có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 8 14, 2014

Mất cả một bầu trời




Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
(Thanh Tịnh)

Có những câu thơ kỳ lạ vô cùng, nó nằm sâu trong tiềm thức. Đọc một lần tưởng chừng như quên mất. Bỗng một hôm bừng dậy rõ nét. Thơ cũng là một Pháp, nhìn trên khía cạnh hiện tượng học. Phải đủ duyên mới hiện diện. Câu thơ trên của Thanh Tịnh hay quá, phổ cập quá, tác giả Nhất Hạnh trích lại nguyên bài trong đoạn đầu đoản văn Bông Hồng Cài Áo, dễ khơi dậy ngay niềm rúng động đối tất cả mọi người.

Tin mẹ mất đã hai hôm rồi từ quê nhà đến với tôi. Không hoảng hốt, không ngạc nhiên giật mình khi nhận được email Thắng gửi. Chỉ một chút lặng người đi rồi bình tĩnh ngay lại, dường như tôi đã sẵn sàng đón nhận tin này từ lâu nay. Từ năm ngoái, khi về quê thăm mẹ lần cuối. Mẹ đã quên hết, quên sạch rồi. Ngay cả đứa con yêu của mẹ, bà cũng không còn nhớ nữa.

Tôi đợi, phải tôi đợi từ năm ngoái. Tôi trông, phải tôi trông từ năm ngoái. Không giống như những buổi chiều hiu hắt trong thời thơ ấu, hình ảnh đứa bé con là tôi đứng ở khóm tre đầu ngõ mặt buồn rượi nhìn con đường làng hun hút xa nhoè hình bóng mẹ đi chợ Hôm, sao mãi chưa thấy về. Bây giờ mặt không buồn xo nữa, lòng rõ ràng, không còn hoang mang nữa. Tin tới, tôi có lặng đi vài giây, nghĩ rằng ừ bây giờ mẹ đi thật rồi đây, và thấy bóng dáng mẹ nhoè hẳn vào vô thường, nhưng lòng an nhiên không ảo não nữa, không mong mẹ trở về nữa. Thời nhỏ chưa hiểu biết, tôi buồn, buồn ghê gớm mỗi khi xa mẹ. Bây giờ lớn rồi, 65 tuổi đầu rồi, thấy rõ sanh tử, chia ly là chuyện hẳn nhiên sẽ đến, phải đến, nên tâm hồn an tĩnh lạ thường. Tôi sắp đặt công việc, chuẩn bị mua vé máy bay về quê tiễn đưa mẹ lần cuối.

Tôi email ngay lại cho Thắng, như đã dặn dò năm trước về thăm, rằng không có gì thay đổi, cứ như vậy mà làm. Đừng đợi tôi về, cứ theo đúng thủ tục làng xã hiện nay chỉ để một hôm rồi hôm sau đem chôn. Tôi có mua vé máy bay về ngay thì cũng phải 1 tuần sau mới đến nơi, chỉ kịp thỉnh xin quý thầy Trúc Lâm Sùng Phúc về làm lễ đúng Tuần Thất thứ nhất cầu siêu cho Mẹ.

Có một điều rất lạ, tôi dọn về Hải Ngạn Am, Oceanside được hơn 2 năm, chỉ chăm bón được vài chậu cây cảnh, loại có hoa hay bonsai mà thôi, chứ không thích trồng cây ăn trái. Mẹ tôi thì ngược lại. Hoa hoét là đồ xa xỉ phẩm, tốn công tốn của, chẳng ăn được vào mồm cái gì. Bà thường nói giọng quê mùa như thế. Nhà cũ trên Los Angeles đất sau vườn rộng, tôi đào một khoanh ao nhỏ thả vài ngọn sen hồng, dựng nhà thuỷ tạ một cột. Còn lại để mẹ toàn quyền trồng hàng trăm thứ cây ăn trái. Bà trồng vô thứ tự, không hàng lối gì sất. Năm bẩy cây ổi xá lị, gần chục cây mảng cầu xiêm, giống Mễ tây cơ. Đào, mận, hồng dòn, táo tầu, táo Mỹ, cam, chanh. Bưởi bốn năm cây, tưới nước mệt nghỉ. Vào vườn phải khom người, tránh va đầu vào cây trái lủng liểng. Lắm khi va phải gai bưởi sước trán, chảy máu đầu như bỡn.

Tôi chán cái vườn của bà, mất trật tự, tốn nước, tốn phân. Nay lại, tuần này anh mua cho mẹ ít bao phân bò, tuần sau lại mua cho mẹ bao phân trấu gà, mẹ trồng liếp rau, bụi ngò, húng thơm, cây tía tô nấu giả ốc cho mà ăn. Quên thì mẹ nói cho nhức cả đầu. Cãi thì bà bực mình gắt, thế đứa nào vừa ăn cả bát canh cà bát rau tía tô vừa rồi đấy? Tôi dỗi lên lầu đóng cửa phòng xem TV thì bà im, chiều mai đi làm về lại nghe nói tiếp.

Thế cho nên dọn về nhà mới một mình không có mẹ, tôi chỉ trồng mấy chậu cây cảnh cho vui mắt, hưởng cảnh nhàn nhã, không phải lao động nhiều. Năm trước đi chợ Tết, hứng lên bắt chước người bạn, rước một chậu cây quất trái sai chi chít về nhà chưng nhân dịp Tết. Đầu tháng 7 mùa hè này, hai hôm trước cây đang xanh tươi mơn mởn, buổi chiều bỗng lác đác rụng lá. Tôi đồ rằng mấy hôm ấy nắng gắt, mình quên tưới chăng.

Chập tối sau khi tưới vội, cây rụng lá nhiều hơn. Thôi để sáng mai chắc xanh tươi lại chứ gì. Cái giống citrus này ở California mạnh như vâm, lo ngại gì. Sáng mai pha ly café ra sân ngồi, thăm cây quất, thấy càng khô héo hơn. Lấy tay động thử vào thân cây, tất cả lá còn lại đồng loạt rụng sạch, trơ cành như xương khô thảm hại. Tại sao thế, nào tôi có động chạm gì nhà anh, hôm qua chỉ tưới nước và nhổ sạch dúm cỏ dại trong chậu thôi mà. Ngay hôm đó tôi nhận tin email Thắng nói Mẹ tôi mất tính ra hai hôm rồi. Một Pháp hữu ghé thăm, tôi kể lại, rất nhanh đã liên tưởng ngay hai việc làm một, và nói mẹ tôi chỉ yêu cây ăn trái, và cụ báo tin cho tôi bằng cách ứng vào điềm cây rụng lá. Tôi sửng sốt ngẫm lại, quả đúng thật. Có những điều thần giao cách cảm lạ kỳ, khó tin nhưng có thật, xảy ra ngay trước mắt, thuộc loại nan tư nghì. Chiều đến tôi ngồi bên gốc cây, rưng rưng nghĩ về mẹ. Và tôi vào trong nhà thắp 3 nén nhang, ra cắm trong chậu bên gốc cây, nói thầm như nói với mẹ, Con biết rồi, và nếu đúng là mẹ báo tin, thì đầu óc mẹ hết alzheimer, đã tỉnh táo lại rồi, mẹ cứ thanh thản ra đi.

Con sẽ đọc cho mẹ biến “Tâm Kinh Trí Tuệ Bát Nhã Rộng Lớn”, để mẹ cố gắng nhớ lại, thân này là giả tạm, tứ đại Đất Nước Gió Lửa đủ duyên nên hợp thành. Nay hết duyên thì tan rã, mẹ đừng bám víu vào nó nữa. Thần thức mẹ phải luôn luôn tỉnh thức mà biết rằng mẹ suốt đời khổ đau, chồng bỏ từ thời hai mươi bảy tuổi đầu, ở vậy thắt lưng buộc bụng nuôi con, trả cái nghiệp nặng nề gây ra trong quá khứ, khi về già được hưởng phước báu, gần gũi pháp Phật, dứt bỏ thế gian mà đi tu làm Sa Di được 12 năm rồi.

Nay hết duyên ra đi, đừng luyến tiếc gì nữa mẹ nhá. Thân này là thân giả tạm, như manh áo cũ mục, hãy bỏ lại tìm manh áo mới, tìm Pháp phục Như Lai mà mặc, sân si giận hờn bỏ hết, đừng ôm giữ nữa, mới nhẹ lòng theo về cõi Phật được. Vì nếu lúc ra đi mà còn phẫn uất sân hận thì hoá vào làm ma quỷ mà thôi. Ngay đến tình chồng, vợ nọ con kia, làm dang dở cả đời mẹ, cũng chỉ là mối dây oan trái, giả trá không thật. Ngay cả con dại cái mang này cũng chỉ là giả trá không thật. Đã hết duyên rồi đừng níu kéo thương tiếc, thì mới thanh thản mà ra đi. Phước báu cuối đời sẽ đưa mẹ về vui cảnh Phật. Hễ còn níu kéo thương tiếc thì còn lụy mãi vào vòng khổ đau. Nghiệp chướng mẹ hãy rũ sạch, hãy lắng thần thức cho an tịch, buông bỏ hết thảy. Nếu còn chút nghiệp cũ phải đa mang, hãy nhớ đến phước báu của mình 12 năm xuất gia là nhân đã gieo trồng, tìm chỗ gia đình đạo đức tốt đẹp phù hợp gá thân, tiếp tục tu tập cho đến lúc giải thoát. Mẹ ơi, hãy học hạnh Quán Tự Tại Bồ Tát, lúc nào cũng phải hành trì, tưởng nhớ đến Trí Tuệ Bát Nhã thâm sâu, biết rõ ngũ uẩn đều Không, mới có công năng đưa mẹ thoát hẳn khổ đau, về được bên kia bến bờ giải thoát. Không có gì khác, hay ai khác làm cho mẹ giải thoát được. Mẹ nhớ kỹ điều đó. Còn lại mọi thứ buông bỏ hết. Thứ gì cũng là giả tạm. Chỉ một thứ thật, là cái Trí Huệ Bát Nhã kia thôi. Vì Trí tuệ Bát Nhã mẹ thường tụng đọc, chỉ rõ ra rằng: “chiếu kiến ngũ uẩn giai Không độ nhất thiết khổ ách”. Điều đó mới giúp mẹ vượt qua được mọi khổ đau ách nạn. Mẹ là người thông minh, thuộc Kinh Phật làu làu mà, con nhắc để mẹ luôn nhớ, hành sâu đoạn kinh ấy.

Xuống phi trường Nội Bài vào buổi trưa mồng 8 tháng 7 giữa mùa Hạ, nắng gắt, tôi rảo bước về phía chỗ xe buýt đậu đưa khách vào trung tâm thành phố. Xe đổ tôi xuống gần cửa Nam. Không có gì vội vã, tôi tìm một quán nước dưới tàn cây rợp, uống một ly caphê đá, rồi thuê xe ôm sang bên kia quận Long Biên, về chùa Sùng Phúc vào xế trưa. Thầy tri khách xếp cho tôi nghỉ trong 1 căn phòng trống trên tầng lầu hai chờ thầy Trụ Trì đi Phật sự chưa về. Hai hôm sau tôi thỉnh quý Thầy về quê làm lễ cầu siêu cho mẹ nhân Tuần Thất thứ nhất. Quý thầy đều cảm thương và hoan hỉ nhận lời. Thầy Trụ Trì Tâm Thuần ân cần nắm mãi tay tôi không rời, nhưng thấy thầy Phật sự đa đoan, tôi chỉ xin thầy phó Trụ trì Tỉnh Thiền, Thầy tri sự Huệ Đăng lái xe, và thầy Thiện Tài rành nghi thức Tịnh độ cúng vong cùng về. Bốn thầy trò cùng nhau ngồi xe mang huy hiệu chùa Sùng Phúc khởi hành vào sáng sớm mồng mười từ Gia Lâm Hà Nội trực chỉ Thái Bình. Thầy Thiện Tài chu đáo đem theo cho mượn cả tượng Phật A Di Đà để về quê thiết lập bàn thờ Phật.

Lễ tất, Sư cô Diệu Hiền trú trì chùa Đông Khánh, kế bên nhà Thắng thỉnh mời quý Thầy sang chùa độ ngọ. Hoá ra quý thầy chùa Trúc Lâm Sùng Phúc thường về chùa vùng quê tôi giảng Pháp, độ chúng, vì lần này do tôi chỉ đường khác vào làng nên quý thầy không nhận ra cảnh chùa làng quen. Bữa trai cỗ thịnh soạn lạ và ngon miệng vô cùng. Toàn cây nhà lá vườn chùa trồng, những điã rau ngon, ngọt lịm tình quê hương, bản quán, chắc do đích thân bà vãi Thắm và sư cô Diệu Lành trổ tài bếp núc. Nắng trước sân chùa giữa trưa chan hoà rực rỡ. Nhìn ra xa cánh đồng bát ngát đang mùa cấy mạ lấp loáng nước, người dân quê tôi đang khom mình cấy trên những thửa mạ xanh rì, di động như những đốm chấm phá sinh động trên bức hoạ đồng quê thanh bình êm ả. Tôi hít một hơi dài không khí quê hương vào đầy buồng phổi, thấy hạnh phúc cho Mẹ tôi vừa qua đời, thật mãn nguyện như ý muốn của Bà, lúc chết được về nằm giữa cánh đồng mát mẻ trên mảnh đất quê hương, được phúc lớn có quý thầy đang mùa Vu Lan Thắng Hội về tụng kinh cầu siêu nhân Tuần Thất thứ nhất. Trong niềm ân cảm sâu xa, tôi tin biết Giác linh mẹ siêu sanh cảnh tịch lạc.

Theo lời vợ chồng Thắng, đứa cháu con ông Cậu nuôi dưỡng mẹ tôi lúc về già, kể rằng buổi trưa Bà còn ăn 2 chén cơm như thường lệ, vào giường nghỉ trưa một lúc sau Bà kêu mệt, Thắng gọi bác sĩ đến, bắt mạch, khám xét, ông ta nói thôi ở nhà trông nom, Bà sắp đi rồi. Khoảng 2 giờ chiều, mạch yếu dần, Bà nhìn mọi người bà con thân thuộc, láng giềng tề tựu, bình thản, nhìn thằng cu Thành 4 tuổi ngây thơ đứng bên giường, như nó vẫn hay luẩn quẩn bên bà, đút cho bà viên kẹo, cái bánh, mỉm cười với cháu, rồi nấc lên 1 tiếng trên tay vợ Thắng ra đi lúc 2 giờ 07 phút, có đông đủ tình bà con hàng xóm láng giềng thân thương.

Lạ một điều nữa, trước đó mươi ngày, gửi email cho Thắng không thấy trả lời, tôi tự nhiên nóng ruột, viết lá thư gửi bưu điện về cho sư cô Diệu Hiền chùa Đông Khánh, nhờ sang thăm và đưa lá thư ngỏ tôi viết cho vợ chồng Thắng hỏi xem tại sao mấy tháng nay nhận tiền gửi đều đặn mà không thông tin trả lời email cho tôi rõ tình hình sức khoẻ Bà ở nhà ra sao.

Cô vãi Thắm bên chùa kể rằng, thư vừa về đúng chiều hôm đó thì 2 giờ chiều cùng ngày, Bà mất. Sư thầy Nhuận Thuỷ (ngoài Bắc Tỳ Kheo Ni được gọi là Sư Thầy) cùng đệ tử đem thư qua. Cô vãi Thắm ở chùa thuật lại như thế, nhấn mạnh là điều thần giao cách cảm lạ kỳ. Ờ ngoài Bắc, chư Tăng Ni cũng đang trong mùa An cư kiết hạ. Trụ trì và chư Ni khác trong làng phải về trường hạ ngoài chùa huyện Kiến Xương, Thái Bình. Cho nên bỗng nhiên chiều hôm ấy, mẹ tôi có được phước báu nữa là có Sư Thầy Nhuận Thuỷ (Sư cô) ghé ngang chùa, nhân đó nhận lời ủy thác, từ trường hạ về tác lễ khâm liệm cho mẹ tôi. Mẹ được mặc Pháp phục, chít khăn nhà Phật, do dì Lỉnh, chị ruột cậu Hoa, từ tận Biên Hoà, Đồng Nai về quê thăm tháng trước, sắm sẵn cho mẹ tôi. Những phước duyên ấy như được sắp đặt sẵn, mà tôi đứa con bất hiếu ở xa không hay biết, hay làm kịp được chút gì cho mẹ.

Mẹ tôi mất trong vòng tay quyến thuộc, tình làng nghĩa xóm thân thương, cái nghĩa tử là nghĩa tận ở làng quê bao năm nay vẫn tồn tại, đậm đà, thắm thiết, của thôn làng, nhất là của họ ngoại Phạm-Xuân bên mẹ tôi. Bà mãn nguyện về chết trên mảnh đất của cha ông, nằm xuống giữa cánh đồng bát ngát, mát mẻ. Tấm thân tứ đại trong kinh Quy Sơn khởi rõ rằng “Bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cộng thành” nghĩa là tấm thân này khởi có là do tinh cha huyết mẹ hợp nên, mượn các nhân duyên (nương nhờ các duyên) kết hợp mà thành.

Đến khi khôn lớn, lập gia đình sinh con đẻ cái, rồi theo nghiệp báo mà trôi lăn, tha phương cầu thực, chồng bỏ, năm 54 một mình đem con lặn lội vào Nam, cũng chỉ vì quên mình lo cho tương lai của con, mong cho con khôn lớn, thành người. Rồi lại theo con tha phương cầu thực xứ người, lo cho tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Sau đó lại lo dựng vợ gả chồng cho con, quên đi hạnh phúc riêng mình. Chỉ biết vui buồn với hạnh phúc của con, lấy hạnh phúc của con làm hạnh phúc chính mình. Vậy mà đã bao lần tôi ích kỷ trách mẹ, thầm oán trách sự vụng về của mẹ làm tan vỡ hạnh phúc đời tôi. Ôi bây giờ tôi mới nhận ra mình là đứa con đại bất hiếu, cúi đầu hối hận, thỉ mẹ đã qua đời.

Và thấm thía câu thơ Thanh Tịnh mà thầy Nhất Hạnh chép trong Bông Hồng Cài Áo, từ lâu lãng quên bỗng nhiên trở về rõ trong trí nhớ:

Tôi thấy tôi mất mẹ,
Mất cả một bầu trời.

Ngày xưa đọc, tôi thấy câu thơ hay quá, xúc động quá, nhưng nay xúc động giảm nhiều. Hay thì có hay, nhưng mà khách sáo quá. Mất cả bầu trời thì to lớn quá, mơ hồ rộng lớn quá. Làm sao mà sống nổi. Ví von như quả chuối ba hương, như xôi nếp một như đường mía lau thì gần gũi, cụ thể hơn. Nghĩa là mình có thể đòi hỏi, vòi vĩnh bất cứ lúc đói lòng nào. Muốn ăn xôi thì đòi ăn xôi, thèm ăn chuối thì đòi chuối. Tự nhiên không cần biết mẹ có hay không. Hoặc không cần biết mẹ có cho hay không. Nhưng có bao giờ mẹ có mà lại không cho đâu. Tự nhiên như đứa bé, đói lòng là rúc vào vú mẹ. Có bà mẹ nào không cho không? Cứ rúc vào bú cho kiệt ngực mẹ, không cần biết là sữa đầy hay vơi. Nhưng có đứa nào dám vòi vĩnh cha kiểu đó hay không? Luôn e dè sợ sệt. Cha còn lắm khi nói không, chứ mẹ thì luôn cười hiền từ ưng chịu. Chưa vòi đã chiều rồi.

Cho nên người đời mới có câu con hư tại mẹ. Gì cũng đổ lỗi cho mẹ. Mà tất cả cái xấu, cái oan ức mẹ đều vui vẻ nhận hết về phần mình.

Trong bản nhạc phổ thơ Nhất Hạnh, bài Tiếng Gầm Sư Tử Lớn, gồm 5 đoạn nhạc, có đoạn về Mẹ khiến tôi rúng động nhất:

Hôm qua trời dịu nắng
Mẹ vun luống hoa vàng
Lúc nửa đêm mẹ cheat
Hoa vàng lên vàng hoa
Hoa ới.. hoa ơi…

Tiếng kêu hoa ới hoa ơi là tôi thêm vào, gọi hoa mà như gọi mẹ. Mỗi lần hát là tôi tắt giọng nghẹn lời, nước mắt ràn rụa.

Hoa cười mẹ không cười
Không mẹ hay có mẹ
Vẫn đường dài tôi đi
Không mẹ hay có mẹ
Đường tôi đi một mình
Tôi dẫm chân - lún đất
Đất lún vào chân không.

Thầy Nhất Hạnh kể, chị thầy bỏ mẹ đi lấy chồng, cả thầy cũng bỏ mẹ đi tu vì lý tưởng. Mẹ tôi chỉ có mình tôi, thế mà về già tôi cũng không nuôi nổi mẹ, an trí mẹ về quê xưa, mượn người chăm sóc, tôi cũng đi tu vì lý tưởng. Tôi bỏ mẹ mà đi chứ mẹ có bỏ tôi bao giờ. Bây giờ tôi khôn lớn rồi, già dặn rồi, vững chãi trên đường đi một mình mình chọn rồi, mẹ mới thật sự bỏ tôi đi.

Tám năm chuẩn bị, mẹ đòi về sống trên mảnh đất cha ông mình, nhưng cũng là lúc tinh thần mẹ quên quên nhớ nhớ. Thật ra quên lú những chuyện hôm nay, nhưng lại vanh vách nhớ những chuyện ngày xửa ngày xưa. Thắng kể rằng, ái chà bà vẫn nhắc ông Minh chồng nhà bà đẹp trai lắm, có lần tôi về thăm Thắng lư mặt gần bảo, anh Bảo con trai bà về thăm đấy, bà khẽ tát nó và bảo. Đừng hòng phỉnh bà, con giai bà trẻ đẹp chứ cái ông này già thế, không phải. Công an đấy. Nhưng mà ông công an này tốt đáo để, chỉ vào nhà ngồi chơi, cho bà đẫy quà. Năm cuối cùng thì mẹ quên hẳn. Buồn vui giận hờn đã xoá sạch. Thật ra tôi mừng và mong mẹ ra đi thảnh thơi như thế. Nghiệp đã sạch, thần thức tỉnh táo chỉ để vượt ngàn hải lý về ứng vào cây quất trước sân, báo cho đứa con côi cút này biết phút giây ly biệt. Những cây nhang con thắp tàn cong vòng không rụng, mẹ ơi.

Có người bạn Thiện Tri Thức, anh Bs. Đỗ Hồng Ngọc biết tin tôi vừa mất mẹ, viết email gửi nhắc 4 câu kệ trong kinh Đại Niết Bàn, Phật đọc cho ngài Anan trước giờ nhập diệt:

Chư hạnh vô thường
Thị sanh diệt pháp
Sanh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lai

Anh nói, mẹ anh cũng mất mấy năm trước, nhờ bốn câu kệ này, anh giữ được lòng thanh tịnh và đứng vững đôi chân. Cảm ơn người bạn khôn kể đã nhắc nhở. Cũng nhờ vin vào câu kệ tôi cũng mới vững đôi chân trên đường về quê lạy tiễn giác linh mẹ.

Buổi chiều sau lễ cầu siêu, Thắng dẫn tôi ra cánh mả đình Đông đứng trước mộ mẹ, khi gió hiu hiu thổi, thắp 3 nén nhang, cắm lên nấm đất xâm xấp nước ruộng, chợt bồi hồi nhớ bốn câu thơ Thanh Tịnh:

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời

Ít phút tôi trầm tĩnh lại, ngồi xuống vỗ lên nấm đất mộ mới đắp, đọc cho mẹ và chính tôi nghe bài kệ:

Chư hạnh vô thường
Thị sanh diệt pháp
Sanh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc.

Mẹ hiểu lời Khai thị của Phật không, tất cả các pháp, mọi việc trong đời đều vô thường, biến đổi, giả vọng nên có sanh có diệt. Chỉ khi nào sanh diệt diệt rồi, diệt đến cả cái sanh cũng diệt, cái diệt cũng diệt sạch, không một niệm nào, thì mới được thanh tịnh chân thật. Thoát ra khỏi luân hồi này mới là cứu cánh của an lạc thực sự mà thôi. Tịch diệt là Niết Bàn vậy. Mẹ có hiểu như lúc nào vẫn luôn sẵn lòng hiểu con không? Tôi thấy mẹ trong mộ gật đầu.

Và hôm nay, viết những dòng này, con thầm đọc nhắc mẹ câu kinh Bát Nhã, mẹ vẫn quen thuộc, tụng đọc làu làu:

“Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách.”

Luôn thấy biết rõ những giả vọng trong đời, hành trì nhuần nhuyễn đến một lúc sẽ vượt qua được mọi khổ đau ách nạn. Lúc ấy, xá gì đi hay đến, kể gì còn hay mất, mẹ nhỉ.

Câu thơ

Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời

diễn tả được cái đẹp mông lung, thơ dại. Cái đẹp tô điểm cho cuộc đời. Mà cuộc đời không thật. Lấy cái giả này để tô vẽ thêm lên cái giả khác. Khổ đau không thật, hạnh phúc cũng không thật. Cái đẹp, hoá ra cường điệu, hời hợt lắm không..?

Bầu trời chỉ là bóng vẽ trong tâm tưởng. Mất cả bầu trời là bầu trời sụp đổ tan tành còn gì.

Câu thơ này thi sĩ viết lúc còn trẻ, thấy như vậy, đáp ứng được thị hiếu mộng mơ, vỗ về cho đời sống đỡ thảm sầu đi chăng, hay càng cường điệu làm người trong cuộc mịt mờ ảo giác, trĩu nặng thêm niềm đau nỗi nhớ lạc loài?

Con biết, mẹ biết.


Không Hư – Hoàng Quốc Bảo
Hải Ngạn Am, mùa Vu Lan 2014