có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 8 24, 2014

Những tấm hình của chị Thời



Tiếng chuông vang lên, âm thanh mang hình ảnh một đường chỉ thẳng vút truyền đi, thật sâu và thật xa vào một phía bên trong thăm thẳm, ở đó là một sự im lặng nằm giữa một lắng đọng đầy. Tiếng chuông vang lên, chìm dần rồi mất hẳn. Chuông ở quá cao trên thành cửa. Nhị phải kiễng chân, đứng riêng trên ngón, căng rướn cái Thân thể chuột nhắt của Nhị lên, mới chạm được tới cái nút bấm bằng một đầu ngón tay. Cánh cửa vẫn đóng kín. Bên trong lặng tờ, không một tiếng động. Sự im lặng kéo dài. Và ở Nhịn, là khởi sự một trạng thái bối bối lúng túng. Không biết làm gì hơn là đợi chờ, Nhị đặt cái va ly xuống bực thềm căn nhà đóng kín, quay lại, nhìn con phố xa lạ mới đến, mới nhìn thấy lần thứ nhất trong đời. 

Buổi chiều. Trời tháng Chín thấp và xám. Những ngày nghỉ hè đã chấm dứt. Những chùm phượng vĩ chói chang đã nở, đã kết thành một cái mái thiên nhiên rực rỡ cho những ngày làm một cánh bướm đồng, rong chơi thỏa thích trong thế giới tuổi vàng, và một chuyến xe đò đã chở Nhị xa dần những bóng tre những con đường ấu thơ, đặc sương mù, Nhịn bỏ lại một chân trời, xếp vào đáy cặp những kỷ niệm hồng, rồi một chiếc xe kéo ọc ạch, long gãy đã chở Nhị tới giữa lòng con phố này, thả Nhị xuống trước căn nhà xa lạ thù nghịch. Con phố thật cũ kỹ thật khuất tịch, đầy đặc những ổ gà, những khoảng trũng. Trước mắt Nhị, một dãy nhà chạy dài một tầng. Đó là những căn nhà bà già, kề vai lên những ngôi nhà ông lão. Những bờ tường ọp ẹp, xiêu đổ, nghiêng nghiêng, nâng đội nặng nhọc lặc lè trên đầu trên cổ chúng những hàng mái cong trũng. Trĩu nặng trên những hàng mái sầu thảm cúi đầu ấy là những viên ngói rêu xanh phủ kín, viên nào viên đó như sẵn sàng rớt xuống, tan vỡ thành muôn nghìn mảnh nhỏ xuống mặt đường. Buổi chiều nhá nhem phủ kín lên cái cảnh tượng hắt hiu một lớp khói chập chờn loãng nhạt. Mùa thu bén tới rồi. Nhị rùng mình. Trong không khí, là những luồng hơi lạnh tràn chiếm dần cùng bóng tối. 

“Ai đó?” 

Tiếng hỏi bất chợt nổi lên ở phía sau lưng làm Nhị giật bắn người quay lại. Bằng một phản ứng thảng thốt, mất tự nhiên, Nhị cầm vội lấy chiếc va ly. Đứa nhỏ quê mùa, mới ra tỉnh lần đầu mím miệng, nín thở. Trái tim nhỏ bé đập mạnh như muốn vỡ tan lồng ngực. 

Người vừa mở cửa nhìn ra, vừa lên tiếng hỏi là một người đàn bà. 

Tròng mắt thỏ non của Nhị là thứ tròng mắt chưa biết phân định những tuổi người. Một trái na mới mở mắt trong vườn sau một trận mưa đêm, với một trái na ủ nóng đã chín mềm trong một áo lá khoai, một con chim già mỏ đã nhọn hoắt, một đài hoa mới hàm tiếu mởn mởn và một đài hoa đã rực rỡ mãn khai, Nhị phân biệt được. Phát triển được cái già của một ngọn cỏ. Cái non của một búp lá. Nhưng người, Nhị chịu. Chỉ biết cái khuôn mặt vừa hiện hình sau khung cửa mở hé là một khuôn mặt đàn bà. Thực ra đó chỉ là một thiếu nữ. Cô tên là Châm. Cô lớn hơn Nhị nhiều. Nhưng họ hàng có những thứ bậc trên dưới kỳ cục ngộ nghĩnh. Châm phải gọi Nhị bằng chú. Xưng cháu. Nhị đâu biết thế. Mặt đỏ gay, lưới líu ríu, Nhị lắp bắp: 

“Thưa bà…” 

Chừng như người con gái đưa tay lên che miệng cười. Nhị đã lúng túng, càng lúng túng thêm. Cuối cùng Nhị cũng nói được: 

“Đây có phải là bà phán Tuyên không ạ!” 

Người con gái nhìn Nhị đăm đăm. Chợt nàng hỏi: 

“Chú phải là chú Nhị không?” 

Nhị sững người. Dân thành phố thần thánh thật. Biết ngay Nhị là Nhị, mặc dù chưa hề gặp. Nhị tròn mắt, gật. Người con gái cười thành tiếng, bước ra, xách lấy va ly, rất thân mật và tự nhiên kéo thốc Nhị vào trong nhà, để Nhị đứng đó. Rồi vừa chạy vào trong nhà trong vừa la lớn: 

“Mẹ ơi! Chú Nhị đã lên. Chú Nhị đã tới”. 

Phía bên trong ngôi nhà tối thẳm đã lãng đãng bóng tối và sương mù của buổi chiều tỉnh lẻ, một tiếng dép lẹp kẹp bước xuống từ một cầu thang khuất. Nhị đứng chờ mất chừng vài phút nữa. Rồi bà phán Tuyên từ nhà trong lững thững đi ra. Bà phán Tuyên thì Nhị đã thấy mặt. Còn nhớ. Bà đã xuống chơi dưới ấp với cha mẹ nhiều lần, mỗi lần xuống ấp, bà đem theo biếu cha mẹ những thứ đồ ăn chỉ có trên thành phố. Như chuối ngự, cốm Vòng, bánh trái. Nhiều lần vào mùa hè, bà còn khệ nệ đem theo cả mấy ký nước đá lạnh buốt ủ trong mạt cưa cho khỏi tan. Bà ở chơi dưới ấp một vài ngày, khi về, mẹ làm quà cho bà những thứ thịt cá, rau cỏ tươi tốt mà bà nói với mẹ là không thể có được ngon lành và tươi, mới như thế ở những chợ búa phường phố. 

Chính một phần vì bà phán Tuyên mà cha mẹ cho Nhị lên tỉnh trọ học sớm hơn một năm. Cha mẹ định thế nào cũng cho Nhị giã từ những chân tre cũ, những nhánh lúa vàng, những con đường đất cỏ non xanh ngắt hai bờ mùa xuân, để ra tỉnh học. Nhưng là năm sau kia. Sợ Nhị còn nhỏ quá. Năm đó Nhị mới mười một tuổi mà. Đi đâu xa còn nắm chặt lấy tà áo mẹ. Nhưng bà phán đã thuyết phục được cha mẹ cho Nhị lên đường sớm hơn đúng một năm học. Nhà con cũng là nhà ông bà. Con sẽ xin chăm sóc chú Nhị cẩn thận. Thằng Chuẩn thằng Tài nhà con cũng bằng trạc tuổi chú ấy. Mấy chú cháu chơi với nhau, đi học cùng một trường, tiện lắm. Trẻ con bây giờ cũng phải cho xa nhà dần đi thì vừa. Cho nó bạo dạn mới được. Đại khái bà phán đã nói như thế. Cuối cùng cha mẹ Nhị đã nghe theo. Và buổi chiều tháng Chín năm đó, với Nhị, đã khởi sự những tháng ngày trọ học. 


*

So với lần gặp trước ở dưới ấp, lần gặp tuy đã nhạt nhòa, nhưng hình ảnh người chị họ còn phảng phất trong trí nhớ, bà phán Tuyên đã thay đổi nhiều. Một thay đổi héo hắt. Làm bằng lo âu, bệnh tật và phiền muộn. Bà không cười nữa. Trán đầy những nếp nhăn. Mái tóc, Nhị nhớ chải chuốt và đen nhánh trong vành khăn nhung đã điểm những sợi bạc. Mới tháng Chín, heo may đầu mùa chỉ mới thả vào không khí một thoáng lạnh dịu dàng mà bà phán đã mặc một chiếc áo len dầy, hàng khuy cài hết tới cổ. Cặp mắt bà mỏi mệt. Cái nhìn đầy đau buồn. Bà còn thúng thắng ho. Cái nhìn đầy đau buồn. Bà xoa đầu Nhị: “Chú đã lên đó à! Tốt lắm. Ở đây ăn học với các cháu”. Bà chỉ tay giới thiệu: “Đây là Châm. Nó là cháu của chú đấy”. Bà cho Nhị biết là cha mẹ dưới ấp đã đánh điện tín lên báo tin Nhị tới từ chiều hôm trước. Bà bảo Nhị đi rửa mặt, thay áo, chờ ông phán đi làm ở sở về rồi ăn cơm. Đoạn, bỏ Nhị đứng lại dưới nhà, bà ôm ngực, ho mấy tiếng rũ rượi, mệt nhọc quay gót đi lên cầu thang. 

Không bao giờ Nhị quên được buổi chiều đầu tiên ra tỉnh và xa nhà ấy. Cái thân thể chuột nhắt, cái tâm hồn trong vắt như một dòng suối, mỏng manh như một đài hoa, cái tuổi mười một ở đồng ở nội như nằm trên cái nôi êm ái nhất của một ấu thời bằng ngọc, chiều phường phố thứ nhất ấy, thảy đã bỡ ngỡ, đã ngẩn ngơ với một trạng thái rời dứt bàng hoàng rộng lớn. Người lớn đã nhấc bổng Nhị từ một thế giới, ném Nhị lạc lõng sững sờ vào một thế giới khác, hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn chưa quen. Ngôi nhà dưới ấp thênh thang gió thổi tràn đầy Nhị không nhìn thấy nữa. Đã xa, những bờ mái buổi sáng, mặt trời óng ánh trên từng phiến ngói. Chim sẻ nâu từng đàn bay lượn nhảy múa dưới nắng, hoa hoàng lan dịu dàng tinh khiết tỏa hương trên những đầu cành, lá tre nghìn ngón tay phất phất trên con đường nhỏ tới trường, và dòng sông nhỏ hiền như một dải lụa, là tấm gương trong vắt và an lành nhất phản chiếu những ảnh hình đôn hậu của vòm trời ấu thơ. Đã mất cái âm thanh quen thuộc bạn hữu của gà vịt những ban mai thôn dã lìa chuồng, Nhị chạy vòng giữa chúng, ném thóc ăn thành một trận mưa hoa. Đã khuất bờ đê ấy là hướng mặt trời lên, cây cầu ấy là hướng lặn mặt trời, cái ngõ ruối đầy đặc bóng mát sau ngôi chùa mái cổ cong vút là nơi Nhị thường tìm đến những buổi trưa hè. Không còn nữa, cái ánh trăng rằm trên sân gạch thênh thang, cái ánh trăng đuổi theo bóng Nhị chạy, tới giấc ngủ còn đậu xuống hiền hòa trên mái tóc. Suốt dọc đường, Nhị đã nhớ. Chiếc xe đò càng đưa Nhị xa nhà bao nhiêu muôn nghìn nỗi nhớ, bấy nhiêu, càng lớn. Thằng Ấu, thằng Thóc, thằng Phiên, con Phượng đang làm gì? Nhị nhớ chúng. Nhị xa lũ bạn để chỏm và Nhị nhớ bạn, ghê gớm, trên từng số đường. Nhà thằng Ấu có một cây khế. Thật ngọt. Cả làng chả có nhà ai có được một cây khế ngọt như thế. Cắn một miếng, nước khế ứa ra, đầy lưỡi, đầy miệng, vị khế ngọt như đường phèn. Thằng Ấu là bạn thân nhất của Nhị. Từ đồng ấu tới dự bị. Từ dự bị tới sơ đẳng. Đi đâu cũng là Nhị, Ấu khoác tay, kề vai, cặp chân thỏ non song song với cặp chân chim sẻ. Cây khế nhà Ấu, mùa nào Nhị cũng được ăn ít nhất là hàng chục trái. Hôm được tin Nhị ra tỉnh học, Ấu thủ hai trái khế chín vàng trong vạt áo, luồn qua ba thửa vườn, chạy hết một lối xóm, đem tặng cho Nhị. Ấu đen nhẻm. Ngỗ nghịch. Mắt trắng dã như mắt rắn ráo. Người làng đồn cha Ấu ngày xưa đi ăn cướp bị ông quan huyện đeo bài ngà đem lính từ trên huyện về bắt được. Cha Ấu phá rào, băng qua ao trốn. Nhưng lính bắn theo trúng chân, ngã quỵ. Rồi bị cùm tay, giải đi. Và chết trong nhà ngục. Cha nào con ấy. Ấu rắn đầu, trán gồ thành bướu, nổi tiếng gan lì nhất lớp. Thầy Chử dữ đòn là thế, một buổi gọi Ấu là con thằng tướng cướp, bắt Ấu nằm sấp, đánh đủ mười roi mây tóe máu. Ấu quằn người như con giun mà chịu đòn anh hùng, không bật một tiếng kêu một tiếng khóc nào. Nhị chứng kiến trận đòn, mỗi lần nhớ lại còn xám xanh mặt mũi. Cha tướng cướp chẳng thấy đâu, chỉ thấy con chí hiếu. Ấu thương mẹ lạ thường là thương. Mẹ Ấu ở một túp lều nhỏ, bán hàng ở cái quán nước lộ thiên gần cây đa đầu làng. Sáng sáng, Ấu đội hàng ra quán cho mẹ rồi mới đến trường. Mỗi lần làm gì không nên không phải, mẹ mắng, Ấu khoanh tay trước ngực, cúi đầu, đứng im phăng phắc. Ấu khỏe như trâu lăn, đánh lộn một cây, mình mẩy thâm tím, thân thể đau nhừ cũng chỉ nghiến răng, chứ không bao giờ khóc. Vậy mà hôm tiễn Nhị và tặng bạn hai trái khế cuối cùng chấm dứt cho một tuổi hồng đoàn viên, Ấu đã chảy nước mắt. 

Riêng với Ấu, Nhị đã có không biết bao nhiêu là kỷ niệm. Ngăn ký ức nào đựng cho đủ. Cặp học trò nào chất cho vừa. Còn thằng Thóc nữa. Cho nó thân thứ nhì đi. Thân sau Ấu thân thiết nhất. Thóc học giỏi quá thể. Óc nó chứa đựng đầy chữ. Chữ vào trong đầu Thóc, chữ ở lại, hóa thành những bài học thuộc lòng đọc băng băng một hơi, thành những bài toán làm không bao giờ sai một con số nhỏ, thành những lần lên bảng, cái giọng Thóc sang sảng, thước kẻ trên tay, giờ địa dư vừa nói vừa chỉ bản đồ, không sai tên một dòng sông, không lầm tên một triền núi. Bợm và thánh thật chứ. Không bợm sao Thóc đứng dầu lớp ba năm tiểu học liền. Không thánh sao thầy cũng phải chịu. Thầy bắt mọi người bắt chước Thóc, cũng phải học giỏi như Thóc. Nhị muốn mà không được. Theo kịp Thóc là cái chuyện đứt hơi. Học như Thóc, một hơi thôi, đã hoa mắt chóng mặt. Trước ngày Nhị lên đường, Thóc rủ Nhị ra chợ. Đãi Nhị một bữa bún riêu no căng bụng. Thóc bảo: “Mày muốn lấy gì tao cho”. Thóc có nhiều cái Nhị thích lắm. Thóc có con chim vành khuyên nhốt trong một cái lồng sơn son, cái hộp bút chì đủ mười hai màu, một cuốn sách đóng gáy da đầy những con bướm ép đủ kiểu đủ cỡ, một cuốn truyện thần tiên là phần thưởng nhất lớp của Thóc, Nhị nhớ đâu như chỉ mượn xem qua được có một lần. 

Lại còn thằng Phiệt nữa. Nó chẳng thân lắm nhưng nhiều buổi sáng Chủ nhật, chính Nhị đã phải làm thân với Phiệt. Chả là Nhị mê đi câu cá mà nhà Phiệt lại có một cái ao nhiều cá nhất làng. Cái ao cá nhà Phiệt là nỗi mê đắm tận cùng và lớn nhất của Nhị đó. Nghĩ đến đã đành, đêm còn mơ thấy mặt ao với những bầy cá đầy đặc quẫy nhảy hoa mắt cùng khắp cõi mộng. Cái ao ở phía sau nhà ba phía là bụi tre um tùm vây bọc. Chỉ có một phía vào được thì ông Xã, cha Phiệt, đã ngồi đó, ở một đầu thềm, suốt ngày suốt buổi. 

Một lần, Nhị đánh bạo vác cần câu đi vào, nhưng không thoát. Ông Xã thủng thẳng hỏi: “Cậu Nhị đi đâu đấy”. Nhị đáp: “Cháu vào tìm Phiệt”. Trẻ con không đánh lừa nổi người già. Ông lão quái ác, vẫn cái giọng thủng thẳng tiếng một: “Tìm ai thì tìm, tha hồ, nhưng không có được tìm bắt cá của tôi đâu đấy nhá”. Ông lão giữ cá thật còn cẩn mật hơn ông thần tóc đỏ giữ của, Nhị đã xem trong một truyện thần tiên. Lần đó, Nhị cụt hứng đành vác cần câu lủi thủi đi trở ra. Kẻ mách Nhị câu trộm được những con cái nghìn vàng của ông Xã lại chính là Phiệt. Thấy Nhị mê quá, Phiệt mách nước cho Nhị đánh lừa bố. Mày làm một cái cần câu ngắn thôi, giấu vào trong vạt áo. Bố tao có hỏi, khai là vào vườn sau tìm cỏ gà. Tới ao, hãy giở cần câu ra. Ngồi câu ở gốc cây sung ấy. Chỗ ấy um tùm, kín khuất, thầy tao không thấy được. Câu được cá cứ để ở gốc sung, tao lấy tao mang ra cổng cho. Suốt một vụ hè, Nhị đã làm theo kế hoạch của Phiệt. Và quả nhiên tuần nào cũng câu trộm được hàng chục con cá chép của ông Xã. Bây giờ thì hết rồi. Hết những con tép, con giun làm mồi. Hết những con bống trứng vàng phình bụng, những con rô đen nhẫy, những con rói mắt đỏ, những con trê trơn nhẫy, những con chép nặng trĩu làm cong vút cái cần câu nhỏ, hết chỗ ẩn náu um tùm kín khuất sau gốc sung vươn mình ra mặt nước ao kia. 

Giã từ. Từ giã. Lên đường. Bỏ lại. Con Phượng, mắt tròn như hòn bi, đen láy, cười đấy, rồi khóc đấy, hay đòi Nhị cho đi theo những cuộc phiêu lưu sảng khoái mê ngất qua những bờ bụi, nó cùng luồn những hàng rào, cũng lách qua những chân tre, cũng nhảy qua những lòng rạch, vừa đi theo Nhị vừa sợ, nhưng sợ mà đòi đi, lần nào Nhị không chịu, cô bạn Nhị giậm chân bành bạch, dọa khóc, dọa hét, Nhị muốn kêu trời nhưng rồi lại nắm lấy cái cổ tay bụ bẫm có ngấn của Phượng, dắt bạn chạy lao và giữa cái xanh lam đầy đặc bóng mát thênh thang vui thú tràn đầy của cái thiên đường bao giờ cùng dành cho Nhị những khám phá kỳ thú. Con Phượng phút này làm gì? Tao xa rồi, Phượng! Ai đưa mày đi bắt những con bướm buổi trưa say nắng, những ngọn cỏ gà, những con chuồn kim, và đêm tối, những con đom đóm lập lòe, và ngày mưa, ai nữa, cùng người bạn nhỏ, vui thú thả theo con lạch tràn bờ những con thuyền giấy? Giã từ. Từ giã. Bỏ lại. Chia tay. Xa bạn. Lên đường. Những hình ảnh số đường. Và bây giờ là một đường phố xa lạ, chẳng có bướm vàng chẳng có bạn cũ. Những chùm hoa phượng đỏ chói của tuổi nhỏ bông hoa đã nở. Đã rụng. Một năm học mới bắt đầu. Một năm học phường phố đầy vẻ xa lạ thù nghịch. Thù nghịch ngay từ căn phố Nhị vừa đặt chân tới. Thù nghịch ngay từ ngôi nhà ở đó những ngày trọ học của Nhị đã bắt đầu với Nhị bằng cái cảm giác rùng rợn của một kiếp lưu đày. 


*

Đó là một ngôi nhà kiểu cổ. Như tất cả những ngôi nhà cùng một kiểu, nằm thiểu não thành một hàng dài xiêu đổ, tối tăm trong lòng con phố khuất tịch. Mãi về sau, mẹ kể chuyện, Nhị mới biết là tới kỳ Nhị đến trọ học, người chị họ – bà phán Tuyên – gặp phải một bất hạnh lớn. Gia đình bà phán trước đó sống sung túc, phong lưu. Căn nhà sáng chiều vang động tiếng cười tiếng nói. Ông phán đi làm. Ba phán buôn bán thêm. Công việc làm ăn phát đạt, thì đột nhiên bà phán bị một người bạn lừa đảo. Người bạn gái phản phúc lá mặt lá trái đã dụ dỗ ngon ngọt thế nào không biết, chỉ biết bà phán đã đưa hết tiền bạc dấn vốn cho ả, và một buổi, ả đã bỏ đi mất tích. Thế là một phút trắng tay. Để trừng phạt vợ về cái tội nhẹ dạ tin người, ông phán bắt bà phán ở nhà. Một cuộc sống khắc khổ bắt đầu từ đó. Tiền lương trích ra một nửa để trả nợ, một nửa giao cho chị Châm, người con gái lớn. Khoản tiền quá ít, tằn tiện thế nào cũng không đủ chi tiêu. Căn nhà từ bất hạnh đột ngột, đắm chìm trong một bầu không khí u uất. Bà phán đau buồn, sinh bệnh, nằm suốt ngày trên gác tối. Những tiếng cười mất biến trên những khuôn mặt trầm tư, khép kín. Chỉ còn những cặp mắt ngó xuống, và những giọt lệ thầm và những tiếng thở dài. 

Ngay từ buổi chiều mới đến, cái không khí lạnh buốt, thiêm thiếp của ngôi nhà không hạnh phúc đã là một dội đập bàng hoàng vào trí óc non nớt của Nhị. Tối xuống. Bật đèn lên. Ánh đèn cũng vàng vọt, cũng buồn rầu. Ông phán từ sở về. Mệt nhọc, cau có. Ông hỏi thăm Nhị một vài câu qua loa. Mấy thằng nhỏ con ông từ bên kia bàn ăn ném cho Nhị những cái nhìn gờm gờm thiếu thiện cảm. Chị Châm xem chừng có cảm tình với Nhị hơn. Nhưng người con gái lớn của cái ngoài sa sút không thể là một thiếu nữ tươi tắn, mà đã sớm những lo buồn không tên, những ưu tư nhiều mặt. Bữa cơm thứ nhất đánh dấu cho chuỗi ngày tháng trọ học, Nhị nhớ chẳng vui gì. Mọi người cắm đầu ăn. Rồi đèn tắt đi. Tất cả cùng lên lầu. 

Nhị ra ngồi một mình ở ngoài thêm cửa. Tầng dưới của căn nhà tối om sau lưng. Trước mắt Nhị, con phố nhỏ nằm dài dưới những ánh điện đường nhợt nhạt. Một vài bóng người di động, lặng lẽ, dưới những mái hiên thấp. Thỉnh thoảng, ánh đèn lắc lư của một xe hàng rong chậm chạp lăn qua. Tiếng rao hàng cất lên, khàn khàn, mỏi mệt. Những âm thành rời rạc ấy mất hút vào im lặng với ánh lửa lay tạt nhỏ dần về một cuối phố. Đêm tháng Chín lạnh. Tiếng hanh nỏ của một phiến lá rụng trên một lòng mái cong trũng. Lòng phố ướt át dần. Sương chập chờn, xanh biếc. Nhị chống tay dưới cằm, nhìn con phố xa lạ, lại nhớ đến những đêm trăng sáng ở làng. Nhà Nhị ở sát gần một bờ sông. Đêm trăng, mọi người từ trong làng ra tắm giặt thật khuya trên những bến đá. Những bầy trẻ nhỏ cùng tuổi Nhị bơi lội, vùng vẫy trên mặt nước óng ánh những gợn vàng. Giã từ ánh trăng cũ. Trăng ấu thơ ơi, từ biệt từ đây. Nhị chìm đắm trong một dòng hồi tưởng miên man như thế, cho đến khi Nhị nhìn thấy ở một căn nhà đối diện, một cánh cửa mở ra, một ánh đèn bật sáng và một bóng người vượt đường đi sang. 

Cái bóng nhằm đúng chỗ Nhị ngồi đi thẳng tới. Nhị hoang mang chưa biết nên ngồi im đó hay đứng lên, cái bóng đã sát tới gần, và đứng lại trước mặt. Một tiếng nói dịu dàng, dịu dàng và êm ái lạ thường: 

“Tài đấy hả?” 

Nhị ngơ ngác: 

“Tài nào ạ?” 

Cái bóng cúi xuống nhìn soi vào mặt Nhị. Và Nhị nhìn thấy khuôn mặt người đàn bà của ngôi nhà đối diện. Cùng một tầm thước với chị Châm nhưng người đàn bà mảnh khảnh hơn. Trên khuôn mặt trái xoan của nàng, một đôi mắt sâu thẳm đen láy. Khuôn mặt đó, mà sau này, lúc nào Nhị cũng như cảm thấy phảng phất một nỗi buồn ẩn giấu, đẹp lạ thường. Cũng đẹp dịu dàng, và hiền hậu như cái tiếng nói ngọt ngào Nhị vừa nghe thấy. Một tiếng cười khúc khích: 

“Chết! Lầm rồi. Chị lại tưởng cậu Tài, em chị Châm. Chị Châm đâu?” 

“Ở trong nhà ạ!” 

“Em là ai?” 

Không chờ Nhị trả lời, người đàn bà đặt bàn tay nàng lên mái tóc Nhị, một bàn tay mềm mại và ấm áp: 

“Em là cậu học trò ở dưới ấp mới lên trọ học đấy hả?” 

“Dạ!” 

“Buổi sáng chị Châm có sang nhà nói chuyện. Ngồi ở đây làm gì một mình thế?” 

“Em xem phố”. 

Lại tiếng cười thân mật, khúc khích: 

“Xem phố? Cái con phố này xấu và cổ nhất. Có gì đáng xem đâu. Sương xuống rồi đấy. Đừng ngồi ở thềm cửa này nữa. Lạnh lắm. Sáng mai tha hồ xem. Nhà chị ở bên kia đường. Chỗ khung cửa có đèn sáng ấy, em nhìn thấy không?” 

Nhị gật đầu. Người đàn bà xoa đầu Nhị, đứng thẳng người lên: 

“Mà tên em là gì?” 

“Nhị, Nhị ạ!” 

“Nhị? Được lắm. Ở đây đi học rồi lúc nào buồn, Chủ nhật ngày nghỉ chẳng hạn, sang chơi với chị nhé. Chị mời em ăn bánh. Thích ăn bánh, cứ sang, tha hồ ăn. Thôi đứng lên. Vào tìm chị Châm bảo hộ chị là chị Thời cần gặp”. 


*

Bao nhiêu năm về sau, mỗi lần hoa phượng nở, mỗi năm tháng Chín về cho tựu trường tới, cậu học trò nhà quê đã quen lắm với những ánh điện đường thành phố, lại đến với những cửa trường khác, lại có những người bạn mới, lại xa thêm mãi ngôi nhà trọ và lòng phố cũ, những vòm trời tỉnh lẻ lấy dẫu đã nhạt nhòa trong trí nhớ vẫn đằm thắm một hình ảnh một khuôn mặt. Đó là cái hình ảnh dịu dàng, cái khuôn mặt đôn hậu của chị Thời. Giọng nói ngọt ngào của chị. Ánh mắt nhân từ, bàn tay ấm áp của chị. Giữa chú nhỏ và người con gái lớn tuổi, một sợi dây bằng hữu đã được nối kết, sợi dây ấy đã không đứt rời mà còn buộc, thật chặt, những kỷ niệm của Nhị về chị Thời thành một khối tình cảm trân trọng, cái khối tình cảm đó nguyên vẹn trong hồi tưởng Nhị, là cái phần gìn giữ cảm động và trau chuốt nhất của những ngày trọ học đầu tiên. 

Nhị đang nhớ lại chị Thời đây. Nhớ lại cái thế giới thu nhỏ của chị, lặng lẽ như một dòng sông trong đồng chảy âm thầm giữa những đời cỏ hèn mọn. Đến cái dáng đi của chị, bóng hình, không tiếng động, trong ngôi nhà cũ, ở đó, cho một cuộc đời thiếu nữ, những xuân hồng đã biệt tích, đã đi qua. Đến cái khoảng sân sau, cái khoảng sân rêu phong lủi thủi giữa bốn vì tường cao vút, ở đó như chuỗi ngày tháng mưa phùn của chị Thời, không một tia nắng chiếu tới và lọt xuống, cho dù là vào những buổi sáng mùa hạ rất đẹp trời. Đến khuôn mặt chị, hiền hậu, buồn rầu, che giấu một tâm sự riêng tây không tỏ lộ. Đến ánh mắt chị u uẩn. Và những tiếng thở dài nhẹ như một hơi gió thoảng, đôi khi Nhị bắt gặp, nhưng bây giờ Nhị còn nhỏ quá, chưa hiểu được nguyên nhân. 


*

Những ngày trọ học đầu tiên lạc lõng và bỡ ngỡ trôi qua. Con phố khuất tịch của tỉnh lẻ không bao giờ có được cái sáng hồng, cái nhảy nhót, cái tươi vui phơi phới của một con đường đồng dưới ấp. Nhưng Nhị cũng quen dần với nó. Không thể làm khác. Có điều là cái gia đình tắm đẫm trong bầu không khí phiền muộn của người chị họ sa sút thì Nhị không tài nào tìm được một hòa nhập tốt đẹp. Bà phán vẫn nằm trên căn gác tối thẳm. Với chiếc áo len khuy cài tới cổ, tròng mắt trũng và những tiếng ho thúng thắng mỗi khi trời trở lạnh. Ông phán, chiều chiều từ sở về, vẫn cái điệu mệt mỏi, cau có. Nhà không nuôi người ở, chị Châm đầu tắt mặt tối suốt ngày dưới bếp. Và thằng Chuẩn, thằng Tài thì không phải là thằng Ấu, thằng Thóc. Chúng không chịu kết bạn với Nhị. Nhiều lần, chị Châm mắng: “Sao chúng mày không chịu chơi với chú Nhị?”. Hai thẳng oắt đưa mắt nhìn nhau, tiếp tục những cuộc chơi riêng. Chúng chê Nhị ngố nghế. Cười Nhị nhà quê. Chế giễu Nhị đủ điều. Chú mà phải làm thân với cháu mới ngặt chứ. Vậy mà mọi đề nghị giao hảo và sống chung hòa bình nào của nhị cũng bị hai cái đối phương chuột nhắt đồng tuổi từ chối. Một từ chối quyết liệt, tàn nhẫn. Một lần bà phán cho tiền ba chú cháu dắt nhau đi coi chiếu bóng. Phim Ba chàng ngự lâm pháo thủ. Phim có đánh kiếm như chớp, phi ngựa như bay, Nhị mê quá thể là mê. Thế mà vừa chạy vào nhà trong lấy cái mũ trắng chạy ra, hai tên pháo thủ khốn nạn đã lẻn đi mất hút, và pháo thủ Nhị đành ở nhà. Chiều về, hai thằng cháu cô hồn kể chuyện đấu kiếm bô bô, Nhị tức đến muốn phát khóc. Nhưng chúng khỏe hơn, lại bênh nhau chầm chập, Nhị không làm gì chúng được. Cái quyển sách đầy những con bướm ép, tặng vật của Thóc ngày đôi bạn chia tay và Nhị lên đường, chúng cũng ăn cắp mất. Đòi, chúng bảo thích lấy, chán chơi, xé, đốt đi rồi. Ngang ngược, láo lếu, và mất dạy đến thế là cùng. Thành ra tiếng là sống chung dưới một mái nhà, học cùng một lớp, về chung một lối, mà giữa mấy thằng cháu và ông chú nhỏ thó, không hề có cái tình bằng hữu tưởng là tự nhiên và dễ dàng phải có, là cái tình bằng hữu của tuổi nhỏ. 

Mà Nhị cũng cóc cần. Nhị đã có một người bạn mới. Thân thiết. Đôn hậu. Tử tế. Người đó là chị Thời. Ngày nào Nhị cũng sang chơi bên nhà chị. Ít nhất là một lần. Chiều thứ Bảy, ở cả buổi. Chủ nhật, ở cả ngày. Hồi đầu Nhị còn sợ bà phán không bằng lòng. Chị Thời bảo cứ yên tâm, để chị nói với bà phán. Và chị nói. Và bà phán cũng chỉ phản đối lấy lệ. Lâu dần, gần như là Nhị chuyển dần đời sống của Nhị sang nhà chị, thực hiện một cuộc di cư ngắn sang qua một lòng đường. 

Nhà chị Thời cũng là một ngôi nhà kiểu cổ với những hàng cột lớn, những bờ mái cong trũng, những bức tường rêu phong như những căn nhà cùng phố. Nhưng nó lớn rộng mênh mông. Và thật sạch sẽ, thật yên tĩnh. Chị Thời có hai người anh trai. Họ đã lớn, lấy vợ, cùng đi lập nghiệp ở phương xa, thỉnh thoảng lắm mới trở về vào những ngày giỗ tết. Ngôi nhà thênh thang chỉ có chị Thời sống với người mẹ già. Bà lão đã bảy mươi. Mái tóc bạc trắng. Phong cách thoát tục. Bà cũng hiền hậu, cũng dịu dàng như người con gái. Đôi khi đi qua căn buồng nhỏ kế liền khoảng sân trong, Nhị ngó vào, thấy bà lão ngồi đó, trước một bàn thờ Phật. Chuỗi tràng hạt lần chậm từng hạt trên những ngón tay gầy. Ánh nến lung linh. Hương trầm thơm ngát. Bà lão ngồi tụng kinh hàng giờ, tiếng mõ làm nhịp cho những lời tụng niệm trầm tiếng. Ngoại trừ căn buồng nhỏ ấy, tất cả ngôi nhà trở thành cái thế giới riêng của Nhị. Chị Trầm mến Nhị, khen Nhị hiền lành, ngoan ngoãn, để cho Nhị hoàn toàn tự do. Trưa, bên này mát hơn bên nhà bà phán, Nhị sang đây mà ngủ. Chiều đi học về, chị mới làm xong mẻ bánh quế đó, nhớ sang mà ăn. Chỉ còn bảo quần áo Nhị có đứt khuy, mang sang, chị khâu vá lại cho. Và những bài toán khó, cầm vở sang, chị giải nghĩa cho cách tìm đáp số. Nhị yêu nhất những buổi trưa mùa hè nằm ngủ thiếp đi trên cái ghế ngựa gỗ lim mát lạnh như da người dưới mái nhà đằm đẵm bóng mát của người chị nhân hậu. Ngôi nhà như được che phủ dưới những tàn lá đầy đặc. Không khí ngưng đọng. Phảng phất ở những xóc góc, một thứ bóng tối thân mật. Và trên một nền đá hoa sạch bóng như gương, tròng mắt ngà ngà sắp rơi chìm vào giấc ngủ thơ ngây của Nhị chập chờn cái hình bóng di động uyển chuyển đó của chị Thời, cái hình bóng bao nhiêu buổi trưa hè xưa đã làm cho Nhị yên tâm và sung sướng. 

Sau này, nhớ lại, Nhị mới nhận thức được chị Thời đúng là một điển hình tốt đẹp nhất của người con gái công dung ngôn hạnh, cái khuôn mặt diễm lệ của tâm hồn và đức tính tổng hợp này, bây giờ, Nhị chỉ mới thấy được ngợi ca mơ hồ trong những bài luân lý. Chị Thời giỏi thật. Như Thóc của ba năm tiểu học đứng đầu cả lớp, chị Thời trên mọi mặt của gia chánh và nội trợ đều vượt rất xa, chị Châm, chị Hiền, chị Thảo là mấy người bạn gái cùng phố. Thêu thùa, làm bếp, may vá, ở chị Thời thảy đều là một nghệ thuật tinh diệu. Bây giờ, Nhị đâu có biết. Chỉ nghe thấy chị Châm, chị Hiền, mọi người đều tấm tắc như thế. Người ta còn nói khác nữa. Về chị. Là khéo léo, nết na, công dung thế kia, ngôn hạnh nhường ấy, mà chị Thời, không hiểu bởi một trớ trêu quái gì nào của cảnh ngộ và định mệnh lại không có được cho đời chị một xuân hồng. 

Những người thiếu nữ cùng tuổi lần lượt lên xe hoa về nhà chồng, riêng chị Thời vẫn ở lại với cái thế giới lặng lờ. Hết một mùa mưa. Qua một mùa nắng. Hết một năm này sang một năm khác. Hồi Nhị mới đến ở khu phố, ngôi nhà chị Thời mỗi buổi sáng Chủ nhật là nơi họp mặt của những người bạn chị. Đám bạn gái làm bánh, thêu thùa, đùa cợt với nhau. Căn nhà vang động tiếng cười tiếng nói. Rồi Nhị thấy những khuôn mặt bằng hữu ấy thưa vắng dần. Vào mỗi mùa xuân lại có những đoàn người đầu đội quả song, thắt khăn lưng đỏ đi vào trong phố. Họ đi, nghiêm chỉnh, thành một hàng dài. Họ khiêng những mâm đồng, chất cao có ngọn những chồng bánh bọc giấy kim tuyến, bọc giấy hồng điều đỏ chói. Trẻ con hàng phố đổ ra xem, vỗ tay reo hò: đám cưới, đám cưới. Ít ngày sau, một đoàn xe hòm sơn đen vào theo, cũng nối hàng như đoàn người. Trong khói pháo khét lẹt, trong tiếng pháo ném sự kinh động bàng hoàng vào lòng phố tĩnh mịch là những khuôn mặt hân hoan. Và sau những ngày vui đó, lại mất đi một chị Hiền, chị Lụa. Nhị ở trọ nhà bà phán cả thảy bốn năm. Những người bạn của chị Thời lần lượt lên xe hoa. Đến năm thứ tư, bà phán cũng gả chồng cho chị Châm. Tiệc cưới linh đình có được nhờ ở bàn tay nội trợ tuyệt vời của chị Thời một phần lớn. Chị sang làm giúp gần hết mọi việc. Phút chia tay với bạn, chị Thời từ chối không chịu làm phù dâu – đôi bạn ôm lấy nhau khóc. Đám cưới là vui mà, người lớn bảo thế, sao hai chị lại khóc, Nhị không tài nào hiểu được. Buổi chiều, lòng con phố cổ trở lại quạnh hiu như cũ. Ngôi nhà bà phán vắng tanh buồn rầu. Nhị lại chạy sang nhà chị Thời. Chị không thấy Nhị tới. Chị ngồi đó, bóng tối của buổi chiều phủ dần trên mái tóc, cúi đầu xuống, bất động, đắm chìm, lại lòng tay đưa lên, bưng lấy mặt. Chưa bao giờ Nhị thấy chị Thời buồn như buổi chiều hôm ấy. 

Chị kéo Nhị lại gần: 

“Chị Châm xa chị em chúng mình rồi”. 

Nhị nói, ngớ ngẩn: 

“Lấy chồng thì phải xa”. 

“Em nói đúng lắm”. 

Nhị nghiêng đầu ngẫm nghĩ rồi hỏi chị đột ngột: 

“Còn chị, sao chị không đi lấy chồng?” 

Một nụ cười buồn rầu: 

“Không ai lấy chị hết”. 

Nhị không chịu tin như thế. Lại thơ ngây hỏi: 

“Sao người ta lấy các chị ấy?” 

“Các chị ấy may mắn hơn chị nhiều”. 

Rồi như không muốn kéo dài câu chuyện, không muốn đề cập tới chút nào, chị Thời ngăn lại, chị bảo Nhị còn nhỏ, không nên biết đến chuyện người lớn. Và đứng lên lấy bánh cho Nhị ăn. Điều khác thường là buổi chiều hôm đó, chị Thời còn cho Nhị vào thăm căn buồng riêng của chị. Đó là một căn buồng nhỏ, cũng giống như căn buồng của chị Châm. Nhưng đèn vừa bật sáng, Nhị thoạt bước vào, đã đứng ngẩn người ra. Căn buồng có sự lạ lùng này là trên những vì tường của nó, đều có những tấm hình treo kín khắp. Phải, những tấm hình. Điều làm cho Nhị ngạc nhiên hơn, là những tấm hình đó không phải là hình chị Châm, chị Lụa, mà là những tấm hình tài tử. Những tấm hình tài tử màn bạc. Những tấm hình tài tử chiếu bóng. Chúng thật nhiều. Hàng mấy chục cái, lớn nhỏ đủ cỡ, tấm nào tấm nấy đều được trang trọng lồng kính, và treo đính ngay ngắn lên trường bằng những cái khung da thật đẹp. Và điều ngạc nhiên cuối cùng cho cái khối óc ngây thơ của Nhị: những tấm hình tài tử đó toàn là những tấm hình đàn ông, chứ tuyệt nhiên không có hình của một nữ tài tử nào. 

Trọ học ở tỉnh tới năm thứ tư là năm đó, Nhị đã biết đến cái thú màn bạc. Mê xi nê. Mê lắm. Mê như điếu đổ vậy. Nhưng một cái vé xi nê “đi tuần” bấy giờ với Nhị đã là một chi khoản thật lớn so với nền tài chính eo hẹp của một cậu học trò trọ học. Cha cho có một đồng. Phải tiêu đủ một tháng. Thế đã là nhiều lắm. Nhiều thế chẳng thấm gì. Thằng bò khô, thằng bánh tôm, anh kẹo kéo với cái vòng quay số có cắm một lá cờ nhỏ xíu ở giữa, chú Tầu sực tắc với hai thanh tre va đập lách tách, ông lão sê cấu với những móng tay cáu ghét và cái đèn bão rập rình ánh lửa, đã chia nhau gần hết đồng bạc của Nhị. Lại còn những hòn bi ve. Lại còn những con cù sừng nữa. Chưa giữa tháng, Nhị đã là chú học trò vô sản chính cống. May mà có chị Thời. Chị cho tiền Nhị đi xem xi nê ít nhất một tuần cũng được một lần. 

Nhìn thấy những tấm hình tài tử treo kín khắp ba vì tường phòng ngủ của chị, Nhị sáng mắt ra, như bắt được của. Nhận diện được tức thì đám tài tử là ai. Kia là Robert Taylor, tóc đen như mun, mái tóc lượn sóng. Kia là Tyronne Power, mặc như kiểu hiệp sĩ thế kỷ mười chín, mắt sáng gương, hàm răng trắng bóng, nụ cười mê hoặc. Kìa nữa là Clark Gable, với đường ria chải chuốt. Kia nữa là Franchot Tone, kia nữa là Douglas Fairbank Jr. Có thể nói là tất cả những ngôi sao, những thần tượng, những khuôn mặt mà sau này Nhị được nghe nói như những ước mơ một thời đằm thắm nhất của đàn bà, điều có mặt trong căn buồng riêng của chị Thời. Sưu tập về những tấm hình tài tử này, với Nhị hồi đó, và sau này lớn khôn cũng vậy. Ngoài những tấm hình treo trên tường, chị Thời còn có hàng chục tập album nữa chứ. Riêng Robert Taylor thôi, con số hình đã tới hàng trăm. Những tập album dán hình tài tử của chị Thời cũng là những tập album tuyệt đẹp. Chữ mạ vàng và bìa thì bọc gấm hết. Gấm màu huyết dụ. Gấm màu vàng diệp. Gấm màu xanh nước biển. Và gấm màu bạc, đài các, óng ánh. 

Thật là một khám phá. Một khám phá kinh ngạc. Cái điều cuối cùng làm Nhị ngạc nhiên hơn nữa là chị Thời rất ít có khi đi xem chớp bóng. Đâu như một năm chỉ một vài lần. Vào những dịp lễ tết. Và phải là một phim đặc biệt lắm. Thế thì chị có hàng mấy trăm tấm hình tài tử treo đính kín khắp trước tầm mắt, đầy đặc trong căn buồng riêng của chị như thế để làm gì? Nhị hỏi: 

“Chị thích xi nê lắm hả?” 

“Vừa thôi”. 

Thích vừa thôi. Chỉ thích, chỉ mê những tấm hình. Lại là một bí mật ở ngoài tầm hiểu biết thơ dại của Nhị. 

“Thích để làm gì?” 

“Chẳng để làm gì hết”. 

Và chị Thời xoa đầu Nhị, giọng chị bất chợt trang nghiêm, mơ màng, như nói với một người lớn: 

“Một người đàn bà như chị chỉ còn những tấm hình này”. 

“Em không hiểu”. 

“Lớn lên, rồi em sẽ hiểu. Thôi đi ra”. 


*

Giã từ lòng phố cũ, những bờ mái cong trũng mang cái linh hồn hắt hiu phai tàn của nhiều mùa lá rụng, giã từ vòm trời tỉnh nhỏ khuất lùi sau những mưa phùn và sương mù quá khứ, sóng đời từng lớp dồn đẩy chú nhỏ đến những bến bờ khác, sáng tươi hơn. Không bao giờ Nhị còn có dịp trở lại nơi chốn đánh dấu cho bốn năm bỡ ngỡ dưới những ánh điện đường phường phố. Châm đi lấy chồng. Ông phán phải đổi lên mạn ngược, mang theo gia đình theo. Một cuối năm nào đó, giữa chiến tranh kín trùm, Nhị được tin bà phán tạ thế. Con phố cũ, cái thế giới lặng lờ khuất tịch, vòm trời tỉnh lẻ buồn rầu, với Nhị là đã chặt đứt mọi liên lạc. Lắm lúc muốn tưởng nhớ lại, Nhị cũng chỉ còn thấy thấp thoáng hiện lên trong một hồi tưởng trùng, nhòa, ít nhiều ảnh hình lãng đãng. Nhưng chị Thời thì Nhị không quên được. Người thiếu nữ xấu số vì lỡ hết mọi chuyến xe hoa chạy qua cái ga sầu không bao giờ được thấy đỏ chói một trận mưa hoa là cái màu hồng pháo cưới lại chính là một mặt trời của kỷ niệm, đóa mặt trời dịu dàng ấy còn sáng chói mãi mãi trong trí nhớ. Nhị vẫn ước mong được gặp lại chị Thời, ít nhất cũng một lần. Nhưng người ta nói gia đình chị cũng không còn ở địa chỉ cũ. Cái số chị Thời lận đận, trôi dạt. Nhớ đến chị Thời, Nhị lại nhớ đến ngôi nhà ngày xưa. Khoảng sân sau rêu phong. Cái bể non bộ và những chậu cây cảnh. Người mẹ già, bàn thờ Phật. Hương trầm thơm và ánh nến lung linh. Những buổi trưa mùa hè, bóng tối làm thành bóng mát, khuôn mặt dịu dàng của chị Thời ở đó, nghiêng xuống giấc ngủ thơ ngây của đứa nhỏ xa nhà. Và tiếng nói của chị, êm ái. Và những tấm hình của chị. “Chị chỉ còn những tấm hình ấy. Để sống. Lớn lên, sau này em sẽ hiểu”. Nhị đã lớn. Nhị đã hiểu. Những tấm hình tài tử ấy là tổng hợp cho một khuôn mặt đàn ông mơ tưởng không bao giờ trở thành sự thật cho đời chị. Nàng công chúa buồn vẫn ở trên cái tháp lạnh và cô đơn của tòa lâu đài kia. Những mùa xuân đã tới. Rồi qua. Hoa nở trong nội. Bướm bay trên đồng. Những chiếc xe hoa. Màu hồng của pháo cưới. Nhưng với chị Thời, không một chàng hiệp sĩ nào tới trước cửa lâu đài với con ngựa trắng. Và nàng công chúa phiền muộn vẫn sống với giấc mơ không bao giờ thành tựu của mình. Rồi những tấm hình cũng phải úa một ngày. Chị Thời ở đâu bây giờ? Dạt tới một bến bờ nào? Nhị hỏi thăm chị đó. Chúc chị may mắn. Chúc chị sung sướng. Chúc chị thế nào rồi cũng có một mùa xuân, dẫu chỉ là một mùa xuân thật muộn. 


Mai Thảo
Chuyến tàu trên sông Hồng. Tuổi Ngọc xuất bản, 1969