có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 10 13, 2014

Một Câu Chuyện Buồn Hơn Chuyện Buồn



Bàn rượu gồm bốn người đàn ông đã tham dự trực tiếp vào cuộc chiến. Một chuẩn tướng, một đại úy, một thiếu úy, một chuẩn úy. Tuổi tác của họ, tất nhiên, là chênh lệch. Ông tướng đã ngoài sáu mươi là người già nhất. Người đại úy ngoài khoảng bốn mươi. Kế là người chuẩn úy xấp xỉ bốn mươi. Cuối cùng, trẻ nhất là người thiếu úy. Cứ lấy cấp bậc và tuổi tác thì khó có thể có bàn rượu giữa bốn người. Nhưng tất cả đều là cựu quân nhân, nên bàn rượu đã có, màlại nằm trong vòng thân tình. Có tính cách gia đình nhiều hơn là quân đội. Dĩ nhiên phải thế. Bởi đó là một buổi tối tháng 9 năm 1988 tại San Jose, miền bắc Cali.

Ðể phù hợp với hoàn cảnh đang sống, nên gọi mỗi người bằng một cái tên thay vì cấp bậc. Ông tướng dáng người to lớn, nước da đen xì, trông có vẻ dữ tợn nhưng thái độ hiền lành, từ tốn như một ông sư gìa phốp pháp người Miên. Hãy gọi là ông Lục cho dễ hình dung. Ngược lại người chuẩn úy cao và ốm tong, khoằng kheo như một cây tre bị tuốt hết lá đang vươn lên. Thôi cứ cho anh chàng này cái tên Thăng.

Ngồi trầm ngâm bên cửa sổ là người đại úy ít nói. Suốt buổi rượu, may lắm mới mở miệng nói vài câu. Còn lại chỉ mỉm cười, nghe, rồi lại cười. Mọi cử chỉ đều chậm rãi và ít ỏi như lời nói, biểu lộ cá tính của những con người thích làm hơn nói. Và cái cười như thấu hiểu việc xảy ra trong từng câu chuyện, nếu cần thiết, sẽ bình thản giải quyết bằng con đường trước mặt với sự tin tưởng phai thành công... Bấy nhiêu đủ để hình dung đến một con người thường mang cái tên Ðạo, Ðạt v.v... Vậy, gọi anh ta là Ðạt.

Còn lại người thiếu úy chẳng lộ nét gì đặc biệt ngoài khuôn mặt hiền lành. Và nếu bỏ điểm đó, thì anh ta sẽ lẫn vào trăm ngàn con người đang sống. Chỉ thế! Ðặt đại cho anh chàng này cái tên Thuận, cho phù hợp với nét đặc biệt duy nhất của khuôn mặt.

Bấy giờ chai rượu thứ hai vơi qúa nửa. Từ đầu ông Lục uống rất ít, mặc cho những người bạn trẻ uống. Chẳng một lời cản ngăn hay khuyên lơn. Sự dễ dãi như thái độ của một ông anh cả hiền lành, thả dàn cho lũ em được uống thoải mái trong một cuộc vui. Bốn người chia thành hai cặp ngồi đối diện nhau. Hai người trẻ tuổi uống nhiều nhất. Hai ly rượu đầy lại vơi, vơi lại đầy. Thuận búng ngón tay vào thành ly khi vừa uống cạn. Tiếng ”lanh canh, lanh canh” vang lên. Thăng đẩy chai rượu về phía trước.

– Uống đi!

– Uống chứ!

Thuận đón lấy chai rượu, những ngón tay rời rã bám ttrên cổ chai. Chai rượu lao chao theo nhịp run của bàn tay. Thăng nhìn bạn lắc đầu.

– Uống nổi không?

– Cậu có vẻ say.

Ông Lục mỉm cười thêm vào. Thuận gật đầu.

– Say thật đấy.

Nhưng tay vẫn rót. Chất rượu màu vàng sẫm được đổ vào ly, tan dần dưới đáy ly làm thành lớp nền vàng vướng vất trong màu nước suối trắng như những sợi khói. Thuận ngắm nghía ly rượu bằng tia mất lờ đờ. Vẫn nụ cười mỉm, ông Lục từ tốn đưa tay cầm chiếc ly của Thuận.

– Thôi đừng uống nữa.

– Không uống thì làm gì bây giờ hả anh?

– Ngủ.

– Em chưa buồn ngủ anh Lục à!

– Cậu có vẻ mệt.

– Mệt thật đấy! Nhưng em chưa muốn ngủ.

Ông Lục vỗ lên vai Thuận.

– Thì không ngủ...

– Vậy mình sẽ làm gì nếu không uống?

– À...

– Anh thấy không, em cày thấy mồ cả tuần lễ, bây giờ cuối tuần phải xả ga một chút chứ?

Thuận xoay xoay chiếc ly trên tay, hai vai chĩu xuống trong thế ngồi như bò trên mặt bàn. Ông Lục nhìn người thanh niên một lúc rồi bảo.

– Tôi sẽ kể cho các cậu nghe vài chuyện.

Thăng chợt xen vào, giọng hơi nhừa nhựa.

– Nước mất nhà tan có chuyện gì đâu mà nói anh Lục.

Lại một nụ cười trên môi ông Lục khi giọng nói vẫn từ tốn.

– Nước mất nhà tan nên có nhiều chuyện để nói lắm...

Thuận cắt ngang.

– Vui hay buồn?

Thăng chửi thề một tiếng.

– Vui sao nổi... nói gì kỳ vậy cha?

Thuận nhún vai.

– Thiếu mẹ gì chuyện vui... tại ông không chịu mở mắt ra dòm... Cả nước du học dzui thấy mẹ... còn muốn gì nữa... Ở Việt Nam đào đâu cho ra cả lũ tiến sĩ với cử nhân... mò đâu cho thấy cảnh ly dị, ngoại tình như thay áo... dzui qúa rồi còn gì?

Lại thêm một tiếng chửi thề của Thăng.

– Uống không nổi thì thôi, đừng quậy nữa ông nội.

– Rồi... rồi... anh Lục kể đi... mà vui hay buồn anh phải nói trước để em chuẩn bị tinh thần chứ.

Ông Lục vẫn cười.

– Vui có, buồn có.

– Chắc chuyện tình?

Ông Lục lắc đầu khi Thăng lại chửi thề.

– Cha nội lúc nào cũng chuyện tình. Anh Lục kể đi. Lấy chuyện nào anh gặp hồi đi lính cũng được... Ð.M! Mà đừng kể chuyện tình nghe, tui không khoái đâu.

Thuận im lặng cầm ly rượu lên uống một hơi. Tiếng ”ực” chưa dứt là một tiếng ”ợ...” kéo theo. Thuận gập người xuống, đầu chạm vào mật bàn. Ba người còn lại nhìn nhau. Thăng nhún vai.

– Nó say rồi. Ð.M! Kệ nó, anh kể chuyện nghe chơi anh Lục.

Ông Lục không trả lời Thăng, khẽ xoay qua Thuận, đập lên vai người thanh niên.

– Thuận... Thuận...

Thuận ngước lên, đôi mắt hiền lành đã có tia đỏ và nước da đã xanh lại càng xanh hơn.

– Ð.M! Không sao đâu, anh Lục kể trước đi rồi tôi sẽ kể chuyện của tôi.

– Lại chuyện tình?

Thăng giễu cợt. Thuận thản nhiên gật đầu.

– Phải! Chuyện tình. Ð.M! Chuyện tình buồn trong chiến tranh. Ð.M! Chuyện tình buồn của tôi trong chiến tranh. Ai bảo chuyện tình không nằm trong cảnh nước mất nhà tan?

Thuận kéo dài bốn tiếng sau cùng lúc đôi mắt nheo lại nhìn Thăng có vẻ mỉa mai. Thăng nhún vai.

– OK! Rồi tôi sẽ kể một chuyện.

– Chắc không phải chuyện tình.

– Dĩ nhiên...

Thuận cắt ngang với cái cười nửa miệng.

– Dĩ nhiên là cái chắc bởi ông có biết tình yêu là thế chó nào đâu mà kể.

Từ đầu vẫn im lặng, bất chợt Ðạt xen vào.

– Tôi cũng có chuyện muốn kể.

Ông Lục mỉm cười.

– Thì mỗi người mình sẽ kể một chuyện buồn đã gặp trong thời gian đi lính.

Thuận vẫn giọng đùa giỡn lại cắt ngang.

– Nghĩa là kể chuyện theo ”chủ đề” chuyện buồn trong chiến tranh. Vui qúa! tôi sẽ viết một truyện ngắn về buổi tối hôm nay.

Ba người còn lại bật cười khi Thuận gật gù tiếp.

– Hay lắm! Tôi sẽ kể chuyện tình bi thảm của tôi, trong cuộc chiến vừa qua cho mọi người nghe và cho thằng Thăng biết chuyện tình buồn là gì... Hà! Bây giờ ai sẽ bắt đầu?

– Tôi sẽ bắt đầu.

Ông Lục đốt điếu thuốc sau khi trả lời. Tất cả chợt im lặng. Cái im lặng kỳ cục của một bàn rượu thừa mứa. Bên ngoài đã khuya lắm. Con đường vắng hoe, không một chiếc xe chạy ngang. Không khí bên ngoài và bên trong như được trộn lẫn. Trong sự yên ắng đó, tiếng ông Lục vang lên, như được tách ra khi bắt đầu câu chuyện.

– Tôi đi lính hơn ba mươi năm. Ðụng chạm cối cái sống và cái chết không biết bao lần nhưng luôn luôn tỏ ra dửng dưng. Như không hề biết xúc động là gì. Người ngoài thường nghĩ thế và tôi cũng cố tình làm thế. Thật ra có nhiều lần tôi cũng xúc động trước cái chết. Dù sao mình cũng là người, cho dù đó là một người lính chuyên nghiệp đi nữa... Tôi hiểu đó là một thái độ che đậy sự thật. Và càng về sau tôi càng che đậy kỹ. Có lẽ đời sống quân ngũ vối tác phong của người chỉ huy bắt tôi giữ cái ”uy” trước mặt thuộc cấp. Có những lần đứng trước hàng quan tài phủ cờ mặt tôi vẫn lạnh lùng, không một thoáng cảm xúc dù điều đó hoàn toàn không cần thiết. Dần dà biến thành cách thế sốngcủa mình. Ðến độ sau này có người đã gọi tôi là ”ông tướng mặt sắt”...

– Chắc tại da anh ngăm ngăm đen.

Thuận lại xen vào. Ông Lục khẽ mỉm cười khi hai người còn lại im lặng.

– Có thể tại thế một phần. Nhưng xét kỹ chỉ là phần nhỏ. Một phần mười... một phần trăm không chừng... Nhưng thôi, đâu có gì lạ khi tôi cố tình tạo thế. Dù da không đen thì tôi vẫn nghiêm.

– Nhưng ít có ngầu hơn.

Thuận bướng bỉnh cãi lại. Câu chuyện có vẻ sặp đi lạc đề. Thăng chửi thề thêm một tiếng lúc Ðạt rót rượu vào ly. Ông Lục vẫn cái cười dễ dãi, tiếp tục câu chuyện.

– Cho đến lúc lên tướng thì cái vỏ nghiêm trang bao quanh đã thành cứng ngắt. Không – hoàn toàn không – có chút xúc động nào lộ ra ngoài. Bấy giờ không cần có mặt thuộc cấp, tôi vẫn nghiêm nghị với chính tôi. Quên mất! Có lẽ tôi dùng tiếng sai... nghiêm nghị... chắc không phải đâu. Chà dùng tiếng gì bây giờ cậu Thăng?

– Ð.M! Cần gì anh Lục. Cứ xài đại tiếng nghiêm nghị như anh xài đi. Bọn tôi đâu ai bắt bẻ làm chi.

Ông Lục bối rối nhìn sang Thuận, rồi Ðạt. Nhưng cả hai người đều không nói gì thêm. Khẽ thở dài, ông Lục dụi điếu thuốc vào chiếc gạt tàn đã đầy.

– Thì cũng được. Tôi vẫn nghiêm nghị trước mọi việc thương tâm xảy ra và đến năm 1973, sau hơn ba mươi năm mặc áo lính tôi chưa từng nhỏ giọt nước mắt nào. Nhưng hôm đó...

Giọng ông Lục nhỏ hơn. Sự xúc động hiện lên khuôn mặt của một con người chưa hề lộ ra nét thương cảm nào đã cuốn ba người còn lại vào câu chuyện đã kể. Ngay cả Thuận, người trẻ nhất và hay đùa cợt nhất như đã tỉnh cơn say.


*

Thắt xong sợi dây giày, ông Lục ngả người vào thành ghế, ngắm nghía nút thắt một cách hài lòng. Những điều thích thú nhỏ bé vẫn thường mang đến cho con người sự thoải mái và mãn nguyện dù đó là một ông tướng. Như ông Lục hôm nay. Thói quen mỗi buổi sáng trước khi đi làm ông luôn luôn đón nhận những việc lụn vụn để biến thành niềm vui đã thành cái nếp. Uống một ly cà phê ngon, nựng đứa con trai út, tỉa một cánh hoa... Tất cả đều dành cho ông buổi sáng tình cảm trước khi mang bộ mặt lạnh lùng suốt ngày. Và hôm nay là sợi dây giày vừa được thắt một nút khít khao.

Buổi sáng của Sài Gòn đang trôi vào nhịp sống bình thường. Những âm thanh hỗn độn bên ngoài đưa vào thật quen thuộc. Tiếng động cơ xe cộ, tiếng ồn ào từ ngôi chợ cá nằm trên đường Trần Quốc Toản, tiếng người cười nói cãi cọ... Mọi thứ bao quanh ông Lục với tình cảm buổi sáng.

Ông Lục đứng dậy tiến về phía cửa sổ. Trong khoảng vườn trước mặt, đứa con trai út đang đùa chơi với con chó nhật. Hồn nhiên và thân mật, thằng bé nằm ngửa trên cỏ để con chó nhảy lên người. Khoảng cách giữa thằng bé và con chó như không có. Bất giác ông Lục nghĩ đan những người mình sẽ gặp hôm nay. Giữa người và người chỉ có sự nghiêm nghị, lạnh lùng trong lề lối làm việc. Khoảng cách hiển hiện từ ánh mắt đến cử chỉ... Gạt nhanh những hình ảnh khó chịu có chính mình ở trong đó, ông Liục trở lại ghế. Lát nữa đây, người sĩ quan thuộc cấp sẽ gõ cửa ba tiếng để bắt đầu một ngày.

Nhắm mắt lại, ông Lục đợi tiếng gõ cửa khi nhịp chuông từ chiếc đồng hồ treo trên tường vừa gõ. Ông đang giữ lại những phút cuối của thời gian dành cho con người bình thường không phải là tướng trong một ngày.

Có tiếng động từ phía cửa. Nhưng không phải là ba tiếng quen thuộc như mọi ngày mà nhanh và đục hơn. Rồi tiếp theo là tiếng khóc của đứa con trai út. Ông Lục mở mắt khi cánh cửa bật ra với khuôn mặt đầm đìa nước mắt của thằng bé.

– Sao vậy con?

Ông Lục đứng dậy ôm con lên. Ðứa bé sụt sùi.

– Con Mino... chạy ra đường rồi..

– Ðể lát nữa ba kêu chú Cường bắt vô cho con.

– Chú Cường tới... trễ... lạc mất.

– Nín đi.

Ông Lục vỗ về và thả con xuống đất. Thằng bé níu tay ông.

– Ba ra bắt cho con đi ba.

Ông Lục nhìn thằng bé rồi cúi xuống nhìn lại bộ quần áo đang mặc trên người một cách ngại ngùng. Nghĩ đến cảnh mọi người thấy một ông tướng trong bộ quân phục chỉnh tề lui hui bắt chó cho con, ông chợt thấy khó chịu. Xoay sang phía thằng bé định từ chối nhưng bắt gặp ánh mắt của nó ông lại im lặng. Ðứa con trai út yêu thú vật từ tấm bé và con chó nhật được nó cưng nhất... Ngần ngừ một thoáng rồi ông Lục đứng lên. Ðứa bé mừng rỡ kéo tay ông ra ngoài.

Chợ đã đông người. Mùi tanh tưởi của cá ươn xông lên gây cảm giác khó chịu. Ông Lục dẫn thằng bé vòng qua phía hông chợ. Vẫn chẳng thấy bóng con chó nhật. Ðứa bé chợt đứng lại, chỉ vào phía trong chợ, nơi có một đám người đang tụ tập.

– Ba, con Mino dám ở đó...

Xong, kéo tay bố len qua dãy sạp bẩn thỉu. Ðám đông độ hơn chục người, đứng quay mặt vào trong chăm chú vào vật gì dưới đất. Tiếng xì xào không rõ rệt, ngược hẳn với tiếng ồn ào của ngôi chợ. Ðứa bé buông tay cha vụt chạy về phía đám đông. Ông Lục nhìn theo con rồi rảo bước nhanh hơn theo hướng thằng bé vừa chạy.

Qua đám đông, cảnh tượng dưới đất đập vào mắt làm ông khựng lại. Một đứa bé khoảng sáu tháng đang ngậm vú của một người đàn bà nằm chết co quắp. Bên cạnh là một đứa bé gái chừng mười tuổi sụt sùi ngồi khóc. Gạt đám đông sang một bên, ông Lục cúi xuống cạnh cái xác. Ðứa bé gái đang sụt sùi chợt oà lên khóc lớn hơn. những tiếng ”má ơi, má ơi” từ cửa miệng trẻ thơ làm ông Lục nao lòng. Sự xúc động lớn dần, lớn dần và cái vỏ nghiêm trang vỡ nát trước cảnh tượng này. Ông Lục đã ứa nước mắt.

– Ðó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôiứa nước mắt trước đám đông trong suốt thời gian đi lính...

Ông Lục bỏ lửng câu nói. Thuận bỉu môi.

– Chuyện đâu có gì mà buồn.

Ông Lục lắc đầu.

– Cậu hãy tưởng tượng đến cành người mẹ nằm chết lạnh từ lúc nào, Chỏng chơ giữa chợ, bỏ lại hai đứa con còn nhỏ... Hà! Tôi còn nhớ nước da xám ngoét của cái vú lép kẹp với những sợi gân xanh nổi lên...

Thuận nhíu mày.

– Nhưng cũng đâu liên quan gì đến anh?

– Liên quan? Có chứ, bởi tôi là một con người. Vả lại lúc sau đưa hai đứa bé về trạm công binh, ở ngã ba Trần Quốc Toản và Lê văn Duyệt, dành cho những gia đình ở xa đi thăm và tìm chồng con đi lính tôi mới biết chuyện. Người trưởng trạm mà tôi gửi hai đứa bé và nhờ liên lạc với gia đình người đàn bà đó qua giấy tờ tùy thân đã cho biết tất cả... Các cậu có biết người đàn bà đó là ai không?

Ba người còn lại im lặng. Ông Lục thở dài.

– Ðó là vợ của một người lính đã chết. Chị ta ở tận Quảng Ngãi, nhận được tin chồng chết tại vùng bốn, vội bồng con đi tìm để nhận xác dù không biết đường xá trong nam. Bà con hàng xóm tất nhiên là cản ngăn. Nhưng đâu được? Tình thương yêu đã làm người đàn bà này trở thành can đảm. Và Sài Gòn là cái đích đầu tiên. Ðến Sài Gòn, chẳng quen ai sống bơ vơ giữa thành phố. Hẳn tiền bạc hết nên phải xin ăn. Ðứa bé lớn kể lại đã có bữa hai mẹ con phải nhặt rau ở sọt rác để ăn... Tôi chẳng biết nói sao để diễn tả tâm trạng của mình lúc đó. Chỉ biết giúp đỡ gia đình chị ta đưa xác về xứ và lãnh tiền tử tuất. Một việc làm không cần mang cấp bậc tướng mới làm được.

– Vậy cũng tốt rồi anh Lục à.

Thăng an ủi khi ông Lục lại lắc đầu.

– Ðiều tôi nghĩ lúc bấy giờ là không phải một gia đình này mà còn nhiều lắm.

Thuận đứng lên, tiến về phía tủ lạnh lấy đá. Bàn tay đặt lên vỉ đá, cảm giác tê lạnh lan theo từng đầu ngón tay, anh chợt liên tưởng đến đầu vú lạnh ngắt của xác người đàn bà trong câu chuyện vừa nghe. Ý nghĩ trôi theo cảm giác. Bây giờ là hình ảnh người đàn bà đã bỏ anh trong thời gian tù đày.Ngày và đêm với thương nhớ đã được trả lời bằng cái nhìn sắc lẻm của gã bộ đội ngồi trong căn nhà của chính anh ném ra, lúc vừa trốn trại trở về. Cảm giác lành lạnh chạy theo sống lưng biến mất thay vào đó là nỗi xúc động với luồng máu nóng chạy tòn thân khi người đàn bà tình cờ trong bếp bước ra, đến cạnh gã bộ đội và làm một vòng ôm thân mật như anh đã được làm. Người đàn bà vẫn trong cái tình cờ nhìn ra cửa và không nhận ra anh. Thuận chợt hiểu và quay ra cổng. Phía sau lưng, con chó gìa âm ư những tiếng trong cuống họng. Chỉ còn con chó nhận ra anh khi trở về. 

Thuận dốc mạnh chai soda vào ly. Tiếng thủy tinh chạm nhau vang lên gây những âm thanh sắc cạnh. Ông Lục nhìn thấy trong mắt Thuận có những tia máu li ti, đỏ rực nổi lên khi da mặt xanh lại. Sự thay đổi về sắc diện của người thanh niên thật nhanh, nhanh đến độ ba người kia ngạc nhiên. Thuận như tỉnh hẳn và cơn say như chưa đến bao giờ.

Trở về bàn rượu, Thuận co chân trên ghế trong thế ngồi chồm hỗm.

– Ð.M! Giờ đến phiên ai kể?

– Ai cũng được.

Thăng trả lời. Thuận gật đầu.

– Kể đi, rồi tôi sẽ kể chuyện chó đẻ của đời tôi với thằng bộ đội và con đàn bà khốn nạn.

– Từ từ rồi sẽ đến lượt, bây giờ ông Ðạt kể đi. Ðang trong thế ngồi ủ rũ Ðạt đổi sang tỉnh táo. Lưng thẳng băng và hai tay đặt trên bàn. Trịnh trọng nhưng thành thật, Ðạt bắt đầu câu chuyện bằng giọng nói khó khăn của một người không quen nhắc lại chuyện của mình.


*

– Với tôi, cuộc chiến chúng ta tham dự không phải là cuộc chiến vừa qua mà là cuộc chiến. Bởi ngay bây giờ tôi vẫn còn là người lính và đang chiến đấu trực diện với Việt Cộng. Và cũng với tôi đây không phải là cái game cuối đời như mọi người thường chọn và thường gọi, đây là việc làm. Một việc làm của con người còn suy nghĩ và hiểu, không quên tại sao mình đang có mặt tại đây. Tôi nghĩ thế, và chuyện buồn của tôi xảy ra vào một buổi tối tháng sáu tại biên giới Thái Lan và Cao Miên.

Cái ”căn cứ” mà Ðạt gọi, có những người trẻ tuổi đang sống thật ra chỉ là một miếng đất hẹp nằm giữa rừng. Vỏn vẹn hai dãy nhà gỗ được dựng lên với lớp giao thông hào bọc quanh bốn trạm gác đặt tại bốn góc của miếng đất. Vấn đề an ninh cho những con người đang chiến đấu tại đây được đặt lên chính cá nhân từng người. Không phải là những khẩu AK.47 được phát, cũng không phải được bọc quanh bởi límh Khờ Me đỏ hay những sư đoàn biên phòng Thái mà là chính họ phải tạo cho họ sự bảo vệ. Ðạt vẫn nhắc thế.

Và những người trẻ tuổi đã hiểu thế khi số tuổi của họ chưa đủ để bắt buộc phải hiểu. Mười tám, hai mươi... hay lớn hơn một tí. Ý nghĩ về việc sống chết không làm họ vướng bận. Thoải mải sống, chiến đấu, tự bảo vệ bên cạnh một cấp chỉ huy từ Mỹ về là Ðạt. Từ những trại tỵ nạn, từ những đơn vị Việt Cộng họ đã đến với tổ chức. Bỏ một màu áo để chống lại chính màu áo đó là bước đầu tạo nên sự suy nghĩ để những người trẻ tuổi trưởng thành. Gần gũi và chia xẻ trách nhiệm với một cấp chỉ huy từ Mỹ trở vể trong hy vọng mong manh. Nhưng vẫn làm, bởi với họ, đó là con đường duy nhất được chọn.

Ðàng sau những mệnh lệnh và thi hành giữa người chỉ huy và thuộc cấp là tình cảm của người anh cả đối với lũ em nhỏ. Những điều này được bộc lộ trong các buổi chiều mắc võng nằm cạnh nhau, các đêm ngồi nói chuyện... Ðạt lắng nghe tâm sự từng đứa. Ðể mặc những người trẻ nói, chẳng bao giờ bắt bẻ hay tỏ ra khó chịu. Và đêm đó là Tư, người lính Việt Cộng hai mươi tuổi, bỏ hàng ngũ cũ sau hai năm cầm súng.

Lớn lên từ một vùng quê miền Nam, Tư hoàn toàn xa lạ với hoàn cảnh đất nước. Với Tư, ngày giải phóng chỉ có nghĩa là một lần thay đổi thấy... vui vui. Hết lính rằn ri đội nón sắt thì đến lính mặc áo xanh, đội nón cối cũng đâu có gì lạ. Cũng là lính mà! Còn chính quyền thì hết trưởng ấp thì là chủ tịch ấp có sao đâu? Cũng là chức sắc thôi! Thằng Tư chăn trâu nhìn mọi việc xảy ra như một cuộc vui. Mà vui thật, cách mạng vô bày ra đủ trò hết. Thi đua, ca múa, lao động, văn nghệ... Ðủ thứ trò lạ và vui đối với một đứa bé chăn trâu. Tất cả được Tư tham dự một cách thản nhiên như những đứa trẻ khác. Và trò vui cuối cùng cách mạng dành cho Tư tham dự là nghĩa vụ quân sự.

Sau một năm ở Cao Miên, Tư cảm thấy và hiểu đây không phải là một trò vui khi đã nhìn thấy các điều xảy ra. Rồi nhớ nhà, rồi chán nản, rồi bất mãn... cuối cùng là lần móc nối của những người phía bên kia. Tư bỏ ngũ.

– Anh Hai à, ở bên Mỷ dzui hôn?

Ðạt gật đầu. Tư tiếp.

– Tui từ nhỏ tới lớn chưa biết thành phố là gì hết. Chắc bự lắm há?

– Ờ thì cũng có xe hơi, có nhà lầu. Có người đông hơn miền quê.

Tư nghệch mặt ra, cố hình dung đến một thành phố ở Mỹ với những cao ốc ngất ngưởng, với những chiếc xe bóng loáng, với những con người áo quần lộng lẫy. Ðạt bật cười khi thấy mặt Tư.

– Nghĩ gì vậy mày?

– Anh Hai nói đông người chắc... chắc đông... con gái lắm há?

Ðạt ngạc nhiên nhìn Tư. Sau một thoáng anh chợt hiểu thằng nhỏ và bật cười.

– Nè Tư, tao hỏi thật, mày biết mùi đời là gì chưa?

– Mùi đời là gì anh Hai?

Ðạt lại bật cười trưnc vẻ ngô nghê của Tư. 

– Mày biết con gái chưa?

– Biết chớ, ở nước mình, ở đây tui gặp hoài...

Ðạt mỉm cười nói rõ ý của mình. Tư ngẩn ngơ một lúc rồi ngập ngừng.

– Cái đó thì... chưa. Mà không, tui thấy rồi, hồi ở nhà... lúc tắm cho đứa em út... Còn mấy đứa lớn chắc khác hơn...

– Khác hơn nhiều... Mày mà thấy là ngọng liền.

– Anh Hai giởn hoài... mà mà... không biết chừng nào tôi mới biết... mình sống như vầy...

Trước giọng nói ngập ngừng của Tư, chợt ân hận vì đã trêu thằng bé. Anh vỗ vai Tư.

– Ðừng lo, mai mốt rồi cũng biết.

– Khó lắm anh Hai ơi... Mình ở đây toàn là Miên, mà tui hổng khoái Miên chút nào hết, ngồi gần khét lẹt à... Còn con gái Việt Nam làm sao có? Ðâu biết chừng nào mới được dzề...

Tư buông thõng giọng, nhìn về phía chòi canh. Ðạt nhìn theo hướng đó trong tâm trạng nao nao. Bóng người lính đang gác lẫn vào bóng tối như chưa từng có những người lính đang chiến đấu. 


*

– Sau đó một tháng tôi trở lại Mỹ. Ðiều thắc mắc của thằng Tư không bao giờ tôi giải quyết được.

Thuận nhún vai.

– Cái gì mà không giải quyết được? Từ từ nó cũng biết chứ bộ... Kỳ này ông đi tôi sẽ gởi riêng cho thằng nhỏ đó hai chục để nó biết mùi đời... Cho một mình nó thôi nghe.

Ðạt mím môi. Hơi thở như bị nén vào lồng ngực. Mãi lúc sau tiếng nói mới được bật ra.

– Nó chết rồi. Về Mỹ chưa được một tháng thì tôi nhận được tin nó chết. Nguyên một tràng đại liên cắm vào bụng dưới.

Câu nói nhanh nhưng như kéo dài. Ba người còn lại chợt thấy gai gai trong lòng. Sau cùng Thăng tặc lưỡi.

– Ðúng ra việc đó là của tụi mình, bọn nhỏ đâu dính gì với vấn đề đánh đấm. Vậy mà tụi nó làm...

Ðạt vẫn giữ câu chuyện của Tư, coi như lời Thăng nói không có.

– Thật tình đã có lúc tôi định đưa nó vào Site 2, ở đó có những người con gái bán dâm...

– Ê đâu được! Ðâu làm vậy được?

Thuận chợt la lớn. Ðạt gật đầu.

– Phải! Bởi vậy tôi bỏ ý nghĩ đó. Ðằng nào cũng là đồng bào của mình. Nhưng bây giờ... bây giờ thằng nhỏ chết rồi tôi lại rơi vào cái lưng chừng của sự quyết định.

– Tôi hiểu cậu.

Ông Lục nói khi khuôn mặt Ðạt đang từ nét lầm lì biến thành buồn rầu. Sự xúc động được biểu lộ rõ ràng và vừa đủ, không che dấu như ông Lục hay lộ liễu qúa như Thuận. Thăng quan sát nét mặt từng người rồi xoay sang Thuận.

– Ê Thuận, tôi thấy ông có vẻ buồn nhất.

– Buồn chứ!

Thuận buông gọn hai tiếng khi lồng ngực trái nhói lên. Sự xa lạ về thân thể đàn bà và cái chết của một người hai mươi tuổi với những viên đạn bắn nát phần bụng dưới khi chưa biết tròn cuộc sống. Lần phản trắc của một người đàn bà và những lần dày vò các người đàn bà khác một cách lạnh lùng. Hình ảnh gợi từ hai ý nghĩ so sánh làm Thuận khó chịu. Cái khó chịu lại càng khó chịu hơn khi anh nghe Thăng nói.

– Má nó! Thằng nhỏ đến chết vẫn chưa biết cái lỗ là gì trong khi ông Thuận nhà mình chơi bời, lang chạ tùm lum.

– Im mẹ miệng đi! Ðến lượt ông kể rồi đó.

Thuận gằn giọng lúc ý nghĩ rối bung trong đầu. Hình ảnh một người thanh niên, lính Việt Cộng quay súng, chết vừa hai mươi tuổi, chưa biết đàn bà là gì đứng cạnh một gã đàn ông ngoài ba mươi, lính tác chiến cũ, quên lãng mọi điều cần thiết, đem thù hận choàng lên một mối tình đã cũ để làm cái cớ hưởng thụ, rong chơi làm anh xấu hổ. Ly rượu vừa rót trước mặt chợt nhạt nhẽo khi cái tên Tư xa lạ đột thành gần gũi trong Thuận hơn bao giờ hết. Bấy giờ Thămg đã bất đầu câu chuyện.

– Không như anh Lục và ông Ðạt. Câu chuyện của tôi không xảy ra trong cuộc chiến trước 75 hay sau 75 mà phải nói là câu chuyện thời hậu chiến. Làm quái gì có chiến tranh tại xứ sở này? Cái xứ sở văn minh tới độ bi thảm. Và câu chuyện buồn của tôi nằm ngay tại Santa Ana, cũng thuộc bang Cali, nơi có người Việt tỵ nạn đông nhất thế giới. Hãy nhớ dùm tôi điều này: đó là nơi có người Việt tỵ nạn đông nhất thế giới và là nơi được gọi là Tiểu Sài Gòn hay thủ đô người Việt tỵ nạn cũng thế.

Sang Mỹ sau một thời gian trốn chui trốn nhủi tại thị trấn Rạch Gía với cái án vượt trại, Thăng nhìn thấy cuộc sống có gía trị hơn bao giờ hết qua hai chữ tự do. Và tận dụng gía trị đó tại xứ sở này bằng con đường đã chọn, Thăng lầm lũi làm việc cùng một nhóm bạn cùng chí hướng. Dĩ nhiên cuộc sống thật chật vật và ảnh hưởng đến gia đình còn ở Việt Nam. Những gói qùa khi có khi không hệt như những lá thư viết về gia đình được giản dị hóa đến mứctji đa. Hy vọng bình thường của gia đình đặt vào Thăng lúc ra đi – giống hệt đa số những gia đình khác có con vượt bể – đã thành thất vọng. Thăng im lặng nhận từng lá thư trách móc được viết từ Việt Nam. Chỉ còn một điều nhỏ anh làm được cho gia đình là tình thương dành cho hai đứa cháu đang sống với bố chúng nó, tức người anh rể của Thăng, tại Santa Ana.

Bà chị nhà quê của Thăng trong những lá thư lá thư viết sang đều dặn dò: ”Cậu chăm sóc việc học cho hai cháu và dạy dỗ chúng nó hộ chị. Chả biết đến bao giờ mẹ con mới được gặp nhau; trong lúc này ngoài cậu ra thì chị còn biết nhờ cậy vào ai nữa...”(*) Lần nào cũng thế, Thăng đều đọc được những hàng chữ đại khái như vậy và anh đã làm theo. Nhưng chỉ được thời gian đầu. Ðời sống Mỹ đã tách rời gia đình, họ hàng ra làm nhiều mảnh.

Sau vài năm ở SAnta Ana, Thăng phải đi xa vì công việc. Việc săn sóc, dạy dỗ hai cháu – việc làm cuối cùng dành cho gia đình trong giai đoạn này – cũng thành điều không làm được. Mỗi năm Thăng ráng thu xếp để về thăm ông anh rể và hai đứa bé đôi tuần. Khoảng cách giữa ba cậu cháu ban đầu được tính bằng các con số đơn vị đo chiều dài, sau biến thành thứ khác. Hai đứa bé lớn như thổi và những điều xa lạ giữa cậu và cháu cũng tăng nhanh như chiều cao thân thể của bọn chúng. Cho đến lần gần đây nhất, Thãng đến thăm và những điều nhận được đã cho anh biết mình mất tất cả.

Ðó là một buổi sáng tại Santa Ana, bấy giờ ông anh rể đã đi làm chỉ còn ba cậu cháu ở nhà. Thăng ngồi đọc báo và nghe được mẩu đối thoại của hai đứa bé đang chơi trên thảm.

– I had a dream last night. I took a trip back to Vietnam with daddy. Tiếng thằng bé lớn.

– Was I with you? Thằng nhỏ hỏi náo nức.

– Nope. You weren't in the dream.

– Okay. Tonight I'll dream a much better one. And be sure you won't be in that.

– Yea?

Thằng lớn trả đũa, giọng biểu lộ rõ sự ngạo mạn, châm chọc. Có một khoảng im lặng ngắn rồi thằng nhỏ bật ra giận dỗi.

– It's good for nothing to take a trip to Vietnam. It looks poor and dirty overthere.

– I'll tell daddy...

– Go ahead, I don't care. That's true.

– Why you know that. You weren't in the dream at all.

– But I saw that on TV last week.”(*)

Xong mẩu đối thoại của hai đứa bé Thăng ứa nuớc mắt. Anh chợt hiểu điều duy nhất có thể làm cho hai đứa bé chỉ là hành động cho những đồng bạc để chúng chơi game. Tất cả chỉ thế! Rồi chấm hết! Cái chấm hết tàn nhẫn như sự thật vừa diễn ra trước mắt Thăng. Bất giác anh xót xa khi nhớ lại hình ảnh của hai đứa trẻ say mê trước cái máy chơi game. Và đau đớn hơn nữa, hình ảnh đó bây giờ biến thành cảnh hai thằng người máy đang mải mê giải trí trước cái máy thứ ba.


*

– ... Vậy đó, tôi mất cả hai đứa cháu trong niềm tin của bà chị. Ðiều đau khổ nhất của tôi là sau khi vượt qua cái chết để đến đất tự do, mình không được làm những điều cần thiết – cho riêng hai đứa cháu – khi mình được tự do làm. Bọn nó sẽ rơi vào cái máy nghiến thịt của xứ này để biến thành miếng hamburger...

Thăng cười chua chát bỏ ngang câu nói. Nét ngông nghênh, ngạo mạn thường ngày biến mất, thay vào đó là những nếp nhăn hằn trũng khuôn mặt.

– Bây giờ đến lượt cậu Thuận.

Ông Lục xoay sang Thuận. Người thanh niên tay nắm lấy ly rượu, mắt nhìn về phía cửa sổ. bên ngoài, trời bắt đầu rạng sáng khi Thuận nói với giọng rất điềm tĩnh. Nét điềm tĩnh đầu tiên mà cả ba người còn lại được thấy kể từ khi biết anh.

– Sau chuyện kể của ba người, tôi có một chuyện rất buồn là tôi không có chuyện buồn nào đáng kể trong cuộc chiến vừa qua. Ngay cả hiện tại cũng thế. 


Nguyễn Ý Thuần

------------------------------------------------
(*) Trích ”một nơi để đến” của Tưởng Năng Tiến.