cực mạnh của nó, nhai ngấu, nhai nghiến, ăn như điên! Cái bánh cứ lem lém bị gậm tới tấp từng miếng lớn, chỉ trong nháy mắt đã chui hết vào họng, mất hút! Một số nhỏ âu yếm, nâng niu nó. Chúng không ăn. Chúng chỉ đưa cái bánh lên môi hôn, hít. Mỗi cái hôn lại cắn yêu một miếng nhỏ xíu bằng hạt đỗ, nhấm nháp, ngậm “hạt bánh” đó trong mồm tới khi nó hòa tan vào nước bọt, trôi xuống cổ, thơm ngậy! Rồi lại tiếp tục cái hôn nồng nàn khác. Cuộc “làm tình” này thường kéo dài bốn năm tiếng đồng hồ mới kết thúc.

Được cọ rửa, phòng đỡ hẳn mùi. Những manh chiếu tơi tả, cáu ghét được trải ra. Riêng bọn tự giác, bọn đầu gấu, và một số tù có tiếp tế sụ, là có những cái chiếu xứng đáng được gọi là chiếu. Chúng ngồi quây quần lại với nhau, run cầm cập vì rét.

Tên trưởng phòng xuýt xoa:

- Tắm xong, rét quá! Làm một hơi cho nóng người lên đi.

Tên trực trong ngăn lại:

- Thong thả, tên quản giáo có thể còn quanh quẩn đâu đây. Cố đợi một lúc nữa.

Gã bộ đội buôn thuốc phiện lậu đồng tình:

- Thằng này hay lảng vảng rình mò lắm. Phải cẩn thận.

Tên trùm đầu gấu chửi:

- Đ... mẹ nó, động một tí, là đem cát-xô ra dọa!

Gã giáo viên tò mò:

- Cát-xô nó thế nào, mà nói đến, ai cũng có vẻ sợ thế?

Tên trùm đầu gấu kéo ống quần lên:

- Ông anh nhìn vào cái sẹo ở cổ chân em đây thì biết. Gân đứt, thọt mẹ nó rồi, không chữa được. Cát-xô ở phía góc Hỏa-lò, đằng kia kìa. Có hai lần tường bọc. Ban ngày phải bấm đèn pin, mới nhìn được. Vào cát-xô chỉ được mặc quần đùi. Không được mang theo bất cứ thứ gì, kể cả khăn mặt. Bọn em nằm trên sàn xi-măng. Thực tế là trên một bể chứa phân. Phía dưới chân là một rãnh nước. Ngày đêm, một mùi thum thủm, khắm khú bao trùm. Mỗi ngày chỉ được ăn một bữa. Chúng em gọi là ăn “dồn toa”, hai bữa làm một. Ăn bốc, không thìa, không bát. Cơm đựng trong một túi ni-lông. Không có bô. Đi ngoài ngay lên chỗ mình nằm. Rồi lấy tay bốc phân, ném xuống rãnh. Hồi đó, cách đây hai năm, phụ trách cát-xô là một thằng quản giáo trung uý lùn, mắt híp. Chúng em gọi là “thằng Híp”. Ở cát-xô có tám lỗ cùm bằng bê-tông nham nhở. Lỗ số 8 là lỗ khốn nạn nhất, nhỏ nhất. Em bị đưa chân vào lỗ đó. Khi ba thằng chúng em để cổ chân vào lỗ cùm rồi, nắp cùm là một thỏi bê-tông dài ba thươc, được ập xuống. Một tên tự giác đứng ở trong coi. Thằng Híp ra ngoài khóa cùm. Nó nhẩy lên nắp cùm, bên kia tường, để nắp cùm sập hẳn xuống, rồi khóa lại. Khi nó nhẩy, nó cười như một thằng điên. Còn chúng em thì rú lên, ngất đi. Cổ chân đã bị nghiền vỡ. Em bị cùm lỗ số 8, nên chỉ có 12 tiếng là được đổi sang lỗ khác. Cùm ở cát-xô lâu nhất là một tuần. Sức người không chịu quá nổi. Có tên đến ngày thứ ba đã toi mạng.

Cả bọn ngồi nghe. Nỗi kinh hoàng lộ rõ trên mặt.

Trưởng phòng hỏi:

- Chú mày can tội gì mà bị cùm ở cát-xô?

- Em đánh lại quản giáo. Nó nện em đau quá. Em van xin, nó cũng không tha. Ức quá, em cho nó một quả. Đo ván ngay! Còn hai thằng kia, một, bị tịch thu quà, chửi quản giáo. Một, chọc thủng con ngươi của một tự giác. Thôi, bây giờ chúng ta có thể làm một hơi. Vật quá rồi!

Cả bọn đồng ý.

Một tên tự giác lấy mảnh giấy báo, cuộn một điếu to, dài như cái bút máy. Gã giứt ở áo bông gã, một dúm bông, xé thật tơi. Rồi gã móc túi lấy “máy” ra. “Máy” là một cái khuy to bằng nhựa, có lồng một sợi dây dứa. Một lỗ của khuy đã được gắn vào một viên đá lửa. Gã cuốn sợi dây vào ngón tay trỏ để cầm cái khuy thật vững, rồi dùng một mảnh thủy tinh con, bật mạnh vào viên đá. Tia lửa bắn vào bông, bùng cháy. Gã bò xuống chiếu, châm điếu thuốc vào lửa, hút một hơi. Điếu thuốc cháy đỏ. Gã đưa cho tên trưởng phòng. Lần lượt mười lăm tên thay nhau hút. Còn một tí tóp, tên hút cuối cùng vất cho sáu, bảy tên đứng vây quanh. Chúng giành giật nhau loạn xạ. Cả bọn đang say, tận hưởng cái thú lao đao, ngây ngất, mạch máu trong người nóng lên, thì khóa cửa phòng kêu loảng xoảng, rồi mở tung.

Tên quản giáo cầm dùi cui bước vào, mặt hầm hầm, mắt long lên:

- Chúng mày láo thật! Ông đã thấy tất cả. Dám hút giấu ông. Thằng trưởng phòng ra đây!

Trưởng phòng sợ hãi:

- Mong ông tha cho. Vừa tắm xong, rét quá, chúng cháu có trộm hút một điếu. Xin ông thông cảm.
- Thông cảm cái tiên sư mày! Quỳ xuống!

Trưởng-phòng vội quỳ xuống sàn. Một đợt dùi cui thẳng tay quật xuống vai, xuống lưng gã.

- Đến thằng kia!

Lần lượt mười bốn tên quỳ xuống sàn, hứng chịu mỗi đứa vài chục dùi cui. Đánh đã mỏi tay, tên quản giáo lau mồ hôi trán:

- Chúng mày xin phép tao, tao có hẹp gì không cho chúng mày điếu thuốc. Nhưng giấu tao là không được!

Hắn nhìn gã giáo viên đang ngồi chết lặng một chỗ:

- Đ... mẹ anh. Tôi nể anh quá đấy!

Hắn ném cái dùi cui vèo một cái về phía người thầy giáo cũ của hắn, đùng đùng bỏ ra ngoài, khóa cửa lại. Tên trưởng phòng vội nhặt cái dùi cui, kính cẩn đưa cho hắn.

Đám tự giác bàn tán, lo lắng, không biết có bị đuổi vào phòng không. Không được làm tự giác, phải ăn ở như bọn tù bình thường kia thì nguy nan. Chúng xì xầm, dự đoán tương lai. Chúng đều mặc áo bông. Vài chục dùi cui không hề hấn gì. Nhưng mất chân tự giác thì đời mới thực khốn nạn!

Gã giáo viên an ủi:

- Các cậu không nên quá lo. Tính tên quản giáo này thích ra oai. Thích mọi người phải hoàn toàn thuần phục, để chứng tỏ uy quyền của mình. Bắt mọi người phải quỳ xuống hắn đánh, là hắn thỏa mãn rồi. Các cậu rồi xem. Hắn sẽ bỏ qua tất.

Tên buôn thuốc phiện lậu phân tích:

- Chắc nó đứng ngoài, mở cái cửa con cuối phòng nhìn vào, nên thấy rõ hết. Chúng ta cũng sơ hở, không che cái “cửa ngó đểu” ấy lại. Cả phòng chỉ chăm chăm nhìn vào điếu thuốc, nên không ai biết, nó mới bắt được “quả tớm” (quả tang). Thôi bây giờ làm một hơi giải sầu. Giờ này, chắc chắn nó đang ăn trưa, không còn ở đây nữa.

Trưởng phòng gạt phăng:

- Con xin bố! nó chộp được nữa thời khốn đốn với nó!

Nhưng bọn đầu gấu và đa số bọn tự giác tán thành ý kiến của gã thuốc phiện lậu. Cuối cùng quyết định khai hỏa!

Tên tự giác, xé bông, cuốn thuốc, cười ha hả:

- Vũ khí vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị tổn thất. Đánh địch vào lúc địch không ngờ tới. Nhất định thắng lợi!

Cả bọn lại xúm vào, thay nhau hút. Cấm ngặt không cho thằng nào tới “bắt tóp” (nhặt tóp thuốc).

Hai giờ trưa, tên quản giáo tới mở khóa phòng, mặt bình thường, như không có gì xảy ra. Tên trưởng phòng mở cửa, lễ phép chào.

Tên quản giáo nói nhỏ:

- Hôm nay có thể khám phòng. Liệu đấy.

Tên trưởng phòng “Vâng” một tiếng. Gã rất mừng. Như thế là tên quản giáo đã bỏ qua. Hắn còn báo trước cho gã biết việc khám phòng, để yểm những thứ vi phạm nội quy đi. Bọn tự giác kéo ra ngoài làm việc. Chúng không lo. Ngoài gói thuốc lào, máy đánh lửa, ít giấy báo, không có gì để giấu. Chúng mang cất mấy thứ đó ra ngoài. Gã giáo viên, nét mặt rầu rầu, rửa ấm chén, đun nước sôi pha trà cho tên quản giáo.

Thấy gã có vẻ buồn, tên quản giáo hỏi:

- Anh suy nghĩ về chuyện trưa nay phải không? Chắc anh cho là tôi làm quá?

- Thưa cán bộ, không phải vậy. Tết nhất, tôi nhớ nhà, nên hơi buồn.

Tên quản giáo trỏ vào chiếc điếu cầy ở góc phòng:

- Tôi mang chiếc điếu này vào đây. Từ nay cho phép các anh được hút mỗi ngày bốn điếu. Cấm ngặt, không được hút trong phòng.

- Thưa cán bộ, nội quy cấm. Cán bộ tốt với chúng tôi. Nhưng nếu Ban Giám thị biết, sợ phiền tới cán bộ.

Tên quản giáo đanh mặt lại:

- Phiền tới tôi? Tôi cho hút là hút! Lão chánh giám thị cũng còn nể mặt tôi. Tôi không “sơi” họ thì thôi. Chứ họ dám trêu vào tôi à?

Hắn hút một hơi thuốc lá, nhả khói ra thành hình vòng tròn, vẻ tự tin.

Một lúc, hắn hỏi:

- Trưa này, nếu tôi đánh anh,anh sẽ phản ứng thế nào? Cứ nói thật.

Gã thành khẩn:

- Tôi là tù nhân. Cán bộ đánh, cán bộ cùm, tôi phải chịu. Nhưng bắt tôi quỳ, tôi sẽ không quỳ. Dù có bị đánh chết. Nó nhục nhã quá. Tôi không là con người nữa. Tôi sẽ tự khinh tôi suốt đời. Trên thế gian này, không có sức mạnh nào bắt được tôi quỳ. Từ nhỏ tới giờ, tôi chỉ quỳ trước bàn thờ tổ tiên tôi thôi.

Tên quản giáo cười ầm lên.

- Khá lắm, khá lắm. Vào trường hợp tôi, tôi cũng như anh. Những tên kia cứ luôn luôn xưng cháu với các cán bộ. Lúc nào cũng khúm núm. Tôi khinh. Chính vì tôi khinh, nên tôi mới đánh. Uống trà, hút thuốc đi!

Gã giáo viên cám ơn, lấy thuốc hút và uống một tách trà.

Tên quản giáo có vẻ hơi ngượng:

- Lúc tôi nóng, có gì không đúng, anh đừng để ý. Tội trạng anh ra sao mà giữ ở đây lâu thế? Sáng nay, đi cung thế nào?

Gã kể lại đầu đuôi hoàn cảnh của vợ chồng gã, và vụ việc gã.

Tên quản giáo lắc đầu:

- Chuyện chẳng đâu vào đâu! Tôi tin anh. Hồi tôi học anh mấy năm, anh là một giáo viên tận tình, có phản tuyên truyền bao giờ đâu. Để tôi nói với ông cụ tôi. Ông ấy có thể can thiệp. Cứ hy vọng. Đừng phiền muộn quá. Còn chuyện cắt tiếp tế, không thành vấn đề. Chiều nay tôi sẽ tới nhà anh, mang tiếp tế vào đây cho anh.

Gã mừng rỡ:

- Nếu ông giúp, minh oan được cho, thì vợ chồng tôi lại được xum họp. Ơn ấy, tôi không bao giờ dám quên. Còn tiếp tế, ông nói hộ với vợ tôi là không cần thiết. Vợ tôi đan len 12 tiếng mỗi ngày, chỉ kiếm được có bốn chục đồng một tháng. Nuôi thân còn chưa đủ!

- Ơn huệ gì! Tôi thấy cần làm là làm. Được, tôi sẽ trình bày rõ với ông cụ tôi. Dù sao, anh cũng là thầy cũ của tôi. Tôi sẽ nói với vợ anh theo đúng ý anh.

Thấy sáu tên công an võ trang đi tới. Tên quản giáo gọi trưởng phòng:

- Khám phòng!

Trưởng phòng vào phòng, hô lớn:

- Mang hết nội vụ ra!

Hơn hai trăm thằng tù xách bị, xách túi, lần lượt đi ra, chất nội vụ thành một đống, cạnh cây bàng, rồi ngồi xếp hàng đầy sân. Hai tên võ trang đeo khẩu trang vào phòng, lục soát các xó xỉnh, các lỗ thủng trên tường, kể cả trong nhà mét. Bên ngoài bọn tự giác đổ các túi, các bị ra sân. Toàn những quần áo dơ bẩn, hôi mốc. Sau khi khám xong, tên tù ấn đồ của mình vào túi hoặc bị. Tiếp tục khám người. Lại cởi quần, cởi áo, sờ nắn. Những thân gầy lở lói, mình trần, run rẩy đứng giữa sân ướt lạnh. Mưa xuân vẫn lây phây rắc bụi nước xuống. Những tên khám rồi, bê nội vụ ngồi riêng ra một chỗ, dưới hàng trăm bộ đồ giặt ban sáng, vắt chồng chất lên nhau trên một đoạn dây thép dài độ bốn thước. Mùi thối ủng bốc ra, tanh tởm. Nước lỏng tỏng rỏ giọt xuống đầu, xuống vai. Mấy tên võ trang khác, đeo khẩu trang đứng quan sát cuộc khám xét.

Một tên tự giác giơ chiếc áo sợi của một gã tù dở điên, dở dại, kêu lên, khiếp sợ:

- Toàn rận với trứng! Phải hàng nghìn con!

Tên quản giáo ngồi trong phòng uống trà, ra lệnh:

- Đốt nó đi!

Gã tâm thần giằng lại rên rỉ:

- Rét lắm! Để chúng nó cắn tôi! Tôi thương chúng nó lắm! Tôi chỉ có cái áo đó. Không được đốt.

- Đốt! Cho nó một cái áo cung!

Tên tự giác chạy vào kho, lấy ra một cái áo dù, quẳng cho gã thần kinh, rồi bật lửa châm đốt cái áo ngay tại sân. Gã thần kinh ngồi một chỗ, khóc nức nở.

Cuộc khám xét kéo dài chừng hơn một giờ. Hai gã nhà bếp gánh cơm tới. Gã giáo viên lau bệ xi-măng, đổ cơm lên, chia đều mỗi phần một bát con. Tiếp tục tới rau muống nấu muối. Rau muống đã hết mùa từ lâu. Đây chỉ là những gốc còn sót lại trên ruộng, lờm xờm những rễ, khô cứng. Nước rau mặn chát, đen xì. Tên quản giáo nhìn đống cơm canh, lắc đầu.

Hắn quay sang dặn trưởng phòng:

- Cho phòng ăn sớm, vào sớm. Chiều nay nhiều quà tiếp tế đấy.

Rồi hắn bỏ đi.

Một tên tự giác chửi:

- Rau cỏ cái con mẹ nó! Chúng nó coi tù không phải là giống người nữa. Đổ mẹ đi!

Gã giáo viên cũng lường trước bọn tự giác không nhá nỗi thứ rau này, nên không chia phần họ.

Những ngày giáp tết, không khí Hỏa-Lò thảm đạm. Ai cũng nặng chĩu trong lòng nỗi hoài niệm quá khứ, nỗi lo sợ tương lai. Nhớ vợ, thương con, ngổn ngang trăm mối. Còn phải ăn bao cái tết trong tù? Cảnh ly tán thương tâm bao giờ mới hết? Ngày đoàn viên, xum vầy bao giờ mới tới?

Tiếng pháo từ phố xá vọng vào, ngơ ngác. Cây bàng đã nhú những lộc non mừng xuân. Mặt tù tối sầm những ưu tư đón tết.

Bầy ma đói ngồi dưới bụi mưa xuân, vục đầu nhá sạch ít gốc rau muống dai, cứng, uống ừng ực cạn bát nước muối chát sè, đen xậm hơn cả nước bùn. Người chúng run bắn. Trong tù, ăn xong, bao giờ cũng cảm thấy rét dội lên. Đói cũng dội lên. Khẩu phần ăn chỉ đủ làm kích thích vị giác, dạ dầy, để chúng hành hạ thằng tù dữ dội hơn.

Một lão tù già, lưng còng, gầy đét, da mặt nhăn nheo, thở dài, giọng bùi ngùi:

- Tôi năm nay đã sáu mươi nhăm tuổi. Bây giờ mới thấm thía câu: “lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da”. Hồi trẻ, cứ đọc hoài, nghe hoài, mà thực ra chẳng hiểu gì cả.

- Bố đã nhận quà tết chưa?

- Nhận từ hôm qua. Cháu nó cho cái bánh chưng, ít thịt, mấy củ hành.

- Dầu sao cũng hưởng tí hơi hướng gia đình, ấm áp cõi lòng rồi. Không như con, trần trụi giữa bầy sói!

- Đ... mẹ cái con vợ tao. Sáu tháng nay nó cho tao vêu mõm. Tết này, mà nó lờ nữa, ra tù, tao sẽ bỏ!

- Tao sợ nó đã bỏ mày rồi đấy! Đâu đợi đến lúc mày về, mày bỏ nó. Tưởng bở!

- Bao nhiêu thằng đi tù mất vợ. Có gì là lạ!

- Này bố già, tội gì mà tù? Hiếp dâm trẻ con phải không?

Lũ ma đói cười sặc sụa.

Tiếng tên trưởng phòng oang oang:

- Vào phòng!

Thế là hết ngày. Lại vào ngồi xếp hàng nghiêm chỉnh trên sàn.

Một tên tù đẩy một xe cút-kít, chất đầy mấy chục túi quà tới. Trưởng phòng tiếp nhận, rồi đọc tên ghi trên các túi quà, gọi tất cả ra sân. Mấy gã nghe thấy tên mình, nhảy cẫng lên:

- Lão xọm vẫn còn thương thằng con đầu trộm, đuôi cướp này!

- Có thế chứ! Con vợ tao chưa bị thằng khác bế mất!

- Tưởng tết này mà không tới thì ông từ. Chẳng mẹ thì đừng mẹ!

- Đúng là thứ nhất được về, thứ nhì tiếp tế!

Một số đã lâu lắm không có tiếp tế. Nghe gọi đến tên mình thì ngơ ngơ, ngác ngác, bàng hoàng, tưởng như trong mơ, cảm động không nói nên lời.

Sau khi đã khám xét mấy chục gói quà, gã giáo viên vào phòng đi tiểu. Một tên đầu gấu, tuổi độ ngoài hai mươi, trông dắn dỏi, nhanh nhẹn, da ngăm đen, đầu húi cua, mắt sắc lạnh, tươi cười hỏi:

- Ông anh chưa có quà à?

- Chưa, thế mày cũng chưa có à?

Gã thanh niên cười, hàm răng trắng đẹp, rất tươi:

- Mai em về rồi, cần gì quà!

- Mừng cho mày. Nhưng sao biết trước? Đã được báo rồi à?

- Nói thật với ông anh. Ông anh biết nhà thơ Nguyễn-xuân-Sanh không?

- Ông ta, trước năm 45, ở trong nhóm “Xuân-Thu” cùng với Đoàn-phú-Tứ. Tao có đọc thơ ông ta, biết tiếng ông ta thôi, chưa gặp mặt bao giờ. Xem nào, tao còn nhớ câu thơ: “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”. Thơ ông ta đấy.

- Em là con ông ấy đấy!

- A, thế mày là con ông ấy à! Tiêu chuẩn mày là được đi Nga, đi Tiệp học. Sao lại vào nằm đây?

- Học hành quái gì! Máu em thích ăn chơi sả lán. Cách đây hai tháng, em “đánh quả” ở một sứ quán, bị chộp.

Gã giáo viên, vẻ nghi ngại:

- Tội này ít ra cũng mười năm tù. Mày có chắc mày về không?

- Chắc như đinh đóng cột! Ông cụ đã cứu em nhiều lần. Ông cụ bảo lần này là lần chót.

Gã thanh niên hạ giọng, nói nhỏ:

- Ông cụ làm việc cho công an đấy!

- À, tao hiểu! Nhưng tao khuyên mày dừng lại ở đây. Ông cụ không xin mãi cho mày được đâu. Gia đình mày có túng thiếu gì mà phải...

- Ông anh không biết. Chúng em đập phá mạnh lắm. Gia đình nào cung cấp xuể. Ngay thằng con ông Huỳnh-tấn-Phát cũng phải xách súng đi ăn cướp. Bố nó xin cho nó nhiều lần rồi, có chừa được đâu! Nó ở phòng 12. Mới về sáng qua đấy. Thằng ấy đẹp trai thật!

Gã giáo viên vỗ vào vai con trai nhà thơ Nguyễn-xuân-Sanh:

- Mày cũng đẹp trai. Đẹp một cách cứng cáp. Chúc mày may mắn. Tao đi tiểu, rồi còn ra làm việc.

Trời đã về chiều, mưa bay bay, rét lịm. Bọn nhận quà ăn uống xong đã vào phòng từ lâu. Thằng nào, thằng ấy, no căng rốn. Chúng ăn trả thù, bù cho những tháng dài đói meo, đói mốc. Có thằng bội thực đã vào cầu tiêu nôn mửa. Lâu ngày mới được một bữa thỏa thuê. Chất mỡ lẫn chất ngọt nốc vào. Thằng nào cũng tháo tỏng, mặt xanh, nanh vàng. Khổ hơn lúc đói! Nhưng dù sao cũng đã sướng khẩu!

Gần 6 giờ chiều. Tên quản giáo đi tới, vội vã:

- Vào phòng tất cả. Tôi phải về quê tối nay. Chúc các anh ăn tết vui vẻ. Mùng bốn, tôi bắt đầu làm việc.

Trưởng phòng chắp hai bàn tay vào nhau, vẻ trân trọng:

- Thay mặt anh em tự giác, chúng cháu chúc cán bộ đạt nhiều thành tích, được thăng cấp, được...

- Cảm ơn, cảm ơn. Đây, quà của anh đây. Chị ấy nhất định gửi cho anh. Còn cái thư, đây.

Tên quản giáo đưa một túi quà nhỏ cho gã giáo viên. Gã cất vào trong tủ đựng quà.

- Cảm ơn ông. Thưa ông, nhà tôi có khoẻ không?

Hắn hơi ngập ngừng:

- Nói chung là khoẻ. Hơi gầy một chút.

Một tên tự giác lễ độ:

- Thưa cán bộ. Cháu sợ giờ này không còn xe ca.

- Tôi đi xe máy. Thôi, vào đi, muộn rồi.

Cửa phòng khóa lại.

Cả Hỏa-Lò, chỉ có vài cán bộ quản giáo có xe máy. Tên quản giáo vẫn tự hào về chiếc xe Dream Nhật-Bản của hắn. Tên cán bộ phụ trách nhà bếp cũng có. Tên cán bộ phụ trách phòng các tù đã thành án cũng có. Đó là hai chân nhiều “mầu” nhất (kiếm chác được nhiều nhất).

Sau khi đã trà thuốc xong, viện cớ nhức đầu, gã giáo viên buông màn đi nằm. Thực ra gã muốn yên tĩnh một mình để nghĩ tới vợ. Đây là lần đầu tiên, sau hai mươi mốt tháng xa nhau, gã nhận được thư vợ. Dù chỉ ngắn ngủi vài hàng viết vội, nhưng bao tình, bao nghĩa thấm đọng trong đó! Gã nằm trong màn, đọc đi, đọc lại bức thư, tới mức thuộc lòng. Nước mắt ứa ra. Nàng khuyên gã uốn thân, nuốt nhục, cố chịu đựng mọi nghịch cảnh, không nên thẳng thắn quá. Thì từ bao năm rồi, gã đã chẳng sống như vậy sao! Thủa xa xưa, nàng là học trò gã. Nàng yêu gã, lấy gã, cũng chỉ vì quý cái lòng dạ chân thành của gã, cái tận tụy với công việc của gã, cái tính ngay thật, nghĩ sao nói vậy của gã. Rồi sau, thấy xung quanh, nhiều người bị bắt đi tù vì vạ miệng, nàng lại van vỉ gã phải sống khác, phải biết đeo mặt nạ, biết cười giả, nói giả, và nhất là phải biết ca ngợi giả! Phần thương vợ, phần bản thân gã cũng hiểu không thể sống thật được, nếu không muốn tai họa ập lên đầu. Dần dà năm tháng, gã trở thành một kẻ sống giữa cuộc đời mà như câm, như điếc. Khiêm tốn, lịch sự cả với những tên vô học, vô hạnh, vô sỉ. Riêng khoản ca ngợi những điêu trá, đốn mạt, gian manh, ca ngợi những tội ác, những hạ nhục nhân phẩm, những chà đạp đạo lý, gã chịu không luyện nổi! Gã chỉ có thể giữ sự im lặng lạnh lùng, khinh bỉ. Thái độ sống đó, tuy không làm hài lòng Ban Lãnh Đạo nhà trường, chính quyền khu phố, nhưng cũng đủ bảo đảm được sự an toàn cho bản thân. Lần này đi tù, đúng là tai bay, vạ gió ở đâu đưa tới. Không đỡ nổi.

Vào nằm Hỏa-Lò, gã mới nhận ra là tuy sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nhiều năm, gã vẫn chưa hiểu biết sâu sắc về chế độ. Gã không ngờ rằng việc gã giỏi Trung-văn, đọc báo, nghe đài Trung-Quốc, giao thiệp với những người hàng xóm Trung-Hoa, như gã vẫn làm từ mấy chục năm trước, nay bỗng trở thành trọng tội. Gã đã thiếu nhạy bén trước những bước ngoặt của lịch sử. Khi tình nghĩa đào viên Trung-Việt đã tan tác, đáng lẽ gã phải sống khác. Sai lầm của gã là ở chỗ đó. Vợ chồng gã chia lìa cũng là ở chỗ đó.

Trong thư, vợ gã viết “bất cứ tình huống nào, em vẫn mãi mãi là của anh, chỉ là của anh”. Nghĩ tới tương lai ngàn trùng cách biệt, gã đau lòng, đau lòng thật sự! Bây giờ gã mới hiểu hai chữ “đau lòng” không phải chỉ là một cách nói để diễn tả sự đau đớn về tinh thần, về tình cảm. Mà là đau trong ruột thật sự! Gã thấy ruột gã quặn thắt lại từng hồi.

Nhà tù đã dạy gã nhiều. Việc tên quản giáo hứa nhờ bố hắn can thiệp, thoạt nghe, gã cũng khấp khởi, hy vọng. Nhưng suy nghĩ một tí, gã thấy đó chỉ là chuyện hão huyền. Các vụ gọi là chính trị, không ai dại can thiệp hộ hết, ngay cả anh em ruột thịt. Những Huỳnh-tấn-Phát, Nguyễn-xuân-Sanh xin xỏ được cho con họ, vì con họ chỉ đi ăn cắp, ăn cướp. Nếu là chính trị, những loại “Chủ tịch cây cảnh”, “Nhà thơ mật thám” đó làm sao dám hé răng! Gã nhớ hồi gã mới bị bắt, nằm xà-lim 1, người ta có dẫn Huỳnh-tấn-Phát tới thăm hai buồng kỷ niệm Hoàng-văn-Thụ, Trần-đăng-Ninh. Y đến một cái, là cắm đầu đi ngay. Không dám nhìn ngang, nhìn ngửa. Không dám đưa mắt tới các buồng khác!

Gã nằm trong màn, bất động, suy nghĩ miên man, mặc những tiếng trò chuyện ồn ào bên ngoài. Suốt đêm không ngủ. Gã sống trong tưởng tượng với vợ. Gần sáng, gã thiếp đi một lúc, mê mệt.

Suốt ngày 30 tết, thời tiết đẹp. Khi tù ra sân, ăn cơm, ăn quà gia đình, nắng xuân vàng mượt, óng ả, tỏa lên những mái tóc bù xù, xác xơ, những cái đầu trọc lốc, những cái mặt vêu vao, nghệt ra vì đói khổ. Những manh áo xỉn mầu, cáu bẩn, những bàn tay, bàn chân ghẻ loét, nứt nẻ. Đám tù hệt như một bầy gia súc gầy ốm, lở lói, sống loi nhoi, vật vờ, hau háu chờ ăn.

Tin buồn, từ nhà bếp đưa lên, gieo một nỗi thất vọng, cay đắng trong lòng nhiều người. Tết năm nay không có gì, ngoài ít xương lợn nấu với bắp cải! Thế là bao ngong ngóng chờ đợi suốt mấy tháng tiêu tan! Tết ở Hỏa-lò, năm nào sang nhất, cũng chỉ vào mồm thằng tù độ một lạng thịt lợn, tí lòng, tí xương, tí xu hào. Tất cả chia làm hai bữa: chiều ba mươi và sáng mùng một. Nhưng những thằng tù đói dài, đói rạc, vẫn khao khát chờ đón. Trong quãng đời triền miên khô kiệt, héo hắt, được liếm láp tí chất nhờn, đối với họ đã là một sự cải thiện lớn lao, một niềm vui, một ngày hội. Hơn nữa, vào mấy ngày thiêng liêng này, họ được hưởng những phần cơm của những người tù thừa mứa tiếp tế không đụng tới. Cũng được ấm lòng một chút. Khi người ta đói, thì mong muốn duy nhất, trước nhất, là ăn! Mọi chuyện khác, xét sau.

Buổi trưa, bọn tự giác, bọn đầu gấu, mấy tên tù giầu, họp bàn. Chúng định tổ chức đón giao thừa một cách thực rôm rả, ra trò. Tên quản giáo đã về quê. Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm.

Tên trưởng phòng mở đầu:

- Năm nay, chúng ta có cái may là đã khám phòng hôm qua, không sợ gì nữa. Có thể mang vào phòng các món ăn để đón giao thừa thực vui vẻ, quên nỗi nhớ nhà, xa vợ, xa con. Ai có thứ gì, tùy lòng đóng góp cho vui. Các cậu tính sao?

Gã bộ đội buôn thuốc phiện lậu, sốt sắng:

- Mang của tôi vào con gà quay, hai bánh chưng, một hộp mứt!

Gã giáo viên, khiêm tốn:

- Tôi xin góp một bánh chưng, một gói trà Hồng-Đào.

Tên trực trong hăng tiết:

- Tất cả chúng ta có 15 người. Tôi mang vào 15 gói mì tôm, 1 cân kẹo nu-ga.

Trưởng phòng lắc đầu:

- Mì tôm không tiện. Đun nước cách rách lắm. Chúng ta chỉ mang một xoong con vào đun nước pha trà thôi.

- Nếu vậy, tôi thay mì tôm bằng 15 phong bánh đậu xanh, một gói giò lụa.

Tên nào cũng nhiệt tâm đóng góp. Cuối cùng tính ra quá nhiều không thể ăn xuể. Gã giáo viên đề nghị:

- Chúng ta có thể bớt giò, chả, thịt, bánh chưng đi. Mang thêm kẹo, bích quy, phát cho những tên không tiếp tế. Nhưng riêng bọn ta, không thể đủ nổi. Tôi có ý kiến cho những tên có tiếp tế mang ít quà vào, với điều kiện mỗi đứa phải góp ít kẹo bánh, cho có đủ số phân phát. Chúng mình ăn uống mà để chúng nó ngồi chầu, tội lắm. Chúng ta nên tổ chức để cả phòng đón một cái tết vui vẻ. Các bạn nghĩ thế nào?

Tên trùm đầu gấu hứng khởi:

- Đúng, cả phòng chung vui! Em sẽ cho bọn chúng mỗi đứa hai vê thuốc lào. Thiếu khoản khói này, tết đéo coi là tết nữa!

Tất cả đồng ý. Bữa ăn quà gia đình chiều hôm ấy, bọn tự giác cho phép mỗi đứa mang vào phòng ít quà của mình, dặn phải cất giấu cẩn thận. Rồi chúng thu thập những món liên hoan đón giao thừa vào một bao tải lớn, nhét vào giữa đống nội vụ ở góc phòng.

Bữa cơm tất niên chiều ba mươi tết cũng giống như buổi sáng. Một bát cơm con nguội tanh và một bát nước muối đen chát. Ngồi ăn, bọn tù nguyền rủa, chửi bới không tiếc lời:

- Đểu, cực đểu, dã man thật! Tết nhất mà thế này!

- Làm con chó của thằng Tây, thằng Mỹ, còn tốt hơn!

- Người với người thực quá chó sói!

- Thịt, cá, Ác Thú ăn mẹ nó cả rồi, còn đâu nữa!

- Có điều kiện, phải lột da, nhồi chấu chúng nó! Cho hả giận!

- “Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai!” “Thù muôn đời muôn kiếp không tan!”

- Đ… mẹ mày, sung sướng lắm đấy, mà còn đọc thơ Tố-Hữu!

Sáu giờ chiều, một tên quản giáo tới, lùa bọn tự giác vào phòng, khóa cửa lại.

Trưởng phòng mừng rỡ:

- Thế là êm xuôi! Chúng ta phát kẹo bánh cho những thằng không có tiếp tế, cho nó xong đi. Phát cả thuốc lào luôn thể.

Tất cả hơn bảy chục thằng vô gia cư ngồi xếp hàng. Mỗi đứa được phát mười hai cái kẹo, bảy bánh quy, hai vê thuốc lào.

Trực trong tuyên bố:

- Im lặng, im lặng! Chúng mày ăn ngay, hay đợi đón giao thừa, tùy thích. Còn thuốc lào, tất cả chuẩn bị bắn phát thứ nhất!

Cả buồng tưng bừng hẳn lên. Đúng là một miếng khi đói, bằng một gói khi no.

Đã bắt đầu có không khí tết. Tiếng pháo ngoài phố lác đác từng tràng vọng vào, ấm áp. Một tên tự giác phát giấy báo cuốn thuốc, đem mồi lửa tới từng nhóm, cho cả phòng hút. Tất cả say mềm. Đứa lăn đùng. Đứa ngã ngửa. Đứa dựa vào tường. Đứa gục vào đứa khác, dớt dãi chảy ra, mắt trợn ngược. Hơn hai trăm con người như vậy. Một cảnh tượng hiếm thấy. Lũ đầu gấu, lũ tự giác cười ngặt nghẽo.
Tên trùm đầu gấu thích chí:

- Lâu không có. Được một hơi, say thế mới gọi là say! Giao thừa, cho lũ mày bắn phát thứ hai. Tống cựu, nghênh tân!

Đám tự giác, đám đầu gấu và mấy tên tù nhà giầu bắt đầu ngồi quanh, trà thuốc, thoải mái. Gã trực trong tâm sự:

- Tớ ăn ở Hỏa-Lò, tết này là ba tết. Phải nói tết năm nay là đạt yêu cầu nhất! Mọi năm, chiều ba mươi tết mới khám phòng. Khám xong là lùa vào ngay. Không yểm nổi thứ gì. Điếu thuốc cũng không có. Buồn như chấu cắn!

Gã giáo viên thừa nhận:

- Đúng vậy. Tết năm ngoái, đêm ba mươi, cả phòng nằm vật vờ. Không ai buồn nói với ai.

Gã bộ đội buôn thuốc phiện, thở dài:

- Tớ đã ăn nhiều cái tết trong rừng. Nhưng chẳng bao giờ chán như ở Hỏa-lò này. Cách đây bốn năm, tớ đã trả lại cái lon đại úy, xin giải ngũ về lấy vợ. Chán đời lính quá rồi. Phải giã từ vũ khí, để xây dựng lại cuộc sống của mình. Không may bị tóm quả này, có thể mười năm tù. Không biết mấy thằng tướng, thằng tá, cùng làm ăn với tớ, có cứu tớ không?

Cả phòng trò chuyện râm ran, ồn ào như cái chợ vỡ. Tạm quên kiếp tù, tạm quên gia đình.

Thình lình, tiếng khóa sắt loảng xoảng. Cửa phòng bật tung. Năm tên công an võ trang ập vào, quát:

- Tất cả ngồi im tại chỗ!

Chúng lục soát các nơi. Chúng không khám người. Kẹo, bánh, giò, chả, thịt, bánh chưng, gà quay, mứt, được ném vào hai túi ni-lông lớn. Một cuộc tập kích bất thần. Diễn ra trong vòng năm phút. Chúng xách hai túi chiến lợi phẩm đi, khóa cửa lại.

Một tên nói, giọng ban ơn:

- Ngày tết, chúng tôi chỉ tịch thu. Tha cho các anh tội vi phạm nội quy, mang đồ ăn vào phòng!

Cả phòng im phăng phắc, bàng hoàng trước sự việc không ngờ. Một lúc, gã bộ đội buôn thuốc phiện lậu, chửi:

- Tiên sư nó, chúng ta bị sa bẫy rồi! Trúng kế dụ địch của chúng. Rơi đúng vào ổ phục kích! Phải nói, đòn đểu thật!

Tên trực trong hầm hầm:

- Mất trắng! Chúng nó đêm nay sẽ chè chén no say. Còn có quà mang về cho vợ con nữa! Khốn nạn thật! Cướp cả của tù! Đúng là ma không thương người ốm, kẻ trộm không thương người nghèo.

Trưởng phòng than thở:

- Ai mà lường được! chúng âm mưu nhỏ nhen, đểu đến như vậy. Dù sao cũng là quân đội nhân dân anh hùng!

Gã trùm đầu gấu càu nhàu:

- Em mà không nhanh giấu kịp gói thuốc lào thì vỡ mặt! Không có gì hút mấy ngày tết nữa! Bọn lưu manh chúng em phải phục kế hoạch của chúng đấy! Thấp cơ, thua trí, đành chịu vậy thôi.

Gã giáo viên an ủi:

- Cũng may mình đã phân phối cho bọn vô gia cư rồi. Chúng ta thất bại. Nhưng ít nhiều, bọn chúng cũng được vui. Có tí ăn, tí hút. Đỡ tủi thân.Than thở, oán thán chán, cả bọn nằm dài, vắt tay lên trán, uất ức. Căn phòng trở nên tẻ lạnh, ảo não. Gã trùm đầu gấu ngồi phắt dậy:

- Thôi quên đi! Nghĩ ngợi thêm hận. Thằng ca sĩ đâu, hát một bài tiêu sầu. Tao sẽ thưởng một vê thuốc lào!

Một tên tù mặt xanh nhợt, đầu bù tóc rối, mắt lồi, hầu lộ, ria mép lún phún, đứng dậy.

- Lại đây! Hút trước, để có khí thế!

Sau khi rít một hơi đã đời, gã ca sĩ, đằng hắng, lấy giọng, bắt đầu:

Đàn bò vào thành phố
Reo buồn tiếng nhạc chuông...

Gã buôn thuốc phiên lậu quát:

- Tắt máy! (Câm đi). Rên rỉ bài con bò ấy làm gì? Đúng là ngu hơn bò!

- Thế các anh muốn em hát bài nào?

- Bài nào chiến đấu dũng mãnh ấy. Rên rỉ, ỉu sìu, nước mẹ gì! Mở đầu, Tiến Quân ca, Quốc Tế ca, rồi Diệt Phát-xít, rồi Chiến Sĩ Lục Quân Việt Nam. Hát to lên.

Tên ca sĩ gân cổ, há mồm:
Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới...
Đứng đều lên, gông xích ta đập tan
Từ bao lâu ta nuốt căm hờn
Thề phanh thây, uống máu quân thù
Tiến lên, cùng thét lên!
………

Hết bài, gã hát tiếp:

Vùng lên, hỡi các nô lệ thế gian!
Vùng lên, hỡi ai cơ khổ, bần hàn!
Sục sôi nhiệt huyết trong tim đầy chứa chan
Quyết phen này sống thác mà thôi…
…………

Lời ca làm cả phòng hăng bốc. Hằng trăm tên rầm rộ cùng hát. Không khí phòng giam như chất đầy chất nổ.

Tiếp liền theo là bài Diệt Phát-xít:

Việt Nam bao năm dòng rên xiết, lầm than
Dưới ách quân tham tàn, đế quốc, sài lang
Loài phát-xít cướp thóc lúa, cướp đời sống dân mình
Nào nhà tù, nào trại giam, biết bao nhiêu cực hình...
Diệt phát-xít, với bầy chó đê hèn của chúng...
Đã tới ngày trả mối thù chung.

Giọng ca sĩ sôi nổi, cuồn cuộn. Những bài hát này ai cũng thuộc. Cả phòng bị lôi cuốn, đứng lên hát theo, như sấm động:

Nào nhà tù, nào trại giam, biết bao nhiêu cực hình..
Đồng bào tuốt gươm vùng lên
Đã tới ngày trả mối thù chung!

Đúng tâm trạng của mọi người. Tất cả, không phải hát, mà gào lên, sùng sục, say máu. Khí thế trở nên hừng hực, rực lửa. Phòng bên cạnh ầm ầm vỗ tay tán thưởng. Từ xà-lim xa xa, bọn tử tù gào lớn, cổ võ...

Chuyển sang bài Chiến-Sĩ Lục-Quân Việt- Nam:

Lời kêu thiên thu, phá hết lao tù!
Giết hết quân thù!

Câu hát này, hơn hai trăm thằng gầm vang, dữ dội, lập đi, lập lại nhiều lần, chấn động cả Hỏa-lò!

Đoàng! Đoàng! Đoàng! Năm, sáu phát súng vang lên, xé trời đêm. Tất cả im bặt. Cửa phòng bật mở. Hàng chục công an võ trang, súng AK lăm lăm, tiến vào phòng, quát lớn:

- Chúng mày muốn nổi loạn! Thằng nào hát? Thằng này! Thằng này! Thằng này!

Gặp thằng nào, chúng lôi thằng ấy ra khỏi phòng. Bọn tự giác, bọn đầu gấu, gã thuốc phiện lậu, đứng ở phía đầu phòng, đều bị lôi xềnh xệch đi hết. Qua khỏi giàn nho, chúng đẩy tất cả vào một căn phòng rộng, đèn điện sáng trưng. Giữa phòng, một tên công an võ trang đứng tuổi ngồi bên một chiếc bàn lớn. Trên bàn, các món ăn la liệt, cùng mấy chai rượu trắng. Chúng bắt cả bọn dựa lưng vào tường, rồi dùng báng súng nện vào ngực, vào vai:

- Nổi loạn này! Nổi loạn này! Phải đập chết bọn mày!

Bọn tù ngã gục xuống. Chúng dùng gót giầy giậm lên người, một cách tàn bạo, hung dữ, dồn dập.

- Chúng tôi có tội gì! Các ông không có quyền đánh người dã man như vậy!

Bọn tù thét lên. Lần đầu tiên họ không xưng cháu, không van xin.

Gã thuốc phiện lậu vùng đứng dậy, mặt bừng bừng, mắt long lên như điên, chỉ tay vào con gà quay ăn dở trên bàn, thét lớn:

- Tao là đảng viên, là một đại úy trong quân đội, từng chiến đấu vào sinh ra tử! Ai cho phép chúng bay ăn cướp của tù để chè chén! Con gà này là của tao. Tao sẽ tố cáo việc này lên ban giám thị, lên sở, lên bộ! Chúng mày có gan cứ đánh chết tao đi! Tao sẽ tố cáo bọn mày. Đánh đi, giết đi!

Gã vừa thét, vừa phanh áo ra, thách thức.

Cả bọn công an võ trang ngừng lại, ngơ ngác...

Bọn tù lổm ngổm bò dậy, nói lớn, nhốn nháo:

- Chúng tôi sẽ đồng loạt tố cáo, đồng loạt tố cáo. Cả phòng hơn hai trăm người sẽ tố cáo!

Gã giáo viên, lau máu trên mặt, đanh thép:

- Các ông đã làm nhục danh hiệu công an nhân dân. Dù chết, chúng tôi cũng tố cáo. Nhân chứng, vật chứng đủ cả. Đảng, Nhà nước, nhất định không tha thứ cho hành động cướp của, đánh người vô cớ này. Chúng tôi chỉ hát những bài hát cách mạng. Ai nổi loạn?

Tên đứng tuổi đeo lon thượng úy từ nẫy vẫn ngồi ở bàn, bên chén rượu, đứng dậy, ôn tồn:

- Các anh hô: “Phá hết lao tù! Giết hết quân thù!” Không phải là nổi loạn sao? Các đồng chí đây cũng hơi nóng, hơi nặng tay, tôi sẽ cho kiểm điểm. Các anh cứ yên tâm. Tôi sẽ không báo cáo việc này với Ban Giám Thị trại. Không ai sợ các anh tố cáo đâu. Các anh là những kẻ đương phạm pháp. Nhưng thôi, ngày tết, nên vui vẻ cả!

Nói xong, y đi lại cái tủ, mở ra, lấy một tút thuốc lá Sông-Cầu, một gói trà Ba Đình, đưa cho tên trưởng phòng. Rồi quay sang bọn cấp dưới, ra lệnh:

- Đưa họ về phòng!

Bốn tên công an võ trang cầm AK đưa họ đi. Chúng đi phía sau, cách khoảng năm, sáu thước, im lìm. Đám tù lê bước, lếch thếch, chậm chạp. Bọn võ trang vẫn kiên nhẫn, yên lặng. Bình thường chúng đã quát tháo, thúc giục, chửi mắng.

Trời đêm rét thấu xương. Gió bấc từng cơn hắt bụi mưa vào mặt, ướt, lạnh. Sau khi đã khóa cửa phòng lại, một tên võ trang nhẹ nhàng nói:

- Sáng mai chúng tôi sẽ cho các anh thuốc xoa.

Đám tù không lưu ý, không trả lời. Chúng về chỗ, nằm vật ra. Cả phòng nhổm ngồi dậy, ngơ ngác nhìn. Mấy tên gần nhà mét, xì xào:

- Chắc đã no đòn cả!

- Ai bảo vẽ chuyện hát với hỏng!

- Chuyện chưa kết thúc đâu. Còn màn kế tiếp!

Lão già lưng còng, da mốc nhăn, lò mò tới chiếu gã giáo viên, ái ngại:

- Các anh chắc đau lắm. Để tôi xoa bóp cho. Đỡ ngay. Đấy là nghề chuyên môn của tôi. Giá có dầu cao, thì kiến hiệu lắm.

Gã giáo viên rên:

- Ngực tôi nhức lắm! Chúng nó dã man thật. Vợ tôi mới gửi cho tôi hộp dầu hôm qua. Bác xoa giúp hộ một tí.

- Anh nằm ngửa lên. Phanh áo ra, tôi xem. Trời, thâm tím cả! May mà các anh mặc áo bông đấy. Nếu không, chắc gẫy hết xương sườn.

Lão bôi dầu, xoa xoa, bóp bóp một lúc. Gã giáo viên thấy đau nhức giảm hẳn. Gã nói với cả bọn:

- Dậy, cho ông cụ xoa bóp hộ. Đỡ lắm.

Lão lần lượt làm cho từng tên. Chúng cảm thấy bớt ê ẩm, khó chịu. Xong việc, lão già định đứng dậy về chỗ, thì gã trùm đầu gấu ngăn lại:

- Bố già làm với chúng con một hơi đã!

Gã nhìn tên bộ đội buôn thuốc phiện lậu vẫn còn đương hầm hầm tức giận, cười:

- Tối nay, mới biết cái gan của ông anh nó lớn đến cỡ nào! Đàn em xin nghiêng mình bái phục. Nhờ khí phách của ông anh, mà bọn võ trang phải chờn chúng ta!

- Chờn à? Tao còn kiện lũ chúng, cho chúng rơi lon, không tha được!

Lão già buồn rầu:

- Các anh còn trẻ, chưa hiểu thời thế. Con kiến mà kiện củ khoai. Chẳng ăn thua gì, có khi còn mang vạ. Cứ nghe dại lão già này. Bỏ qua đi là hơn cả. Cái nghề cai ngục nó bất nhân lắm!

Gã bộ đội buôn thuốc phiện lậu bậm môi, trừng mắt:

- Bất nhân? Nếu trời đất mà thay đổi, lũ chúng phải vào tù, tôi chỉ có một nguyện vọng, là được làm một “viên cai ngục nhỏ bé”!

Gã trùm đầu gấu, chồm lên:

- Em cũng thế!

- Năm, sáu tên, hăm hở:

- Em cũng thế! Em cũng thế! Em cũng thế! Cả em cũng thế!

Bên ngoài, vài tiếng pháo vang lên, lẹt tẹt, đơn lẻ, trong trời đêm mênh mông...


Nguyễn Chí Thiện

Trích trong tập truyện "Hỏa Lò".