Cây đa và Giếng nước ở làng quê Bắc Việt, là biểu tượng của văn hóa nông nghiệp, là bản sắc của dân tộc Việt, có lẽ đã đi theo Tổ tiên từ khi rời lưu vực sông Dương Tử xuống tận các đảo Đông Hải. Các bộ lạc Việt chia thành ba hệ : Lạc Việt, Mân Việt, Âu Việt.
– Lạc Việt : từ Hồ Nam xuống Bắc Việt, Thượng Lào;
– Mân Việt : Phúc Kiến, Quảng Đông (khoảng đầu thập niên 40 thế kỷ 20, ở Phúc Kiến còn 300 nhà dòng giống Việt gọi là Đĩnh Hồ);
– Âu Việt : Tứ Xuyên, Quý Châu, Thái Lan, Miến Điện, Nam Dương, Phi Luật Tân (x. Lý Đông A với công cuộc Cách mạng Dân tộc, do Thái Hùng biên soạn, Mùa Hạ 1989 (4.868 tuổi Việt, tr 96).
Trong cuộc di cư xuống phương Nam này, có lẽ Tổ tiên của bộ tộc Lạc Việt đã mang theo cả Cây đa và Giếng nước. Vì cả hai rất cần thiết cho nhà nông, về mặt đời sống tự nhiên và đời sống tâm linh. Người theo đạo Kitô thì còn có thánh đường. Cho nên, đối với tôi, cây đa, giếng nước và ngôi nhà thờ là những biểu tượng của một đời sống toàn diện, nhân bản. Thiếu nó trong cuộc sống thì hầu như là trống trải. Tôi đã trải qua kinh nghiệm này trong đời.
Đó là sau thánh lễ Giao thừa một năm nọ, tôi trở về nhà, đợi chờ chuông nhà thờ đổ, báo hiệu giây phút giao thừa, giữa cái cũ và cái mới. Cuối cùng thì giây phút thiêng liêng theo tinh thần văn hóa Đông phương đã điểm : chuông nhà thờ của giáo xứ tôi và mấy xứ lân cận đổ dồn, vang lên trong không gian thinh lặng. Tôi cảm thấy một nỗi xao xuyến trong lòng khi đứng trước bàn thờ Chúa trong nhà và trước di ảnh của hai đấng sinh thành ra tôi. Những giọt nước mắt hoài niệm bỗng dưng chảy dài xuống hai bên má già nua của tôi. Thế rồi, những kỷ niệm về một làng quê miền Bắc, vùng châu thổ sông Hồng, thời niên thiếu của tôi vụt xuất hiện như một cuốn hồi ký, được một bàn tay vô hình nào đó, mẹ tôi chẳng hạn, lần mở giúp tôi từng trang, từng bước chân non của tôi những ngày sống bên người. Một hình ảnh quen thuộc ở quê nhà cũng xuất hiện trong tâm trí tôi. Đó là cái Giếng nước và Cây đa trong làng. Lúc này cả hai trở nên thân thiết với tôi một cách lạ lùng, như thể là hai “điểm hẹn” thiêng liêng vậy. Thế là tôi đã có một đề tài để “khai bút” ngay trong đêm giao thừa năm ấy.
Giếng nước và cây đa trong làng ở miền quê đất Bắc là những hình ảnh quá quen thuộc, nó trở nên gần gũi và thân thiết với hết thảy mọi người, như của riêng mình, trải qua từ thế hệ này đến thế hệ khác, mà không ai cần biết nó có từ bao giờ. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, nó được hình thành từ lúc những người đầu tiên dừng bước trên mảnh đất mà sau này gọi là “làng” hay “thôn”. Vì nước là một nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống của con người cũng như của mọi tạo vật khác.
Vì vậy, giếng nước chẳng những là nơi cung cấp nước cho người dân trong làng, mà còn là nơi gặp gỡ để trò chuyện, để trao đổi tâm tình mỗi khi người ta ra đó để kín nước mang về nhà. Nó cũng còn là nơi dừng chân của khách bộ hành đi đường xa mỏi mệt, vì ở trước sân đình gần đó là cây đa cổ thụ, có bóng che mát cho khách. Khát nước, khách có thể xuống vốc nước bằng hai bàn tay chụm lại, hoặc lấy nón lá múc nước mà uống thỏa thuê, an lành.
Hình ảnh này cho ta thấy, giếng nước là một không gian đáp ứng hai nhu cầu của con người : vừa là nơi gặp gỡ thân tình, vừa là nơi cung cấp nước cho nhu cầu thể chất và cũng là nơi dừng chân của khách bộ hành qua đường. Ngoài những lợi ích nhân bản và tự nhiên, giếng nước còn nhắc nhở người ta “uống nước nhớ nguồn”. Nguồn ở đây vừa hiểu là nơi phát sinh mạch nước, tuôn chảy về giếng, vừa hướng về những bậc tiền nhân trong làng đã khơi dòng nước này cho các thế hệ hậu sinh, nhắc nhở họ đến cội nguồn sâu thẳm và thiêng liêng.
Thế nhưng, Giếng nước này và Cây đa quê hương tôi, giờ chỉ còn trong ký ức, trong hoài niệm. Nó là nơi thân thiết trong thuở thiếu thời của tôi, là nơi những đứa trẻ cùng trang lứa ngày ngày ra đó đánh khăng, đánh đinh đánh đáo, chơi quay (con vụ), đêm trăng thì ra chơi trò “bịt mắt bắt dê” hay trò “ú tim”. Hồi hộp và năng động lắm.
Giếng thì đã bị lấp đất lên, làm nhà ở. Vì nghe nói sau năm 1954 có một người đàn ông trong làng đã gieo mình xuống giếng tự tử chết, nên giếng nước này không dùng được nữa.
Còn cây đa cổ thụ, thời bình dân học vụ đã được hạ xuống, lấy gỗ đóng bàn ghế, ban ngày học trò nhỏ ngồi học, ban tối dành cho người lớn. Cây đa này ở trước sân đình.Theo lời các cụ cao niên trong làng, trước khi ngôi đình được phá đi, các tượng Phật được rước về làng Văn Hội, phía Bắc cùng xã với làng tôi. Còn cây đa, có người kể rằng, trên cây có một con rắn rất lớn xuất hiện từ bao giờ thì không ai biết. Các cụ trong làng không có cách nào đuổi nó đi, cũng không ai dám nghĩ đến việc đánh chết nó. Người làng Đồng Cả, phía Nam làng tôi, khác xã, nghe biết chuyện này, đã lên xin các cụ, cho họ được rước con rắn về làng mình. Để rước nó, người ta đem lư hương, có các cụ bận lễ phục cổ truyền, có trống, chiêng đi trước, con rắn từ trên cây đa mới từ từ bò xuống và đi theo đoàn rước về Đồng Cả. Lại cũng có người kể rằng, người làng Đồng Cả mang một cây phướn lớn, giang rộng ra phía dưới cành cây con rắn nằm, rồi dùng một cây sào dài khều vào bụng nó, con rắn ngã xuống đúng vào cây phướn, người ta bọc nó lại, khiêng về làng.
Chuyện con rắn trên cây đa làng tôi không biết xảy ra từ bao giờ, cả ngôi đình cũng thế, phá đi từ khi nào. Điều dễ tin nhất, có lẽ hai việc này xảy ra kể từ khi làng tôi đón nhận Tin mừng của Chúa Giêsu. Nhưng đón nhận từ khi nào thì hiện chưa biết được chính xác. Tuy nhiên họ hàng tôi có một linh mục, xưa kia dân gian thường gọi là Cụ Điều. Theo Nguyễn Khắc Xuyên, tác giả cuốn Lịch sử địa phận Hà Nội, 1626-1954, Paris 1994, trang 191 nói về tình hình địa phận Hà Nội năm 1860, có đăng một bức thư viết tay bằng chữ quốc ngữ, đề ngày mồng 6 tháng 7 năm 1860, kể lại những việc xảy ra lúc đó, của Juse phó Đông vít vồ Acanthe kí, 2 Februariô 1860:
“Kì 12 – Cũng một khi ấy (ngày 23 tháng December), Đô Tú bắt được cụ Điều và cụ Trình ở Hà Thao ngoại.”.
Hiện nay, tại nhà truyền thống và trong cuốn Kỷ yếu của giáo xứ Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội, kỷ niệm 100 năm xây dựng nhà thờ, 1903-2003, trang 100, có cho biết là cha già Điều, quê ở Kẻ Lường (là quê tôi, tên gọi trong đạo), làm chính xứ Hà Hồi (tên cũ là Kẻ Vồi) từ 1820-1835.
Mấy sự kiện về cha già Điều trên đây, chúng tôi chỉ nhằm nói đến việc làng tôi đón nhận Tin mừng Chúa Giêsu từ rất sớm, khoảng gần 200 năm. Bởi vì, cha già Điều đã về Hà Hồi làm chính xứ từ năm 1820. Như thế cũng nói lên một vấn đề, đó là việc làng tôi ít ra cũng đã theo đạo Công giáo từ đầu thế kỷ 19, nên mới có người theo đạo và người đi tu. Người đi tu cũng phải có một thời gian dài để học tập rồi mới chịu chức linh mục được. Vì thế, câu chuyện về việc làng tôi theo đạo Chúa, việc phá đình và con rắn trên cây đa cổ thụ, có liên hệ với nhau và cùng lúc với nhau không, thì ngày nay không ai biết được. Cho nên mới có hai chuyện kể khác nhau về việc làng Đồng Cả mang được con rắn về làng của họ.Hai mẩu chuyện này, đều tập trung vào tín ngưỡng trong dân gian, cho rằng cây đa hay cây đề là nơi trú ngụ của một vị thần. Ngôi đình cũng thế, đấy không chỉ là gạch, ngói hay các cây cột vô tri giác. Song một khi đã có khói hương quyện lên mỗi khi có tế lễ, thì không còn là thuần vật chất nữa. Bên cạnh đình hay chùa, thường có cây đa, cây đề là vậy.
Hiện nay trong nhà tôi có một cây đa mang về từ quê hương tôi, do con gái tôi một lần ra Hà Nội, rồi về quê, đi thăm mấy người thân trong họ hàng. Khi đến nhà một người là con gái của bác ruột nó, nhìn thấy trên sân có một cây đa còn non, trồng trong chậu. Nó ngỏ lời xin mang về Sài-Gòn vì biết chắc chắn tôi thích. Lúc đó tôi đang làm Cây gia phả của 5 chi tộc trong họ hàng, nên hình ảnh một cây đa ở quê hương luôn nhắc nhở tôi về quá khứ, cái thời niên thiếu của tôi, có biết bao nhiêu là tình thương của mọi người.
Lúc trở về, vừa bước chân vào trong nhà, nét vui mừng lộ rõ trên mặt con gái tôi. Nó nói ngay, con có một món quà đặc biệt từ quê hương tặng ba, chắc ba thích lắm. Vừa nói nó vừa mở cái bọc ny lông, bên trong là một cây đa nhỏ. Nó nói rằng, cây đa này được trồng ở một cái chậu nung đỏ, có nhiều rễ và đất. Nhưng lên tới sân bay, an ninh bắt rũ bỏ hết đất mới cho mang lên máy bay. Sau đó, nó mua một cái chậu đất nung đỏ, có đường kính 50cm, đặt cây đa vào giữa rồi đổ đất và chất dưỡng cây. Những ngày sau đó, chúng tôi thay nhau chăm sóc tưới nước cho cây. Sáng nào, sau khi thức dậy, tôi cũng ra đứng ngắm nó thật lâu, mong nhận ra những dấu hiệu của sự sống và sự phát triển của cây đa này. Sau một tuần lễ, đổi đất, khí hậu và nước, cây đa vẫn không có dấu hiệu xấu nào, để chỉ nó không hợp đất, nước và khí hậu nóng của miền Nam. Tôi hiểu ra điều này, chính là một dấu hiệu tốt, nó ẩn dấu từ trong cốt lõi, từ trong mỗi lớp thân cây và từng cái lá, từng cái rễ có sắc đỏ ở đầu. Rồi mấy tháng sau, cây đa phát triển sự sống thấy rõ, đặc biệt là chiều cao, thân cây cao 50cm với hai nhánh lớn chĩa ra, hướng lên cao. Ở chỗ chạc hai, mọc lên những cành nhỏ và rễ. Hai nhánh lớn phát triển thêm cành nhỏ và rễ cũng buông xuống. Những cành và lá non như xé thân cây ra, như thể chúng muốn nhìn ngắm bầu trời miền Nam, nhìn ngắm chủ nhân người cùng quê hương với chúng. Đến lúc này, sau hơn một năm, mỗi khi nhìn cánh lá vàng rơi trên nền gạch ngoài sân, tôi có cảm giác thời gian không ngừng biến đổi. Tôi cũng thế, phải biến đổi đi, không có gì hết mà thực ra, khi tôi bước vào một trạng thái tĩnh lặng và hư vô, thì chính lúc đó, tôi lại có tất cả trong ân sủng Thiên Chúa.
Khải Triều
(Ngày 19-10-2014)