có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 8 07, 2014

Bùi Đăng người tù chết không nhắm mắt



Nhà văn Bùi Đăng



“…bọn người nghèo đói, lam lũ
và độc ác lén lút mang chiến tranh về làng”
(Bùi Đăng)

Cúi Mặt là truyện dài đầu tay và duy nhất của Bùi Đăng, được tạp chí Bách Khoa đăng liên tục trên 9 số báo, từ số 274 đến số 282.

Ngay sau khi đăng hết chương I, độc giả đã tự hỏi: Bùi Đăng là ai? Ông là một cán binh hồi chánh như Xuân Vũ? Sĩ quan Tổng cục Chiến tranh Chính trị, hay là người trong cuộc? Bởi từ trước đến nay, bút danh này chưa hề xuất hiện trên các trang báo văn học Sài Gòn.


Nhưng, những dòng chữ cuối cùng của Cúi Mặt vừa khép lại trên Bách Khoa, thì ngay sau đó, nhà xuất bản Thái Phương đã nhanh tay giành quyền ấn hành vào đầu năm 1969, và tháng 8 cùng năm, đạo diễn Thân Trọng Kỳ cho quay những cảnh đầu tiên trong Cúi Mặt tại Vũng Tàu, và công chiếu rộng rãi trên cả nước vào đầu năm sau.

Những sự kiện “văn học” dồn dập xoay quanh tác phẩm này, khiến độc giả nghĩ ngay rằng Cúi Mặt là một best seller vào cuối thập niên 60? Thật ra thì số ấn bản không lớn, chỉ khoảng 2.000 bản. Nhưng bởi trước đó, độc giả chỉ được đọc những tác phẩm viết về phận người trong thời chiến, về xã hội của một phần đất nước, chưa có nhà văn nào xới tung lên bộ mặt thật đằng sau cuộc chiến, từ những trại tù binh ở phía bên kia. Người ta tìm đọc để muốn biết xem bản chất của những trại cải tạo nằm sâu trong núi rừng, cùng thân phận những người tù bị giam giữ được đối xử ra sao, có đúng như những lời tuyên truyền của họ không!

Cúi Mặt, khi chuyển thể qua phim, nhà đạo diễn đã lồng vào những chi tiết hơi quá mức so với truyện, nhưng không hề thay đổi nội dung hay đánh tráo, thổi phồng. Điều khác biệt duy nhất là, giữa Cúi Mặt của phim và Cúi Mặt của tiểu thuyết, công chúng yêu nghệ thuật vẫn chọn lựa tập truyện dài chỉ vỏn vẹn gần 200 trang với những tâm trạng âu lo, khắc khoải, những bồn chồn chờ đợi cùng những bệnh tật, cái chết và đói khát thường xuyên diễn ra, mà các diễn viên điện ảnh không thể lột tả hết được. Nói khác là họ chưa nhập vai, chưa được “sống thật” trong cảnh giam cầm của “cách mạng”.

Truyện không có nhân vật trung tâm (Quang chỉ như một người có nhiệm vụ dẫn dắt câu chuyện). Nó là sự xâu chuỗi một tuyến dài các nhân vật của bên này và bên kia, kết cấu theo bản chất truyện kể trong tiểu thuyết. Ở đó, nhà văn miêu tả một cách chân thực và khách quan những gì xảy ra quanh họ: Phía bên này là, những ông Sáu Côn, ông Bốn Trưởng đoàn, ông Tám Lâu, những người cảnh vệ… và bên kia là những Quang, ông Xu, ông Tộ, Hăng, An, Thảo… Tất cả đều bị vây quanh bởi núi rừng ngút ngàn, bởi mưa rừng lạnh ngắt, những cơn đói hành hạ, sự canh giữ, trốn thoát, kỷ luật cùng những cái chết rơi rớt từ từ trước mắt. Họ sống vật vờ trong nỗi thèm khát, cả miếng ăn và sự tự do bình thường của những con người bình thường nhất trong giai đoạn bi thảm cùng cực của dân tộc.

Tất cả bọn họ là những đồng bào ruột thịt của nhau, có khi là đồng hương, có những thói quen, những sinh hoạt đời thường như nhau; chỉ khác nhau ở cái mác cách mạng và phản cách mạng!

Trong truyện, nhà văn cũng không hề đá động đến ý thức chính trị, tức xây dựng những hình mẫu về ý thức hệ (như trong Quần đảo Gulag hay Tầng đầu địa ngục của A. Solzhenitsyn) mà chỉ đưa ra những con người rất bình thường, đang phải chịu án và những người có nhiệm vụ giám sát thi hành án. Các nhân vật bị coi “có tội với nhân dân” đều là những người nông dân trong một ngôi làng, một xã nào đó ở một vùng quê tranh tối tranh sáng. Họ bị bắt khi đêm về nhà ngủ với vợ, bị bắt giữa đêm khuya khoắt do bị tình nghi có liên hệ với “địch”… Những điều dễ dàng nhận ra nơi họ, vẫn là sự thật thà, chất phác đúng với bản chất của người nông dân, chỉ biết đến cây cày, con bò, trái cà, dây mướp… Khốn thay, do hoàn cảnh xã hội đưa đẩy nên họ phải vào dân vệ, làm ấp trưởng, nghĩa quân… cốt được gần vợ con, gần mảnh vườn, mồ mả ông bà… Ý thức chính trị không hề lộ ra trong tâm trí họ. Họ bị một thế lực như những bóng ma xô đẩy, buộc phải bước tới, phải cầm súng cho, hoặc bên này hoặc bên kia.

Mở đầu câu truyện là hình ảnh của trại cải tạo, không có địa danh, nơi núi rừng heo hút nào đó mà những người tù không thể nhận biết: “Trại được dựng trên một địa thế hiểm trở lưng chừng một ngọn núi đá lởm chởm, gồm tất cả sáu căn nhà sàn cất tạm bợ, nằm rải rác theo sườn núi thoai thoải” (trg 9).

Mặc dầu “trại” được di chuyển nhiều lần, nhưng cái tên gọi vẫn là trung tâm để những người “có tội với nhân dân” luôn phải đối mặt với bao nỗi sợ hãi và những thấp thỏm hy vọng, toan tính… Những ngày tháng của họ là những đói khát và bệnh tật, là núi rừng trùng điệp vây quanh, là những người cảnh vệ tạo một vành đai an ninh từ xa và những khuôn mặt dữ dằn, hằn học của Tám Lâu, Sáu Côn…

Với những người tù, đời sống vật chất tối thiểu bên ngoài đối với họ đã thật sự chấm dứt. Họ thèm thuồng những điều nhỏ nhặt nhất, mà nếu bình thường, không phải trong trại giam, thì vấn đề nhân cách sẽ buộc phải đặt ra. Nhưng trong hoàn cảnh này, “sự đói” phải chạm mặt hàng ngày, dường như không còn xa lạ với họ, càng không hề là mặc cảm để phải xấu hổ; cũng không phải ham muốn thú tính, mà hơn hết là bản năng sinh tồn, là sự sống. Đó là lúc người tù mới có tên Thảo, là dân vệ bị bắt và đưa vào trại. Những người đồng cảnh không hề xin anh ta đường, sữa hay một loại lương thực, thực phẩm nào đó để xoa dịu cái đói mà chỉ hỏi xin thuốc lá! Những ngụm khói tan chảy vào hai buồng phổi như một liều thuốc an thần quí giá, có khả năng xoa dịu thần kinh đang căng thẳng trong cơ thể họ: “Nó quỳ trên hai gối giơ cả hai tay ra trước mặt, miệng lắp bắp: Anh Hai! Tôi điếu anh Hai. Hắn liếc mắt xé vội một miếng giấy. Một vài người khác bu lại, những bàn tay gầy gò xoè ra như áp vào mặt làm hắn phải dướn người về phía sau. Cả một gian phòng lao xao tiếng xin thuốc…” (trg 18).

Những u ám vì bị giam cùm, vì miếng ăn, vì khao khát tự do… trong khung cảnh mù mờ nơi rừng núi thâm u, có vẻ như là một địa ngục có thật trước mắt Quang, Thảo, An, Tộ…: “Ngày như ngắn đi vì những cơn mưa nhỏ về chiều ở miền núi. Qua lỗ hổng của vòm lá, người ta thấy những vầng mây đen mỏng như làn khói bếp đã di chuyển thật nhanh trên một cái nền xám mù mù” (trg 19).

Những người tù “có tội với nhân dân” luôn phải chịu đựng thiếu thốn và khốn khổ. Bữa ăn của họ chỉ là “những thùng bắp vàng ối chia thành nhiều phần bằng nhau”, còn cơm chỉ lơ thơ vài hạt trắng đến nỗi những người tù luôn phải tự đánh lừa cảm giác được ăn cơm, bằng cách: “…lấy đũa xúc xúc cho những hột cơm lộn xuống dưới, như vậy lúc ăn gần hết, Quang có cái thú được nhai một miếng cơm lớn không lộn bắp” (trg 19).

Cảnh ăn uống đói khát thường xuyên trong trại, khiến người tù luôn có những liên tưởng và so sánh: “Cơm ở nhà có rau, có mướp luộc, có cá đồng nấu canh bầu, có tôm rim…” (trg 42). Thật ra thì chín phần bắp, một phần gạo cũng đã là quý, vì ít ra, nếu không có nhiều chất bổ dưỡng thì cũng làm đầy được cái cái bao tử, hãm bớt sự kêu réo cồn cào. Vì sau đó không lâu, có tiếng súng nổ xa xa, đại bác câu về và có kẻ trốn trại, thì “trại” được lệnh di chuyển ngay trong mùa mưa. Đây mới thực sự là màn chính của nỗi khổ của sự đói khát. Đường dây tiếp tế bị cắt đứt, đồng nghĩa với khẩu phần hàng ngày cũng bị cắt theo tạo thành hiệu ứng khốn khổ cho những cái bao tử vốn dĩ lép kẹp, càng trống lép hơn: Mỗi ngày chỉ còn được chén cháo loãng; củi ướt không thể đun nấu nên cái phần bắp độn cũng không thể nhai sống; rồi phần lương thực dự trữ cũng cạn dần, thay vì chín phần bắp một phần gạo thì giờ đây phải thay thế bằng những cọng mương dóc và củ đác!

Với khẩu phần cháo thì: “Buổi sáng với 100gr gạo mỗi ngày được hai lưng chén; nhưng buổi chiều với 50gr còn lại, người ta chỉ húp một hơi dài là hết cả phần ăn. Ngày đầu tiên người ta thấy đói và tưởng mỗi người có thể ăn được đến cả chục phần ăn; ngày thứ hai người ta mới nhận ra cái cảm giác đã có ngày hôm qua là điều không thực. Cái đói khác hơn trước nhiều, ruột gan cồn cào như có cả ngàn con kiến đang bò, mắt mũi hoa lên, người váng vất trong một thứ cảm giác khó chịu của sự mệt mỏi. Sang ngày thứ ba thì cơn đói thực sự trở thành kẻ thù ghê gớm. Tay chân như mất hết hơi sức, người nọ ngồi giương mắt nhìn người kia chẳng ai buồn mó máy gì cả” (trg 57-58). Nhưng khi gạo không còn để nấu cháo thì phải chuyển qua cây rừng, cái đói càng tệ hại hơn: “Ăn cháo thì bao giờ cũng không vững dạ bằng cơm, cái giống mương dóc lại mau tiêu, ăn vô đi đái vài lần là hết” (trg 97).

Cũng có lúc cả trại được một bữa cải thiện, nhưng rất hiếm hoi, chỉ có trong ngày lễ trọng duy nhất: “Buổi chiều, đoàn người xẻ trâu trở về. Lúc bốn cái đùi trâu dựng ở vách bếp sừng sững như những đoạn gỗ đen thì trại ồn gần giống như cái chợ… Một toán đàn ông được chỉ định làm bếp. Trại vui như hội. Tiếng nồi niêu va nhau. Tiếng dao chặt chí chát vang cả một góc trại” (trg 148). Và cái cảnh thiên đường của sự ăn uống cũng đến với đám tù đói khát kia: “Sau nhiều tháng ăn cháo với muối, mọi người đều không giấu được vẻ thèm thuồng, lúng búng nhai từng miếng thịt không buồn nuốt, ngâm nga như muốn kéo dài hương vị béo ngậy của miếng thịt trên lưỡi” (trg 149). Đó là những gì họ được hưởng, lần cuối cùng. Vì sau đó, mọi sự đều trở lại trật tự cũ của một trại giam nơi núi rừng heo hút, xa thăm thẳm!

Sống trong cảnh cùng tận ấy, người tù chỉ còn có khái niệm duy nhất là cố gắng tự bảo vệ lấy bản thân. Nhưng còn có một loại bảo vệ chặt chẽ hơn: Bên ngoài là mìn bẫy giăng giáp vòng, xa hơn là vòng đai cảnh vệ và bên trong trại là cảnh: “Buổi tối, còng được khóa kỹ hơn, dây cột cũng thu ngắn lại, người nọ cách người kia một đoạn dây không dài quá một gang tay” (trg 20). Vì vậy ý định đào thoát luôn được nhen nhúm và luôn bị dập tắt. Không ít những vụ vượt ngục đã xảy ra và hậu quả thì vô cùng dã man như cảnh xử tội thời Trung cổ: “…thằng Nghĩa bị cột thành từng vòng vào gốc cây, quần áo bê bết máu, mặt tím bầm, những sợi tóc đọng máu bết vào trán lại lởn vởn hiện ra trong trí Quang như còn ngửi thấy mùi máu tanh đến lợm giọng khi những người cảnh vệ dẫn nó đi từng vòng qua mặt bọn tù nhân. Những cánh tay vung lên, những viên đá rơi tới tấp trên người xé toang từng mảnh áo và ở một đầu dây kéo, thằng Nghĩa gục xuống, oằn người lên như một con giun bị xéo dưới gót giày. Cái chết của thằng Nghĩa như một gáo nước lạnh dập tắt những hy vọng tẩu thoát…” (trg 27).

Những cảnh tượng hãi hùng như vậy, “trại” buộc mọi người phải chứng kiến, phải lên tiếng đả đảo những tên phản động. Và mặc dù được cảnh báo rằng: “…có những tên vẫn còn nuôi những âm mưu tẩu thoát nhưng chưa có cơ hội. Tôi nói thiệt, đứa nào có gan cứ chạy. Miền Nam còn có cả 14 triệu dân chống Mỹ. Chết đi một vài chục thằng bán nước đâu có nghĩa lý gì” (trg 63). “14 triệu dân chống Mỹ” chưa biết thật giả thế nào, nhưng chuyện đào thoát thì vẫn cứ tiếp diễn dẫu biết rằng cơ hội được tự do chỉ là phần rất nhỏ của thần may mắn. Bị bắt, bị gông cùm, bị hành khổ, thậm chí là cái chết, họ đều rõ hơn ai hết, nhưng hễ có cơ hội là họ lại tìm cách trốn. Đó là sự phản kháng cuối cùng trong sức mòn lực kiệt của họ. Sau cái chết của Nghĩa (vượt ngục không thành) lại đến lượt Chỉnh. Và số phận cũng không hơn gì Nghĩa: “Đả đảo tên Đặng Chỉnh phản động. Đả đảo! 

Tiếng gào thét như vọng đến tận những cánh rừng chung quanh. Thằng Ngươn cầm một cục đá lớn ném vào giữa mặt xác chết. Ông Sáu lùi ra chỗ khác tránh những hòn đá tới tấp bay đến. Xác thằng Chỉnh xoay trên đầu dây. Mái tóc ướt bết vào da đầu, bên mang tai một lỗ thủng lớn sâu hút vào” (trg 63).

Nếu có thể gọi những cái chết như của Nghĩa, Chỉnh là tích cực trong nỗ lực vùng vẫy cuối cùng của thân phận người tù cải tạo, thì cũng có những cái chết âm thầm hơn nhưng không kém phần thê thảm. Những cái chết này, chính là sức lực bị gặm mòn, sơn lam chướng khí tấn công, dồn thành bệnh tật. Cái chết của họ không ồn ào để trút bỏ ngay tức khắc mọi khổ ải, mà ngược lại cái âm thầm kia mới chính là sự đau đớn kéo dài, hành hạ trên tấm thân chỉ còn da bọc xương của họ: “Hai người đàn ông khiêng cái võng cụ Chắc bắt đầu bọc hai đầu đòn lên vai. Quang nhìn hai cái bàn chân xương xẩu của cụ ló ra ngoài, tự hỏi không hiểu cách mạng bắt một cụ già lụ khụ như vậy để làm gì… Người cụ gầy đét nằm lọt thỏm trong chiếc võng bố trông như một khúc cây khẳng khiu” (trg 39-40).

Sau cái chết của cụ Chắc lại đến cái chết của ông Xu: “Ông Xu lặp đi lặp lại một câu chỉ có nửa chừng. Tiếng nói thoát ra thành những âm thanh chối tai, ngọng nghịu: “đừ…ừng…bán… con… bò… nhớ”. Đột nhiên ông nhăn mặt, câu nói ngừng lại ở chữ “nhớ” và ông la lên: “Ớ… ớ… ớ…”. Tiếng la lớn tưởng như vọng tới tận nhà cơ quan, mỗi lúc một thảm thiết như tiếng một con heo bị chọc tiết… Người ông Xu cứng đơ như một khúc gỗ, những ngón tay cong quắp lại, khô đen như vuốt nhọn một loài chim. Quang giơ tay vuốt nhẹ trên mi mắt người chết” (trg 106-107). 

Trong trại cải tạo, những người “có tội với nhân dân” không chỉ phải chống chọi với đói khát, bệnh tật, cái chết… suy nghĩ về miếng ăn, cách nào để mau trở về với vợ con, sum họp cùng gia đình, mà họ còn phải nghe nhiều lần những lời giáo huấn mẫu mực sắp đặt sẵn trong đầu cán bộ cải huấn như một bài học thuộc lòng: “Bà con đây ít nhiều đều là những người có tội với nhân dân, được nhân dân đưa đi cải tạo để rửa sạch những lỗi lầm đó. Bà con đừng thấy những khó khăn của cách mạng gặp phải ngày hôm nay mà đã vội dao động tư tưởng để nghĩ rằng cách mạng đã thua. Bà con lầm… tụi Mỹ nó đã kéo mấy trăm ngàn quân để uy hiếp quân dân ta. Tạm thời trước cái đông đảo của nó ta phải tạm lùi… Cách mạng lùi một bước để tiến tới hai bước… Dãy Trường Sơn còn cách mạng còn. Cách mạng còn, đất nước không thể nào rơi vào vòng nô lệ được… Trong cái lúc khổ sở, thiếu thốn này bà con cần phải khắc phục để thể hiện lòng ăn năn hối cải của mình… Nhưng lỗi đó đâu phải tại cách mạng, lỗi đó do tụi giặc gây ra cho bà con. Bà con phải căm hờn tụi Mỹ mới phải ” (trg 36-38).

Chấm dứt lời giáo huấn là hiệu ứng sắp đặt với hàng trăm cánh tay giơ lên, là tiếng gào “đả đảo, đả đảo” vang động núi rừng. Những cánh tay vung lên và những cái miệng há to ra đó, có phải là đã thấm nhuần, dấy lên lòng căm hờn thật sự hay chỉ là những phản xạ tự nhiên, hình thức phản ứng theo bầy đàn? Và liền theo đó, trong tận cùng đáy lòng, người tù không hề tin, không mảy may tin vào lời hô hào của cán bộ: “Này, thằng Sáu Côn, tao oán thù cách mạng lắm, tao tin là tụi Mỹ nó sẽ bắn tao ở bãi rừng nhưng không đời nào tao tin được cái miệng của mày, mày đã bỏ đói chúng tao” (trg 38).

Nhưng đó cũng chỉ là những suy nghĩ trong đầu, một sự phản kháng yếu ớt, tiêu cực trong hoàn cảnh không thể làm gì khác hơn. Biết là không thể làm gì, nhưng vẫn phải chịu đựng, vẫn phải tiếp tục chứng kiến những cảnh đau lòng xảy ra như cơm bữa, để sau đó, họ tự hỏi số phận của mình sẽ ra sao?

Chưa biết bao giờ sẽ đến lượt những người tù cải tạo khác. Nhưng những lúc tận mắt nhìn và nghe thấy những cảnh tượng hãi hùng kia, họ luôn tự nhủ phải giữ gìn thân thể để đợi ngày về. Họ luôn cảm thấy xót xa khi có sự mất mát một chút nhỏ trong cơ thể mình: “Quang cúi xuống thấy một đường máu dài chảy xuống tận mắt cá. Quang tiếc rẻ nghĩ: “Chỗ máu này là bao nhiêu chất bổ thật uổng, ta đang cần sức để sống đến ngày về” (trg 42).

Bình thường, một chút máu đó có lẽ không thấm tháp gì. Nhưng trong tình cảnh này đúng là quý; vì chỉ một sơ sẩy, chỉ một chút lơ đễnh, coi thường thì không biết điều gì sẽ xảy ra? Nó không báo trước cho ai, nhưng luôn treo lơ lửng trước mặt: “Thảo không đáp, cong người gập lại rên ư ử như một con chó con.

Đột nhiên Thảo ưỡn người la lớn: Anh Năm, bứt rồi, tôi bứt rồi! Mùi phân xông lên ngột ngạt. Nhiều người tỉnh dậy chửi thề, nhổ nước miếng phì phì xuống sạp… Mùi hôi thối xen lẫn vị tanh tưởi làm Quang buồn nôn. Anh Năm Sự lại cởi dây cho Thảo dọn dẹp chỗ nằm. Thảo thay quần vò viên vất qua khe sạp… Đột nhiên mặt Thảo xịu lại, thở dài: Bây giờ tao mệt hết sức. Ớn quá, chắc rồi tao cũng theo ông Xu… Ngộ nhỡ tao chết mày kiếm con Tư nói cho nó biết tao vẫn thương nó. Biểu nó cứ đi lấy chồng. Nếu chết vào giờ linh tao sẽ phù hộ cho nó và bà già tao… À mà mày nữa chứ, nhớ nghe!” (trg 117-118).

Cái cảnh của Thảo chỉ mới là sự khởi đầu, báo hiệu cho những tồi tệ hơn về sức khỏe, vì sau đó không lâu, cả trại đều bị chứng kiết lỵ: “…bệnh kiết lỵ lan rộng. Suốt ngày tiếng rên la vang từ đầu này sang đầu khác. Khoảng đất đi cầu bừa bãi phân người, mặt cỏ vương vãi một thứ phân lỏng lầy nhầy như mũi có lẫn máu đỏ… Tai họa như một cái nón chụp xuống, người ta chỉ có thể vùng vẫy ở bên trong. Số người chết mỗi ngày một nhiều” (trg 141).

Và rồi cái anh dân vệ Thảo bị bắt ở đầu truyện cũng chịu chung số phận với lão Chắc, ông Tám Xu… “Quang ngừng lại khi hơi thở muốn tắt và mắt hoa lên. An đỡ lấy cây cuốc, Quang ra ngồi cạnh xác Thảo thở hổn hển. Quang luồn tay qua khe hở của lớp cây bó, xoa xoa trên người bạn…Thảo ơi! Tao phải đào cho mày một cái hố thật sâu, tao phải đào cho mày” (trg 143-144).

Hầu như ai cũng định vị cho phần số của mình trong những giây phút chao lòng. Bởi thất vọng rồi hy vọng cứ trộn lẫn, đan xen vào nhau giống như cây đuốc trước ngọn gió, lúc thì bùng cháy dữ dội, lúc thì lay lắt như sắp tắt lụi. Sự sống và cái chết, tự do và ngục tù giờ này không tự họ quyết định được, bởi những “tội lỗi” họ phải mang lên người là những vết nhơ cần phải được cách mạng tẩy rửa, giáo dục. Trong số những người “có tội với nhân dân với cách mạng”, không chỉ có đám xã ấp, dân vệ mà còn có cả những người phụ nữ nông dân ít học, cái đám ngồi lê đôi mách, lẻo mép hay ngoan cố không chịu đóng góp củ khoai, trái bí, lon gạo đánh Mỹ… Ai cũng tin mình thành khẩn, ăn năn, ai cũng nghĩ mình đã giác ngộ… nhưng “Cơ quan” thì không, vì cái đám ngoan cố phản động kia, từ đầu tới chân nhìn chỗ nào cũng thấy tội lỗi tày đình. Người lính dân vệ trong guồng máy chiến tranh phải đi hành quân, làm theo lệnh của chỉ huy, của xã trưởng có tội đã đành; đến như hết giờ canh gác đi đánh bài, ăn nhậu, nợ vài trứng vịt lộn cũng thành tội thì cả thế gian này ai cũng có tội cả. Lại có những thứ tội họ không hề gây ra, nhưng “Cơ quan” vẫn bắt phải thú nhận rằng đám dân vệ kia đã từng cướp của, đốt nhà, hãm hiếp cả phụ nữ, trẻ con, đánh đập người già cả…, đều là tay sai đế quốc, chống phá cách mạng, nhân dân! “Đồ bợ đít Mỹ! Đồ ác ôn! Chỉ còn một cách là chặt cái đầu của mày đi mày mới hết ngoan cố. Tao thề là tao sẽ chẳng ân hận một chút nào khi giết mày” (trg 123).

Chết chóc, đói khổ, tra tấn tinh thần… lâu dần thành chai lỳ. Những người sống sót lại bắt đầu hy vọng, đưa ra những dự định mới, những mơ ước mù mịt cứ tưởng như gần ngay trước mặt, có thể sờ nắm được: “Trại này á, sao ông biết được, tụi tôi định nuôi gà, nuôi heo, nuôi chim, nuôi cá, nuôi bò… – Nuôi ngựa, nuôi chó, nuôi mèo – An tiếp… Mình đâu có ham chức này chức nọ, mình chỉ thích có ngôi nhà, miếng ruộng, nuôi vài con gà phòng khi cúng quải. Trong nhà, vợ chồng con cái gần gũi nhau là vui rồi…” (trg 151).

Những ước mơ nhỏ bé vô cùng này xem ra khó lòng thực hiện, bởi những sợi dây trói thắt nút trên tay họ ban ngày và dưới chân ban đêm không được nới lỏng hay tháo ra. Cả hai, mơ ước và gông cùm luôn là nỗi ám ảnh không nguôi. Và để xua đi bóng đen bu ám trong người họ, cả bọn lại quay ra tiếp tục bàn tán về những dự định cho tương lai: “Anh Hai à, mình có thể nuôi cá ở mấy cái mương nước… Thoạt đầu mình kiếm một khoảng đất hoang dựng nhà trên đó. Mình xây một cái giếng, làm một cái vườn. Trong vườn mình trồng cây ăn trái, còn một bên mình nuôi gà khoảng năm sáu tháng là gà bắt đầu đẻ, mình cho ấp khoảng hai trăm con, trứng còn lại mình vừa ăn vừa bán… một năm mình có cỡ hai ngàn con. Mình nuôi chim bồ câu cho nó bay khắp nhà. Bồ câu cũng mau đẻ… Vườn mình trồng cam, mãng cầu, bưởi, mít… Mình cũng để một khoảng đất trống trồng rau, trồng hành, trồng…” (trg 176). Những Quang, Tân, An… say sưa bàn tán, đưa ra những kế hoạch một cách vô tâm, tưởng như họ đang ở chốn quê nhà trong thời yên bình. Nhưng cũng chính ngay lúc đó, một người trong bọn họ đã mang theo những hình ảnh tốt đẹp nhất trong trí tưởng về với thế giới bên kia: “Trong lúc An đương nói thì thằng Tân chợt la lên: Sao vậy? Lạnh ngắt rồi! Nó vất con châu chấu xuống mặt sạp. An xoay người đặt một tay lên ngực Quang, mặt hếch sang một bên, nghiêng nghiêng. Một chút sau, An ngồi ngay ngắn vuốt nhẹ lên mặt Quang… An im lặng gật đầu, giơ tay kéo cái mền lên tận cổ Quang”.

Những người tù cải tạo như ông Chắc, Xu, Thảo, Quang… cùng một số khác đã chết. Và trong cái chết, họ đều mang theo những mơ ước sống mãi với họ. Đó là những cái chết không nhắm mắt, chết nhưng vẫn mang theo bên mình con bò, đàn gà, cây cà, mít, mãng cầu, mương nuôi cá, đàn bồ câu…

Trong truyện dài này, Bùi Đăng đã nhắc đến hàng chục lần hai chữ “Cúi Mặt”, như một thứ tội nợ của những “kẻ gây chiến tranh” bắt họ phải cúi gằm mặt xuống đất, nếu chẳng may lọt vào lỗ hổng đen ngòm những ngụy trá, gian dối.

Ngoài chiến trường có những khốc liệt bi tráng riêng, nhưng trong trại giam chỉ có những cảnh xé lòng. Và dẫu cho nhà văn chỉ phác họa sơ sài vài nét về cảnh cùng khổ của những người tù cải tạo là những người nông dân thuần phác, ở một bình diện hẹp nhưng cũng đủ để người đọc nhìn ra thực chất của một giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc, lẽ ra tất cả mọi người không phải gánh chịu một cách phi lý như vậy.


Nguyễn Lệ Uyên


-------------------------------------------------

Bùi Đăng tên thật là Bùi Đăng Khuê.

Sinh năm 1943 tại Thái Bình, di cư vào Nam năm 1954 cùng với gia đình người bác ruột, sau khi cha mẹ bị đấu tố.

Ông tốt nghiệp trường QGSP Sài Gòn khóa I, dạy học tại Tuy Hoà cùng với Y Uyên từ năm 1964-1967.

Khoảng giữa đầu năm 1967, từ thị xã đến trường ở phía nam sông Đà Rằng, bị VC bắt, đưa lên mật khu giam giữ như một kẻ chống phá cách mạng.

6 tháng sau, trong một đợt hành quân phối hợp, quân đội Đồng Minh đã giải cứu một số tù nhân, trong đó có ông.

Trở về, tiếp tục dạy học sau một thời gian nghỉ dưỡng, rồi bị động viên vào Thủ Đức. Ra chiến trường được vài tháng, được biệt phái về ngành giáo dục. Đến năm 1975, ông bị bắt cải tạo lần nữa và hiện đang sống tại VN.

Cúi Mặt là truyện dài đầu tay và duy nhất của ông được nhà xuất bản Thái Phương, Sài Gòn, ấn hành năm 1969, được đạo diễn Thân Trọng Kỳ chuyển thành phim và công chiếu rộng rãi đầu năm 1970 tại miền Nam.

Cúi Mặt cũng được Thư Quán Bản Thảo, HK, tái bản năm 2010 trong tủ sách Di Sản Văn Chương Miền Nam.


sangtao.org