có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 10 02, 2014

Sẽ có một ngày

thơ Nguyễn Chí Thiện
Phan Văn Hưng viết nhạc và trình bày



Sẽ có một ngày

Sẽ có một ngày con người hôm nay 
Vất súng, vất cùm, vất cờ, vất Đảng
Đội lại khăn tang, đêm tàn ngày rạng
Quay ngang vòng nạng oan khiên
Về với miếu đường, mồ mả gia tiên

Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao hận thù độc địa dấy lên
Theo hương khói êm lan, tan về cao rộng
Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng
Kẻ lọc lừa, kẻ bạo lực xô chân
Sống sót về đây an nhờ phúc phận
Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân
Đứng bên nhau trên mất mát quây quần.
Kẻ bùi ngùi hối hận
Kẻ bồi hồi kính cẩn
Đặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tả trắng thắng cờ hồng!
Tiếng sáo mục đồng êm ả
Tình quê tha thiết ngân nga
Thay tiếng "Tiến quân ca"
Và Quốc tế ca
Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la! 

Nguyễn Chí Thiện
1971


@@@@


Nguyễn Chí Thiện 
(27 tháng 2 năm 1939 - 2 tháng 10 năm 2012) 

là một nhà thơ phản kháng người Việt Nam. Ông đã bị nhà chức trách của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bắt giam tổng cộng 27 năm tù vì tội "phản tuyên truyền".[1]

Sinh trưởng tại Hà Nội ông có một thời dạy học. Trong một bài giảng bài môn Sử năm 1960 do giảng bài không theo quan điểm nhà chức trách nên ông bị bắt vì tội "phản tuyên truyền".

Ông được thả năm 1964. Đến năm 1966 ông lại bị bắt giam vì làm thơ đả phá chế độ. Lần này ông bị giam đến năm 1977.

Năm 1979 Nguyễn Chí Thiện tìm cách chuyển tập thơ "Hoa địa ngục" của ông viết cho nhân viên sứ quán Anh tại Hà Nội. Vì lý do trên ông lại bị bắt. Đến ngày 28 tháng 10 năm 1991 Nguyễn Chí Thiện được ra tù.

Năm 1994 ông được tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải thưởng Hellman/Hammett[2].

Tháng 1 năm 1995 ông được xuất cảnh sang Hoa Kỳ[3] qua sự vận động của Đại tá Không quân Hoa Kỳ Noboru Masuoka.

Nguyễn Chí Thiện qua đời ngày 2 tháng 10 năm 2012 tại Santa Ana, quận Cam, California, Hoa Kỳ.[3][4]


Tác phẩm văn học

Thơ

Tập thơ Hoa Địa ngục của ông xuất hiện ở hải ngoại vào năm 1980 sau khi tác phẩm này được lén đưa vào toà đại sứ Anh tại Hà Nội và được giáo sư Patrick J. Honey thuộc Đại học Luân Đôn (University of London), nhân chuyến đi Việt Nam năm 1979, mang được ra ngoài nước để phổ biến. Kèm trong tập thơ 400 trang viết tay[5] này là lá thư mở đầu với lời ngỏ:

“ Nhân danh hàng triệu nạn nhân vô tội của chế độ độc tài, đã ngã gục hay còn đang phải chịu đựng một cái chết dần mòn và đau đớn trong gông cùm cộng sản, tôi xin ông vui lòng cho phổ biến những bài thơ này trên mảnh đất tự do của quý quốc. Đó là kết quả 20 năm làm việc của tôi, phần lớn được sáng tác trong những năm tôi bị giam cầm. ”

Tập thơ này được coi như một thiên hồi ký về cuộc đời tù tội trong xã hội cộng sản dưới chế độ toàn trị bắt đầu từ thập niên 1950. Năm 1997 cuốn hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên xuất bản ở hải ngoại có nhắc tới Nguyễn Chí Thiện, bạn tù của tác giả. 40 năm sau một tác phẩm văn chương khác xuất phát từ Việt Nam là tiểu thuyết Truyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn cũng là một tác phẩm nói đến chế độ tù ngục.[6]

Vì tập thơ không ghi tên tác giả[7] nên lần in đầu tiên năm 1980 do "Uỷ ban Tranh đấu cho Tù nhân Chính trị tại Việt Nam" phát hành tại Washington, D.C. ghi tác giả là "Khuyết danh" hay "Ngục Sĩ" với tựa Tiếng Vọng Từ Đáy Vực. Dịch bản tiếng Anh mang tên Cry from the Abyss.

Năm 1981, ấn bản khác của báo Văn nghệ Tiền phong phát hành ở hải ngoại được ra mắt dưới tựa Bản Chúc thư Của Một Người Việt Nam. Tên khác nữa là Quê hương tù ngục.[6]

Nhan đề Hoa Địa ngục được dùng đầu tiên năm 1984 khi Yale Center for International & Area Studies in bản tiếng Anh Flowers from Hell do Huỳnh Sanh Thông dịch. Sau này người ta mới biết đến tên Nguyễn Chí Thiện.

Một số bài thơ trong Hoa Địa ngục đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc trong tập Ngục ca. Nhạc sĩ Phan Văn Hưng thì phổ nhạc bài "Sẽ có một ngày".

Cũng vì tập thơ này năm 1985 Nguyễn Chí Thiện đoạt giải "Thơ Quốc tế Rotterdam" (Rotterdam International Poetry Prize). Năm 1988 ông thắng giải "Freedom to Write".[8]

Trong khi ông bị giam cầm vì tên tuổi ông được biết đến nhiều, những hội đoàn như Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cùng những chính khách như Léopold Senghor (cựu tổng thống Sénégal), John Major (cựu thủ tướng Anh) và vua Hussein của Jordan từng lên tiếng tranh đấu cho ông được thả.

Năm 2006 tập thơ gồm hơn 700 bài của ông được đúc kết lại với đúng tên tác giả đã ra mắt độc giả người Việt hải ngoại một lần nữa và được đón nhận nồng nhiệt.[9]

Lời thơ có những đoạn tiêu biểu sắt thép như:Trong bóng đêm đè nghẹtPhục sẵn một mặt trờiTrong đau khổ không lờiPhục sẵn toàn sấm sétTrong lũ người đói rétPhục sẵn một đoàn quânKhi vận nước xoay vầnTất cả thành nguyên tử...Kẻ bùi ngùi hối hậnKẻ kính cẩn dâng lênNày vòng hoa tái ngộÐặt lên mộ cha ôngKhai sáng kỷ nguyên Tã Trắng thắng Cờ Hồng...Tiếng mục đồng êm ả, tình quê bao laThay tiếng "Quốc tế ca"Bằng tiếng diều cao vút trong chiều tàTrên ruộng đồng quê ta...

Tập thơ Hoa Địa ngục còn được dịch ra tiếng Đức, tựa Echo aus dem abgrund, tiếng Hà Lan: Bloemen Uit de Hel, tiếng Hàn, tiếng Hoa: 花从地狱来 (âm Hán Việt: Hoa tòng địa ngục lai), Tiếng Pháp: Fleurs de l'Enfer, Tiếng Tây Ban Nha: Flores del Infierno, và Tiếng Séc: Básně z pekla.

"Hoa địa ngục" là tên tác giả đã chọn ghi ở cuối lá thư đính kèm với tập thơ được lén đưa vào tòa đại sứ Anh ở Hà Nội.[10]

Địa vị văn học của ông được ghi nhận trong cuốn Who’s who in Twentieth-century World Poetry do Mark Willhard chủ biên (London & New York, Routledge, 2000).[11]


Văn xuôi

Năm 2001, tập truyện Hoả Lò của ông được nhà xuất bản Cành Nam ở Arlington, Virginia đem in cùng Tổ hợp Xuất bản miền Đông Hoa Kỳ phát hành năm 2001, rồi tái bản năm 2007. Cũng trong năm 2007, tập truyện cùng với thơ ông được dịch ra tiếng Anh, nhan đề Hoa Lo/Hanoi Hilton Stories do Yale University Southeast Asia Studies xuất bản. Bản dịch có sự đóng góp của Nguyễn Ngọc Bích, Trần Văn Điền, Vann Saroyan Phan và Nguyễn Kiếm Phong.

Trong phần tự truyện ông ghi lại những kỷ niệm tù đày với người bạn tù Phùng Cung.[8]

Năm 2008 Hai Truyện Tù/Two Prison Life Stories, một tác phẩm song ngữ Việt-Anh được xuất bản ở Mỹ với sự cộng tác của Jean Libby, Tran Trung Ngoc và Christopher McCooey.[12]

(Theo Wikipedia)

Chú thích:
  1. ^ "Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện"
  2. ^ Các blogger Việt Nam được vinh danh vì đã dấn thân cho nhân quyền, HRW, 20.12.2012
  3. ^ a ă "Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện qua đời, thọ 73 tuổi"
  4. ^ "Nguyen Chi Thien dies at 73; poet, Vietnamese prisoner" theo báo Los Angeles Times
  5. ^ "Đôi dòng tiểu sử Nguyễn Chí Thiện: nhà thơ đối kháng"
  6. ^ a ă "Nguyễn Chí Thiện và Hoa địa ngục" theo RFI
  7. ^ Tên và địa chỉ tác giả được ghi trên lá thư đính kèm với tập thơ nhưng không có trong tập thơ [1].
  8. ^ a ă "Nguyen Chi Thien, Vietnamese Dissident Poet Passed Away in Santa Ana"
  9. ^ Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và tập thơ Hoa Địa Ngục
  10. ^ "Dưới lá thư đó tôi đề: "Hoa Địa Ngục" [3], mở ngoặc đóng ngoặc: Fleurs de l’Enfer, đề tên tác giả hẳn hoi." "Hai giờ với thi sĩ Nguyễn Chí Thiện"
  11. ^ "Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Chí Thiện" theo VOA
  12. ^ Hai Truyện Tù