Bình Nguyên Lộc, bút hiệu con nai hiền miền bình nguyên, là một nhà văn, nhà báo kỳ cựu, đã sống và trải qua nhiều thời đại của lịch sử Việt Nam. Từ thời Pháp thuộc, ông đã khởi thảo truyện ngắn đầu tay “ Hương Gió Ðồng Nai” năm 1935, rồi sau đó “ Phù Sa”. Và sau khi tản cư vềvùng kháng chiến, rồi trở lại Sài Gòn hành nghề viết báo, ông đã có mặt không những suốt hai mươi năm văn học Miền Nam, mà còn có mặt thời tiền chiến ở miền Nam và cả ở hải ngoại sau khi ông đoàn tụ gia đình với con trai.
Ở trong nước, khi biên soạn “ Tuyển Tập Bình Nguyên Lộc”. Nguyễn Q. Thắng đã viết về những ngày tháng trong đời cầm bút khi tác giả “Ðò Dọc” còn sống ở trong nước sau 1975:
“.. Ðộc giả Bình Nguyên Lộc hầu hết là đồng bào từng sống ở nông thôn vì chiến tranh mới lưu tán về các đô thị . Thế cho nên bối cảnh, nhân vật, tâm tư, tình cảm của các nhân vật trong tác phẩm ông là những con người đều có liên hệ đến vận nước lúc đó. Chính vì vậy, khi tiếp xúc với các nhà văn kháng chiến thì ở nội thành hay chiến khu ông luôn luôn bộc bạch tự đáy lòng sâu thẳm. “Tôi vẫn là của các anh” như ôngđã tâm sự với một nhà thơ ngoài chiến khu vào nội thành hồi năm 1970 ở Sài Gòn.. Vì ý ông muốn nói “Ông vẫn đứng về phía cách mạng ” như nhà thơ Viễn Phương đã viết trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay vào tháng 10 năm 1997. Nói như ông, Bình Nguyên Lộc tự nhận mình là người của cách mạng Việt Nam. Thế cho nên, sau năm 1975 các nhà văn, nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Tuân,.. thường ghé thăm ông một khi vào Sài Gòn công tác..”
Thế nhưng, trong bài viết của John C. Schafer “ Remembering a visit with Bình Nguyên Lộc” đăng trên The Viêt Nam Forum mà Phan Việt Thủy chuyển ngữ có đoạn :
“Ngay cả khi chúng tôi nhắc đến Cộng sản, Bình Nguyên Lộc cũng nói với sự buồn rầu hơn là giận dữ.” “Thoạt đầu người ta thích Cộng sản bởi vì họ tưởng là chúng sẽ lấy của cải của người giàu để cho người nghèo. Nhưng họ khám phá ra là chúng lấy luôn của cải của cả người giàu lẫn người nghèo. Sau năm 1975, tôi không viết được nữa. Ách kiểm duyệt quá nặng nề và chỉ có các đảng viên hay cảm tình đảng mới có thể được phép xuất bản. Họ có mời tôi viết nhưng tôi từ chối. Văn chương có thể được diễn dịch theo nhiều cách khác nhau. Lỡ có ai đó diễn dịch tác phẩm của tôi theo một chiều hướng khác thì tôi sẽ bị rắc rối ngay..”
Nhà văn Mai Thảo, trong bài “ Nhân cách Bình Nguyên Lộc” cũng viết: “Bấy giờ, là thời gian từ 30 tháng tư 75 tới đầu 76. Trung Ương Ðảng Cộng Sản ở Hà Nội, tuy chưa phát động đàn áp và cầm tù văn nghệ sĩ, đã cho thi hành ở Sài Gòn một chính sách lũng đoạn hàng ngũ văn nghệ cực kỳ hiểm độc. Chính sách đó nhằm tạo kỳ thị, gây chia rẽ giữa những nhà văn miền Bắc vào Nam trong đợt di cư 1954 với những nhà văn sinh trưởng ở Nam Phần. Suốt ba mươi năm văn học, Nam Bắc đã một nhà Bắc Nam đã bằng hữu. Cộng sản muốn chấm dứt cái tình trạng hòa đồng tốt đẹp đó. Và người chúng dành hết mọi nỗ lực khuynh đảo là Bình Nguyên Lộc. Thoạt đầu là đám văn nghệ nằm vùng. Như Sơn Nam, Vũ Hạnh. Kế đó là nhóm văn nghệ của Mặt Trận Giải Phóng về thành, tạm thời được nắm giữ những địa vị quan trọng như Trần Bạch Ðằng, Giang Nam, Anh Ðức, nhiều kẻ đã quen biết Bình Nguyên Lộc từ xưa. Cuối cùng là đám nhà văn nhà thơ công thần của chế độ và vào từ Hà Nội như Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Nguyễn Ðình Thi, Huy Cận. Tất cả, trên từng địa vị khác biệt, đã viết thư, điện thoại ân cần thăm hỏi tác giả Ðò Dọc, về sức khỏe, về đời sống của ông, nói thân thế ông mãi an toàn, sự nghiệp không chôn vùi, ông vẫn là nhà văn lớn. Tất cả đã lần lượt đến khu Cô Giang Cô Bắc tươi cười nhã nhặn gõ cửa xin gặp người trong ngôi nhà có hai chậu vạn niên thanh. Bình Nguyên Lộc tiếp hết, từ tốn chững chạc vậy thôi. Duy có một lần, không sao được, ông phải tới dự đại hội văn nghệ thống nhất lần thứ nhất ở Bộ Thông Tin cũ đường Phan Ðình Phùng. Kỳ họp này, Vũ Hạnh, Thanh Nghị báo cáo kể công. Sơn Nam đóng trò nhiệt tình khóc lóc, riêng Bình Nguyên Lộc ngồi im lặng từ đầu đến cuối không chịu phát biểu một lời nào..”
Ðể giải nghĩa một trường hợp không hợp tác như thế, Nguyễn Q Thắng viết trong bài giới thiệu tuyển tập: “Sau ngày thống nhất đất nước (1976) ông ngưng cầm bút vì bệnh nặng. Tháng 10 năm 1985 ông được gia đình bảo lãnh và nhà nước Việt Nam cho phép sang Hoa Kỳ chữa bệnh…”
Nhưng sự thực, thì không phải vậy. Sang định cư ở Hoa Kỳ, Bình Nguyên Lộc đã viết rất nhiều, có mặt trên rất nhiều tạp chí văn chương. John C. Schafer viết “ .. Tôi biết rằng từ ngày sang Mỹ, ông đã bắt đầu viết trở lại và xuất bản nhiều truyện ngắn và cảo luận trên các tạp chí văn học bằng Việt ngữ ở Hoa Kỳ và Canada. Ngoài ra, các ấn bản mới của tác phẩm của ông đã được in ở Los Angeles. Rõ ràng là nước Mỹ đã cho ông được một cái gì đó trong suốt một năm ông sống ở đây. Nó cho ông tự do để cầm bút trở lại. Ðối với một nhà văn như Bình Nguyên Lộc, món quà ấy chắc chắn không phải là nhỏ…”
Trường hợp Bình Nguyên Lộc không phải là duy nhất. Ở Thanh Tâm Tuyền, Phan Huyền Thư khi viết tiểu sử cũng “ giả vờ” quên đi thời gian những năm cải tạo. Khi tái bản những tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu, cũng có những luận cứ kết tội hoặc bôi nhọ một cách tiểu nhân nhỏ mọn, như của bài của Vũ Hạnh, “Ðâu là tiêu chí của người xuất bản”, hay “Ðọc sách Dương Nghiễm Mậu : thú vật hóa con người và lưu manh hóa hình tượng cổ điển của văn học dân tộc” của Lê Anh Ðào,… Ngay với người đã chết như Nguyễn Hữu Ðang, cũng phê phán và nhận định thiên lệch ngay cả trong bài đọc tưởng niệm của người đại diện chính quyền…
Có phải văn học sử trong chế độ cộng sản dẫy đầy những bất toàn sự thực bị bẻ cong méo mó như thế? Và, người hậu sinh, sẽ có ý tưởng sai lầm đến bực nào khi đọc những trang sách ghi chép lại những thời kỳ văn học như vậy…
Bình Nguyên Lộc, là một tên tuổi đã nổi tiếng trên văn đàn từ lâu. Suốt mấy chục năm cầm bút, ông đã hoàn tất đến gần 1000 truyện ngắn và hơn 50 tiểu thuyết. Ngoài ra ông còn làm thơ, viết biên khảo, tùy bút. Tác phẩm của ông có nét riêng của một người nặng tình với quê hương, diễn tả cuộc sống và sinh hoạt nông thôn Nam Bộ trong đó con người phải chiến đấu với thiên nhiên, với thú dữ và với cả đồng loại để sống còn. Mặt khác, ông còn là một nhà báo kỳ cựu, làm chủ bút nhiều nhật báo suốt trong một thời gian dài.
Viết được một gia tài văn chương đồ sộ như thế không phải là chuyện giản dị. Trong bài phỏng vấn ông của Lê Phương Chi, viết năm 1972 nhưng đăng lại trong “ Tâm Tình Nghệ Sĩ” năm 2001, có đoạn giải thích một cách gián tiếp sức làm việc ấy:
“ Sau vài ba câu chào hỏi xã giao, tôi bắt đầu gợi chuyện:
– Ông thường làm việc vào giờ nào trong ngày?
– Bất cứ lúc nào. Hễ rảnh tay là tôi ngồi vào bàn viết.
– Ông không cần chờ hứng đến sao?
Nhà văn Bình Nguyên Lộc cười:
– Trước kia thì như vậy, nhưng từ năm 1952, tôi gặp anh Nhất Linh, lúc ảnh ở Hồng Kông vừa về Sài Gòn. Nhân tôi đến thăm chơi tại nơi ảnh đang tạm trọ trong ngõ đình Phú Thạnh đường Lê Văn Duyệt. Qua vài câu chuyện hàn huyên ảnh hỏi tôi lúc này sáng tác có đều tay không. Tôi thành thật trả lời là sao lúc này tôi không có hứng thú sáng tác. Nghe vậy ảnh khuyên tôi: “Một người cầm bút muốn thành công thì không thể chờ hứng đến mới viết theo những cây bút tài tử. Mà mỗi ngày bắt buộc phải ngồi vào bàn viết, viết ít nhất là ba, bốn trang cho thành nếp, và rồi hứng thú cũng sẽ đến trong lúc viết. Thạch Lam nhờ vậy mà thành công. Chính tôi cũng phải bắt chước Thạch Lam đấy!” Nghe lời khuyên chính đáng ấy, tôi về làm theo anh Nhất Linh từ đấy đến giờ.
– Hình như trước kia văn hào André Maurois cũng đã nói như thế phải không ông?
– Ðúng vậy, trước khi nghe anh Nhất Linh nói, tôi đã đọc André Maurois từ lâu nhưng tôi không làm theo. Cho đến khi anh Nhất Linh khuyên, có lẽ do mình kính phục anh ấy mà mình làm theo. Tuy vậy, nói thì dễ mà làm thì khó lắm anh ơi! Tôi suýt bỏ cuộc mấy lần, nhưng đến nay thì thói quen ấy đã thành nếp. Hôm nào mắc chuyện gì phải bỏ viết, tôi cảm thấy nhớ tiếc như mất mát một cái gì.”
Riêng tôi có rất nhiều ấn tượng về tác phẩm Bình Nguyên Lộc. Sống ở Sài Gòn, nên khi đọc những bài viết về thành phố ấy như những bước chân trở về cố thổ. Tác phẩm “Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc” là một thí dụ. Tác giả viết về hàng me, là nhắc lại một thời thơ ấu cũng như viết về con kinh nước đen, là làm tôi nhớ lại lúc vừa mới lớn. Những buổi trưa, mặt nước gợn sóng phản chiếu ánh nắng, với tiếng rao quà của những chiếc ghe nhỏ trên kinh. Những cây cầu, những con hẻm, những ngôi mả cũ của Sài Gòn thời xưa. Trong cách mô tả, có xen lẫn tấm lòng hoài vọng. Dù tả cảnh hay tả tình, vẫn là chân dung của một người ngơ ngác giữa gió bụi đô thành. Những hình ảnh như những chiếc diều giấy đứt giây lơ lửng trên hàng cột điện hay những ngôi mả cũ bên đường xây dựng bằng vôi trộn ô đước như nhắc nhở lại một thời buổi nào tuy đã xa xăm nhưng lại gần gũi. Những đền miếu, những chùa chiền, như một chứng nhân để tìm về những ngã đường đã xa, và người trong cảnh ấy có một chút gì xót xa một chút gì tiếc nuối. Có người đã ví von rằng giống như kiểu cách «A la recherche du temps perdu » của Maecel Proust.
Ðọc những câu văn như thơ, viết về hàng me Sài Gòn, làm sao lòng tôi không rung động để nhớ về cảnh và người, đã qua trong đời sống nhưng còn gần trong trí nhớ:
“ Ôi! Những hàng me Chợ Cũ, những hàng me phố Gia Long, những hàng me phố Tản Ðà giao nhành rợp bóng, những hàng me bầu bạn của những người đi bộ về trưa, những hàng me tò mò dòm vào các cửa sổ tư gia, gởi vào đó những lá nhỏ li ti trên tóc cô gái bé, những hàng me tàn xanh sậm quyến luyến những tiếng dương cầm của ai trong vài cửa sổ vọng ra…
Ôi ! Những hàng me chứa chấp cô Mùa, một cô gái quê ít dám léo hánh đến thành phố. Chính trên mái tóc xanh biển màu theo thời tiết của người mà những khách yêu thiên nhiên tìm dấu chân Mùa hàng năm len lén đến vài lần nơi thành phố.
Lòng sầu xứ quê của những kẻ lạc loài vào đô thị Sài Gòn được dịu đi vài phần khi nhìn những hàng me Nguyễn Du và Hồng Thập Tự ngã màu rồi lại thẫm mầu. Những ngày mà toàn thân me đều khoác áo màu đọt chuối non, là những ngày người mến thiên nhiên nghe tiếng hát của Mùa, hồi hộp lắng nghe bước chân Mùa trên xi măng của thành phố…”
Sài Gòn là thành phố có sông lạch bao quanh. Không gian ấy, tuy chẳng phải là cảnh sơn thủy hữu tình nhưng cũng để lại trong lòng người hoài cổ những ám ảnh khó quên trong tiềm thức. Tôi sống và lớn lên từ một xóm lao động bên con rạch Tàu Hủ nên khi đọc những trang sách của Bình Nguyên Lộc lại thấy gờn gợn trong lòng những cảm xúc. Những cây cầu Cây Gõ, Bình Tây, Nhị Thiên Ðường, Xóm Củi với dốc cao vời vợi nhìn theo những tà áo trắng. Những con đường Hàng Bàng, Mễ Cốc ven con kinh buổi chiều về học lộng gió. Ở đó, là một phần tuổi trẻ. Ở đó, là những bước dấu hoa niên còn mãi trong tâm tư. Ðọc “Những bước lang thang của gã Bình Nguyên Lộc” để thấy lại những nguồn nước chảy ngày xưa:
“ ..Con sông con thân mật, đứng bên bờ này hú một tiếng là bên kia nghe liền ..
Con sông gợi tình, thỉnh thoảng màu nước trong xanh biến ra vàng sậm vì từ lòng cạn vẩn lên phù sa gợi nhớ Thủy Chân Lạp hoang vu nê địa gợi nhớ cuộc đổ xô vào Nam gợi hình ảnh đẹp đẽ của đoàn người chiến đấu với thiên nhiên để khai thác đất mới…
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai vào Bến nghé Ðồng Nai thì vào
Con sông làm vận thừa cho một giang cảng sầm uất (cái bụng của Sài Gòn) tập trung tất cả các ghe thương hồ của một hậu phương trù phú.
Có ai nhìn đám ghe thương hồ ấy chưa, nhứt là vào lúc chiều tối khi các hoạt động kinh tế đã chấm dứt. Một người bạn ghe nào đó, không tiền để đi hưởng các cuộc vui của thành phố tưng bừng, ngồi trong khoang thuyền gảy nhẹ chiếc độc huyền và cất giọng nói thơ. Với tiếng nhạc quê mùa, hương gió của Ðồng Nai, mùi bùn của Ba Thắc, tất vả linh hồn của đất nước như đã theo thuyền buôn mà về đây.
Con sông đặc biệt Á Ðông với những chiếc ghe dùng làm nhà, trên mui chừng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ, một con gà muốn cất cánh bay mà ngại chết đuối.
Nên chi đi xa mười năm, vẫn nhớ Sài Gòn. Không nhớ những phố lớn, nhà cao vô vị giống phố nhà nơi khác mà nhớ con sông nho nhỏ, khổ đau vì chở nặng những ghe chài khẳm lừ hàng hóa, thủ phận người vợ hiền chăm nuôi con dại và bỡ ngỡ như một chị nhà quê lạc lõng vào thành phố. Chị nhà quê này chỉ tìm lại được sự dễ chịu khi qua khỏi Xóm Củi, Bình Ðông về tới ruộng lầy, với thiên nhiên và giữa không khí riêng của chị .
Sông con ơi!bSài Gòn làm đỏm làm dáng mà người vẫn dơ, vẫn hôi mùi bùn non, mùi nước mắm, hôi cái mùi của những chị cần lao . Nhưng chính cái mùi hỗn hợp ấy đã làm cho người dễ thương biết bao!”
Với sông nước Sài Gòn, không phải chỉ có trên mặt nước, không phải chỉ có những xóm nhà sàn lao động, không phải chỉ có ghe thương hồ san sát hàng dãy bán buôn. Mà, với Bình Nguyên Lộc còn là những đường cống hẹp tối tăm dơ bẩn mà những người vì miếng cơm manh áo phải lặn lội xuống để bắt những con lươn, con cá sống ở bùn sình. Truyện Người Chuột Cống mà tôi đọc lần đầu tiên khi còn nhỏ đăng trên tạp chí Hiện Ðại đã làm tôi rùng mình khi tưởng tượng đến cái môi trường tối tăm đầy nguy hiểm dưới lòng cống thành phố. Khi nước triều xuống, con sông cạn trơ đáy và họ vào cống và đi lần dọc theo để kiếm những đồ dư hoặc cá lươn để rồi kịp thời ra khỏi khi nước triều dâng lên. Nhưng bao nhiêu là bất trắc, những cơn mưa lớn bất thần, nước triều dâng lên quá nhanh hoặc những con rắn độc sống ở bùn sình. Và, kết cuộc là cái gia đình nhỏ ấy chỉ còn sót lại một người, khi người chồng và đứa con bị tai nạn và chết ngộp ở lòng cống. ..Nói đến Sài gòn, ít ai nghĩ đến những đời sống hẩm hiu vật lộn vì miếng cơm manh áo như những nhân vật trong “Người chuột cống”. Ở trên cái thành phố xô bồ đông đúc ấy, vẫn có những người sống cuộc đời không hơn loài vật bao nhiêu…
Ðọc “ Hồn ma Cũ”, để nghe “Ðâu đâyđồng vọng cõi xa xưa / thổ ngơi thơm phức hồn ma cũ”. Và cũng tới một quán nước của chú Chệt góc đường, uống ly xây chừng để nghe đời sống đang đi qua với tất cả cảm giác của một người đang sống lơ mơ giửa đời hiện thực và những vấn vương chữ nghĩa, của chữ ph hay f xa xôi . Trong buổi sáng sớm ấy, như thấy lại quá khứ đi qua với bao nhiêu bóng dáng của một kiếp sống nào không còn hiện hữu, của những hồn ma vất vưởng theo từng giây từng phút hiện về. Âm thanh, mùi vị, không khí, tất cả trộn lẫn vào nhau để thành một cảm giác khác lạ nhưng thú vị:
‘.. Chàng ngồi trước chiếc bàn con đặt sát vách, không nhìn ai hết, cốt tránh thấy. Chàng muốn nghe nhiều và ngửi sâu. Ở đây có những tiếng động những âm thanh những mùi vị quen thuộc và rất thân yêu mà chàng mến thích.
Ngoài sau bếp, người thợ xíu mại bằm thịt bằng hai con dao Tàu, mà hắn hạ lưỡi dao xuống thớt theo một nhịp điệu kỳ lạ nghe như một khúc nhạc man rợ nhưng vẫn êm tai. Những anh phổ ky hô món ăn hoặc hô giá tiền mà khách hàng phải trả, không phải bằng văn xuôi mà bằng lời hát có ca có kệ đàng hoàng. Khi một người khách đứng lên, hắn hát to cho anh thủ quỹ nghe: “.. Ạ A .. người đội nón nỉ đen á..à sáu đồng lẻ bảy cắc..ạ a ..” Lẽ cố nhiên hắn hát bằng tiếng Tàu, thổ ngữ Quảng Ðông nên câu hát dài lê thê vì những á..a..á ..à, nghe rất thú vị. Có một câu ngắn “ Bạc tẩy tal tống mùl” mà hắn làm được một bài hát nhỏ, nghê nga đến lúc tách sữa trứng gà bưng ra tới bàn khách, bài hát mới dứt.
Mùi bánh bao hấp từ các xửng dưới lò bốc lên, mùi cà phê rịn ra từ những chiếc vợt đầu tiên trong ngày, tất cả những tiếng và hơi ấy tạo thành một không khí mà Kỳ rất thích…”
Văn phong đặc biệt của Bình Nguyên Lộc tạo hình từ tấm lòng yêu đất nước yêu quê hương tha thiết . Từ khi bắt đầu cầm bút, ông đã có những tác phẩm viết như để trả món nợ lớn cho quê hương .Trong bài phỏng vấn của Nguyễn ngu Í có đoạn viết:
“.. Tập Hương Gió Ðồng Nai, khởi thảo từ năm 1935 hoàn thành năm 1942, là tác phẩm đầu tay của anh. Tập truyện ngắn và tùy bút bát ngát hương đồng và gió nội và dẫy đầy màu sắc địa phương này đã được hai nhà thơ có tiếng đương thời Xuân Diệu và Huy Cận tán thưởng. Nhưng tiếc thay, tác phẩm tươi mát của tuổi thanh xuân này nay chỉ còn lại hai dấu vết ; một truyện và một tùy bút rút ra đăng báo khoảng 1943, còn bản thảo thì bị thất lạc trong những ngày đầu tản cư hối hả, khi Pháp trở lại chiếm Tân Uyên năm 1945. Ðứa con đầu lòng bao giờ cũng được cha mẹ nâng niu hơn và khi nó chịu một số phận hẩm hiu như “Hương gió Ðồng Nai” thì người sanh thành ra nó càng khó quên nó được. Sách vở giấy tờ lạc trong khói lửa kể như đã thành tro bụi, thế mà anh vẫn còn giữ một phần hy vọng: biết đâu, biết đâu.. Nên gần hai mươi năm sau, khi chủ trương tuần báo Vui Sống anh không quên rao trên mặt báo nhà và năm năm qua anh vẫn mong mấy dòng tha thiết ấy lọt vào mắt người đã tình cờ giữ được trọn vẹn hay một phần Hương Gió Ðồng Nai mà chẳng biết của ai đây. Có cái gì vừa buồn cười vừa cảm động trong niềm tin tưởng và đợi chờ này., Và với bạn thân lâu năm có ai nhắc nhở đến đứa con so của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy thì mặt anh buồn vui lẫn lộn.
Tác phẩm kế cũng chịu chung một số phận như tác phẩm đầu, nhưng may mắn hơn, là truyện dài lịch sử Phù Sa. Anh khởi viết năm 1942, được một phần (đoạn khai từ đã đăng ở báo Thanh Niên năm sau với cái tên “Di Dân Lập Ấp” khiến độc giả chú ý đến anh. Không bị thất lạc như Hương Gió Ðồng Nai nhưng sau này anh viết lại cho đăng ở tuần báo Nhân Loại độ một phần sáu tác phẩm rồi phải để dở dang. Ðây là tác phẩm anh thai nghén rất lâu tác phẩm lớn nhất đời anh vì hoàn thành nó sẽ dày gần ngàn trang sách, nó làm sống lại cuộc “tiến vào Nam” vĩ đại của một số đồng bào Nam Ngãi để mở mang bờ cõi, dựng lên miền Lục tỉnh giàu đông, một trong những đoàn người khai hoang tiên phong ấy đã dừng tại đất Tân Uyên, nằm trên bờ con sông Ðồng Nai đang dịu dàng uốn khúc.
– cái “nợ” Phù Sa ấy, bao giờ anh mới trả xong?
Khói thuốc tỏa ra, mơ màng:
– Khó mà nói trước được cái “ bao giờ” ấy nó là tháng nào năm nào, nhưng không trả không xong!
– Nói một cách khác, anh muốn Phù Sa sẽ là một tác phẩm để đời?
Anh cười:
– Có để đời không đó là để cho đời định đoạt, nhưng với mình đó vừa là một cái “mộng” lớn thiết tha mà mình cần thực hiện trong đời văn, lại vừa là một món “ nợ” tinh thần mà mình cần phải trả..”
Nhưng một truyện ngắn được coi là hay nhất của ông là Rừng Mắm. Ông đưa độc giả vào một vùng đất hoang vu không có bóng người, cặm cụi lấn biển để có đất đai trồng trọt. Cuộc chiến đấu với thiên nhiên vô cùng khốc liệt, cả gia đình bé nhỏ của thằng Cộc làm việc như trâu cày mà cũng chẳng đủ ăn. Họ thèm từ miếng ăn thức uống đến những sinh hoạt bình thường của loài người, những câu hò tiếng hát, những xóm làng ấm khói cơm chiều. Họ là những thân cây mắm, lao xuống biển đầu tiên để làm nền cho những mảnh đất phù sa mầu mỡ sau này.
Chuyện những người tiên phong đi mở nước gơi lại những thiên anh hùng ca thầm lặng, của những người vô danh tận lực hy sinh cả cuộc đời để cho thế hệ mai sau. Cái dung dị của văn chương Bình Nguyên Lộc cũng ở đây và chất sử thi hùng tráng cũng ở đây. Một nỗi niềm được trao gửi và ký thác của người luôn mang nặng trong lòng niềm yêu đất nước yêu quê hương thiết tha….
Khi ông vừa ở tuổi bốn mươi, Bình Nguyên Lộc đã in tập truyện ngắn Nhốt Gió và những truyện ngắn ở đây đã in đậm những nét suy tư cũng như tâm tình của một người có ý thức sống mạnh mẽ và luôn đi kiếm tìm chân lý ngay trong cả những sinh hoạt nhỏ nhoi hàng ngày. Truyện Nhốt Gió bắt nguồn từ một sự kiện có thực trong gia đình của ông . Thằng bé nhốt gió tên Kiệt chính là hình ảnh của con trai trưởng của ông và nhân vật Tạo không ai hơn là chính ông. Con trai ông, bác sĩ Tô Dương Hiệp, lúc còn trẻ đã tham gia vụ trò Ơn và bị đuổi học nên sợ sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình nên đã trốn ông cả ba tháng trời. Qua hình ảnh thằng nhỏ chơi trò nhốt gió trong hai ống quần dài của mình, Tạo suy nghĩ và trong một phút lóe lên của ý thức, thấy lề lối giáo dục con trẻ của mình là cổ hủ và thiếu tiến bộ và cả xã hội mà ông đang sống cũng có nhiều bất cập như vậy.
Một truyện dài khiến ông đoạt được giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1959 là tiểu thuyết Ðò Dọc. Ðây là môt câu chuyện của một gia đình ở thành phố về miền quê cất nhà lập nghiêp. Gia đình này có bốn cô con gái vừa đến tuổi lấy chồng: Hương, Hồng, Hoa, Quá, và biến cố xảy ra khi anh chàng họa sĩ Long bị tai nạn xe và ở nhà ông bà Nam Thành dưỡng bệnh Những mối tình tròng tréo và hình như nhiều cô đều vương vấn với chàng. Tác giả vận dụng những kỹ thuật tiểu thuyết, thắt gút rồi mở gút để có một đoạn kết “happy ending”. Ba cô gái đã sang sông bằng đò ngang chứ không sợ những chuyến đò dọc nữa…
Bình Nguyên Lộc có một gia tài văn chương đồ sộ. Hơn thế nữa, ông đã tạo được một phong cách cho riêng mình. Với cảm hứng từ quê hương “văn tôi bắt nguồn từ những cảnh đẹp của quê hương và xuất phát từ lòng nhớ nhung tha thiết của tôi đối với nó chứ không phải là vì ái tình hoặc yêu đương tác động.”, những tác phẩm của ông biểu lộ một tâm cảm thiết tha với đất nước.
Ông cũng có một đường hướng riêng khi tạo dựng những tác phẩm của mình: “những yếu tố tôi thai nghén rồi viết thành tác phẩm không phải là cốt truyện mà là ý truyện. Cho nên tôi ít chú ý đến những câu chuyện ly kỳ gay cấn mà chỉ nắm lấy những ý tưởng ngộ nghĩnh trong những sự kiện.
Sau khi bắt gặp ý truyện, tôi mới tạo nên cốt truyện rồi gom góp những chi tiết những địa điểm sống ngoài đời mà tôi cho là thích hợp với nội dung. Nơi nào đã sẵn trong tâm khảm tôi thì tôi bắt tiềm thức làm việc còn những gì cần phải tìm hiểu thì tôi đích thân đến tận nơi nghiên cứu từng chi tiết chứ tôi không bịa đặt.”
Bình Nguyên Lộc ngoài những tác phẩm mà tôi vừa đề cập đến ở trên còn rất nhiều tác phẩm khác đáng nhắc nhở đến như tiểu thuyết Xô Ngã Bức Tường Rêu, Tì Vết Tâm Linh, Nửa Ðêm Trảng Sụp,.. truyện ma như Tân Liêu Trai, truyện ngắn như Ba Con Cáo, như Hui Nhị tì, biên khảo như Lột Trần Việt Ngữ, Nguồn Gốc Mã Lai của Dân tộc Việt Nam, thơ như Thơ Ba Mén… Dù đã có những tuyển tập để ghi dấu lại những thời kỳ sáng tác nhưng hình như cái nhìn vẫn còn nhiều bất cập và người ta thường hay lẫn lộn giữa con người làm báo và con người viết văn của ông củng như số lượng và phẩm chất tác phẩm của ông. Hy vọng trong tương lai, sẽ có nhiều học giả đào xới sâu rộng hơn để có những nhận định đầy đủ và phản ánh trung thực chân dung Bình Nguyên Lộc…
Nguyễn Mạnh Trinh
sangtao.org