có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 11 07, 2014

Cơ Ngơi Ngày Cũ




Phía trước nhà ngoại tôi, có hàng cây duối. Thân cây sần sùi già cỗi, to cỡ người ôm. Cây không cao, tàn không lớn, mà chi chít lá rậm. Trong ấy thường lẩn khuất những con rắn lục màu lá non. Chung quanh gốc cây, người ta chất những nồi đất nứt vỡ, và ông táo cũ bằng gạch nung. Trong xóm có người đau bệnh, thân nhân thường đến đây đốt nhang khấn vái, còn lại những chân nhang tàn qua bao năm tháng. Ngoại tôi nói, có thần linh trú ngụ nơi cây duối. Và những con rắn lục là binh gia của ngài, không ai dám sát hại. Bọn trẻ nhỏ cũng kiêng dè, tránh tới gần chơi giỡn làm ồn, sợ thần linh quở phạt.

Bên kia hàng duối là gò đất cao. Ðất khô cằn chai cứng. Ngoài những cỏ gấu, cỏ may và những bụi chùm hôi chịu được nắng hạn, không có cây gì mọc nổi trên khu đất gò. Vì địa thế cao, không úng nước, nên được chọn làm đồng mả riêng cho dòng họ ngoại tôi. Người trong thân tộc, tha phương bất cứ nơi nào, khi chết cũng đem về chôn ở đây. Có những cái mả xây bằng đá ong, lâu đời đến nỗi không ai biết nắm xương tàn của ông bà cố tổ dưới mộ tên gì, liên hệ huyết thống ra sao. Hồi nhỏ, nghe đồn khu gò đồng mả có ma. Nhất là sau khi dì Út tôi chết trong tuổi còn thanh xuân, tiếng đồn càng dễ sợ hơn. Chỉ tưởng tượng đến những đêm trăng lạnh mù sương, dì hiện hồn về, xoã tóc ngồi trên mộ mà khóc, cũng đủ làm đám trẻ nhỏ rợn mình. Gợi trí tò mò, năm ba đứa chúng tôi, núp dưới chân khu đất gò, rình coi ma. Ma đâu không thấy, nhưng đôi khi thấy những cục lửa màu xanh lân tinh từ trên gò, không biết nơi cái mộ nào, lảo đảo bay lên đọt tre. Tôi kể cho ngoại nghe hiện tượng này. Ngoại bảo, đó là hồn người chết bay lên trời. không nên nhìn, e hồn ma sẽ theo về nhà. Dù thương dì Út, nhưng không bao giờ tôi muốn dì trở về dưới hình bóng một con ma. Lúc còn sống, dì Út là người thanh tú hơn hết trong các chị em của má tôi. Da dẽ trắng trẻo mịn màng, và mỗi khi dì tháo búi tóc ra, tóc đen mướt, buông dài xuống quá lưng. Tôi hay nâng mái tóc của dì, đưa lên mũi hít thở. Dì cười, hỏi:

-Ngửi thấy thế nào?

Tôi nói: -Nghe mùi của dì.

-Mùi dì ra sao?

-Mùi vú, và mùi dầu dừa.

Dì nhéo tai tôi:

-Ðừng nói mùi vú. Người ta cười chết.

Thuở còn bé tí teo, tôi thường hay khóc đêm. Má tôi cho mằn vú để tôi dễ ngủ, đã thành thói quen. Khi ở nhà ngoại, tôi ngủ với ngoại hoặc dì Út, cũng không bỏ được tật mằn vú. Vú của ngoại thì teo tóp nhùng nhằng như cái túi da nhão nhẹt. Tôi thích vú dì Út hơn. Xoè bàn tay nhỏ của tôi mà xoa cặp vú căng phồng tròn trịa của dì, thật đã. Bóp mềm mềm như cái bong bóng. Nhưng lần nào tôi bóp, dì cũng hất tay tôi ra.

-Ðừng!

Tôi hỏi:

-Ðau hả?

Dì nói: 

-Mày cứ sờ mò nắn bóp hoài, làm sao dì ngủ được? Hãy nằm nghiêng qua bên kia, quay lưng lại phía dì! 

Nằm như thế, tôi lại trằn trọc hoài, khó ngủ. Một lúc sau, độ chừng dì đã ngủ, tôi quay qua mằn vú.

Dì thức giấc:

-Lại nữa! Mày muốn dì đuổi qua giường ngoại không?

Tôi nín thinh. Ðể im bàn tay trên vú. Cái đầu vú nhỏ xíu của dì kẹp giữa hai ngón tay tôi.

Và tôi êm đềm đi vào chiêm bao. Năm hai mươi mốt tuổi, dì soi gương đối bóng mỉm cười, hay chải chuốt và chưng diện áo quần. Dì trở chứng bất thường. Không thích ánh sáng, hay rúc vào buồng, nói chuyện nho nhỏ, cười khúc khích một mình. Mọi người cho rằng, dì mắc bệnh "cõi âm". Dân gian thời bấy giờ giải thích, dì bị một vong linh đàn ông nào đó, theo quyến rũ tư tình. Nghĩa là bị ma ám. Sắc diện dì vàng võ khô héo dần. Năm sau, dì chết đi trong niềm đau xót của gia đình ngoại tôi. Tôi thương dì Út hết sức. Nhìn lên bàn thờ, di ảnh của dì ngó tôi không chớp mắt. Ban ngày tôi không sợ. Nhưng ban đêm mường tượng lại đôi mắt ấy, tôi sợ đến khủng hoảng tinh thần. Tôi cầu mong dì đừng hiện về nhát tôi, tội nghiệp.

Ðương nhiên, dì Út tôi được chôn trên khu đất gò đồng mả. Mộ xây bằng đá ong. Ngôi mộ nào cũng thế. Sao những cọng cỏ may phất phơ theo gió trên mộ dì Út lại mang màu ảm đạm thê lương, làm tôi muốn khóc?

Năm xưa. Có hai thầy trò địa lý người Tàu, đi ngang qua xóm, dừng chân nhìn thế đất gò đồng mả, tấm tắc khen là nơi linh địa. Nghe thế, ông ngoại tôi mời về nhà, cơm nước đãi đằng tử tế, hỏi chuyện tương lai. Thầy Tàu cho biết, tổ tiên được chôn trên gò đất này, thì đời sau con cháu sẽ phát về hướng quan trường, phúc lộc. Ông lại nói thêm, phải chi cái gò nằm dựa lưng vào con sông thì tuyệt.

Ông ngoại tôi hỏi:

-Tuyệt ra làm sao?

Thầy Tàu bảo:

-Gò đất dựa lưng con sông. dù không được như hàm rồng long mạch, nhưng cũng tựa như kình ngư quẫy sóng. Con cháu dù không phát vương, cũng có thể cầm gươm vạch đất, chia cắt giang sơn, cát cứ một vùng, ngước mặt mà làm minh chủ, sứ quân.Ông ngoại tôi chắc lưỡi, tiếc sức người không dời được con sông Vàm Cỏ Ðông về bên gò đất, cho con cháu mai sau được nhờ. Nhưng trời đã khiến vậy. Chịu thôi. Con cháu chỉ được làm quan lớn, hưởng nhiều phúc lộc, thoát được số phận hẩm hiu của bao đời cha ông còng lưng cày bừa trên những ruộng đồng rẫy bái, cũng an ủi lắm rồi.

Ðể đáp lại tấm lòng người đã tha thiết gọi mời, ân cần chiều đãi, ông thầy Tàu ở lại mấy ngày, giúp ngoại tôi đo đạc đất đai, định hướng mồ mả, đóng cọc yểm bùa trấn yêu chung quanh gò đất. Ông bảo, muốn đời sau hưng thịnh, thì đời này phải khai thông nguồn mạch ẩn tàng trong lòng đất. Xong việc, ông khăn gói ra đi, để lại tên học trò. Ngoại tôi mừng. Không nắm được thầy, thì cột chân học trò. Cũng là một cách giữ ông thần độ mạng nho nhỏ trong nhà. Và người con gái của gia đình làm sợi dây thân ái, nối với tên học trò Tàu, biến hắn thành con rễ.

Thời gian thấm thoát. Cặp vợ chồng Tàu Việt cho ra đời đến sáu đứa con đầu gà đít vịt. Tôi là một trong sáu đứa này. Mấy chục năm qua, dòng họ ngoại tôi chưa có ai khá nổi. Ðừng nói chi đến chuyện ngóc đầu lên để làm quan triều đình.

Sự kiên nhẫn đợi chờ nào cũng có giới hạn. Ngoại tôi hỏi chàng rễ Tàu:

-Sao người trong dòng họ nhà ta chưa khá?

Ba tôi, tức chàng rễ Tàu, nói:

-Ngộ lâu piết.

-Thế sao thầy của mày bảo cái khu gò mả nhà ta là linh địa?

-Nó lâu phải thầy của ngộ.

-Vậy nó là ai?

-Là người cùng một làng với ngộ, ở pên Tàu.

-Sao mày đi chung với nó?

-Ở pên Tàu, nó nghèo, ngộ cũng nghèo. Nó rủ ngộ qua Việt Nam làm giàu. Nhưng xứ

Việt Nam cũng nghèo quá. Nó dẫn ngộ li chỗ này chỗ kia hoài. Ngộ than mỏi cẳng. Nó muốn pỏ ngộ, nên pảo ngộ ở lại nhà nị. Có cơm ăn, có vợ ngủ. Ngoại tôi trợn mắt:

-Trời đất! Sao lúc đó, mày không nói?

Ba tôi trả lời tỉnh bơ: 

-Nị không hỏi. Ngộ nói làm chi.

-Bây giờ nó ở đâu?

-Ngộ lâu piết.

-Nó có phải là thầy phong thủy địa lý không?

-Nó cũng như ngộ thôi. Piết chi mà làm thầy.

-Khốn nạn! Vậy mà nó bảo khu gò mả nhà ta là linh địa.

-Nó gạt nị, pảo lất của nị linh thiêng. Nị tin nó làm chi. Lất chỉ có tốt hay xấu thôi. Làm gì có lất linh hay không linh? Ruộng vườn nhà nị, gò cao lất cứng. Trồng trọt vừa lủ ăn là may rồi. 

Ngoại tôi tức khí, chửi đổng:

-Tổ cha thằng Chệt tha phương cầu thực, dám gạt ta!

Dù có tức, thì chuyện cũng đã đâu vào đấy, như một tiền định. Ông ngoại tôi tuổi già sức yếu. Không còn cơ hội trở mình. Ðành bỏ hết những vọng động lo toan. Làm người sằn dã.

Sống theo tinh thần Lão Trang. Hoà mình cùng trời đất. Yên phận với những nương xanh, bờ cỏ, vườn cây.

Ba tôi nói:

-Nị là người trường thọ.

Ngoại tôi nạt:

-Lại nữa. Mày muốn bắt chước thằng Chệt tha phương cầu thực, gạt ta sao?

-Ngộ là con rể của nị. Lâu dám gạt nị. Năm nay nị gần pảy mươi, nhưng sức còn dẻo, lòng dạ thảnh thơi. Không làm thầy pói cũng piết, nếu không gặp tai nạn pất lắc kỳ tử, thì nị còn sống được nhiều năm nữa. Như thế không gọi là trường thọ sao?

-Ừ! Mày cũng có lý. Nhưng từ nay, ta cấm mày không được dùng hai tiếng nị ngộ với ta. Phải gọi ta là cha, và xưng là con.

-Lược! Nị làm cha, ngộ làm con.

Tám mươi ba tuổi, ông ngoại tôi thanh thản từ giả cõi đời. Nhiều năm sau, má tôi kể lại cho đám con đầu gà đít vịt nghe chuyện tình duyên của má. Anh em chúng tôi cười nôn ruột.

Tôi hỏi:

-Tình duyên của má, nghe có vẻ quái đản. Vậy má có yêu ba không?

Má nói:

-Má không biết tình yêu là gì. Nhưng sống với nhau lâu năm, má cũng thương vì ổng có trách nhiệm gia đình, và biết lo cho các con.

-Lần đầu ngủ chung, ba có tâm tình gì với má không?

-Ngôn ngữ bất đồng. Ổng thủ thỉ thù thì xí xô xí xào bằng tiếng Tàu. Má không hiểu. Ổng xáp lại gần vuốt ve. Má cự tuyệt, hất ổng ra.

Anh tôi nheo một con mắt, chọc quê: 

-Má hất ổng ra, mà có sáu đứa con lai giống. Nếu không hất, chắc tụi con phải có đến hàng tá anh em.

Chúng tôi lại cười nghiêng ngửa.

Một lần khác. Nhân lúc ba tôi nhắc lại quãng đời tuổi trẻ, tôi hỏi:

-Ba ơi! Ở bên Tàu, dòng họ mình có ai nổi tiếng trong lịch sử không?

Ông nói:

-Có chứ. Lâm Xung là một trong một trăm lẻ tám vị anh hùng Lương Sơn Pạt.

Thời kỳ chiến tranh nha phiến, tổng trấn lưỡng Quảng, Lâm Tắc Từ, lổ nha phiến của pọn Anh xuống piển. Và trong cuộc trường chinh của Mao Trạch Lông, có Lâm Pưu làm lến chức thống tướng.

-Còn ở Việt Nam, họ Lâm có ai nổi tiếng không?

-Mày học chữ Việt mà không piết ông Lông Hồ làm thơ nổi tiếng sao? Tên thật của ổng là Lâm Tấn Phát.

-Còn ai nữa không?

-Trong quân lội pây giờ, cũng có họ Lâm làm chức lớn. Bên Lục Quân có Lâm Quang Thơ, Lâm Quang Thi. Bên Hải Quân có Lâm Nguơn Tánh.

-Mấy ông ấy đâu có bà con gì với mình?

-Gốc gác cùng một ông tổ họ Lâm ở pên Tàu. Sao lại không pà con?

-Nhưng mấy ông ấy làm tướng. Còn nhà mình nghèo quá.

-Mới qua Việt Nam, thằng Chệt nào cũng chỉ có hai cái hòn dái treo tòn ten dưới háng.

Xây dựng sự nghiệp pan đầu, pằng cách quảy cặp gánh li mua ve chai, pán đồ cũ. Khá hơn, thì mở tiệm pán pánh pao, hủ tiếu. Piết chút ít chữ Tàu, thì mở tiệm pán thuốc Pắc cho pà con Việt Nam. Lâu dần, mới khá lên lược. Cũng như tụi pây lang li lính, piết lâu vài chục năm sau, lược làm quan lớn. Quân lội Việt Nam sẽ có thêm vài ông tướng họ Lâm.

-Ấy là chuyện tương lai xa vời, còn mù mịt lắm. Hiện tại, tụi con đang làm lính tác chiến, lúc nào cũng có thể phủi chân lên ngồi trên bàn thờ.

-Sống ở lất nước này, phải hy sinh cho lất nước này, lền ơn tổ quốc.

-Ba nói nghe dễ sợ quá!

-Sao lại sợ? Tao ở pên Tàu qua lây, tin có ông Trời sắp lặt mọi chuyện. Như chuyện tao với má tụi pây, cũng do ông Trời lịnh.

Anh tôi cải:

-Phải nói là do ông ngoại định.

Ba tôi lý luận:

-Ông Trời khiến ông ngoại. Ông ngoại ép má tụi pây phải chịu tao.

-Như vậy là má bị ép duyên!

Chúng tôi la lên. Lại được một trận cười nữa

Ai cũng có hai nơi, quê nội và quê ngoại. Anh em tôi chỉ có một quê ngoại làm chỗ đi về. Ba tôi bảo, nên học chữ Tàu, để ngày nào đó, sẽ về thăm quê nội. Chẳng đứa nào có được ý niệm, hoặc hình ảnh thân yêu gì về một quê nội xa xôi. Và cũng không bao giờ tha thiết sẽ đặt chân lên một nơi chốn, mà tất cả anh em tôi đều cảm thấy bơ vơ lạc lõng. Vì thế, chúng tôi không chịu học chữ Tàu. Ba tôi lại bảo, phải tập nói tiếng Tàu. Cái loại ngôn ngữ líu lo như tiếng chim, khó nghe khó nói. Anh em tôi không nghe không nói được. Rốt cuộc, ba tôi phảI tập nói tiếng Việt, nếu không muốn trở thành một người câm suốt ngày trong gia đình. Lý do cũng dễ hiểu. Mỗi lần ông la rầy bằng tiếng Tàu, chúng tôi giương mắt ngó cái miệng của ông, và cứ trơ ra, chẳng có phản ứng gì cả. Tức quá, ông học tiếng Việt để chửi chúng tôi cho hả dạ.

Vì thiếu quê nội, nên bao nhiêu tình cảm, tôi dồn về một quê ngoại mà thôi. Từ ngày ông ngoại tôi mất, gia đình nhà ngoại càng sa sút thêm. Chính sự sa sút này, làm tôi nặng lòng vớI bà ngoại nhiều hơn. Miệng đời thường nói, không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời. Không biết các đời trước ra sao, chứ đến đời ngoại thì tàn mạt. Nhiều người cho rằng, nhà hướng ra hàng cây duối, nên phong quang bị quỷ thần che ám. Cửa nhìn về đồng mả, nên vận mạng bị âm khí người chết phong tỏa. Vì hai điều khắc kỵ ấy, mà ngoại tôi không mong gì ngóc đầu lên nổi. Nhưng nhà cửa đất đai đã có sẵn như thế từ đời trước rồi, còn biết đổi dời đi đâu nữa?

Những năm chiến tranh ác liệt, xóm làng nhà ngoại cũng tan hoang. Ðầu tiên là khu đồng mả. Quân du kích lợi dụng địa hình gò đống lô nhô, chiếm lấy cao điểm, biến nơi đây thành bãi chiến trường, tấn công phe địch. Phía Quốc Gia phản công bằng cách dùng phi pháo cày nát khu đồng mả, đánh bật quân du kích ra ngoài. Khi chiến trường im tiếng súng, thì mả mồ cũng tanh banh, quan tài bật nắp. Xác chết của người đời nay, nằm lẫn với xương trắng của người đời xưa. Nhưng xác chết được mau chóng thu dọn, người ta mang đi đâu không biết. Rải rác còn lại những đầu lâu xương trắng người đời xưa.

Dưới cơn mưa mùa tháng bảy, ngoại tôi dầm mưa, gom lại từng khúc xương, chôn về huyệt cũ. Rồi ngoại thắp đèn đốt nhang trên bàn thờ khấn vái, và khóc còn hơn trời sầu đất thảm. Ðám con cháu ái ngại nhìn ngoại, nhưng chẳng đứa nào chạnh lòng khóc theo.

Tôi cầm tay ngoại: 

-Thôi đi ngoại ơi, tổ tiên ngày xưa lúc mới chết, đã được khóc một lần rồi. Bây giờ chỉ còn xương cốt. Lẽ nào mỗi lần nhìn thấy nắm xương là mỗi khóc?

Ngoại mếu máo: 

-Thời mạt pháp, quỷ dữ lộng hành. Người chết không yên mồ mả. Người sống làm sao sống được?

-Ngoại đừng lo chi cho hao tổn tinh thần. Người sống cứ ăn cơm vào, là tiếp tục sống thôi.

Ngoại tôi đang khóc, bổng ngừng lại, giận dữ điểm ngón tay vào mặt tôi:

-Tổ cha thằng Tàu lai đầu gà đít vịt. Nói vậy mà nghe được sao? Làm người phải có nguồn cội. Ðừng nói theo kiểu bội nghĩa vong ân. Mày chỉ nghĩ đến ông bà cố tổ nội của mày nằm ở bên Tàu, chứ có thương xót chi người ở đây!

Bà con anh em bên ngoại tôi, đang cố tạo vẻ mặt rầu rầu cho phù hợp với nỗi sầu ai oán của ngoại, bỗng cười rộ lên. Ngoại cũng gạt nước mắt, cười theo.

Nhiều lần, sau những cuộc đụng độ giữa hai phe lâm chiến, xóm làng nhà ngoại tiêu điều thê thảm. Người ta dùng xe ủi, khai quang cây cối chung quanh khu đất gò. Những hàng tre, lùm bụi trong xóm cũng bị san bằng trống trải. Hàng cây duối, mà ngày nào đó, ngoại tôi nói có thần linh trú ngụ, cũng không còn nữa. Chẳng biết thần linh di tản nơi nào? Có dẫn đám binh gia rắn lục của ngài theo? Bây giờ, nhà ngoại đứng trơ vơ giữa đồng không mông quạnh. Ngó lên khu đất gò, mộ bia xiêu lệch, như những nấm mồ hoang. Quân du kích không còn nơi ẩn núp, lui sâu hơn vào những vùng hẻo lánh. Ban đêm. Thỉnh thoảng, họ về làng kiếm ăn, và rỉ tai ngoại tôi:

-Quân ngụy ác ôn. Cày mồ phá mả. Hủy diệt màu xanh. Triệt tiêu mầm sống. Phá hoại làng mạc. Ðem bom đạn giết hại dân lành...

Ngoại nói:

-Nếu các ông không núp ló trên khu đất gò, không rình mò bắn lén, thì bom đạn đâu có động đến mồ mả nhà tôi.

-Mẹ chiến sĩ đừng nói thế. Luận điệu mất lập trường của mẹ, dễ bị phê bình chỉ trích là phản cách mạng.

-Tôi có nhập bè kết đảng với ai đâu, mà bảo là phản?

-Mẹ nói thế là có ý gì?

-Tôi không có ý gì hết. Chỉ yêu cầu các ông, kéo nhau vô rừng mà đánh nhau. Ðừng lảng vảng chung quanh đây. Tôi sợ bị vạ lây. Tôi già rồi, chỉ mong được yên thân cho đến ngày nhắm mắt.

-Công cuộc giải phóng đất nước còn nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh gian khổ. Mẹ ích kỷ, chỉ muốn được yên phần mẹ. Tư tưởng như thế, nhân dân không thể chấp nhận.

Ngoại tôi không dám nói tiếp. Khi người ta đã viện lý do giải phóng, thì không từ nan bất cứ biện pháp sắt máu nào. Khi đã lạm dụng đến hai tiếng nhân dân, thì mọi cá thể đều không nghĩa lý gì.Mãi lâu sau, có người hỏi ngoại:

-Già rồi, còn sợ chết hay sao?

Ngoại ngước mặt, nhìn trời: Thân phận hèn mọn như con trùn con dế, còn ham sống thay. Huống chi ta! Nếu đứng bên ngoài mà trông, nhà ngoại rất bề thế. Nhà rộng ba gian, nền cao lót gạch, mái ngói âm dương. Dù tường vôi loang lở nhưng còn thể hiện được cái quá khứ sung mãn một thời. Vào bên trong rỗng tuếch, mới thấy hết được sự suy sụp của thời gian, phơi bày ra nỗi nghèo nàn cơ cực. Ðồ đạc cũ kỹ, lâu ngày mối mọt hư hao. Cối xay lúa, và cối giã gạo chiếm gần hết gian nhà giữa. Hồi nhỏ, mỗi lần nghe tiếng xay lúa rồ rồ, tiếng giã gạo cùm cụp, thế nào tôi cũng ngủ gục. Có khi còn nằm lăn ra bên cạnh cối xay, thiếp đi một giấc ngon lành. Cái âm thanh và hình ảnh nghèo nàn thân thuộc ấy, tiềm tàng ăn sâu vào tâm thức, đeo đẳng theo tôi suốt đời. Nhiều khi bồi hồi nhớ lại, tôi tưởng chừng còn nghe tiếng cối xay đang rền rĩ trong đầu, và mềm lòng đến ứa nước mắt. Gian nhà trên, có bộ ván gõ. Mỗi tấm ván dày cỡ gang tay. Qua bao thế hệ thấm đẫm mồ hôi, mặt ván lên nước bóng ngời. Những trưa mùa hè, nằm trên bộ ván, nghe mát lạnh tấm lưng. Sát vách, có ba cái tủ thờ bằng cẩm lai khảm xa cừ, chạm hình cảnh và người. Tôi ngắm hoài không chán. Lớn lên, mới biết những hình ấy lấy sự tích từ truyện Tàu. Ðặc biệt hơn nữa, nhà ngoại có cái rương bằng gỗ, rất to. Tôi chưa từng thấy nhà ai có cái rương to đến thế. Cái rương to như chiếc xe bò. Phía dưới có gắn bốn bánh xe, cũng bằng gỗ. Ngoại tôi nói, vào thời trước, mỗi lần chạy giặc Tây, người trong gia đình phải đẩy cái rương chạy theo. Có lần ngoại mở nắp rương, tôi thấy bên trong toàn là chén dĩa bằng sứ, và những nồi đồng, mâm thau cất giấu lâu ngày không dùng, nên bị rỉ một lớp ten xanh.

Tôi hỏi:

-Chạy giặc, sao còn đẩy cái rương theo?

Ngoại nói:

-Bỏ lại, Tây sẽ lấy hết.

-Ở bên Tây không có những thứ này sao?

-Xứ nó nghèo, làm sao có được của quý? Nó qua xứ mình để ăn cướp.

Tôi tin lời ngoại, nhưng vẫn thắc mắc. Tây qua xứ mình chỉ để cướp đi những chán dĩa, nồi đồng, mâm thau thôi sao?

Ngày còn thơ ấu. Những buổi trưa, tôi thường nằm ngủ trên bộ ván gõ nhà ngoại. Khi thức dậy, thấy những tia nắng xuyên qua những lỗ hở trên mái nhà, dọi xuống. Trong tia nắng, có vô số hạt bụi bay vơ vẩn, như những sinh vật li ti đang bơi trong không khí. Không biết tại sao, cảnh tượng này, lại gây cho tôi một nỗi buồn khôn tả. Ðang buồn, nhìn vào phía trong lại thấy cái rương quá to. Ðiều kỳ lạ, là càng nhìn cái rương càng to ra, và tôi có cảm tưởng mình càng bé lại. Thế là tôi khóc.

Ngoại tôi cằn nhằn:

-Thằng nhỏ này có cái thói không chừa được. Lần nào ngủ trưa dậy, cũng khóc.

Cậu tôi là người rất dữ dằn, doạ nạt cỡ nào, tôi cũng không nín. Cậu bỏ tôi trong cái thúng. Ðặt cái thúng vào chiếc gióng. Cột dây thòng tôi xuống giếng.

-Nếu mày không nín. Tao thả rớt xuống luôn.

Tôi vừa khóc vừa nói:

-Thả rớt luôn đi.

Cậu từ từ thòng tôi xuống chạm mặt nước. Nước làm ướt đít tôi.

Cậu hỏi vọng xuống:

-Mày chịu nín không?

Tôi khóc, không trả lời. Cậu hạ thêm. Nửa người tôi ngập trong nước.Giếng quá sâu, không đủ ánh sáng. Nước lại lạnh. Thành giếng cũng toát ra hơi lạnh. Tôi quơ tay ra ngoài, đụng phải thành giếng rong rêu trơn nhớt. Cảm giác rờn rợn luồn vào da thịt, làm tôi khiếp vía. Hình như tôi bị ngộp. Không biết vì giếng sâu thiếu dưỡng khí, hay sự sợ hãi làm tôi khó thở. Tôi nhắm mắt lại, và muốn được chết ngay, để thoát cái cảnh bị hành hạ khốn nạn này.

Có tiếng ai la nheo nhéo trên miệng giếng. Và cậu kéo tôi lên. Tôi thấy ngoại đang khóc.Ngoại nhấc tôi ra khỏi cái thúng, mắng cậu: -Mày độc ác. Doạ kiểu này, nó hoảng hồn chết luôn làm sao?

Cậu chống chế:

-Nó mà hoảng hồn? Thằng này lì lắm. Thiên lôi tầm sét, chưa chắc đã làm nó sợ.

Ngoại dẫn tôi vào nhà, ôm tôi và khóc. Trong khi ngoại khóc, tôi lại nín khe. Thương ngoại bao nhiêu, tôi oán cậu bấy nhiêu. Từ đó trở đi, nơi nào có cậu, tôi đều tránh mặt. Nghe tiếng nói tiếng cười của cậu, tôi cũng ghét. Ấn tượng một lần bị thả xuống giếng, tôi không bao giờ quên.

Sau này, cậu bỏ nhà theo Việt Minh. Trong gia đình ai cũng nhắc nhở, nhớ thương. Riêng tôi lại mong, cậu đi đâu thì đi luôn cho rồi. Ðừng về nữa. Thế nhưng, thỉnh thoảng cậu vẫn ghé về thăm nhà. Tôi chỉ chào hỏi qua loa, rồi lẩn mất. Những chuyến đi về của cậu, càng về sau, càng thưa dần. Rồi cậu đi biền biệt, bặt tin luôn. Ðến khi nghe tin cậu mất, mọi người trong thân tộc bàng hoàng. Má tôi chảy nước mắt như mưa. Ngoại xót xa rên xiết từng đêm. Tôi không hề xúc động, dửng dưng như người chưa từng quen biết. Cậu là người duy nhất trong dòng họ ngoại tôi, khi chết không đem được xác về chôn trên khu đất gò đồng mả.

Cái chết của cậu, một kẻ trở về kể lại, nghe cũng rất ly kỳ. Cậu đặc trách công tác nội thành. Lâu lâu, về mật khu để báo cáo tình hình. Một buổi chiều. Cậu cùng vài ba đồng chí về gần tới mật khu.Bỗng nghe bên đường, trong cây rậm, có tiếng hô lớn:

-Tất cả đứng lại. Giơ tay lên!

Cậu nói:

-Ðường sá xa xôi, mệt lắm rồi. Ðừng đùa, đồng chí ơi!

-Tao bắn bể đầu. Chứ đùa với mầy hả?

Những người cùng đi với cậu dừng lại, sửng sốt. Ðây là địa phận an toàn của Việt Minh, sao bị phục kích?

Từ trong cây rậm, ra lệnh:

-Thằng cha quấn khăn rằn trên cổ, đứng lại. Những người khác tiếp tục đi.

Cậu ở lại. Người ta dẫn cậu đến một cái chòi của rẫy bắp, trong rừng. Nơi đây, cậu được ăn một bữa cơm chiều với khô trâu. Sau đó, cậu bị chính những người đồng chí của mình kết tội, lợi dụng công tác nội nội thành, làm gián điệp cho Tây. Người ta trói, và dẫn cậu đến một cái giếng lạn, loại giếng bỏ hoang lâu ngày, khô nước. Cậu bị đập đầu, xô xuống giếng. Giữa rừng già mênh mông, tìm cái giếng để đem xác cậu về, không là chuyện dễ.

Vợ cậu, người tôi gọi bằng mợ, nhan sắc mặn mà, sắc sảo khôn ngoan. Mợ quyết chí trả thù chồng, làm đơn khiếu nại, tố cáo kẻ giết chồng mợ. Ðể tránh con mắt dò xét của người lạ, mợ giấu đơn từ vào trong chiếc nón lá, và chằm kín lại, trông như chiếc nón bình thường. Một ngày mưa, mợ đội nón lá ra đi. Tôi đứng trước thềm hiên, trông theo người đàn bà khốn khổ. Thấy mưa rả rích trên hàng dừa trước ngõ. Mưa mù tận ngoài bưng. Mưa khuất rặng cây xanh ở phía chân trời.

Ngoại tôi chạy theo, níu áo:

-Con ơi, người chết không sống lại được. Con khiếu nại, tố cáo cho ra lẽ, thì chuyện cũng đã rồi.

Mợ nói:

-Người ta giết oan chồng con. Lẽ nào con cắn răng im lặng?

-Nếu không im lặng, con làm gì được ai?

Mợ nghẹn lời, rồi bật khóc. Cương quyết dứt áo ra đi.

Ngoại tôi lủi thủi quay vào. Ðầu tóc ướt mem. Ngồi rũ trong bếp.

Những ngày sau. Ngoại bồn chồn không yên, trông mợ trở về. Không phải để nghe mợ báo tin, trả được thù chồng. Ngoại chỉ sợ người ta sẽ thủ tiêu luôn cả mợ. Rồi mợ cũng về trong bơ phờ thất vọng. Những đồng chí cũ của cậu đều làm ngơ, không ai nhận trách nhiệm về cái chết của cậu.

Cái gan của mợ, chẳng biết lớn tới cỡ nào. Mợ nhất định rời khỏi nhà ngoại. Rời khỏi cái nôi của đại gia đình dòng họ nhà chồng, dẫn mấy đứa con nheo nhóc về vùng kiểm soát của Lực Lượng Liên Minh giáo phái Cao Ðài. Không lâu sau, mợ lấy một sĩ quan của Lực Lượng Liên Minh. Dựa thế lực chồng mới, báo thù cho người chồng cũ. Máu oan cừu của cả hai phe lại âm thầm đổ xuống. Không phải qua những đụng độ trên chiến trường, mà bằng những thủ đoạn rình rập chặt đầu, bắn giết thủ tiêu nhau. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến sự tàn mạt cho gia đình ngoại tôi. Bởi các đồng chí cũ của cậu, coi gia đình nhà ngoại là thù địch, luôn luôn theo dõi, gây ra nhiều nỗi khó khăn. Theo thời gian, nhà ngoại đổ xiêu rách nát. Bà ngoại tôi bỏ nhà, lên khu đất gò, nằm kế bên mả ông ngoại. Má tôi rầu rĩ ho lao, cũng vội vàng lên chiếm một chỗ trên khu đất gò. Ba tôi từ bên Tàu, theo ông thầy phong thủy địa lý giả mạo sang đây, bị bỏ rơi ở nhà ngoại. Ngoài người vợ Việt Nam, và mấy đứa con lai Tàu, ông không còn liên hệ họ hàng với ai. Khi má tôi từ giả cõi đời, ông buồn tình, không thiết sống nữa. Thế là ông tự động đứt mạch máu não, hôn mê mấy ngày trước khi bơi qua sông Nại Hà, theo cho kịp má tôi. Ðối với bên vợ, ba tôi là người ngoại tộc, nhưng cũng được đặc ân chôn trên khu đất gò đồng mả dòng họ ngoại tôi.Thời thế xoay nhanh đến chóng mặt. Mặt đất cũng biến đổi dị thường sau những thăng trầm dâu bể. Mồ mả tiên tổ bao đời của ngoại tôi, được lệnh bốc đi nơi khác. Trên quê hương xứ sở, còn có nơi nào được nằm yên vĩnh viễn? Thôi thì hốt cốt, dồn chung lại, hoả táng một lần cho xong. Khu đất gò, bây giờ là văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Xã. Từ trên văn phòng Ủy Ban nhìn xuống, cái nền nhà cũ của ngoại, mọc lên hai dãy nhà kho, dùng chứa nông phẩm Hợp Tác Xã. Và vườn cây ăn trái phía sau nhà ngoại cũng bị san bằng, biến thành sân đá banh
.
Dòng đời, và tất cả cơ ngơi của ngoại tôi, chỉ còn trong hồi tưởng.


Lâm Chương