có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 10 09, 2014

Chất thiền và tình yêu quê hương qua thơ Thái Tú Hạp




Hơn 250 trang thơ trong quyển " Hạt Bụi Nào Bay Qua" của nhà thơ Thái Tú Hạp tôi đã đọc qua. Sau khi gấp sách lại thấy còn vương vấn nơi hồn mình một tình yêu sâu đậm với quê hương xứ Quảng qua những bài thơ của Tác Giả. Hơn thế nữa, tôi là một Tăng sĩ nên những bài thơ mang tính chất Thiền, Không, Vô Tướng, Vô Tác v.v...đã làm cho tôi có bổn phận phải viết đôi dòng cảm tưởng về thơ của anh.


Xứ Quảng Nam nghèo lắm, so với hai miền Nam, Bắc Việt Nam; nhưng được một cái, nơi đây nhờ non cao, biển rộng nên đã hun đúc được bao nhiêu con người có tình yêu non nước thật ngút ngàn, trong đó có nhà thơ Thái Tú Hạp. Ngoài nội dung về Thiền và tình yêu quê hương ra, trong chất thơ ấy còn nói đến tình yêu vợ chồng, con cái và đồng loại nữa. Nhưng trong tất cả những bài thơ của Tác Giả, hai đề tài trên được thể hiện nổi bật hơn. Hay có lẽ vì tôi là Tăng sĩ và là người xuất thân nơi xứ Quảng nên mới có cái nhìn ấy chăng? 

Quê hương là gì nhỉ? Đố ai định nghĩa được trọn vẹn hai từ nầy? Thế mà Tác Giả đã làm cho tôi bâng khuâng không ít khi đọc về bài thơ "Tôi Sẽ Về Thăm Quảng Nam" 

mai tôi về Việt Nam thăm xứ Quảng 
đồng Phú Chiêm vàng lúa tháng ba 
chuông Phước Kiến khua chiều tĩnh mặc 
Mẹ tôi sầu bên mái phố sương khuya 

Một kẻ lữ hành lang bạt, vào một đêm thanh cảnh vắng tại xứ người lại vọng về cố quốc, nơi ấy có người mẹ già, ngôi chùa xưa, cánh đồng lúa chín. Chỉ chừng ấy thôi. Tác giả cũng đã làm cho ta có một khái niệm phải nghĩ về: 

đường mai về Bông Miêu thương nhớ
em thơ còn áo lụa Duy Xuyên 
quế Tiên Phước nồng cay tình nghĩa
trầu La Qua thắm đượm tơ duyên 

Đây là những địa danh rất nổi tiếng tại Quảng Nam. Tại Bông Miêu có mỏ vàng, là tài sản của quốc gia rất trân quý. Trong khi đó ai về quận Duy Xuyên không đi qua xã Xuyên Châu và đến địa phương Mã Châu thì không thấy được nghề dệt lụa ở đây rất thịnh hành. Rồi Tác giả đã dẫn chúng ta ra quận Điện Bàn để đến địa phương La Qua tìm trầu nhân nghĩa, để xây nợ tóc mây. 

...
dẫu ngàn thu ánh trăng soi phố Hội
Khổng Miếu còn thanh thoát nét Đường Thi? 
Núi Non Nước - Động Huyền Không khói quyện
miền quê hương có Ngũ Phụng Tề Phi 

Đúng là người của quê hương xứ Quảng, nơi địa linh nhân kiệt của khoa thi Mậu Tuất năm 1898, cách đây gần 100 năm, 5 con Phụng cùng bay từ kinh đô Huế về Quảng Nam cùng một lúc, trong đó có 3 vị đỗ đầu Đệ nhất giáp Tiến Sĩ và 2 vị đỗ Phó Bảng. Vì vậy, ai là người Quảng Nam cũng thường hay tự hào về quê hương của mình. Nơi đó có chùa Phật rất nổi tiếng, như núi Non Nước, gồm Ngũ Hành Sơn với 5 ngọn Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, với Huyền Không Động nhiệm mầu. Nơi Phố Hội cổ kính 400 năm nầy vẫn còn đền thờ Khổng Miếu để thờ Khổng Tử, là một bậc Vạn Thế Sư Biểu của người Hoa cũng như người Việt. Đi xa hơn chút nữa, Tác giả đã dẫn ta về: 

...
tôi sẽ về thăm Chùa Cầu lưu luyến nhớ 
nghe tiếng gà trưa gáy Cẩm Phô 
hoa phượng vỹ thuở tình yêu mới chớm 
chim trong vườn Viên Giác hót líu lo 

Đúng là tâm sự của anh học trò trường Trần Quý Cáp năm nào, khi rảnh giờ học lại đi qua cồn Cẩm Nam hay Cẩm Phô để dạo mát, dưới những tàng cây phượng đong đưa. Rồi lại ghé thăm chùa Viên Giác, nơi đây có 2 cây đa rất lớn và chim chóc đã tụ hội về đây rất nhiều khi xuân sang, hè đến. Trần Trung Đạo, nhà thơ trẻ của Quảng Nam đã có thời ở chùa nầy, hiện ở Mỹ, cũng đã quét lá đa cùng tôi tại đây hơn 30 năm về trước, có diễn tả trong một bài thơ "Cây Đa Chùa Viên Giác" rất mặn nồng tình nghĩa quê hương: 

...
bạn bè tôi ngàn phương cách biệt 
tiếng chuông chiều khua động nhớ thương 
trong thế gian nỗi sầu nào đau đớn nhất 
cũng không bằng sầu mất quê hương

Đúng là tâm trạng của Tác giả mà cũng là tâm trạng của mọi người. Tác giả đã có thời là Sĩ quan Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, đã có thời là học sinh trường Trần Quý Cáp, đã có thời đi học tập cải tạo và cũng đã có thời vượt biển sang Hồng Kông vào năm 1979 và sau đó được định cư tại Hoa Kỳ, hiện là Chủ bút của báo Saigon Times, sống bên cạnh người vợ tài hoa, có nét bút chữ Hán như rồng bay phượng múa. Sống bên con cái hiền hòa thế mà nỗi sầu quê hương không làm sao phai nhạt nơi tác giả. Rất đúng với tâm trạng của tôi khi xa quê hương xứ Quảng từ năm 1968 và xa đất mẹ từ năm 1972, đến nay cũng đã hơn 25 năm rồi, một phần tư thế kỷ; nhưng lúc nào hình ảnh quê hương cũng hiển hiện mãi nơi lòng mình, nên khi tác giả giới thiệu về hình ảnh của quê hương xứ Quảng là tôi thấy gần gũi ngay. 

Nhiều bài thơ trong thi phẩm " Hạt Bụi Nào Bay Qua", tôi thấy chất Thiền đã bàng bạc khắp đó đây. Ví dụ trong bài "Chân Kinh" đã làm cho ta liên tưởng đến tác giả là một Phật Tử thuần thành, người đã cố công trau giồi về tánh Không của Bát Nhã và Thiền Học: 

không còn tàng kinh các
về đâu bóng Thiền sư 
trăm ngàn pho sách quý 
tàn trong lửa phần thư 

chùa hoang dơi rộng cánh 
lầu chuông đầy nhện giăng
cội mai vàng võ lá 
mái dột sầu đêm trăng 

Có lẽ Tác giả đã thăm một ngôi chùa nào đó vào thời điểm 76, 77 nên Chùa chiền bị đóng cửa, Sư Cụ, Sư Thầy, Sư chú cũng vắng bóng từ lâu; nhưng nơi ấy vẫn còn bóng trăng Lăng Già, nơi cửa không, còn đọng lại những gì của hiện tại. Qua bóng trăng ấy khiến Tác giả băn khoăn: 

ngắm mây biền biệt xứ 
ngàn dặm xa Huệ Năng 
hành trang kinh vô tự 
lòng sao mãi băn khoăn 

đông tây nào đốn ngộ 
người xa cách tâm linh 
đời phù hư trá ngụy 
tìm đâu thấy chân kinh 

Nghĩa là tác giả vẫn còn đang dò dẫm trong cõi hư vô ấy. tinh thần Bát Nhã, tinh thần Bất Nhị đã có nơi thơ; nhưng tác giả quyết tìm cho ra chân lý của sự giải thoát qua trực chỉ tâm thiền; nhưng người đời nay thì dối trá quá, làm gì có được một bước đi nhảy vọt như thế. Quả thật là khó khăn; nhưng tác giả đoan chắc một điều là sự giải thoát, giác ngộ không thiếu trong hành trình của tánh không ấy.

Qua 2 bài thơ tuy ngắn gọn, nhưng ta cũng có thể biết được tâm tư tình cảm của Thái Tú Hạp đã nhắn gởi với chính mình, với độc giả, với người thơ, hãy luôn trở về với mảnh đất quê hương, trở về nội tâm của mình để khơi dậy niềm hoài cảm, khơi dậy Phật tánh đã chìm sâu nơi đáy lòng của vạn kiếp luân hồi, để dấn thân hơn nữa, tìm về một quá khứ xa xưa hay một hiện tại năng động và một tương lai đầy ánh sáng huy hoàng. 

Hôm nay ghi lại mấy dòng chữ nầy để thân tặng cho Tác giả của những bài thơ, một tấm chân tình của người con dân xứ Quảng và trân trọng ghi tạc tấm thạnh tình mà tác giả đã dành cho tôi qua mấy lời tâm sự mộc mạc nầy. 

Viết tại Thư phòng chùa Viên Giác, Đức Quốc, 
vào một sáng lập Xuân ngày 22 tháng 4 năm 1997. 


Thích Như Điển